Houston, 23 tháng 11 năm 2015

Thưa anh Trần Nhơn,

Vừa đọc xong bản báo cáo tại Hội thảo nghiên cứu do Hội Thủy lợi Việt Nam tổ chức tại Đại học Thủy lợi Hà Nội ngày 3/11/2015 qua đề tài:"Một Số Vấn Đề Về Thực Trạng và Giải Pháp Phát Triển Bền Vững Ngành Thủy Lợi Việt Nam – Giai Đoạn 2016 – 2025, Tầm Nhìn 2035", tôi có vài hàng cho anh đây. Trước hết là để chia sẻ cùng anh nỗi ưu tư của một người con Việt đối với một vấn đề chung của Đất và Nước, và sau nữa là có vài góp ý nhỏ cho tập tài liệu nầy.

Thưa anh, thấm thoát mà đã hơn bảy năm (2007), sau khi chúng ta trao đổi lần đầu tiên qua điện thoại do anh Phan Đình Minh kết nối qua chương trình "Từ Cánh Đồng Mây" ở Dallas, Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ rất rõ là trong cuộc đàm thoại, anh và tôi đã phân tích nhiều về hướng giải quyết vấn đề sông Mekong và các đập nước thượng nguồn, cũng như việc dẫn thủy nhập điền và ngành thủy lợi v.v…Chỉ trong vòng hơn 35 phút mà mối thâm tình giữa anh và tôi ngày càng kết chặt hơn.

Trong suốt thời gian qua, chúng ta cùng trao đổi rất nhiều đề tài, tựu trung quanh vấn đề nước, một yếu tố tối cần thiết cho con người và sự phát triển quốc gia như:

·         Mấy vấn đề định hướng đổi mới quản lý nhà nước về tài nguyên nước;

·         Dự thào Luật Nước (sửa đổi), tháng 5/2012;

·         Quyết định Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020;

·         Lấy nước nuôi nước và phát triển nước (23/3/2012);

·         Đề án "Lấy thủy lợi nuôi thủy lợi";

·         Water activities's Project;

Và đặc biệt Tập thơ "Cảm nhận 30 tháng tư" gồm trên 600 câu, v.v…

 

Tập thơ Cảm nhận 30 tháng Tư bắt đầu bằng "Ba mươi tháng Tư-miền ký ức, Đảng trị công thành triệu cốt khô.

Ba mươi tháng Tư dù đã qua

Bốn thập niên, ký ức lùi xa.

Văn minh chịu đầu hàng man rợ,

Mãi còn xanh bài học hôm qua!

 

Và điều tôi tâm đắc nhứt là Tập thơ Cảm nhận 30 tháng Tư kể trên anh gửi tặng tôi nhân dịp hội thảo tại Houston ngày 11 tháng 4 năm 2015 với đề tài "40 năm nhìn lại" do Đài truyền hình BYN tổ chức. Tôi đã kết luận buổi hội luận gồm bốn diễn giả là Lê Phát Minh, Lý Thái Hùng, Cù Huy Hà Vũ và cá nhân tôi, bằng bốn câu kết của anh gửi tặng cho buổi hội thảo là:

Chín mươi triệu dân đang đón đợi

Lời tạ tội thật lòng "đảng ta"

Cộng phỉ không lột xác thay đổi

Nhân dân, Trời Phật, ắt không tha

(TS Trần Nhơn, cựu Thứ trưởng bộ Thủy Lợi cs Việt Nam đã cảm tác ngày 30 tháng 4 năm 2015)

Trở lại tập tài liệu nhận được cách đây hơn một tuần, tôi vẫn còn tiếp tục nghiền ngẫm để ghi lại một số suy nghĩ cho vấn đề nước và thủy lợi cùng góp ý cùng anh về một vấn đề sống còn cho Việt Nam tương lai.

Thưa anh,

Có thể nói tập tài liệu nầy là sự đúc kết tất cả các tài liệu kể trên vào trong nầy.

Đây là tâm huyết của anh, một chuyên gia về thủy lợi, sống trọn đời cho sự sinh tồn của đồng bào cùng tổ tiên Lạc Hồng.

Đây cũng là tinh túy của một người con Việt, đem tất cả trí tuệ và tấm lòng yêu quê vào một suy nghĩ duy nhứt là "lấy thủy lợi nuôi thủy lợi và phát triển thủy lợi", điều mà anh đã un đúc hơn 30 năm trời trong nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Thủy lợi và hiện tại, chuyên viên thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Chính những kinh nghiệm thực tế trong nghề thể hiện rõ qua bản báo cáo chuyên đề tháng 1/1990 tại Học viện Nguyễn Ái Quốc với đề tài:"Lấy công trình nuôi công trình, lấy thủy lợi nuôi thủy lợi – Bài học kinh nghiệm của Huyện Diên Khánh, Khánh Hòa".

Thưa anh,

Phải chăng phương châm của anh phảng phất suy nghĩ của Tổng thống Hoa Kỳ Benjamin Franklin: "Money makes money. And the money that money makes, makes money" để quản lý Bộ Thủy lợi và các cơ sở địa phương theo nguyên tắc tự trị, tự quản, thoát khỏi cơ chế xin-cho cố hữu của cung cách quản lý của nhà cầm quyền hiện tại?

Tầm quan trọng của ngành thủy lợi trong một quốc gia lấy nông nghiệp làm trọng tâm phát triển trong buổi sơ khai từ khi thoát ách đô hộ của thực dân Pháp, đã được chú ý qua việc hình thành Bộ Công chính (28/8/1945); để rồi được nâng cấp thành Bộ Thủy lợi Kiến trúc năm 1954, và Bộ Thủy lợi năm 1958. Nhưng, từ ngày 25/1/2010, theo quyết định của chính phủ, Bộ Thủy lợi lại biến thành Tổng cục Thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Phải chăng, chính vì tình trạng thay đổi về cơ cấu tổ chức nầy làm hạn chế sự hoạt động có tính cách đặc thù của từng địa phương và trung ương của Bộ Thủy lợi, khiến anh đưa ra đề nghị tái lập lại Bộ Thủy lợi và Quản lý Thiên tai, phải vậy không anh?

Trở lại bản báo cáo gồm sáu Chương mục khai triển về:

·         Hiện trạng các hệ thống công trình thủy lợi và năng lực tưới tiêu;

·         Thực trạng công tác quản lý các hệ thống công trình thủy lợi;

·         Tổ chức nhà nước ngành thủy lợi;

·         Tham khảo định giá nước trong nông nghiệp ở một số nước trên thế giới;

·         Cơ chế tạo vốn và tạo động lực để "lấy thủy lợi nuôi thủy lợ và phát triển thủy lợi bền vững";

·         Tóm tắt Đề án thành lập Bộ Thủy lợi và Quản lý Thiên tai.

Qua sáu Chương mục trên, anh đã phân tích rành rọt tình trạng thủy lợi trong điều kiện Việt Nam cũng như làm một cuộc so sánh tỷ giảo về tình trạng quản lý nước ở các quốc gia trên thế giới. Để rồi sau cùng,h kiến nghị nhà nước cần phải thu về một cơ quan ngang Bộ để quản lý nước hầu đáp ứng được nhu cần và chiến lược quốc gia về tài nguyên nước cho đến năm 2020. Theo anh, có thu một mối sẽ làm cho công tác quản lý đồng bộ hơn, tránh được cảnh "đâu một nơi, mình mẩy tay chân làm một nẻo" như hiện tai, điển hình là việc xây nhiều đập nhỏ trên cùng một khúc sông dài khoảng vài chục km mà có đến hàng 5,6 đập ở Quảng Ngãi, tạo ra nhiều tai nạn hàng năm cho dân làng sống chung quanh đập mỗi khi mùa mưa đến!

Thưa anh,

1.Trong báo cáo của anh có nêu lên mức tăng trưởng diện tích đất nông nghiệp trồng lúa từ năm 2006 (7.324.880 hecta) đến năm 2014 là 7.813.700 hecta, tức tăng 6,6%. Và cũng trong năm nầy Việt Nam xuất cảng 7,1 triệu tấn gạo. Những con số tăng trưởng trên làm cho tôi cảm nhận được một vài điều không ổn khi nhìn thấy mức số lượng nhập cảng thực phẩm nông nghiệp từ Trung Cộng vào năm 2014 qua Viện Thống kê của Việt Nam sau đây:

·         Việt Nam nhập cảng US $337 triệu trái cây và "đồ hàng bông" dù Việt Nam có khả năng sản xuất những mặt hàng đó;

·         Việt Nam nhập cảng US$798 triệu gạo, mặc dù Việt Nam cũng đã xuất cảng 7,1 triệu tấn gạo cho năm nầy!

·         Việt Nam nhập cảng US$800 triệu hải sản Trung Cộng, mặc dù xuất cảng mặt hàng nầy khắp nơi;

·         Việt Nam nhập cảng US$76,2 triệu cà phê, mặc dù Việt Nam cũng đã xuất cảng hơn 1 triệu tấn cà phê;

·         Việt Nam nhập cảng US$759 triệu khoai mì (cassava), mặc dù Việt Nam đã là một nhà cung cấp lớn của sản phẩm nầy.

·         Các "đồ hàng bông" nhập cảng gồm: gừng, khoai lang, cà rốt, tỏi, hành, cà tô mát, chanh, bắp cải, thậm chí cả…hẹ nữa (!) (chưa kể những mặt hàng nhập lậu qua biên giới phía Bắc, ước tính trên dưới 50% so với con số chánh thức).

Có một cái gì không ổn, có một cái gì nghịch lý ở đây không anh?

2. Về việc quản lý nguồn nước ngầm, tôi xin trích nhận định và phân tích của Nguyễn Minh Quang, Kỹ sư Thủy văn (Hydrologist), Kỹ sư Trưởng của một Công ty Nghiên cứu và Quản lý Nguồn nước ở Los Angeles, Hoa Kỳ như sau: "Về Nước Ngầm, California có trữ lượng nước ngầm khoảng 850 triệu acre-feet phân phối tương đối đồng đều trên toàn tiểu bang. Nhưng vì phẩm chất kém hoặc ở quá sâu, chỉ có phân nửa số nước nầy có thể sử dụng được. Nước ngầm cung cấp 30% nhu cầu nước hàng năm của California, nhưng con số có thể lên đến 60% trong những năm hạn hán. Mặc dù có trữ lượng lớn, nước ngầm ở California bị khai thác quá mức khiến mực nước ngầm và mặt đất sụt giảm. Trong năm 1999, lượng nước ngầm bị khai thác quá mức là 2,2 triệu acre-feet trên toàn tiểu bang và 800.000 acre-feet ở Thung lũng Trung tâm (Central Valley). Kể từ đó, việc khai thác quá mức tiếp tục gia tăng. Từ năm 2011 đến 2014, lượng nước ngầm bị khai thác quá mức ở Thung lũng Sacramento và Trung tâm lên đến 12 triệu acre-feet mỗi năm. (1acre-foot = 1.233 m3).

Nhưng vì, Việc Quản Lý và Sử Dụng Nước Thiếu Cân Đối,

Cho nên, dưới ảnh hưởng của những người cấp tiến và các tổ chức bảo vệ môi trường cực đoan, với quan niệm "… con người là thứ yếu và phải dành quyền sử dụng nước cho môi trường," việc quản lý và sử dụng nước ở California chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, chiếm 50% lượng nước mặt, trong khi nước sử dụng cho người dân ở đô thị chỉ có 10%. Vào năm 2007, chánh án liên bang Oliver Wanger ở Fresno ra phán quyết đồng ý với Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Quốc gia (National Resources Defense Council (NRDC)), một tổ chức môi trường, đòi chánh quyền liên bang phải cắt giảm 80% số lượng nước cung cấp cho nông nghiệp và đô thị để duy trì lưu lượng trong sông để bảo vệ cá hồi và cá lòng tong (delta smelt) có nguy cơ tuyệt chủng trong châu thổ Sacramento. Khoảng 800.000 acre-feet mỗi năm, đủ cung cấp cho 800.000 gia đình hoặc trồng 200.000 acres hoa màu, đã chảy thẳng ra biển. Nhưng việc sử dụng nước nầy dường như không có hiệu quả, vì một khảo sát mới nhất trong tháng 4 năm 2015 chỉ tìm thấy 1 con cá lòng tong so với 143 con trong tháng 4 năm 2012. Theo Đại học California ở Davis, sự sụt giảm của cá lòng tong trong châu thổ Sacramento kể từ thập niên 1970 cho đến nay trùng hợp với sự gia tăng lượng nước cung cấp cho nông nghiệp và đô thị, nhưng nguyên nhân chính xác thì vẫn chưa được xác định. Vấn đề ô nhiễm và việc du nhập các giống cá mới được xem như là một nguyên nhân của sự sụt giảm cá lòng tong".

 

Và KS Quang cũng đề nghị sau:

 

"Giảm Lượng Nước Dùng Cho Hoa Màu Có Hiệu Quả Kinh Tế Thấp

California là tiểu bang nông nghiệp đứng đầu ở Hoa kỳ với hơn 350 loại hoa màu được canh tác. Một số hoa màu sử dụng rất nhiều nước nhưng lại không có hiệu quả kinh tế cao. Thí dụ như cỏ alfalfa sử dụng 18% lượng nước dùng cho nông nghiệp nhưng chỉ mang lại 4% lợi tức, cỏ sử dụng 11% nước nhưng chỉ có 1% lợi tức, lúa sử dụng 8% nước nhưng chỉ có 2% lợi tức, bắp dùng 7% nước nhưng chỉ có 2% lợi tức, và bông vải sử dụng 4% nước nhưng chỉ có 1% lợi tức. Nói cách khác, dùng 1 acre-foot nước để canh tác chỉ thu được 47 $US nếu trồng cỏ, 223 $US nếu trồng lúa, 258 $US nếu trồng bắp, 287 $US nếu trồng alfalfa, và 551 $US nếu trồng bông vải; trong khi thu được 1.875 $US nếu trồng cây ăn trái hoặc hạt.  Hơn thế, một vài hoa màu sử dụng nhiều nước lại được trồng thặng dư để xuất cảng. Trong năm 2008, số alfalfa xuất cảng, từ 617.000 đến 765.000 tấn, cần ít nhất 450.000 acre-feet nước để canh tác; trong khi số lúa xuất cảng, chiếm khoảng 52% mức sản xuất, cần ít nhất 1.1 triệu acre-feet nước để canh tác. Vì alfalfa cần thiết cho kỹ nghệ chăn nuôi bò sữa của tiểu bang nên không thể cắt giảm quá nhiều, nhưng chỉ cần giảm 10%, California có thể tiết kiệm hàng năm khoảng 617.000 acre-feet nước. Nếu không phải xuất cảng alfalfa và lúa, số nước tiết kiệm hàng năm có thể lên đến 2,17 triệu acre-feet. Số nước nầy đủ để cung ứng cho ¼ nhu cầu nước của đô thị ở California".

 

Qua hai nhận định trên, quả thật tôi thấy có nhiều nghịch lý trong việc quản lý nguồn nước ở Việt Nam và trồng tỉa các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam:

·         Tại sao Việt Nam lại tập trung sản xuất gạo để xuất cảng mà lại còn nhập cảng gạo Trung Cộng?

·         Tại sao Việt Nam là một quốc gia xuất cảng cà phê và hải sản trên khắp nơi mà lại nhập cảng cà phê và hải sản Trung Cộng?

·         Nên nhớ, sản xuất một tấn gạo cần gấp nhiều nước hơn sản xuất một tấn "đồ hàng bông".

 

Phải chăng Việt Nam bị áp lực nào đó của Trung Cộng, do đó, phải nhập cảng các mặt hàng trên mặc dù Việt Nam có khả năng tự túc hay sản xuất dư thừa?

 

Về một số mặt hàng "đồ hàng bông" (hoa màu), thiết nghĩ cần phải giảm thiểu việc sản xuất lúa gạo và thay vào đó bằng việc luân canh các hoa màu cần thiết cho nhu cầu thực phẩm hàng ngày cho dân chúng.

 

Tăng gia sản xuất lúa gạo càng làm cho nông dân nghèo thêm vì lợi nhuận trong việc gia tăng năng suất không thể nào bù đấp được chi phí phân bón và thuốc trừ sâu rầy cũng như một số chi phí khác nữa, cùng "nạn ép giá" của cán bộ thu mua là giai đoạn sau cùng của việc bần cùng hóa nông dân!

 

Thưa anh Trần Nhơn,   

 

Những lời góp ý trên đây không ngoài nhằm mục đích góp phần vào bản báo cáo mà anh đã bỏ rất nhiều tim óc và thời gian trong việc biên soạn. Trong tâm tình của một người con Việt, một lần nữa, xin chia sẻ và đồng cảm với mối quan tâm của anh trong việc thành lập Bộ Thủy lợi và Quản lý Thiên tai với mục đích tạo nên một cơ quan thống nhứt nhằm quản lý nguồn nước hữu hiệu hơn trong việc phát triển quốc gia.

Hy vọng có một ngày nào đó, anh và tôi sẽ cùng song bước góp phần vào việc khơi lại nguồn nước hợp lý cho bà con nông dân, và chấn chỉnh "cơ chế" NƯỚC cho ứng hợp với Đạo Trời…

 

TS Mai Thanh Truýêt

Dean, Department of Chemistry, Faculty of Pedagogy, University of Saigon, Vietnam

Chairman, Vietnamese American Science & Tachnology Society – VAST, USA

 

___________________________________________________

Mai Thanh Truyết

http://maithanhtruyet.blogspot.com/


 "A nation that destroys its soils destroys itself.

Forests are the lungs of our land, purifying the air

and giving fresh strength to our people." Franklin D. Roosevelt

 

 "Every Generation needs a New Revolution". - Thomas Jefferson-

 

//////////////////////////////////////////////////