NHỮNG  BÀI  HỌC  CẦN  RÚT  TỈA  SAU

CUỘC PHỎNG VẤN

 

 

Ngày 3/1/2002, trên nhật báo Orange County Register, ký giả John Gettelsohn có đăng tải bài tường thuật lại hai buổi phỏng vấn chúng tôi về vấn nạn ô nhiễm hóa chất ở Việt Nam. Bài phỏng vấn đã được các đài phát thanh địa phương như Little Saigon và VNCR điểm báo ngay sáng hôm ấy. Cuối tuần các đài địa phương khác cũng bình luận về tin nầy. Về phía nhật báo, báo Người Việt và Việt Báo có đăng tải trên trang nhất tin tức phỏng dịch dựa trên bài phỏng vấn trên ngày sau đó.

 

Dư âm của vấn đề rất sôi động lúc ban đầu và vẫn còn âm ỉ cho đến bây giờ. Chúng tôi đã có dịp lên đài phát thanh Sống Trên Đất Mỹ, đài truyền hình SBN trong hệ thống Time Warner, đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại ở Washington, và sắp tới đây đài Tiếng Nước Tôi, đài truyền hình ở San Diego, và SBS ở Úc châu….

 

Đa số các báo ở các tiểu bang Hoa Kỳ điều có bình luận về tin nầy. Ngay cả đài BBC cũng nêu lên vấn nạn trên ở Việt Nam. Đa số dư luận đều quan tâm đến vấn đề và mong mõi được hai tác giả làm sáng tỏ thêm. Do đó chúng tôi có đưa lên trên mạng và trên báo Người Việt (Orange) và Việt Luận (Úc) bài tường trình về buổi hội luận cũng như "Lá thư không niêm gữi Tiến sĩ toán Nguyễn Văn Tuấn" Báo Tiếng Vang ở Sacramento cũng có bài tường trình và đăng tải tin tức liên quan đến bài báo OC Register. Ôngạ Nhân trên báo Hải Vân (Sacramento), báo Làng Văn (Montréal), và nhà bình luận Đại Dương cũng góp ý thêm qua các bài viết dài.. .

 

Thêm nữa, cũng có nhiều bài phản bác lấy danh nghĩa người tiêu thụ, và nhất là các bài viết "phỉ báng" thô bạo của TS Nguyễn Văn Tuấn, cùng với nhiều thư tuy có ký tên nhưng vẫn là nặc danh gữi về địa chỉ nhà và sở của chúng tôi.. . có tính cách mạ lỵ, và nặng hơn nữa còn mang tính cách hăm dọa theo kiểu dùng bạo lực của một số người cường điệu muốn áp đặt "tinh thần dân chủ theo định hướng của một thiểu số". Dĩ nhiên, những loại thư sau nầy đã được thông báo cho FBI để mở cuộc điều tra. Đối với các loại thư sau nầy, chúng tôi không hề lưu ý hay có ý muốn trả lời. 

 

Về phía cộng đồng người Hoa kỳ, hầu hết những người trao đổi với chúng tôi đều cho rằng cần phải có thêm những cuộc điều tra thâm sâu hơn nữa cũng như cần phải có tìm nguồn hổ trợ tài chánh như của các NGO, chứ không thể tiếp tục tiến hành với tính cách cá nhân như chúng tôi đã làm. Tại các hảng xưởng chúng tôi làm việc, đa số điều biểu đồng tình và ủng hộ việc làm vô vị lợi của chúng tôi cũng như họ đã gián tiếp yểm trợ việc làm trên bằng cách cho chúng tôi xử dụng phương tiện sẳn có cùa cơ quan.

 

Nói chung bài phỏng vấn gây ra một tiếng vang lớn trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại và (có thể ở nội địa), hầu hết đều lưu tâm đến tình trạng xử dụng hóa chất bừa bãi ở quê nhà, từ đó nhiều hệ lụy có thể xảy ra cho các thực phẩm nhập cảng từ Việt Nam, một điều mà cả hai chúng tôi đều không nói đến trong suốt hai buổi phỏng vấn. Từ đó các vấn đề tranh cãi  xảy ra.

 

Tuy nhiên, hai tháng sau khi bài báo ra đời, một số kinh nghiệm được rút tỉa và có nhiều bài học cho chúng tôi, những bài học nầy cũng có thể được áp dụng cho những người có tâm huyết muốn làm một việc có ích lợi cho cộng đồng hay quê nhà. Những bài học sau đây được đút kết qua các lời phản bác hay dư luận phản hồi trong suốt thời gian qua.

 

Về phía báo OC Register

 

Mặc dù đã được cung cấp đầy đủ dử kiện để kiểm chứng cho lập luận của chúng tôi, nhưng ký giả John Gettelsohn, có lẽ vì sự hạn chế của bài báo cho nên trong bài tường trình không đưa ra những dử kiện hay số liệu kiểm chứng. Hơn nữa, cũng có lẽ vì có riêng một "agenda" nên ông ta đưa ra một vài ý kiến không thể hiện đúng tinh thần của buổi phỏng vấn và có nhiều lập luận không rõ ràng khiến cho dư luận hiểu khác với vấn đề chính mà chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh, đó là vấn nạn ô nhiễm hóa chất và ảnh hưởng lên môi trường Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Qua sự diễn dịch của bài phỏng vấn, ông đã đi quá xa khi nói đến vấn đề ô nhiễm thực phẩm ảnh hưởng đến người tiêu thụ tại Hoa kỳ! (Dĩ nhiên đây chỉ là một hệ lụy đương nhiên mà thôi). Một lần nữa chúng tôi xin thưa, chúng tôi chỉ lưu tâm đến gần 80 triệu đồng bào đang sống ở Việt Nam trong tình trạng không được bảo vệ thích đáng về sự an toàn sức khỏe và đời sống hàng ngày.

 

Trước khi bài báo ra đời, chúng tôi có yêu cầu được xem lại, nhưng tác giả nói không còn đủ thời gian tính cho nên thấy không cần thiết. Từ đó những ngộ nhận đã xảy ra và các cuộc "tranh luận" minh bạch và không minh bạch chung quanh vấn đề thực phẩm và thương ước Mỹ-Việt… và vấn nạn ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, vấn đề chính mà chúng tôi cảnh báo, hầu như đi vào quên lảng. Điều nầy làm cho chúng tôi được mang thêm nhiều tên mới như là "biệt kích khoa hoc", "lạm dụng khoa học", "khoa học giả" và sau cùng mới đây nhất là "ngụy khoa học" rất gần gũi với danh từ. .. "ngụy quân, ngụy quyền" đã được chính quyền đương thời gán cho quân cán chính trước 1975.

 

Bài học thứ nhất: Chúng tôi đã được phỏng vấn cùng thời điểm với sự hiện diện của phái đoàn Việt Nam thăm viếng Hoa kỳ do Phó thủ tứơng Nguyễn Tiến Dũng cầm đầu. Thêm nữa, thương ước Mỹ-Việt mới được ký xong còn chưa ráo mực. Vì thế báo OC Register có thể có nhiều ý định khác do đó diễn dịch ý chính của chúng tôi cũng khác đi? Dù sao đi nữa, đúc kết sau đây cũng là một kinh nghiệm quý giá cho những người sẽ được phỏng vấn trong tương lai:

 

·                     Trước khi được phỏng vấn, cần yêu cầu nhà báo nêu rõ mục tiêu và mục dích của cuộc phỏng vấn.

·                     Trong thời gian xảy ra cuộc phỏng vấn, cần ghi rõ các đối thoại của cả hai phía để có thể xử dụng khi cần đến trong các vụ tranh cãi hay làm bằng chứng khi ra trước tòa án.

·                     Quan trọng nhất, cần phải có "giao kèo" được xem bài tường trình trước khi đưa ra công luận.

 

Làm được như thế mới hy vọng giữ được sự trong sáng trong bài phỏng vấn và nhất là tránh được những tranh cãi đối với những vấn đề tế nhị và "không thuận tình" với chế độ hiện hành ở Việt Nam.

 

Về phía cộng đồng người Mỹ

 

Báo OC Register có số phát hành hàng ngày độ 800.000 số. Đây là một con số không nhỏ. Nhưng qua sự tiếp xúc với ký giả tác giả bài phỏng vấn, dư luận của cộng đồng Hoa kỳ hầu như im lặng và họ, theo lời của ký giả trên, xem đây là một thông tin khoa học nói lên tình trạng ô nhiễm ở một nơi như bất cứ nơi nào trên thế giới ngoài đất nước Hoa kỳ. Người Mỹ có tính thờ ơ và không lưu tâm những gì không đụng chạm đến quyền lợi và quốc gia họ. Rất nhiều người Mỹ không biết Việt Nam nằm ở vị trí nào trên quả địa cầu !  Ngoài một số bạn bè Hoa kỳ cùng làm việc chung, và quen biết từ trước có lưu tâm đến vấn đề cũng như hỏi thêm tin tức vế Việt Nam. Còn lại chúng tôi chúng tôi chỉ nhận một vài điện thoại hay điện thư từ xa hỏi để soi sáng thêm những ý kiến trong bài báo mà thôi. Người Hoa kỳ là như thế đó.

 

Điều nầy cũng đã được giải thích cho tình trạng Việt Nam năm 1975. Một khi người Mỹ nhận định rằng Việt Nam không còn là một yếu tố trong cuộc "mặc cả" trên bàn cờ thế giới, thì họ sẳn sàng "phủi tay", và bỏ rơi Việt Nam không luyến tiếc, nuốt trôi tất cả những lời hứa hẹn bảo vệ Việt Nam trước đó. Người Việt chúng ta cần học thuộc bài học nầy, nhất là đối vơi những người còn mang tâm thức đợi Mỹ và theo Mỹ về lại Viêt Nam. Đối với người Mỹ, sẽ không bao giờ có một đồng minh muôn thuở hay một kẽ thù truyền kiếp. Bạn hôm nay có thể sẽ thù ngày mai, hay ngược lại.

 

Về phía cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại

 

Phải nói, phản ứng của cộng đồng người Việt là ồn ào nhất. Và đây là phản ứng nặng về cảm tính hơn là khách quan phân tích. Có thể nói phản ứng đã xảy ra trên cùng khắp mọi nơi có đông dân cư người Việt tại Hoa kỳ, Gia Nã Đại, Pháp, Thụy sĩ và mãi đến tận Úc châu.

 

Đa số dư luận đều chú trọng đến vấn đề thực phẩm nhập cảng có thể bị nhiễm độc và ảnh hưởng đấn sức khỏe của họ khi tiêu dùng tại Hoa kỳ mà quên đi vấn nạn có thể ảnh hưởng lâu dài cho gần 80 triệu đồng bào đang sống khắc khoải ở Việt Nam. Trên báo Đi Tới số 50 xuất bản ở Montréal (Canada), 10, 2001 và những số trước đó, chúng tôi có nhiều bài viết nêu lên rất nhiều khía cạnh khác nhau của vấn nạn ô nhiễm hóa chất như arsenic, dioxin, và các thuốc diệt cỏ dại, trừ sâu rầy, diệt nấm thậm chí đến cả phân bón cho nông nghiệp. Và kết luận của chúng tôi rất minh bạch về vấn đề nầy.

 

Ông Truyết đã nói:" Vấn đề Dioxin hiện diện trong chất màu Da cam là một thực tế không cần phải bàn cải thêm nữa.Nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào xác định được một cách chính xác và có căn bản về mức độ nhiễm độc của Dioxin lên con người. Hậu quả của Dioxin phải được chứng minh bằng khoa học và phải được thử nghiệm đứng đắn. Những nơi có đông dân cư và là những điểm nóng trong thời gian quân đội Hoa kỳ hiện diện tại Việt Nam như ở Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Đà Nẳng… cấn phải được thâm cứu hơn nữa để xác định hàm lượng của Dioxin nếu có thể có, ngõ hầu tìm phương án chữa trị cho ngững nạn nhân vô tình bị vướng phải".

 

Và nhận định của ông Quang như sau: "Dĩ nhiên, ảnh hưởng của việc xử dụng chất Da Cam có chứa Dioxin đối với sức khỏe và môi trường cũng không thể bỏ qua. Với sự trợ giúp kỹ thuật và tài chánh của cộng đồng thế giới, nguyên nhân của các căn bịnh như dị thai, ung thư, và các bịnh lạ khác chắc chắn sẽ được xáx định nếu chính quyền Việt Nam hiện nay có quyết tâm và tạo điều kiện dễ dàng và thuận lợi để giúp cho chuyên viên quốc tế có long tâm làm việc có hiệu quả. Khắc phục hậu quả của "chất độc hóa họcphục vụ cho chiến tranh" chỉ là một huyền thoại cho đến khi nào nguyên nhân của nó được xác định một cách khoa học, vô tư, và chính xác. Khoa học phải đi trước, và đi tới... trước nhiều bước."

 

Thật rõ ràng, chúng tôi đã chứng minh và nói lên mối quan tâm đến một vấn đề lớn của đất nước là hiểm họa của tình trạng ô nhiễm đủ loại hóa chất trong hiện tại và tương lai. Chúng tôi đã giống lên tiếng chuông và hô hào sự tiếp tay của thế giới trong vấn đề trợ giúp Việt Nam để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cũng có một vài cá nhân nhân danh người tiêu thụ, thay vì trao đổi trên tinh thần khoa học với tác giả, lại lên tiếng phản bác nhắm vào đời tư cá nhân của người được phỏng vấn để mặc tình bôi lọ trên truyền thông. Lối hành xử nầy hoàn toàn đi ngược với lề lối dân chủ sẳn có của Hoa kỳ. Người Mỹ với một nền dân chủ pháp trị đã hành xử quyền hạn công dân của mình trong một tinh thần khách quan và dân chủ. Xin đan cử ra đây một thí dụ về phản ứng của Hiệp Hội Người Tiêu Dùng Hoa Kỳ về vấn đề thực phẩm là: Vào cuối tháng 12/2001 họ quyết định sẽ đưa 18 công ty nhập cảng thủy sản tại California ra tòa vì nhập tôm đông lạnh có chứa hóa chất Chloramphenicol. Trông người mà nghĩ đến ta!

 

Trong một bài viết "Sự đỗ vỡ trong cộng đồng Việt Nam" (Fragmentation in the Vietnamese community), tác giả James Banerian (4/1988) đã phân tích những dấu hiệu và hệ quả của vấn đề trên như những đúc kết về cá tính của người Việt Nam trong cộng đồng hải ngoại. Từ đo ông đưa ra những kết luận thật khắc khe về bản tính người Việt Nam.

"Về bản chất, tính cách người Việt thường được mô tả là ích kỷ. Họ cố gắng vì quyền lợi của họ hơn là cho cộng đồng. Người Việt là những người đua tranh, không phải là những người hợp tác. Họ không thẳng thắn và cởi mở trong giao tiếp. Họ nhìn sự việc một cách mơ hồ, không cụ thể và không đi vào chi tiết. Hơn hết, người Việt ít kinh trọng chính họ và kính trọng lẫn nhau".

 

Từ bản tính trên chúng ta có thể giải thích được hiện tượng người Việt công kích cả những người cùng phe với mình thay vì tập trung sức lực để cùng đi đến một mục tiêu chung. Tất cả hiện tượng trên có thể gói ghém vào nguyên nhân chính sau đây: Cộng đồng chúng ta thiếu tinh thần dân chủ, tinh thần bình đẳng và lòng khoan dung.

 

Quyền tự do diễn đạt và sự bất đồng thường được thể hiện qua tinh thần "cả vú lấp miệng em", hay "khủng bố, hăm dọa" như "chúng tôi buộc lòng phải dùng những biện pháp khác theo cách của chúng tôi" (trích nguyên văn trong một thơ nặc danh gữi đến chúng tôi). Nơi đây thiếu sự cởi mở và tính thẳng thắn, ngay cả tinh thần trách nhiệm và sư tương kính cũng vắng bóng trong những tranh luận có tính cách mở và công khai.

 

Vế phía cơ quan truyền thông như báo chí, báo Việt Luận ở Úc châu với chủ trương đề ra cho tờ báo là "cơ quan ngôn luận của người Việt tự do" đã tự ý cắt bỏ một câu trong bài viết "Thơ không niêm .. ." của chúng tôi (Chúng tôi nghĩ, nếu có khó khăn, thì đó là khó khăn cho những ai đang trục lợi dưới nhiều hình thức trên sự khốn khó của người dân và tình trạng chậm tiến của đất nước Việt Nam. Chính họ là những người đang "khó chịu" với những vấn đề mà chúng tôi nêu lên.) Khi được hỏi tại sao thì Việt Luận nại ra lý do là "lý do tôi bỏ vì câu đó, mặc dù không rõ ràng lắm- không liên quan đến nội dung tranh luận, và có tính áp đặt, gán ép. Nói rõ hơn, đó là một câu theo tôi nghĩ là chụp mũ". Xin để dư luận phê phán về hành động nầy.

 

Bài học chúng tôi rút tỉa được trong phần phân tích phản ứng của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại là chúng ta cần học tập thêm về tính dân chủ trong một xã hội pháp trị và phải có một tinh thần thỏa hiệp. Mọi khác biệt đều có thể được giải quyết thỏa đáng để tìm ra giải pháp hợp lý cho vấn đề hơn là khư khư giữ mãi quan điểm cố cựu là "được ăn cả, ngã về không". Có như thế, mới có cơ may thấy được tiến bộ trong quá trình đoàn kết và xây dựng cộng đồng.

 

Về phía quốc nội

 

Một số bạn bè cũ vẫn còn đang sinh hoạt chuyên môn ở Việt Nam, chúng tôi đã tiếp xúc được cũng chia xẻ mối quan tâm về vấn nạn ô nhiễm ở quê nhà. Họ càng khuyến khích chúng tôi đừng nản chí dù gặp bao trở ngại và chống đối mù quáng do ý thức hệ hay chỉ vì muốn bảo vệ cường quyền. Họ cũng khuyên chúng tôi nên cố gắng đào sâu thêm nữa để thu thập thêm nhiều dữ kiện để hy vọng có thêm những kết kuận chính xác hơn nữa.

 

Tuy nhiên, chính quyền, qua lời của phát ngôn nhân đã lên tiếng phản bác ngay sau khi bài báo ra đời và nói ngược lại. Nhưng chỉ một tuần lễ sau (do sự trùng hợp thú vị) Liên Hiệp Âu châu (Europe Union) đã ra thông cáo tịch thu các mặt hàng thủy sản chứa hóa chất độc hại và phạt nhà sản xuất US$7.100 cho mỗi thùng chứa (container); số tiền nầy dùng cho việc xử lý và đổ bỏ. Mặt khác, trên mạng lưới điện toán xuất pha`t từ Việt Nam (?), ông HV nào đó đã không tiếc lời mạt sát cá nhân chúng tôi (dĩ nhiên là xuyên tạc một cách trẻ con). Trên báo Tuổi Trẻ ngày 29/1/2002, cũng có những luận điệu tương tự.. .

 

Quả thật đáng buồn cho sự thiếu vắng tinh thần dân chủ trong một chế độ đang đi theo định hướng cứng ngắt và một chiều. Thêm nữa, thái độ nầy có thể khiến cho những người còn lưu tâm đến vấn đề Đất và Nước sẽ chùng bước lại trong cung cách đóng góp cho Việt Nam, nhất là trong những vấn đề có tầm vóc quốc gia. Hay hơn nữa, thái độ nầy càng đẩy thêm xa tiến trình về với quê hương của những người con Việt Nam ở hải ngoại.

 

Nhưng, xin cả quyết một lần nữa, những hệ lụy vừa kể trên sẽ không làm chúng tôi nãn lòng mà trái lại, càng khiến cho chúng tôi có thêm động lực mới để khai quang (chứ không phải khai "hoang") đại lộ dân chủ ở Việt Nam.

 

"Đường xa gánh nặng, kẽ sĩ cần có lòng quảng đại và tánh cương nghị". Đây là một câu trong luận ngữ cỗ, nhưng thiết nghĩ hơn lúc nào hết, câu trên quả thật rất thích hợp và thực tiển trong thái độ ứng xử của kẽ sĩ thời đại.

 

 

Mai Thanh Truyết

Little Saigon 1/3/2002

 

//////////////////////////////////////////////////