Trần Văn Tích đọc Tâm Tình Người Con Việt

 Nhìn Tâm tình người con Việt từ thể ký

Trần Văn Tích

(Bài thuyết trình nhân buổi giới thiệu sách Tâm tình người con Việt ngày 23 tháng 6, 2012 tại

Hội trường Văn Lang, 14861 Moran St. Westminster, CA 92683)

 

Tôi xem Tâm tình người con Việt của Mai Thanh Truyết là một hồi ký kiêm bút ký chính luận. Hồi ký, bút ký, nhật ký, ký sự, phóng sự v.v..là một thể loại văn học sống động, linh hoạt khi muốn phản ảnh hiện thực theo phương thức trực tiếp nhất, khi muốn ghi lại cuộc sống qua những nét cơ động nhất. Tác phẩm ký vừa có khả năng đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của thời đại vừa mang đặc tính lưu giữ được tiếng nói sâu sắc của nghệ thuật. Riêng hồi ký thì ghi lại những diễn biến của câu chuyện và những cảnh sống của nhân vật theo bước đi của thời gian thông qua chức năng hồi tưởng. Chuyển qua thể bút ký chính luận, thể loại văn học này kết hợp hai hình thức tư duy : tư duy chính luận liên quan đến nhận thức chính trị, triết học, xã hội và tư duy nghệ thuật vận dụng ngôn ngữ điêu luyện, trình bày lý luận sắc bén. Nói cách khác, ký văn học luôn luôn là nơi qui tụ hai nhân tố quan trọng : sự thật hiện thực của đời sống và tài năng nghệ thuật của người viết.

 

Rất nhiều ký sự, hồi ký, phóng sự đã ra đời và phát triển gắn bó chặt chẽ với những chuyển động lớn của xã hội Việt Nam xoay quanh cái mốc 30.04.75. Tuy nhiên nhiều tài liệu tuy sáng tác theo thể ký nhưng chỉ thuộc loại văn tư liệu. Tâm tình người con Việt dẫu lấy tư liệu thật từ đời sống nhưng tác giả đã khai thác, sắp xếp, bố trí theo những dụng ý tư tưởng rất rõ rệt và theo một đường hướng sáng tác rất minh bạch. Thành quả trí tuệ của Mai Thanh Truyết là một bút ký chính luận chống cộng. Dẫu thế, nó luôn luôn trung thành với chức năng của thể ký. Nó lấy điểm tựa chắc chắn ở sự thật khách quan ngoài đời sống và nó tôn trọng tính xác thực của đối tượng được miêu tả. Mai Thanh Truyết qua quá trình tiếp xúc với cuộc sống đã quan tâm đến nhiều mặt của hiện thực trong tính tự nhiên của đối tượng.

 

Nguyên tắc cơ bản xác định đặc điểm của ký văn học là tính xác thực trong việc miêu tả cuộc sống muôn màu muôn vẻ cùng với con người có thật trong đời sống. Chúng ta có một ông quan văn nghệ cách mạng Xuân Diệu phụ trách lên lớp cho đám ngụy quyền với cái áo sơ mi bỏ ngoài, với đôi dép lẹp xẹp và nhất là với hai chai bia Con cọp BGI trên bục giảng. Chúng ta có một ông Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Trần Thanh Đạm giáng dấp thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ, nhưng vẫn có thể nhỏ nhẹ buông một câu chết người : "Vì nhu cầu cách mạng, Đảng tạm ngưng công tác giảng dạy của anh cho đến khi có lệnh mới." Chúng ta có một bà Tiến sĩ Hoá học tốt nghiệp ở Rennes đã phỏng theo đề thi trong sách lớp Đệ Nhất chương trình Pháp nhưng do thiếu khả năng nên khiến đề thi biến thành thiếu chính xác. Chúng ta có một nhân viên giảng huấn lật lọng tố cáo ngược lại người chỉ huy cũ là lem nhem công quỹ khi mua sắm hoá chất mặc dầu đương sự biết rất rõ là không hề có chuyện đó. Mai Thanh Truyết quan tâm đến nhiều mặt của đời sống trong tính tự nhiên của đối tượng được trần thuật. Cả một xã hội một sớm một chiếu bỗng nhiên điên đảo được thu vào ống kính. Cả những chính sách vá víu đến tội nghiệp như Nghị quyết 36 Võ Văn Kiệt đặc cách trợ cấp 50, 100 và 150 đồng cho cán bộ tại chỗ giảng dạy Đại học1.

 

Những tình tiết đa dạng, phức tạp do Tâm tình người con Việt cưu mang tạo nên niềm tin cậy và hầu như trở thành định lệ giao ước giữa người viết và người đọc, giữa nguời ghi ký và người điểm sách. Mai Thanh Truyết không bịa đặt, thêm thắt vì tác giả biết rất rõ rằng làm như thế sẽ tác hại đến tấm lòng tin cậy và cảm xúc thẩm mỹ của giới thưởng ngoạn. Anh bình thản ghi lại cái lầm của mình, một cái lầm sát thân và sát nhân : "Cho dù cộng sản Bắc Việt có chiếm miền Nam đi nữa, mình cũng (có, TVT thêm) thể đối thoại được với họ, vì cùng chung chủng tộc và cùng một ngôn ngữ". Anh buồn rầu nhắc đến thái độ bất công, quyết định khắc nghiệt anh từng có đối với con chó Zeus.

 

Tuy nhiên vì là một tác phẩm nghệ thuật nên hiện thực trong cuộc sống do ghi chép lại phải phong phú hơn, điển hình hơn hiện thực tự nhiên của cuộc sống. Tác giả từng góp phần có thể xem là to lớn vào đại công xây dựng nên Viện Đại học Cao Đài tại Thánh thất Tây Ninh. Hoàn cảnh ra đời của cơ sở giáo dục giáo phái này thật hết sức gian nan; thế mà một mình tác giả đã cáng đáng đủ công đủ chuyện để cho nó hoạt động tương đối điều hoà. Các sự việc được miêu tả đều có thật, song tác giả đã phối hợp tổ chức, xây dựng lại những bức tranh về cuộc sống tín lý sao cho nhất quán và gắn bó với nhau chặt chẽ trong một cấu trúc chung hợp lý gồm đến mấy chương sách.

 

Chúng ta hầu như luôn luôn gặp những chiếc áo dài trắng đồng nhất, chúng ta thấy một cảnh khai trường đẫm sắc tôn giáo, chúng ta chứng kiến những bữa ăn thanh đạm của cả giáo sư lẫn sinh viên, chúng ta ghi nhận sự kiện xoay sở để có được mười lăm cái kính hiển vi cũ kỹ v.v.. Thường trong mỗi sáng tác văn học, tính cách và hoàn cảnh được tác giả cấu tạo nên từ hai loại thành phần. Một thành phần xác định cụ thể như tên tuổi, lai lịch, ngoại hình, thành tích, khuyết điểm, ưu điểm, quan hệ chung và riêng; người đọc có thể đối chiếu và kiểm tra trực tiếp. Trong thành phần này phải xác thực. Thành phần thứ hai ít xác định hơn như cảm xúc, suy nghĩ, phê phán, đánh giá, ký thác, nhắn gửi; chủ yếu là những nhân tố thuộc về nội tâm nhân vật và nhất là nội tâm tác giả. Phạm vi này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hư cấu trong thể ký.

 

Người viết có thể tưởng tượng thêm những biểu hiện về nội tâm với điều kiện anh ta/chị ta có vốn hiểu biết sâu sắc về đối tượng miêu tả của mình và những người cùng loại, anh ta/chị ta có trình độ và năng lực tưởng tượng phong phú nhằm đạt được thành tựu thêm thắt về nội tâm cho nhân vật trong một cách sáng tạo. Khi trình bày các  đức tính của thân phụ thân mẫu, khi phác hoạ ngoại hình và nội tâm của ba người con trai cùng người con gái, Mai Thanh Truyết đã sáng tạo một môi trường thuận lợi để ngòi bút múa may, để ý tứ tuôn trào, để cảm xúc giăng trải; dẫu rằng trong ký, từ bản chất thể loại, hư cấu tưởng tượng chỉ giữ vai trò rất thứ yếu.

 

Nhưng chính ở đây, chức năng chủ quan của ký giả mới quan trọng và tài nghệ, bản lĩnh người viết thể hiện ở điểm biết lựa chọn đúng đối tượng để viết, biết tìm hiểu kỹ đối tượng và làm nổi bật lên, qua sự mô tả đối tượng, tính văn học của ký, tài văn chương của người. Một phần câu nói của thân mẫu tác giả "Má muốn sống để thấy tụi nó chết " góp phần quí hoá biết bao để cho nội dung trần thuật thêm sinh động, thêm chân thực mà vẫn bảo vệ được triệt để tính xác thực của câu chuyện kể. Câu nói đó của Cụ Bà – hoặc chi tiết thân sinh tác giả "trong suốt những ngày con xa xứ cho đến khi nhắm mắt, cặm cụi viết thư cho con mỗi buổi sáng thứ năm để ngày thứ bảy mang ra bưu điện gửi qua Pháp cho kịp chuyến bay Air France và để cho con nhận được thư ngày thứ hai" – là những chi tiết vô giá đề cao dòng cảm xúc sâu đậm đối vớî người thân của tác giả cũng như chứng minh sự tưởng nhớ tha thiết đến song thân khuất bóng. Tôi thử tính nhẩm rất đại khái và thấy rằng Cụ Ông đã viết cho anh Truyết ít nhất cũng cả trăm lá thư.Tính nhẩm để rồi tự dưng thấy cay cay đôi mắt khi nghĩ đến những người cha.   

     

Sự thật của đời sống ớ những mặt tiêu biểu và những nét kết tinh điển hình đều có ý nghĩa trong hồi ký Mai Thanh Truyết. Chúng vừa có tính chất cá thể sinh động của những hiện tượng riêng biệt lại vừa có khả năng mang tính chất điển hình tiêu biểu. Thành tích loại trừ Hoàng Ngọc Giàu alias Hoàng Nguyên Nhuận, một người được dư luận xem là tội phạm trong vụ thảm sát Mậu Thân Huế, tại trại tỵ nạn Sungei Besi khiến đương sự cuối cùng phải xin định cư ở Úc thay vì ở Hoa kỳ, dẫu không phải do một mình tác giả đạt được, nhưng vẫn là một hành động chống cộng dứt khoát, tích cực của cá nhân Mai Thanh Truyết, có tính chất điển hình cho chủ trương thanh lọc hàng ngũ quốc gia.

 

Tâm tình người con Việt nổi bật lên ở nội dung lịch sử mà nó chứa tải. Trong nó, các yếu tố tự sự, trữ tình, chính luận hoà trộn vào nhau, quấn quít lẫn nhau; cho nên sách của Mai Thanh Truyết phản ảnh được linh hoạt những sắc thái muôn màu – tươi sáng cũng như ảm đạm – của cuộc sống, nhất là ở giai đoạn đầu tiên sau khi đại hoạ bỗng dưng giáng xuống đầu dân tộc.   

 

Đọc Anh, sao tôi cứ liên tưởng đến Jean Jacques Rousseau trong tập hồi ký Les Confessions (Bộc lộ). Tác giả người Pháp viết : Que la trompette du Jugement dernier sonne quand elle voudra, je viendrai, ce livre à la main, me présenter devant le souverain juge. (Tiếng kèn Phán xử cuối cùng có thể cất lên vào bất cứ lúc nào, tôi sẽ có mặt trước đấng thẩm phán tối cao với cuốn sách này trong tay).

 

Tính chính xác tối đa, mà tôi đã nhiều lấn nhấn mạnh, bàng bạc khắp trong Tâm tình người con Việt. Đặc tính này, trong thực tế, là sức nam châm thu hút sự chú ý của người đọc, là nét quyến rũ hấp dẫn giới thưởng ngoạn. Hồi ký Mai Thanh Truyết có lối viết chân thực, tình cảm, đôn hậu, ôn hoà. Ở nhiều đoạn, ngòi bút ký giả tỏ ra tinh tường trong quan sát và sắc sảo trong nhận thức. Nhưng, nhìn chung, nó không giàu cảm xúc thơ, nó thiếu nét tài hoa văn vẻ.

1Cá nhân người viết bài này cũng từng hưởng qui chế liên hệ, mỗi tháng được Thành ủy ưu ái trợ cấp 100 đồng. Giáo sư Phạm Biểu Tâm được 150 đồng, anh bạn Ngô Thế Vinh được 50 đồng.

 

Tuy nhiên "Đọc ký là cốt nhìn thấy thực tại cho đúng cho rõ, thì chắc chắn phải lấy làm thích thú thứ ký của những người cởi mở, chân thành dù tính phổi bò và đôi khi có hơi ồn ào một chút." (Võ Phiến.- Hai mươi năm Văn học Miền Nam 1954-1975. Tổng quan. Nhà Xuất bản Văn nghệ. Westminster, CA 92683. 1988. trang 318). Vậy thì đọc Mai Thanh Truyết đâu phải để tìm thi hứng, thi tài.   

 

Tuy thế, Tâm tình người con Việt đáp ứng được linh hoạt nhu cầu tuyên truyền cho chính sách chống độc tài đảng trị, đấu tranh cho một nước Việt Nam khác hẳn nước Việt Nam hiện nay.   



1Cá nhân người viết bài này cũng từng hưởng qui chế liên hệ, mỗi tháng được Thành ủy ưu ái trợ cấp 100 đồng. Giáo sư Phạm Biểu Tâm được 150 đồng, anh bạn Ngô Thế Vinh được 50 đồng.

Chu Tất Tiến đọc Tâm Tình Người Con Việt

ĐỌC "TÂM TÌNH NGƯỜI CON VIỆT" CỦA TIẾN SĨ MAI THANH TRUYẾT.

Chu Tất Tiến.

Có thể nói Tháng Tư Đen là những ngày đen tối kinh hoàng nhất của dân tộc Việt Nam, trên cả những lần biến động bị xâm lăng, từ thời Hai Bà Trưng đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê… Lý do đơn giản vì đó là những cuộc xâm lăng của kẻ thù đến từ ngoài vào, không cùng tiếng nói, lịch sử, hay văn hóa của người Việt. Còn cuộc chiếm đóng của Đảng Cộng Sản Việt trong Tháng Tư Đen lại được thực hiện bởi chính những người cùng mầu da, ngôn ngữ, cùng chia xẻ 4000 năm lịch sử với chúng ta. Điều đau lòng nhất là cái Đảng ấy đã buộc dân ta phải làm nô lệ cho một chủ nghĩa kinh tởm nhất của nhân loại, Chủ nghĩa Cộng Sản, một lý thuyết với chủ trương là "cướp sạch, giết sạch, giam sạch" tất cả những con người có lương tâm và lý trí, những con người yêu nước, yêu quê hương nồng nàn, đặc biệt là thành phần Công Nhân và Nông Dân là hai thành phần mà chúng đã lợi dụng làm biểu tượng cho cuộc xâm lăng của chúng. Lá cờ "búa, liềm" của Công Nhân và Nông Dân mà chúng đã xử dụng để mê hoặc dân nghèo cũng như một số thành phần trí thức trong cuộc chiến trước đây nay đã biến mất vì thực tế, hai thành phần ấy, hiện nay đã trở thành nạn nhân đau khổ nhất của thế kỷ 20 - 21. Nhóm người từng ve vãn Công Nhân và Nông Dân, từng ẩn núp trong gia đình những thành phần này, và xin cơm ăn của họ, không những đã quên các hy sinh của những "người ơn" này, còn trở mặt, biến thành kẻ thù. Ngay sau 1975, tất cả những tung hô, hứa hẹn dành cho giới lao động nghèo khổ, cho Nhân Dân, đã bị vất bỏ mau chóng. Những thành phần này, không những không được hưởng một chút ân huệ thực tế nào của Nhà Nước, mà còn bị đầy đọa trong các vùng Kinh Tế Mới, hoặc các nông trường, công trường, bị bỏ đói, chết bệnh, chết khát. Các "mẹ chiến sĩ", "mẹ liệt sĩ", các "anh hùng đánh giặc Mỹ"… đang bị đuổi đi khỏi làng quê của họ, qua chính sách "cưỡng chế" cướp đất ruộng vườn, mồ mả cha ông của những dân nghèo, đẩy họ ra đường lang thang, vất vưởng như những hồn ma, rồi một ngày nào đó, gục chết trong cống rãnh của chế độ Cộng Sản. Như thế, nói gì đến tầng lớp trí thức thuộc chế độ cũ, là những người mà đảng Cộng Sản vẫn luôn ghét bỏ, theo lời chỉ dậy của Mao Trạch Đông: "Trí thức không bằng cục phân…"

Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, một trí thức chân chính, một người mà suốt tuổi thanh xuân, chỉ biết học và làm việc, cống hiến tài năng của mình cho Tổ Quốc, là một trong những nhân chứng sống cho chương trình đầy đọa trí thức thuộc chế độ Cộng Hòa mà những kẻ Cộng Sản kia thù ghét. Sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ Hóa Học tại nước Pháp, ông đã bỏ qua những lời mời nồng nhiệt của một số cơ sở đầy tiềm năng của Pháp để trở về phục vụ đất nước, với tâm tình của "một người con Việt", đã sinh ra làm người Việt, thụ đắc văn hóa Việt thì phải trả ơn cho đất Việt. Ông đã không quản ngại bao nhiêu trở ngại "văn phòng", để chấp nhận sinh hoạt trong lãnh vực giáo dục, từ "Hòn Ngọc Viễn Đông" đến miền Tây Ninh xa ánh sáng quyến rũ của đô thị, và nỗ lực xây dựng một chương trình giáo dục tân tiến, mong theo kịp các nước phương Tây.

Nhưng không ngờ, giấc mộng của ông mới trong giai đoạn 2 năm về nước, đã bị vỡ tan bởi cuộc "nội xâm" của những kẻ nô lệ cho phương Bắc. Ngày 30 tháng 4 ập tới, đa số trí thức đã tìm cách ra đi, rời bỏ quê hương để có thể sống đời tự do tại một nơi khác. Với Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, tuy có điều kiện để di tản ra nước ngoài, nhưng với tư cách của một kẻ sĩ đã tự nguyện dấn thân cho đất nước, ông chấp nhận ở lại để từ đó, chứng kiến những thảm cảnh của dân tộc, mỗi ngày mỗi làm cho quê hương tàn tạ đi….

Cuốn "Tâm Tình Người Con Việt" với tác giả là Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết đã cho chúng ta thấy hai đối trọng căng thẳng giữa hai tầng lớp Trí Thức và Cộng Sản. Những kinh nghiệm mà Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết đã trải qua sau Tháng Tư Đen trên chính đất nước quê hương của mình và được diễn tả lại trong cuốn "Tâm Tình Người Con Việt", thực sự, đã vẽ ra cho người đọc thấy một bức tranh "Vân, Cẩu", mà "Cẩu" nhiều hơn "Vân". Tuy lời văn đơn giản, không cầu kỳ, chứa đầy tâm huyết của một Trí Thức lúc nào cũng đặt quyền lợi của dân mình lên trên bản thân, tác giả đã làm cho người đọc xúc động khi làm lộ nguyên hình bản chất của những kẻ Cộng Sản phản bội, vừa kiêu căng hợm hĩnh vừa ngu xuẩn đến tột cùng.

"Bước vào môt phòng thí nghiệm hóa học, tôi lại thấy anh Nguyễn Minh Hòa (hiện nay là Trưởng Khoa Hóa ĐH Sư Phạm "tp HCM", người đã từng tuyên bố là nhờ cách mạng mà vợ tôi mới mang thai được và tôi có con nối dòng…" (tr,70). Và, "Ngô Phàn, một sinh viên Ban Lý hóa của trường đã chạy vào bưng hai năm về trước… Phàn hỏi tôi, trên tay cầm khẩu súng lục nhỏ của GS LCC: "Anh có gặp Ô C. không?... Quan sát chung quanh sân trường, tôi chỉ thấy vài chị "nhà quê" quấn khăn rằn trên cổ, vẻ mặt thể hiện nét thỏa mãn của kẻ chiến thắng bước qua lại, chỉ trỏ các "anh" đeo băng đỏ mà trước đó chỉ vài ngày là những giáo sư của VNCH" (tr.71). Những bộ mặt trí thức nham nhở cũng được tác giả trình làng: "Tổ trưởng của tôi là một tiến sĩ cũng tốt nghiệp ở Pháp và là Phó Ban Hóa Học thời VNCH tên Nguyễn Thị Phương. Trong suốt thời gian học tập, cô Phương thường đi bên cạnh một "nòng cốt" thực sự, tên Bùi Trân Phượng, con một giáo sư Việt Văn bên Đại Học Văn Khoa. Cô này luôn mặc áo bà ba và quần lãnh đen và cũng bắt chước mang túi sách cán bộ sau lưng…. (tr.72)

Bên cạnh những khuôn mặt nham nhở đó, còn một khuôn mặt đã từng được triệu người yêu mến như một thần tượng trong thi văn, cũng xuất hiện như một tên hề thời đại, làm sụp đổ tất cả những tình cảm đã dành cho nhân vật này: "Một hôm, tại giảng đường của Đại Học Khoa Học có sức chứa gần 500 người, nhà thơ tình lãng mạn "ngày xưa" Xuân Diệu đăng đàn. Có thể nói, chưa bao giờ tôi có thể hình dung được một cán bộ cao cấp của cộng sản, từng giữ chúc Thứ Trưởng Văn Hóa Bắc Việt có những thái độ và cung cách thiếu văn hóa như thế. Ông Xuân Diệu, với cái áo sơ mi bỏ ngoài, mang đôi dép lẹp xẹp, vai mang cái bị da cán bộ.. chễm chệ ngồi trên cao.. tự do phát ngôn. Bên cạnh đó, hai chai bia con cọp BGI 750cc và một ly lớn. Vừa uống, vừa nói, tay chân huyênh hoang với luận điệu của kẻ chiến thắng, thỉnh thoảng lấy tay chùi bọt bia hai bên mép… Ông ta chê chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là giới trí thức miền Nam, giới giáo sư đại học… và ví tất cả những cây cổ thụ sum suê cành lá … nhưng không có rễ!" (tr. 74). Nhà thơ Xuân Diệu, một người "đồng tính", tác giả của các bài thơ tình lãng mạn thời xưa, đã làm cho bao tâm hồn thêm ướt át, chỉ với vài dòng của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, đã hiện nguyên hình một tay tầm thường, một tên Robot của chế độ. (Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã có lần nhạo báng các "nhà thơ" phản bội này khi tuyên bố "nhờ Cách mạng tôi mới có quần áo mặc". Nguyễn Chí Thiện hỏi ngược lại: "Thế, khi chưa có cách mạng, ông ở truồng hả?")

Và, như thế, cũng với giọng văn kể chuyện chân chất của người miền Nam, qua 274 trang sách, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết đã đưa người đọc đi theo ông, từ khi còn là một sinh viên trẻ trung, yêu đời, đến những ngày đen tối của đất nước, dưới một chế độ văn hóa "ngu dân", rồi tù đầy trong các trại cải tạo,  và sau cùng tới bến bờ Tự Do. Hiện nay, ông vẫn tiếp tục chiến đấu cho quê hương được Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Những cuốn sách đầy tính khoa học về Môi Trường, về Giáo Dục, về Xã Hội của ông đã là những tiếng sét đánh vào cái chế độ "ngu dân, người bóc lột người, rồi Xuống Hố Cả Nút"… Mong sao sẽ có thêm nhiều tiếng sét nữa, đến từ tầng lớp trí thức của dân Việt, hoặc ở trong nước, hoặc đã ra nước ngoài để hợp thành một cơn bão lửa cuốn phăng cái chế độ Vô Giáo Dục kia đi, cho toàn dân Việt được hít thở môt không khí trong lành, có thêm sức mạnh để tạo dựng lại một đất nước anh dũng, uy hùng bên biển Đông, không còn ngày ngày nơm nớp sợ hãi những "kẻ lạ, tầu lạ" đến chiếm đóng nước ta.

Chu Tất Tiến.

 

 

 

Phóng sự Nguyên Huy- Người Việt



Nguyên Huy/Người Việt

 

LITTLE SAIGON (NV) -Vào hôm Thứ Bẩy, 23 tháng 6, hai cuốn sách của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết và tác giả Ðỗ Ðức An (Ðỗ Quân) đã ra mắt cùng độc giả tại vùng Little Saigon, Nam California.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/151215-DP-RaMatSach%201.400.JPG

Bác Sĩ Trần Văn Tích nói về cuốn "Tâm Tình Người Con Việt" của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Tại hội trường Văn Lang, trên đường Moran, Westminster, hơn một trăm thân hữu và độc giả đã đến tham dự chia vui với Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết trong lần ra mắt sách này.

Tác giả Mai Thanh Truyết là một người hoạt động trên nhiều lãnh vực văn hóa trong cộng đồng người Việt hải ngoại nên số người lên giới thiệu về tác giả và tác phẩm khá nhiều như Bác Sĩ Trần Văn Tích từ Ðức qua, Dược Sĩ Vũ Văn Tùng, chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Giáo Sư Trần Cảnh Xuân trong Hội Khoa Học Kỹ Thuật San Diego, nhà văn Việt Hải từ San Jose xuống, nhà văn Chu Tất Tiến, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm và Nha Sĩ Cao Minh Hưng, chủ tịch Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ.

Giới thiệu về tác giả Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, sau khi phân tích 5 phần trong tác phẩm "Tâm Tình Người Con Việt," có nhận định: "Căn cứ vào những giai đoạn phác họa kể trên, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết đã trình bày một sự thực và những gian dối đang tiếp tục diễn ra trên đất nước, quê hương yêu dấu của chúng ta. Tác phẩm 'Tâm Tình Ngươi Con Việt' là một công trình to lớn đóng góp vào kho tàng văn hóa của người Việt hải ngoại."

Với Bác Sĩ Trần Văn Tích thì: "'Tâm Tình Người Con Việt' dẫu lấy tư liệu thật từ đời sống nhưng tác giả đã khai thác, sắp xếp, bố trí theo những dụng ý, tư tưởng rất rõ rệt và theo một đường hướng sáng tác rất minh bạch. Thành quả trí tuệ của Mai Thanh Truyết là một bút ký chính luận chống cộng."

Tác giả Mai Thanh Truyết trong dịp này đã tâm tình: "Viết cuốn sách này chúng tôi muốn được sống lại thời học trò được hưởng một nền giáo dục dân tộc, nhân bản, khai phóng. Ðó là một nền giáo dục có ý nghĩa giá trị gấp cả ngàn lần giáo dục và thực trạng của Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Ðã được hoạt động trên nhiều mặt trận y tế, văn chương, khoa học, giáo dục tôi thấy dưới chế độ VNCH có rất nhiều những cái hay, tại sao chúng ta không nêu lên để đối kháng với những gì Cộng Sản Việt Nam làm cho đất nước và dân tộc như hiện nay."

 

Phóng sự Nguyễn Thanh Huy-Việt Báo


 Ra Mắt Sách "Tâm Tình Người Con Việt" của TS. Mai Thanh Truyết

 

Vào chiều ngày Thứ Bảy 23 tháng 06-2012  tại Hội Trường Văn Lang thuộc thành phố Westminster, một buổi ra mắt sách "Tâm Tình Người Con Việt" (TTNCV) của TS. Mai Thanh Truyết diễn ra đông đảo đồng hương, gồm nhiều quan khách đến chúc mừng, góp vui cùng TS Mai Thanh Truyết, người ta nhận thấy có sự hiện diện của quý vị thân hào nhân sĩ như Học giả Huỳnh Văn Lang, BS. Trần Văn Tích, GS. Nguyễn Thanh Liêm và phu nhân, ÔB Phạm Anh Tú, GS. Trần Cảnh Xuân, GS. Nguyễn Văn Sâm, ÔB. Dược sĩ Vũ Văn Tùng, BS. Nguyễn Hy Vọng, BS. Nguyễn Phúc Bửu Tập, BS. Phạm Gia Cổn, Võ sư Lý Hoàng Tùng, Võ sư Âu Vĩnh Hiền, Nhà báo Du Miên, Nhà báo Nguyên Huy, Nhà thơ Thái Tú Hạp, Nhà thơ Ái Cầm, Nhà văn Chu Tất Tiến, LS. Nguyễn Xuân Nghĩa, Ông Đỗ Hải Minh, Bà Đỗ Thuấn, Ông Phạm Ngọc Lân,..., cùng các thân hữu của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Văn Bút, Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam,...

 

Hai diễn giả chính của chương trình là Dược sĩ Vũ Văn Tùng và Bác sĩ Trần Văn Tích. BS Tích đến từ thủ đô Bonn, Đức quốc. Ông cho biết: "Tôi xem Tâm tình người con Việt của Mai Thanh Truyết là một hồi ký kiêm bút ký chính luận. Hồi ký, bút ký, nhật ký, ký sự, phóng sự v.v..là một thể loại văn học sống động, linh hoạt khi muốn phản ảnh hiện thực theo phương thức trực tiếp nhất, khi muốn ghi lại cuộc sống qua những nét cơ động nhất. Tác phẩm ký vừa có khả năng đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của thời đại vừa mang đặc tính lưu giữ được tiếng nói sâu sắc của nghệ thuật. Riêng hồi ký thì ghi lại những diễn biến của câu chuyện và những cảnh sống của nhân vật theo bước đi của thời gian thông qua chức năng hồi tưởng. Chuyển qua thể bút ký chính luận, thể loại văn học này kết hợp hai hình thức tư duy : tư duy chính luận liên quan đến nhận thức chính trị, triết học, xã hội và tư duy nghệ thuật vận dụng ngôn ngữ điêu luyện, trình bày lý luận sắc bén. Nói cách khác, ký văn học luôn luôn là nơi qui tụ hai nhân tố quan trọng: sự thật hiện thực của đời sống và tài năng nghệ thuật của người viết."

 

Diễn giả Trần Văn Tích cho biết thêm: "Thành quả trí tuệ của Mai Thanh Truyết là một bút ký chính luận chống cộng. Dẫu thế, nó luôn luôn trung thành với chức năng của thể ký. Nó lấy điểm tựa chắc chắn ở sự thật khách quan ngoài đời sống và nó tôn trọng tính xác thực của đối tượng được miêu tả. Mai Thanh Truyết qua quá trình tiếp xúc với cuộc sống đã quan tâm đến nhiều mặt của hiện thực trong tính tự nhiên của đối tượng.... Những tình tiết đa dạng, phức tạp do Tâm tình người con Việt cưu mang tạo nên niềm tin cậy và hầu như trở thành định lệ giao ước giữa người viết và người đọc, giữa nguời ghi ký và người điểm sách. Mai Thanh Truyết không bịa đặt, thêm thắt vì tác giả biết rất rõ rằng làm như thế sẽ tác hại đến tấm lòng tin cậy và cảm xúc thẩm mỹ của giới thưởng ngoạn. Anh bình thản ghi lại cái lầm của mình, một cái lầm sát thân và sát nhân : "Cho dù cộng sản Bắc Việt có chiếm miền Nam đi nữa, mình cũng (có, TVT thêm) thể đối thoại được với họ, vì cùng chung chủng tộc và cùng một ngôn ngữ". Anh buồn rầu nhắc đến thái độ bất công, quyết định khắc nghiệt anh từng có đối với con chó Zeus."

 

Đề cập về phụ mẫu của TS Truyết:
"Một phần câu nói của thân mẫu tác giả "Má muốn sống để thấy tụi nó chết " góp phần quí hoá biết bao để cho nội dung trần thuật thêm sinh động, thêm chân thực mà vẫn bảo vệ được triệt để tính xác thực của câu chuyện kể. Câu nói đó của Cụ Bà – hoặc chi tiết thân sinh tác giả "trong suốt những ngày con xa xứ cho đến khi nhắm mắt, cặm cụi viết thư cho con mỗi buổi sáng thứ năm để ngày thứ bảy mang ra bưu điện gửi qua Pháp cho kịp chuyến bay Air France và để cho con nhận được thư ngày thứ hai" – là những chi tiết vô giá đề cao dòng cảm xúc sâu đậm đối vớî người thân của tác giả cũng như chứng minh sự tưởng nhớ tha thiết đến song thân khuất bóng. Tôi thử tính nhẩm rất đại khái và thấy rằng Cụ Ông đã viết cho anh Truyết ít nhất cũng cả trăm lá thư.Tính nhẩm để rồi tự dưng thấy cay cay đôi mắt khi nghĩ đến những người cha."

 

Phần cuối BS. Tích kết luận: " Tính chính xác tối đa, mà tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, bàng bạc khắp trong Tâm tình người con Việt. Đặc tính này, trong thực tế, là sức nam châm thu hút sự chú ý của người đọc, là nét quyến rũ hấp dẫn giới thưởng ngoạn. Hồi ký Mai Thanh Truyết có lối viết chân thực, tình cảm, đôn hậu, ôn hoà. Ở nhiều đoạn, ngòi bút ký giả tỏ ra tinh tường trong quan sát và sắc sảo trong nhận thức. Nhưng, nhìn chung, nó không giàu cảm xúc thơ, nó thiếu nét tài hoa văn vẻ.
Đọc ký là cốt nhìn thấy thực tại cho đúng cho rõ, thì chắc chắn phải lấy làm thích thú thứ ký của những người cởi mở, chân thành dù tính phổi bò và đôi khi có hơi ồn ào một chút." (Võ Phiến.- Hai mươi năm Văn học Miền Nam 1954-1975. Tổng quan. Nhà Xuất bản Văn nghệ. Westminster, CA 92683. 1988. trang 318). Vậy thì đọc Mai Thanh Truyết đâu phải để tìm thi hứng, thi tài.  
Tuy thế, Tâm tình người con Việt đáp ứng được linh hoạt nhu cầu tuyên truyền cho chính sách chống độc tài đảng trị, đấu tranh cho một nước Việt Nam khác hẳn nước Việt Nam hiện nay."   

 

Trong phần giới thiệu sách TTNCV nơi trang 9, GS. Trần Minh Xuân viết về TS. Mai Thanh Truyết như sau:
"Tôi không rõ trong thời gian lưu học ở Pháp, anh có làm được những gì để trả ơn đất nước đã giáo dục anh thành một Tiến sĩ Hóa học hay không, như khi về nước trong giai đoạn ngắn ngủi của 2 năm phục vụ tại trường Ðại học Sư Phạm Sài Gòn và Viện Ðại học Cao Ðài Tây Ninh anh đã trả ơn quê hương đã cưu mang anh, đã trả ơn gia đình đã nuôi dưỡng cho anh nên người, anh cũng đã miễn cưỡng trả ơn chế độ đã "lợi dụng" chất xám của anh cho "thời đại đồ đểu Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", trong giai đoạn "cào bằng" Miền Nam phồn vinh cho ngang hàng [hay thấp hơn] với Xã hội Chủ nghĩa Miền Bắc đói nghèo đầy gian dối mánh mung. Ðến khi làm người tỵ nạn trên đất tạm dung Hoa Kỳ anh đã trả ơn quê hương mới với tất cả lòng nhiệt thành và khả năng chuyên môn hiếm có của anh.

Tôi không dám so sánh, nhưng tôi không thể không nghĩ trường hợp của anh với trường hợp của nhiều người đã trả ơn hữu hiệu quê hương mới đã cưu mang họ, như trường hợp Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh..."

 

Đọc sách TTNCV vào sâu bên trong có phần thắc mắc cho độc giả. Có một chuyện mà người viết bài khi xem qua trang 108 trong sách, chương có đề cập về các hoạt động của tác giả sau khi rời khỏi mái trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn. Đó là đoạn tác giả cho biết ông đã từng "hợp tác" với "cộng sản" qua những trang giấy của chương "Con đường đi đến Ủy ban Khoa học Thành Phố".

Trong chương này tác giả nói đã làm việc với tổ chức tiền thân của Ủy ban Khoa học Thành phố ngày hôm nay (2012) tức là ngay từ cuối năm 1976... qua nhiều cơ sở, phòng bào chế, phòng thí nghiệm và sản xuất....Tác giả đã từng đi đến tận Tùng Nghĩa để chưng cất nước dầu thông để xức "ghẻ bộ đội" cho bịnh viện Thanh Quan cũng như việc làm khôi phục nhà máy bột ngọt Thái Sơn ở Bình Đông cùng với BS. Ái, Giám đốc Viện Pasteur và TS. Phạm Văn Hai, chuyên viên hóa chất, hai người sau này được Võ Văn Kiệt hứa hẹn và giữ lời là sẽ cho đi Pháp sau khi khôi phục được nhà máy...
Tác giả cũng tâm sự là dù biết rất rõ là người CS đã vơ vét rất nhiều tài nguyên, sản vật của miền Nam đem về Bắc ngay từ những ngày đầu chiếm đoạt miền Nam từ những chiếc xe đắt tiền như Mercedes, máy điện toán IBM khổng lồ ở Bộ TTM,... cho đến những máy phát điện dùng cho Ấp chiến lược thời Đệ Nhất Cộng hòa. Theo tác giả, dù biết nhưng vẫn cố gắng là làm ra những sản phẩm của cải vật chất tiêu dùng cho đời sống như từ chiếc kem đánh răng, xà bông bentonite, hay bột ngọt,... cho dù cộng sản có đem về Bắc, nhưng họ cũng phải để lại một phần ít nào đó cho miền Nam, trong đó ít ra bà con cũng được hưởng phần nào... Đó cũng lại là một lối suy nghĩ thành thật, rất chủ quan kiểu "tiểu tư sản" của tác giả trong giai đoạn này.
Điều như vậy cho thấy tác giả có lẽ là người miền Nam, mang bản tính bộc trực và "lý tưởng", không nhận thức rõ ràng về sự điêu ngoa, lọc lừa và gian manh của người cộng sản nói chung vốn tham ô, khác với cái chủ nghĩa mà họ rêu rao. Khi chiếm lĩnh được Việt Nam Cộng Hòa giàu có của cải là chỉ để... vơ vét cho sạch để mang về Bắc mà thôi!

 

Trong phần đặt câu hỏi hay phần hội luận, rất nhiều cử tọa nêu câu hỏi rất hào hứng, thấy TS. Truyết mặc đồng phục thuở học trò trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, GS Nguyễn Thanh Liêm (là một trong những hiệu trưởng trường này), ông yêu cầu TS. Truyết nhắc lại 2 câu đối được tạc trước cổng trường xưa là điều gì, hậu ý của nền giáo dục của chính thể VNCH là những nguyên tắc nào". May quá TS. Truyết vẫn còn nhớ, dù ông rời trường đã hơn 50 năm rồi. TS. Truyết cho biết là: "Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt, Tây Âu khoa học yếu minh tâm", ông giải thích: "Ðạo lý cương thường của Khổng Mạnh nên khắc vào xương; Kiến thức khoa học của Tây Âu cần phải ghi vào lòng. Nguyên tắc hay triết lý của VNCH dựa vào 3 điểm khi đào tạo một con người là: "Nhân Bản, Dân Tộc, và Khai Phóng", là điểm chính quan trọng vì nó nói lên triết lý cơ bản của nền giáo dục VNCH". GS Liêm vui cười đồng ý. Thật vậy, là học sinh Petrus Ký nên biết chi tiết kỷ niệm này và ý nghĩa giáo dục của VNCH.

 

Nhà văn Nguyễn Hữu Của thắc mắc tại sao bìa sách lại là hình TS Truyết xoay lưng vào một bức tường nên độc giả chỉ thấy lưng ông mà thôi. TS Truyết giải thích ảnh như vậy tượng trưng cho đồng bào trong xứ bị giam hãm trong nhà tù lớn, vì bức tường phía trước là mảnh tường Berlin, được đại học Chapman mang về đặt trong khuôn viên trường làm kỷ niệm, điểm đặc biệt trên ấy có ghi dòng chữ "The house divided against itself cannot stand", một câu nói để đời của Tổng thống Abraham Lincoln. Tổng Thống Lincoln nêu lên quan niệm tinh thần đoàn kết, hòa giải giữa các thành phần trong quốc gia là cần thiết.


Ngoài phần diễn thuyết hay hội thảo về sách TTNCV, ban hợp ca Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và ca sĩ  MC Phạm Ngọc Đăng cùng ca nhạc sĩ Hạnh Cư đã điều khiển một chương trình âm nhạc văn nghệ giúp vui thật hào hứng, ngoài những nhạc phẩm đơn ca được trình bày xen kẻ trong suốt chương trình, các bài hợp ca như: Người Giao Chỉ (nhạc do Cao Minh Hưng, thơ do Nguyễn Thơ Sinh), Bạch Đằng Giang và Thề Không Phản Bội Quê Hương. Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ hoạt động với mục tiêu văn hóa và xã hội, nhóm văn nghệ này thường xuất hiện trong cộng đồng miền Nam California.

Buổi ra mắt sách thành công là do nhiều bàn tay đóng góp, như trên sân khấu có MC Nguyễn Hữu Của (Văn Bút), Phạm Ngọc Đăng (Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ), cũng như những nhân sự tình nguyện lo về âm thanh, sân khấu, chỗ ngồi, slide show, âm nhạc,... Có một thân hữu của Mai Thanh Truyết tự nguyện đến giúp, dù âm thầm làm việc, phụ trách nhiều việc như chuẩn bị sắp xếp hội trường bàn ghế, lo hệ thống âm thanh cùng những chuyện linh tinh như phần refreshment, ăn uống nhẹ... như chuyên viên lo về quảng cáo thương mãi tại OC, DĐN là điển hình cho việc bạn bè quý mến TS Mai Thanh Truyết.

 

Đây là buổi ra mắt sách thành công.

 

Nguyễn Thanh Huy

Date: Monday, June 25, 2012, 10:36 AM

 

Hội luận giữa nhà báo Trần Quang Thành, Phan Đình Minh và Mai Thanh Truyết

Gởi qúi anh nghe buổi hội luận của Nhà báo Trần Quang Thành, TS Mai Thanh Truyết và nghệ sĩ Phan Đình Minh

 

 

http://dc610.4shared.com/download/46WZhYyl/Paltalk_20120618_Hoiluan_Nghe_.mp3

Youtube Tâm Tình Người Con Việt

Xin bấm vào link dưới đây để xem 9 video trên You tube:

http://www.youtube.com/watch?v=TDclAnBtHB8&list=PL565B6BEFF6E6FE77&feature=view_all

Bản nhạc Người Giao Chỉ

Bài hát "Người Giao Chỉ" của Ngạc sĩ Cao Minh Hưng

Viết cho Tâm Tình Người Con Việt


http://caulacbotinhnghesi.net/index.php?option=com_content&view=article&id=647

 

Đọc Tâm Tình Người Con Việt


 

Đọc "Tâm Tình Người Con Việt"

 

Hôm tiệc của bạn bè họp mặt tại nhà hàng Mon Ami, tôi được Tiến sĩ Mai Thanh Truyết biếu quyển sách mới nhất này. Xem tựa đề người đọc có thể mường tượng hay suy diễn được một phần nào của nó do 2 nhóm chữ "Tâm tình" và "Người con Việt". "Người con Việt" hẳn là tác giả rồi. Còn "Tâm tình" thì có nghĩa là tâm sự từ đáy lòng được tác giả mang ra trình bày, kể lại có thể theo lối lãng đãng, tản mạn, không cần đóng khung theo khuôn phép, câu nệ hình thức như những tác phẩm tham luận hay nhiều bài thuyết trình của tác giả đã trình bày phổ thông đại chúng trước đây.

 

TS Mai Thanh Truyết thuyết trình

 

Năm tác phẩm trước đây của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, dù viết riêng hay viết chung với GS Trần Minh Xuân hay TS Phan Văn Song, nội dung sách thuần về khoa học kỹ thuật hay chính trị cho người đọc thấy cái kiến thức tô luyện uyên  bác, những nhận định hay những phân tích đào sâu đề tài của tác giả, hoặc giả là những đặc điểm chuyên môn chuyên ngành, chuyên khoa sở trường của TS Truyết, nhưng tác phẩm "Tâm Tình Người Con Việt" tôi đọc trong sự gần gủi với nhân sinh quan, nếp suy tư của ông về cuộc đời chung quanh hay cuộc sống cá nhân riêng tư hay rất riêng tư, đan cử ví dụ như sau:

 

1/ Khấn nguyện cùng Trời Đất (xem trang 142):

 

Tác giả viết: "trong những ngày còn lại của cuộc sống, con sẽ cố gắng chia xẻ những ân sủng con có được, cũng như tận lực làm những gì con có thể làm được để làm vơi đi phần nào nỗi đau của Đất Nước, nhứt là bà con Việt đang còn sống trong vòng kiềm tỏa cường quyền."

 

2. Nói với Đất và Nước:

 

Tác giả viết về Đất và Nước tiêu biểu cho Tổ Quốc, Non Sông. Đất cũng là đất, là nơi sinh sống của cả dân tộc. Nước cũng là nước, là suối nguồn dinh dưỡng dân tộc. Ông khẳng định:

"Nhưng, trong hơn 20 năm qua, tôi chỉ nói về Đất và Nước của xứ tôi, xứ Việt Nam đang còn đắm chìm dưới ách cai trị của "ngoại bang" tuy có cùng tiếng nói. Đất tôi đang bị dày xéo vì những quyết định "vô cảm và vô hồn", vì những công cuộc xây cất các khu "giải trí" cho du khách quốc tế để thu lợi, vì những công trình vô bổ mang lại lợi ích cho một thiểu số cầm quyền... Đất đang bị đem rao bán cho ngoại bang!... "Nước" đang bị ngoại bang làm vẩn đục!

Nước cũng chịu cùng chung số phận với Đất. Nước đang bị tận dụng và bị ô nhiễm đến nỗi thiên nhiên không còn khả năng tái tạo lại nguồn nước trong lành"

 

 

3/ Nói với Phụ Mẫu:

 

Thân phụ là một thầy giáo hiền từ. Có rất nhiều đức tánh của thân phụ mà tác giả ngưỡng mộ như:

- Đức tha thứ.

- Tính nhường nhịn và thương yêu nhau.

- Tính cương quyết và trì chí

- Đức tính hy sinh cho tha nhân.

 

Thân mẫu của tác giả là một người Mẹ Việt Nam truyền thống, chơn chất và đôn hậu, hy sinh lo cho chồng con.

 Vì theo đuổi lý tưởng chống người CSVN độc tài tàn ác, khi phụ mẫu qua đời, tác giả từ chối về quê hương, không về chịu tang, dù thương cha mẹ, nhưng tác giả cương quyết giữ vững lập trường kiên định.

  

4/ Nói với anh chị em:

 

Tác giả là người con áp út trong một gia đình 11 người. Vì anh chị lớn trong gia đình lo cho các em, lo cho tác giả từ lúc du học cho đến ngày mang gia đình vượt biên ra xứ ngoài đã nhờ vào anh chị. Đây là một gia đình kiểu mẫu, anh chị em yêu thương lẫn nhau. Thật đáng quý. Tác giả tri ân anh chị: "Xin cám ơn tấm lòng của các anh chị lo cho một đứa em trên bước đường công danh".

 

5/ Nói với con cái (trang 148):

 

Là người viết văn tôi yêu những điều viết về cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè,... vì thế nên quyển sách này dầy gần 280 trang, nhưng tôi chỉ tập trung và lựa chọn đề tài chủ yếu trong sự chọn lựa riêng biệt của tôi khi đọc tác phẩm này, tức từ trang 141 đến 157, chỉ 16 trang, tác giả thố lộ những điều riêng tư, thầm kín nhất, sâu sa nhất trong ý nghĩ của mình. Tôi thích viết về con tôi, tôi nhận được sự tương đồng qua sách này, tác giả Mai Thanh Truyết có nhiều lần tâm sự với tôi khi chúng tôi đi chơi chung, anh hài lòng về sự thành đạt, giỏi giang của 4 cháu, con anh, bây giờ tôi xem anh viết:

"Ba muốn viết một vài lời đầu tiên về các con, hy vọng các con có điều kiện đọc. Ba có 4 đứa con. Hai đứa đầu là do ước nguyện có được đứa con trai và một đứa con gái. Trời Phật đã hoàn thành ước nguyện của Ba. Hai đứa sau, Ba thật thà xin lỗi, sinh ra các con trong điều kiện tối tăm của đất nước và không nằm trong ước muốn của Ba.

Tất cả 4 đứa đều được sinh ra trong tình trạng tốt, không bịnh tật bẩm sinh, có trí não bình thường và hiện đang có đời sống gia đình và chuyên môn ổn định trên đất tạm dung nầy. Tất cả đều do phước đức của ông bà, cha mẹ dành cho Ba và các con. Các con cần nên nhớ lấy. Các con có được ngày hôm nay là nhờ ơn phước ông bà tổ tiên là chính, và sự cố gắng của các con chỉ là phụ. Các con đừng tự mãn và xem thường hay khi dễ nhưng bạn bè trang lứa không làm được như mình. Đức khiêm cung luôn luôn và bao giờ cũng là một đức tánh của một người có giáo dục. Ba dặn các con như thế đó!...'

 

Tác giả Mai Thanh Truyết là người bạn hay người thầy hòa nhã, vui vẻ, nhưng đôi lúc cứng rắn, trong cương vị là người cha, ông cũng áp dụng những điều tương tự, nhưng khi nóng giận, ông chỉ rầy và khuyên răn các con, mà không hề đánh con cái. Tôi hiểu tâm hồn ông rất tôn giáo, trong phòng việc ở nhà ông có bàn thờ Phật, nơi mà ông dùng làm nguồn thờ phượng tâm linh và là nguồn cho sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn. Thật vậy mỗi con người chúng ta có những lúc va chạm giữa đạo và đời, giữa thiện tâm và ganh ghét, giữa bao dung và ích kỷ, giữa lẽ phải và sai lầm,... Tôi thích có nhiều bạn bè, những thân hữu, những Mai Thanh Truyết, Nguyễn Lý Sáng, Dương Viết Điền, Thái Tú Hạp, Phan Đình Minh, Đặng Hùng Sơn, Vương Hà, Phi Loan, Lương Mỹ Hạnh, Phan Anh Dũng, Anh Bằng, Ngọc Hà, Lê Văn Khoa, Trương Ngọc Thạch, Tâm An Đỗ Văn Học, Tôn Kim, Việt Loan, Tiểu Thu, Vương Hồng Mai, Vân Khanh, Mỹ Lan, Lan Nhi, Quỳnh Giao, Lâm Mai Thy, Tăng Đức Sơn, Cao Minh Hưng,… có những lúc chúng ta trong cuộc sống này đối diện với những điều khó khăn trăm bề, tâm sự riêng về những dằn co từ ý nghĩ, giữa đạo và đời,... Phải chăng "Nhân chi sơ tính bản thiện" ? điều mà Khổng Tử nhận định mọi người như vậy, nhưng rồi môi trường sống biến hóa con người sa ngã, "tha hóa" làm xấu đi.

 

TS Mai Thanh Truyết thuyết trình

 

6/ Mai Thanh Truyết nói với bạn bè:

 

Như đã đề cập, tác giả Mai Thanh Truyết có bạn bè đông, Mai Thanh Truyết có bạn bè nhiều, tôi biết những bạn của ông cùng trang lứa lớp Petrus Ký có Phạm Gia Cổn, Huỳnh Cao Lộc, Ngô Đình Thuần,... Bạn học bên Pháp thuở sinh viên có Phan Văn Song, Nguyễn Xuân Nghĩa, Đinh Xuân Quân,... Bạn bên Đại học Sư Phạm có Nguyễn Hoàng Duyên, Trần Đình Tuấn, Đàm Trung Pháp,... Bên Đại học Cao Đài có Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Sâm, Châu Tâm,... Bên Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (VAST) có Nguyễn Bá Lộc, Cao Minh Hưng, Trần Cảnh Xuân, Nguyễn Hữu Xương,... Bên báo chí như Đào Hiếu Thảo (RFA), Nguyễn Thanh Huy, Lê Phát Được,... bên Gia đình Nguyễn Ngọc Huy có Phùng Quốc Công, Trần Minh Xuân, Trần Minh Nhật,... Những người bạn khác như Nguyễn Thanh Liêm, Đỗ Hải Minh, Lê Văn Khoa, Châu Văn Để, Trần Văn Tích, Phan Đình Minh, Trần Văn Thuần, Nguyễn Ngọc Dung, Dương Đức Nghiêm, Chu Tất Tiến, Cao Thái Hải, Lưu Tấn Xuân, Lê Phú Huy (học trò ruột bên trường Đại học Cao Đài nay thành bạn rất thân),... Tôi xem tiếp nơi trang 152, tác giả Mai Thanh Truyết viết: "Có thể nói bạn bè tôi rất đông. Từ bạn học từ thời tiểu học, trung học, đại học, rồi bạn tranh đấu bên Pháp, bạn sau 30/4/75, bạn trong trại tị nạn, và sau cùng bạn trong thời gian sống tạm dung trên mãnh đất hoa Kỳ nầy. Bạn đến rồi bạn đi vì "xa mặt cách lòng" cũng có. Bạn "đi" vì không cùng quan điểm, thậm chí không nhìn mặt nhau… cũng không thiếu. Tuy nhiên tôi vẫn hãnh diện vì cũng cón có rất nhiều bạn ở khắp mọi nơi ngay cả những người bạn vẫn còn trong vòng kiềm tỏa của cường quyền.

 

Đối với bạn, tôi vẫn luôn luôn tôn trọng dù bạn đó đã xa tôi hay đã xem tôi như không cùng quan điểm nhứt là trong công cuộc chiến đấu mang lại tự do và nhân quyền cho Việt Nam tương lai. Cho dù thế nào đi nữa, tôi cũng vẫn trân quý những người bạn đã từng nhận là bạn của tôi một thời."

 

Mai Thanh Truyết quý bạn bè, ông gửi gấm những dòng ân tình thêm: "Xin mượn những dòng chữ trên đây ghi nhận và cám ơn tất cả các bạn gần xa khắp nơi trên quả đất nầy."

 

Trong danh sách những người bạn trên, tôi xin đan cử, trích đoạn 2 người bạn văn viết về ông hay liên quan đến tác phẩm này của ông. Nhà văn trẻ Cao Minh Hưng nhận định về sách "Tâm Tình Người Con Việt", tôi xin dùng 2 trích dẫn trong bài viết của anh Hưng như sau:

 

"Lần giở những trang sách, tôi bị lôi cuốn bởi những điều anh ghi lại, không giống như nhiều quyển hồi ký của các tác giả thường kể về những thành tích của "một thời vang bóng" của họ, mà trái lại, tôi có cảm giác như một người anh đi xa lâu ngày không gặp đang ngồi trước mặt tôi để kể lại những gì đã trải qua trong một quảng đời của anh. Bình dị, từ tốn, mộc mạc và chân tình." 

 

Tôi đồng ý với anh Cao Minh Hưng, văn phong trong sách mới này là với ngòi bút chân tình, khiêm tốn, tuy mộc mạc và bình dị cũng như bố cục nối kết mạch lạc khi tác giả Mai Thanh Truyết giải bày tâm tình của mình.

 

"Điều làm tôi cảm phục qua những chương sách anh viết, với những bố cục rất rành mạch, là kết thúc với một "lời nhắn".  Đó là những tâm tình, như tựa đề của bài viết, từ đáy lòng, từ con tim của tác giả, có khi là một lời chia sẻ, một nhận xét xác đáng, môt lời lên án đanh thép, hay một góp ý chân tình cho đối tượng là những người cộng sản trong nước mong họ sớm thức tỉnh hay cho những thế hệ mai sau chưa nhận ra hết chân tướng và những bản chất của chế độ..."

 

Nếu Cao Minh Hưng là một người trẻ thì nhà giáo Trần Minh Xuân đang trên hoan lộ hướng đến bát tuần, ông cụ cao niên này viết văn với bút hiệu không trẻ, tôi muốn đề cập về GS. Trần Minh Xuân, hay ông "Giáo Già". Ông cho nhận định về tác giả Mai Thanh Truyết với bao kỷ niệm về tình bạn vui thú như sau:

 

"Ðiều đáng nói hơn nữa nơi Truyết là căn nhà Truyết đang ở, tọa lạc tại thành phố Westminster, nơi tôi thường trú ngụ mỗi khi đi Nam California. Ðó là nơi được tôi và cựu Luật sư Trần Minh Nhựt gọi là "Tụ Nghĩa Ðường", vì nó là nơi những đồng chí của anh trong Ðại Việt Quốc Dân Ðảng (anh là Phó Chủ tịch đương nhiệm) và bè bạn khắp nơi có dịp về Nam California hội ngộ, với bất cứ lý do gì. Tất cả cùng đến gặp mặt, đàm đạo trong bữa cơm tối thân mật, chung vui một ly bia, hay ngồi bên nhau uống tách trà đêm khuya, tách café buổi sáng,… với tất cả thân tình của những anh em bè bạn "cùng một lứa bên trời lận đận".

 

Vì có mặt thường xuyên ở "Tụ Nghĩa Ðường", nơi mà tôi đặt là "Khách sạn Ba sao Le High", nghĩa là từ con đường huyết mạch Bolsa của thủ phủ Little Saigon rẽ vào đường Le High khá khang trang, nên tôi am hiểu những điều ông Giáo Già mô tả về cơ ngơi của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, ông Giáo dùng câu thơ về tình bạn của thi sĩ thời Đường: "Cùng một lứa bên trời lận đận, Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau" (hay câu từ tiếng Hán: "Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân, Tương phùng hà tất tằng tương thức"), Bạch Cư Dị (772-846). Ông Giáo Già kể tiếp:

 

"Phần tôi, lần nào đến với Truyết anh cũng đều cầm điện thoại gọi cho tôi nói chuyện viễn liên với các Giáo sư Nguyễn Văn Trường, Lê Công Truyền… và không lần nào vắng mặt Ðỗ Hải Minh (Dohamide) cho dầu sức khỏe anh không được tốt. Riêng phần chị Ðiệp, hiền nội lúc nào cũng sát cánh bên anh theo đúng câu hát "anh ở đâu thì em đó", chị tiếp đãi bạn bè của anh hết sức thân tình khiến tôi bất chợt nghĩ ngay 4 câu lục bát thoang thoảng mùi thiền. Xin được dùng làm đoạn kết của bài viết… tản mạn này:

 

"Trên cao vi tiếu Phật ngồi

Cõi trần Ðiệp-Truyết mỉm cười nghe kinh

Vô ưu chim sáo tự tình

Sắc-Không/Không-Sắc thương mình thiết tha."

Trần Minh Xuân.

 

Thưa, đó là hai người bạn văn tiêu biểu của tác giả Mai Thanh Truyết mà tôi đan cử ra đây. Mai Thanh Truyết có bạn bè nhiều, Mai Thanh Truyết có bạn bè đông, thật vậy, không sai.

 

7/ Nói với những người đang cầm quyền ở Việt Nam:

 

Tác giả viết thẳng không vòng vo: "Xin nói ngay là những dòng chữ sau đây không phải là lời nhắn gửi hay trao đổi với họ mà chính là một vài suy nghĩ về họ trong cung cách quản lý toàn thể đất nước hơn 36 năm qua.

 

Nhớ lại, trong những buổi hoàng hôn trước ngày 30/4/1975, tâm trạng một thanh niên trẻ,  mang bầu nhiệt quyết hầu mong đóng góp một chút gì cho quê hương, đang bị dằn co bởi ý tưởng ĐI hay Ở. Sau cùng quyết định ở lại đã chiến thắng, xóa đi nỗi khắc khoải của nội tâm vì một suy nghĩ rất "lãng mạn" rằng:"Cho dù CS Bắc Việt có chiếm miền Nam đi nữa, mình cũng thể đối thoại được với họ, vì cùng chung chủng tộc và cùng một ngôn ngữ". Nhưng tôi đã lầm, cũng như nhiều người đã lầm, vì họ và tôi không nói cùng một tiếng nói mặc dù cùng phát âm tiếng Việt. Trước bế tắc của cuộc sống và tương lai con cái, phải đành liều chết vượt biên mà thôi. Không còn một giải pháp nào khác.

 

Trong suốt hơn 20 năm thực sự dấn thân vào con đường tranh đấu dù dưới danh nghĩa cá nhân hay thành viên của Hội khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST) hay dưới danh nghĩa Đại Việt, qua 6 cuốn sách viết riêng hay viết chung với các bạn như GS Trần Minh Xuân, TS Phan Văn Song, tôi đã trang trải trong đó, nỗi lòng của người con Việt, nói lên những vấn nạn môi trường do sự phát triển không ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa và bảo vệ môi trường cùng những chính sách y tế, giáo dục hoàn toàn đi ngược lại trào lưu tiến bộ của văn minh thế giới."

 

8/ Tác giả nói với chính mình:

 

Khi tác giả tự bạch, ta nói với mình, ông dùng lời của GS. Nguyễn Văn Trường thường nhắc nhở ông: "Cuộc sống vốn đã bất toàn", với tuổi đời vượt ngưỡng cửa "cổ lai hi", có nhiều điều ông bôn ba dấn thân tranh đấu ngỏ hầu hạ bệ chế độ đương quyền để xứ sở  đổi thay, nhưng đường dài, gian truân không ít, ông không toại nguyện vì xứ sở hiện lâm nguy vì tình cảnh nguy cơ mất nước vào tay ngoại bang.

 

Tác giả cho lời kết cho sách "Tâm Tình Người Con Việt" với mục đích sách được biên soạn và ấn hành là "cuốn sách cuối cùng tôi trang trải về những ưu tư về đất nước thân yêu của chúng ta, một Đất Nước trong suốt chiều dài lịch sử từ khi lập quốc cho đến ngày nay phải chịu nhiều oan nghiệt.

Nhưng tiếc thay, những oan nghiệt trong quá khứ đã đến từ một chủng tộc khác dòng, khác giống; còn nỗi oan nghiệt dân tộc phải chịu ngày hôm nay phát xuất từ một chủng tộc đồng nhứt, nói cùng một ngôn ngữ Việt tộc."

 

Cái khó nhất hiện nay là giới cầm quyền phải khôn khéo bước xuống trả lại quyền cai trị cho người dân, và rồi toàn dân đoàn kết chống ngoại xâm. Thiết nghĩ đó cũng là ước mơ của của tác giả Mai Thanh Truyết và của cả mọi người.

 

TS Mai Thanh Truyết thuyết trình

 

Với tôi, người viết bài này, nhận xét tác giả sách là cuối đời người ở tuổi hưu trí, từ bằng cấp, kiến thức, công thành danh toại về nghề nghiệp, cho đến con cái đều thành tài, Mai Thanh Truyết có đủ cả, ông có thể rửa tay gác kiếm qui ẩn hay thư thái ung dung hưởng thụ, nhưng tinh thần Mai Thanh Truyết theo khuynh hướng của cụ Nguyễn Công Trứ, ngoài 70, thất thập cổ lai hi, vẫn ưu tư, trăn trở và muốn xông pha ra chiến trận đánh đuổi giặc Tây ra khỏi bờ cõi của xứ sở ta, tinh thần vì ý thức "quốc gia hưng vong thất phu hữu trách", chia chung nỗi đau khổ ngậm ngùi của kẻ sĩ, Mai Thanh Truyết bôn ba ở tuổi xế chiều chống giặc Tàu xâm lăng, xua đuổi giặc Tàu bá quyền ra khỏi bờ cõi.

 

Viết lên những dòng này tôi muốn cám ơn những ý tưởng cao quý của tác giả Mai Thanh Truyết, những gương ái quốc, gương thủy chung với dân tộc và đất nước như Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu hay Nguyễn Ngọc Huy vẫn mãi mãi sáng ngời trong sử sách.

 

 

Trần Hoàng Nam

 


//////////////////////////////////////////////////