Nhà Máy Giấy Bãi Bằng

Kỹ Nghệ Giấy: Nhà máy Bãi Bằng

 

Dự án Nhà máy làm bột giấy và giấy Bãi Bằng đã có từ năm 1974, được dư định xây cất tại Vĩnh Phú với số vốn đầu tư là 170 triệu Mỹ kim thời bấy giờ do chính phủ Thuỵ Điển tài trợ 100%. Nhưng khi đưa vào hoạt động phí tổn đã lên đến hơn 1 tỷ Mỹ kim  để có được một nhà máy hoàn chỉnh với công suất 55 ngàn tấn giấy năm 2006.

 

Đây là một công trình viện trợ dài nhất so với các công trình viện trợ của Thuỵ Điển. Trong thời gian chiến tranh Mỹ-Việt, vào thập niên 1960, Thủ tướng Thụy Điển thời bấy giờ Olof Palme cùng với dư luận Thuỵ Điển phản đối sự tham dự vào chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ. Ông cho rằng hành động viện trợ cho Việt Nam thể hiện sự phản đối của Thuỵ Điển đối với Hoa Kỳ. Rolf Ekeus, phát ngôn viên của Đảng Dân chủ Xã hội đã phát biểu:"Tây phương đã dội bom nước nghèo (Viêt Nam) để biến nước nầy trở thành thời kỳ đồ đá, ít nhất, chúng ta cần làm là giúp họ xây dựng lại".

 

Trong giai đoạn đầu, Thuỵ Điển dư định gíup đỡ trong vòng 3 năm về nguồn tài trợ để: - trợ giúp kỹ thuật và tài chính trong việc trồng rừng vùng đồi núi, - Xây dựng nhà máy làm bột giấy, - Xây dựng nhà máy làm bàn ghế, - Cung cấp phương tiện vận chuyển như xe cộ, tàu bè…, - Khai triển bến bãi, - Xây dựng nhà máy phát điện với công xuất 350 MW, - Và sau cùng giúp đở để xuất cảng. Chính phủ Thuỵ Điển thuê công ty tư vấn SIDA để thực hiện dự án.

 

Đến năm 1977, chi phí dự án đã lên đến 263,75 triệu Mỹ kim và không ai có thể kiểm soát được mức chi tiêu  cho dự án trong lúc nầy, và Bãi Bằng trở thành một "Trại Thuỵ Điển" vì đã chứa hơn 600 kỹ sư, công nhân, và gia đình, đại đa số là người Thuỵ Điển, và nơi nầy đã từng được các nhà quan sát ngoại quốc chế diễu là một "trại hè" hơn là một công trường xây dựng nhà máy!

 

Có thể nói hơn 40% chi phí tiêu xài trong thời gian xây dựng đã vào tay các nhà tư vấn (consultants) cũng như dụng cụ, máy móc và hầu hết dịch vụ đều do Thuỵ Điển cung cấp chiếm hơn 80% phí tổn của dự án. Trong 3 năm đầu của dự án, các nhà tư vấn hoàn toàn không có kinh nghiệm thực tế nào về xây dựng một nhà máy giấy. Sau đó SIDA phải thuê cty tư vấn Brazil và thiết kế theo tiêu chuẩn của các nhà máy giấy của xứ nầy.

 

Sau cùng, nhà máy giấy I hoàn thành vào tháng 12/1980, nhà máy giấy II vào tháng 3/1982 và nhà máy làm bột giấy  tháng 9/1982. Những năm đầu tiên nhà máy hoạt động quả thật là một sự thất bại hoàn toàn vì, Việt Nam không có đủ chuyên viên và thợ chuyên môn để   điều hành nhà máy. Thêm nhiều vấn nạn khác liên tục xảy ra như không có các bộ phận trong máy cần phải thay thế cũng như thiếu hoá chất cần nhập cảng. Chính vì các lý do trên mà nhà máy vận hành không điều hoà và thường xuyên.

 

Về nguyên liệu, nhà máy quy hoạch vào diện tích tre nứa có trong vùng, nhưng vì hệ thống đường xá và chuyên chở không thích ứng với nhu cầu vận chuyển. Đây cũng là một trong nhiều lý do làm cho nhà máy bị ngưng trệ.

 

Đứng trước tình thế đó, SIDA lại có dịp mời gọi thêm "chuyên viên quốc tế" vào giúp đở, vì vậy chi phí cho chuyên gia ngày càng tăng thêm. Về mặt sản xuất, hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế. Ở thời điểm nầy, trong Nam, Ông Võ Văn Kiệt đang có ảnh hưởng lớn về việc "tái sử dụng" những chuyên viên cũ của VNCH, ông đã thành lập nhóm khoa học & kỹ thuật  về sau lấy tên "Nhóm Nghiên cứu Kinh tế Thứ Sáu", hiện vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.

 

Nhóm đã bắt đầu tham gia vào dự án Bãi Bằng bằng cách ra tận nơi quan sát, điều nghiên và sau cùng góp ý trong việc quản lý và điều hành nhà máy. Cũng vào thời điểm nầy, SISA đã bổ nhiệm Sigvard Bahrke làm Giám đốc công trình năm 1984 và đề nghị chính phủ Thụỵ Điển gữi chuyên viên và công nhân sang Việt Nam để điều hành nhà máy, nhưng yêu cầu sau cùng không được chấp thuận. Nhà máy cần phải có chuyên viên và công nhân Việt Nam. Từ đó vai trò của Nhóm Thứ Sáu ngày càng quan trọng đối với nhà máy. Tuy nhiên, đại đa số thành viên của Nhóm đều là cựu tù nhân cải tạo, không rập khuôn theo khuôn sáo "hồng hơn chuyên" như GS Nguyễn Ngọc Trân trong dự án nhà máy giấy Hậu Giang hiện nay, nên các phân tích khoa học của họ không được chấp nhận hoàn tòan; và do đó mới tạo nên những tác hại "lỡ khóc lỡ cười" trong các dự án nghiên cứu phát triển!

 

Mốt vấn đề then chốt khác nữa là nguyên liệu dùng để sản xuất. Theo quy hoạch, nhà máy căn cứ vào 100.000 mẫu rừng tre trong vùng và xem đây là nguồn nguyên liệu chính. Điều nầy ngay từ đầu (1974), cố vấn Jaakko Poyry đã khuyến cáo là nguồn nguyên liệu nầy không đủ tính khả thi vì con số trên chỉ là văn bản trên bản đồ: diện tích đất thì có, nhưng rừng tre bao phủ thì không! Điều nầy đã được kiểm chứng khi nhà máy bắt đẩu vận hành vào đẩu năm 1983.  Rừng tre bị chặt đốn lúc đầu, cây trồng lại không đủ thời gian để cho tre non mọc kịp thời, cho nên vào thời vụ 1986-1987, nhà máy không còn nguyên liệu để sản xuất ra bột giấy nữa.

 

Nguồn nguyên liệu vốn đã thiếu, cộng thêm kỹ thuật chặt đốn tre, gỗ thiếu kinh nghiệm, cho nên lượng tre thất thoát trong di chuyển chiếm đến 45% thể tích vì không thích hợp với đặc tính của gỗ cần thiết cho nhà máy. Một lý do khác nữa giải thích cho sự thất thoát là gỗ bị "rút tỉa" để chở về Hà Nội bán (fuelwood) để chụm lửa đun bếp cho việc nấu nướng. Điều nầy theo chuyên gia Ohlsson, số lượng thất thoát có thể lên đến 80%. 

 

Từ những nguyên nhân trên, Việt Nam lại tăng thêm diện diện tích quy hoạch là 200.000 mẫu rừng vùng Hà Tuyên và sau đó vùng Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, và Vĩnh Phú chiếm thêm 1,2 triệu mẫu nữa, trong đó việc trồng rừng, đặc biệt là cây khuynh diệp và cây me keo (acacia) được cổ suý rộng rãi như là hai loại cây mọc nhanh nhất. Vào năm 1990 có 6.500 mẫu dùng làm thí điểm để trồng hai loại cây nầy.

 

Sau đây là báo cáo sau 14 năm hoạt động của nhà máy Bãi Bằng (1994):" Nhà máy Bãi Bằng đã hoạt động 14 năm, và chỉ hoạt động theo từng giai đoạn và không dùng hết công suất của nhà máy. Nhà máy vẫn bị lỗ lã, vẫn còn tiếp tục nhận tài trợ cũa Thuỵ Điển và chính phủ Việt Nam. Trong thời gian nầy, phải tốn 310 triệu Mỹ kim để trồng 45.000 mẫu rừng. Nhà máy chỉ có một lợi thế duy nhất để tiêu thụ lượng giấy sản xuất mặc dù giá cao và luật cấm nhập cảng giấy trong giai đoạn nầy"(theo Chris Lang).

 

Vào năm 2000, nhà máy huy động 3.500 công nhân và chuyên viên kỹ thuật. Năm 2001, nhà máy sản xuất được 72.840 tấn giấy nhờ nhập cảng trên 80% nhu cầu bột giấy với giá rẻ. Tuy nhiên giá thành của giấy vẫn cao hơn độ 20% so với giá giấy trên thế giới.

 

Vào năm 2001, nhà máy mở rộng và dự kiến tăng công suất từ 55 ngàn lên 100 ngàn tấn giấy với phí tổn 50 triệu Mỹ kim.

 

Mặc dù có sự tài trợ hoàn toàn của Thuỵ Điển, nhà máy Bãi Bằng cho đến ngày nay vẫn chưa hoạt động độc lập hoàn toàn. Nguồn nguyên liệu vẫn căn cứ vào bột giấy nhập cảng. Hàng năm nhà máy nhập khoảng 25 đến 30% bột giấy (20.000 tấn bột giấy năm 2006).

 

Vào năm 2003, nhà máy đã xây dựng thêm một nhà máy làm bột giấy ở Phú Thọ với công suất 250 ngàn tấn/năm  và phí tổn là 289 triệu Mỹ kim.

 

Qua những thông tin liệt kê ở phần trên, nhiều kinh nghiệm cần được rút tỉa sau đây:

 

-                      Nhà máy đã được hình thành gần 30 năm, nhưng cho đến ngày nay vẫn còn được bao cấp và tài trợ. Điều nầy chứng tỏ rằng nhà máy không được quản lý theo một cơ chế tự do;

-                      Về mặt quy hoạch, nguồn nguyên liệu là một yếu tố huyết mạch của nhà máy, nhưng vẫn còn nằm trong tình trạng lệ thuộc vào nguyên liệu nhập cảng dù diện tích trồng rừng quy hoạch đã tăng từ 100 ngàn mẫu lúc ban đầu lên đến 1,5 triệu mẫu hiện tại nhưng vẫn tiếp tục nhập cảng bột giầy cho nhu cầu sản xuất;

-                      Nhà máy không được nghiên cứu tác động môi trường từ khởi thủy, mà chỉ căn cứ vào "sự hiện diện" của một nhà máy ở Thuỵ Điển, sau đó đổi qua mô hình của một nhà máy ở Ba Tây (Brazil). Vì vậy tác động và ảnh hưởng lên môi trường và hệ sinh thái trong vùng rất lớn. Hàng chục triệu m3 nước thải độc hại hàng năm vẫn tiếp tục đổ vào các sông ngòi trong vùng huỷ diệt hầu như hoàn toàn nguồn thủy sản trong vùng, cũng như tòanbộ hệ sinh thái bị thay đổi do việc phá rừng và gia tăng dân số.

 

Đây là một bài học lớn cho những người có trách nhiệm về quy hoạch phát triển quốc gia. Và bài học nầy vẫn còn tiếp diễn khi lễ đặt viên đá đầu tiên cho nhà máy giấy Hậu Giang, nhà máy lớn nhất nước với công suất dự kiến là 570 ngàn tấn giấy/năm trên chi phí 1,2 tỷ Mỹ kim ban đầu và có thể lên đến 1,7 tỷ khi hoàn thành!    (Xem bài viết về nhà máy giấy Hậu Giang).

 

Mai Thanh Truyết

West Covina 10/2007

 

 

 

 

 

 

 

//////////////////////////////////////////////////