Góp Ý Về Việc Xử Dụng Hóa Chất Ở Việt Nam
Kể từ khi có chính sách đổi mới năm 1986, lượng hóa chất xử dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng tăng. Các loại hóa chất dùng cho nông nghiệp gồm: 1- phân bón chứa nitrogen, potassium, phosphor, calcium dưới dạng sulfate, phosphate, hay carbonate; 2- và các loại thuốc trừ sâu rầy, diệt cỏ dại, trừ nấm móc, v.v… .. có tên chung là "hóa chất bảo vệ thực vật".. Các hóa chất sau nầy thường xuất hiện dưới dạng hợp chất hữu cơ chứa chlor, phosphate, hay carbamate. Tuyệt đại đa số các hóa chất trên rất độc hại, làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lên con người gần 20 năm qua. Những vụ nhiễm độc được đăng tải trên báo chí ở Việt Nam hầu như xảy ra hàng ngày đã nói lên tình trạng trầm trọng của vấn đề.
Theo báo cáo mới nhất ngày 24/2/2003 cùa Viện Nghiên cứu Chulabhorn (Thai Lan) và Sở KH CN MT Hà nội dưới tựa đề "Những vấn đề độc học môi trường do xử dụng hoá chất ở Việt Nam" (Environmental Toxicological Problems Resulting from Chemical Uses in Viet Nam) cho thấy mỗi năm Việt Nam xử dụng đến 9 triệu tấn hóa chất thuộc 500 loại khác nhau. Tuy nhiên chỉ có 70 – 75% các loại hóa chất nầy được xác định với tên chính xác, còn lại là những hóa chất không rõ xuất xứ. Đối với các hóa chất bảo vệ thực vật, có trên 200 chủng loại dưới 700 nhản hiệu khác nhau, và có vô số hóa chất "không tên" vẫn được lưu hành rộng rãi trong thị trường. Đây là báo cáo được hai bên thực hiện do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) từ năm 1998 đến nay.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, lượng hóa chất bảo vệ thực vật được xử dụng ở Việt Nam lên tới 220.000 tấn trong năm 1998, trong đó phần lớn là thuốc trừ sâu và còn lại là trừ cỏ, trừ bịnh. Nhóm hữu cơ phosphate chiếm khỏang 56%, phổ biến nhất là Wolfatox và Monitor, một loại thuốc độc hại cho môi trường và con người. Thậm chí ở một số tỉnh như Hòa bình, Vĩnh phúc, Bắc thái, Tuyên quang, Yên bái thuốc trên còn được phun cho cây trà và thuốc lá.
Theo khuyến cáo của Cơ quan Lương nông Quốc tế (FAO) thì trên thị trường có hơn 30% hóa chất bảo vệ thực vật không đáp ứng được tiêu chuẩn yêu cầu và chứa nhiều tạp chất độc hại cũng như có rất nhiều hóa chất đã bị cấm xử dụng trên thế giới. Việt Nam là một thành viên đã phê chuẩn danh sách hoá chất độc hại trong đó có DDT, Furan, và PCB thuộc nhóm "hóa chất dơ bẩn" ( các chất gây ơ nhiễm hữu cơ khó phân hủy) đã được ký kết qua Công ước Stockholm (Thụy điển) vào tháng 7/ 2002. Việt Nam cũng vừa được UNDP hổ trợ kỹ thuật và tài chính trị giá US$500.000 để giúp thực hiện Công ước Stockholm nầy nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của các loại hóa chất độc hại đối với môi trường và sức khgỏe của con người. Việt Nam cũng là thành viên trong Hiệp ước Rottedam (Rottedam Convention-Hòa lan) về sản xuất và trao đổi các hoá chất độc hại trên quốc tế. Bộ Y tế Việt Nam cũng có niêm yết các loại hóa chất bị cấm xử dụng trong nông nghiệp và gia đình.
Tuy nhiên, mặc dù có những điều cấm kỵ trên, nông dân vẫn tiếp tục xữ dụng bừa bãi tất cả mọi hóa chất mà họ có trong tay. Thậm chí những loại hóa chất nhập cảng lậu bị tịch thu cũng được "cán bộ quản lý" tiêu lòn và tung ra thị trường nông nghiệp.
Theo ước tính, hàng năm thế giới tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn thuốc bảo vệ thực vật đủ loại và là một nguồn lợi rất lớn cho những quốc gia sản xuất. Chỉ tính riêng cho ba hảng hoá chất lớn ở Hoa kỳ là Monsanto, Dow, và DuPont, năm 2000 họ thu về tổng cộng là 8,667 tỷ Mỹ kim chỉ tính riêng cho hóa chất bảo vệ thực vật mà thôi. Trung hoa là quốc gia thứ nhì trên thế giới sản xuất 424.000 tấn cho năm 2000. Mặc dù DDT đã bị cấm sản xuất và tiêu dùng trên thế giới nhưng Trung hoa, Mể tây cơ, Aán độ, và Ý đại lợi là những quốc gia còn lại vẫn tiếp tực sản xuất bất chấp lịnh cấm của LHQ.
Ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật được xử dụng riêng rẽ hoặc dưới dạng hổn hợp (cocktail) để tăng cường độ độc chất của thuốc trước sức đề kháng của sâu rầy... DDT được coi nhu là tác nhân chính trong nhiều hổn hợp trên. Thí dụ: hổn hợp DDT, Thiodan (hay Endosulfan) và Folidol (Methyl Parathion) thường hay được pha chế để trừ sâu cuốn lá và các côn trùng khác. Ngoài việc dùng hóa chất cho nông nghiệp, nông dân còn xử dụng các thuốc bảo vệ thực vật trong việc săn bắt tôm cá nữa(!)
Sau đây là danh sách một số hóa chất độc hại được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam: DDT, Folodol, Mevinphos, Dichlovos, Carbofuran, Methamidophos, Endosulfan (hay Thiodan), Diazinon, Glycosate (hay 2,4-D), Diazonin, Chlopyrifos, Zinc Phosphide, Paraquat, Aluminum Phosphide.
Do đó, nguy cơ ô nhiễm môi trường sống ờ Việt Nam cho đến ngày nay không còn là một sự kiện cần phải bàn cải. Đây là một nguy cơ thực sự mà Việt Nam cần phải đối mặt và giải quyết tức thời. Trước việc các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất cảng ra ngoại quốc tiếp tục bị trả hàng loạt vì có dung lượng hoá chất cao hơn quy định, và sản phẩm tiêu dùng trong nội địa bị nhiễm độc thường xuyên, viễn ảnh một nền kinh tế què quặc trong tương lai chắc chắn sẽ phải xảy ra mà thôi.
Vì vậy, cần phải có cái nhìn chính xác hơn về việc xử dụng hóa chất trong nông nghiệp.
Hậu quả của việc áp dụng hóa chất không thích hợp
Việc áp dụng hóa chất bảo vệ thực vật không đúng cách (đúng liều lượng thích hợp), không đúng đối tượng (sâu rầy.. .), và không đúng thời gian là ba yếu tố làm cho:
· Môi trường thoái hóa nhanh;
· Hiệu quả kinh tế trong sản xuất thấp;
· Và sức khoẻ của nông dân bị ảnh hưởng vì không có biện pháp phòng bị an tòan khi tiếp cận với hoá chất.
Một thí dụ trong việc trồng lúa. Nông dân thường có thói quen phun xịt đồng ruộng trong tháng đầu tiên sau khi gieo mạ. Điều nầy chẳng những không cần thiết mà ngược lại việc làm nầy tiêu diệt các loại côn trùng "bạn" có khả năng diệt trừ sâu rầy. Thêm nữa, việc phun xịt sớm chỉ tiêu diệt được sâu rầy trưởng thành nhưng không diệt được các trứng của chúng. Theo ước tính Việt Nam đã xử dụng 42% trên tổng số thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt sâu cuốn lá, nhưng nghiên cứu đã cho thấy rằng cây lúa dù mất đi 50% lá vẫn giữ nguyên năng suất lúc ban đầu. Viện Đại học Cần thơ và IRRI (Philippines) đã chứng minh từ năm 1995 rằng việc xịt thuốc trừ sâu cuốn lá là điều không cần thiết nữa. Thêm nữa, nếu kễ chi phí y tế của nông dân vào việc sản xuất thì việc xử dụng hoá chất bảo vệ thực vật là một việc làm không hiệu quả kinh tế.
Vì các lý do trên, những quốc gia sản xuất nông nghiệp trên thế giới đều có khuynh hướng giảm thiểu tối đa việc dùng hóa chất.
Quản lý toàn diện sâu rầy – Trường hợp Nam dương
Nam dương là một quốc gia nông nghiệp lấy việc trồng lúa làm nền tảng cho phát triển quốc gia để hy vọng tiến đến việc tự túc lương thực. Từ năm 1986, Tổng thống Suharto đã lấy quyết định nghiêm cấm xử dụng 28 loại hoá chất bảo vệ thực vật đặc biệt cho kỹ nghệ trồng lúa. Thành quả trước tiên là, từ 1986 đến 1989, Nam dương đã khỏi phải tiêu tốn hàng năm 100 triệu Mỹ kim qua Quỷ bảo trợ nông nghiệp cho nông dân trong việc dùng các hoá chất trên.
Thêm nữa, chính quyền Nam dương nâng chính sách "Quản lý tòan diện sâu rầy" (Integrated Pest Management) làm quốc sách, như thiết lập các trường huấn luyện nông dân với mục đích nâng cao kiến thức cho nông dân trong việc xử dụng hóa chất. Kết quả là hiện tại Nam dương có hơn một triệu nông dân "chuyên nghiệp" tốt nghiệp ở các trường đào tạo nầy, và hầu như làng nào cũng có một hay nhiều nông dân chuyên nghiệp. Từ đó, trình độ hiểu biết về canh nông của nông dân được tăng thêm qua sự hướng dẫn của "nông dân chuyên nghiệp" trên. Mục tiêu của các trường huấn luyện là: 1- khuyến cáo nông dân xử dụng càng ít hóa chất càng tốt, 2- nếu cần xử dụng thì phải xử dụng có hiệu quả. Do đó, năng xuất trồng trọt tăng cao và việc cải thiện đời sống kinh tế của nông dân cũng tăng theo sau đó.
Sau mười năm áp dụng, Nam dương thu thập được những kết quả sau đây:
· Việc xử dụng thuốc bảo vệ thực vật hầu như chấm dứt trong việc trồng lúa;
· Năng suất lúa gạo tăng 10%;
· Chi phí y tế do bị nhiễm độc giãm từ khi áp dũng chính sách Quản lý tòan diện sâu rầy.
Do đó bài học của Nam dương trên đây cũng đáng cho Việt Nam suy gẫm.
Từ mô hình cân bằng giữa quản lý môi trường và phát triển quốc gia của Chí lợi mà ngườiviết đã trình bày vào năm 2002, Nam dương đã mở ý cho chúng ta khái niệm về Quản lý tòan vẹn sâu rầy trong nông nghiệp. Hay rốt ráo hơn nữa là cần phải giãm thiểu việc xử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Có thể nói, Việt Nam là một quốc gia đã xử dụng một sản lượng hóa chất quá liều lượng so với diện tích đất trồng trọt. Từ năm 1992 đến 1994, hàng năm Việt Nam đã nhập trên 200.000 tấn DDT từ Nga sô cho mục tiêu diệt trừ bịnh sốt rét và trừ sâu rầy.
Qua các nhận định trên, dù muốn dù không Việt Nam cũng phải chuyển đổi quan niệm về phát triển và sản xuất cho phù hợp với tiến trình phát triển bền vững tòan cầu và bảo vệ môi trường. Các biện pháp sơ khởi được đề nghĩ sau đây nhằm mục tiêu tận dụng thiên nhiên, áp dụng chu kỳ của sinh-thực-động vật để phát triển nông nghiệp và giãm thiểu tối đa việc xử dụng các hóa chất độc hại. Liên hiệp quốc vẫn thường xuyên cổ võ việc trồng trọt dựa theo yếu tố thiên nhiên để không làm đão lộn hệ sinh thái nông nghiệp (agro-ecosystem), và khuyến khích áp dụng cơ chế kiểm soát sâu bọ tự nhiên (natural pest control mechanism).
Kỹ nghệ lúa gạo
Trong việc trồng lúa, nông dân cũng nên thẩm thấu các khái niệm mới (đúng đắn) để dứt khoát thay đổi cung cách và quan niệm cổ điển do việc không được huấn luyện đúng cách, và có những thông tin sai lạc nhất là việc xử dụng hóa chất trừ sâu rầy.
· Diện tích đất trồng trọt và môi trường: Trước kia, khi chưa có vấn nạn gia tăng dân số, mô hình điển hình cho một gia đình nông dân là một miếng ruộng, một miếng vườn nhỏ có cây bao bọc chung quanh nhà. Đây là mô hình lý tưởng cho quan niệm môi sinh mới. Nơi đây có chu kỳ sinh-diệt tự nhiên của ếch nhái, muỗi mòng, chim chót, nhện, rắn, chuột, và một số côn trùng khác. Các loại kễ trên tiêu diệt lẫn nhau tạo ra một sự cân bằng sinh thái mà không cần thiết phải bón phân hay dùng thuốc bảo vệ thực vật. Đây cũng là một mô hình lý tưởng cho việc phát triển bền vững.
· Kiểm soát sâu rầy bằng sinh vật: Theo nguyên tắc tự nhiên, bất kỳ một loài sinh vật nào cũng có một loài khác cấm kỵ. Do đó nông dân cần phải đủ trình độ (được huấn luyện) để nhận diện các loại côn trùng, thấu hiểu cung cách ăn uống hay săn mồi của chúng để từ đó dùng các loại thích ứng để bảo vệ mùa màng. Thí dụ như các loại côn trùng cánh cứng (lady beetles), nhện đồng (wold spiders)….. có thể tiêu diệt được sâu rầy ăn lá lúa.
· Kiểm soát cỏ dại: Cần nên giải quyết vấn đề nầy trước khi bắt đầu một chu kỳ trồng trọt mới. Các biện pháp cơ học như lật đất, nhổ cỏ, hay thiêu đốt là phương pháp đúng đắn để bảo vệ và làm tăng năng suất cây trồng hơn là dùng thuốc diệt cỏ dại.
· Chọn giống lúa có khả năng đề kháng sâu rầy cao, kiểm soát hạt giống: Hạt giống cần được bảo quản kỹ lưỡng, thoáng khí và khô. Năng suất có thể tăng thêm 10% với hạt giống tốt.
· Thời gian xử dụng thuốc trừ sâu rầy: Dù muốn dù không cũng cần phải dùng một số thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên phải cần xử dụng đúng nơi, đúng lúc. Kenneth Fisher thuộc viện IRRI khuyến cáo là nên bắt đầu xịt thuốc trừ sâu rầy 40 ngày sau khi gieo mạ. Nếu làm sớm hơn, các loại côn trùng "hữu ích" chưa đủ sức đề kháng sẽ bị tiêu diệt cùng một lúc với sâu rầy, và sẽ không còn đủ số lượng để tiêu diẹt sâu bọ còn sống sót sau cơn phun xịt. Nên nhớ trứng sâu bọ sẽ không bị hủy diệt nếu phun xịt sớm.
· "Con cá ôm cây lúa": Mộât chính sách đề ra cách đây 5 năm của Việt Nam đã thất bại là chính sách "con tôm cây lúa", chính sách "con cá ôm cây lúa" đề ra đây sẽ giúp cho nông dân vừa tăng năng suất lúa lại có thêm nguồn protein động vật phụ trội. (Vào những năm 1980-81, trong khi còn kẹt lại ở Việt Nam, người viết đã từng sống ở một miền quê. Trong khoảng thời gian nầy, sau mỗi cơn mưa, chúng tôi đi "đặt thời" và đã thu nhặt được rất nhiều tôm (tép) cá.. .. Mãi đến sau nầy, qua người thân còn ở lại nơi đây, vì lượng thuốc trừ sâu rầy bị xử dụng bừa bãi cho nên không còn thấy bóng dáng cá tôm trong thữa ruộng khi xưa nữa). Đây là một mô hình tự nhiên đã ăn sâu vào đời sống các dân tộc vùng Đông Nam Á hơn 2000 năm qua.
Chu kỳ tự nhiên như: Cá ăn trùng, ốc, sâu bọ, và các loại rong thuộc loại cỏ dại mềm (soft weeds) (dân Đức Hòa-Hậu nghĩa gọi là "hẹ ruộng"). Một số côn trùng trong ruộng cũng là mồi ngon cho cá như bọ lá (leaf hooper). Và để trả lại cho thiên nhiên, cá thải hồi phân và cung cấp nguồn nitrogen, phosphor quan trọng cho đất. Do đó, việc xử dụng phân bón cũng được giãm thiểu.
Thêm nữa, nếu ruộng được dẫn thủy nhập điền đúng cách và đúng chu kỳ, mô hình nầy có thể làm tăng năng suất lên đến 25-30% không kễ nguồn đạm chất (do cá cung cấp) có thêm sau mùa gặt.
Kỹ nghệ rau xanh
Việc xử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong kỹ nghệ rau đậu rất cao so với việc trồng lúa. Theo Cơ quan Lương nông quốc tế (FAO), một mẩu lúa chỉ cầm 1 – 2 lít thuốc, trong lúc đó một mẩu đất trồng hoa màu cần đến 72 lít. FAO khuyến cáo là nên kiểm soát sâu rầy bằng sinh vật hơn là dùng liều lượng thuốc mạnh hơn khi sức đề kháng của sâu rấy lên cao.
Tại Việt Nam, sở dĩ mức nhiễm độc hóa chất ở thực phẩm cao là vì:
· Liều lượng xử dụng quá nhiều và không đúng cách;
· Khoảng thời gian thu hoạch và chuyển tải ra thị trường quá ngắn;
· Thực phẩm thu hoạch không được tẩy rữa kỹ lưỡng trước khi được tiêu thụ.
Thay lời kết
Khoa học đã chứng minh một cách rõ ràng là các loại thuốc bảo vệ thực vật dù dưới dạng hữu cơ chứa chlor hay phosphate đều là những hóa chất độc hại làm ô nhiễm môi trường. Đó là nguyên nhân của rất nhiều "bịnh lạ" xảy ra ở Việt Nam như: dị hình dị dạng, cơ thể bị liệt, hệ thống thần kinh không hoạt động bình thường, thiếu một bộ phận trong cơ thể, ung thư, hệ thống nội tiết bị đão lộn v. v.. . Do đó, hạn chế việc xử dụng hóa chất trên cho nông nghiệp cần phải được đẩy mạnh tối đa.
Với 9 triệu tấn hóa chất độc hại tiêu thụ hàng năm không kễ một số lượng lớn ước tính hàng triệu tấn được nhập cảng lậu từ Trung hoa và Thái lan, Việt Nam hiện tại lại phải đối mặt với hai vấn nạn lớn: môi trường thoái hóa nhanh, và sức khỏe nông dân bị đe dọa trầm trọng. Thêm nữa, việc phát triển xã hội không cân đối, nhất là trong lãnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và chăn nuôi càng làm cho hệ sinh thái bị hủy diệt mau hơn. Và điều sau nầy đã vô tình đi ngược lại nguyên tắc phát triển bền vững do LHQ đề ra qua Nghị trình-21.
Cân bằng phát triển xã hội và bảo vệ môi trường qua bài học của Chí lợi cùng với chính sách quản lý tòan vẹn sâu rầy của Nam dương là hai bài học lớn Việt Nam cần phải áp dụng vào điều kiện xã hội hiện tại trước vấn nạn gia tăng dân số và việc giải quyết vấn đề gia tăng lương thực cho quốc gia. Do đó, giãm thiểu tối đa việc dùng hoá chất bảo vệ thực vật là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của nông dân bằng cách giãm thiểu nguy cơ bị nhiễm độc, và nhất là không lệ thuộc vào nguồn hóa chất phải nhập cảng hàng năm.
Tăng gia diện tích trồng trọt để có đủ lượng thực phẩm cần cho chỉ tiêu "xuất khẩu" chỉ làm cho môi trường thoái hóa thêm mà đời sống nông dân vẫn không được cải thiện đúng mức.
Xin hỏi, lợi nhuận hay ngoại tệ nặng có được do việc xuất cảng hàng triệu tấn gạo có cân bằng được số lượng ngoại tệ phải chi ra để đổi lấy phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hay không? Hay đó chỉ là giải đáp của bài tóan giải quyết hàng triệu lao động nông dân có việc làm để đổi lấy một đời sống "con trâu với cái cày" và những di hại không thể lường được cho sức khỏe trong tương lai?
Mai Thanh Truyết
2005