ĐƯỜNG  HƯỚNG  MỚI  TRONG PHƯƠNG  CÁCH

XỬ    MÔI  TRƯỜNG

 

 

 

Tiến bộ khoa học cùng với việc phát minh nhiều công nghệ mới trong thời gian gần đây đã cho ra đời nhiều ứng dụng hầu thỏa mãn nhu cầu mà con người cần đến hay nghĩ đến. Con người  ngày càng chìm đắm trong những khám phá mới, tìm thêm nhu cầu mới dù cần thiết hay không cần thiết cho cuộc sống. Cuộc chạy đua do chính con người đặt ra có vẻ như không có điểm đến! Va` hơn nửa cuộc đua nầy càng kích thích thêm tham vọng ngự trị của con người, càng tăng thêm ngã vọng đến một mức độ khó kềm chế nỗi.

 

Với các khả năng khoa học hiện có, con người hầu như làm chủ thiên nhiên trong việc chế tạo các sản phẩm mới để phục vụ cho nhu cầu của nhân loại.. Đôi khi những nhu cầu đó hoàn toàn không cần thiết!

 

Con người ngày càng xử dụng nhiều hóa chất khác nhau để kiến tạo ra những sản phẩm tổng hợp theo ý muốn hay theo nhu cầu và dĩ nhiên trong hóa trình tổng họp hay phản ứng sản sinh ra một số sản phẩm phụ không cần thiết. Chính những chất sau nầy trở thành những vấn nạn cho đời sống con người do đó con người bị bắt buộc phải giải quyết hay xử lý....

 

Như vậy, vấn đề Sinh (sản xuất ra sản phẩm mới) và Diệt (xử lý các sản phẩm phụ, không cần thiết hay độc hại) là một hiện tượng tuần hoàn, xoay dần liên tục trong đời sống con người. Con người cố khai triển trí thông minh để cố tạo ra nhu cầu mới thì cần phải nặn óc nhiều hơn để xử lý các phế phẩm đôc hại. Và nếu nói theo tinh thần Phật giáo, con người càng chạy theo cái NGÃ của mình thì phải gánh thêm NGHIÊP càng nặng!

 

Vạn vật đã tự sắp xếp theo một thứ tự nào đó của thiên nhiên. Từ ngàn năm trước nếu nhìn lại, khi khoa học chưa phát triển nhiều và con người có một hiểu biết rất hạn chế, thiên nhiên vẫn ưu đải và tạo dựng ra một đời sống tương đối an lành; số mầm bịnh không nhiều so với hiện tại, và sự xuất hiện những mầm bịnh mới chính là sản phẩm của khoa học và con người. Con người đã lạm dụng khoa học và với niềm tự tôn mặc cảm họ tin rằng sẽ chiến thắng được thiên nhiên, kiểm soát thiên nhiên, và luôn cố gắng thỏa mản lòng kiêu hảnh của mình.

 

Để cuối cùng thiên nhiên đáp lại rằng, hảy còn quá nhiều ẩn số mà con người chưa thể giải đáp được! Thiên nhiên đã vận hành tuần hoàn, có chu kỳ thời tiết mưa, nắng, bảo, lụt...cho từng khu vực trước kia; mà hôm nay con người đã làm đảo lộn các chu kỳ trên một cách không kiểm soát nổi!

 

Hiện tượng hạn hán, bảo lụt xẩy ra thừơng xuyên hơn không theo một chu kỳ tuần hoàn nào có thể tiên liệu như trước kia cách đây vài thập niên. Bầu khí quyển tiếp tục nóng dần mặc dầu chỉ tăng 1/10 độ trong hàng trăm năm nhưng cũng đủ  tạo nên những hiện tượng rạn nứt và nóng chảy của các lớp băng ở Nam Cực.  Năm 1997, ở Ross Ice Shelf Nam cực, một tảng băng có kích thước 100 x 30 dậm, bị rạn nứt từ 25 năm trước, đã tách rời khỏi Nam cực, tiến về hướng xích đạo và bị tan rã trên đường di chuyễn. Hiện tại một tảng băng khác có kích thước tương tự ở vùng Ronne Ice Shelf đang tách rời và tiến về hướng xích đạo.

 

El Nĩno là hiện tượng nước biển bị hâm nóng xảy ra theo chu kỳ tự nhiên vào khoảng tám đến mười năm vào các thập niên trước; mà nay chu kỳ trên đã bị thu ngắn lại và không có những dấu hiệu báo trước rõ ràng như trước kia nửa. Năm 1998 hiện tượng nầy đã gây ngập lụt cho Hoa kỳ và hạn hán cùng bảo lụt ở Việt Nam. Và sau đó hiện tượng La Nina tiếp theo làm đảo lộn thời tiết ở miền Đông Hoa Kỳ, làm cho quá nóng ở mùa đông và giá lạnh theo sau đó cộng thêm nhiều  cỏn lụt lội và gió lốc bất thần ở miền Trung Tây Hoa kỳ...

 

Tóm lại con người càng thách thức thiên nhiên càng phải gánh thêm nhiều hậu quả không thể lường trước được!

 

 

Thiên nhiên hay môi trường sống của con người tự nó đã được sắp xếp theo một hợp lý nào đó mà con người chưa đủ khả năng để lý giải thì làm sao có khả năng để hàng phục thiên nhiên được. Do đó, càng vận dụng khả năng của mình để thách đố thiên nhiên, con người càng đi vào ngõ cụt, không lối ra. Và hôm nay, con người càng gần đến chỗ bế tắc hơn nửa khi tìm cách giải quyết những vấn nạn môi sinh trên thế giới do chính con người tạo ra: -không khí bị ô nhiễm đến mức báo động, - nguồn nước sinh hoạt bắt đầu cạn kiệt về lượng cũng không còn trong lành về phẩm như xưa nửa.

 

Con người bị bao vây từ trên vùng trời, dưới đất và ngay cả trong lòng đất, nguồn nước ngầm đã bị ô nhiễm cũng như mức độ ô nhiễm ở các đại dương tăng  nhanh làm nguồn lương thực như cá tôm bị nhiễm độc và số lượng sinh vật bị tiệt chủng tăng dần...Ngay cả trong lòng dại dương, các hóa chất độc hại như PCBs, DDT thoát ra từ các nhà máy xản xuất từ hơn 30 năm  trước, theo dòng nước và trầm tích ở dưới biển sâu như ở vùng Palos Verdes Shelf nằm ngoài khơi Los Angeles.

 

Trước áp lực bị thiên nhiên bao vây từ mọi phía, con người cố gắng tìm cách xử lý các sản phẩm độc hại cho chính mình tạo ra! Và cứ thế vòng lẩn quẩn trên tiếp tục xoay tròn: Tạo và Hủy. Con người càng cố gắng  xử lý ô nhiễm thì trong quá trình xử lý lại sản sinh ra một số ô nhiễm mới.

 

 

Theo quan niệm hiện tại, con người đang dùng các phương pháp sau đây để xử lý môi trường: phương pháp hóa học, sinh hóa học, cơ học, vật lý, thẩm thấu, ...

 

 

Phương pháp hóa học dựa theo nguyên tắc dùng một hay nhiều hóa chất tác dụng lên chất độc cần xử lý để biến chất ấy thành một chất không độc hại  hay đem độ độc hại xuống đến mức chấp nhận được (threshold limit). Vấn đề được đặt ra là con người ngày càng khó thích ứng  với định mức đã định trước kia và do đó cần phải xử lý lại những chất phế thải  đã được xử lý để đem định mức độc hại xuống thấp hơn. Sẽ không thể nào có được một định mức cố định  và trường cửu cho một chất độc hại nào cả!  Cũng như sự thích ứng  của con người trước một sản phẩm độc hại đó cũng thay đổi theo thời gian và tùy thuộc vào sự khám phá liên tục của khoa học về ảnh hưởng của chất độc vào cơ thể con người. Tóm lại chu kỳ  xử lý  nầy rất tốn kém về tài chánh cũng như về nhân lực và thời gian.

 

Tương tự, xử lý dùng phương pháp sinh hóa học cũng cho ra những sản phẩm phụ được định mức không độc hại hôm nay nhưng có thể sẽ trở thành những chất độc hại ngày mai.

 

Các phương pháp xử lý khác đều để lại những phụ phế phẩm hoặc cần phải có những xử lý đặc biệt như bảo hòa hóa (stabilization treatment evaluation) đặt căn bản trên ciment để biến các chất được xử lý thành một khối cứng chắc được lưu trử trong các bãi chứa đặc biệt. Đây là phương cách xử lý một số kim loại độc hại như: Arsenic, Selenium, Chì, Thủy ngân, ... và một số hợp chất hữu cơ có nồng độ thấp.

 

Đối với hợp chất hữu cơ có hàm lượng cao, pesticide, herbicide, insecticide, dioxin, PCBs v .v...phương pháp đốt ở nhiệt độ cao khoảng 4.000oC (incineration) được dùng đến để tiêu hủy các phần tử nầy.

 

Trái lại chất độc phóng xạ được nhốt kín trong các thùng phuy có thành dầy và được chôn kín trong các hầm béton ở Nevada đối với Hoa Kỳ. Còn Nga sô (củ) thì đem các thùng phuy trên để dưới lóng đáy biển Bắc hải.

 

Ba loại xử lý căn bản kể trên: bảo hòa hóa chất độc hại, đốt ở nhiệt độ cao hay nhốt kín trong các thùng phuy...đều không đưa đến một giải pháp thỏa đáng nào cả, trái lại càng làm tăng thêm nhiều hệ lụy tiếp theo cho con người. Các chất được bảo hòa cần phải được xử lý lại để đem định mức xuống thấp hơn. Các lò đốt ở nhiệt độ cao là một trong những nguyên nhân của nguồn chì (lead) trong không khí chứ không hoàn toàn do động cơ xe thải ra, và một số ảnh hưởng lồng kín lên bầu khí quyển (greenhouse effect).

Và các khoa học gia đã chứng minh  rằng biện pháp thiêu đốt ảnh hưởng nhiều đến lớp ozone trên tầng khí quyển: cứ mỗi năm tấn chất rắn được thiêu hủy, có khoảng một tấn tro sẽ được thải vào bầu khí quyển và các chất mang mầm mống bịnh ung thư như dioxin, PCBs... có trong chất phế thải được thiêu đốt sẽ đi vào không khí....California là một trong nhiều tiểu bang ở Hoa kỳ đã không cung cấp  giấy phép xây cất thêm lò đốt từ năm 1990.

Còn đối với các thùng phuy chứa phóng xạ, người ta đã tìm thấy nước biển vùng Bắc Hải có mức phóng xạ cao hơn bình thường và một số phóng xạ đã được ghi nhận từ các hầm chứa ở Nevada...

 

Tóm lại các quan niệm hiện tại đang được áp dụng để xử lý các chất phế thải kỹ nghệ đều có tính cách tạm thời, giai đoạn và quá tốn kém nhưng không đem lại hiệu quả như con người mong muốn.!

 

Đi tìm một phương hướng khác để giải quyết vấn đề ô nhiễm hiện nay quả là một nan đề cho bất cứ nhà khoa học nào có lương tâm và có một tầm nhìn đúng đắn về dự phóng tương lai. Dùng khoa học hay kỹ thuật thuần túy để giải quyết ô nhiễm môi trường đã gặp những bế tắc kể trên. Từ ngàn xưa Phật Thích Ca đã gợi ý là dùng thiên nhiên để giải quyết và điều chỉnh những vấn nạn của thiên nhiên (do con người gây ra!) trong khi rao giảng đạo Từ Bi của Ngài. Ngài đã nhắc nhở rằng mọi sinh vật kể cả cây cỏ  đều có một đời sống riêng góp phần vào sự hài hòa của thiên nhiên và nếu hủy diệt một mầm sinh vật nào đó, có thể làm đảo lộn sự hài hòa ấy. Do đó nguyên lý dùng thiên nhiên để giải quyết các vấn nạn của thiên nhiên là một suy nghiệm căn bản cho mọi phương pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong hiện tại và tương lai.

 

Trong chiều hướng đó các nhà khoa học đã tìm về thiên nhiên để suy nghiệm và giải lý từ các chu kỳ tuần hoàn của cây cỏ để đưa ra các phương pháp thích nghi cho việc xử lý ô nhiễm môi trường.

 

Trước thềm thiên kỷ thứ ba, con người có hai nhu cầu chính yếu:  nhu cầu phát triển và sản xuất sản phẩm để sinh tồn  và nhu cầu giải quyết các phụ phế phẩm để làm sạch môi trường do nhu cầu phát triển tạo ra.

 

Một thí dụ đơn giản về liên hệ hữu cơ của hai nhu cầu trên là trường hợp ô nhiễm nitrate (một mầm bịnh có thể gây ra hội chứng blue syndrome baby cho trẻ em dưới sáu tháng và có thể làm chết người) trong nguồn nước sinh hoạt của con người. Vì cần tạo ra nhiều sản phẩm về lương thực (lúa gạo, gia súc...) con người cố gắng tăng năng suất bằng cách bón nhiều phân, xịt thêm nhiều lọai thuốc sát trùng (cho lúa gạo, cây trồng), tập trung chăn nuôi (cho gia súc)... do đó nguồn nitrate thải hồi từ phân bón, từ phân gia súc thấm vào lòng đất và đi vào mạch nước ngầm, nguồn nước sinh hoạt chính của con người. Tại hạt Orange Hoa kỳ và ở những vùng có tập trung chăn nuôi và canh tác ở những xứ đã phát triển đều có độ nitrate trong nguồn nước cao hơn định mức chấp nhận hàng mười lần!

 

 

Nhiều phương pháp vật lý, hóa học, sinh hóa học đã được đem ra thử nghiệm và áp dụng nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề vì quá tốn kém về nhân lực và tài lực.

Sau cùng các khoa học gia  đã khám phá ra một lọai cỏ có tên là duckweed, loại cỏ giống như cây sậy có rễ chùm, có tính tăng trưởng rất nhanh trong một thời gian ngắn nếu được trồng trên nguồn nước chứa nitrate. Và  chính khám phá nầy là câu giải đáp tối ưu cho bài toán nitrate. Hiện tại đã có một nhà máy sản xuất cây giống duckweed ở Mể Tây Cơ, có diện tích hàng trăm mẫu và phương pháp nầy đã được xử dụng rộng rãi ở các tiểu bang miền Nam Hoa kỳ trong việc xử lý nitrate trong nguồn nước.

 

Các hợp chất hữu cơ, nguyên nhân của nhiều bịnh ung thư như trichloroethylene (TCE), 1,1,1-trichloroethane (TCA), carbon tetrachloride (CCl4)... là dung môi cơ bản được dùng trong hầu hết các kỹ nghệ hóa chất. Qua thời gian , các chất nầy thấm vào lòng đất và đi vào mạch nước ngầm. Cây bạch dương (poplar), một lọai cây thẳng đứng rễ ăn thật sâu vào lòng đất, được dùng để hấp thụ các hóa chất trên. Gordon, giáo sư tại Seattle đã chứng minh rằng 95% chất TCE ô nhiễm trong nguồn nước đã được hấp thụ để cho ra carbon dioxide (CO2) và các muối chlorides. .. Và với phương pháp nầy phí tổn chỉ bằng 1/3  so với phương pháp bơm và khử (pump-and-treat method) và còn bảo vệ được môi trường vì không tạo ra ô nhiễm mới do phế phẩm của việc xử lý.

 

Gordon cũng đã thành công trong việc áp dụng cây khuynh diệp (eucalyptus) và cây liễu (willow) để hấp thụ các hợp chất hữu cơ chứa chlore và brome, hai thành tố của mầm bịnh ung thư. Đối với các chất mang mầm mống ung thư cao như pesticide, dioxin, PCBs ... thay vì dùng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao như đã nói trên, các khoa học gia đang thu thập thêm nhiều kết quả khả quan ban đầu trong việc áp dụng phương pháp suy thoái sinh học (bio-degradation) để xử lý. Và với phương pháp nầy bầu không khí sẽ được bảo vệ trong lành.

 

 

Các thí dụ đan cử trên đây nói lên một đường hướng mới và đúng đắn trong việc dùng thiên nhiên để bảo vệ thiên nhiên và xử lý môi trường. Và sự chuyễn hướng nầy ngày càng có tính thuyết phục cao. Một khi đã được bảo vệ đúng đắn và hài hòa trong chu kỳ tuần hoàn củ a vạn vật, thiên nhiên sẽ mang lại nguồn cây xanh trên hành tinh của chúng ta, bầu khí quyển sẽ được tái tạo lại, trong lành hơn và tươi mát hơn. Và với sự chuyễn hướng nầy, con người hy vọng sẽ tìm thấy lại cuộc sống trong lành đã mất.

 

Tiến trình làm sạch thiên nhiên và trả lại thiên nhiên những nguồn nước trong lành, bầu khí quyển tươi mát, bảo vệ những cánh rừng nơi trú ngụ của các thú vật sắp bị tiệt chủng, bớt phí phạm những nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới nhất là nguồn nước ngọt .... là bổn phận và trách nhiệm của mọi người trên hành tinh nầy. Đã tự nhận là một sinh vật thượng đẳng, con người không thể từ chối bổn phận trên được.

 

Mỗi người trong chúng ta, nếu ý thức được điều đó, biết gìn giữ và bảo vệ môi trường sống chung quanh mình, đó là một phương cách an toàn và nhân bản nhất để bước vào thiên kỷ thứ ba. Và hơn nửa, có làm được như thế, chúng ta đã  trả lại một phần nào món nợ mà chúng ta đã vai mượn trước của các thế hệ sau do việc làm suy thoái môi trường và phí phạm tài nguyên trong quá trình  phát triển kỹ nghệ để phục vụ con người.

 

 

Mai Thanh Truyết

Orange 3/5/99

//////////////////////////////////////////////////