KINH   TẾ   TRI   THỨC

 

 

Trong khoảng thời gian gần đây báo chí ở hải ngoại và ngay cả trong nước đã nói nhiều đến một khái niệm mới: Nền kinh tế tri thức. Đặc biệt hơn nữa, một số hội thảo chuyên đề về kinh tế tri thức đã được các cơ quan chính quyền lưu tâm tận tình. Các trí thức cộng sản phản kháng cũng đã đưa ra nhiều nhận định khuyến cáo chính quyền cần phải phát triển đất nước theo tiến trình "kinh tế tri thức".

 

Cụm từ trên tuy có vẻ đơn giản nhưng các quốc gia Tây phương đã phải trải qua một tiến trình phát triển lâu dài trên căn bản một xã hội ổn định về kinh tế và chính trị. Sự ổn định xã hội đã được xây dựng trên nền dân chủ pháp trị. Do đó, tất cả những phát minh khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới đều được tập trung và đem áp dụng vào việc phát triển kinh tế quốc gia trong đó mạng lưới thông tin internet được khai triển tối đa.

 

Xin đan cử một số thành tựu của kinh tế tri thức áp dụng cho các nước Tây Âu và Hoa Kỳ. Các nhóm quốc gia Tây Âu đã giảm thiểu lượng lao động cho nông nghiệp xuống thấp hơn 10% của tổng số lao động trong nước mà vẫn tăng nông phẩm và lương thực cho toàn vùng, tạo thêm hàng triệu công việc khác ngoài nông nghiệp. Hoa Kỳ chỉ còn dưới hai triệu lao động cho việc sản xuất lương thực, giảm thiểu diện tích canh tác để tái tạo lại rừng do nhu cầu môi sinh đòi hỏi; trong lúc đó lượng nông phẩm tiếp tục gia tăng do việc áp dụng công nghệ mới vào việc trồng tỉa như lai giống, cấy hormone v.v... Với một lực lượng lao động dưới hai triệu trên mà vẫn có thể chu toàn lương thực không những cho 282 triệu nhân khẩu, mà còn xuất cảng đi khắp nơi trên địa cầu, có thể nói Hoa kỳ là một quốc gia tiên phong trong việc áp dụng kinh tế tri thức.

 

Việt Nam hiện tại với khoảng 70% dân số chuyên sống bằng nông nghiệp so với dân số chính thức là 77.685.500 theo thống kê năm 2000, xuất cảng đứng hàng thứ hai trên thế giới về gạo và cà phê; tiếp theo là các mặt hàng chính như dầu thô và cao su cũng chiếm vị trí quan trọng trong cán cân mậu dịch. Tuy nhiên , nếu lấy kỹ nghệ sản xuất dầu thô làm thí dụ; mặc dù không có số liệu chính xác nhưng có thể thấy ngay rằng mức thu nhập do việc sản xuất dầu thô sẽ không thể nào cân bằng được các chi phí nhập cảng xăng dầu, hóa chất cơ bản tiêu dùng trong nước. Việt Nam vẫn chưa có khả năng sản xuất một chiếc xe đạp tương đối hoàn chỉnh để khả dĩ có thể cạnh tranh với xe đạp Trung Quốc đang được nhập cảng lậu tràn ngập trong xứ...và làm tê liệt kỹ nghệ sản xuất xe đạp quốc doanh.

 

 

 

Hai thí dụ trên đã nói lên tình trạng phát triển "khập khểnh" của Việt Nam hiện tại. Dù vậy, trong buổi hội thảo về kinh tế tri thức do bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng bộ Ngoại giao đồng tổ chức gần đây có đề cao và cổ võ việc áp dụng tiến bộ mới nầy qua các tiến trình lý thuyết sau đây: "Chuyển đổi cơ cấu kinh tế", " tiến đến là sản xuất công nghệ và đem việc ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong mọi lảnh vực", "thiết lập mạn thông tin đa phương tiện phủ khắp nước". Để từ đó "thúc đẩy dân chủ hóa các hoạt động và tổ chức điều hành trong xã hội".

 

Trên đây, chúng ta đã thấy hai nghịch lý căn bản áp dụng cho trường hợp Việt Nam: thực tế và lý thuyết không tiến hành đồng bộ và hoàn toàn mâu thuẩn với nhau. Những cụm từ như  "sự sáng tạo", "đổi mới thường xuyên", "đi tắt, đón đường", "xã hội thông tin là một xã hội học tập", "phát triển nội lực" vẫn còn đầy rẫy trên báo chí quốc nội....nhưng cả nước chỉ có khoảng độ 80.000 người được nối vào mạng lưới thông tin internet trong đó đại đa số là cán bộ và nhân viên cao cấp.

 

Nói đến kinh tế tri thức mà không tạo điều kiện cho tuổi trẻ Việt Nam bắt kịp tuổi trẻ thế giới qua mạng lưới truyền thông là một việc làm vô ích.

Khuyến khích kinh tế tri thức mà vẫn xử dụng "tường lửa" để kiểm duyệt thông tin là một việc làm trái đạo lý là là một trọng tội đối với quốc gia. Thế hệ sau sẽ phán xét các hành động nghịch lý trên.

 

Hội KHKTVN

VAST-2003

//////////////////////////////////////////////////