Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt
Trưa hôm Chủ Nhật 12 tháng 4 vừa qua, Ðại Việt Quốc Dân Ðảng Nam California đã tổ chức một buổi hội luận về "Hậu quả việc khai thác bâu xít ở vùng Tây Nguyên VN và âm mưu chiếm đóng cao nguyên VN của Trung Cộng" tại phòng hội lớn trong khu Civic Center của thị xã Westminster. Buổi hội luận đã được đông đảo đồng hương đến tham dự ngồi kín phòng họp và còn đứng rải rác bên ngoài hội trường. Theo ban tổ chức cho biết thì có rất nhiều đoàn thể đồng hương, tôn giáo và đảng phái có mặt như Việt Nam Quốc Dân Ðảng Thống Nhất, hội cựu tù nhân chính trị, Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Hội Ái hữu Bình Ðịnh, Hội ái hữu Petrus Ký, Cảnh Sát Quốc Gia, Cao Ðài, Tân Ðại Việt, Cộng đồng người Chàm, Hội Ðền Hùng, Hội Quảng Ngãi, hội Võ thuật thế giới, hội Ái Hữu Luật Khoa, Biệt Cách Dù, Quốc Gia Hành Chánh, Nữ Quân Nhân VNCH, Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Ái hữu Quảng Nam-Ðà Nẵng, Liên Minh Dân Chủ VN, Cộng đồng nam Cali, Hội Long Xuyên, Võ Bị Quốc Gia, Phật Giáo Hòa Hảo, Mạng Lưới Nhân Quyền.... và nhiều nhân sĩ trí thức trong cộng đồng cũng đến tham dự.
Ôn Hoa Thế Nhân, một thành viên của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng, điều hợp chương trình đã mở đầu cuộc hội thảo qua những lời chào mừng và bầy tỏ rằng "sự hiện diện đông đảo của đồng hương trong buổi hội luận hôm nay đã thể hiện sự tha thiết của chúng ta đến vận mệnh đất nước và dân tộc".
Tiếp đó, ông Trương Việt Hoàng đại diện ban tổ chức đã lược lại lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam nhưng khi cộng sản đến thì đất nước và dân tộc đã phải chịu biết bao nhiêu đau thương. Nay thì chỉ vì muốn duy trì chế độ cộng sản trên đất nước mà nhà cầm quyền CS đã dâng biển, dâng đất và nay lại dâng cả vùng cao nguyên VN được che đậy là khai thác bâu xít.
Ông Trương Việt Hoàng đặt vấn đề là trước tình trạng này chúng ta phải làm gì và ông cho biết Ðại Việt Quốc Dân Ðảng thấy đây là trách nhiệm chung của con dân Việt nên tổ chức buổi hội luận này để báo động "hiểm họa mất nước rất gần".
Thuyết trình viên Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết tiếp đó đã trình bày gần một tiếng đồng hồ về hậu quả của việc khai thác bâu xít tại cao nguyên trung phần VN.
Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, tốt nghiệp tại Pháp về hóa học cho biết việc khai thác này đã khởi công từ tháng 6 năm 2008 mà cộng sản VN đã giao khoán cho Trung Cộng trong chương trình gọi là "Hợp Tác lâu dài về công nghiệp" giữa hai nước được Nông Ðức Mạnh đã ký kết với Trung Cộng để đẩy mạnh tiến trình này qua các dự án của Trung Cộng.
Về phương diện môi trường, Tiến Sĩ Truyết cho biết việc khai thác này có ảnh hưởng rất tai hại cho dân chúng trong một vùng rộng lớn. Quặng bâu xít là quặng lộ thiên do từ sự phân hóa các chất từ núi lửa phun ra. Việc khai thác không cần đào sâu và có thể chia làm hai giai đoạn là thứ nhất phân tách quặng để có oxyt nhôm và thứ hai là điện phân để tinh chế nhôm. Trong giai đoạn 1 phải dùng đến nước sút để có oxyt nhôm tách ra khỏi những tạp chất sắt, crôm, kẽm và những chất thải. Giai đoạn này chủ yếu là xới đất, nghiền quặng và rửa quặng, không cần đến trình độ cao. Nhưng ở giai đoạn hai, điện phân để tinh chế nhôm thì phải cần đến nền công nghệ cao và một quy trình công nghệ lớn. Cả hai giai đoạn đều gây ô nhiễm môi trường rất lớn vì bụi đỏ từ việc khai thác sẽ bay trong không khí một vùng lớn đồng thời cũng hòa trong nước sông nước suối khi giai đoạn 1 được tiến hành. Kết quả là người dân trong vùng, nhất là các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sẽ phải hít thở bụi đỏ của quặng nhôm khi khai thác. Bụi này theo thời gian sẽ gây ung thư phổi. Các loại cây như cao su, cà phê, trà là nguồn lợi chính của người dân Tây nguyên sẽ giảm năng suất lớn. Việc khai thác quặng bâu xít còn làm mất đi phần đất mầu của Tây Nguyên. Nhìn rộng hơn, bụi đỏ sẽ còn đi vào các mạch nước ngầm khắp nơi và lớp bùn đỏ khai thác trong giai đoạn 1 sẽ làm độc dòng nước sông Ðồng Nai, ngộ độc tôm cá và nguồn nước chính cho toàn miền Ðông nam phần.
Tóm lại việc khai thác bâu xít ở Tây Nguyên VN sẽ ảnh hưởng lớn đến sự sinh sống của người dân, trực tiếp là Tây Nguyên và các tỉnh miền Ðông nam phần. Nó sẽ gây ra tình trạng hủy hoại mô não, làm loãng xương, thiếu máu, làm biến dạng tử cung và có thể là nguyên nhân tạo ra bệnh Parkingson. Nhẹ thì có thể bị chứng chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu hay ngứa ngáy, viêm cuống họng...
Chưa hết, khi bùn đỏ chạy theo các dòng sông ra biển nó còn làm hại đến tôm cá và các sinh vật ngoài biển nữa.
Ðó là về phương diện môi sinh. Về phương diện kinh tế thì việc khai thác bâu xít tại cao nguyên Trung phần không có hiệu quả kinh tế. Hãy làm một con tính để so sánh. Nếu như trồng cao su trong một héc ta đất trung nguyên có thể thu hoạch được 1 tấn 5 mủ bán được 4,500 đô la thì khai thác 1 tấn oxyt nhôm tại đây chỉ bán được có 300 đô la.
Xét về phương diện văn hóa thì khai thác bâu xít tại Tây Nguyên làm diện tích của cao nguyên trung phần VN bị thu hẹp lại khiến đồng bào thiểu số không còn nơi sinh sống.
Vẫn theo Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết khi giai đoạn hai được tiến hành thì phải cần đến một lượng điện lớn để cung cấp cho quy trình kỹ nghệ điện phân tinh chế nhôm. Có thể có hai cách giải quyết, một là dùng điện của hệ thống điện trong nước và hai là Trung Cộng sẽ xây dựng một nhà máy điện khác. Như thế lại thêm cơ hội cho công nhân viên Trung Quốc có mặt trong lãnh thổ VN.
Về điều này, theo Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết thì nó nằm trong quy hoạch của Trung Cộng. Bởi vì song song với việc khai thác bâu xít, Trung Cộng sẽ còn làm hệ thống thiết lộ từ Tây Nguyên ra Bình Thuận, nơi Trung Cộng dự trù xây một hải cảng để chuyển quặng về Trung Quốc tinh chế, xây một hồ nước lớn cho việc khai thác ở giai đoạn 1. Theo Tiến Sĩ Truyết thì đó là mắt xích thứ 8 để Trung Cộng vào VN sau khi đã hoàn tất 7 mắt xích là Xa lộ Trường Sơn, xa lộ số 9, Quốc lộ 14, Quốc lộ 13, Quốc lộ 7 đã hoàn thành, nhà máy lọc dầu Dung Quất, xa lộ Nam Ninh-Hà nội và miễn hộ chiếu cho người Trung Hoa vào VN bất cứ nơi đâu... Trong mạng lưới chằng chịt mà Trung Cộng tiến hành ở Ðông Nam Á lâu nay, Trung Cộng đã có thể từ Vân Nam ra biển Ðông qua các ngả Thái Lan, Cao Miên và nay thêm ngả Việt Nam.
Ðó là chưa kể đến tại miền Bắc VN thì nhà cầm quyền CSVN đã phê chuẩn hiệp ước với Trung Cộng đặt một vòng đai kinh tế trọng điểm gồm các tỉnh trong vòng đai phía bắc VN trong đó có nhiều điều khoản liên quan đến công nhân và sản phẩm của Trung Cộng ở VN.
Sau cùng Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết kết luận: "Tất cả những diễn biến đó đều là nằm trong âm mưu của Trung Cộng nhằm xâm chiếm VN một cách êm thấm. Nên trách nhiệm của người Việt chúng ta là phải, thứ nhất, vận động phối hợp với trong nước đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, thứ hai, kêu gọi thế giới lưu tâm đến âm mưu đế quốc của Trung Cộng, và thứ ba là vận động để Hoa Kỳ và Âu châu tẩy chay hàng hóa của Trung Quốc (đã khám phá ra là có nhiều chất độc). Cả ba công việc này cần phải làm cùng một lúc.
Sau bài thuyết trình của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, nhiều tham dự viên được mời lên phát biểu như ông Trần Trọng An Sơn, cựu Ðại Tá Phan Văn Huấn... Một tham dự viên trong một tổ chức khoa học kỹ thuật lên trình bày ý kiến về việc khai thác bâu xít ở VN đã dựa trên những tin tức của báo chí trong nước để phản bác lại một số ý kiến của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết nên đã bị la ó phản đối.
Cuộc hội thảo với phần thuyết trình của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết được nhiều người tham dự cho là thành công và hữu ích. (NH)