HỘI LUẬN TRUYỀN THANH VỀ Ô NHIỄM HÓA CHẤT Ở VIỆT NAM

                                                                                                  

                                                                                                                                 HKHKTVN(VAST)

 

 

Trong mục Chương trình Thời sự của Đài Sống Trên Đất Mỹ, băng tần AM 1190, tại Quận Cam, California từ 9:00 đến 10:00 giờ tối Thứ bảy ngày 19 tháng 1 năm 2002, các GS Trần Đức Thanh Phong và Lưu Trung Khảo đã hội luận với TS Mai Thanh Truyết và KS Nguyễn Minh Quang về hiện trạng ô nhiễm hóa chất và môi sinh hiện nay ở Việt Nam.  Hai nhà khoa học của Quận Cam nầy được cộng đồng người Việt tại đây cũng như nhiều nơi khác trên thế giới biết đến qua bài phỏng vấn đăng trên báo Orange County Register xuất bản tại Quận Cam ngày 3 tháng 1 năm 2002 vừa qua.

 

TS Truyết tốt nghiệp TS Hóa học ở Pháp.  Trước năm 1975, ông là Giảng sư và Trưởng ban Hóa học của trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và là Giám đốc Học vu của Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh.  Hiện nay, ông là Giám đốc nhà máy xử lý nước thải của công ty BKK Corporation, Giám đốc Kiểm soát An toàn và Chất lượng (QA/QC) của Weck Laboratories Inc., và Giám đốc Kỹ thuật của công ty Water Unlimited Inc. ở Los Angeles, California.

 

KS Quang tốt nghiệp Kỹ sư Công Chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn và tốt nghiệp BSCE và MSCE với chuyên ngành thủy lợi, trường Đại học Nebraska, Hoa Kỳ.  Ông là Kỹ sư Chuyên nghiệp của tiểu bang California và Florida và là hội viên của Hội KS Công chánh Hoa Kỳ (ASCE) và Hiệp hội Thủy lợi Hoa Kỳ (AWRA).  Trước năm 1975, ông là Trưởng ty Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia Thủy Lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn.  Ông từng là Chuyên viên Thủy học (hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida.  Hiện nay, ông là Kỹ sư Giám sát trưởng (supervising senior engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn chuyên về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước được thành lập hơn 40 năm ở Los Angeles,  California và là Kỹ sư cố vấn của công ty Water Unlimited Inc. ở Los Angeles, California.

 

Trước khi bước vào phần thảo luận, TS Truyết phát biểu:

 

Trước hết, chúng tôi xin thành thật cám ơn GS Trần Đức Thanh Phong và Lưu Trung Khảo và quý đài đã dành cho chúng tôi một cơ hội để trình bày thêm với cộng đồng về bài phỏng vấn do phóng viên John Gittelsohn thực hiện đã được đăng trên báo Orange County Register ngày 3/1/2002 về tình trạng môi sinh ở Việt Nam hiện tại. Ngày 4/1/2002, báo Người Việt và Việt Báo cũng đã trích thuật bài phỏng vấn nầy.  Vào ngày thứ bảy 12/1/2002, báo Người Việt, phát hành tại Orange County, có đăng tải lời bình luận của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao VN cho rằng "những nhận xét trên hoàn toàn không có cơ sở và được đưa ra với dụng ý xấu".  Qua ngày hôm sau, báo Người Việt lại loan tin về một lá thư của một độc giả, và cho biết lá thư đó đã đồng gữi đến FDA (Cơ quan Lương thực và Dược phẩm, Hoa Kỳ), báo Orang County Register, và các báo Việt và Anh ngữ dưới tựa đề:" Những phản ứng trái ngược về tin tức thực phẩm từ VN bị nhiễm độc".

Kính thưa Quý vị, bài phỏng vấn trên báo Orang County Register đã được ký giả John Gittelsohn thực hiện sau hai buổi trao đổi kéo dài hơn 6 giờ tại tư gia của chúng tôi.  Về phía báo Orange County Register, ngoài ký giả John còn có thêm một chuyên viên thu hình.  Về phía Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam  có GS Trần Cảnh Xuân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đến từ San Diego, chúng tôi, Mai Thanh Truyết, Chủ tịch Ban Chấp hành, và Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch Ngoại vụ nhiệm kỳ 2001 – 2003.  Ngoài ra, cũng xin kễ thêm thời gian ký giả John phỏng vấn Cô Aviva Imhof, Giám đốc International Rivers Network trụ sở đặt tại Berkeley; TS Wayne Dwernychuk, Giám đốc nghiên cứu của công ty Hatfield ở Montréal, Canada; và TS Portier thuộc Viện Khoa học và Y tế Môi trường Quốc gia, Hoa kỳ,  đồng tổ chức hội nghị thế giới về Dioxin tại Hà Nội vào đầu tháng ba năm 2002 sắp tới.

 

Trước khi bài phỏng vấn được đăng lên báo, chúng tôi có yêu cầu ký giã John Gittelsohn cho xem lại và sữa chửa nếu cần, nhưng ông cho biết thời gian không cho phép.  Vì vậy, sau khi bài báo đã được đăng tải, chúng tôi phát hiện một số phát biểu hay nhận định không thể hiện quan điểm của người được phỏng vấn.  Đặïc biệt là chúng tôi chỉ thử nghiệm về việc phân tích nước; do đó tuyên bố về việc thực phẫm bị ô nhiễm hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến người Mỹ tiêu thụ nông sản Việt Nam chỉ là những diễn dịch của người phỏng vấn mà thôi, và đây là trách nhiệm của tòa báo.  Ngoài ra, những quan điểm và hệ lụy có thể xảy ra cho Việt Nam do ảnh hưởng của hóa chất độc hại đủ loại thể hiện đúng đắn tinh thần hai buổi trao đổi của chúng tôi.

 

Rất tiếc, bài phỏng vấn đã tạo cho một số ít người, không biết vì ngộ nhận hay cảm xúc, hay vì một lý do gì đó mà không thấy được trọng tâm của vấn đề và ý chính của hai tác giả được phỏng vấn.  Chúng tôi muốn nói đến tương lai (we look to the future, not the present or the past).  Chúng tôi muốn nói đến những vấn đề môi sinh của Việt Nam trong 5 năm, 10 năm, hay hơn nữa.  Và chúng tôi không hề đặt trọng tâm vào vấn đề thực phẩm xuất cảng của Việt Nam hay thương ước Việt Mỹ, một vấn đề đã được chính phủ hai bên thỏa thuận.

 

Cũng xin thưa, chúng tôi tin rằng vấn đề an toàn của thực phẩm Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ đã được duyệt xét kỹ lưỡng giữa hai đối tác Việt-Mỹ.  Phía Việt Nam thì có pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật và nghị định thi hành pháp lệnh nầy.  Bộ Y tế Việt Nam và các cơ quan kiểm phẩm cũng đã duyệt xét để bảo đảm an toàn về chất lượng cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi xuất cảng sang Hoa Kỳ.  Đối lại về phía Hoa Kỳ, cơ quan FDA liên bang cũng đã duyệt xét trước khi sản phẩm được tung ra thị trường.  Chúng tôi chỉ quan tâm đến tình trạng an toàn thực phẩm ở Việt Nam qua những dữ kiện và tin tức mà chúng tôi có được qua qua các phúc trính do các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam công bố. Đa số các cuộc nghiên cứu hay thăm dò trên đều được các cơ quan quốc tế tài trợ như Quỷ Nhi đồng Thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Cơ quan Lương nông Thế giới (FAO).

 

Dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng xin nhận một phần trách nhiệm để một số độc giả không thấy được trọn vẹn trọng tâm của vấn đề mà chúng tôi muốn trang trải.  Hy vọng buổi hội luận hôm nay sẽ giúp cho quý vị thấy rõ những vấn nạn mà chúng tôi lưu tâm đến ở Việt Nam.  Đó là hiện trạng lũ lụt ở Việt Nam, vấn đề ô nhiễm arsenic hay thạch tín, cùng các vấn nạn về sử dụng thuốc trừ sâu rầy, diệt cỏ dại, phân bón đã tạo nên một tình trạng ô nhiễm hóa chất có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường mà mỗi người trong chúng ta cần lưu tâm đến.  Các vấn nạn nầy có thể biến thành thảm nạn bất cứ lúc nào trong vòng 5, 10 năm tới hay hơn nữa nếu chúng không được giải quyết một cách có hiệu quả.  Và một khi thảm nạn xảy ra, đất nước và người dân Việt Nam, trong đó có người thân và bạn bè của chúng ta sẽ là những người lãnh trọn hậu quả.

 

Chúng tôi chân thành cám ơn sự lắng nghe của quý vị.

 

Mở đầu phần thảo luận, GS Phong nêu vấn đề sử dụng và ảnh hưởng của thuốc trừ sâu rầy ở Việt Nam.  Theo KS Quang, việc ô nhiễm hóa chất đã xảy ra ở Việt Nam khá lâu nhưng hai ông chỉ bắt đầu quan tâm trong thời gian gần đây trong khi tìm hiểu ảnh hưởng của Chất Da Cam được sử dụng trong cuộc chiến Việt Nam.  Dựa theo các tài liệu và phúc trình do các cơ quan quốc tế cũng như các cơ quan y tế Việt Nam soạn thảo, có nhiều hóa chất vượt quá mức cho phép rất cao, trong số đó có các loại thuốc trừ sâu rầy dùng trong nông nghiệp, thuốc DDT dùng cho việc phòng ngừa bệnh sốt rét, và các loại hóa chất dùng trong kỹ nghệ.  Qua tin tức hoặc phóng sự đăng trên báo chí trong nước, các hóa chất nầy đã có ảnh hưởng trực tiếp như gây chết người hoặc dị dạng.

 

TS Truyết cho biết, dựa theo một phúc trình của Bộ Y Tế Việt Nam do TS Nguyễn Đình Quang biên soạn và được Cơ quan Lương nông Thế giới phổ biến năm 1999, một số hóa chất dùng trong nông nghiệp đã được phát hiện trong thực phẩm bày bán tại các chợ ở Hà Nội.  Trong số các mẩu được phân chất, DDT được tìm thấy trong 28% các mẩu thịt heo, 33% các mẩu cật heo, 25% các mẩu gan, 100% các mẩu trứng gà, và 60% các mẩu trứng vịt.  Ngoài ra, thịt và các sản phẩm sửa cũng bị ô nhiễm kim loại nặng như chì, cadmium, và thủy ngân cao từ 2 đến 10 lần mức cho phép; 100% các mẩu thịt gà có chứa chất kháng sinh cao gấp 22 lần mức cho phép.  Đó là chưa kể đến vi trùng trong 100% các mẩu thịt và sửa, vi khuẩn E-coli trong 100% các mẩu thịt bò, và vi khuẩn Salmonella trong 60% các mẩu thịt bò và thịt heo.  KS Quang cho biết, cũng dựa theo phúc trình nầy, một số hóa chất trong thuốc trừ sâu rầy cũng được phát hiện trong 25% các mẩu trái cây và rau cải.

 

Để trả lời câu hỏi của GS Phong về tình trạng ô nhiễm thực phẫm ở Việt Nam đối với sức khỏe của người dân trong nước cũng như người Việt ở hải ngoại khi về thăm nhà, KS Quang cho biết, dựa theo tài liệu của Trung tâm Y tế Phòng ngừa ở Hà Nội, số trường hợp nhiễm độc thực phẩm tập thể tăng từ 4 vụ với 25 nạn nhân trong năm 1995 lên 13 vụ với 139 nạn nhân trong năm 1998.  Nhưng theo Cơ quan Y tế Thế giới (WHO), chỉ có một số nhỏ các trường hợp xảy ra được báo cáo mà thôi.  KS Quang cho rằng, người Việt ở hải ngoại khi về Việt Nam có thể dễ bị nhiễm độc thực phẩm hơn người Việt ở trong nước vì có ít kháng thể hơn.  Mặc dù thời gian ở Việt Nam ngắn, nhưng mức độ ô nhiễm trong thực phẩm và số lượng hóa chất thâm nhập vào cơ thể, tuy hiếm thấy, nhưng có thể đủ để có ảnh hưởng lập tức và không thể điều trị dứt được.

Khi thảo luận về ảnh hưởng của hóa chất, kể cả các hóa chất bị cấm sử dụng từ lâu trên thế giới và ở Việt Nam như DDT và PCBs, do hai GS Phong và Khảo đưa ra, TS Truyết cho biết DDT và PCBs là hai trong số 12 chất dơ đã được Hiệp ước Stockholm năm 2001 đề nghị loại trừ.  Ở Việt Nam, DDT bị cấm sử dụng từ năm 1992; tuy nhiên, theo một tài liệu của Bộ Y tế Việt Nam, một số lượng lớn DDT 75% đã được nhập cảng từ Liên Sô cũ cho công tác bài trừ sốt rét.  Số thuốc DDT 75% nhập cảng là 237.748 tấn trong năm 1992, 33.935 tấn trong năm 1993, và 151.675 tấn trong năm 1994.  Đó là chưa kể số lượng DDT nhập cảng lậu qua biên giới.  Nếu so với tổng số lượng DDT nhập cảng từ năm 1957 đến 1990 là 24.042 tấn, chúng ta có thể hình dung tầm mức ảnh hưởng của DDT ở Việt Nam trong thập niên 1990.

 

Theo KS Quang, người Việt ở hải ngoại không có cách gì khác hơn là phổ biến tin tức về ảnh hưởng tai hại của hóa chất để đồng bào trong nước được biết hầu có những biện pháp thích hợp hơn khi sử dụng hóa chất trong nông nghiệp cũng như khi sửa soạn thức ăn hàng ngày.  Các cơ quan quốc tế như Cơ quan Y tế Thế giới và Liên Hiệp Quốc có những chương trình, thí dụ như Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), giúp đở các quốc gia đang phát triển, trong số đó có Việt Nam, nghiên cứu loại bỏ việc sử dụng 12 chất dơ dai dẳng và ảnh hưởng của chúng.  Theo báo cáo sơ khởi của UNEP trong một hội nghị cấp vùng được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3 năm 1999, Việt Nam đang có những vấn đề về sức khỏe và môi trường do các hóa chất dai dẳng trong nông nghiệp và kỹ nghệ gây ra.  Người Việt ở hải ngoại cũng cần gióng lên tiếng nói của mình đến các cơ quan quốc tế có trách nhiệm như UNICEF, UNDP, UNEP, vân vân... để họ có một cái nhìn rõ rệt hơn về các vấn đề ô nhiễm ở Việt Nam.

 

Khi GS Phong đề cập đến ý kiến của chuyên viên ngoại quốc, TS Truyết cho biết có một số ít chuyên viên và công ty cố vấn ngoại quốc thiếu lương tâm, đã cố tình làm ngơ trước vấn đề ô nhiễm các chất dơ khác ở Việt Nam mà chỉ chú trọng đến Dioxin, và gán cho Dioxin là nguyên nhân của tất cả bệnh tật ở Việt Nam hiện nay.  Một thí dụ điển hình là Bác sĩ Schecter của trường Y tế Công cộng Houston ở Texas.  Sáu tháng trước đây, Ông lật đật tuyên bố là nồng độ Dioxin trong máu được phát hiện ở Biên Hòa là cao nhất ở Việt Nam, cao gấp 135 lần mức cho phép, tức khoảng 270 phần ức (ppt).  Nhưng Bác sĩ Schecter lại im lặng khi Ông phát hiện nồng độ DDT trong sửa mẹ ở Việt Nam lên đến 73.000.000 phần ức vào năm 1989, một nồng độ cao gấp 365.000 lần mức cho phép.  DDT đã được Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) chính thức công nhận là một tác nhân của dị hình và dị dạng, còn Dioxin thì vẫn còn trong vòng tranh cãi.  Nhưng cứ cho là DDT và Dioxin có tác hại như nhau, thì số lượng của hai chất nầy cũng đủ để chứng minh tác hại của từng chất: vài trăm kí lô Dioxin đối với vài trăm ngàn tấn DDT!

 

KS Quang cho biết thêm là, dựa theo bản phúc trình của hội nghị cấp vùng tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3 năm 1999, chính Bác sĩ Schecter là người thực hiện một cuộc nghiên cứu sơ khởi về sự liên hệ giữa DDT và bệnh ung thư vú ở Bệnh viện Ung thư Hà Nội trong năm 1994 và 1995.  Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy nhóm bệnh nhân có nồng độ DDT trong máu cao hơn 800 phần ức thì có nhiều nguy cơ mang bệnh ung thư vú.  Đây là một dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy ảnh hưởng của DDT đối với sức khỏe của người dân Việt Nam.

 

Về vấn đề ô nhiễm môi trường mà GS Khảo đề cập đến như việc sút giãm số lượng sếu đầu đỏ về tràm chim Tam Nông,  Đồng Tháp và một số nơi ở Việt Nam không có tiếng chim hót, KS Quang cho biết, qua kinh nghiệm của ông trong một nghiên cứu có liên quan đến hạc ho (whooping crane) ở Nebraska, thì chim chóc và thú hoang rất nhạy cảm với môi trường sống của chúng.  Nếu môi trường không thích hợp thì chúng không đến nữa.

 

TS Truyết chấm dứt buổi hội luận như sau:

 

Kính thưa Quý vị thính giả, qua buổi hội luận, chúng tôi hy vọng quý vị đã thấy rõ trọng tâm của bài phỏng vấn trên báo Orange County Register vừa qua.  Chúng tôi thành thật cáo lỗi vì không thể trình bày thêm chi tiết ở đây vì thời lượng không cho phép, tuy nhiên quý vị có thể tìm hiểu thêm bằng cách vào trang nhà của chúng tôi là www.vastvn.org hoặc trên Tạp chí Đi Tới có bày bán tại các nhà sách trong vùng Orange County.  Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi  và nghiên cứu thêm để trình bày những thông tin cập nhật hóa về tình trạng ô nhiễm hóc chất ở Việt Nam ta trong những năm tháng sắp tới.

 

Tuy viển ảnh về các vấn nạn môi sinh không mấy sáng sủa, nhưng nếu mọi người đặt hết tâm huyết và một tấm lòngï Việt Nam thực sự, thì tình thế hiện tại vẫn có thể cứu vản được.  Qua lời nhắn gữi của TS Portier trong bài phỏng vấn trên báo Orange County Register, hy vọng chính quyền sẽ tìm thấy phần giải đáp của bài toán Việt Nam.  Đó là, chúng ta không những chỉ lo chăm sóc vấn đề sức khỏe của người dân mà còn phải chú trọng đến vấn đề môi trường nữa.

 

Là một nhà khoa học, chúng tôi luôn lấy phương châm khách quan và chân chính làm đầu. Làm khoa học, chúng tôi không thấy biên giới quốc gia, đứng trên lằn ranh chủ nghĩa, và đứng ngoài tầm ảnh hưởng của bất cứ một áp lực nào cho dù lớn nhỏ hay xa gần.  Là một người Việt Nam, chúng tôi luôn ủng hộ và cổ vỏ cho tất cả sự trợ giúp đến từ khắp nơi như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Y tế Thế giới, Quỷ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc... để giúp Việt Nam cải thiện môi trường đang bị ô nhiễm hiện tại, từ đó cải thiện được đời sống dân Việt, từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau.  Đó là một sự trợ giúp nhân đạo mà tất cả lương tâm thế giới theo chiều hướng toàn cầu hóa đem đến làm quà tặng cho dân tộc Việt Nam.  Chúng tôi hy vọng những nguồn tài trợ đó sẽ được sử dụng đúng đắn và có hiệu quả trên thực tế.  Đất nước và dân tộc Việt Nam sẽ phải trả một cái giá rất đắt nếu môi trường Việt Nam ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

 

Chúng tôi hy vọng với tâm cảm trên, từ đây chúng ta, những người Việt Nam sẽ có một cách nhìn lương thiện và can đãm hơn về cách thế giải quyết và phát triển cho Việt Nam cho tương lai.

Mọi chính thể nào rồi cũng phải qua đi.  Mọi chính quyền nào rồi cũng phải chấm dứt. Cuối cùng chỉ còn lại Đất và Nước của chúng ta.  Và thế hệ tương lai sẽ nhìn lại và phán xét hành động của chúng ta ngày hôm nay.

 

Ngày xưa ông cha ta nói:"Uống nước phải nhớ nguồn."

Ngày nay, ta phải nói: "Uống nước phải bảo vệ nguồn."

 

Xin cám ơn sự lắng nghe của tất cả Quý vị.

 

 

Tường trình của Hội KHKTVN

1/2002

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

//////////////////////////////////////////////////