Mai Thanh Truyết
Theo tin tức mới nhất trong 6 tháng đầu năm 2007, Trung Quốc đã có mức phát triển vượt bực là 9,0%. Như vậy, trong vòng 10 năm trở lại dây Trung Quốc đã tăng vọt mức phát triển đều đặn từ 8% trở lên, nâng lợi tức đầu người hiện nay lên đến khoảng 1.470 Mỹ kim hàng năm. Từ kết quả này, một số nhận định trên nhiều góc độ khác nhau phản chiếu lên nhiều lãnh vực kinh tế-chính trị- xã hội; do đó, đã soi rọi cho chúng ta thấy thêm được nhiều khía cạnh tích cực và tiêu cực trong xã hội Trung Quốc, một quốc gia đông dân nhất trên thế giới.
Một vài con số thống kê sau đây nói lên tính cách nghiêm trọng của vấn đề phát triển hiện tại của Trung Quốc để đạt được mức lợi tức đầu người vừa kể trên. Theo ước tính của Mathew Reese trong khi khảo sát về 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, Trung Quốc đã chiếm kỷ lục với con số 16 thành phố. Trên 60% nước sông trên toàn quốc Trung Quốc không còn khả năng cung cấp nước uống cho người dân.
Về ô nhiễm không khí và khí carbonic phát thải, nguy cơ chính làm tăng sự hâm nóng toàn cầu, vào năm 2009, mức phát thải CO2 của Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ. 84% tổng dân số Trung Quốc thở không khí độc hại, nun nhân của trên 400 ngàn người chết hàng năm.
Về khía cạnh tích cực, so với sức tăng trưởng trong 10 năm qua, Trung Quốc đã một phần nào giải quyết nạn xoá đói giảm nghèo cho khoảng 50 triệu cư dân căn cứ theo thống kê. Nhưng ngược lại tình trạng phát triển vượt bực trong thời gian qua đã làm cho xã hội Trung Quốc phải đối mặt với hai vấn nạn nghiêm trọng hơn và có thể đưa đến những xáo trộn chính trị của đất nước này trong một tương lai không xa. Đó là:
Khoảng cách giàu nghèo ở nước này ngày càng cách xa giữa tầng lớp được ưu đãi và tuyệt đại đa số những người dân cùng khổ vì chính sách phát triển không cân bằng với việc bảo vệ môi trường, chính điều này có thể khơi mào cho những bất ổn xã hội do người dân đứng lên;
Mức phát triển trên đã gây ra nhiều vấn nạn môi trường, mà hậu quả là hiện tại, trên cùng khắp các nơi đã thiết lập những khu công nghiệp của Trung Quốc đều vấp phải sự chống đối trực tiếp của người dân địa phương.
Bài viết này có mục đích tập trung vào việc quan sát và phân tích tình trạng ô nhiễm môi trường của quốc gia Trung Quốc, hậu quả tất nhiên của sự phát triển bừa bãi và không kế hoạch bảo vệ môi trường. Các tiến độ và cường độ của các cuộc biểu tình, những sự chống đối tự phát của người dân Trung Quốc có thể làm cho chúng ta có cái nhìn xuyên suốt và chính xác hơn về chính sách phát triển cũng như tình trạng bất ổn của xã hội này.
Sự đề kháng của người dân Trung Quốc
Trước tình trạng phát triển ồ ạt và không có sự cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường, Trung Quốc đã tạo dựng song hành ngoài những thành quả kinh tế đã đạt còn có một tình trạng môi trường xuống cấp ngày càng tệ hại. Theo ước tính của các chuyên gia môi trường thuộc Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), chi phí cần thiết để sửa chữa hay hạn chế những vấn nạn môi trường xảy ra trong quá khứ và hiện tại là 7% của ngân sách hàng năm của nước này.
Từ đó, người dân sống ở đồng quê, nông dân, những người chăn nuôi, trồng trọt... ngược lại không thừa hưởng được những phúc lợi đến từ phát triển mà phải chịu thêm nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của môi trường. Cho nên, họ đồng loạt đứng lên đòi hỏi nhà cầm quyền Trung Quốc phải cải thiện và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, đất đai, và nhất là nguồn nước mặt và nước ngầm.
Họ không cóng gì để mất. Sự can đảm nhờ đó tăng lên cao. Điển hình nhất là cuộc nổi dậy của dân làng Huaxi, ngoại ô thành phố Dongyang, thuộc tỉnh Zejiang (Tứ Xuyên) vào tháng tư vừa qua. Cuộc nổi dậy chống lại cảnh sát hiện vẫn còn đang tiếp tục mặc dù nhà cầm quyền địa phương đã quyết định di dời khu sản xuất công nghiệp tại làng này. "Chúng ta hãy chiến đấu cho đời sống, cho sức khoẻ của con cháu của chúng ta. Chúng ta hãy bảo vệ ruộng lúa và vườn rau cải trong làng". Đó là khẩu hiệu và là một chứng liệu cho sự quyết tâm của dân làng Huaxi.
Trên toàn lãnh thổ Trung Quốc qua cuộc khơi mào của dân làng Huaxi đã bộc phát và trở thành một hiện tượng toàn quốc mặc dù các vụ nổi dậy đã xảy ra từ hơn 10 năm qua, nhưng cường độ cũng như tầm ảnh hưởng không lan rộng và có tính cách quốc gia.
Theo TS Li Lianjiang, chuyên gia chính trị học nghiên cứu về sự phản kháng của nông dân thuộc viện đại học Baptist Hong Kong, thì từ năm 1993 trở đi, trung bình có 10 ngàn vụ nổi dậy của người dân phản kháng nhà cầm quyền trên nhiều khía cạnh khác nhau. Các cuộc phản kháng này được nhà cầm quyền Trung Quốc gán tên là "những xáo trộn công cộng". Con số này đã tăng bất ngờ trong năm 2004, lên đến 74 ngàn vụ, trong đó nông dân đứng lên để đòi hỏi cải thiện môi trường, được đền bù tương xứng trong các chương trình di dời nhà cửa, đất đai của người dân để xây dựng cơ xưởng kỹ nghệ quốc doanh hay cho ngoại quốc đầu tư. Vào năm 2005, số vụ biểu tình tăng lên 87.000 vụ. Điều nầy cho thấy sự bất ổn xã hội là một thực tế và có nguy cơ tăng trường nhanh chóng trong thời gian sắp tới.
Đứng trước tình thế trên, nhà cầm quyền trung ương dường như đang bị phân tâm trước việc giải quyết những yêu cầu môi trường của nông dân. Một là dựa trên nguyên tắc bảo vệ môi trường, và yêu cầu thiết yếu của người dân là chính đáng và cũng là một động cơ giúp nhà cầm quyền nhận thức rõ được nơi nào cần phải lưu tâm trước những sự lạm dụng môi trường của địa phương. Thứ nữa, sự lo ngại của trung ương về những bất ổn chính trị qua các vụ nổi dậy của nông dân. Do đó, tuỳ theo trường hợp, Trung Quốc vừa đàn áp nổi dậy vừa lắng nghe để giải quyết những vấn đề của người dân nêu ra.
Câu chuyện một dòng sông
Sông Shaying, một phụ lưu của sông Huai chảy qua tỉnh Henan (Hồ Nam) miền trung Trung Quốc. Qua nhiều năm, Huo Daisan, một nhà môi trường học và cũng là một cổ động xã hội đã nhận định rằng con sông này là nguyên nhân của hàng ngàn trường hợp ung thư của dân làng sống dọc theo hai bên bờ sông. Theo báo cáo, đã có 118 dân làng Huang Meng Ying đã chết vì ung thư trên tổng số 2.600 cư dân từ năm 1990. Tin tức này đã được đưa lên hàng đầu của báo New York Times mùa thu năm 2004 cũng như truyền hình Trung Quốc đã báo động nhiều kỳ sự việc này.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Trung Quốc chỉ đáp ứng sơ sài qua vài mẫu nước sông để phân tích kiểm nghiệm mà thôi. Rồi im lặng hẳn! Còn dân làng phải tiếp tục chiến đấu với những cơn bịnh nghiệt ngã cùng với những món nợ khổng lồ do chi phí y tế. Huo đã vận động thành công việc thành lập Hội Bảo Vệ Sông Huai (Huai river protectors) hầu hy vọng gây được sự chú ý về vấn nạn trên đến nhà cầm quyền trung ương và địa phương.
Từ năm 1998 trở đi, ông tiếp tục chụp ảnh và báo động cho dân làng tình trạng cập nhật của dòng sông. Vào tháng 7 năm 2002, trước khi ông Xie Zhenhua, Trưởng Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia thời bấy giờ viếng thăm sông Huai, Huo rất ngạc nhiên khi thấy nước sông sạch và trong hơn. Nhưng ngay sau khi cuộc viếng thăm chấm dứt, dòng sông trở nên đen xậm ngay à luôn luôn có một lớp bọt màu tím hiện diện ở trên mặt nước. Vào năm 2000, 6 nông dân bị trợt té ở ống cống thông ra dòng sông Huai và bị chết ngay sau đó.
Nguyên nhân chính của việc biến sông Huai thành dòng sông đen là do công ty Lianhua Group, một công ty lớn nhất thế giới sản xuất bột ngọt, hợp doanh cùng với công ty Aginomoto của Nhật Bản. Công ty sử dụng hàng trăm ngàn công nhân, nằm trên thượng nguồn của sông Huai. Năm 2003, công ty đã bị phạt 1,2 triệu Mỹ kim, nhưng tình trạng vẫn không thay đổi cho đến hiện tại vì chính phủ trung ương đã đầu tư không nhỏ vào chính công ty này.
Trường hợp Việt Nam
Nhìn lại Việt Nam, chỉ riêng tại các tỉnh miền Bắc trong sáu năm qua có trên 365 đợt gồm hơn 22 ngàn nông dân lên Hà Nội dựng lều, bám trụ gây sức ép về an ninh và trật tự xã hội ở thủ đô. Điều này chưa hề xảy ra trong suốt gần 50 năm cầm quyền của nhà nước CS VN trước đây. Điều này cũng nói lên được những bất ổn xã hội đã bắt đầu manh nha từ những năm gần đây. Và nông dân VN, những người thấp cổ bé miệng, hiện nay đã biết đứng lên đòi được đối xử công bình hơn. Đây là một hiện tượng lớn chúng ta cần quan tâm. Và đây cũng là bước đầu cho tiến trình dân chủ hoá của VN , một bước tiến tuy chậm nhưng sẽ là những bước vững chắc ngõ hầu mang lại bầu không khí tự do cho toàn thể người dân đang sống trong sự kền kẹp của chế độ. Các vụ khiếu kiện ở Việt Nam ngày càng tăng từ Hà Nội đến Sài Gòn, và lan dần đến các tỉnh ở ĐBSCL. Trong giai đoạn này, có thể nói đây là bước ngoặt mới cho tiến trình dân chủ ở Việt Nam.
Còn câu chuyện của dòng sông Huai, cũng không khác câu chuyện của dòng sông Biên Hoà tại nơi nhà máy sản xuất bột ngọt và hoá chất cơ bản của công ty Vedan, một công ty do Đài Loan làm chủ. Năm 1997, công ty này đã được Sở Môi trường thành phố Sài Gòn đề nghị đóng cửa, nhưng tình trạng vẫn không thay đổi và nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất mạnh và liên tục cho đến ngày nay. Phế thải lỏng vẫn tiếp tục đi vào dòng sông và phế thải rắn vẫn đi "chu du" khắp nơi thậm chí lên tận Tây Ninh và đã bị địa phương làm biên bản. Nhưng đâu cũng vào đấy. Ngay chính tuần báo nổi tiếng của Hoa Kỳ là Chemical Engineering News thời bấy giờ cũng đã loan tin và hình ảnh đầy đủ vấn nạn ô nhiễm dòng sông trên.
Ảnh hưởng của các cuộc nổi dậy
Có hai ảnh hưởng quan trọng cần nêu ra đây: ảnh hưởng lên kinh tế và đầu tư ngoại quốc và ảnh hưởng đến những xáo trộn xã hội và chính trị tại Trung Quốc, kết quả của các cuộc đấu tranh của nông dân.
Trước sự gia tăng các cuộc phản kháng của người dân, những nhà đầu tư ngoại quốc nhất là trong kỹ nghệ hoá chất bắt đầu chùng bước trong việc thiết kế và đầu tư vào quốc gia này trong vài năm trở lại đây. Đối với những nhà đầu tư ngoại quốc họ rất chú tâm đến việc xử lý chất thải rắn và lỏng cũng như kiểm soát việc ô nhiễm không khí một khi đã xây dựng nhà máy tại quốc gia nầy. Do đó, với tầm nhìn chung, họ cũng mong mỏi các nhà đầu tư nội địa cũng phải đặt ngang tầm bảo vệ môi trường và sản xuất để hy vọng làm dịu bớt phản kháng của người dân.
Tuy nhiên các suy nghĩ tích cực trên không có cơ sở đứng vững trong trường hợp áp dụng cho Trung Quốc vì không thể nào có một sự bình đẳng trong việc áp dụng luật lệ môi trường giữa các công ty ngoại quốc và quốc nội. Chính vì luật môi trường Trung Quốc còn quá nhiều điểm mơ hồ (mà luật môi trường Việt Nam cũng chẳng khá gì hơn) cho nên cán bộ địa phương tuỳ tiện suy diễn và thi hành, nhất là khi có "thủ tục đầu tiên" của người bản xứ thì mọi trở ngại về giấy phép như thủ tục lập Biên bản tác động môi trường cho một cơ sở mới thành lập sẽ được thông qua dễ dàng cũng như giấy phép hoạt động. Do đó, các công ty ngoại quốc hiện tại rất e dè trong việc đổ thêm đầu tư vào quốc gia này.
Đứng về mặt xã hội, ngày càng có thêm nhiều chỉ dấu về các xáo trộn xã hội ở những nơi có khu công nghiệp hình thành. Các xáo trộn càng trở nên bạo động hơn trong việc tranh chấp đất đai của người dân vì được bồi thường không xứng đáng với giá trị đã có của người dân; cũng như việc đòi hỏi chính đáng của họ là các khu công nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của luật bảo vệ môi trường trong sản xuất. Do đó, người nông dân Trung Quốc ngày càng nghèo them vì diện tích đất còn lại đã bị thu hẹp và không còn cho năng suất cao nữa vì môi trường đã bị ô nhiễm. Tiếc thay, trung ương không có biện pháp mạnh mẽ để giải quyết vần đề và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia không đủ quyền lực để sửa chữa những sai trái của địa phương. Do đó, tình trạng bất ổn ngày càng lan rộng, báo hiệu cho một tương lai không mấy sáng sủa cho Trung Quốc trong những ngày sắp tới.
Thay lời kết
Trung Quốc đã thấy và thấy rất rõ những thách đố của người dân và các xáo trộn xã hội vừa kể trên. Nhưng nhà cầm quyền đã có phản ứng trong những ngày gần đây như thế nào? Thay vì lựa chọn con đường phát triển bền vững, ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hoá như phát triển phải đi song hành với việc bảo vệ môi trường ngõ hầu xoa dịu được các phản kháng của người dân. Ngược lại, Trung Quốc lại chọn con đường "đàn áp" dưới nhiều hình thức như:
Từ mùa hè năm 2005, đảng CS Trung Quốc ra lệnh tất cả các cơ quan truyền thông ở Trung Quốc phải "chia xẻ" và kiểm chứng các thông tin nhạy cảm về an toàn thực phẩm với cơ quan hữu trách trước khi thông tin trên được phổ biến trên báo chí hay truyền thanh, truyền hình.
Hiện có nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) về môi trường đang hiện diện ở Trung Quốc nhưng không có tổ chức nào có tầm cỡ như Greenpeace để có thể có tiếng nói trung thực. Tổ chức Greenpeace không được hoạt động ở Trung Quốc. Còn các tổ chức NGO còn lại phải kết hợp chặt chẽ và phù hợp với những quy luật nhạy cảm thích hợp với chiều hướng giải quyết của nhà cầm quyền Trung Quốc về môi trường và an toàn sức khoẻ.
Dù phải chịu áp lực của nông dân phản kháng, nhưng đứng trước những vụ kiện tụng, Trung Quốc luôn đứng về phía các công ty gây ô nhiễm môi trường và phần thiệt thòi luôn ở về phía người dân thấp cổ bé miệng vì không kham nỗi phí tổn cho vụ kiện cũng như trước những lý lẽ của cường quyền.
Từ tất cả những hiện trạng phân tích trên đây, nếu chúng ta đổi tên Trung Quốc thành Việt Nam, sông Huai thành sông Biên Hoà hay sông Sài Gòn, và tên của những khu công nghiệp Trung Quốc thành khu chế xuất Tân Thuận hay Sông Bé, chúng ta sẽ thấy những âm bản tương đương như những vấn nạn môi trường đang xảy ra ở Trung Quốc. Cũng như Việt Nam hiện tại cũng đang đối mặt với sức phản kháng của người dân ở khắp nơi trên quê hương.
Việt Nam cho đến hôm nay vẫn tiếp tục khai triển từ mô hình chính trị cho đến những chính sách và kế hoạch kinh tế rập khuôn theo Trung Quốc, cũng như cung cách làm ăn và giải quyết vấn đề bằng bạo lực của cường quyền; quy luật ngàn đời của xã hội chắc chắn sẽ xảy ra cho Việt Nam. Đó là sự cáo chung của chế độ.
Mai Thanh Truyết