Vài Suy Nghĩ Về Quản Lý Môi Trường ở Việt Nam
(Bài đã được thảo luận trên chương trình Tạp chí Khoa học & Môi trường của Đài Á Châu Tự Do Hoa Kỳ năm 2004)
Đối với các quốc gia đang trên đà phát triển như Việt Nam chẳng hạn, mục tiêu chính yếu là làm thế nào để nâng cao đời sống kinh tế và tạo dựng thêm nhiều phúc lợi cho người dân nhất là trong lãnh vực y tế công cộng và giáo dục. Do đo,ù việc quân bình hay cân bằng phát triển để thỏa mãn các mục tiêu trên là một vấn đề gai góc mà bất cứ lãnh đạo chân chính nào cũng phải lưu tâm.
Bài viết dưới đây nhằm mục đích khai triển tình trạng phát triển của Việt Nam và từ đó đề ra một số gợi ý trong việc cân bằng quản lý môi trường và phát triển quốc gia trong tương lai.
Như đã biết, Việt Nam phải đối mặt và đương đầu trực tiếp với những vấn nạn môi trường và xã hội như sau: - Nạn phá rừng, - Đất bị thoái hoá và sa mạc hoá do đó diện tích đất canh tác ngày càng bị thâu hẹp hơn, - Nguồn nước mặt bị ô nhiễm, - Nguồn nước ngầm cũng không tránh khỏi tình trạng trên và bị giảm thiểu tạo ra tình trạng lún đất như ở một số vùng ở ĐBSCL, - Nguồn nước sinh hoạt ngày càng bị hạn chế do tình trạng phát triển đô thị, - Không khí bị ô nhiễm nặng nhất là ở các thành phố lớn, - Và sau cùng tình trạng di dân từ nông thôn ra thành phố tạo ra hiện tượng thiếu lao động trong canh tác và việc di dời dân chúng từ Bắc vào cao nguyên Trung phần.
Theo thống kê của Việt Nam vào tháng 7 năm 2003, dân số của Việt Nam là 81.624.716 người chung sống trên một diện tích 325.000 Km2. Nhìn chung, Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn nhiều quốc gia đang phát triển trong vùng vì thời tiết vũ lượng tương đối thích hợp cho nông nghiệp. Nhưng ngược lại, Việt Nam phải cung cấp thực phẩm cho quá đông cư dân so với diện tích đất khai thác. Với ước tính khoảng 10 triệu mẫu đất canh tác cho cả nước, và 70% dân số là nông dân, số lượng đất canh tác sẽ ngày càng giảm thiểu so với mức gia tăng dân số do hiện tượng đô thị hour, và những vấn nạn môi trường vừa kễ trên có khả năng tăng cao thêm.
Về rừng, năm 1944, cả nước có 14 triệu mẫu rừng chiếm một diện tích là 43,8%. Nhưng hiện nay chỉ còn khoảng độ 17% diện tích rừng tự nhiên. Cũng theo ước tính, Việt Nam mất khoảng 200.000 mẫu rừng hàng năm, trong khi đó chỉ trồng lại khoảng 20.000 mẫu. Gần đây nhất, hiện tượng phá các rừng tràm, đước để nuôi tôm làm cho diện tích rừng ngày càng suy thoái thêm. Với tình trạng trên, ta có thể phỏng đoán rằng, mức độ xói mòn, sự sa mạc hóa, sự hóa mặn, tệ trạng ô nhiễm...của đất sẽ xảy ra với tốc độ nhanh hơn nếu chưa có biện pháp thích hợp để ngăn chận các hiện tượng trên.
Do đó, mặc dù phải đối diện với nhiều nghịch lý và mâu thuẫn trong bài toán phát triển quốc gia và bảo vệ môi trường, mặc dù cần phải nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cần phải nhận thức việc cân bằng sản xuất, chấp nhận hy sinh một số thu nhập ngoại tệ nặng do xuất cảng để đổi lấy một tình trạng cân bằng hợp lý cho đất nước. Việt Namï biết phải hy sinh để cứu lấy tài nguyên thiên nhiên, nguồn tiềm năng của quốc gia. Việt Namï biết phải bảo vệ môi trường cho các thế hệ về sau mặc dù phải tiến chậm lại vài bước.
Năm tiếp cận sau đây lần lượt được đề nghị với mục đích truy tìm nguyên nhân và một số giải đáp cho vấn nạn môi trường ở Việt Nam hiện tại.
Tiếp cận I – Đổi mới quan niệm quản lý môi trường
Đối với các nước ASIAN trong vùng, ngân sách trung bình cho việc quản lý môi trường chiếm 1,0% ngân sách quốc gia và có khoảng 70 cán bộ quản lý trên 1 triệu dân. Trong lúc đó Việt Nam chỉ chi tiêu 0,1% ngân sách và chỉ có 3 cán bộ/1 triệu dân. Do đó nếu tính về ngân khoản cho tiết mục nầy, Việt Nam chỉ chi tiêu tương đương với 1/100 số tiền mà các quốc gia trong vùng tiêu tốn (ngân sách các quốc gia trong vùng cao gấp 10 lần ngân sách của Việt Nam). Tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam được ước tính vào năm 1998 là 26 tỷ Mỹ Kim, do đó ngân sách dành cho môi trường là 26 triệu, quá kém so với dân số.
Việt Nam đã thiết lập Bộ Luật Môi trường từ cuối năm 1993 và đã chuẩn y hầu hết các luật lệ liên quan đến môi sinh toàn cầu như: Luật về Đa dạng sinh học (Biodiversity), Luật Thay đổi thời tiết ( Climate Change), Luật Sa mạc hoá đất đai (Desertification), Luật Bảo toàn các loài có nguy cơ bị tiệt chủng (Endangered Species), Luật về Phế thải độc hại (Hazardous waste), Luật về Biển và Tầng ozone (Law of the Sea & Ozone layer), Luật Bảo toàn rừng ngập nước (Wetlands Protection), Luật ô nhiễm do tàu biển ( Ship Pollution), Và Nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol).
Nhìn chung, Việt Nam đã có đầy đủ thông tin và nhận thức về những bước cần thiết cho công cuộc phát triển bền vững theo chiều hướng toàn cầu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, Việt Nam vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉnh những hướng giải quyết căn bản trên. Do đó, chúng tôi đề nghị Việt Nam cần nên rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý môi trường cho thích hợp với nhu cầu phát triển đất nước.
Trước mắt, các việc đầu tiên cần phải làm là:
- Mời những cơ quan tư vấn môi trường hay cá nhân ở trong nước cũng như ở nước ngoài để tham khảo và thẩm định lại hiện trạng môi trường ở Việt Nam để từ đó hoạch định kế hoạch quy định các điều luật về môi trường thích ứng với các tiêu chuẩn của thế giới về định mức giới hạn của các hóa chất độc hại hấp thụ trong đất, nước, con người, gia súc và nhất là các sản phẩm cần xuất cảng. Có làm như thế việc giao thương với các quốc gia trong tương lai sẽ dễ dàng hơn.
- Giải thể hoặc chuyển đổi những quy trình công nghệ quốc doanh đã lỗi thời, và hiện đang là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Thay vào đó bằng những quy trình sạch để bảo vệ môi trường. Cần áp dụng tinh thần quản lý mới hợp lý về năng suất và cho lợi nhuận hơn là duy trì chế độ bao cấp hay bù lỗ.
- Thành lập một tòa án môi trường để giải quyết các vấn đề tranh tụng giữa chính phủ và nhà sản xuất, hay giữa các nhà sản xuất vơí nhau, thậm chí để xử kiện những vi phạm môi trường của người dân. Tòa án môi trường sẽ là tiếng nói sau cùng để phê chuẩn và kết án các vi phạm môi trường cũng như không có trường hợp ngoại lệ nào để có thể đi ngược lại quyết định chung quyết của tòa án.
Nếu thực hiện được ba việc trên, thiết nghĩ sự quan tâm và đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường của người dân sẽ tăng dần theo trình độ nhận thức và thời gian. Và từ đó, người dân sẽ thay đổi dần não trạng thụ động trong cung cách ứng xử trước những nguy cơ có thể làm ô nhiễm môi trường. Đây là một việc làm chung và là bổn phận của tất cả mọi công dân trong nước. Từ đó, những mục tiêu sau đây có thề dần dần sẽ được giải quyết như: - Bảo vệ và phòng vệ an toàn lao động và môi trường ở các công nghệ sản xuất, - Phục hoạt lại môi trường ở những nơi đã bị ô nhiễm, - Và quản lý chặt chẻ hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên như ao hồ, sông ngòi, kinh rạch, và đất đai.
Tiếp cận 2 – Thực hiện việc đổi mới môi trường
Ở giai đoạn tiên khởi, để thực hiện việc đổi mới môi trường thiết nghĩ Việt Nam cần tập trung vào việc áp dụng quy định về nghiên cứu tác động môi trường (NCTĐMT) của từng quy trình sản xuất hay chế biến trước khi được cấp giấy phép hoạt động. Cơ sở nào không thỏa mãn điều kiện trên sẽ không được cấp giấy phép cho đến khi đáp ứng được yêu cầu NCTDMT. Điều nầy đã được ghi trong Bộ luật Môi trường nhưng cho đến nay, năm 2004 vẫn không được thi hành nghiêm chỉnh, các nhà sản xuất không tuân thủ cũng như những ngươi có trách nhiệm vẫn chưa có biện pháp chế tài.. NCTDMT phải là một luật định căn bản và sẽ không có một ngoại lệ nào được áp dụng, ngay cả đối vơi các công ty ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, cho đến nay luật lệ về quản lý nước và rừng vẫn còn nhiều thiếu sót và cần phải bổ túc thêm để tránh bớt lạm dụng vì còn nhiều quy định chưa được minh bạch.
Một thí dụ điển hình là đối với trên 30.000 công ty sản xuất đủ loại ở nội thành Tp HCM cần phải di dời ra khỏi khu dân cư. Việc làm trên chỉ đạt được hiệu quả của công cuộc đổi mới môi trường nếu nhà cầm quyền quy định rõ ràng và đòi hỏi biên bản NCTDMT của từng cơ sở trước khi chấp thuận việc di dời. Làm như thế mới hy vọng tránh được cảnh di dời phế thải lỏng và rắn từ một địïa điểm đông dân cư đến một địa điểm khác thưa dân hơn, chứ thực sư không giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Dĩ nhiên, vai trò của tòa án nơi đây rất quan trọng và cần phải thật sự vô tư và độc lập với nhà cầm quyền để cho những vụ kiện tụng và xét nghiệm cũng như biên bản NCTDMT có được đầy đủ tính khoa học và khách quan.
Sau khi đã giải quyết căn bản và áp dụng biên bản NCTDMT cho hầu hết các loại công nghệ đang được sản xuất trong nước, bước tiếp theo là thực hiện những kế hoạch đặc biệt và tùy theo mức độ ô nhiễm để sắp xếp thứ tự ưu tiên của những nơi cần phải xử lý ô nhiễm trong nước. Thí dụ trước mắt là đặt ưu tiên vào việc giải quyết ô nhiễm không khí ở thành phố HCM, và áp đặt hệ thống xử lý phế thải rắn và long ở hơn 40 khu công nghiệp trên toàn quốc.
Tiếp cận 3 – Nhu cầu cho công cuộc đổi mới môi trường
Đối với công cuộc đổi mới môi trường, yếu tố nhân sự đứng hàng đầu tiếp theo là yếu tố tài chính cũng như tính xuyên suốt và nhất quán trong quản lý, và sau cùng cũng cần nên kễ đến sư lưu tâm và tham dự của dân chúng trước vấn đề chung của quốc gia:
Tuy nhiên, vấn đề nhân sự chuyên môn là một trong những cản ngại lớn của Việt Nam trong việc quản lý môi trường. Hiện tại, cũng còn nhiều trường hợp vi phạm môi trường xảy ra do sự khiếm khuyết nhân sự. Việc kiểm soát và quản lý không được chặt chẽ như mục tiêu đã đề ra. Thêm nữa, còn có quá nhiều định mức chưa được cứu xét và quy thành luật, do đó có nhiều kẽ hở về phía chính quyền và chính các kẽ hở đó đã vô tình tiếp tay cho các công ty, nhất là các công ty ngoại quốc tiếp tục vi phạm vì chưa có quy định rõ ràng.
Ngoài yếu tố nhân sự, yếu tố tài chính cũng chính là một cản ngại then chốt thứ hai, và trở ngại nầy đã gây khó khăn cho việc quản lý rất nhiều, và cũng là lý do chánh trong việc trì trệ cứu xét các định mức độc hại.
Yếu tố thứ ba là thiếu tính nhất quán trong quản lý. Vì khả năng chuyên môn của nhân sự quản lý không được huấn luyện đồng bộ, vì chính phủ không đủ điều kiện để cập nhật hóa các thông tin về luật lệ mới để thích ứng với tình hình, cho nên việc thi hành luật ở nhiều nơi đôi khi mâu thuẫn với nhau khiến phải mất nhiều thời gian để điều chỉnh và dàn xếp ở tòa án thay vì tập trung vào việc soạn thảo các quy định còn thiếu sót.
Tuy luật môi trường đã được quốc hội thông qua từ năm 1993 và có thêm nhiều bổ túc tiếp sau đó, nhưng sự hiểu biết của dân chúng về vấn đề nầy vẫn còn mơ hồ do sự thiếu phổ biến và dân trí của người dân trong nước vẫn còn hạn chế. Cho nên việc tham gia đóng góp trong công cuộc giải quyết vấn nạn môi trường chưa được thể hiệnđúng mức, trừ khi ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân.
Tiếp cận 4 – Giải quyết những vấn đề ưu tiên ở Việt Nam
Về việc nhận thức nguy cơ của các thảm nạn môi trường đã, đang và sẽ xảy ra song hành với việc phát triển quốc gia, Việt Nam cần đưa vào kế hoạch giải quyết đồng loạt những vấn nạn môi trường xảy ra sau đây:
Không khí: Ô nhiễm không khí là một vấn nạn môi trường nguy hiểm nhất là ở các thành phố lớn như TpHCM, Hà Nội, Hải Phòng, và các vùng khai thác quặng mỏ. Các biện pháp làm giảm mức ô nhiễm nitrogen dioxide NO2, sulfide dioxide SO2, carbon monoxide CO, thán khí CO2, các hạt lơ lửng trong không khí (particles in suspension), hợp chất hữu cơ nhẹ (VOCs)....là những mối quan tâm hàng đầu mà Việt Nam cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Một thí dụ điển hình về ô nhiễm không khí: Nhà máy xi măng Hải Phòng ở khu công nghiệp Thương Đình đã bị ô nhiễm nặng nề khí SO2 và bụi, tác động trực tiếp lên sức khỏe người dân sống trong vùng. Số người bị bịnh đường hô hấp tăng từ 1,5 đến 2,5 lần so với các khu vực không bị ô nhiễm.
Thay đổi thời tiết: Bộ Khoa học, Công nghệ & Môi trường cùng phối hợp với các đại học liên hệ, các viện nghiên cứu, Bộ năng lượng để thiết lập bộ luật về bảo vệ và giảm thiểu sự hâm nóng toàn cầu trong phạm vi quốc gia theo tinh thần Nghị định thư Kyoto năm 1997.
Nước: Ô nhiễm nguồn nước là một hiểm họa quốc gia. Do sự phân phối không đồng bộ của thiên nhiên, miền Nam có lượng nước dư thừa; trong khi miền Trung thì khô cằn. Trong hiện tại, hầu như tất cả lượng nước thải công nghiệp (95%) đều được chảy thẳng vào sông, hồ, hoặc biển gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng cho nguồn nước sinh hoạt của cả nước, đặc biệt là ô nhiễm manganese, thủa ngân, chrome, chì, selenium, sắt, đồng, và ô nhiễm vi sinh. Nước thải sinh hoạt từ các gia đình cũng cần được nghiên cứu xử lý ít nhất là xử lý cơ học trước khi thải hồi vào sông hay biển.
Đất canh tác: Giống như trường hợp của các quốc gia đang phát triển, ba vấn nạn căn bản của đất đai dùng để canh tác ở Việt Nam nhằm mục đích tăng nguồn sản xuất nông nghiệp là: sự xói mòn (erosion), sự sa mạc hóa (desertification), và sự ô nhiễm. Hiện tại có thể nói rằng phần lớn đất đai ở Việt Nam đang bị xói mòn đặc biệt ở miền Trung và cao nguyên đất trồng trọt đang trên đà thoái hóa và có khả năng bị sa mạc hóa nếu không có biện pháp cứu chữa thích nghi. Tại ĐBSCL, tệ trạng nhiễm mặn do sự xâm nhập nước biển vào, và cũng do việc sử dụng phân bón ào ạt đã làm tăng lượng muối trong đất. Do đó tiến trình thoái hoá của đất cùng sự xói mòn có khả năng tăng nhanh hơn nữa.
Do đó, trước những nguy cơ trên, Việt Nam cần nên bắt đầu theo dõi, kiểm soát các kế hoạch phát triển nông nghiệp cũng như hạn chế sản xuất một số nông phẩm dư thừa dùng để xuất cảng để bảo vệ đất và giữ cho đất có đủ thời gian để tái tạo trở lại giống như tình trạng nguyên thủy.
Quản lý chất phế thải rắn: Chất phế thải từ các đơn vị gia cư vẫn còn được đổ vào những bãi rác mỡ (open dump site). Tình trạng chất phế thải kỹ nghệ cũng chẳng khá hơn, tuyệt đại đa số công nghệ hiện có đều không có hệ thống xử lý và phế thải vẫn phải đi vào các bãi rác nếu là chất rắn, và vào sông, hồ, biển nếu là chất lỏng.
Đề nghị cần phải có một chương trình hành động nhắm vào từng mục tiêu riêng biệt để giải quyết tình trạng trên:
· Thiết lập cơ quan giáo dục công cộng về môi trường có mục đích giải thích cho người dân hiểu rõ thêm về các vấn nạn môi trường;
· Khai triển thêm các luật lệ chi tiết để quản lý từng loại phế thải;
· Thành lập những bãi rác theo tiêu chuẩn quốc tế nghĩa là có vách ngăn nước rỉ để bảo vệ nguồn nước ngầm và hệ thống xử lý nước rỉ để bảo vệ sức khỏe người dân;
· Khuyến khích và hỗ trợ sự tham gia của các nhà sản xuất công nghiệp vào việc giảm thiểu phế thải (waste minimization) kỹ nghệ.
Tiếp cận 5 – Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
Nhận thức được nguồn tài nguyên thiên nhiên không phải là một nguồn vô tận, đó là một nguồn dự trữ thiết yếu của quốc gia, và là một vấn đề sống còn của đất nước. Đây chính là nguồn nội lực cần phải được bảo vệ. Do đó việc khai thác các hầm mỏ và nguồn tài nguyên rừng cần được lưu tâm kỹ lưỡng.
Mõ: Đây là một nguồn tài nguyên lớn của quốc gia cần phải được khai thác có tính toán và cần có sự cân bằng trong việc bảo vệ môi trường. Việt Nam có nhiều mõ quan trọng như phosphate, than, manganese, bauxite, chrome, và nhất là dầu khí ở thềm lục địa. Do đó cần phải có một bộ luật về mõ chi tiết trong đó quy định rõ ràng định mức khai thác và biện pháp để làm giảm thiểu ô nhiễm khi bắt đầu đi vào áp dụng. Từ đó, tình trạng ô nhiễm ở những vùng bị khai thác sẽ được cải thiện sau đó, và chi phí y tế trong việc bảo vệ an toàn lao động và sức khỏe của công nhân sẽ được giảm thiểu kéo theo việc tăng thêm lợi nhuận trong khai thác.
Rừng: Do thiếu kiểm soát và không có kế hoạch khai thác từ đầu, nạn phá rừng thiên nhiên đã đưa Việt Nam đến nguy cơ cạn kiệt về rừng. Do đo,ù cần phải có biện pháp cứng rắn và thích nghi để chận đứng nạn khai thác rừng bừa bãi như: 1- Cấm phá rừng không theo quy hoạch; 2 - Cấm và hạn chế xuất cảng một số gỗ; 2- Quy định kế hoạch trồng rừng để tái tạo rừng nguyên sinh. Hành động cứng rắn nầy sẽ mang lại cân bằng hệ sinh thái của quốc gia, một điều cần thiết để bảo vệ môi trường.
Nông nghiệp: Trong khoảng 15 năm trở lại, sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp của Việt Nam tăng vọt mạnh về lúa, trà, tiêu, hột điều, cà phê, và tôm cá. Vì phải tập trung vào việc xuất cảng nông phẩm tối đa, Việt Nam hiện nay phải trực diện với tình trạng đất xói mòn, bị sa mạc hóa, và ô nhiễm môi trường do phân bón tồn đọng trong đất và sự hiện diện của đủ loại thuốc trừ sâu rầy, diệt cỏ dại. Hiện tại, đất bị xói mòn, và lượng thuốc trừ sâu rầy khổng lồ được nhập cảng hàng năm. Hầu hết các loại thuốc bị cấm sử dụng như DDT, Aldrin, Endrin,...đều đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Do đó, Ủy ban thẩm định mức độc hại của thuốc bảo vệ thực vật cần được thành lập gồm đại diện bộ y tế, bộ khoa học và môi trường, bộ nông nghiệp cùng sự hợp tác của nhiều chuyên gia nông nghiệp để thẩm định mức tối thiểu của từng hóa chất có thể ảnh hưởng lên con người và thú vật. Việt Nam cũng có thể áp dụng các định mức độc hại đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đang được thi hành ở các quốc gia đã phát triển hoặc của Cơ quan Y tế LHQ (WHO).
Kết luận
Từ 5 tiếp cận trên đây, chúng ta có thể có một tầm nhìn khái lược về những vấn đề trọng tâm của Việt Nam trong việc quản lý môi trường hiện tại.Việt Nam hiện có một sự ổn định chính trị dù dưới một hình thức không thoải mái cho người dân. Nhưng đây cũng là một điều kiện cần để mở đầu cho tiến trình phát triển kinh tế và tạo dựng phúc lợi trong nước. Tuy nhiên Việt Nam cũng cần phải có thêm điều kiện đủ để phát triển theo chiều hướng bền vững thích ứng với khái niệm toàn cầu hoá đang được các quốc gia trên thế giới áp dụng. Và chính những điều gợi ý trên đây là một khơi mào cho tiến trình phát triển của Việt Nam. Từ đó xã hội sẽ hy vọng có được sự ổn định và trật tự thật sự, các xáo trôn nội tại sẽ dần dần bị triệt tiêu.
Nếu các quyết định và cung cách giải quyết sáng suốt những vấn đề môi trường trên chắc chắn sẽ đem lại tin tưởng cho người dân, từ đó Việt Nam sẽ có được sự ổn định chính trị và xã hội thực sự trong nước. Từ sự ổn định trên, đầu tư ngoại quốc sẽ an tâm hơn để giúp đất nước nầy đẩy mạnh phát triển, mang nhiều quy trình công nghệ tân tiến và "sạch" có khả năng làm tăng nhanh phát triển đồng thời giảm thiểu hay ngăn ngừa được ô nhiễm. Làm được như thế, Việt Nam cùng một lúc giải quyết được hai vấn đề cho quốc dân: làm tăng phúc lợi cho người dân và bảo vệ được môi trường cho các thế hệ về sau, đi đúng theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc đề ra cho sự phát triển bền vững của các quốc gia đang phát triển là: 1- Tạo dựng tăng trưởng kinh tế; 2- Cân bằng môi sinh; 3- và Tiến bộ xã hội.
Không ai có thể phủ nhận mức phát triển của Việt Nam tăng vọt hàng năm. Về mặt xuất cảng trên thế giới, Việt Nam được xếp hàng thứ nhì về gạo, thứ ba về cà phê, cao su, tiêu, trà, điều; các mặt hàng nầy đã chiếm vị trí quan trọng trong cán cân xuất cảng chỉ sau dầu hỏa. Ngược lại, Việt Nam phải trực diện với muôn vàn vấn nạn ô nhiễm môi trường. Nhưng để đổi lại, người dân chẳng những không được hưởng những phúc lợi do xuất cảng đem lại mà còn phải chịu đựng thêm nhiều áp lực kinh tế trong đời sống hàng ngày và sức khỏe ngày càng bị đe dọa nhất là đồng bào miền Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Do đó, lãnh đạo Việt Nam cần có đủ đởm lược để tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân trong việc quản lý đất nước nhất là phải biết chấp nhận lỗi lầm để dứt khoát có những thay đổi thích hợp và đúng lúc, hợp với lòng người, hợp với bối cảnh, và hợp với thiên nhiên. Cần phải thực tế! Nên nhớ Phát triển (Nhân) và Ô nhiễm môi trường (Quả) phải có cân bằng. Nếu tạo được Nhân lành như phát triển có kế hoạch, có kiểm soát, và sử dụng công nghệ sạch, thì chắc chắn sẽ gặt hái được Quả lành do môi trường ít bị ô nhiễm. Đây là cái lý đương nhiên mà con người không thể nào làm khác hơn được.
Thời gian đã quá dài để cho dân tộc Việt phải can qua quá nhiều vấn nạn trong đời sống kinh tế, xã hội, và tâm linh rồi. Đã đến lúc cần phải chấm dứt tình trạng trên. Muốn tìm câu giải đáp cho bài toán phát triển Việt Nam, không cần phải có một trí tuệ ưu việt mà chỉ cần những trí tuệ bình thường với một tấm lòng thủy chung với đất nước.
Mai Thanh Truyết