Hội Chứng Trung Quốc

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết

Ngày hôm nay có thể nói rằng, hầu hết mọi người sống trên hành tinh nầy đều phải chạm mặt với hàng chữ "made in China" mỗi khi bước vào các chợ hay siêu thị, hay các cửa hàng đồ chơi, cửa hàng bách hoá v.v… Những mặt hàng sản xuất tử Trung Quốc thực sự đã chiếm lĩnh thị trường thế giới trong những năm gần đây từ thực phẩm, hàng tiêu dùng, đồ chơi, thậm chí đến những mặt hàng cao cấp như máy điện tóan, xe hơi và một số máy móc dùng cho các sinh hoạt gia đình trong nhà.

Qua sự dễ dãi về thủ tục hải quan, thuế khoá, và xuất nhập cảng sau khi Trung Quốc (TQ) gia nhập vào WTO, cộng thêm gía bán rất rẻ so với những thành phẩm sản xuất tại các quốc gia đã phát triển, hàng hoá TQ xâm nhập vào thị trường Tây phương rất dễ dàng và được giới trung lưu và dân nghèo ở các nước trên chiếu cố rất mạnh.

Tuy nhiên, mặc dù hàng hoá TQ đã hiện diện ở những quốc gia nầy từ lâu, nhất là Hoa Kỳ; nhưng thực sự câu chuyện chỉ bắt đầu từ tháng 4 vừa qua, khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố kết quả thí nghiệm cho thấy rằng thức ăn cho chó, mèo sản xuất tại TQ chứa dư lượng hoá chất melamine không được cho phép có trong thực phẩm, làm ngộ độc một số chó mèo ở nước nầy. Melamine là một protein kỹ nghệ, cơ thể con người cũng như thú vật không có nhu cầu đến protein nầy. Và từ đó, hàng loạt sản phẩn sản xuất từ TQ bị thu hồi (recall) trên toàn quốc. Trong năm 2006, tổng số hàng hoá nhập cảng từ TQ chiếm đến 81% số hàng bị thu hồi.

Bài viết nầy tập trung vào một số sản phẩm TQ đã bị thu hồi theo thứ tự thời gian từ ngày 26 tháng 4, 2007, để rồi từ đó cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của vấn đề cũng như phản ứng phản hồi từ phía dư luận quần chúng, từ các chính phủ nhập cảng hàng hóa TQ và các cơ quan quốc tế trong suốt thời gian qua.

Thức ăn gia súc có chứa độc tố.

Có hơn 100 thương hiệu thức ăn của chó và mèo sản xuất từ TQ đã bị thu hồi trong đó có nhản hiệu như Hy Vee, Li'l Red, Lick Your Chop, Nu Pet, Nutro v.v… Lý do là các thương hiệu trên có pha trộn hoá chất kỹ nghệ melamine hay hổn hợp melamine.

Trên thị trường, hoá chất trên thường được pha trộn trong gạo để được thêm vào thương hiệu lời quảng cáo là gạo giàu protein để bán cao giá hơn gạo bình thường. Do đó, thức ăn cho chó mèo sản xuất từ TQ có pha trộn hoá chất trên cũng nằm trong cùng một mục đích. Sở dĩ hai cơ quan FDA và USDA khám phá ra điều trên là do sự phàn nàn của một số chủ nuôi chó mèo ở California, Kansas, New York, North và South Carolina, và Utah. Từ đó đưa đến việc phân tích nước tiểu của chó mèo, và melamine đã được tìm thấy. Sau đó tất cả sản phẩm có nhản hiệu TQ đều bị thu hồi.

Chó mèo sau khi ăn thức ăn có chứa melamine sẽ bị mõi mệt, biến ăn, đôi khi bị ói mữa.

Trong lúc đó, ảnh hưởng của hoá chất trên lên con người cho đến nay, vẫn chưa có những chứng minh cụ thể. Tuy nhiên , FDA vẫn còn tiếp tục điều tra thêm nữa về nguy cơ của hoá chất trên, cùng độc tính của nó lên con người.

Cũng cần nên biết là ngoài chó mèo ra, gà ở một số vùng như Indiana cũng được nuôi bằng thức ăn có chứa hoá chất trên dưới dạng lúa mì có gluten nhập cảng từ TQ. Trên 30 trại gà đã nuôi bằng thức ăn trên từ tháng 2 vừa qua, và số gà trên đã bị thiêu huỷ. Ảnh hưởng lên sức khoẻ của con người khi tiêu thụ thịt gà bị nhiễm độc trên vẫn chưa được chứng minh rõ ràng và còn đang trong vòng nghiên cứu.

Kem Đánh Răng

Trong khi vụ thức ăn cho chó mèo còn đang tiếp diễn, một tin động trời khác là kem đánh răng sản xuất từ TQ có chứa hoá chất diethyleneglycol (DEG) làm ngộ độc và làm chết trên 50 người ở Panama, và Costo Rica.. Và tại Hoa Kỳ, thương vụ chính thức của lạoi kem đánh răng nầy lên đến 3 triệu Mỹ kim, chưa kể đến hàng nhập lậu và hàng giả dưới nhiều nhãn hiệu của Hoa Kỳ khác nhau như Colgate.

Các thương hiệu TQ đã bị thu hồi là: Excel, Maxam, Evafresh, Tian Qi, Hei Mei Cpp, Mr Cool. Mr Fresh, Dr Cool, Smile 2, Crescent and Three Leaf Spearmint.

Sau khi phân tích các loại kem trên, lượng DEG có thể lên đến 4% do Văn phòng Tiêu chuẩn, Đo lường và Kiểm soát (Bureau of Standards, Metrology and Inspection (BSMI) kiểm nghiệm.

DEG là một hoá chất kỹ nghệ, có tính độc hại trung bình và được dùng trong kỹ nghệ lạnh. Nó tương tự như glycerine, và hoá chất sau nầy được cho phép dùng trong kỹ nghệ kem đánh răng như một nhân tố làm cho kem đông đặc lại. (Chính vì vậy mà TQ đã bào chữa là một nhà máy đã xử dụng lầm hoá chất, tưởng DEG là Glycerine.)

Theo quan điểm của người viết, TQ cố tình dùng DEG trong kem đáng răng vì những tính chất sau: 1- Đây là một nhân tố dùng để cho kem khỏi bị đông lạnh vì thời tiết, 2- Vì trong kem có Calcium và Magnesium dễ bị mất nước do thời tiết ở các quốc gia nhiệt đới, cho nên sự hiện diện của DEG là để tránh cho kem không bị khô, 3- Và sau cùng DEG làm cho kem có vị ngọt.

Tại Hoa Kỳ, tiểu bang Florida đã ra lịnh cấm và thu hồi các thương hiệu kem đánh răng TQ và đã khuyến cáo dân chúng khi mua kem đánh răng như sau:

Cần xem kỹ nhãn hiệu và thanh phần cấu tạo kem. Nếu có ghi DEG hay Glycol thì không nên mua và cho cửa hang bán biết lịnh thu hồi;

Tránh mua tất cả các loại kem mang nhản hiệu TQ hay made in China;

Tránh việc mua kem già. Để phân biệt hàng giả, mẫu mã, chữ viết, hình ảnh nhoè và xấu hơn kem nguyên gốc;

Tránh việc mua kem đánh răng ngoài chợ trời và không có nhãn hiệu rõ ràng;

Nếu không có nhãn hiệu bằng tiếng Anh, dứt khoát không mua.

Ngoài Hoa Kỳ ra, kem đánh răngTQ có chứa DEG còn hiện diện và mới vừa được khám phá ở Taiwan. Các loại kem nầy đã được dùng trong các khách sạn ở đây và đã được chính quyền sở tại nghiêm cấm.

Kem TQ còn được dùng trong các trại tù ở New Zealand hàng chục năm qua do quốc hội nước nầy mới vừa khám phá ra! Tù nhân đã từng được báo cáo là thường hay mệt mõi dã dượi và ăn không thấy ngon.

Tại Canada, cơ quan y tế xứ nầy vừa cảnh báo là trong kem đánh răng TQ ngoài sự hiện diện của DEG còn có chứa một số vi khuẩn độc hại có nguy cơ ảnh hưởng lên sức khoẻ của con người, đặc biệt là trẻ em vì các em hay có khuynh hướng nuốt kem vào trong cuống họng. Các bịnh có thể có là bị cảm lạnh, nhiễm độc đường tiểu, và ảnh hưởng lên đường tiêu hóa như ói mữa, tiêu chảy và đau bụng, cũng như một số bịnh về hệ thống miễn nhiểm ở trẻ em.


Sản phẩm trái cây, thực phẩm khô, dược thảo, thuốc men, và sản phẩm gia dụng

Năm 2006, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá tầm quan trọng của vấn đề trong chế độ ăn uống và sản xuất thực phẩm của TQ, tổ chức phối họp với Viện Dinh dưỡng An toàn Thực phẩm TQ, Hội thảo Quốc tế lần thứ 4 về Các chương trình nghiên cứu chế độ ăn uống tại Bắc kinh ngày 23 -27 tháng 10 trong đó có sự tham dự của trên 30 đại biểu đến từ các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, sự việc không diễn ra như dư tính, TQ vẫn tiếp tục hành xử theo "suy nghĩ" xã hội chủ nghĩa của chính quốc gia nầy bằng cách áp dụng bất cứ mọi phương tiện nào nhanh nhất, rẽ nhất, với mục đích đạt được lợi nhuận tối đa mà không hề lưu tâm đến sức khoẻ của người dân trong nước hay người ngoại quốc. Một thí dụ điển hình là tin tức do CNN phát đi cách đây vài tháng, bánh bao bày bàn tãi TQ có nhân được làm bằng giấy cartông xé nhỏ, và công nhân tố cáo sự việc nầy đã bị đem đi mất tích.

Trong lãnh vực các sản phẩm trái cây, thực phẩm khô, dược thảo, thuốc men và các sản phẩm gia dụng khác, tuy không ảnh hưởng nhiều đến dư luận Hoa Kỳ, nhưng trong các cộng đồng thiểu số sống ở Hoa Kỳ cũng cần nên lưu tâm đến. Vào tháng 6 vừa qua, cơ quan an toàn thực phẩm New York đã ra quyết định cấm bày bán các loại nấm màu đen và khô như nấm đông cô, nấm hương, nấm mèo vì có chứa dư lượng hoá chất sulfide dùng để chống mốc. Formaldehyde cũng được tìm thấy trong hạt tiêu. Hấu hết thực phẩm khô trong các bao nylon cũng như thực phẩm trong hộp thiết đều có chứa hoá chất bảo quản thực phẩm qúa tiêu chuẩn quy định và có vi khuẩn coliforms, nguyên nhân của nhiều mầm bịnh về đường ruột.

Trong lãnh vực dược thảo như thuốc làm ốm đã làm xáo trộn dư luận một thời gian và đã bị cấm (thuốc Fen Fen (?)) vì thuốc đã làm chết người và vẫn còn đang trong vòng tranh tụng giữa gia đình nạn nhân và nhà sản xuất TQ. Thuốc cường dương Zencore đã được quảng cáo là giúp cho quý ông hưng phấn sau khi dùng vì có chứa nhân tố aminotadalafil và sildenafil. Nhưng hai hoá chất nầy có thể làm cho áp huyết bị xuống thấp đến mức nguy hiễm. Do đó cũng vừa bị thu hồi vào ngày 8 tháng 9 vừa qua.

Cũng như tại chính bản quốc, hàng nhái, hàng giả trong lãnh vực y tế cũng không kém phần nghiêm trọng như hàng loạt bịnh viện đã xử dụng albumin giả trong dịch vụ y tế. Câu chuyện cũng chưa ngừng ở đây, mới vào ngày 16/9, chính phủ TQ lại phải ra kịnh thu hồi hai loại thuốc tên Methotrexate và Cytarabin,HCl dùng để trị bịnh ung thư máu (leukaemia) của nhà phát hành dược phẩm Hualian Pharmaceutical Co. ở Thượng Hải. Lý do là hai loại thuốc nầy đã bị ô nhiễm do đó gây ra phản ứng phụ cho bịnh nhân nhất là trẻ em.

Đối với các loại trái cây và rau quả nhập cảng từ TQ, đặc biệt ở Việt Nam, trái cây đã được bảo quản bằng hoá chất diệt cỏ 1,4-D và 1,4,5-T , thành phần chính trong chất diệt cỏ màu da cam mà quân đội Hoa Kỳ đã phun xịt trong chiến dịch Ranch Hand trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1962 đến 1971. Năm 2005, TS Nguyễn Đức Tuấn, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng I, đã phân tích các loại trái cây như cam, lê, táo, nho v.v… nhập từ TQ được tẩm hoá chất trên và có thể giữ được tươi tốt trên một tháng. Hoá chất trên đã được bày bán tự do trong những bao nylon đựng 2 gr với gía rất rẻ trên dưới 2.000 Đồng/bao. Hoá chất nầy cũng đã xâm nhập vào thị trường Tp Sài Gòn. (Được biết, TS Tuấn ngay sau khi công bố kết quả trên đã được điều động (?) đi đến một nơi không ai biết cả!)

Chúng ta có thể hình dung các loại rau như bông cải, cà rốt, hành tây, cà tô mát v.v…làm thể nào còn giữ được tươi tốt qua một hành trình dài từ biên giới Việt Trung (chưa kể từ nơi xuất xứ) xuống tận Sài Gòn và không bị hư thúi dưới cái nóng nhiệt đới nếu không có hoá chất bảo quản thực vật đặc biệt như hoá chất diệt cỏ dại? Trong các loại sản phẩm tươi xuất cảng như cá nục, cá bóng mú…đều có sự hiện diện của hoá chất kháng sinh nitrofuran, một hoá chất nằm trong danh sách 12 hoá chất "dơ bẫn" đã bị LHQ cấm dung trong thực phẩm từ năm 2004.

Gần đây nhất, tại các chợ ở Thủ Đức, đầu mối của hàng trái cây nhập từ TQ gồm táo, lê, quít, đào, mận, và đủ loại cam có màu khác nhau như cam xanh, cam đỏ…Theo như các bạn hàng, các loại trái cây trên có võ cứng, ăn dòn và tưới rói, rất bắt mắt, "nước da" loại trái nào cũng láng bóng và tươi như mới vừa hái xong. Nhưng theo kết quả thử nghiệm của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết dư lượng hoá chất Carbendazim chiếm 46% trong tổng số mẫu lê táo đã khám nghiệm. Ngoài ra các hoá chất thuộc họ phosphate như Carbamat hiện diện trong các loại trái khác nhập từ TQ.

Tại hải ngoại, làm thế nào lê Tân cương của TQ vẫn được bày bán với già rẽ (~59 xu/bl) với cuống trái xanh tươi như mới vừa hái ở các siêu thị Việt Nam và Tàu? Cũng cần nên nhớ, Cơ quan FDA của Hoa Kỳ chỉ có khả năng kiểm nghiệm trên dưới 1% những lô hàng nhập cảng từ Việt Nam hay Trung Quốc mà thôi.

Và ở các quốc gia khác như tại New Zealand, áo quần sản xuất tại TQ có hàm lượng formaldehyde hay tên thông thường la formol (chứ không phải là formon như đã ghi trong một số báo và diễn đàn) cao. Tại Indonesia, kẹo TQ cũng được ghi nhận do cơ quan Giám sát Thực phẩm Nam Dương có chứa formol. Tính độc hại sau khi tiếp nhiễm của formol được nêu lên trong bảng độc hại của Irving Sax là 150 ug/Kg cơ thể nếu bị tiếp nhiễm ngoài da, và 4 ug cho mắt. Nếu formol xâm nhập vào đường tiêu hoá với lượng trên 36 mg/kg cơ thể, nạn nhân có thể bị hôn mê.

Thái Lan cũng đưa ra cảnh báo thận trọng với thực phẩm tươi và khô của TQ như trái cây và rau củ .Riêng Bộ Y tế Thái Lan đã thử nghiệm ngẫu nhiên 11.000 sản phẩm nhập cảng từ TQ và đều phát hiện có chứa hàm lượng hoá chất độc hại và vi khuẩn.

Tại Anh Quốc, nước uống TQ hiệu MM cũng bị thu hồi vì nấp chai dễ bị tách rời ra và có chứa vi khuẩn.

Trong hầu hết các đồ gia dụng trong nhà như nồi, niêu, soong chảo cũng như một số đồ sành sứ có tráng men như chén dĩa sản xuất từ TQ đã được Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam xét nghiệm cho thấy có vết tích của Chì (lead), thuỷ ngân (Hg), và arsenic (As) là những kim loại có tính độc hại cao lên sức khoẻ của con người.

Chợ Wal Mart Hoa Kỳ mới vừ thu hồi dép nhựa TQ đã được bày bán với giá $2.44. Dép nhựa nầy đã làm bỏng chân người mang chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Bác sĩ khám nghiệm nạn nhân và tìm thấy hoá chất làm cháy da, tuy nhiên vẫn chưa định rõ được tên hoá học rõ ràng.

Phẩm Màu Trong Thực Phẩm

Trong thực phẩm, màu giữ một địa vị rất quan trọng. Nó làm cho sản phẩm bắt mắt hơn, gây chú ý cho người mua và gây ảnh hưởng tốt về phẩm chất của món hàng. Có hai loại màu: màu tổng hợp và màu thiên nhiên.

Màu thiên nhiên được trích từ các mô của cây cỏ. Việc xử dụng loại màu nầy nảy sinh ra nhiều vấn đề như: màu không cố định có thể thay đổi hay biến dạng theo thời gian, nhiệt độ, ánh sáng, và nhất là có thể làm biến dạng phẩm chất của thực phẩm được nhuộm màu.

Còn màu tổng hợp thường tan trong nước và ổn định hơn. Trên thị trường, màu tổng hợp có dưới dạng hạt, bột, dung dịch, hay dạng dẽo. Màu tổng hợp tác dụng với hydroxid nhôm Al(OH)3 để cho ra một dung dịch gọi là hồ (lakes) sẵn sàng để nhuộm màu trong thực phẩm. Lợi điểm của màu tổng hợp là màu rất bền không bị tác dụng do thời gian, nhiệt độ hay ánh sáng. Các nhà sản xuất thực phẩm rất thích dùng loại màu tổng hợp nầy.

Xin đan cử ra đây hai màu tổng hợp căn bản là màu tartrazine có màu vàng và màu carmine màu đỏ ngã qua cam. Đứng về phương diện độc hại, màu rất nhạy cảm cho da, có thể làm nứt da, tạo ra những vảy nến, hay làm dị ứng cũng như nghẹt mũi căn cứ theo báo cáo của Ủy ban Khoa học Thực phẩm cho con người của EU (CSAH).

Tuy nhiên trên thị trường thực phảm gần đây ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia Tây phương và Bắc Mỹ đã xuất hiện nhiều mặt hàng thực phẩm có chứa một loại phẩm màu dùng trong kỹ nghệ. Đó là phẩm màu có tên Sudan.

Sudan là gì?

Sudan là mọt loại phẩm màu tổng hợp chứa các hợp chất azo, naphtols và các gốc methyl di động. Thông thường phẩm màu được áp dụngthường xuyên trong thực phẩm là sudan đỏ I, có công thức tổng quát là C16H12N2O. Ngoài ra còn có sudan II màu cam, sudan III màu đỏ ceresin (màu đỏ đậm), và sudan IV còn có tên là dung môi đỏ 24. Sự thay đổi màu sắc của các sudan là do sự chuyển đổi vị trí của các nhóm gốc methyl.

Trong kỹ nghệ phẩm sudan thường được dùng để nhuộm da giày, vải vóc, các đồ dùng đồ chơi bằng plastic, pha màu dầu nhớt kỹ nghệ, v.v… Sudan tan trong dầu mỡ và định màu trong đó.

Theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới thì sudan, sau khi định màu trong các mô mỡ, sẽ bị phân đoạn do phản ứng azo-khử để cho ra aniline và amino-naphtol là hai độc chất cho con người.

Kể từ năm 2003, tại Pháp, sudan I được xếp vào loại hóa chất có thể gây chuyển đổi các nhiễm sắc thể di truyền và thuộc loại có nguy cơ gây ung thư loại 3.

Sudan được phân tích bằng phương pháp sắc ký lõng dưới áp suất cao tức HPLC và có thể định lượng đến độ chính xác 10 ppb (phần tỷ).

Lịch sử sudan đỏ I trong thực phẩm

Mặc dù phẩm màu sudan đã được tổng hợp từ lâu, nhưng chỉ được dùng trong kỹ nghệ mà thôi. Mãi đến năm 2003, Cơ quan An toàn Thực phẩm Pháp mới khám phá ra sự hiện diện của sudan I trong các lô hàng phẩm màu nhập cảng từ Ấn Độ và Trung Quốc. Tin tức nầy được loan truyền đến Cộng đồng Âu Châu và kể từ ngày 20 tháng 6 năm 2003, tất cả các sản phẩm lương thực nhập cảng từ các quốc gia đệ tam (đang phát triển) đều bị kiểm soát sự hiện diện của sudan rất kỹ.

Cũng trong năm nầy, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh Quốc (BFSA) đã lên danh sách 419 sản phẩm thực phẩm của Trung Quốc có khả năng nhuộm màu sudan I. Vào ngày 5 tháng 3 năm 2005, các sản phẩm của công ty Heinz ở Quảng Đông, và Cty Hienz Meiweiyuan Food Co. ở Quảng Châu bị thu hồi vì có chứa sudan I. Đó là các loại sauce ớt, và sauce dầu dưới danh hiệu Heinz's Golden Mark.

Tại Canada, một luật định ký ngày 5 tháng 9 năm 2003 đã cấm xử dụng sudan I trong thực phẩm, vì đây là một tác nhân gây ra ung thư cho con người. Luật nầy đã được Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm Canada bảo trợ (ACIA).

Trường hợp Việt Nam

Trong những ngày cận Tết Đinh Hợi (cuối tháng 1, 2007), dư luận đang xôn xao vì kết quả phân tích của GS Chu Phạm Ngọc Sơn, thuộc Hội Hóa học Việt Nam. Theo kết quả, có 9/18 mẩu trứng mua tại các chợ ở Sàigòn có sự hiện diện của sudan I và sudan IV dưới nhiều hàm lượng khác nhau thay đổi từ 1.000 đến 20.000 ppb (phần tỷ).

Sự kiện nầy khiến cho dân chúng hoang mang và thị trường trứng ở VN trở nên ế ẩm, mặc dù nhu cầu rất cao cho kỹ nghệ bánh mức trong dịp Tết.. Theo những người có trách nhiệm thị trường, mức tiêu thụ trứng có thể giảm xuống đến 50% mặc dù trứng đã được hạ giá từ 15 ngàn còn 12 ngàn đồng/một chục.

Trên thực tế, sudan có trong trứng gà đã được VN khám phá từ ngày 23 tháng 11, 2006 tại Hà Nội, và bột sudan đã được bày bán ngoaì thị trường dưới thương hiệu SRIV nhập cảng từ Trung Quốc.

Trứng gà nhập cảng từ TQ có giá rẻ hơn trứng gà VN từ 200 đến 400 đồng/trứng, có phẩm chất bề ngoài rất tốt hơn trứng VN, bắt mắt hôn, to hơn, võ màu nâu đậm và bóng láng. Lòng đỏ trứng có màu đỏ sậm hơn thường.

Từ những sự kiện trên, có thể kết luận rằng tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm ở VN, đã đến lúc không thể kiểm soát được nữa. Sự hiện diện của những thành phẩm đã biến chế cũng như chưa biến chế có chứa sudan đến từ TQ là một hiện tượng không cần phải bàn cải nữa. Từ năm 2003, Tây Aâu đã chính thức cấm một số hàng nhập cảng từ TQ có chứa sudan. Đó là những mặt hàng như trứng, sauce cà chua, ớt bột, dầu ăn, sauce ớt tây (red pepper hay poivron). Các mặt hàng nầy đã được nhập cảng từ lâu, nhưng mãi đến năm 2003 mới bị khám phá và cấm nhập cảng.

Qua kinh nghiệm trên, chúng ta, những người Việt Nam còn ưu tư đến đất nước không thể không nhận thấy nguy cơ trước sự bành trướng của TQ trong lãnh vực kinh tế, nhất là từ khi VN gia nhập vào Tổ chức Thương mại Toàn cầu WTO.

Điều có thể chắc chắn rằng sự hiện diện của phẩm màu sudan trong thức ăn, và trong dạng nguyên chất cũng đã có ở VN từ lâu, mà VN chỉ mới vừa khám phá ra gần đây thôi. Điều nầy khiến cho chúng ta cần phải động não để dự phóng cho một nguy cơ có thể xảy ra cho các thế hệ VN về sau.

Câu chuyện sudan có thể có một nguyên do thầm kín ngoài việc tranh thương thủ lợi của TQ. Sự hiện diện của bột màu sudan ở thị trường VN có thể làm cho chúng ta nghĩ đến là trứng gà có chứa sudan không hẳn chỉ được sản xuất từ TQ mà thôi, mà có thể đến từ nội địa VN. Bột sudan có thể được pha trộn trong thức ăn của gà VN. Thêm một nghi vấn nữa là bột sudan có thể được pha trộn trong phân bón để cho cây trái, quả cà có thêm nhiều màu bắt mắt người mua.

Hiện tại, TQ là một quốc gia sản xuất bột sudan và đã xuất cảng sang VN.

Trong quá khứ, chúng ta đã từng thấy TQ sản xuất hóa chất diệt cỏ dại 2,4-D, một sản phẩm trong chất Da cam, đã xử dụng hóa chất nầy để bảo quản trái cây như cam, lê, táo, nho… xuất cảng sang VN vì giữ được tươi tốt trong một thời gian dài sau khi trái cây được nhún vào trong dung dịch hóa chất trên.

Trong quá khứ, TQ đã tẩm sulfite vào các loại nấm khô để trừ nấm mốc đã từng bị Cơ quan An toàn Thực phẩm New York cấm nhập cảng.

Và cũng trong quá trình lịch sử dựng nước của VN, TQ đã không từ nan bất cứ phương tiện nào để triệt hạ VN bằng võ lực, bằng sức ép kinh tế, và có thể ngày hôm nay, VN đang đứng trước hiễm họa diệt vong vì tiêu thụ những sản phẩm có chứa độc tố hầu có thể triệt tiêu tuổi trẻ và tương lai VN. Và đây mới chính là bài học đích thực và đáng giá mà Việt Nam cần suy gẩm.

Các mặt hàng kỹ nghệ của Trung Quốc

Bước qua lãnh vực cơ khí và một số công nghệ nặng, hàng hoá TQ cũng không tránh khỏi nạn bị thu hồi vì thiếu tiêu chuẩn quy định hay vì cố ý làm kém phẩm chất để thu lợi. Theo như Luật Thu hồi các Xe có vấn đề trong sản xuất (Recall of Defective Products) của TQ thì kể từ ngày 1/10/2007, người tiêu dùng có thể kiện thưa nhà sản xuất xe nếu nhận thấy có cố ý che đậy các lỗi lầm trong sản xuất, không chịu thu hồi sản phẩm có vấn để v.v… Đó là chuyện trên giấy tờ ở TQ. Trên thực tế các mặt hàng xuất cảng qua Hoa Kỳ vẫn còn đầy rẫy những yếu kém về kỹ thuật, công nghệ sản xuất, hoặc vì mang nặng não trạng "sống chết mặt bây, tiền thầy bỏ túi", cho nên sản phẩm xe hơi của TQ không được ưa chuộng ở thị trường Hoa Kỳ như xe Nhật và Đại Hàn. Vào năm 2002, bánh xe của loại xe vận tải (truck) nhỏ sản xuất từ hảng Hangzhou Zhongce Rubber Co. TQ đã bị thu hồi vì không an toàn, võ xe dể dàng bị tách ra khỏi bánh xe, và dể bị nứt nẻ.

Chì (lead) trong Đồ chơi trẻ em

Sau vụ nhiễm độc trong thức ăn chó và mèo vào tháng 4, 2007, sau sì căng đan (!) kem đánh răng có chứa DEG làm chết người, kể từ tháng 8 vừa qua, lưọng chì trong hầu hết loại đồ chơi trẻ em, đồ dùng trong học đường và một số sản phẩm gia dụng linh tinh đã được báo động là có chứa chì trong các sản phẩm trên. Tính đến nay (15/9/2007), hai công ty lớn nhất nhập cảng các sản phẩm trên từ TQ là Mattel và Toy "R"US đã thu hồi lần lượt trên 25 triệu sản phẩm cho Cty đầu và trên 25.000 cho Toy "R"US. Cả hai Cty vẫn còn đang tiếp tục thu hồi ở tất cả các cửa tiệm trên toàn quốc.

Ngày 4/9 vừa qua, Ông Robert Eckect đã chính thức ra lịnh thu hồi những sản phẩm có dư lượng quá tiêu chuẩn cho phép trong các sản phẩm kỹ nghệ là 0,6%0 (0,6 phần ngàn, hay 0,6 mg trên 1 Kg sản phẩm). Các sản phẩm nhập cảng của Mattel là GeoTrax Engine, búp bê Barbie đủ loại, Big Big World như đồ chơi, trái cây, thú vật…, Pixar cars v.v.. và một số đồ chơi có nam châm như: Rain Forest, Laugh & Leran, Power Wheel Lightning, Batman v.v..

Đối với Cty Toy "R"US sản phẩm bị thu hồi như các khung gỗ có màu, mực in, phẩm màu để cho trẻ em vẽ, viết chì, phẩm màu nước, cọ sơn, màu nước trắng, thước kẽ, đồ chuốt viết chì v.v..

Sở dĩ, sản phẩm TQ có hàm lượng chì nhiều trong sơn là vì chì có giá thành rẽ, và có khả năng làm cho món hàng trơn, bóng, bắt mắt hơn, do đó thành phẩm sẽ mang lại lợi nhuận cao. Chì được dùng nhiều nhất trong kỹ nghệ sơn và dầu bóng cũng như chì đã hiện diện trong xăng (được tính qua độ octan). Ví tính độc hại của chì, cho nên Cơ quan Kiểm soát bịnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã đề nghị cấm sử dụng chì trong sơn và đã được EPA và FDA chấp thuận. Chì đã bị cấm từ năm 1978 tại Hoa Kỳ. Đối với xăng dầu, Cơ quan Kiểm soát Phẩm chất Không khí cũng đã ra lịnh cấm dùng xăng có pha chì để cho mức khói xe phát thải vào không khí không đạt quá 0,15 mg/kg không khí. Do đó chúng ta có 3 loại xăng có độ Octan 87, 89, và 92 (xăng 92 hoàn toàn không có chì).

Chì còn có thể có trong khói thuốc lá, một số mỹ phẩm như keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc, của quý bà quý cô. Trong thực phẩm như rau đậu, các loại thuỷ sản như rau muống, ngó sen…nếu được trồng ở những vùng kỹ nghệ sẽ hấp thụ lượng chì và arsenic rất cao qua rễ cây. Do đó con người có thể bị tiếp nhiễm chì qua đường hô hấp và thực phẩm. Đặc biệt trẻ em dễ bị tiếp nhiểm qua việc gậm mút đồ chơi có chì như hầu hết các sản phẩm nhập cảng từ TQ. Ảnh hưởng vế lâu về dài của chì lên hệ thần kinh, thận suy, cùng một số chứng bịnh mệt mõi, giảm trí nhớ v.v…

Phản ứng trên Thế giới

Trước những vấn nạn liên tục xảy ra từ sáu tháng qua ảnh hưởng lên tâm lý người tiêu dùng hàng hoá nhập cảng từ TQ, hầu hết những người có trách nhiệm thuộc các cơ quan an toàn thực phẩm trên thế giới đều đặc biệt lưu tâm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương Nông Thế giới (UNFAO), Và Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Thực phẩm (International Association for Food Protection) đã tổ chức hội nghị dưới tiêu đề Hội nghị Quốc tế về An toàn và Phẩm chất Thực phẩm nhóm họp tại Bắc kinh ngày 12/9 vừa qua và yêu cầu Bắc kinh phải cố gắng cải thiện mức an toàn thực phẩm của TQ.

Hôi nghị yêu cầu TQ thực hiện một bạch thư về an toàn thực phẩm trong đó ghi rõ việc thiết lập nhóm chuyên gia quốc gia trách nhiệm về phẩm chất của sản phẩm và an toàn thực phẩm cũng như thu hồi tất cả những sản phẩm không hợp lệ trước khi xuất cảng ra ngoại quốc. Hội nghị cũng yêu câu các thành viên trên thế giới cùng quan tâm đến vấn đề trên và cần phải có sự phối hợp tòan cầu về mức an toàn thực phẩm. Frank Yiannas, Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về Bảo vệ Thực phẩm (IAFP) nhấn mạnh rằng trước nguy cơ an toàn thực phẩm, mọi quốc gia cần phải chuẩn bị và có tầm nhìn mới về vấn nạn an toàn thực phẩm, ngõ hầu giảm thiểu nguy cơ bị dịch bịnh.

Về phía TQ, ngày 11/9, hai chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký một hiệp định về trao đổi thông tin và an toàn xe cộ sau vụ thu hồi 450.000 bánh xe TQ vào mùa hè vừa qua.

Tại hội nghị APEC ở Úc châu hiện đang diễn ra, vào ngày 6/9, Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào cũng trấn an Hoa Kỳ về vấn đề an toàn thực phẩm rằng "Bắc Kinh đang gia tăng các nỗ lực kiểm soát an toàn thực phẩm, và các vụ tai tiếng đã bị trừng phạt." cũng như "Phía TQ sẵn sàng và mong muốn cộng tác với cộng đồng quốc tế để gia tăng sự hợp tác trong lãnh vực thanh tra phẩm chất cùng mở rộng sự hợp tác kinh tế và thương mại". Chúng ta còn nhớ vào tháng 5 vừa qua, TQ đã xử tử một cựu viên chức đứng đầu Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia TQ tên Zheng Xiaoyu vì tội nhận hối lộ để các nhà sản xuất thuốc không đúng tiêu chuẩn. Cũng như một ông Giám đốc hảng sản xuất đồ chơi trẻ em vùa tự tử chết trong tháng vừa qua.

Được biết trong năm 2006, TQ đã xuất cảng đến trên 200 quốc gia với số lượng 24,17 tiệu tấn và số doanh thương lên đến 26,66 tỷ Mỹ kim.

Về phía Hoa Kỳ, ngày 12/9, Uỷ ban An toàn Tiêu thụ Thực phẩm đã chất vần Cty Mattel trước Uỷ ban Thượng viện chungquanh các đợt thu hồi sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập cảng từ TQ vừa qua. TGĐ Cty là Robert Eckert đã hứa với Uỷ ban là Cty đang áp dụng các tiêu chuẩn an toàn rất khắt khe và ông đã quy trách các sai phạm tiêu chuẩn trên là do phía TQ. Ông hứa sẽ cố gắng kiểm tra các mặt hàng trước khi rời bến cảng TQ. Nhưng điều hứa sau cùng không thể thực hiện được đứng về mặt thực tế vì Uỷ ban sẽ không có đủ nhân sự, 300 nhân viên cho toàn quốc Hoa Kỳ, để làm việc kiểm nghiệm trên.

Tóm lại, mọi phản ứng cũng như hành động và quyết định của tất cả các cơ quan quốc tế liên hệ đến những mặt hàng kém phẩm chất hay chứa các hoá chất có nguy cơ ảnh hưởng đến con người đặc biệt là trẻ em đều có tính cách hời hợt và ngoại giao nhiều hơn là truy tìm một giải pháp thực sự cho vấn đề.

Kết luận

Từ những thông tin nêu trên đây cùng phản ứng và cung cách hành xử của những người có trách nhiệm trên sự việc hàng hoá TQ sản xuất có rất nhiều vấn đề, chúng ta, những người trực tiếp tiêu thụ những mặt hàng trên cần phải có thái độ như thế nào để có thể vận động được dư luận trên thế giới về vấn nạn trên.

Qua những hiện trạng xảy ra trên đây, cho dù TQ có hứa hẹn trước thế giới thế nào đi nữa, thiết nghĩ với não trạng khô cứng của lãnh đạo TQ hiện tại, thế giới khó có khả năng chuyển đổi được tình thế hay tạo áp lực cho TQ đi vào quỷ đạo của tòan cầu hoá ứng hợp với việc bảo vệ môi trường. Theo nhận định của Elizabeth Economy trong Foreign Affairs, số tháng 9 và 10, 2007 dưới tựa đề "China's coming Enviromental Crash", sự phát triển "vô tội vạ" của TQ sẽ đưa đất nước nầy đến sự sụp đỗ trong tương lai không xa. Viễn kiến nầy cũng đã được chúng tôi phân tích qua bài viết Lạm Dụng Môi Trường: Một Bước Đưa Đến Bất Ổn Chính Trị trong số báo nầy.

Đã đến lúc chúng ta không thể ngồi chờ người khác giải quyết thay cho chính mình. Nên nhớ tư bản hay cộng sản hay xã hội chủ nghĩa…tất cả đều muốn bảo vệ quyền lợi của họ. Và họ cũng có thể cấu kết với nhau để đạt đến lợi nhuận cho cả hai bên dù cho con dân trong nước có thể bị thiệt thòi đi nữa. Dù quan niệm về quản lý đất nước có khác nhau, nhưng một điểm chung duy nhất cho các chế độ trên là bảo vệ quyền lợi vật chất cho một thiểu số cầm quyền và họ sẵn sàng trao đổi lợi nhuận với nhau trên xương và máu của người dân của họ trên nguyêntắc đôi bên cùng hưởng lợi (win-win situation).

Đây mới chính là điều chúng ta cần suy nghĩ rốt ráo để có thể ứng xử trước những tình huống có thể xảy ra trong những ngày sắp tới. Vấn đề sản phẩm sản xuất từ TQ không đạt tiêu chuẩn và có chứa độc chất cũng đã, đang và sẽ là vấn nạn của hàng hoá sản xuất từ Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới.

Và đến một lúc nào đó, câu chuyện hay hội chứng Việt Nam cũng sẽ phải xảy ra mà thôi.

Mai Thanh Truyết
West Covina 9, 2007
//////////////////////////////////////////////////