20 năm VAST - Phóng sự của Thu An (audio)

Phóng sự của Thu An - Little Saigon Radio.
Xin bấm PLAY để nghe audio.


20 Năm VAST-Viễn Đông

20 năm Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam Phát Triển Việt Nam
Quốc Hương/Viễn Đông

Chủ tịch hội đồng quản trị Mai Thanh Truyết đứng thuyết trình - ảnh: Quốc Huơng/Viễn Đông.

WESTMINSTER - Hội Thảo Về Phát Triển Việt Nam và Kỷ Niệm 20 Năm Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam, đã được tổ chức từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều ngày 10-10-2010, tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng, trong khuôn viên Tòa Thị Chính Westminster, với nghi thức khai mạc bởi MC phó hội trưởng Phạm Ngọc Lân và chào mừng quan khách bởi chủ tịch hội đồng quản trị Mai Thanh Truyết, nhất là trong đó có các tên tuổi khoa học kỹ thuật gia với tâm huyết phát triển Việt Nam.

Trong số quan khách có các vị dân cử Việt Mỹ như dân biểu Cali Trần Thái Văn, ủy viên giáo dục Quận Cam Phạm Kim Long và quý đồng hương, các nhân sĩ cộng đồng…

Các tổ chức bảo trợ gồm có Đại Việt Quốc Dân Đảng, Tân Đại Việt, Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy, Cơ Quan Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ, Tổ Chức Quốc Tế Phát Triển Việt Nam Hòa Lan, Diễn Đàn Điện Tử Khoahoc.net Đức Quốc, Nhóm Phục Việt Âu Châu Paris Pháp Quốc, Tổng Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh, Bán Nguyệt San Thế Giới và Nguyệt San Sống Houston, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California, Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại, Trung Tâm Tây Nam Hoa Kỳ, Diễn Đàn Việt Thức-VTO Washington DC, Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Thụy Sĩ, Tổng Hội Nghiên Cứu Thế Giới Và Phát Triển Võ Thuật Việt Nam.

Theo hội trưởng Nguyễn Bá Lộc và chủ tịch hội đồng quản trị Mai Thanh Truyết: "Chủ trương của hội là tạo cơ hội cho một số chuyên gia Việt Nam đang sống tại Hoa Kỳ có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn cần thiết cho mình, cũng như cho sự hướng dẫn thế hệ tiếp nối.

Thứ hai là đóng góp sự hiểu biết và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, cho sự tiến bộ cộng đồng cũng như cho các tổ chức thêm ý kiến chuyên môn cần thiết, cho sự tranh đấu vì chánh nghĩa quốc gia dân tộc.

Thứ ba là cùng các đoàn thể, tổ chức trong cũng như ngoài Việt Nam, tranh đấu chống lại nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, đã và đang gây ra tác hại cho đất nước; đồng thời hội cung cấp một số dữ kiện khoa học về tình trạng tệ hại và sai trái ở Việt Nam cho các tổ chức quốc tế (như WTO, UNESCO, Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Á Châu, Human Right… và một số nước có viện trợ hay giao thương với Việt Nam như Nhựt, Hoa Kỳ, Pháp, Úc…). Chúng ta mong có những hiểu biết đứng đắn, và sự tiếp tay tranh đấu của những tổ chức quốc tế".

Cựu chủ tịch hội đồng quản trị Trần Cảnh Xuân, tóm tắt hoạt động của hội trong 20 năm qua, kể từ ngày thành lập 26-8-1990 tại Quận Cam, với "mục tiêu chính yếu vẫn là áp dụng mọi phương tiện hiện hữu nhằm đẩy mạnh sự phát triển và tái thiết Việt Nam, để tiến đến một quốc gia tự do dân chủ và thịnh vượng", và "trong 20 năm qua hội đã tích cực dấn thân nghiên cứu tình hình đất nước liên quan đến những vấn nạn về môi trường, hậu quả của bệnh khuyết tật do việc sử dụng bừa bãi các loại hóa chất… Ngoài ra các kỳ hội thảo hàng năm về các vấn đề giáo dục, y tế, kinh tế, xã hội, tổ chức hành chánh… cũng được đặt ra".

Hội thảo với 6 bài thuyết trình:

Diễn giả Mai Thanh Truyết với "Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam": "đất nước ngày hôm nay đang đi thụt lùi, là do sự quản trị và phát triển đất nước không ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa, không bảo vệ môi trường, và phát triển không có kế hoạch và chính sách dài hạn cũng như tính khả thi của mỗi dự án… Để hiểu tường tận tình trạng môi trường Việt Nam, thiết nghĩ không gì thâm thúy và chính xác cho bằng câu nói của Lê Thị Công Nhân, trong cuộc phỏng vấn của đối thoại về quan hệ tay ba Việt-Hoa Kỳ-Trung Cộng, vào cuối tháng 8-2010: 'Mọi cái trong đời sống dân sinh, cơ bản nhất đều quá tải: giao thông quá tải, bịnh viện quá tải, trường học quá tải, môi trường quá tải, chỉ có pháp luật dân chủ và văn hóa dân chủ là cực kỳ thiếu thốn, thậm chí gần như không có'".

Diễn giả Nguyễn Thanh Liêm với "Tóm Lược Vấn Đề Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam": "Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 có nhiều cải tiến đáng kể về tổ chức, về thi cử, về chương trình, về đào tạo giáo chức. Vẫn chưa hoàn hảo. Còn một số khó khăn chưa vượt qua được. Giáo dục cộng sản nhiều khuyết điểm, phẩm chất kém so với giáo dục ở các quốc gia tân tiến, thua hẳn giáo dục Việt Nam Cộng Hòa".

Diễn giả Nguyễn Bá Lộc với "Tóm Lược Bộ Máy Hành Chánh Công Quyền Cộng Sản Việt Nam Trong Lãnh Vực Kinh Tế": "Phân tích bộ máy hành chánh công quyền cộng sản Việt Nam, một số trường hợp điển hình với các mô thức quản trị kinh tế như giai đoạn kinh tế xã hội chủ nghĩa thuần túy (1975-85), thời kỳ đầu 'đổi mới kinh tế' (1986-2000), thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu (2001-bây giờ), và cải cách hành chánh của cộng sản Việt Nam, tổng quan hành chánh công quyền với mô hình hành chánh công quyền của cộng sản Việt Nam không giống mô thức bình thường".

Diễn giả Nguyễn Xuân Nghĩa với "Kinh Tế Việt Nam: Đổi Mới Để Đi Tới Đâu?": "Bối cảnh về lý luận và thực tế chiến tranh của Việt Nam từ khi cộng sản nắm quyền : với người cộng sản-việc quản trị một quốc gia cộng sản hay xã hội chủ nghĩa là chuyện đơn giản. Năm xưa, Lenin đã chỉ ra rằng nó cũng đơn giản như dịch vụ phát thư. Tình hình kinh tế Việt Nam từ 1975 đến nay qua một lần khủng hoảng và ba nhịp đổi mới. Câu hỏi cho tương lai: đổi mới chỉ là một huyền thoại dẫn tới hậu quả tai hại và tồn tại, nhờ nghịch lý là nền kinh tế ấy vẫn sống nhờ tiền ở hải ngoại gửi về!".

Diễn giả Đỗ Hải Minh với "Các Sắc Tộc Thiểu Số Trong Phát Triển": "Một lối thoát tích cực có thể được chọn lưạ thích hợp, theo thiển ý, là nên dứt khoát gọi là 'dân tộc' khi đề cập riêng rẽ từng nhóm dân. Nhưng nếu xác định mục tiêu tối hậu của một cộng đồng quốc gia Việt Nam nói chung, khi nhắc đến người dân tộc thiểu số thì cần đặt trong vị thế là thành phần của dân tộc Việt Nam, được chánh thức gọi chung là 'các sắc tộc thiểu số'. Đồng thời, ngược lại, trong người dân Việt nói chung, thái độ hiểu biết và tương kính cần luôn luôn được phát huy giữa 'thiểu số' và 'đa số', để mới có thể kết hợp hình thành một nỗ lực chung đóng góp hài hòa cần thiết vào công cuộc phát triển đất nước được. Người sắc tộc thiểu số, đồng thời, cũng không để bị hấp dẫn lôi cuốn mù quáng vào các chủ trương kêu vang hoang tưởng, do vài cá nhân ôm mộng làm lãnh tụ chánh trị mị dân thao túng sai lạc dư luận. Chúng tôi xin kết thúc bài phát biểu bằng cách một lần nữa, lặp lại câu danh ngôn được nghe từ cố tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương: 'Chỉ có những người đồng đẳng mới bình đẳng'".

Diễn giả Lê Ngọc Điệp với "Công Nghệ Thông Tin & Công Nghệ Điện Tử 'Xanh'": "Theo suy nghĩ thông thường, có thể nói ngành kỹ thuật thông tin điện tử xanh là ngành nghiên cứu về phương cách sản xuất và ứng dụng các dụng cụ điện tử một cách hữu hiệu và tiêu thụ năng lượng tối thiểu, trong khi dùng và tạo ra lượng phế thải tối thiểu. Những quan niệm mới phóng khoáng hơn hơn và chính xác hơn, về định nghĩa của ngành kỹ thuật xanh này như: ngành thông tin và điện tử xanh, nhằm mục đích nghiên cứu và ứng dụng những kiểu mẫu, sản xuất, sử dụng, và phế thải… như các bộ phận monitor, máy in, bộ phận 'cứng', 'mềm', cần phải đạt hiệu năng tối đa, cũng như tạo ra ảnh hưởng tối thiểu hoặc không ảnh hưởng lên môi trường. Sử dụng xanh, phế thải xanh, kiểu mẫu xanh, và sản xuất xanh. Một khái niệm khác về kỹ thuật điện tử xanh nữa là khái niệm về 'sự ảo hóa điện toán'. Đây là một tiến trình sử dụng nhiều hệ thống máy điện toán cùng một lúc, nhưng chỉ cần một hệ thống 'mềm' mà thôi."

Tiếp theo là phần thảo luận với cử tọa gồm "quý đồng hương và các hội đoàn tham dự, đóng góp ý kiến về những vấn đề lớn của đất nước, hầu xây dựng một Việt Nam Dân chủ, Tự do và Phú cường", mà theo phó hội trưởng Phạm Ngọc Lân, "20 Năm Qua Đường Đi Vẫn Chưa Tới": " Trong hơn 20 năm qua, hội đã cố gắng không ngừng nghỉ, nói lên Sự Thật về các vấn đề liên quan đến 'khoa học & kỹ thuật' của đất nước Việt Nam, để gióng lên tiếng chuông hầu cảnh tỉnh giai cấp lãnh đạo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam".

Cuối cùng, hội trưởng Nguyễn Bá Lộc đúc kết những nét chánh của hội trong tương lai: "Trước hết xin xác nhận lần nữa mục tiêu hoạt động của hội, là đóng góp kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn về khoa học và kỹ thuật, trước hết và trên hết là phục vụ dân tộc. Chúng tôi mong được hợp tác và ủng hộ của các cá nhân, đoàn thể trong cộng đồng ở khắp mọi nơi. Chúng tôi cũng mong thế hệ trẻ Việt Nam trong ngành khoa học và kỹ thuật, cùng lưu tâm đến những vấn đề của Đất và Nước, cùng phối hợp với thế hệ đi trước, ngõ hầu tranh đấu cho một Việt Nam thoát đại họa hiện tại, và đem lại tương lai tươi sáng trong mai sau. Thứ nữa, chúng tôi nghĩ những vấn đề lớn của Việt Nam hiện nay, trước tiến trình toàn cầu hóa, và trong hoàn cảnh thế giới hiện tại, nên quốc tế hóa chiến lược, chiến thuật đấu tranh, để Việt Nam có thể có được sự hỗ trợ quốc tế, ngõ hầu ngăn chặn được sự bành trướng của phương Bắc".

VAST 20 năm -Người Việt

Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam kỷ niệm 20 năm thành lập

Friday, October 15, 2010

Ðỗ Dzũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) - Nhân dịp này, hội đã tổ chức một buổi hội thảo về phát triển Việt Nam với sự tham gia của một số diễn giả trong cộng đồng.

Kỹ sư Phạm Ngọc Lân (phải) giới thiệu những thuyết trình và diễn giả tại hội thảo về phát triển Việt Nam nhân dịp 20 năm thành lập Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Sau nghi thức khai mạc và phần giới thiệu của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, chủ tịch HÐQT của hội, Giáo Sư Trần Cảnh Xuân, cựu chủ tịch HÐQT của hội, phát biểu: "Cách đây 20 năm, Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (VAST) ra đời nhờ sự đóng góp của các cựu bộ trưởng công chánh VNCH. Mục tiêu của hội là nghiên cứu và giải quyết các vấn đề phát triển tại Việt Nam trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, sức khỏe, môi trường..."

"Trong thời gian qua, cũng có nhiều dị nghị liên quan tới hội, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục hoạt động không ngoài mục đích xây dựng đất nước để giúp đồng bào có cuộc sống tốt hơn," ông Xuân nói tiếp.

Kế đến, kỹ sư Phạm Ngọc Lân, MC của chương trình, đã giới thiệu hội thảo với nhiều thuyết trình và các diễn giả như "Những vấn đề môi trường Việt Nam" (Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết), "Vấn đề văn hóa, giáo dục Việt Nam" (Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm), "Hành chánh công quyền trong lãnh vực kinh tế" (Nguyễn Bá Lộc), "Kinh tế Việt Nam: Ðổi mới để đi tới đâu?" (Nguyễn Xuân Nghĩa), Vấn đề sắc tộc trong phát triển (Ðỗ Hải Minh), và "Công nghệ thông tin & điện tử 'xanh' ở Việt Nam" (Lê Ngọc Diệp).

Sau phần diễn thuyết là phần thảo luận sôi nổi của cử tọa.

Trong phần đúc kết, ông Nguyễn Bá Lộc, hội trưởng VAST, đã cảm ơn mọi người tham dự và một lần nữa xác nhận mục tiêu hoạt động của hội là "đóng góp kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn về khoa học và kỹ thuật trước hết và trên hết là phục vụ dân tộc."

Ông Lộc cũng cho biết VAST "mong được hợp tác và ủng hộ của các cá nhân, đoàn thể trong cộng đồng ở khắp mọi nơi" và mong "thế hệ trẻ trong ngành khoa học và kỹ thuật cùng lưu tâm đến những vấn đề của 'đất' và 'nước', cùng phối hợp với thế hệ đi trước ngõ hầu tranh đấu cho một Việt Nam thoát đại họa hiện tại và đem lại tương lai tươi sáng cho đất nước."

Theo trang web vastvietnam.com của hội, VAST được thành lập năm 1990 tại California, đúng 15 năm sau khi người tị nạn Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất Hoa Kỳ. Người tị nạn vẫn tiếp tục sang định cư ngày càng đông và không khỏi gặp những khó khăn trong quá trình hội nhập vào xã hội mới.

Dù số người định cư trong những năm đầu tiên có trình độ học vấn và khả năng chuyên nghiệp khá cao, nhưng mọi người đều phải trải qua một thời gian tái huấn luyện mới có thể được hội nhập và tái ứng dụng nghề nghiệp cũ.

Một nhóm chuyên viên tị nạn đầu tiên đã ý thức được những khó khăn của người đến sau và đồng thời ý thức trách nhiệm của người tị nạn đối với đất nước Việt Nam dưới sự đô hộ của Cộng Sản miền Bắc.

Với niềm ưu tư đó, VAST đã thành hình với sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới chuyên viên trên thế giới, trong đó đa số là những người kỹ sư thuộc ngành công chánh tốt nghiệp tại Việt Nam và hải ngoại.

20 Năm VAST-Việt Báo

Hội Khoa Học & Kỷ Thuật Việt Nam (VAST) Kỷ Niệm 20 Thành Lập

Westminster ( Bình Sa)- - Tại hội trường Thành Phố Westminster, sáng Chủ Nhật ngày 10 tháng 10 năm 2010. Hội Khoa Học và Kỷ Thuật Việt Nam tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập hội.

Nhân dịp nầy nhiều đề tài nghiên cứu giá trị về các lãnh vực khoa học, chính trị, kinh tế đã được các diễn giả thuyết trình chi tiết. Tham dự buổi kỷ niệm và hội thảo ngoài một số quan khách, qúy vị nhân sĩ trí thức, giáo sư trong nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa ngoài ra còn có sự hiện diện một số đại diện qúy vị dân cử, các ứng cử viên người Mỹ gốc Việt, đại diện các hội đoàn, đoàn thể, các cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí. . .

Điều hợp chương trình MC Phạm Ngọc Lân. Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, phút mặc niệm. Sau đó Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn quan khách tham dự. Tiếp theo Giáo Sư Trần Cảnh Xuân lên thuyết trình về VAST 20 năm nhìn lại ông nói: " . . . Trong hai mươi năm qua hội đã tích cực dấn thân nghiên cứu tình hình đất nước liên quan đến những vấn nạn và môi trường, hậu qủa của bệnh khuyết tật do sự xử dụng bừa bãi các loại hóa chất . . . Ngoài ra qua các kỳ hội thảo hằng năm về các vấn đề giáo dục, y tế, kinh tế xã hội, tổ chức hành chánh. . .cũng được đặc ra, chủ trương của hội là tôn trọng tính cách vô tư trong sáng và trung thực của tinh thần khoa học khách quan. . .
Hội chấp nhận và nhận những phê phán của dư luận trong và ngoài nước liên quan đến các vấn đề hội đã và đang theo đuổi không ngoài mục đích xây dựng đất nước nhằm cải thiện phần nào những vấn nạn mà đồng bào đã và đang trải qua liên quan đến đời sống và sự an nguy của người dân. . ." Tiếp theo Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết thuyết trình về những vấn đề môi trường Việt Nam. Trong phần thuyết trình ông đã phân tách sự phát triển đất nước từ trước 1975 đến sau 1975. Trước năm 1975 lợi tức trung bình của người miền nam Việt Nam vào khoảng $ 150/ đầu người, so với Nhật Bản $ 180, Thái Lan $ 120, Mã Lai $ 100, Miên Lào vào khoảng $ 60/ đầu người. Hiện nay Nhật Bản, Đại Hàn có lợi tức gấp 20 lần của người Việt trong nước còn Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba xấp xỉ hơn 10 lần. . .Ông cũng cho biết đất nước ngày nay đang bị thụt lùi là do sự quản lý và phát triển đất nước không ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa, không bảo vệ môi trường và phát triển không có kế hoạch và chính sách dài hạn cũng như tính khả thi của mỗi dự án . . . Đó là những lý do mà đất nước phải gánh chịu ngày hôm nay. . ."

Tiếp theo Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm thuyết trình về đề tài " Vấn Đề Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam" trong phần thuyết trình ông cho biết ". . . Giáo dục quốc gia phải do những nhà giáo dục lãnh đạo, điều hành từ địa phương đến trung ương, từ Tiểu Học đến Đại Học, giáo dục phải được độc lập đối với cơ quan hành chánh và áp lực tôn giáo, đảng phái. Nên chia khu vực để áp dụng linh động gia giảm chương trình niên khóa sao cho thích hợp với mỗi địa phương. Giáo dục phải được đào tạo về sư phạm, phải được trau dồi về đạo đức, phẩm hạnh, phải được trả lương đúng mức, cần chú trọng đến phát huy sáng kiến, khuyến khích suy tư, thảo luận hơn là thụ động. . . Đại học nên được tự trị có nhiều tự do trong việc thiết lập chương trình cần chú trọng nhiều về sáng tác ở giáo sư và sinh viên nên tổ chức gần với đại học Mỹ, nên có đại học cộng đồng 2 năm. . ."

Tiếp theo Ông Nguyễn Bá Lộc thuyết trình về đề tài " Hành chánh công quyền trong lãnh vực kinh tế" Ông trình bày về tổng quan hành chánh công quyền, mô hình về hành chánh công quyền của cộng sản Việt Nam, ông phân tích bộ máy công quyền của cộng sản Việt Nam trong lãnh vực kinh tế, một số trường hợp điển hình qua giai đoạn kinh tế Xã Hội Chủ Nhĩa thuần túy từ năm 1975-1986 với những nhhận định chính xác qua phần thuyết trình để dẫn đến nạn tham nhũng càng ngày càng trầm trọng tại Việt Nam. . ." Kinh Tế Gia Nguyễn Xuân Nghĩa với đề tài " Kinh tế Việt Nam đổi mới để đi tới đâu?" trong phần thuyết trình ông đã ông đã lược qua bối cảnh về lý luận và thực tế: " . . . Ba nhịp đổi mới. Ông trình bày tình hình kinh tế Việt Nam từ 1975 đến nay qua một lần khủng hoảng và ba nhịp đổi mới. Trong 35 năm qua nước ta có 10 năm hoang tưởng và khủng hoảng 1976-1986 năm năm đổi mới tự phát từ dưới lên 1986-1991, 10 năm đổi mới nửa vời từ trên xuống 1991-2001 và 10 năm hội nhập để đảng viên cán bộ làm giàu trên thành qủa giả của tăng trưởng và tổn thất thật cho xứ sở. . ."

Tiếp theo phần thuyết trình của ông Đỗ Hải Minh về đề tài " Sắc tộc trong phát triển" trong phần thuyết trình ông cuũng sơ lược về sự cấu trúc dân số. . . Về những sinh hoạt của cộng đồng người Thượng lưu vong và sự liên quan đến cộng đồng người Thượng Cao Nguyên Việt Nam trên một vùng đất chứa đựng nhiều khoán sản quốc gia. . ." Sau đó Lê Ngọc Điệp thuyết trình về đề tài " Công nghệ thông tin và công nghệ điện tử " Xanh" Trong phần trình bày thuyết trình viên đã đề cập về vấn đề xây dựng tăng trưởng kỷ nghệ bảo vệ môi sinh, gia tăng phúc lợi xã hội, về nguồn phế thải điện tử, ông cũng cho biết ngành công nghệ thông tin và điện tử xanh, theo suy nghĩ thông thường, có thể nói ngành thông tin điện tử xanh là ngành nghiên cứu về phương cách sản xuất và ứng dụng các dụng cụ điện tử một cách hữu hiệu và tiêu thụ năng lượng tối thiểu trong khi dùng và tạo ra lượng phế thải tối thiểu. . ."

Sau những đề tài thuyết trình là phần thảo luận để trao đổi kinh nghiệm cũng như giải đáp những thắc mắc có liên quan đến các đề tài thuyết trình.

Kỷ niệm 20 năm với những đề tài thuyết trình nghiên cứu giá trị, đồng hương không có dịp tham dự có thể vào trang Website: vastvietnam.com

Mai Thanh Truyet

MỘT VÀI KHÍA CẠNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA TIẾN SĨ MAI THANH TRUYẾT

Trước đây nhiều người kể cả người viết cứ ngỡ rằng ông Tiến sĩ họ Mai "không làm chính trị` và nếu có thì ông chỉ gián tiếp nói lên chủ trương chính trị của mình bằng con đường lối phân tích khoa học. Nhưng nếu theo dõi tình hình sinh hoạt của ông về mọi mặt, thì hình như ông đã chuyển hướng (?) để chú trọng hơn, hoặc đã có thì giờ hơn để nói lên thẳng thắng quan điểm của mình về xã hội, nhân sinh. Đặc biệt, dựa vào hình thức chuyên môn, qua những phân tích khoa học và môi trường; qua những buổi nóí chuyện tại gia với các đồng chí, qua lễ tuyên thệ khi kết nạp hội viên mới, những buổi lễ tưởng niệm những vị đảng trưởng đã quá cố, hoặc qua việc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Đại Việt Quốc Dân đảng...Bất kỳ dịp nào ông cũng chứng tỏ quan điểm chính trị của mình một cách cụ thể. Quan niệm về chính trị của ông không vụ hình thức. Bằng một cái nhìn khai phóng và tiến bộ, ông quan niệm ĐVQĐD đã theo sát chủ thuyết "Dân Tộc Sinh Tồn" (DTST) do Đảng trưởng Trương Tử Anh xây dựng nên từ năm 1939. Dùng chủ thuyết này làm nền tảng lý luận để điều hướng hoạt động đấu tranh hướng về mục tiêu chiến lược lâu dài, không chao đảo trước mọi tình huống, nhưng phải biết đường cải biến để khỏi rập theo khuôn cũ.

Theo ông, người đảng viên Đại Việt hiện nay,khác xưa, là công khai hoá hoạt động của mình và phải là những con người đầy nhiệt huyết, có khả năng phục vụ quần chúng trong một xã hội mà ông gọi là xã hội "mở". Nhất là, trước tiến trình toàn cầu hoá hiện nay, người đảng viên"cần phải chuyển hóa bản năng vị kỷ thành ra một tinh thần hòa đồng cho cái chung của dân tộc, không còn tính vị kỹ trong ý nghĩa thấp nhất là phục vụ cho chính "cái ta" của mình." (Trích "Dân tộc Sinh tồn trong chiều hướng Toàn cầu hoá") Thế có nghĩa là nhiệm vụ của người đảng viên trong giai đoạn hiện tại là: dám nói dám làm, trong phạm vi khả năng của mình. Ông chủ trương cần phải nói lên, viết lên, những điều mình thấy, kể cả những sai trái của chế độ để có thể nêu bật chính nghĩa của người tranh đấu vì Việt nam và cho Việt Nam. Chủ trương viết và nói lên điều quan tâm đối với những sai trái của chế độ CSVN hiện hữu không ngoài mục đích``tạo điều kiện cho cộng đồng dân tộc hiểu rõ hơn về bộ mặt thật của ché độ (CSVN) cùng đề xướng những phương thức đấu tranh mới trước tình thế hiện tại" ("Dân tộc Sinh Tồn trong chiều hướng Toàn cầu hoá")

Có thể nói theo quan niệm nhà Phật, ông luôn luôn tự giác`` và "giác tha" bằng cách tự nhắc nhở vá nhắc nhở người đảng viên không nên dậm chân tại chỗ`` để một mặt, vẫn "trân trọng bốn ngàn năm văn hiến của tiền nhân, nhưng không vì niềm tự hào đó mà dừng chân lại để chiêm ngưởng quá khứ, một thời vàng son, cũng như tự "an ủi" với quá trình hoạt động trong thời gian đã qua..." (trích: ``Dân tộc sinh tồn trong chiều hướng toàn cầu hoá")

Như vậy chúng ta đủ thấy việc "làm chính trị" của ông có khác với quan niệm làm chính trị theo kiểu cũ. Ông không chủ trương lập thuyết, hay "bàn về" chính trị" suông. Cùng với người bạn đồng chí, Tiến sĩ Phan văn Song, ông tham gia Đại Việt đã lâu, từ năm 1973, nhưng thầm lặng hơn. Nhưng theo đà tién hoá của toàn cầu cùng với tình hình biến chuyển của quốc tế, và quốc nội, ông đã có một cái nhìn mới mẻ hơn. Trên bước đường đấu tranh phụng sự đất nước, ông quan niệm người đảng viên chân chính phaỉ thay đổi lối suy nghĩ, bỏ đi căn bệnh tôn thờ lãnh tụ. Hơn thê nữa, trên bước đường hành động không phải chỉ dừng lại để chiêm ngưỡng quá khứ, tự hào về thành quả tranh đấu của người đi trước…Mà trái lại, vẫn tiếp tục dấn thân với một tinh thần sáng tạo, cởi mở trong một thế giới không khép kín như ngày trước, thế giới ``mở. Ông noi theo chủ trương tiến bộ của Đảng Trưởng Trương Tử Anh và tinh thần cải tiến của giáo sư Nguyẽn Ngọc Huy để tiếp tục việc làm của mình và hướng dẫn đàn em. Ông quan niệm việc đấu tranh ngày nay cho một nền dân chủ không phaỉ là trách nhiệm của riêng một người nào mà là của tất cả. Nhất là đối với Đảng viên Đại Việt, ông nhấn mạnh: "Trong giai đọan nầy, người Đảng viên ĐV DTST phải biết hy sinh, hy sinh cho đại cuộc bằng việc đóng góp vật lực, tài lực, và đóng góp chính bản thân cho nhu cầu dành lại dân chủ, tự do cho người dân Việt Nam`. Và, nếu người viết không lầm thì ông đã và đang thực hiện điều này. Vì đối với ông, nói với làm phải đi đôi với nhau.

Xem như thế đủ thấy ông không phải là quá ngây thơ hay thờ ơ với chính trị, mà là cả một chủ trương và sinh hoạt có đường lói hẳn hoi. Nhưng vì bản tính bình dị, "down to earth", nên ông không làm vẻ trịnh trọng hoặc cách biệt với chung quanh dù là với quần chúng, bạn bè mới hay cũ. Với bản tính cởi mở, ông dễ tỏ ra thân thiện và không cách biệt. Nếu nói theo kiểu Mỹ thì ông là người "approachable"

Nói về việc làm của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết thì có lẽ phải viết cả một quyển sách với dẫn chứng cụ thể mới đầy đủ. Hiềm vì thời giờ và phạm vi của baì viết này không cho phép nên người viết chỉ có thể nêu lên một vài nét tiêu biểu.

Đáng kể nhất là về lãnh vực mội trường, như đã có dịp đề cập trước đây, ông đã biết lợi dụng kiến thức chuyên môn của mình để "dương đông kích tây" làm nghiêng ngửa dư luận trong nước cũng như ngoài nước. Chỉ mới trong vòng hai năm hơn mà ông đã làm được bao nhiêu việc đáng kể. Từ sau vụ lên tiếng về Chất độc Da Cam hai năm trước đây (2008), khiến chính quyền CSVN không khỏi căm phẫn; ông lại đánh mạnh vào vấn đề khai thác Bauxit ở cao nguyên Nam Trung phần. Theo sự khám phá của ông, thì CSVN đã cấu kết với CSTQ để đào xơi đât đai, gây nên cảnh "tang thương ngẫu lục" cho người dân thấp cổ bé miệng Việt nam. Tất cả không ngoài việc khai thác lợi nhuận. Ông nhìn thấu tim gan của CSTQ qua việc khai thác Bauxit, là chỉ cốt tìm cho đuơc quặng uranium vốn là nguồn tài nguyên phong phú của đất nước. Chưa kể âm mưu đen tối khác không kém trầm trọng là qua việc khai thác Bauxit, CS Tàu đã cố tình che dấu mưu toan xâm chiếm Viêtnam mà theo ông đó là một hình thức xâm lưọc mới, tiệm tiến, thầm lặng và không tiếng súng. Họ không thể lấy vải thưa mà che mắt "Mai Thanh Truyết" được. Cho nên ông không ngần ngại vạch trần âm mưu đen tối ấy. Theo ông, khai thác Bauxit chỉ là cái "Diện" không phải là "Điểm". Có nghĩa là bề mặt thì làm bộ khai thác mà bên trong thì cốt tìm cho bằng đưọc quặng uranium. Đau đớn cho người dân Việt là âm mưu đó lại được tiếp tay chặt chẽ bởi cầm quyền CS Việt Nam. Hậu quả của việc khai thác Bauxit là đã tạo ra lắm hệ luỵ như nạn ô nhiễm môi truờng và ảnh huiởng tai hại cho sức khỏe người dân. Mối quan tâm của ông không chỉ dừng ở chỗ môi trường bị ô nhiễm - là vấn nạn hàng đầu mà ông luôn lên tiếng gần như kêu gào ở khắp nơi - ông còn thấu cảm được tâm trạng của người dân khi đời sống bị xáo trộn, cả vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt đối với đồng bào thiểu số hiền lành ở cao nguyên miền Nam Trung phần là những người đã phải ganh chịu nhiều thiệt thòi nhất. Họ đã phải bỏ cả công ăn việc làm, giã từ quê cha đất tổ để bắt dầu một cuộc đời lang thang vô định; hoặc phải lùi dần vào trong rừng sâu mang theo tâm trạng của người tha huơng những con "hổ nhớ rừng" sống mãi trong tình thương nỗi nhớ" (Thơ Thế Lữ). Những bài thuyết trình, những buổi hội luận của ông gây sôi nổi không chỉ riêng một góc trời Cali mà còn lan xa tại miền Đông, miền Nam Hoa Kỳ và cả Canada nữa. Ấy là chưa kể những lời vạch trần, tố cáo của ông còn vang xa mãi tận Việtnam (Điều này được chứng tỏ qua những giòng nhận xét đang trên Net hoặc những email gửi tới từ trong nước.


Cái độc đáo của ông là đem lồng chính trị vào khoa học, hay nói cách khác ông đã nhìn "soi mói" vào từng việc làm của CSVN trên đất nuớc Viêtnam, đối với dân chúng Việt Nam. Nhìn vào để tìm hiểu, để vạch ra những điều sai trái cũng như những điềukhông ngay thẳng để rối lên tiếng cảnh báo cho đồng bào trong và ngoài nước rõ; đồng thời để cho chính đuơng sư (CSVN) nghe. Dư âm của những buổi hội luận, diễn đàn hay thuyét trình còn văng vẳng bên tai mọi người. Giong nói đặc biệt miền Nam, chân thật, không cần chải chuốt nhưng càng lúc càng thêm chính xác. Ông đã đánh manh, đánh thẳng vào đối tượng bằng nhữn chứng minh khoa học, rõ ràng và cụ thể..

Nhưng trên đây cũng chỉ mơí đề cập hai khiá cạnh trong nhiều khá cạnh của việc làm của ông Tiến sĩ đa diện họ Mai này.

Không văn chương, chải chuốt, những bài viết của ông thường là thực tiễn và bổ ích. Không có gì thừa, những bài viết về những vấn đề từ đơn giản nhất như thực phẩm chứa hoá chất, dược phẩm có độc tố v.v.. cho đến những vấn đề "cao" hơn - nhưng không kém thực tiễn mà rất nhiều người không để ý- như ảnh hưởng tai hại của chất phóng xạ lên con người, những chất phế thải được phóng ra từ nhà thuơng, hay từ con người v.v.. là những mối di hại cho môi trường và chắc chắn là cho sức khoẻ con người.

Những vấn đề "nhỏ nhặt" nói ra không xuể trong công trình của Tiến sĩ Mai thanh Truyết, nhưng thực ra là những bài học rất bổ ích cho mọi người, mọi giới, và ở mọi nơi, cả hải ngoại lẫn quốc nội.

Để có thể tìm hiểu rõ thêm về những hoạt động của ông, chúng ta có thể vào trang Google, đánh tên "Tiến sĩ Mai Thanh Truyết" là có thể thấy hàng loạt những vấn đề của xã hội Việt nam ngày nay. Một vấn đề nóng bỏng nhất mà nhiều người đề cập đến từ trong nước ra đến hải ngoại, là cái gọi là "Lễ Hội Ngàn Năm thăng Long" vừa được tổ chức tại Hà Nội đã được ông mô tả trong một chuỗi những YouTube về những vấn đề rất nghịch lý đang xảy ra tại Hà Nội. Nào là: "1000 năm Thăng Long Ngập rác", "1000 năm Thăng Long Nín thở", "1000 Năm Thăng Long không còn Nước sạch", "1000 Năm thăng Long…" v.v… Những You Tube đó đưọc nói lên như là một phản ứng kịch liệt đối với cái gọi là Đại lễ 1000 năm "ô nhục" này. Chưa nói đến khía cạnh lịch sử, văn hoá, chính trị, chỉ nguyên nói đến khía cạnh về môi trường, dưới cái nhìn khoa học của ông, người ta cũng đủ thấy tất cả cái lố bịch và "lai căng" chẳng khác nào một trò hề của nhóm cầm quyền CSVN. Đấy là chưa kể khía cạnh tài chánh của cái "lễ hội" ấy: Vung phí, xa hoa không đúng chỗ (gần 5 tỉ mỹ kim) trong khi người dân đa số sống trong cảnh lầm than …Tất cả đã bị người trong người ngoài lên án kịch liệt mà CSVN thì cứ trơ trẽn phô trương một cách …vô minh.

Những hoạt động của ông dễ tìm thấy qua trang mạng "Google", hoặc qua Youtube "Tiến sĩ Mai Thanh Truyết 1000 năm Thăng Long" với hàng loạt những vấn nạn của xã hội Việt nam ngày nay.

Thật cảm kích khi người Việt chúng ta dù sống xa quê cha đất tổ đã mấy chục năm nhưng vẫn không vì bản thân đươc no cơm ấm áo mà quên nghĩ đến quê hương, hay không cảm thấy bất nhẫn trước những sự kiện đất nước bị dày xéo dưới hình thức này hay hình thức khác. Trên hết cả, chỉ cần một tấm lòng đồi với đất nước thì những nhà tranh đấu cũng đã nói lên phần nào nỗi ưu tư của những người âm thấm theo dõi những diễn biến của thời cuộc ở cả trong nước lẫn hải ngoại rồi vậy.

Những việc làm của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đã gây khó chịu và bực bội kh ông ít cho những kẻ vẫn còn mù quáng tôn thờ chế độ CS. Người viết tự hỏi: Không biết ngày nào họ mới thức tỉnh đây?

Thạch Trung Ngọc
Một ngày đầu thu, 2010

1000 năm Thăng Long

Việt Báo Thứ Năm, 10/7/2010, 12:00:00 AM
'Đại-Lễ 1000 Năm Thăng Long': Khi Trong Ngoài Nói Cùng Một Tiếng Nói

Tâm Việt

Ngày 1 tháng 10 vừa qua, Hà-nội cho khai mạc Đại-lễ "Nghìn Năm Thăng Long," một cơ-hội nghìn năm một thuở để nói lên tự-hào dân-tộc, để đánh dấu triều-đại VN đầu tiên dám "đánh Tống, bình Chiêm" mở mang bờ cõi, bắt đầu cuộc Nam-tiến của đất nước kéo dài đến mũi Cà Mau và biên-giới Việt-Miên ngày hôm nay, song lại làm vào một ngày vô duyên nhất: Ngày lễ Độc Lập của Trung Cộng!

Tệ hại hơn nữa, các lễ hội này sẽ kết thúc vào đúng ngày 10/10/2010, nghĩa là lễ Song Thập của Đài-loan, tức ngày lễ Độc Lập của nước Trung-hoa còn lại ở trên đảo-quốc kia!

Việc làm vô-ý-thức (cách nói nhẹ nhất) về mặt chính-trị này của Hà-nội đã làm cho nhà bất đồng chính-kiến nổi tiếng ở Đà-lạt, Tiến-sĩ Hà Sĩ Phu, phải thốt lên: "Một nhà nước biết tự trọng phải tránh sự trùng hợp ấy, nhất là trong tình trạng tranh chấp Việt-Trung hiện nay. Đọc diễn văn trịnh trọng vào những ngày ấy khác nào lăng nhục từng người dân Việt, tránh sao khỏi miệng thế mỉa mai về thân phận của kẻ chư hầu? Riêng điều này sẽ làm cho Lễ kỷ niệm không nêu cao được truyền thống anh hùng chống ngoại xâm đáng tự hào của dân tộc, khiến kẻ thù phải kiêng nể, mà sẽ gây tác dụng ngược rất nguy hiểm." ("Thư của Công dân [Nguyễn Xuân Tụ, tức Hà Sĩ Phu] gửi Chủ tịch Nước về tổ chức Đại Lễ 1000 Năm Thăng Long," 25/9/2010)

Bắt đầu lên tiếng từ hải-ngoại

Có thể nói lá thư của "công-dân" Hà Sĩ Phu cũng như bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Mạc Việt Hồng (ở Ba-lan) hỏi nhà báo/nhà tranh đấu cho dân-chủ, nhân-quyền Nguyễn Khắc Toàn ở Hà-nội trên Đàn Chim Việt online đúng vào ngày khai mạc lễ hội "hoành tráng" nói trên (1/10/2010) vừa vặn kết thúc những sự lên tiếng kéo dài suốt hơn một tháng qua của các tiếng nói dân-tộc nói hộ cho hơn 90 triệu dân Việt, cả trong lẫn ngoài nước.

Người đầu tiên lên tiếng ở hải-ngoại về vấn-đề này là ông Trần Việt Trình, đưa ra những nhận xét của ông từ ngày 12 tháng 8 với bài "1000 năm Thăng Long hay 61 năm Quốc khánh của Trung Cộng?" Sau đó là những Lời kêu gọi thứ 1 ("Tẩy chay ngày Quốc khánh của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc"), thứ 2 và thứ 3 ("Vận nước Ý dân: Nam quốc sơn hà") của Nhóm nghiên cứu lịch sử VN và tinh thần Trúc Lâm Yên Tử tại Âu Châu, với những lời kêu gọi này chủ-yếu do ông Nguyễn Việt Phúc Lộc chấp bút.

Những lời kêu gọi này, do bức xúc nhiều quá nên viết có phần thiếu tiêu-điểm, không tập trung được vào một điểm nào, làm cho mọi người khó theo dõi và thậm chí cả đồng-ý. Vì có thể tôi đồng-ý điểm này mà chưa chắc đã chia xẻ cùng lập-trường của tác-giả trong một hai điểm khác. Vả, lời kêu gọi thống thiết tuy có đưa ra song lại không chỉ cho người ta làm cách nào để tham-gia vào cùng nhóm hay ký tên cùng với tác-giả nên nó đã không có bao nhiêu kết-quả.

Tuyên-cáo chung "Tẩy chay…"

Đúng ngày 2/9, tức ngày lễ Độc Lập của Hà-nội, xuất hiện trên Net bản "Tẩy chay nhà cầm quyền CSVN kỷ niệm '1000 năm Thăng Long': Tuyên cáo chung của các tổ chức người Việt tại hải ngoại." Tuyên-cáo này có sự thỏa-thuận của một số tổ-chức lớn của người Việt tự do ở nước ngoài, trong đó người ta để ý thấy có hầu hết các chính-đảng lớn cũng như sự hiện diện của Cộng-đồng NVTD Úc-châu, Liên-hội Người Việt Canada, và Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ, bên cạnh các cộng-đồng lớn ở các địa-phương tại Hoa-kỳ và một số cá-nhân được khá nhiều người biết đến ở hải-ngoại.

"Tuyên cáo chung" này lên án sự chọn lựa ngày khai mạc và kết thúc Đại-lễ, tương-đương với một sự phủ-nhận công lao của tiền-nhân trong việc bảo vệ sự vẹn toàn lãnh-thổ từ ngày dân-tộc ta lấy lại được tự-chủ trên một nghìn năm, tố-cáo sự ươn hèn của Hà-nội, và do đó kêu gọi tẩy chay những sinh-hoạt liên-quan đến Đại-lễ "1000 năm Thăng Long."

Khi Tuyên-cáo được đưa về trong nước để lấy chữ ký của các thành-phần dân-chủ ở trong nước thì người trong nước hỏi tại sao lại chỉ ghi là sự lên tiếng của các tổ-chức "hải-ngoại" mà thôi.

Như vậy thì chỗ đứng của người hay các tổ-chức trong nước nằm ở đâu?

Đó mới là một thắc mắc. Hai thắc mắc khác cũng được nêu ra:

"1) Nhà cầm quyền CSVN dự định tổ chức lễ 1000 năm Thăng Long vào ngày 10/10/2010 là ngày 'Giải phóng thủ đô' (10/10/1954), chứ không phải là ngày 1/10/2010 như bản Tuyên Cáo viết.

"2) Khía cạnh tổ chức tốn kém tiền bạc của nhân dân chưa được đề cập trong bản Tuyên Cáo."

Một ý-kiến khác giải thích: "Hà Nội sẽ khai mạc Lễ Mừng từ 10-10-2010. [Tức] 3 con số 10, kỷ niệm 2 số 10 đầu tiên: 1010, đồng thời kỷ niệm ngày tái chiếm Hà Nội 10-10-1954… Thông tin cần chuẩn xác mới có giá trị."

Cũng ý-kiến này cho rằng: "Khối 8406 không phản đối việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, mà chỉ phản đối: - Hà Nội không nhấn mạnh đủ ý nghĩa việc chống 1000 năm Bắc thuộc xưa và không quan tâm đến Quốc thảm nạn 1000 năm chống Bắc thuộc tiếp theo cho đến nay; [và] - việc quá tốn kém. Con số 4,5 tỷ USD đã chính xác chưa?" (ngụ ý là sự tổn phí có thể còn cao hơn thế nữa).

Ngày đích-xác: 1/10/2010

Phải đến khi cả ở trong nước lẫn ngoài này trưng được ra hai ba tài-liệu chứng minh rằng "Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… được tổ chức trong 10 ngày (từ ngày 1 đến 10-10-2010)" và "Ngày khai mạc… được tổ chức trọng thể vào sáng 1/10/2010 tại Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ và đường Đinh Tiên Hoàng, xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Cùng ngày, tại Hà Nội sẽ có các hoạt động…" liệt-kê bốn hoạt động quan-trọng khác, mọi người mới té ngửa ra. Thì ra Hà-nội, biết là mình gian lận, đã tung tin hỏa mù: Nào là 3 con số 10, nào là kỷ-niệm ngày tiếp thu Hà-nội v.v… không nói gì đến một sự lệ-thuộc hai tròng đến khốn khổ vào hai nước Tàu, mừng Quốc-khánh Trung-Cộng (nó cầm gậy) hôm đầu, để kết thúc bằng mừng Trung-hoa Quốc-dân-đảng (nó cầm bịch tiền)!

Hỏa mù tới mức người trong nước, người tại chỗ cũng còn bị lầm, nói chi đến người ít theo dõi thời-cuộc, không thuộc lịch-sử như con em chúng ta! Trẻ ngoài nước thì không được học, trẻ trong nước thì bị nhồi sọ đến đô ngu ngơ, ngớ ngẩn, lệch lạc. Đó là cái nguy hại của một xã-hội xây dựng trên triết-lý Cuội, điêu trá từ thằng cầm đầu nước, cầm đầu đảng và hiển-nhiên, đến thằng tà-lọt cuối cùng, anh mõ trong làng!

Siêu-xa-lộ thông tin dẫn đến giàn giao-hưởng

Nhưng cũng may còn có mấy triệu người hải-ngoại nằm ngoài vòng kiềm tỏa của nền thông tin bít bùng, lề phải của CS ở quê nhà nên Hà-nội tuy có gian vẫn không bịt mắt được cộng-đồng ngoài này. Bằng-chứng:

Sau khi "Tuyên-cáo chung" kia ra đời, qua một sự cộng-tác liên-lục-địa (người thì thảo văn-bản, người dịch sang tiếng Anh, người đưa lên "Petition online" trên Net nên chẳng mấy lúc có rất nhiều người và tổ-chức, hội-đoàn trên khắp thế-giới tham-gia ký tên, từ Mỹ-châu sang đến Âu-châu, Úc-châu, Á-châu, không trừ Việt-nam, thậm chí cả Phi-châu và Trung-Nam-Mỹ), thì cùng lúc, ngày 2/9, sử-gia Trần Gia Phụng ở Canada cũng có bài "Ngàn năm gương cũ" nói về vấn-đề này.

Tiếp theo là "Lời Kêu Gọi Chống Giặc Tàu, Tẩy Chay Lễ Hội Ngàn Năm Thăng Long" do Khối 8406 ở trong nước đưa ra, nêu thêm được những điều như phí phạm khủng khiếp (4 tỷ rưỡi đô-la hay 10% GDP để đi vào túi tham các quan-chức trong khi người nghèo, người khốn khó thì còn đầy rẫy khắp nước), phim "Lý Công Uẩn, Đường Tới Thăng Long" thì khoán trắng cho Tàu, để thành một phim đấm đá của Tàu (19 tập) không thể chiếu được trên truyền hình VN, ngay cả sau khi đã hấp tấp sửa sang.

Rồi đến lượt nhà báo lão thành Bùi Tín ở Pháp, ngày 21/9, cũng đưa lên Mạng bài "Hãy cùng cất lên lời nói thẳng" nhắc lại lời của vua Lý Thánh-tông vào năm 1076.

Đến nhóm trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng tung ra Youtube 15 phút "Ngàn Năm Thăng Long, Lễ Hội do CSVN tổ chức" do Bảo Sơn thực-hiện. Thật ra, nếu nói về Youtube thì nhóm Văn-hóa Nhân-văn Lạc Việt (ở Cali) là nhóm đầu tiên tung ra cả chục đề-tài trên Youtube phỏng vấn các nhân-vật từ G.S. Nguyễn Ngọc Bích (24/7/2010, nói về những bất cập của Đại-lễ "1000 năm Thăng Long") đến nhà thơ Trương Anh Thụy (25/7/2010, với bài thơ dài "Gọi hồn giữa Thăng Long," có dịch sang tiếng Anh), Tiến-sĩ Mai Thanh Truyết (nói về đủ các vấn-đề môi-trường và giáo-dục xuống cấp), v.v.

Càng gần đến ngày 1/10 thì càng có những vụ lên tiếng ngoạn mục, nhất là ở trong nước, như:

Ngày 16/9, nhạc-sĩ Tô Hải thẳng thừng kêu gọi: "Giải tán ngay cái Đảng CSVN đi!" Vì sao? Vì theo ông, "văn học nghệ thuật lai căng, đồi trụy, phụ thuộc nước ngoài, thậm chí 'bán nước về văn hóa' như phim 'Lí Công Uẩn… đường về Bắc Kinh.' Giới khoa học, lịch sử, văn nghệ sĩ đang vạch trần cái mưu đồ Hán hóa văn hóa Việt này thì ở bên nước 'bạn' người ta cũng cho công bố những văn bản 'Chiếu dời đô' bằng chữ Hán và tuyên bố ngay trên báo chí là 'Lý Công Uẩn chính là người Tàu' [người Phúc-kiến]… để khẳng định một lần nữa rằng 'người Việt Nam là dân Bách Việt của người Tàu (!?), đất biển VN chính là đất biển của người Tàu, nền văn hóa Việt Nam chính là văn hóa của người Tàu." Và Bắc-kinh không quên nhắc câu "Sông liền sông, núi liền núi" của chính miệng các lãnh-tụ CSVN thốt ra khi xưa, ca ngợi sự giúp đỡ của đàn anh "vĩ đại" Mao Xếnh Xáng!

Thư của "công-dân" Hà Sĩ Phu (đã nói trên) được viết và gởi đi cho ông Nguyễn Minh Triết, Chủ-tịch Nước, ngày 25/9/2010.

"Lời Mời Gọi Hiệp Thông ăn chay cầu nguyện cho toàn dân VN chống lại… Tàu Cộng đô hộ và xâm lược theo kiểu mới thế kỷ 21" của Linh-mục Tù-nhân Lương-tâm Nguyễn Văn Lý, ra ngày 26/9/2010. Ở hải-ngoại, có những người hưởng-ứng như cô Nguyễn Mỹ Linh, tuyệt thực được hơn 4 ngày và chỉ ngưng sau khi có lời kêu gọi của nhóm Vietland trong nước yêu-cầu cô thôi.

Nhà tranh đấu cho dân-chủ Nguyễn Ngọc Quang ngày 26/9 cũng có "Lời Kêu Gọi Tẩy Chay Lễ Hội Một Ngàn Năm Thăng Long-Hà Nội" chủ-trương viết lên khắp nước ba chữ "Chống Giặc Tàu."

Đến giới hí-họa cũng đồng-tình khi Babui có tranh "Đường vào Thăng Long tập thứ 1000." Thơ chê trách CS Hà Nội trong vụ này thì nhiều vô kể, đặc-biệt có bài "Anh không về đại lễ đâu em" của nhà báo Lê Phú Khải ở trong nước, có thiếu chăng là chỉ còn thiếu nhạc!

Đúng hôm 1/10, nhà báo Bùi Tín bồi thêm cho một bài "Số phận bộ phim lớn về Thăng Long" (đăng trên Blog dưới tên ông trên trang Web của VOA) nêu ra tất cả những lời chỉ-trích bộ phim buộc Hà-nội phải dẹp, không dám chiếu.

Và cuối cùng là cuộc phỏng vấn của Mạc Việt Hồng trên Đàn Chim Việt hỏi thăm ý-kiến của nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, người Hà-nội gốc, tung ra cũng vào ngày 1/10/2010.

Tưởng cũng nên biết, đúng giữa đêm 30/9 sang ngày 1/10/2010 thì bản "Tuyên Cáo Chung" trên Petition online vượt qua con số 1000 người ký tên trên khắp 5 châu.

Trong ngoài bắt nhịp, ăn khớp

Rõ ràng là chưa bao giờ dân-tộc ta đồng lòng, đồng tâm như trong lúc này. Kỷ-niệm "1000 năm Thăng Long" thì ai cũng cho là phải, là nên, nhưng là để đề-cao các truyền-thống cao đẹp của dân-tộc: truyền-thống chống ngoại-xâm, nhất là từ phương Bắc, truyền-thống đem lòng từ-bi và vô úy của Phật-giáo ra mà dựng nước và giữ nước, truyền-thống "nghìn năm văn vật," truyền-thống lịch-lãm của người Hà-nội, truyền-thống "ăn Bắc, mặc Kinh" hay truyền-thống "giặc đến nhà, đàn bà phải đánh" v.v…, chứ (chắc chắn) không phải là để chi hết tiền dân vào những thứ lố lăng, nhảm nhí không thấy đâu trong lịch-sử đất nước… như tượng Lý Thái Tổ mà lại giống Tần Thủy Hoàng (sic)!!! (Đây cũng là ý của nhà văn Võ Thị Hảo ở Hà-nội viết trên Blog của bà ở Website BBC.)

Tưởng cũng nên nhắc, gần đây hải-ngoại đã làm được một số việc dồn Hà-nội vào thế phải chống đỡ mà vô hiệu. Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Lại Tên Sài Gòn với hai cuốn phim về Hồ Chí Minh (tiếng Việt, rồi tiếng Anh) đã làm cho Hà-nội nhức nhối, càng đả phá thì người ta càng tò mò đi tìm coi, truyền tay nhau coi một cách thích thú, ngay ở trong nước. Nên sau này Hà-nội đã im thin thít, không thấy dám nhắc đến hai phim đó nữa, ngay cả trong báo Công An hay Quân Đội Nhân Dân. Nhưng thừa thắng xông lên, hải-ngoại lại sắp sửa tung ra một "chưởng" mới nữa, mà chắc chắn thanh-niên sinh-viên trong nước sẽ hưởng ứng hết mình, nghĩa là những ai còn có lòng với quê cha đất tổ, quyết không để cho CSVN đưa ta vào một thời-kỳ Bắc-thuộc mới!

Nói như nhà báo Nguyễn Khắc Toàn trả lời Đàn Chim Việt thì cái tội lớn nhất của Hà-nội trong vụ này, cũng như trong nhiều vụ khác (bán biển, bán đất, bán đảo, bán bôxít, bán rừng, bán đàn bà con nít VN v.v.) thì là một sự dối trá to lớn. "Tình hình này," ông nói, "hoàn toàn trái ngược với bối cảnh được sống trong tự do thông tin, tự do báo chí, tự do tư tưởng của số rất nhỏ chỉ vài ba triệu người Việt tỵ nạn CS nơi hải ngoại nắm rất rõ về sự kiện vua Lý Công Uẩn rời đô vào chính xác thời gian nào, đó là chưa kể đến sự vô chính trị của họ khi mở màn lễ hội này vào ngày quốc khánh nước Trung Hoa cộng sản…"

Mà một khi lòng dân đã là một thì "xã tắc thứ chi," Nhà nước chỉ là rác rưởi ở bên cạnh, còn "quân" như Tổng-bí-thư, Chủ-tịch Nước, Thủ-tướng Chính-phủ v.v. "vi khinh" là đương-nhiên, là cái chắc!

TÂM VIỆT

Nghị Hội Toàn Quốc 2010

ĐẠI-HỘI 25 CỦA NGHỊ-HỘI
CẢNH-BÁO VỀ MÔI-TRƯỜNG VÀ BIỂN ĐÔNG

Tâm Việt

Đại-hội lần thứ 25 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ đã kết thúc vào trưa Chủ-nhật, 26/9, vừa qua sau ba ngày hội-nghị. Gần như nguyên ngày thứ Sáu, 24/9, dành cho một buổi đoản-thuyết ở Tòa Bạch Ốc và mấy cuộc thăm viếng các văn-phòng Quốc-hội. Tối thứ Sáu là Dạ Tiệc ở nhà hàng Thần Tài, trong đó các thành-viên của Nghị-hội được dịp làm thân với cộng-đồng vùng Thủ-đô. Và nguyên ngày thứ Bảy, 25/9, dành cho các cuộc hội-thảo và thuyết-trình.

Tuy Đại-hội năm nay không được đông đảo như một vài đại-hội trước đây của Nghị-hội song người ta cũng để ý thấy có không ít thành-viên ở xa về như: Bà Trương Vân Lan về từ Boston, Massachusetts, các ông Phạm Văn Vy, Yến Phạm và Phan Thanh Tâm từ Minnesota, Nhà báo Huỳnh Sĩ Nghị cũng từ Song Thành, MN, và em Huỳnh Đỗ Đán, đương-kim chủ-tịch Tổng-liên-hội SVVN tại Bắc-Mỹ, Tiến-sĩ Mai Thanh Truyết từ California, Tiến-sĩ Tạ Văn Tài và ông Đoàn Đức Phương từ Mass., hai Luật-sư Lâm Chấn Thọ và Benoit Beneteau đến từ Montréal, Canada, Ông Phan Ngọc Thạch thuộc Phòng Thương Mại VN ở Dallas, Texas, cô Nichole Tuyết Lâm Balnis đến từ Tampa, Florida, v.v. Một nhà báo Mỹ đến từ Cali, ông Victor Merina, cũng đến làm tin và ở gần như nguyên ngày thứ Bảy ở Đại-hội.

Dạ Tiệc tối thứ Sáu ở nhà hàng Thần Tài được xem là đặc-biệt thành công vì ngoài sự có mặt của hầu hết các nhân-vật hoạt-động trong vùng và sự tham-gia của Lữ-đoàn 31 thuộc Lực-lượng Tổng-hợp Trừ-bị, đêm hôm đó còn có sự góp phần của ban Hưng Ca vùng HTĐ dẫn đầu bởi ca-sĩ Nguyệt Ánh cũng như sự hiện diện của những tiếng hát hàng đầu trong vùng: giọng nam Bảo Vỹ bên cạnh những giọng nữ như Hoàng Anh, Phương Nga, Bạch Mai, Tuyết Lan, Hoài Thanh…

Các cuộc hội-thảo vào chiều thứ Sáu và ngày thứ Bảy tập trung vào những vấn-đề như: Kiểm-kê dân-số (Ô. Nguyễn Ngọc Bích), Vấn-đề bảo vệ lao-động VN ở nước ngoài (Anh Shandon Phan và bà Jackie Bông Wright), Chính-sách mới của Mỹ đối với VN và Biển Đông (Cựu-ĐS Bùi Diễm), Đại-hội XI sắp tới của Đảng CSVN (Ký-giả Phạm Trần), Tình-hình phong trào dân-chủ ở Việt-nam (G.S. Nguyễn Chính Kết, Đại diện hải-ngoại của Khối 8406) và Những trở-lực trong tiến-trình xây dựng dân-chủ (Bình-luận-gia Đại Dương) v.v. Nói về cuộc sống của chúng ta ở xứ này thì có những đề-tài như: Sự tham-gia ngày càng đông đảo của ứng-cử-viên VN vào các chức-vụ dân-cử ở Hoa-kỳ (Bà Trương Vân Lan), Vấn-đề tái-phân-định các đơn-vị bầu cử (Cô Ngọc Giao), Kinh-nghiệm xây dựng Phòng Thương Mại VN ở Dallas, TX (Ô. Phan Ngọc Thạch), Cách nào giữ nhà và tránh nợ trong một nền kinh tế bấp bênh (Ô. Nguyễn Hữu Vinh, chủ-nhân Westgate Realty, và cô Lan-Anh Nguyễn thuộc State Farm).

Mấy hội-thảo thu hút được sự chăm chú đặc-biệt của người nghe là phần nói chuyện của nhà làm phim Chu Lynh ("Làm phim để bảo vệ chính-nghĩa và sự thật"), Những vấn-đề môi-trường của VN (Tiến-sĩ Mai Thanh Truyết với những hình ảnh hay video rất chính-xác), và hội-thảo "Đi tìm một giải-pháp cho vấn-đề Biển Đông" (Tiến-sĩ Tạ Văn Tài và L.S. Lâm Chấn Thọ). Cả hai ông Tài và Thọ được hoan nghênh vì bài nghiên cứu tỏ ra rất phong phú và có nhiều dữ-kiện. Những bài thuyết-trình này gồm cả phần cảnh-báo lẫn đề nghị một vài giải-pháp.

Tối thứ Bảy, 25/9, còn có một bữa cơm thân mật ở nhà hàng Little Saigon Restaurant giữa các thành-viên Nghị-hội và ông CT Cộng-đồng Đỗ Hồng Anh.

Sang ngày cuối, Chủ-nhật 26/9, Hội-đồng Điều hợp Trung-ương Nghị-hội họp lại để bầu các chức-vụ cho nhiệm-kỳ 2010-2012 và ra nghị-quyết hoạch-định chương-trình cho thời-gian tới.



NGHỊ-QUYẾT CỦA ĐẠI-HỘI LẦN THỨ 25
NGHỊ-HỘI TOÀN-QUỐC NGƯỜI VIỆT TẠI HOA-KỲ

Từ ngày 24 đến 26 tháng 9 năm 2010, Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ đã họp Đại-hội lần thứ 25 tại khách-sạn Best Western Falls Church Inn, Falls Church, Virginia. Nhân dịp này, Nghị-hội đã duyệt lại công-tác của tổ-chức trong thời-gian qua, đánh giá và lượng-định tình-hình tại Mỹ cũng như tại Việt-nam, đồng-thời vạch ra những hướng phát triển cho Nghị-hội.

Những quyết-định của Nghị-hội trong kỳ Đại-hội này gồm:

1. Xác-nhận cũng như đón nhận một số nhân-sự tham-gia vào Nghị-hội, đặc-biệt những vị lần đầu gia nhập Hội-đồng Điều-hợp Trung-ương Nghị-hội.

2. Nghiên cứu kết-quả cuộc kiểm-kê dân-số Hoa-kỳ 2010 (U.S. Census 2010), nhất là khi kết-quả thăm dò về cộng-đồng Hoa-kỳ (American Community Survey) sẽ được đưa ra vào mùa Xuân năm 2011, để viết nên một bản trắc-diện về cộng-đồng người Mỹ gốc Việt.

3. Thúc đẩy sự tham-gia của tuổi trẻ Việt-nam tại Mỹ vào sinh-hoạt cộng-đồng qua những hình-thức như những khoá huấn luyện tuổi trẻ người Mỹ gốc Việt (VAYLC, Vietnamese American Youth Leadership Conferences) và làm việc với Tổng-liên-hội Sinh-viên Việt-nam tại Bắc-Mỹ.

4. Khuyến khích sự tham-gia vào chính-trị dòng chính ở Hoa-kỳ, nhất là tuổi trẻ Việt-nam đi ra tranh cử vào những chức-vụ dân-cử từ cấp địa-phương đến cấp tiểu-bang và liên-bang.

5. Khuyến khích việc thành-lập những tổ-chức như Phòng Thương mại Người Mỹ gốc Việt ở các địa-phương ngõ hầu bảo vệ những quyền lợi chính-đáng của các nhà kinh doanh Việt-nam ở xứ này.

6. Thúc đẩy những sinh-hoạt trình bầy sự thực về cộng-đồng Việt-nam tại Hoa-kỳ cũng như về lịch-sử Việt-nam, qua những hình-thức như diễn-thuyết, hội-thảo, hội-nghị, triển lãm, văn nghệ, hội hè và làm phim, viết sách.

7. Theo sát những vấn-đề môi-trường ở Việt-nam để đưa ra những cảnh-báo kịp thời và kêu gọi những giải-pháp khả thi hầu cứu vãn tình-hình hiện đang diễn ra ngày càng bi đát.

8. Cuối cùng, tiếp-tục theo sát tình-hình Biển Đông ("Biển Đông-Nam-Á") và đi tìm một giải-pháp khu-vực, đa phương trong một thế quốc-tế khả dĩ ngăn chặn được những hành-động bành-trướng của Trung-Cộng bằng đường lối hòa-bình, tránh con đường vũ-lực.

Cũng nhân dịp này, Nghị-hội bầy tỏ sự biết ơn sự tiếp tay của Cộng-đồng Việt-nam vùng DC, Maryland và Virginia, của Lữ-đoàn 31 thuộc Quân-đội Tổng-hợp Trừ-bị và các hội-đoàn địa-phương đã đến với Nghị-hội. Cùng lúc, Nghị-hội đã biểu-quyết tán-đồng đề nghị tổ-chức Đại-hội lần thứ 26 của Nghị-hội tại Florida vào năm tới (2011).

Làm tại Falls Church, ngày 26 tháng 9, 2010
//////////////////////////////////////////////////