Làm Thế Nào Để Giảm Hiện Tượng

Hâm Nóng Toàn Cầu

 

Hiện tượng hâm nóng toàn cầu là một sự kiện có thật qua việc phát thải khí CO2 vào môi trường và đây cũng là một nguyên nhân chính cho việc tăng trưởng nhiệt độ trái đất.

Trái đất đã liện tục tăng dần nhiệt độ từ nhiều thế kỷ qua, nhưng mãi đến năm 1949,  sau khi khảo sát hiện tượng tăng nhiệt độ trong không khí ở Âu Châu và Bắc Mỹ từ năm 1850 đến 1940 so với các nơi khác trên thế giới, các nhà nghiên cứu Anh đã đi đến kết luận là sự phát triển ở các quốc gia kỹ nghệ đã làm tăng lượng ô nhiễm thán khí trong không khí, do đó làm cho mặt đất ở hai vùng nầy nóng mau hơn so với các vùng chưa phát triển.

Đến năm 1958, các cuộc nghiên cứu của Mauna Loa Observatory (Hawaii) đặt ở cao độ 3.345 m mới chứng minh được khí CO2 là nguyên nhân chính yếu của sự gia tăng nhiệt độ nầy. Đến năm 1976, các chất khí methane, chlorofluorocarbon (CFC), nitrogen oxide (NOx) cũng được xác nhận là nguyên nhân của hiệu ứng nhà kính.

Từ năm 1979 đến 1983, nhiều báo cáo của Hàn Lâm Viện Quốc gia về Khoa học Hoa Kỳ đã chứng minh và cảnh báo rằng nơi nào có ô nhiễm không khí trầm trọng là nguy cơ có nhiệt độ không khí tăng càng lớn.

Năm 1990, 49 nhà bác học khôi nguyên giải Nobel đã ra thông cáo kêu gọi mọi quốc gia trên thế giới phải có biện pháp tức thời để hạn chế ô nhiễm không khí hầu bảo vệ quả địa cầu.

Các cuộc nghiên cứu mới nhất do hai khoa học gia Karl và Trenberth trên tạp chí Sciences số tháng 12/2003 nói lên tính cách khẩn thiết của vấn đề nầy. Theo ước tính của hai ông thì từ 1990 đến 2100, nhiệt độ trên mặt địa cầu sẽ tăng từ 3,1 đến 8,9oF  (1,6 đến 4,2oC).

Do sự gia tăng nhiệt độ bất thường trên, cho nên mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi gay gắt qua hai trường phái để thẩm định nguyên nhân và hậu quả của sự hâm nóng toàn cầu, mỗi người trong chúng ta đều nhận biết rằng sự gia tăng nhiệt độ là một hiện tượng có thật. Hay nói một cách rốt ráo, mỗi người trong chúng ta, dù ở nơi nào trên hành tinh điều góp phần vào sự gia tăng dù ít hay nhiều.

Trung Cộng là một quốc gia được miễn nhiễm trong Luật Kyoto để hạn chế việc phát thải khí CO2 vào không khí đến năm 2012. Nhưng chỉ mới vào năm 2007, TC lại là quốc gia đứng đầu thế giới về việc phát thải khí CO2 với 6.284 triệu tấn so với Hoa Kỳ là 6.006 triệu tấn CO2. Điều nầy cho thấy rõ ràng rằng Luật Kyoto vẫn còn có nhiều điều khoảng không hợp lý. Và Hội nghị Khí hậu diễn ra tại Copenhagen, Hòa Lan vào tháng 12/2009, chuẩn bị cho việc tu chính Nghị định thư Kyoto vào năm 2012 vẫn chưa đưa đến một sự đồng thuận nào cả.

Thượng đỉnh COP21

Trước khi bắt đầu nhóm họp Thượng đỉnh, Cơ quan Y tế Thế giới (WHO) nhận định là hiện tại, có hàng ngàn tử vong thêm hàng năm do sự chuyển hóa của các bệnh hiện hành, thời tiết khắc nghiệt, và nhứt là do sự xuống cấp của phẩm chất không khí, thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt, và hệ thống vệ sinh cá nhân. Chì trong năm 2012, Cơ quan nầy ước tính có khoảng 7 triệu nạn nhân chết vì ô nhiễm không khí, và tiên đoán rằng sự biến đổi khí hậu sẽ là nguyên nhân của sự mất mất thêm 250.000 nhân mạng do bịnh sốt rét, kiết lỵ, thời tiết nóng, và suy dinh dưỡng trong khoảng thời gian 2030 đến 2050. Cũng cần nên nhớ là than đá gây ra 1/3 khí thải CO2 toàn cầu. Mức tiêu thụ trên thế giới trong giai đoạn 1990-2012 tăng 55%. Trung Cộng, Nga, Mỹ, và Ba Lan là những quốc gia tiêu thụ than đá nhiều nhất trên thế giới và thường bị chỉ trích là những nguồn phát thải khí carbon hâm nóng trái đất.

Hội nghị Thượng đỉnh về sự thay đổi khí hậu ở Paris chấm dứt vào ngày 12/12/2015 thay vì 11/12 như dự trù. Đại diện gần 200 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh đã đạt được một thỏa thuận "lịch sử" nhằm ngăn chặn tình trạng hâm nóng toàn cầu sau bốn năm thảo luận gay go kể từ khi Nghị định thư Kyoto chấm dứt trong sự thất vọng của hầu như tất cả mọi thành viên đã ký kết.

Bản dự thảo gồm 43 trang đã được soạn vào ngày 5/12, chuẩn bị cho 195 Ngoại trưởng thảo luận và đúc kết vào ngày 11. Những tranh luận gay gắt khiến cho "Paris Agreement" chỉ còn lại 29 trang và còn quá nhiều vấn đề hầu như bế tắc,  mặc dù tất cả thành viên đều xem đây là một kết quả….tuyệt vời!

Trong buổi lễ bế mạc, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, xem Hội nghị COP21 như là một bước chuyển lịch sử, tuyên bố đã đạt được thỏa thuận "Paris Agreement" giữa tiếng reo hò của các đại biểu, kết thúc một năm được coi là nóng nhất trên thế giới so với quá khứ. Đây không phải là một hiệp ước chính thức mà chỉ nêu lên một số ràng buộc trong văn bản trong đó, tất cả các quốc gia giàu lẫn nghèo cam kết để hạn chế khí thải carbonic vào bầu khí quyển, nguyên nhân của sự hâm nóng toàn cầu. Từ đó, tùy theo điều kiện riêng biệt, mỗi quốc gia tự nguyện đưa ra các kết ước để giải quyết vần đề, như:

·         Cam kết giữ cho mức gia tăng nhiệt độ của bề mặt Trái đất vào năm 2100 không được quá 20C (3,60F), và cố gắng tranh đấu để có thể giảm xuống không quá 1,5oC (2,70F);

·         Các nước giàu "phải" đóng góp hàng năm 100 tỷ Mỹ kim từ nay cho đến 2020, để giúp đở các nước nghèo trong cuộc chiến đấu hạn chế việc phát thải khí nhà kính cũng như giúp các nước nghèo tiến tới một nền kinh tế phát triển thân thiện với môi trường hơn.

·         Còn một kết ước thứ ba có ghi trong dự thảo ban đầu, nhưng không được đồng ý là …kêu gọi tất cả thành viên toàn cầu cần phải minh bạch (transparency) trong kế hoạch tiết giảm sự phát thải.

Hiện đã có 187 quốc gia đã đệ trình các kế hoạch chi tiết của nước mình về những biện pháp nhằm khống chế việc phát thải khí nhà kính, được coi là trọng tâm của thỏa thuận đạt được ở Paris. Các kế hoạch riêng rẽ trên sẽ được duyệt xét 5 năm một lần kể từ năm 2020.

Người viết đã từng theo dõi hiện tượng hâm nóng toàn cần ngay từ khi Thượng đỉnh Rio de Janerio ra đời năm 1992, và Nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol) năm 1997, trong đó quy kết là các quôc gia phải tiết giảm mức phát thải carbonic vào năm 2012 ngang bằng mức phát thải ở năm 1995 áp dụng cho mỗi quốc gia, cũng như các nước giàu trích 7% tổng sản lượng quốc gia của mình để giúp các quốc gia đang phát triển trong cuộc chiến tiết giảm khí carbonic vào không khí..

Nhưng 2 quy định trên hầu hết không được các quốc gia trên thế giới tuân thủ (ngoại trừ hai quốc gia Anh và Đức (sẽ nói ở bài viết khác)).

Chính vì vậy mới có Thượng đỉnh COP21 ra đời.

Hiện tại, các quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhứt như sau: Trung cộng 11 tỷ tấn chiếm (24% tổng số khí phát thải trên toàn cầu), Hoa Kỳ, 7 tỷ (15%), Liên hiệp Âu Châu, 4 tỷ (9%), Ấn Độ 2,8 tỷ (6%), Brazil 2,8 tỷ (6%), Nga 2,3 tỷ (5%), Nhật 1,4 tỷ (3%), Canada 0,9 tỷ (2%).

Tương lai chưa đến. Nhưng nhìn lại quá khứ, chúng ta có quyền nghi ngờ khả năng thành đạt của Paris Agreement vừa ký kết xong. (Người viết sẽ phân tích vấn đề nầy ở bài viết tiếp theo).

Tuy nhiên, có thể nói, một trong những thành tựu của ban tổ chức Thượng đỉnh Paris là song hành trong suốt 2 tuần thảo luận, một khu triển lãm "quyết tâm bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại" diễn ra tại Espace Générations Climat trong khuôn viên Thượng đỉnh với chủ đề:"Chống biến đổi khí hậu: Sáng kiến nhỏ vì mục đích lớn".

Sáng kiến nhỏ vì mục đích lớn

Trong hầu hết các không gian triển lãm, gồm 27.000 m2, quy tụ 117 hội đoàn, các tổ chức phi chánh phủ (NGO), chúng ta thấy trên 600 "sáng kiến" quả thật rất "nhỏ" để làm một việc gì đó giúp hạn chế sự phát thải khí carbonic cho trái đất, như:

·         Tủ lạnh không dùng điện;

·         Đặc biệt, quán ép nước trái cây "Juice Energy Bar" của Micheal phân phối miễn phí nước trái cây, nước rau củ…chạy bằng năng lượng tự tạo ra bằng cách đạp xe đạp khoảng 1 phút là có thể tạo ra 130 kw/giờ, vừa tập thể thao, vừa hạn chế sự phát thải carbonic;

·         Xây dựng một thành phố "La Ville Durable-Thành phố bền vững" bằng những tòa cao ốc sạch với những cao ốc có hình thể và vị trí đặc biệt (Tour à énergie positive) để tự tạo ra nguồn điện cho cư dân trong đó (Pháp đang thử nghiệm tại Paris và Toulouse), cộng thêm việc thiết lập và cải sữa, điều chỉnh mạng lưới giao thông treo, và nhiều dự án công cộng khác ;

·         Hội "La Femme de la Cauchetière" từ vùng Calvados, miền Bắc Pha1pvo71i dự án khuyến khích trồng rừng, trồng cây xanh để chống lại hiệu ứng nhà kính;

·         Hội "An Eye for An Eye" quy tụ những bức ảnh của 170 học sinh người Pháp, Ấn Độ, Cambodia, Bolivia, Trung Cộng, Nam Phi, Groenland v.v…đã cùng trao đổi với nhau về "cái nhìn đa chiều của tuổi thơ về khí hậu và môi trường sống mỗi nơi";

·         Đạc biệt nhứt là gian hàng Shamengo, nới dung hòa đời sống vật chất và thiên nhiên, do Pascale thực hiện. Chữ Shamengo là chữ ghép của ba chữ "Shaman", nghĩa là Thầy pháp, "Men", là Nhân loại, và "Go" là  tiến về phía trước. Đây là điểm hẹn của những nhà phát minh cùng ý tưởng mới để cùng bảo vệ môi trướng. Gian hàng gồm những bức tường xanh đầy hoa lá…được sản xuất từ những phế phẩm, phế liệu. Gỗ trong gian hàng là gỗ phế thải, bàn ghế, tủ sách bằng carton, sản xuất túi xách, giày dép từ da cá hồi (salmon) v.v…

Quả thật, trên đây là những sáng tạo tuyệt vời!

Giảm thiểu sự hâm nóng toàn cầu trong điều kiện hiện tại

Trong phạm vi bài viết nầy, người viết chỉ tập trung vào việc phát thảo một số đề nghị mà mỗi người trong chúng ta cần suy nghĩ để hành xử một cách hợp lý trong việc tiết chế trong mọi sinh hoạt hàng ngày ngõ hầu góp phần vào việc giảm thiểu sự phát thải khí CO2.

Việc tiết giảm lượng khí CO2 phát từ sự sinh hoạt của chúng ta không những góp phần vào việc hạn chế hiện tượng nhà kính để tạo ra một không gian sinh tồn bền vững chung cho toàn cầu mà còn là góp phần vào việc tiết kiệm một ngân sách cho cá nhân, gia đình và quốc gia qua sự tiêu tốn cho việc xử lý nguồn CO2 nầy. Để có một khái niệm so sánh, một người Hoa Kỳ trung bình phát thải khoảng 19 tấn CO2/năm. Trong lúc đó một người Ấn Độ thải 1,3 tấn và Trung Hoa, 4,7 tấn. Số liệu trên gồm việc hít thở không khí và tất cả những tiện nghi sinh hoạt hàng ngày cung cấp cho mỗi người như xe cộ, ăn uống, nhà cửa và trang bị máy móc, v.v…Một thí dụ giản dị ít ai để ý là mỗi lần chúng ta nhấc "con chuột" trên internet để tìm một trang mạng nào đó trên Google, chúng ta đã phóng thích ra ngoài không khí 7 gr CO2 rồi theo nghiên cứu của TS Alex Wissner Gross, thuộc Đại học Harvard. Tuy nhiên con số nầy bị Google phản bác và cho biết theo nghiên cứu riêng của họ, chỉ độ 0,2 gr mà thôi.

1-    Giáo dục và sự hiểu biết

Trước hết giáo dục và sự hiểu biết là hai điếu tối cần thiết để chúng ta hành xử một cách đúng đắn là làm thế nào giữ gìn môi trường sống chung quanh ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa như vấn đề bảo quản nguồn nước, đất và không khí, sự tiêu dùng năng lượng dưới mọi hình thức từ cá nhân cho đến tập thể. Có hiểu biết và cập nhựt hóa những biến chuyển xảy ra cho môi trường, chúng ta mới có thể ý thức được tường tận hơn những sự biến đổi của thời tiết theo chiều hướng tiêu cực và nguyên nhân phát sinh ra những biến đổi đó là do con người.

Từ đó, mỗi hành động tích cực của chúng ta dù nhỏ nhặt đến đâu trong sinh hoạt hàng ngày cũng đánh giá được mức bảo vệ môi trường, có suy nghĩ rốt ráo vào khái niệm liên đới trong đời sống của mỗi con người đối với toàn cầu.

2-    Vận động dòng chính của từng quốc gia đang cư ngụ

Việc làm nầy, qua sự giáo dục và hiểu biết trên, cần phải phổ biến rộng rãi qua thân nhân, bạn bè và những người chúng ta tiếp xúc. Trao đổi những thông tin cập nhựt qua báo chí, truyền thanh truyền hình về tình trạng bất thường xảy ra cho địa phương và toàn cầu; để rối từ đó, vận động với chính quyền địa phương và trung ương thúc đẩy việc giải quyết vấn đề qua các đại diện dân cử.

Vận động sử dụng năng lược "sạch" như năng lượng mặt trời, năng lượng gió v.v…và năng lượng "tái tạo". Chính phù nhiều quốc gia có nhiều biện pháp kích thích việc sử dụng năng lượng sạch như Hoa Kỳ tài trợ một phần chi phí cho việc lấp đặt các tế bào voltaic cho tư gia và cơ xưởng, để giảm thiểu hoàn toàn sự phát thải khí CO2 cho như cầu điện năng. Tại Hoa Kỳ hiện nay, việc thiết kế và lắp đặt một hệ thống voltaic cho năng lượng mặt trời được chính phủ tài trợ khoảng 7.000 US$ (con số nầy có thể thay đổi tùy theo từng địa phương). Một gia đình trung bình sau khi sử dụng hệ thống nầy trong 5 năm sẽ cân bằng chi phí lấp đặt so với chi phí tiêu thụ trong quảng thời gian nầy. Và dĩ nhiên, kể từ năm thứ 6 trở đi, chúng ta không còn trả một chi phí nào cả cho mức điện tiêu thụ đến cuối đời. Chúng ta vừa tiết kiệm một số không nhỏ ngân sách gia đình và hạn chế được sự phát thải thánh khí vào môi trường.

Các cuộc vận động có thể bằng nhiều cách hoặc bằng email, điện thoại, hay tổ chức những buổi gặp gở công cộng. Hay tốt nhứt là gia nhập vào một NGO về môi trường nơi mình cư ngụ.

3-    Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái sinh (Reduce-Reuse-Recycling)

Đây là châm ngôn hữu hiệu nhứt trong việc hạn chế hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Trong mỗi hành động của chúng ta, cần liên tưởng đến 3 điều trên, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đả làm một nghĩa cử không nhỏ trong việc hạn chế sự phát thải khí CO2.

Vài thí dụ điển hình là:

  • Trong sinh họạt hàng ngày, hãy chọn những dụng cụ, hay bao bì có thể tái sử dụng hơn là "xài một lần" (disposable). Trung bình, nếu áp dụng suy nghĩ nầy, mỗi gia đình có thể giảm được 1.200 Kg CO2 và 1000 Mỹ kim một năm. Tại California, vào tháng 11 tới đây sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý về việc hủy bỏ plastic làm bao bì, mà thay thế bằng bao giấy tái sinh. Mong bà con ủng hộ việc nầy và bỏ phiếu YES.
  • Mua các sản phẩm với bao bì tối thiểu, không cầu kỳ để giảm thiểu chất thải.
  • Tái sinh lại giấy, plastic, báo chí, thủy tinh, can nhựa…Hiện tại tại Hoa Kỳ có từ 15 đến 25% người dân chưa thi hành biện pháp tiết kiệm nầy. Nếu bạn tiết kiệm được một bịt (ream) giấy in, bạn đã giảm phát thải 5 Kg CO2 rồi đó.
  • Trung bình nếu chúng ta giảm được ½ loại rác thải hàng ngày bằng những thùng đựng rác khác nhau, chúng ta có thể giảm được 2.400 Kg CO2/năm.

·         Nguồn Điện năng

Tiết giảm nguồn điện năng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cũng là một trong những phương cách hữu hiệu nhứt để hạn chế sự hâm nóng toàn cầu. Những việc làm dưới đây cho chúng ta một vài khái niệm về cách sinh hoạt hay chuẩn bị cần tiết giảm:

·         Sử dụng máy sưởi và điều hòa không khí: Nhà chúng ta cần phải trang bị tường và mái nhà có lót chất cách nhiệt (insulation) và các phía trên và dưới của cái và cửa sổ cần phải được bịt kín. Mục đích là làm cho hơi nóng khi sưởi và hơi lạnh khi mở máy điều hòa không khí không thoát ra ngoài trời và giữ lại bên trong nhà. Làm như vậy chúng ta sẽ tiết kiệm được 25% chi phí điện năng tiêu dùng và giảm được 1.700 cân CO2/năm. Thêm nữa, đừng mở sưởi quá nóng hay điều chỉnh quá lạnh, như khi trời nóng, điều chỉnh máy lạnh khoảng 750F, và khi trời lạnh, điều chỉnh máy sười khoảng 650F mà thôi Làm như vậy chúng ta có thể giảm được 2.000 Kn khí CO2 phát thải hàng năm.

·         Thay các bóng đèn trong nhà bằng đèn compact fluorescent (CFL). Bóng đèn CFL có độ bền gấp 10 lần so với bóng đèn thường, tiêu thụ 2/3 năng lượng it hơn, và làm giảm nóng trong phòng 70%. Sẽ giảm được chi phí điện là $30/năm cho mỗi bóng đèn dùng trong nhà. Nếu mọi gia đình ở Mỹ đều áp dụng phương cách nầy sẽ giảm được 90 tỷ kg CO2/ năm, tương đương với mức phát thải 7,5 xe hơi/một năm.

·         Bớt lái xe và lái xe "thông minh" hơn: Sử dụng xe ít phát thải khí độc hại và ít hao xăng. Nếu cần dùng phương tiện công cộng khi di chuyển hay xe đạp. Đi chung xe để đi làm việc nếu có thể được.

·         Ít sử dụng nước nóng trong nhà. Nếu chúng ta điều chỉnh nước nóng ở 1400F hay 600C. Làm như vậy, sẽ tiết kiệm được 350 cân CO2/năm. Nếu giặt giạ quần áo bằng nước ấm và lạnh (warm and cold), sẽ giảm được thêm 500 cân CO2/năm.

4-    Nguồn nước

Nước là một nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Trung bình một người Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 800 lít/ngày. Một người Pháp 100 lít, và ở vài nơi ở Phi Châu, khống quá1 lít cho mỗi người. Ở Việt Nam, dân thành phố tiêu thụ khoảng 30 đến 50 lít/ngày.

Nước sinh hoạt khi đến tay người tiêu thụ phải qua nhiều giai đoạn sàn lọc, thanh lọc hóa học…do đó, phải cần có một số lượng năng lượng như điện năng để giải quyết các giai đoạn trên; cho nên cũng phát thải một lượng thán khí quan trọng. Tiết kiệm mức tiêu dùng nước hàng ngày cũng là một hành động giúp thêm cho sự giảm thiểu việc phóng thích thán khí vào môi trường.

Thêm nữa, nước sinh hoạt cần phải được thanh lọc trước khi thải hồi vào đại dương hay tái sinh trở lại (recycled) cho sinh hoạt. Nguồn nước trên thế giới đang cạn kiệt dần, và hiện  nay, tại Orange và San Diego,CA điạ phương đã bắt đầu pha trộn nguồn nước tái sinh nầy vào nguồn nước ngầm bằng phương pháp "thẩm thấu sâu" (percolation), để rồi tái thanh lọc hỗn hợp trên trước khi bơm vào nhà chúng ta.

Một thí dụ nhỏ về việc tiêu thụ nước sinh hoạt: Nói chung, tất cả nước sinh hoạt, nước xài trong phòng vệ sinh, nhà bếp v.v…đều phải được thanh lọc. Do đó, dầu mỡ dùng trong việc nấu nướng cần phải thận trọng, vì chi phí và hóa chất dùng để khử dầu rất cao. Nếu bạn đổ 1 lít dầu ăn thừa sau khi chiên chả giò chẳng hạn, bạn đã làm cho thành phố phải tiêu tốn $1.000 để khử 1 lít dầu đó!

Nói tóm lại, tiết kiệm và đừng phí phạm nguồn nước sinh hoạt là thể hiện một nếp sống của người có văn hóa và mỗi người trong chúng ta sẽ là những nhà môi trường "xanh" cho thế giới vậy.

5-    Việc ăn uống

Khoa học và công nghệ ngày nay đã tạo cho chúng ta tất cả tiện nghi, có thể nói là tuyệt hảo. Tuy nhiên, nếu hưởng thụ tất cả, cũng như tận dụng các nguồn thực phẩm có được nhứt là các loại thịt đỏ…chúng ta lại phải đương đầu với nạn béo phì, cao máu, cao mỡ, tim đập bất thường và bao chứng khác có thể làm trở ngại cho những ngày cuối đời.

Vì vậy, hạn chế ăn uống, ăn nhiều rau đậu cũng là một hành động vừa bảo vệ sức khỏe cá nhân, vừa giảm thiểu được mức phát thải thán khí nữa. Lưỡng tiện đôi điều.

6-    Việc trồng cây xanh

Nếu chúng ta thấy việc nầy là một việc giúp cho sự  vận động thân thể, và làm tăng vẻ tươi mát cho nhà cửa. Xin thưa, việc nầy cũng là một hành động bảo vệ môi trường.

Cây xanh qua hiện tượng quang hợp (photosynthesis) hấp thụ thán khí và phóng thích dưỡng khí tức oxygen. Đây là một chu trình thiên nhiên của địa cầu. Theo tính toán, cây cỏ trên thế giới hấp thụ ½ lượng thán khí phát thải toàn cầu. Một cây cao trung bình hấp thụ 1 tấn thán khí/năm. (Tính theo thời điểm 1930, khi diện tích rừng chưa bị tàn phá nhiều).

7-    Cổ súy bà con tham gia vào việc hạn chế thán khí thải hồi vào môi trường

Sau cùng, qua kinh nghiệm và sự hiểu biết, bổn phận của mỗi chúng ta là làm thế nào để vận động bà con, những người thân, xóm giềng chung quanh nơi chúng ta ở…để cùng nhau hạn chế việc phát thải thán khí.

Những bước giản dị gợi ý ở phần trên, chắc chắn mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng có thể thực hiện được. Thực hiện để bảo tồn trái đất và thực tế hơn cả là tiết kiệm được một ngân khoản sinh hoạt hàng tháng.

Trong chuyến đi nói chuyện ở Úc Châu vào tháng 3-4 vừa qua, người viết nhận thấy hai sự việc là "giảm thiểu sự hâm nóng toàn cầu" của chánh phủ Úc rất thực tế. Qua hai hình ở phần trên, minh họa về các bồn hứng nước mưa của tư gia, và các hàng xe đạp nằm rải rác khắp ngả đường đi vào trung tâm thành phố.

Chúng ta thấy gì ở hai hình ảnh nầy?

Đó là việc tiết kiệm nước dùng cho sinh hoạt ngoài sân, vườn…để tưới cây, tưới cỏ.  Còn xe đạp dành cho cư dân đi vào thành phố (down town) bỏ lại xe và mướn xe đạp, tiết giảm rất nhiều thán khí phát thải vào không khí.

Đây chính là một ý thức bảo vệ sự hâm nóng toàn cầu thực tế và hữu hiệu của chánh phủ Úc.

Từ những ý niệm kể trên, việc xây dựng một thành phố sinh thái trong tương lai chắc chắn có thể thực hiện được. Tất cả là do ý thức của các công dân, cô Eléonore, thành viên Pikpik, một Hiệp hội phổ biến các hiểu biết nhằm bảo vệ môi trường đô thị (có mặt tại trung tâm triển lãm các giải pháp môi trường Grand Palais, Paris), cho biết:
 
«Tôi cho rằng có rất nhiều giải pháp chúng ta có thể mang lại cho khu vực đô thị, nơi cư trú của đa số dân cư trên hành tinh. Chính ở đây cần phải tiến hành các thay đổi quan trọng nhất bằng những cách nào nhanh nhất. 

Trên góc độ cá nhân, tôi cho rằng các sự kiện hợp tác quốc tế lớn là rất cần thiết, nhưng cũng cần nhớ rằng, bản thân mỗi người có trách nhiệm riêng, và hành động ở cấp độ của bản thân. Với bảy tỷ cư dân của hành tinh, mỗi người dù chỉ đóng góp một phần nhỏ, nhưng là những hành động lặp đi lặp lại hàng ngày, kết quả nếu theo hướng tích cực sẽ là những điều kỳ diệu. 

Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh hơn cả chính là triết lý ấy. Bất luận thế nào, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm đối với Khí hậu, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm với nhau. Và như vậy đây là lúc chúng ta phải cùng làm việc, và cùng nhau giảm bớt các ảnh hưởng tiêu cực đến hành tinh chung của chúng ta».   

Việt Nam đóng góp như thế nào tại Thượng đỉnh COP21

Ngày 29/11, phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng cs Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu đến Paris. Thay vì đến trung tâm thảm sát để làm lễ tưởng niệm trên 130 nạn nhân trong vụ tấn công ngày 13/11, Ông vội vã đi tới thành phố Montreuil, nằm ở ngoại ô Paris để đặt vòng hoa trước tượng Hồ Chí Minh. Điều nầy đã làm "mất lòng" giới ngoại giao trong Hội nghị.

Phát biểu trong ngày thứ hai của Thượng đỉnh về việc đóng góp của Việt Nam vào thỏa thuận toàn cầu về Khí hậu, Ông Nguyễn Khắc Hiếu, thuộc Bộ Khí tượng, Thủy học và Biến đổi Khí hậu tuyên bố Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu thiệt thòi nhứt trước sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã và đang cố gắng thực hiện nhiều chương trình quốc gia để khắc phục sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

 

Theo Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Trưởng ban thường trực, Ban công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu cho biết: Việt Nam đang xếp thứ 31 về tổng lượng phát thải và thứ 55 về GDP. Với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, lượng phát thải của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và không thể đạt đỉnh trước 2030.

 

Đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam, bà Lê Kim Dung cho biết: "Tác động về biến đổi khí hậu với Việt Nam sẽ khác nhau giữa các nhóm, tuy nhiên, những người nghèo thường bị ảnh hưởng nhiều hơn. Việt Nam tham gia vào Cop 21 với kỳ vọng đóng góp vào thỏa thuận quốc tế và để quốc tế thấy Việt Nam dễ bị tổn thương thế nào từ đó chung tay chống lại biến đổi khí hậu tại Việt Nam".

 

Pháp là quốc gia tiếp trợ Việt Nam nhiều nhứt trong việc đối ứng trước sự thay đổi khí hậu qua Cơ quan Phát triển Pháp (French Development Agency-FDA). Trong suốt 20 năm qua, FDA đã khai triển 33 dự án, với chi phí 908 triệu $US. Các dự án đã làm tiết giảm được 2 triệu tấn khí CO2 hàng năm, và giúp 33.000 người Việt giải quyết và ổ định đời sống trong các vùng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi khí hậu.

Hà Nội kỳ vọng công nghệ sạch sẽ giúp giảm lượng khí thải nhà kính từ 8 đến 10% trong giai đoạn 2010 - 2020 và đến năm 2050 sẽ giảm thêm 2% nữa.

Chính phủ Việt Nam đề ra mục tiêu tới năm 2020, 50% các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ứng dụng công nghệ sản xuất xanh.

Với mục tiêu này, Ngân hàng Thế giới ước tính thị trường công nghệ sạch tại Việt Nam cần nguồn đầu tư lên tới 19 tỉ đôla.

Giống như 187 quốc gia tham dự Hội nghị, Việt Nam hứa:

·         Sẽ đóng góp vào Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund) 1 triệu Mỹ kim cho giai đoạn 2016 – 2020.

·         Cắt giảm sự phát thải khí carbonic vào khí quyển 8% vào năm 2030.

·         Nếu có sự trợ giúp của cộng đồng thế giới, Việt Nam có thể tiết giảm 25% (?)

GS NGUYỄN Thái Sơn, Cố vấn Khoa học và Ngoại giao Viện Địa Chính Trị Paris có đưa ra những đề xuất cho Việt Nam để thực thi các kết ước trên như sau:

·         Tiết kiệm năng lượng (đại cải cách kiến trúc nhà ở, công sở và xét lại qui hoạch thành phố...) phát triển ưu tiên các phương tiện di chuyển và chuyên chở công cộng ít tốn kém năng lượng như xe lửa, tàu điện, xe buýt, tàu thuyền, xe đạp và xe hơi công cộng;

·         Chuyển đổi năng lượng từ nguồn hoá thạch sang nguồn thiên nhiên tái tạo;

·         Xử dụng viện trợ, trong quỉ 100 tỷ US$/năm và hợp tác quốc tế để xây dựng một nền công nghệ năng lượng tái tạo tiền tiến cho trong nước và xuất khẩu...

Đây là cơ hội để nhà nước chia sẻ trách nhiệm và quyền hạn với các tổ chức Xã hội dân sự như: các Thinktank, Hội Kiến trúc và Qui hoạch, các Hiệp hội Khoa học & Kỷ thuật, các Hiệp hội Bảo vệ Sinh thái & Môi trường, các xí nghiệp chuyển vận...

Chúng ta hãy chờ xem kết quả vào năm 2020 để xem những lời cam kết của Việt Nam có giống như bao lời hứa khác của Đảng Cộng sản Bắc Việt trong quá khứ là…Vũ Như Cẩn!

 

Thay lời kết

Charlotte Shorback, một nhà tương lai học (futurist) đã hình dung thế giới chúng ta đang sống ở thế kỷ thứ 24. Ông nhấn mạnh khi con người bước vào thời đại Accelerando, nghĩa là từ 2160 đến 2200, con người đã ...di tản vào hành tinh Mars để tránh hậu quả của sự thay đổi khí hậu trên trái đất.

Vì sao?

Vì con người dù đã biết rất rõ về hiện tượng thay đổi khí hậu của trái đất, nhưng chỉ làm một vài cố gắng nhỏ để ngăn chận hay hạn chế trong suốt giai đoạn từ 2005 đến 2060!

Kim Stanley Robinson, một nhà viết truyện giả tưởng cho rằng, vào năm "2312" (?), sự hâm nóng toàn cầu sẽ biến đổi trái đất thành một hành tinh ướt át, hoang dã (wet, jungle-like planet).

Trái đất trong tương lai sẽ biến thành như thế sao?

Hiện tượng trái đất nóng nhanh bất thường đã được quan sát từ năm 2007, nhưng từ đó đến ngày Thượng đỉnh COP21, con người chỉ đầy mạnh việc xử dụng năng lượng thay thế (renewable) lên 13,5% mà thôi theo thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế (The International Energy Agency-IEA).

Có điều gì bất ổn trong việc giải quyết việc giảm thiểu sự hâm nóng toàn cầu chăng?

Qua COP21, cộng đồng thế giới đều nhấn mạnh đến giai đoạn chấm dứt việc xử dụng năng lượng hóa thạch, và phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch. Đây có phải là một suy nghĩ chân thành của các nhà làm chính sách quốc gia trên thế giới hay không?

Hiện tại, nhân loại có cần phải nghĩ là làm thế nào để "sống chung" trong một hành tinh được bao phủ bởi các khí nhà kính có nồng độ cao không?

Mai Thanh Truyết

Hội khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST)

12/2015

 

 

___________________________________________________

Mai Thanh Truyết

http://maithanhtruyet.blogspot.com/


 "A nation that destroys its soils destroys itself.

Forests are the lungs of our land, purifying the air

and giving fresh strength to our people." Franklin D. Roosevelt

 

 "Every Generation needs a New Revolution". - Thomas Jefferson-

 

//////////////////////////////////////////////////