Huyền thoại về hiểm họa Trung Quốc

Mai Thanh Truyết

Nền kinh tế quốc gia Trung Quốc đã bắt đầu được vực dậy qua chương trình hiện đại hoá của Đặng Tiểu Bình từ một phần tư thế kỷ vừa qua. Và trong vòng 10 năm trở lại đây, mức phát triển của Trung Quốc vẫn ở mức 8 – 9% hàng năm. Điều lầy đã làm thế giới ngạc nhiên nhất là qua các cuộc khủng hoảng tiền tệ ảnh hưởng lên các nước trong vùng mà Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển chứ không bị suy thoái. Trong những tháng gần đây, báo chí trên hầu hết khắp nơi đều đặt vấn đề và xem đây là một hiện tượng "con rồng Trung Quốc" bắt đầu trở mình và một đất nước "Thiên Tử" đang hồi sinh.

Nhưng qua các thành tựu trên, chúng ta có thực sự thấy những gì đang diễn ra ở Trung Quốc qua các thành quả đã đạt được ngày hôm nay.

Trước hết, xin liệt kê ra đây vài số liệu căn cứ vào thông tin của cia.gov, trên mạng lưới toàn cầu, để nói lên tình trạng phát triển chung của Trung Quốc:

Trung Quốc là một nước lớn chiếm diện tích 9,3 triệu Km2, có dân số là 1,3 tỷ tính đến tháng 4/2004. Mức gia tăng dân số là 0,57% (2004). Số tuổi trung bình là 31,8 tuổi. Lực lượng lao động của Trung Quốc lớn nhất thế giới với 778 triệu (2003), trong đó tỷ lệ lao động được chia ra như sau: Lao động nông nghiệp, 50% (2001), lao động kỹ nghệ, 22% (2001) và lao động dịch vụ, 28%. Trung bình mức lạm phát vào khoảng 1 đến 2%. Lợi tức đầu người là 900 Mỹ kim (2004). Mãi lực toàn quốc (Purchasing power parity) năm 2003 là 6.449 tỷ Mỹ kim đưa đến mãi lực đầu người là 5.000 Mỹ kim (2003).

Trong tiến trình phát triển chung trên thế giới, định mức sự phát triển của một quốc gia vẫn còn căn cứ vào thuyết "tam khu" của Colin Clarke, trong đó gồm khu nông nghiệp, khu công nghiệp, và khu dịch vụ. Từ đó qua sự phát triển, và qua từng giai đoạn, chỉ số phát triển của một quốc gia được tính toán qua tỷ lệ của từng khu vực.

Như đã nói ở phần trên, Trung Quốc đã đi đôi hia "bảy dặm" bằng cách mở cửa giao tiếp với thế giới bên ngoài từ năm 1979 dưới thời Đặng Tiểu Bình với một phương châm bất hủ là:" Dù mèo trắng hay mèo đen cũng chẳng sao, chỉ cần biết bắt chuột là được". Trong tinh thần thực dụng trên, Trung Quốc đã thành công và đưa đất nước ra khỏi tụt hậu chỉ trong một thời gian không dài.

Lý do tại sao chương trình hiện đại hoá của ĐTBình đã thành công là, ngay cả trong khi mở cửa, Trung Quốc đã vận dụng được thị trường nội địa (1,3 tỷ) để đẩy mạnh kỹ nghệ sản xuất hàng tiêu dùng. Chính nhờ kỹ nghệ lầy và đây cũng là lý do chính yếu, Trung Quốc đã chuyển dịch được một số lớn lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ từ 70% (1970) xuống còn 50% (2001). Cho đến hôm nay, mức đói nghèo của Trung Quốc đã giảm xuống còn 16%, và mức dự trữ ngoại tệ nặng của Trung Quốc trong năm 2004 là 414 tỷ Mỹ kim.

Trong những năm trở lại đây, Trung Quốc đã phát triển vượt bực, cao hơn mức dự tính của thế giới. Vào năm 2004, Ngân hàng Phát triển Á châu đã dự tính Trung Quốc sẽ tăng 7,9%. Nhưng trên thực tế Trung Quốc đã gia tăng 9,3%. Có nhiều lý do đúc kết sự thành công vượt bực của Trung Quốc cho những năm gần đây là:

1 – Đất nước Trung Quốc không phải chịu những tai ượng thiên nhiên ảnh hưởng đến phát triển như những quốc gia trong vùng. Cuộc khủng hoảng dầu hoả gần đây đã được Trung Quốc kiểm soát và điều tiết chừng mực do đó không tạo ra khủng hoảng năng lượng như những năm 1979-1980.

2 – Phát triển kinh tế ở Trung Quốc hiện tại vẫn còn trong giai đoạn sử dụng ít năng lượng hơn so với các quốc gia kỹ nghệ tiên tiến;

3 – Qua vốn đầu tư ngoại quốc, Trung Quốc đã cân bằng được mức phát triển qua những dịch vụ thâm thủng trong cán cân thương mại xuất nhập nguyên liệu và thành phẩm. Trong bảng xếp hạng 50 Đại công ty toàn cầu năm 2004, Cty China Petroleum & Chemical của Trung Quốc được xếp vào hạng 9 với số thương vụ là 16,7 tỷ Mỹ kim, tăng 39% so với năm 2003, chỉ đứng sau các cộng ty Dow Chemical, BASF, Du Pont, Exxon, Total v.v...

4 – Phát triển Trung Quốc hiện nay đang dựa vào đầu tư ngoại quốc, do đó sự gia tănag giá dầu thô đã được mức ngoại tệ đầu tư trên bổ sung vào mức thiếu hụt.

5 – Quan trọng hơn cả là 1,3 tỷ (1 tỷ 300 triệu) nhân khẩu nội địa. Hiện tại người dân Trung Quốc còn cần quá nhiều nhu cầu để phục vụ tối thiểu cho đời sống của người dân ở một quốc gia tân tiến, do đó kỹ nghệ Trung Quốc chỉ cần tập trung vào những mũi giùi phát triển là có thể làm cho kinh tế cất cánh mau. Những mũi giùi phát triển đó là những mặt hàng thông dụng như xe cộ, tủ lạnh, microwave, máy giặt, máy sấy, truyền thanh, thuyền hình, xây dựng, và những mặt hàng gia dụng khác v.v...

Tuy nhiên, thiết nghĩ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc ngày hôm nay chỉ là một quá trình chuyển tiếp mục đích để phục vụ nhu cầu cần thiết cho người dân của nước lầy, hầu có được một đời sống vật chất "tử tế". Một khi mức sống tối thiểu của người dân đã được bảo hoà, vấn đề phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ chuyển qua một tiến trình khó khăn hơn nữa mà lãnh đạo Trung Quốc cần phải tiên liệu cho tương lai, nếu muốn ngăn chặn những cơn khủng hoảng xã hội có thể xảy ra sau đó. Đó là việc chuyển tải lực lượng lao động qua công nghiệp và dịch vụ. Ở các quốc gia đã phát triển như Tây Âu và Bắc Mỹ, lực lượng lao động nông nghiệp không quá 15%. Riêng tại Hoa Kỳ, lực lượng lầy chỉ còn dưới 2 triệu, so với trên 300 triệu dân mà vẫn có đầy đủ lương thực cho nước Mỹ cũng như viện trợ cho hầu hết các nước nghèo trên thế giới.

Qua những nhận xét và phân tích ở phần trên, chúng ta thấy Trung Quốc đang có những bước phát triển "nhanh" trong tiến trình hiện đại hoá quốc gia, nhưng những bước phát triển của Trung Quốc chỉ là những bước đột phá ban đầu. Thực sự những chỉ số phát triển vừa nêu trên chỉ là những chỉ số biểu kiến và tương đối trong việc ổn định xã hội Trung Quốc hiện nay mà thôi.

Gọi là biểu kiến vì trong quá trình phát triển quốc gia vì Trung Quốc đã để lại biết bao vấn nạn môi trường với ảnh hưởng và hậu quả nghiêm trọng chắc chắn sẽ xảy ra trong một vài thập niên tới. Trung Quốc không có chính sách cân bằng phát triển và quản lý môi trường. Do đó, tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp: không khí đầy bụi bậm chứa các kim loại độc hại như chì (lead) và thuỷ ngân (mercury) cùng nhiều hợp chất hữu cơ nhẹ, nguồn nước ở nhiều nơi không còn sự hiện diện của tôm cá và đã là những "dòng sông đen", đặc biệt là trong các phụ lưu của sông Hoàng Hà và Dương Tử.

Ngay cả dòng chảy của sông Hoàng Hà đã chậm dần so với trước kia, và không còn chảy ra biển nữa. Thành phố Vân Nam đã biến thành khu đại kỹ nghệ hoá chất và khi gió đổi chiều, khói và bụi thành phố đã di chuyển đến tận...Hoa Kỳ. Thành phố Thượng Hải và thềm lục địa chung quanh đang bị báo động về ô nhiễm. Ngay cả việc chuẩn bị cho Thế vận hội vào ngày 8/8/2008, Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được tình trạng ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh theo yêu cầu của Uỷ ban Thế vận Quốc tế, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng qua các biện pháp như ngăn cấm người dân hút thuốc, hạn chế lượng xe cộ chạy vào thành phố, đóng cửa những nàh máy phát đeị6n sử dụng than, v. v…

Gọi là tương đối, vì sự phát triển của Trung Quốc chỉ tương đối so với nhu cầu của 1,3 tỷ dân chúng và thị trường nhân công rẻ mạt. Các chương trình hiện đại hoá điển hình của Trung Quốc sau đây thể hiện rõ nét của tính tương đối trong phát triển của Trung Quốc. Theo một báo cáo của Hàn Lâm Viện Trung Quốc (Chinese Academy of Sciences, 2006) thì Trung Quốc đã phát triển chậm hơn so với Hoa Kỳ 100 năm, với Đức Quốc 70 năm, và 60 năm so với Nhật Bản.

Vào năm 2001, mãi lực tính theo đầu người của một người Trung Quốc là 3.583 Mỹ kim (năm 2004 lên đến $5.000), trong lúc đó thời điểm một người Hoa Kỳ có mãi lực trên là vào năm 1892 , tức 109 năm trước đó. Vào năm 2002, lợi tức người dân Hoa Kỳ là 35.400 Mỹ kim, tăng 4% so với năm trước đó, tức tăng 1.416 Mỹ kim. Trong lúc đó, lợi tức của một người Trung Quốc ở thời điểm trên là 900 Mỹ kim, tăng 8% so với năm trước, tức 72 Mỹ kim. Qua các số liệu trên, chứng tỏ rằng dù mức tăng trường hàng năm của Trung Quốc có là 15%, thì khoảng cách lợi tức so với Hoa Kỳ cũng ngày càng cách xa dù KH chỉ tăng trưởng 3-4% mỗi năm.

Thêm nữa, theo một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc vào năm 2002, hậu quả của việc phát triển ồ ạt ở Trung Quốc và lơ là trong việc bảo vệ môi trường làm cho chi phí ước tính cho việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường có thể lên đến 7% tổng sản lượng quốc gia. Nói như thế, có nghĩa là với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 8 – 9%, nhưng trên thực tế, mức tăng trưởng thực sự chỉ vào khoảng 2% mà thôi, cộng thêm sự di hại môi trường ảnh hưởng đến các thế hệ về sau nữa.

Trung Quốc hiện nay vẫn còn là một quốc gia đang phát triển dù hiện đang thúc đẩy rất mạnh tiến trình hiện đại hoá và khó có thể hình dung được một hình ảnh Trung Quốc vượt trội lên hàng quốc gia phát triển trong vòng 30 – 40 năm tới.

Cũng theo tài liệu của Hàn Lâm Viện Khoa học Trung Quốc, Trung Quốc sẽ vươn lên thứ hạng 39 về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới vào năm 2080, và năm 2005, Trung Quốc đang được xếp vào hạng 69.

Ngay tại Hội thảo "Tổng kết 20 năm đổi mới" ở Hà Nội ngày 1/7/2005, TS Carlyle Thayer (Úc) nhấn mạnh rằng:" Sau một phần tư thế kỷ cải cách, mô hình Trung Quốc không thể giải quyết được những vấn đề cấp bách như cấu trúc ngân hàng và tài chánh yếu kém, quốc doanh bị nợ nặng nề, tham nhũng tràn lan. Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều vần đề tương tự, và việc học tập mô hình Trung Quốc không thể giúp Việt Nam giải quyết được".

Do đó, để kết luận cho trường hợp Trung Quốc là quốc gia nầy sẽ không bao giờ trở thành một huyền thoại trong tiến trình hiện đại hoá theo chiều hướng hiện tại, trừ phi có một sự thay đổi não trạng và quan điểm đúng đắn về việc bảo vệ môi trường, vấn đề cần phải được đặt ưu tiên hàng đầu trong phát triển quốc gia.

Cũng cần nói thêm cho trường hợp Việt Nam là, mô hình hiện đại hoá của Trung Quốc sau ¼ thế kỷ đã mang lại cho Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm về các mâu thuẫn trong phát triển hơn là một khuôn mẫu để phát triển. Nhưng tiếc thay, cho đến hôm nay, Việt Nam vẫn còn rập khuôn theo tiến trình trên, một tiến trình chắc chắn sẽ đưa đất nước vào ngõ cụt.

Mai Thanh Truyết

West Covina, 8/2008
//////////////////////////////////////////////////