DỰ  PHÓNG  MÔI  SINH & PHÁT  TRIỂN

TRƯỜNG  HỢP VIỆT NAM

 

Đà gia tăng dân số toàn cầu trong những năm gần đây đang đi dần đến mức báo động. Nhiều quốc gia đã chứng minh sự cố gắng trong vấn đề kiểm soát và hạn chế sinh sản như Trung quốc và các nước Tây phương; tuy nhiên, Ấn độ và đa số các quốc gia vùng Phi châu, Á châu không thể kiểm soát được vấn đề trên, do đó mức gia tăng nhân khẩu đã đạt đến mức báo động. Hiện tại, dân số trên thế giới đã vượt qua con số 6 tỷ. Việc dân số gia tăng kéo thêm một số nhu cầu-vấn đề khẩn thiết mới cho con người như thực phẩm, y tế, giáo dục, phát triển và môi sinh... các nhu cầu-vấn đề trên có liên hệ hỗ tương chặt chẽ với nhau như việc phát triển để gia tăng lương thực có thể tạo ra những di hại về ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường sống. Do đó không thể có cái nhìn riêng rẽ và độc lập trong việc áp dụng khoa học-kỹ thuật để phát triển mà không lưu ý đến các mối liên hệ đến những yếu tố ảnh hưởng lên con người. Arpad Goncz, tổng thống Hung Gia Lợi đã phát biểu trong buổi khai mạc hội nghị "Khoa học  cho thế kỷ thứ 21:Một kết ước mới" (Science for the 21st century: A new commitment) tại Budapest rằng: Chỉ có một khoa học, một hành tinh Địa cầu và một "Giống Người" (Humankind)... Đó là mẫu số chung của mọi quốc gia sống trên hành tinh lầy. Hội nghị đã quy tụ trên 150 quốc gia trên thế giới với mục đích kêu gọi toàn cầu có cùng một hướng nhìn về tương lai về các liên hệ giữa phát triển khoa học-xã hội-môi sinh. Neal Lane, cố vấn khoa học của tổng thống Clinton đã gọi các khoa học gia là Công dân toàn cầu-Global citizen. Mọi động tác nào của con người, quốc gia, hay từng vùng trên thế giới đều thay đổi ít hay nhiều đến chu kỳ sinh-địa- hoá học của hệ sinh thái thiên nhiên. Sự xáo trộn lầy sẽ gây tác hại trực tiếp hay gián tiếp lên con người ở khắp nơi trên địa cầu. Một thí dụ cụ thể là thuỷ ngân, một hoá chất cần thiết cho việc tách vàng ròng từ các quặng mỏ đã hiện diện trong lòng đất và các mạch nước ngầm trong tất cả các vùng đã khai thác.

 

Do đó nhà dự phóng phát triển cho tương lai ở bất cứ quốc gia nào cũng phải có tầm nhìn toàn cầu và đắn đo cân nhắc nguyên nhân-hậu quả  cùng các hệ luỵ của từng công nghệ áp dụng. Giải quyết được một vài vấn nạn cho quốc gia trong ngắn hạn mà tạo ra những tác hại đến hệ sinh thái trong tương lai không phải là giải pháp thích ứng hay tối ưu cho phát triển. Thế kỷ thứ 21 sẽ mở màn cho một cuộc tập hợp vĩ đại không những chỉ ở cấp vùng, cấp châu mà cần phải phối hợp mở rộng cho toàn thể địa cầu. Mọi quốc gia dù đang hay đã phát triển, giàu hay nghèo... đều cùng có tiếng nói và góp phần vào việc bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Một sự tập hợp giữa các nhà khoa hoạ, kỹ thuật trong tinh thần nhân bản, có cùng mẫu số chung về những vấn nạn ảnh hưởng đến toàn cầu...sẽ là một bước ngoặt tích cực mới cho thế kỷ lầy.

 

Như chúng ta đã biết, tiến bộ khoa học và việc khai triển các công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng dân dân số cũng như cải thiện và nâng cao đời sống của người dân ở các nước đang mở mang. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh ra nhiều hậu quả mà ba hệ luỵ chính được đan cử ra sau đây: 1 - Bầu khí quyển bị ô nhiễm và bị hâm nóng dần; 2 - Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trên mặt đất và các mạch nước ngầm; 3 - Ô nhiễm lòng đất do chất thải phát xuất từ nhiều nguồn khác nhau... Trên thực tế, mặc dù đã được chia ra làm ba vấn nạn cơ bản kể trên, nhưng tất cả đều có liên hệ hữu cơ đan kết chặt chẽ với nhau. Mọi biện pháp phòng vệ, ngăn chận, hay làm chậm lại tiến trình ô nhiễm cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng yếu tố nguyên nhân-hậu quả của từng vấn nạn một. Một giải pháp cho vấn nạn lầy có thể là nguyên nhân của vấn nạn kia.... Thí dụ cụ thể là tại Hoa kỳ, các khoa học gia đã đồng ý cho thêm vào trong xăng chất trợ oxy MTBE (Methyl tert-Butyl Ether) với mục đích làm giảm thiểu lượng khí thải hồi vào không khí khi sử dụng xăng để làm chậm lại tiến trình hâm nóng bầu khí quyển trên toàn cầu. Nhưng sau hai năm áp dụng, lượng thán khí thải hồi tuy có giảm bớt, nhưng ngược lại chất MTBE- nhân tố gây ra bệnh ung thư cho con người lần lần xâm nhập vào lòng đất và đã có chỉ dấu sự hiện diện của hoá chất lầy trong mạch nước ngầm. Do đó, EPA-cơ quan bảo vệ môi trường của Hoa kỳ đã phải đình chỉ việc dùng hoá chất trên và thay vào bằng một chất trợ oxy khác là methanol (chất rượu có thể uống được). Một dấu hỏi được mở ra đây là việc gì sẽ xảy ra trong tương lai sau một vài năm áp dụng phương pháp trên?

 

Hiện tượng hâm nóng toàn cầu

 

Với hàng triệu động cơ vận hành mỗi ngày, hàng triệu máy cắt cổ, máy thổi lá chuyển vận, nhiều triệu lon/chai của đủ loại nước ngọt, bia tiêu dùng..., thán khí (CO2) thênh thang đi vào bầu khí quyển cùng với thân nhiệt và thán khí thoát ra từ buồng phổi của hơn 6 tỷ con người. Và thêm nữa, các quy trình công nghệ sản xuất/chế biến, việc sử dụng lò sưởi trong mùa đông, cùng các công nghệ khai thác quặng, khí v.v...đã đóng góp không nhỏ vào lượng thán khí trong không khí.  Hiện tượng hâm nóng toàn cầu khởi sinh từ các nguyên nhân kể trên.

 

Các khoa học gia đã ước tính rằng nếu không có biện pháp làm giảm thiểu lượng thán khí thải hồi thì lượng khí trên sẽ tăng gấp đôi trong vòng 50 năm tới nếu giữ cùng một nhịp độ phát triển như hiện nay. Trong thiên nhiên cây xanh là nguồn trợ lực chính hấp thụ thán khí; nhưng với đà phá rừng  ở Phi châu, Á châu, Nam Mỹ...e rằng con số ước tính trên sẽ bị thâu ngắn lại. Hàng năm, loài người đã thải ra độ 27 tỷ tấn thán khí (ước tính năm 1990) và số lượng lầy đã được cây cỏ hấp thụ độ 50%. Và số lượng trên ngày càng tăng dần với đà phát triển. Thống kê ghi nhận rằng từ năm 1902 đến 1990 nhiệt độ bấu khí quyển tăng lên khoảng 1oC; nhưng trong khoảng thời gian từ 1995 đến 1998, nhiệt độ tăng lên đến mức độ báo động là 0.25 oC, Chuyện gì sẽ xảy ra khi nhiệt độ trong bầu khí quyển tăng lên? Trước hết, khối lượng băng hà ở Bắc cực và Nam cực sẽ tan dần và lần thu hẹp diện tích đất sinh hoạt của loài người. Trên các đại dương, chỉ cần nhiệt độ tăng thêm 1,5 oC thì mọi vùng sinh thái của san hô và phiêu sinh vật sẽ bị huỷ diệt, làm cạn kiệt nguồn lương thực biển vì tôm cá không còn nơi trú ngụ, sinh sản (nhiệt độ trung bình ở các vùng biển nhiệt đới là 30.5 oC). Hai hiện tượng trên đang xảy ra trên hành tinh chúng ta với vận tốc đáng ngại!

 

Có nhiều biện pháp để ngăn chận-giảm thiểu việc tăng trưởng lượng thán khí trên toàn cầu:

 

·                     Hạn chế và kiểm soát lượng thánh khí thải hồi trong kỹ nghệ qua khuyến cáo Kyoto năm 1997 do hầu hết các quốc gia trên thế giới soạn thảo và đồng ý.

·                     Hoặc xử lý lượng khí thải hồi bằng phương pháp tách rời-cô lập hoá học (sequestration technology). Thán khí cô lập được bơm vào dưới lòng biển sâu và nước biển sẽ hấp thụ khối lượng trên. Hoặc thán khí được bơm vào các vùng quặng mỏ than đá từ đó than sẽ phản ứng với thán khí để hình thành khí methane không ảnh hưởng lên hiện tượng hâm nóng toàn cầu.

Cả hai phương pháp lầy đã đi dần đến hoàn chỉnh và có thể được đem ra áp dụng trong vài năm nữa.

·                     Tuy nhiên biện pháp dùng thiên nhiên để hấp thụ thán khí vẫn là phương pháp tối ưu nhất. Thay vì phá rừng để phục vụ cho nhu cầu kỹ nghệ, cần phải tái tạo rừng và trồng thêm rừng mới để tăng thêm diện tích cây cỏ hầu ngăn chận hay làm chậm tiến trình hâm nóng toàn cầu.

·                     Và sau hết, con người cần phải tự nguyện hạn chế việc sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu bừa bãi.

Nếu làm  các việc trên hy vọng chúng ta có thể giải quyết được vấn nạn sinh tử lầy.

 

Ô nhiễm nguồn nước 

 

Nước là nguồn nguyên liệu cần thiết nhất cho mọi sinh hoạt của loài người, cầm thú hay cây cỏ... Vào tháng 9/1999, Chương trình môi trường liên hiệp quốc -UNEP đã cảnh báo trong một bạch thư rằng nguồn nước sinh hoạt nhằm nhu cầu phục vụ cho con người đang trên đà giảm dần. Số lượng sông ngòi bị khô cạn trên thế giới tăng thêm nhiều hơn với vận tốc đáng ngại. Nhiều sông lớn không thể hoàn tất cuộc hành trình của nước từ nguồn ra biển cả được. Sông Colorado (Hoa kỳ) không còn khả năng đưa dòng chảy vào biển ở Mể tây Cơ nữa và làm tiêu huỷ khả năng nông nghiệp của một vùng rộng lớn miền tây bắc của xứ lầy. Cùng trong báo cáo trên Klaus Topfer khuyến cáo cần phải đẩy mạnh cuộc cách mạng xanh dương-blue revolution cho việc quản lý và bảo tồn nguồn nước nhanh hơn nữa trong thế kỷ 21.

 

Tại Trung quốc, sông Hoàng hà đã bị khô cạn và là nơi định cư cho vô số chất phế thải độc hại thải hồi từ các nông trại, nhà máy. Hầu hết các đập nước ở hai bên phụ lưu cũng đã nằm trong tình trạng bất khiển dụng.Hàng ngàn hồ chứa trong vùng đã biến thành các vũng bùn... Tình trạng trên là kết quả của việc phát triển kỹ nghệ nhanh chóng và bừa bãi không quy hoạch kỹ lưỡng cũng như việc nghiên cứu tác động môi trường không được hoàn chỉnh. Đây cũng là một vấn nạn lớn cho các nước đang "cần" có nhu cầu phát triển nhanh mà Việt Nam là một !

 

Việc phân phối nguồn nước sinh hoạt không được chia sẻ đồng bộ tuỳ thuộc vào điều kiện địa dư và mức phát triển của từng nước một. Mức tiêu thụ nước trung bình trong một ngày của người Hoa kỳ là 185 Gallons/ngày. Trong lúc đó nếu tính theo đầu người, người dân Phi châu không thể xài quá 1G/ngày! Riêng tại Sàigòn, lượng nước trung bình cho mỗi đầu người là 36 G/ngày, phân bố không đồng bộ thay đổi từ 80 G/ngày ở những khu trung tâm thành phố và khoảng 20 G/ngày cho các khu xa thành phố.    Đối với các quốc gia đang phát triển, hơn 1,2 tỷ người không có điều kiện dùng nước uống sạch và 2,9 tỷ không có hệ thống thoát nước. Trên 50% dân số sống trong những vùng lầy mắc bệnh do nguồn nước sinh hoạt không thoả mãn điều kiện vệ sinh và tiêu chuẩn cho nước uống.

 

Thêm nữa, con người có khuynh hướng huỷ hoại hoặc làm ô nhiễm nguồn nước thiên nhiên bằng những hành động mượn danh phục vụ cho khoa học và phát triển để tạo ra phúc lợi cho toàn cầu. Trong đệ nhị thế chiến, chính Hoa kỳ cũng không ước tính được mức di hại trong việc sử dụng các hợp chất hữu cơ có chlor để tẩy rữa chiến cụ. Năm mươi năm sau đó, tại Atwater ở miền trung California nơi tập trung công cuộc tẩy rữa, các hoá chất trên, nguyên nhân của bệnh ung thư, đã xâm nhập vào mạch nước ngầm cách xa hơn 50 dặm về phía nam có độ sâu hơn 200 thước làm ô nhiễm nhiều mạch nước ngầm, nguồn cung cấp chính cho vùng trên.  Lời phát biểu của tiến sĩ Klaus là một cảnh báo chung cho tất cả mọi quốc gia cũng như tình trạng hiện tại đã đi đến mức báo động toàn diện-immense alarm, lượng nước "sạch" dùng để sinh hoạt giảm dần do ô nhiễm, nhiễm mặn và do một số hiện tượng thay đổi thời tiết do sự hâm nóng toàn cầu.

 

Cùng với đà gia tăng dân số hiện tại cộng thêm việc gia tăng nhu cầu nước cho phát triển, tính đến năm 2025, thế giới phải đối diện với tình trạng khan nước cho hơn 52 quốc gia. Và nếu không có biện pháp nào để tái tạo nguồn nước tương ứng với mức tiêu dùng hiện tại thì trong vòng 25 năm tới đây, nước sạch sẽ được xem  như một nguồn nguyên liệu hiếm quý mang tên là "vàng lỏng"-liquid gold. Cần ghi nhận rằng, tình trạng bất ổn định ở Trung đông, đặc biệt giữa Do thái, Libanon và Syria bao gồm các lý do tôn giáo, sắc tộc, chính trị, kinh tế...nhưng cũng đừng quên rằng việc tranh giành nguồn nước vốn dĩ hiếm hoi ở các hồ chứa vùng đồi Golan mới là động cơ chính yếu.

 

Có nhiều biện pháp để tăng thêm nguồn nước sinh hoạt đã và đang được áp dụng đều không đáp ứng được yêu cầu vì hiệu quả kinh tế thấp và chi phí quá cao. Đó là việc xử lý nước biển hoặc dùng xà lan  để chuyển tải những tảng băng từ Nam cực. Hoa kỳ đang thực hiện đường ống dẫn nước vĩ đại nối liền Alaska và California để cung cấp nguồn nước cho tiêu bang lầy vì nguồn cung cấp chính từ sông Colorado đã đến giai đoạn cạn kiệt. Tại San Diego miền Nam California, quy trình tái sinh nước sinh hoạt đã hoàn chỉnh bằng cách xử lý nước thải sinh hoạt và bơm trở lại vào các mạch nước ngầm. Làm như thế vùng lầy có thể thu hồi được Í lượng nước đã dùng. Quy trình lầy sẽ được thi công trong vòng năm năm tới.

 

Dù sao đi nữa, biện pháp tối ưu vẫn là làm thế nào bảo vệ nguồn nước hiện có. Người dân ở các quốc gia hậu kỹ nghệ cần nên tự chế và bớt phí phạm nguồn nước tiêu dùng hàng ngày. Trên bình diện quốc gia, những quy trình công nghệ ở những nước lầy phải cần được tính toán kỹ lưỡng, hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn nước, và xử lý phế thải nghiêm túc để có thể tái tạo lượng nước trong lành đã tiêu dùng. Đối với các quốc gia đang phát triển, giáo dục và việc nâng cao dân trí người dân phải là biện pháp hàng đầu. Làm thế nào cho người dân hiểu được rằng, không sử dụng bừa bãi hoá chất, chấp hành nghiêm chỉnh các qui định về phế thải trong sinh hoạt hàng ngày là cách hay nhất để bảo vệ chính mình và các thế hệ tương lai. Làm thế nào cho các nhà sản xuất hiểu để đừng mù quáng vì lợi nhuận mà không bảo quản, xử lý phế thải theo luật định... Làm được những điều trên, các thế hệ tương lai sẽ ghi nhận hành động hợp lý và đúng đắn của chúng ta.

 

Ô nhiễm mặt đất  

 

Môi trường-environment vẫn còn là một danh từ rất mơ hồ trong cộng đồng thế giới trước kia. Cho mãi đến giữa thập niên 70, đứng trước những nguy cơ ô nhiễm ngày càng trầm trọng, Hoa kỳ đã đi tiên phong trong việc thiết lập các quy định về bảo vệ môi sinh cũng như định mức các hoá chất độc , khí độc...có thể chấp nhận được trong các luật về bảo vệ không khí, nguồn nước, và xử lý chất phế thải. Tuy nhiên, các luật lệ trên còn quá lỏng lẻo đối với các quốc gia đang trên đà phát triển vì các quốc gia lầy tự thấy cần phải giải quyết nhiều vấn đề cấp bách hơn cho quốc gia của họ thay vì chú tâm về ảnh của hưởng môi trường. Chính quan niệm lầy đã tạo ra nhiều cản ngại lớn lao và có cơ may làm cho vấn đề thêm trầm trọng có thể không giải quyết được. Ngay cả đối với các nước hậu kỹ nghệ, một số nhà sản xuất chỉ vì chạy theo lợi nhuận mà cố tình che dấu hoặc không khai báo thực sự số lượng các phó sản độc hại thải hồi. Chính quyền của các quốc gia kể trên cũng không đáp ứng đủ ngân sách và nhân sự để kiểm soát việc thi hành các luật lệ về môi trường. Do đó, việc bảo quản và kiểm soát các phó sản độc hại để tránh ô nhiễm trên mặt đất, không khí và các mạch nước vẫn là một nan đề lớn cho từng quốc gia.

 

Chất phế thải ở dạng rắn và lỏng được chia làm hai nhóm chính: - rác nhà là chất phế thải từ các sinh hoạt hàng ngày của con người; - chất phế thải kỹ nghệ là phó sản của các quy trình công nghệ sản xuất hay chế biến. Phần lớn rác bao gồm đủ loại thực phẩm dư thừa trong sinh hoạt hàng ngày và các phụ gia cùng những phế thải khác như bao bì, lon hộp... Phế thải kỹ nghệ bao gồm các hợp chất hữu cơ độc hại nhất là những hợp chất chứa chlor (mầm móng của bệnh ung thư) được tìm thấy trong các công nghệ hoá chất, phân bón, thuốc sát trùng...; ngoài ra các kim loại độc hại như chì, thuỷ ngân, selenium, arsenic, crom, mangan...cũng được tìm thấy trong nhiều công nghệ.

 

Hiện tại, chu kỳ thu gom, quản lý, xử lý rác nhà ở các quốc gia tân tiến hầu như hoàn chỉnh. Các bãi rác vĩ đại, cách xa khu dân cư, có sức chứa hàng triệu tấn rác được thiết kế có nhiều lớp bảo vệ ở phần đáy để tránh sự thẩm thấu của các chất độc hại vào các mạch nước ngầm; nguồn phế thải ở dạng lỏng do hoá trình sinh hoá tự nhiên được thu gom về các nhà máy để xử lý. Thêm vào đó, việc phân loại rác ban đầu bằng những thùng chứa tuỳ theo loại rác như rác hữu cơ, plastic, chai lọ, bao bì, các loại lon hộp bằng kim loại cũng đã giúp rất nhiều trong việc xử lý rác. Đối với các phế thải kỹ nghệ, mỗi loại phế thải đều có qui định rõ rệt trong việc xử lý và tiêu chuẩn hoá. Gần đây nhất, một giáo sư ở đại học Ohio đã khám phá ra rằng trong thiên nhiên đã có sẵn loại vi khuẩn yếm khí T có khả năng phản ứng tự nhiên với loại phế thải có toluene và các dung môi hữu cơ khác nếu phế thải được bảo quản kỹ lưỡng và được che phủ kín.

 

Riêng đối với các quốc gia đang phát triển, việc thu gom, xử lý và thải bỏ rác nhà còn ở tình trạng sơ khai. Rác được thu gom từ các xe đẩy do sức người và nhiều khi xe đẩy rác phải xếp hàng hàng giờ để chờ xe đến di chuyển rác về bãi chứa; đó là những bãi lộ thiên không có che phủ phía trên hay các lớp bao bọc phần dưới. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nguồn nước ngầm sẽ bị ô nhiễm. Tình trạng chất thải kỹ nghệ ở các quốc gia càng tệ hại hơn nữa. Đa số những luật lệ về môi trường và quản lý phế thải ở các quốc gia lầy chỉ vừa được công bố trong khoảng thời gian từ sau thập niên 90 đi sau các nước hậu kỹ nghệ hàng 20 năm. Vì thiếu nhân lực kinh nghiệm, ngân sách cung cấp cho việc quản lý   kiểm soát còn quá yếu kém cũng như nạn tham nhũng, hối lộ làm cho việc quản lý hầu như bế tắc ở những nơi lầy. Tuy đã có quy định khá rõ ràng trong các luật lệ môi trường về xử lý nhưng đại đa số các điều luật trên chỉ hiện diện trên giấy tờ do những tệ nạn kể trên, và đa số chất thải kỹ nghệ trên đi thẳng vào cống rãnh dẫn đến các dòng nước chính như ao, hồ, sông rạch, và biển cả... mà không qua khâu xử lý. Thậm chí có những khúc kênh rạch biến thành vùng chết, không sinh vật nào có thể sống còn và tình trạng bùn đất bồi lấp nâng cao mặt đáy của dòng chảy làm ô nhiễm lan rộng ra thêm.

 

Tóm lại các yếu tố chính ảnh hưởng lên môi trường đều có liên hệ chặt chẽ với nhau. Mọi quản lý và xử lý cần phải làm đồng bộ và thực hiện cùng thời gian. Không thể đặt trọng tâm cho một vấn nạn nào mà lơ là các vấn nạn khác. Cũng đừng biện minh cho từng ưu tiên phát triển vì lý do sống còn của quốc gia mà "quên lãng" hay "tạm quên" những hệ luỵ môi sinh thoát thai từ các phát triển cấp bách thiếu nghiên cứu cặn kẽ. Bảo vệ môi sinh cho toàn cầu ở thế kỷ tới mới là ưu tiên hàng đầu và duy nhất cho việc sinh tồn của nhân loại. Và cũng không có biệt lệ cho bất cứ quốc gia nào cả!

 

Vài suy nghĩ cho toàn cầu     

 

Như đã nói ở các phần trên, vấn nạn ảnh hưởng đến môi sinh trên toàn thế giới trong thời gian tới cùng với những biện pháp phòng ngừa và hạn chế ô nhiễm đều có tính cách liên đới ảnh hưởng lên mọi quốc gia. Xu hướng toàn cầu hóa trong lãnh vực nầy cáchhông có biệt lệ nào khác. Tuy nhiên, sự phân bố không đồng bộ về mặt phát triển kỹ thuật, trình độ dân trí, điều kiện kinh tế-chính trị của đa số các quốc gia đang phát triển không cho phép họ có tầm dự phóng xa hơn những vấn đề sống còn trước mắt. Do đó, các nước hậu kỹ nghệ cần phải thông cảm và có thật tâm giúp đỡ về nhân sự, tài chánh và kỹ thuật...để các nước trên có điều kiện theo kịp đà tiến hoá và cùng góp tay chia sẻ việc bảo vệ môi sinh để cùng tồn tại. Giai đoạn thực dân bốc lột, vét đoạt tài nguyên của những nước nghèo sẽ không còn thấy trong thế kỷ thứ 21 lầy nữa. Trong chiều hướng suy nghĩ đó, vài đề nghị gợi ý sau đây nói lên những bước cần nên làm đối với các nước hậu kỹ nghệ và những nước đang phát triển.

 

·                     Trước hết, biện pháp làm giảm thiểu hay hạn chế sự hâm nóng toàn cầu là ưu tiên hàng đầu cho mọi quốc gia, đặc biệt đối với các quốc gia hậu kỹ nghệ. Ngân sách quốc gia cần được tăng cường trong nghiên cứu và cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các cơ xưởng công nghệ. Hạn chế hay nghiêm cấm các cơ sở sản xuất tạo ảnh hưởng tác hại đến lớp ozone trên bầu khí quyển. Điều cần phải làm trước nhất là "giáo dục" người dân ở những nước lầy giảm bớt phung phí trong việc sử dụng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và chấm dứt việc phí phạm nguồn nước sinh hoạt. Chỉ trong một ngày vận động cho việc làm sạch bầu khí quyển bằng cách yêu cầu dân chúng sử dụng xe đạp hoặc đi bộ, hay dùng xe công cộng...thủ đô của Colombia đã giảm 27% lượng thánh khí thải hồi so với mức sinh hoạt bình thường hàng ngày.

·                     Định mức tiêu chuẩn tối thiểu mà cơ thể con người có thể chấp nhận được đối với các hoá chất, kim loại độc hại... trong không khí và trong nguồn nước. Điều lầy cần phải được soạn thảo trên bình diện toàn cầu và phải có sự đồng thuận của tất cả. Một khi đã chấp thuận một định mức nào đó, mọi quốc gia đều phải chấp hành nghiêm chỉnh. Một thí dụ cụ thể cho tiêu chuẩn chấp nhận được của sự hiện diện của arsenic trong nước uống hiện tại là: 50ug/L cho Hoa kỳ, 15 ug/L ở Pháp và 10 ug/L đối với tiêu chuẩn Liên hiệp quốc. Từ những khác biệt trên có thể nảy sinh ra sự so bì và lơ là của các quốc gia trong việc bảo vệ môi sinh chung.

·                     Các phát minh khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cần được thật thà trao đổi với các quốc gia đang phát triển. Trợ giúp các nước lầy trong việc trao đổi thông tin kỹ thuật, đào tạo kỹ thuật viên và khai triển các quy trình công nghệ có hiệu quả cao và an toàn cho môi sinh. Mọi phát minh mới cần được thông báo cho toàn thể thế giới để tránh sự tụt hậu và thâu ngắn cách biệt giữa các quốc gia giàu-nghèo.

·                     Đối với những phát minh hoàn chỉnh, cần phải tiến hành nhanh khâu thử nghiệm-prototype và áp dụng tuỳ theo yếu tố xã hội-kinh tế-môi sinh cho từng vùng hay quốc gia. Làm được như thế sản phẩm vật chất sẽ được sản xuất nhiều hơn và chuyển tải đến những nơi có nhu cầu sớm hơn nhất là đối với các nước ở Phi châu, Á châu và Nam Mỹ.

·                     Về nguồn nước, các nước hậu kỹ nghệ cần hạn chế hoặc thay thế việc sử dụng hoá chất trong các quy trình sản xuất hiện có và trong tương lai thay thế bằng những nguyên liệu có trong thiên nhiên để hạn chế hay giảm thiểu mức độc hại trong các phó sản thải hồi. Với chiều hướng lầy, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã thành công trong việc áp dụng vào sản xuất và xử lý phế thải. Duckweed ( một loại sậy) dùng để hấp thụ lượng nitrate trong nguồn nước đang được sử dụng rộng rãi, cây bạch dương (poplar) cho một số phế thải hữu cơ. Việc thay thế nguyên liệu hoá chất bằng các hợp chất thiên nhiên như dùng carbonhydrate (sản phẩm có trong tiến trình chế biến phân gia súc) để thay thế hydrocarbon để chế tạo các loại plastic có thể tự hoại được trong thiên nhiên. Các việc làm trên cần được khích lệ và phát triển thêm bằng cách đẩy mạnh tài trợ cho nghiên cứu.

·                     Giáo dục là ưu tiên hàng đầu để mọi người có thể đến gần nhau và cùng nói chung một ngôn ngữ trong lãnh vực khoa học kỹ thuật . Do đó các quốc gia đang mở mang cần đầy mạnh việc phát triển  giáo dục ở cấp trung học chuyên nghiệp và đại học để tiếp nhận và trao đổi các công nghệ mới dễ dàng hơn.  Chính phủ, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu và tư nhân cùng hợp tác trong nghiên cứu và kiến thức cùng dựa trên tinh thần trao đổi chân chính.  Việc nâng cao dân trí người dân ở những nước đang phát triển trong việc bảo vệ môi trường sống chung quanh cần phải có sự hỗ trợ của cộng đồng các nước hậu kỹ nghệ qua IMF, WB... để bảo trợ tài chánh-nhân sự- kỹ thuật cùng thúc đẩy tiến trình cải cách.

·                     Thông tin tin học, một khám phá tuyệt vời vào thập niên sau cùng của thế kỷ 20, cần được đem ra áp dụng rộng rãi cho các nước chậm phát triển. Thế giới cần trợ giúp cho các nước trên  thiết lập mạng lưới thông tin khoa học tân tiến lầy, tối thiểu ở trong môi trường đại học, nghiên cứu...để các sinh viên, nghiên cứu sinh có điều kiện học hỏi, thu nhập những kiến thức mới để rồi áp dụng vào điều kiện cụ thể cho từng quốc gia một.

·                     Dựa trên tiêu chuẩn toàn cầu, khi đã đồng ý ngưng hay cấm sản xuất một sản phẩm nào có khả năng tác hại lên con người như các loại thuốc sát trùng, các quốc gia hậu kỹ nghệ cần phải chấm dứt việc sản xuất và chuyển tải qua các nước đang phát triển vì nhu cầu lợi nhuận. Việc làm lầy cần phải chấm dứt và thế giới cần phải quy định biện pháp chế tài cho quốc gia vi phạm. Sẽ không còn công dân hạng nhì trong thế kỷ lầy!

·                     Sau hết, việc xuất cảng mọi phế thải kỹ nghệ dưới bất cứ hình thức nào cần phải chấm dứt. Đây là một hành động vô nhân đạo không thể tồn tại được cho thế kỷ 21, thế kỷ của hoà bình và môi trường xanh dương. Lãnh đạo của các nước đang phát triển cũng đừng vì nhu cầu ngoại tệ nặng cho quốc gia mà chấp nhận những loại phế thải độc hại trên. Các thế hệ sau đó sẽ không bao giờ tha thứ cho các hành động lầy.

 

 

Trường hợp Việt Nam  

 

Theo thống kê tháng 7/2004, Việt Nam hiện có 82.698.518 dân sống trên một diện tích 329.560 Km2 với mật độ trung bình là 251 người/Km2 (195người/Km2 cho năm 1990). Tỷ lệ đàn ông: đàn bà là 97:100. Có 45 triệu lao động trẻ. Trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 35 % dân số; người già trên 65 tuổi, 6% dân số. Các số liệu trên cho thấy lực lượng lao động Việt nam còn tiếp tục tăng dần trong vòng 20 năm tới đây, ngay cả nếu việc hạn chế sinh sản thành công trong việc ngăn chận đà gia tăng dân số, Việt Nam vẫn còn dư thừa lao động trong tương lai. Từ giữa thập niên 80, chính sách kinh tế "Mở cửa" và "Đổi mới" tiếp ngay sau đó, đã khai mào cho một chu kỳ tăng trưởng mới cho toàn quốc, đặc biệt ở thành phố HCM và các vùng lân cận trong đó hầu hết các khu công kỹ nghệ đều tập trung vào và chiếm hơn 40% tổng sản lượng quốc gia.

 

Tuy nhiên, có những mặt tiêu cực sau đây: 1- Nhiều dịch vụ phát triển quá nhanh chóng và không được điều nghiên kỹ lưỡng như việc thiết lập các trung tâm giải trí, khách sạn, sân golf...chỉ để phục vụ cho người giàu và người ngoại quốc tạo thêm ranh giới cách biệt giữa tuyệt đại đa số quần chúng; 2- Một số tư bản mới đã hình thành, từ đó phát xuất ra nhiều mâu thuẫn và hệ luỵ tiêu cực trong hệ thống quyền lực-kinh tế-chính trị. Chính hai mặt tiêu cực lầy đã là một trong nhiều nguyên nhân tạo nên khủng hoảng xã hội gần đây nhất và làm giảm dần mức tăng trưởng kinh tế từ 10 % ở những năm đầu xuống đến 4 % năm 1999 mặc dù Việt Nam vẫn còn quá nhiều nhu cầu cần phải cung cấp cho đất nước.

 

Việc tăng trưởng kinh tế-kỹ nghệ quá nhanh so với tốc độ trước khi có chính sách đổi mới , nhưng không đủ nhanh so với nhu cầu của quốc gia, tạo nên những biến động ảnh hưởng lên môi trường ở những vùng được phát triển mạnh. Tại các nơi trên, bầu không khí ngày càng ô nhiễm thêm. Thán khí cùng với nhiều kim loại độc hại như chì, thuỷ ngân và một số hợp chất hữu cơ nhẹ đã được ghi nhận. Nguồn nước bị ô nhiễm nặng đặc biệt ở các vùng tiếp nhận trực tiếp nguồn nước thải từ các nhà máy và hệ thống cống rãnh. Kết quả phân tích cho thấy ô nhiễm hữu cơ đã được ghi nhận ở Bến Than, thượng nguồn sông Sài gòn, nguồn nước duy nhất cung cấp nước cho thành phố Sàigòn. Ở nhiều nơi, chỉ dấu oxy hoà tan (DO) giảm xuống đến 2,3 mg/L (nếu chỉ số DO xuống dưới 3,5 cá, tôm không thể tồn tại được!); Lượng E-coli, vi khuẩn gây bịnh đường ruột và có thể làm chết người nếu không cứu cấp kịp thời, tăng trung bình tuỳ nơi từ 14.000 đến 480.000 MPN/100mL ở kinh Nhiêu Lộc (tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt ở Hoa kỳ là 23MPN/100mL). Đặc biệt cũng tại Bến Than, thượng nguồn sông Sàigòn, độ mặn đo dược vào giữa tháng hai 1999 (giữa mùa khô) là 400mg/L. Tuy lượng chloride trong nước không đáng kể, nhưng đây là lần đầu tiên chỉ dấu trên đã báo hiệu sự nhiễm mặn đă xâm nhập vào thượng nguồn sông Đồng Nai. Ngoài ra, các ô nhiễm dầu, kim loại nặng như chì, thuỷ ngân, cadmium, chrome, mangan...đạt đến mức độ có thể tác động đến nguồn tài nguyên nước và con người. Hàm lượng thuốc trừ sâu như Aldrin, Dieldrin, DDT (những thước lầy đã bị cấm sản xuất và sử dụng ở các nước hậu kỹ nghệ nhưng vẫn còn được nhập cảng vào Việt Nam?) đôi khi vượt quá tiêu chuẩn của nước uống...! Riêng arsenic (đã được người viết trực tiếp phân tích từ các mẫu nước giếng mặt và giếng khoan ở nhiều nơi ở VN) đã hiện diện trong nhiều địa phương và kết quả được ghi nhận như sau: 5 ug/L/L tại Xóm Mới (TpHCM); Thị xã Biên hoà: 35 ug/L (giếng khoan sâu trên 150m); 11,5 ug/L (giếng mặt) và 8,5 ug/L (giếng đóng sâu trên 280 mét) tại thị xã Tân An; Thị xã Tiền Giang, 11ug/L; và nhất là tại những nơi có độ nhiễm mặn cao như Bình Đại (Bến Tre) 37 ug/L và Thị xã Gò Công, 5.4 ug/L. Các kết quả trên cho thấy tình trạng ô nhiễm arsenic đã bắt đầu ảnh hưởng lên đồng bằng sông Cửu Long nhất là ở những nơi có độ nhiễm mặn cao.

 

Về các bãi chứa rác, ngoài các bãi chính không bảo quản đúng tiêu chuẩn ở ngoại ô các thành phố lớn, vẫn còn vô số bãi phụ chen lẫn trong các khu dân cư đông đúc tăng thêm điều kiện phát triển các bệnh truyền nhiễm.

 

Về ô nhiễm đường biển, một thí dụ cho thấy tại Việt Trì (Bắc Việt), hàng năm các khu kỹ nghệ nơi đây đổ ra biển 35 triệu m3 nước thải kỹ nghệ, 100 tấn acid sulfuric (H2SO4), 4.000 tấn acid cloridric (HCL), 1.300 tấn xút (NaOH), 300 tấn dầu đủ loại, và 24 tấn thuốc diệt sâu rầy. Một thí dụ khác là hàng năm nhà máy than đá Quảng Ninh đã thải vào vịnh Hạ Long 900 triệu tấn nước thải và bụi than làm ô nhiễm toàn vùng san hô vùng biển phía bắc và đông bắc vịnh Bắc kỳ. Viện Hải Dương Học Nha Trang đã ước tính là có ít nhất 50% san hô bị huỷ diệt ở vùng lầy và đã tìm thấu dấu vết kim loại chì trong cá tôm. Đối với những vùng thuộc khu tứ gíac Long Xuyên, độ mặn đã xâm nhập đến nhiều nơi và đạt đến mức 6,5 mg/L.

 

Nhìn chung tình trạng môi sinh ở Việt Nam đã đến mức báo động, nhất là ở các thành phố lớn mặc dù mức độ khai triển kỹ nghệ chưa phát triển tương xứng với nhu cầu của dân chúng toàn quốc mà chỉ tập trung vào một số thành phố lớn mà không lưu tâm hay quy hoạch đồng bộ tuỳ theo điều kiện của từng địa phương. Hiện nay vẫn còn khoảng 70% dân chúng tập trung ở các vùng nông nghiệp đang còn trong thời sơ khai của thời đại phát triển kỹ nghệ.

 

Nguyên nhân của việc trì trệ phát triển cho những năm gần đây cũng như hiện trạng ô nhiễm ở Việt Nam có thể được tóm tắt vào những ghi nhận sau đây:

 

·                     Ảnh hưởng của sự sụp đổ của hệ thống Cộng sản ở Nga và Đông Âu đầu thập niên 90 cùng với sự khủng hoảng kinh tế vùng Đông Á ở những năm gần đây làm cho quốc tế ngần ngại đầu tư vào Việt Nam.

·                     Hệ thống tiền tệ chưa hoán chuyển được và chưa thiết lập được thị trường chứng khoán cùng các luật định ngân hàng phức tạp và hay thay đổi thường xuyên, không bảo đảm tối thiểu cho công cuộc giao thương với bên ngoài.

·                     Hệ thống ngân hàng không hữu hiệu, không thể hiện chức năng đúng đắn trong dịch vụ trao đổi và không có tính xuyên suốt trong báo cáo. Thống đốc ngân hàng VN mới đây đã nhận định rằng chức năng của ngân hàng là phục vụ cho nhu cầu của quốc gia và dân chúng chứ không thi hành theo chỉ thị hoặc mệnh lệnh!

·                     Mặc dù có sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Á châu (ADB), Quỷ tiền tệ thế giới (IMF), Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP)... về tài chánh và kỹ thuật cho việc nâng cấp và giải quyết các vấn nạn môi sinh ở VN do sự phát triển kỹ nghệ và nạn gia tăng dân số, nhưng hầu hết các hạng mục công trình trên còn nằm bất động trên hình thức các dự án khả  thi. Mức độ thi công tiến hành quá chậm do thủ tục hành chánh rườm rà và bất nhất cũng như các tệ nạn quan liêu khiến cho đôi khi dự án phải bị bỏ dở nửa chừng.

·                     Việc phá hoại các rừng ven biển và dẫn nước mặn vào sâu trong đất liền để khai thác dịch vụ nuôi tôm là một trong những nguyên nhân cho sự nhiễm mặn. Ngay cả việc nuôi tôm, sau một vài mùa có thu hoạch cao, dịch vụ nầy lần lần đi vào phá sản vì tôm con bị chết quá nhiều vì hệ sinh thái thay đổi và môi trường sinh sống của tôm không còn đồng nhất như vùng nước mặn nguyên thuỷ. Ảnh chụp từ vệ tinh năm 1999 cho thấy khoảng 150.000 hecta ở ven biển Cà Mau, Bạc Liêu đã bị bỏ hoang trên gần 200.000 hecta đã khai thác trong khoảng năm năm gần đây! Từ xa xưa, các rừng tràm, đước, vẹt...đã phát triển vững mạnh trong vùng lầy, thiết lập một hệ sinh thái thiên nhiên vừa cân bằng và cầm chân nước mặn tiến sâu vào đất liền, vừa là môi trường sống thích hợp cho tôm cá; do đó tôm không thể phát triển được vì sự mất cân bằng trên.

·                     Trong những năm sau lầy, lãnh đạo VN có khuynh hướng cứng rắn hơn trong việc điều hành quốc gia. Đường lối và chính sách hiện tại thể hiện sự bất an, bối rối trong quyết định trước những vấn nạn sinh tử cho đất nước.

·                     Có nhiều thành phần tham gia vào việc phát triển kinh tế-kỹ thuật ở VN. Đó là quân đội, công an, chính quyền, tư nhân, và ngoại quốc. Một khi đã nắm chặt quyền lực trong tay, cộng thêm với sức mạnh kinh tế, các thành phần có quyền lực trên có khả năng tạo ra nạn kiêu binh có thể gây xáo trộn xã hội mà lãnh đạo sẽ khó kiểm soát được. Điều lầy sẽ làm giảm thiểu mức đầu tư của dân chúng và nhất là đầu tư quốc tế.

·                     Đối với các nhu cầu phát triển, điều tiên quyết là phải có sự bàn thảo và đồng thuận giữa chính quyền và các công ty tư nhân. Cho đến nay, mọi hợp tác giữa chính quyền-tư nhân-ngoại quốc chưa được đặt trên căn bản công bằng và đồng thuận do đó vẫn còn nhiều cản ngại trong việc giao thương quốc tế. Còn có nhiều thiên vị cho các đối tác có liên quan đến chính quyền. Công ty quốc doanh chiếm đa số vẫn còn được tài trợ và ưu đãi mặc dù làm ăn thua lỗ. Việc kiểm soát môi sinh còn quá lỏng lẻo đưa đến việc lơ là trong bảo quản và xử lý phế thải.

·                     Một số dự án có tầm vóc quốc gia, đối tác được chọn chưa thu thập đầy đủ dữ kiện nghiên cứu tác hại môi trường, nhân sự chuyên nghiệp không đáp ứng được nhu cầu của công trình, do đó nhiều dự án phải bị bỏ dở nửa chừng. Một công ty tư vấn ngoại quốc vừa mới trình dự án khả thi để thải hồi 800.000 m3 nước sinh hoạt của thành phố Sàigòn hàng ngày, sau khi xử lý sơ bộ (cơ học) vào dòng sông Sàigòn với mục đích vừa để giải quyết lượng nước thải của thành phố vừa để ngăn chận sự nhiễm mặn của sông Sàigòn trong mùa khô. Có cần phải xét lại tính khả thi của dự án về mặt kỹ thuật và ảnh hưởng tác hại lên môi trường hay không?

·                     Các công ty tư vấn ngoại quốc được Việt Nam mời đến để khai triển một số dự án kỹ thuật và tính khả thi trong từng điều kiện hiện có.  Đôi khi, Việt Nam dùng tư cách chủ nhà để chỉ đạo dự án hay sửa đổi không đúng với quy cách kỹ thuật làm cho dự án khó được hoàn chỉnh. Và cũng có nhiều công ty ngoại quốc vì muốn được trúng thầu mà thiết lập dự án khả thi khi chưa hoàn tất hồ sơ điều tra cơ bản. Điều lầy làm cho phát triển Việt Nam trì trệ về thời gian, tài lực, và nhân lực, chưa kể đến việc làm mất niềm tin của người dân về thực tâm của những người có trách nhiệm!

 

Nhận diện được một số nguyên nhân căn bản đưa đến sự kiện chậm phát triển cho Việt Nam những năm gần đây, chỉ cần một ít động não, việc truy tìm giải đáp cho bài toán trên cũng không khó vậy!

 

 

Thay lời kết

 

Từ nhiều ngàn năm trước, khi nhân loại đang còn triền miên trong giấc ngủ của thời kỳ bán khai, Trung quốc đã có một nền văn minh cực thịnh, phát minh ra nhiều kỹ thuật căn bản tuyệt vời cho phát triển khoa học kỹ thuật phục vụ nhân sinh. Đó là thuốc súng, giấy, và địa bàn. Nhưng thay vì dùng thuốc súng cho những nghiên cứu ứng dụng vào lợi ích cho đời sống, người Trung Quốc đã làm ra pháo nổ, pháo thăng thiên để mua vui trong các cuộc hội hè đình đám. Đá nam châm, địa bàn... không được ứng dụng cho khoa học mà tập trung vào việc phát triển địa lý phong thuỷ để nhàn hạ trong thú ngao du sơn thuỷ. Giấy được dùng trong việc chế tạo tiền vàng bạc phục vụ cho việc tang chế, cúng tế thay vì sử dụng cho nhu cầu giáo dục. Giấc ngủ dài trên cùng với giấc mơ thiên tử đã làm cho Trung quốc thành một quốc gia đông dân nhất thế giới (1,3 tỷ năm 2003) và có lợi tức đầu người khoảng $900/năm hiện tại.

 

Bước vào thiên niên kỹ mới, người Trung quốc dường như vẫn chưa hình dung và đánh giá đúng đắn nhu cầu dân chủ-toàn cầu hoá trong mọi lãnh vực là một tất yếu không thể cưỡng lại được. Họ vẫn dùng sức mạnh dựa trên dân số mà làm áp lực khắp nơi, phát triển kinh tế-khoa học kỹ thuật bừa bãi bất kể đến an sinh của chính người dân trong nước và các khuyến cáo của thế giới như việc xây dựng đập nước thiếu điều nghiên lương thiện, phế thải kỹ nghệ độc hại được đưa thẳng vào thượng nguồn của các sông, ngay cả sông Mekong làm di hại đến hạ lưu trong đó có Việt Nam. Và việc làm sai trái đó vẫn còn đang tiếp diễn. Trong tiến trình bước vào thiên niên kỷ mới, Trung Quốc chỉ còn có một sức mạnh duy nhất, không thay đổi từ ngàn năm là tánh duy ngã độc tôn và niềm tự hào đông dân nhất thế giới!

 

Ngược lại, Nhật bản vẫn tồn tại và tiếp tục tăng trưởng nguồn phúc lợi cho người dân. Sức mạnh kinh tế của Nhật chỉ đứng sau Hoa kỳ, vượt xa các nước Tây phương. Và người Nhật cũng đã từng tự nhận là con của Thiên Hoàng- một chủng loại siêu nhân trên thế giới. Nhưng khi đứng trước nhu cầu toàn cầu hoá trong việc bảo vệ môi trường và phát triển, người Nhật hay ít ra lãnh đạo Nhật đã quên đi tinh thần yêu nước cực đoan và lần lần hội nhập vào cộng đồng thế giới để cùng giải quyết các vấn nạn chung cho toàn cầu. Lãnh đạo Nhật đã can đảm chính thức quyết định tiếng Anh phải là thứ tiếng giao dịch cho toàn thể dân chúng sau tiếng Nhật. Bộ Giáo dục Nhật vừa mới đây đã xác nhận dùng tiếng Anh nhằm chuyển biến đất nước mang tính "quy chuẩn văn hoá toàn cầu" cho thế kỷ thứ 21. Yêu cầu dùng tiếng Anh như là tiếng nói chính thức trong mọi giao dịch ở các công sở và nơi công cộng. Làm như thế, lãnh đạo Nhật đã chứng minh tầm nhìn xa và đặt quyền lợi tối thượng của quốc gia dân tộc hơn là tự ru ngủ trong niềm tự hào dân tộc cực đoan.

 

Trở về đất nước thân yêu của tất cả chúng ta, Việt Nam hiện tại là một dân tộc non trẻ, thông minh, chăm chỉ, hiếu học, cần cù , và có tinh thần cầu tiến. Trên 90% dân số đều biết đọc biết viết. Con số lầy quá cao so với các nước đang phát triển và có điều kiện xã hội tương tự như của chúng ta. Tuy nhiên theo phúc trình của Bộ ngoại giao Hoa kỳ tháng 2/2005, tổng sản lượng trung bình tính theo đầu người của VN là $450/năm, vẫn còn quá thấp ngay cả so sánh với một số quốc gia Phi châu, Laos, và Campuchia! Trên 55 triệu dân (65% dân số) sống trong vùng nông nghiệp và chỉ đạt được 22% tổng sản lượng toàn quốc. Cũng theo phúc trình trên, có 30% dân số sống dưới mức bần cùng. Nếu tính theo định nghĩa của Liên hiệp quốc về mức nghèo tuyệt đối-absolute poverty tính theo đầu người là US$1/ngày, tỷ lệ trên sẽ còn cao hơn nhiều. (Hoa kỳ chỉ có 1,5 triệu nông dân để cung ứng nhu cầu lương thực cho trên 290 triệu người Mỹ và viện trợ lương thực đi khắp thế giới.)

 

Tai sao có sự nghịch lý kể trên? Dĩ nhiên là phải có cái gì bất ổn cho đất nước. Đương nhiên nhà cầm quyền hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng ngày càng đi xuống hiện nay. Ba mươi năm sống trong hoà bình, thiết nghĩ cũng đủ dài để thiết lập một xã hội ổn định cho Việt Nam. Nhưng tiếc thay điều đó không xảy ra.

 

Hiện tại, trong nhiều lãnh vực kinh tế-kỹ thuật-khoa học-môi sinh, thế giới đang biến thành một quốc gia lớn, một trật tự mới đang hình thành. Trong bối cảnh đó, càng ngày càng thấy rõ ràng mọi người đều có trách nhiệm. Những gì xảy ra tại Tây Tạng, Vân Nam đều trực tiếp ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long. Rốt ráo hơn nữa, mọi người Việt đều có trách nhiệm về tình trạng tụt hậu của Việt Nam. Càng thiết tha, càng gắn bó với quê cha đất tổ càng thấy mình có trách nhiệm. Trách nhiệm không là than thân trách phận, trách ông trời không cho mình gặp thời. Trách nhiệm không là thái độ đời đục ta trong, ẩn thân trong chùa, trong kinh kệ, trong nhà thờ, trong những thành trì luân lý, hoặc sớm tối trải lòng mình cho thi tửu. Trời không ghét, không thương riêng ai. Đời có đục, có trong. Trách nhiệm là nhận thức thực tiễn, và trên cơ sở đó có những thái độ và hành động tích cực hơn cho đất nước. Nói lên tiếng nói, tạo một âm vang, khuếch đại một xu hướng, tạo dựng sức ép,... Mỗi người mỗi cách, không sao kể xiết. Nhưng nhất thiết, không đổ lỗi cho người khác để tự dối mình, hoặc trốn trách nhiệm của mình.

 

Nhìn lại đất nước, với hơn 50% lực lượng lao động thuộc thành phần trẻ tuổi, chúng ta đã có một trợ lực lớn có khả năng đưa đất nước lên cao. Tuổi trẻ Việt Nam, sau một giai đoạn ngắn tiếp cận với phong cách hành xử và giao thương quốc tế đã hiểu thêm và hiểu cặn kẽ về tự do-dân chủ. Từ đó tinh thần quốc gia dân tộc tăng trưởng nhanh chóng trong thành phần lầy. Tuổi trẻ Việt Nam mong muốn có một đời sống kinh tế-tinh thần- tâm linh tương xứng với các đóng góp của chính mình. Những rào cản ngăn cách trong tôn giáo-địa phương không còn là một chướng ngại để rồi cùng ngồi lại với nhau, không như các thế hệ cha ông trước kia. Những cảm xúc trong tư tưởng, vết hằn trong quá khứ sau cuộc qua phân của đất nước phải nhường bước cho lối nhìn tích cực về triển vọng tương lai của quê hương. Do đó, các mỹ từ vì thế hệ mai sau, vì chủ nghĩa anh hùng...không còn là một xúc tác tốt để hấp dẫn tuổi trẻ  Viêt Nam nữa.

 

Tuổi trẻ Việt Nam trân trọng bốn ngàn năm văn hiến của tiền nhân, nhưng tuổi trẻ hôm nay không vì niềm tự hào đó mà dừng chân lại để chiêm ngưỡng quá khứ. Tuổi trẻ Việt Nam đang lên đường. Đừng cho đó là một cản ngại lớn cho sự bền vững của chế độ mà nên cùng nhau thay đổi đường lối và chính sách thích hợp với xu hướng toàn cầu. Cùng tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường làm việc thích ứng với tính năng động và hiếu học của tuổi trẻ. Có như thế, cơ hội phát triển và triển vọng tương lai đồng đều cùng đời sống kinh tế-tinh thần có hy vọng được nâng cao sẽ là hai động cơ chính thức thúc đẩy tuổi trẻ mạnh bước tiến lên. Cũng xin dừng rập khuôn tin tưởng vào văn hoá "coca cola" của Hoa kỳ để mong được phát triển nhanh và đổi lấy một xã hội bất ổn về tinh thần!

 

Gương Trung Quốc còn đó! Gương Nhật Bản còn đây! Nhìn hai quốc gia gần gũi với nền văn hoá Việt Nam đang lèo lái đất nước đi vào chu kỳ vận hành mới của thế giới. Từ đó rút ra bài học cho cuộc hành trình Việt Nam để bước vào kỷ nguyên quyết định cho sự phát triển và bảo vệ môi sinh của toàn cầu.

 

Mai Thanh Truyết

Hội KH&KTVN (VAST)

 

Ghi chú:-Bài nầy tác giả viết vào năm 2000 và đã được hiệu đính 4/2008.

 

 

 

 

 

 

 

//////////////////////////////////////////////////