CÂU CHUYỆN DA CAM / DIOXIN VIỆT NAM

 

 

Lời Kết Thúc Câu Chuyện Da Cam/Dioxin Việt Nam

 

 

 

Trong gần 10 năm qua, Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vietnamese American Science & Technology Society – VAST) đã theo dõi và đúc kết hồ sơ "Chất độc màu Da cam/Dioxin Việt Nam" trong một cuốn sách chúng tôi sắp sữa dự trù phát hành vào tháng 4 năm 2008. Chúng tôi cố gắng thu thập tài liệu, trình bày dữ kiện một cách trung thực và khách quan của giới khoa học và kỹ thuật chân chính cùng trao đổi với những nhà khoa học trong và ngoài nước trong tinh thần trọng khoa học và tương kính; tuy nhiên, chúng tôi thẳng thắn xác nhận rằng chúng tôi còn nhiều điểm hoàn tòan không đồng ý với những kết luận thiếu trong sáng trong kết luận.

 

Đối với Hội nghị Dioxin diễn ra tại Hà Nội năm 2002, chúng tôi đã được phái đoàn Hoa Kỳ mời tham dự qua Letter of Invitation, nhưng chúng tôi nhận thấy không thể tiếp tục làm thủ tục vì những phản bác khá nặng nề của phát ngôn viên Việt Nam thời bấy giờ (Phan Thuý Thanh) về một bài phỏng vấn chúng tôi do nhật báo Orange Counter Register thực hiện trước đó nói về tình hình ô nhiễm ở Việt Nam đã đến lúc báo động.

 

Đối với Tiến sĩ Wayne Dwernychuk, Giám Đốc Kỹ thuật Công ty Hatfiefd, Canada, chúng tôi đã góp ý và nêu lên những nghi vấn trong báo cáo dày trên 400 trang phối hợp với Ủy ban 10-80 của Việt Nam. Hai quan điểm bất đồng đã được phát biểu trên Đài Á Châu Tự Do (RFA) ở Washington.

 

Đối với Gíao sư Bác sĩ Mocarelli, Ý chúng tôi cũng đã thảo luận tường tận qua điện thư, điện thoại, và đường bưu chính về vấn nạn thay đổi giới tính qua ảnh hưởng của Dioxin.

 

Đối với Bác sĩ Schecter, một người tự nhận là cả đời nghiên cứu về chất Da cam ở Việt Nam, Khoa trưởng trường Y tế Công cộng Dallas, chúng tôi cũng đã nhiều lần tiếp xúc qua điện thư, điện thoại cùng tranh luận trên Đài Á châu Tự Do về sự bất đồng quan điểm trên cung cách lấy mẫu phân tích và kết quả phân tích các mẫu đo đạc. Một điểm cần lưu ý trong vấn đề nầy là trong suốt thời gian tranh luận, chúng tôi được một bác sĩ phụ tá của BS Schecter điện thoại với mục đích mời gọi sự tham gia "nghiên cứu chung" trong vấn đề ô nhiễm chất Da cam.

 

Đặc biệt hơn cả là đối với Tiến sĩ Stellman, Đại học Columbia. Bà đã nhận được ngân khoản 5 triệu Mỹ kim để nghiên cứu, tính toán qua tài liệu đã giải mã của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về Chiến dịch Ranch Hand mà chúng tôi cũng có trong tay. Sau hai năm nghiên cứu, kết luận của Bà là thiết lập một mô hình toán trên bản đồ địa lý trong những vùng đã được phun xịt trong thời gian chiến dịch và từ đó đưa ra những kết luận sau đây:

 

1- Tổng lượng Dioxin đã được rãi xuống miền Nam, không phải là 170 Kg Dioxin nguyên chất như đã được Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ ước tính mà là 336 Kg;

2- Và số lượng nạn nhân ước tính cho đến hôm nay (thời điểm 2003) là có thể lên đến 5 triệu(!). Dĩ nhiên là công bố của Bà đã được Việt Nam cổ võ tận tình.

 

Trở qua vụ kiện ở toà án Brooklyn, New York, chúng tôi được hân hạnh tiếp xúc với Luật sư chính của Công ty Dow Chemical Company, Steve Brock. Qua nhiều lần trao đổi qua điện thoại, điện thư, và cuối cùng Luật sư cùng một nhà độc tố học đã tiếp xúc trực tiếp với chúng tôi để tham khảo về những thông tin và quan điểm chúng tôi kết luận về vấn đề Da Cam ở Việt Nam. Và  trong phần phản biện sau cùng dưới tư cách bị đơn gữi đến ông Chánh án toà là Jack Weinstein, Dow Chemical  đã ghi nhận những lời góp ý và ghi tên chúng tôi vào phần nầy. Có lẽ nhờ đó, Toà đã huỷ bõ đơn kiện của Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam/Dioxin Việt Nam ngày 10 tháng 3 năm 2005.

 

Qua vụ kiện, cũng như qua các Hội nghị Quốc tế về Dioxin trong những năm về sau 2003, từ năm 2004 trở đi, cho đến năm 2007 tại Tokyo, hầu như tất cả những tham dự viên trong hội nghị đều tập chú vào phương pháp lấy mẫu để đo đạc, phương pháp đo đạc Dioxin và những Dioxin-tương đương như BCPs và Furans v.v…Phương pháp mới nhất dùng để phân tích Dioxin và BCPs là dùng cột phân tích chọn lọc "vi phân" (selective capillary column) và sử dụng pha phân cực cao (highly polar phase). Đây là một phương pháp tối tân nhất hiện tại để có thể tách rời Dioxin và các Dioxin-tương đương khác.

 

Một câu chuyện khá lý thú về Dioxin cũng xin được đan cử ra đây, đó là trường hợp đầu độc chính trị bằng Dioxin. Vào tháng 7 năm 2004, có một cuộc tranh cử Tổng thống giữa hai ứng cử viên Yanukovych thuộc Đảng Cộng sản Ukraina và Viktor Yuschenko, ứng cử viên độc lập. Trong một bữa tiệc giữa hai đối thủ, ông Yuschenko đã uống một ly sữa màu trắng. Vài ngày sau đó, ông bị nhiễm độc, bị đau lưng và tê liệt nửa bên mặt trái.. Chỉ một thời gian ngắn, mặt ông nổi lên sần sùi. Máu ông đã được mang đi thử nghiệm ở Áo. Kết luận của bác sĩ Micheal Zimpfer, Giám đốc bịnh viện Rudolfinehaus là: "Không còn nghi ngờ gì nữa, Ông Yuschenko đã bị đầu độc bằng Dioxin, và nồng độ Dioxin trong máu ông đã cao gấp ngàn lần nồng độ trung bình trong cơ thể một người dân bình thường". Tuy nhiên sau cùng, chứng bịnh mà ông vướng phải là chứng chloacnea (một loại mụn trứng cá), một chứng bịnh đã được chứng minh là do Dioxin gây ra. Ông đã được chữa trị và đã bình phục và hiện là Tổng thống của nước Ukraina.

 

Qua những câu chuyện và thông tin kể trên, chúng ta nhận thấy rằng, câu chuyện Dioxin ở Việt Nam trong một chừng mực nào đó chỉ là những thổi phồng của phía Việt nam về số liệu cũng như về con số nạn nhân. Con số nạn nhân ở Việt Nam đã thay đổi tuỳ thời diểm, và con số đó tiếp tục tăng dần theo thời gian cũng như số lượng trẻ em thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba sau chiến dịch Ranch Hand tăng mạnh lên. Điều đó chứng tỏ là phía Việt Nam có dụng tâm để hầu mong vận động sự đồng thuận của "bè bạn khắp năm châu" mà tăng áp lực chính trị lên vụ kiện để đạt được thắng lợi.

 

Nhưng điều đó tiếc thay đã không xảy ra. Trong buổi điều trần đầu tiên vào tháng sáu vừa qua tại toà Kháng Án Khu vực 2, New York, mặc dù có sự hiện diện của phái đoàn và nạn nhận chất Da cam đến từ Việt Nam, mặc dù có thêm sự hiện diện của một phái đoàn Bộ trưởng Việt Nam tham dự và đến từ cổng sau của toà án (vì tránh sự biểu tình đông đảo của người Việt hải ngoại chắn cửa trước của tòa án), Ông Chánh Án đã ra lịnh cho hai bên Nguyên và Bị đơn chỉ trình bày trong vòng nửa giờ mà thôi, dù bên phiá Việt Nam xin thêm 60 phút nữa. Đại diện của chính phủ Hoa Kỳ cũng chỉ có 30 phút để điều trần.

 

Phiên toà không có kết luận, và cũng im lặng không công bố gì cả cho đến hôm nay (thời điểm đầu năm 2008).

 

Tuy chưa có kết quả của phiên toà kháng án, chúng ta cũng hình dung ra được rằng đã có những chuyển biến về vấn đề nầy về phía Việt Nam. Có lẽ vì thấy không thể nào thắng được vụ kiện, Việt Nam, qua báo chí và qua một số nhân vật hải ngoại đã dóng lên tiếng nói trên truyền thông hải ngoại, nói lên quan điểm và thái độ hoà hoãn của mình. GS Tạ Văn Tài đã lên Đài BBC hai lần, nêu lên một số vấn đề nhân đạo, kêu gọi các quốc gia trên thế giới giúp đở Việt Nam trong vấn đề nầy cũng như giúp Việt Nam nghiên cứu thêm về những độc hại của những hoá chất bảo vệ thực vật sử dụng bừa bãi ở đất nước nầy trong việc phát triển nông nghiệp và kỹ nghệ, điều mà Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST) đã cố suý trước khi có vụ kiện xảy ra.

 

Còn về phía Hoa Kỳ, để tỏ thiện chí một cách gián tiếp các tổ chức thiện nguyện phi chính phủ (NGO) đã bắt đầu làm một vài cử chỉ than thiện trong vấn đề "xoa dịu nỗi đau da cam" của Việt Nam như Ford Foundation vừa mới viện trợ 70.000 Mỹ kim để xử lý ô nhiễm da cam tại một địa điểm gần phi trường Đà Nẵng, cùng hứa sẽ viện trợ nhiều hơn nữa ở những địa điểm ô nhiễm khác.

 

Từ 10 năm qua, tất cả các thành viên của VAST cố gắng phổ biến, trao đổi thông tin, cùng mở ra nhiều Hội thảo, Hội nghị để tham khảo và thảo luận về vấn đề Dioxin và chất Da Cam ở Việt Nam. Tiếng nói của Hội đã được chuyển tải qua truyền hình SBTN, Việt Nam Hải Ngoại trên khắp nơi. Truyền thanh cũng được phát đi thường xuyên qua các Đài như Á Châu Tự Do (RFA), Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Pháp Quốc tế (RFI), SBS (Úc), Đài Việt Nam Hải Ngoại khắp Hoa Kỳ, các Đài địa phương như Radio Bolsa, Washington,Tiếng Nước Tôi, Chân Trời Mới, Houston, Dallas, Philadelphia, New Orleans, v.v…

 

Câu chuyện Dioxin/DaCam Việt Nam ngày hôm nay có thể xem như đã chấm dứt, nghĩa là vụ kiện của Hội Nạn Nhân Chất Độc Da cam/Dioxin đã đi vào quên lãng. Vấn đề còn tồn đọng cần ghi nhận ra đây là Việt Nam cần phải can đảm chấp nhận tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam là một thực tế. Và tình trạng nầy theo một vài nhận định quốc tế là đã đến "điểm tới hạn" (threshold limit) rồi; nghĩa là đã đến lúc thiên nhiên không còn đủ khả năng để tự điều tiết và làm sạch môi trường tự nhiên được nữa. Hay nói một cách khác đã hết thuốc chữa!

 

Năm 2007, Liên Hiệp Quốc qua Chương trình Môi trường nhận định đất canh tác nông nghiệp ở Việt Nam đã cằn cỗi do việc khai thác bừa bãi và quá tãi cũng như ước tính hiện có khoảng 8 triệu mẫu đất đang bị hoang hoá và sa mạc hoá.

 

Phát triển là điều cần thiết của một quốc gia đang phát triển và nhất là đối với một quốc gia như Việt Nam vừa trãi qua một cuộc chiến dài đăng đẳng. Nhưng đó phải là một sự phát triển đồng bộ, hài hoà, và ứng hợp với chiều hướng phát triển toàn cầu; hay nói một cách khác, phát triển phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường.

 

Việt Nam đã không làm được điều đó từ khi bắt đầu mở cửa, chấm dứt thời kỳ bế quan toả cảng từ năm 1986 trở đi, Việt Nam đã để lỡ nhiều cơ hội cho quốc tế có thể giúp đỡ qua các viện trợ nhân đạo đặc biệt về tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em sau chiến tranh. Qua nhiều cuộc nghiên cứu quốc tế như UNICEF, Ngân hàng Thế giới, trẻ em Việt Nam trong giai đoạn đầu đời, thiếu nhiều vitamines cần thiết cho dinh dưỡng như các loại Vit B và acid folic.

 

Nếu nhận thức được điều nầy, con số trên dưới 5 triệu nạn nhân Việt Nam gán cho là nạn nhân của chất độc màu da cam sẽ không hiện diện trên dãy đất thân yêu của chúng ta ngày hôm nay nữa. Và sau cùng, câu chuyện Dioxin/Da cam chỉ là một luận cứ Việt Nam dùng đánh động dư luận thế giới trong mưu đồ chính trị hơn là nhân đạo.

 

Đã đến lúc Việt Nam cần phải nhìn nhận một thực tế đúng đắn rằng không có câu chuyện Dioxin/Dacam qua chiến dịch Ranch Hand mà phải giải quyết một sự thật hiển nhiên là tình trạng ô nhiễm môi trường và suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam. Đây mới là hai việc chính yếu mà Việt Nam cần phải thẳng thắn đối mặt và xác định ưu tiên cần phải làm trước hơn cả.

 

Và sau cùng, chúng tôi hoàn toàn đặt tin tưởng vào Tuổi Trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước, có thừa khả năng về chuyên môn cộng thêm một tâm lành trong sáng, đã và đang thể hiện tinh thần Quang Trung, sẽ giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường trong cả nghĩa bóng và nghĩa đen ở Việt Nam mà thế hệ cha anh để lại.  

 

Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST)

//////////////////////////////////////////////////