Trung Cộng:
Chủ Nghĩa Dân Tộc Cực Đoan
Chính sách hiện đại hoá quân sự của Trung Cộng
Kể từ khi Tập Cận Bình nắm địa vị TBT Đảng CS Trung Hoa từ năm 2012, ông ta bắt đầu cũng cố quyền lực và có thể nói, hiện tại, TCB hoàn toàn kiểm soát đất nước trên 1,38 tỷ dân nầy. Trong suốt bốn năm qua, TCB thẳng tay đàn áp các đối thủ để tranh đoạt quyền lực tuyệt đối. Nhưng trước những thất bại về phát triển kinh tế, thị trường tài chánh bị sụt giảm, TCB hơn lúc nào hết cần phải phô trương khả năng quân sự và nêu cao tinh thần Hán tộc cực đoan bằng những thủ đoạn lấn chiếm biển Đông, nhằm mục đích, theo cảm nhận của người viết, là làm xoa dịu phần nào sức ép của người dân trước những khó khăn về kinh tế tài chánh cho hơn 600 triệu dân Tàu sống bên trong lục địa.
Việc làm nầy chỉ để khích động tinh thần dân tộc cực đoan của người Hán từ hàng ngàn năm trước qua chính sách hiện đại hóa đất nước, nhứt là trong lãnh vực quân sự và sụ hung hản của TC trong vấn đề biển Đông.
Sau đây là một số nhận định về chính sách hiện đại hoá cùng các nhân tố khiến cho TC có những quyết định căn cứ vào báo cáo của cựu Thư ký Hội đồng Cố vấn An ninh Quốc tế (International Security Advisory Board- ISAB) của Hoa Kỳ do Paul Wolfowitz làm Chủ tịch. Các nhận định nầy làm cho Hoa Kỳ cân nhăc kỹ lưỡng và điều nghiên nhằm chuẩn bị cho chính sách an ninh và ngoại giao đối với TC.
Những nhận định nầy đề ra một số phương sách tiếp cận từ ba năm qua như sau:
* Chuyển hoá mối quan hệ an ninh quốc gia giữa Hoa Kỳ và TC đặt trên căn bản "tin tưởng lẫn nhau" và tăng cường tính xuyên suốt thông tin;
* Thúc đẩy sự hợp tác hổ tương;
* Cố gắng giảm thiểu các tính toán sai lạc và tránh sự hiểu lầm có thể đưa đến những hậu quả như đối đầu hay chạy đua (vũ khí).
Từ ba căn bản trên Hội đồng đã khuyến cáo Hoa Kỳ đặt trọng tâm vào những điểm mấu chốt sau căn cứ vào chính sách hiện đại hoá của TC trong hiện tại. Lãnh đạo cộng sản Bắc Kinh nhắm vào 3 mục tiêu cốt lõi của đất nước là:
1- Sự sống còn của chế độ;
2- Áp đảo vùng Châu Á-Thái bình Dương để tiến hành ảnh hường toàn vùng;
3- Đề phòng Taiwan tuyên bố độc lập.
Dĩ nhiên, các mục tiêu nầy ngầm hướng về phía đối tác là Hoa Kỳ. Mặc dù vẫn xem Hoa Kỳ là thù địch, nhưng TC vẫn nhìn HK như một đối tác trao đổi thương mãi chính yếu để thúc đẩy kinh tế TC đi lên.
Thưc sự, sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng rất phực tạp và là hợp tác có một không hai. Nó hoàn toàn khác với sự hơp tác Mỹ-Nga sô trước kia qua cuộc đối đầu chiến tranh lạnh. Cả hai quốc gia đều muốn chia sẻ mối tương quan kinh tế, và là vấn đề then chốt của chế độ TC. Vì Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có thể cung cấp cho TC các công nghệ hiện đại và là một thị trường tiêu thụ lớn nhất thề giới.
Hiện đại hoá guồng máy chiến tranh của TC là mối quan tâm của những nhà chiến thuật và chiến lược Mỹ hiện nay, cho dù TC cố tình giải thích là tất cả chỉ nhằm mục tiêu hoà bình mà thôi. Sự gia tăng tiềm năng nguyên tử của TC cho thấy âm mưu làm chiếc dù chính trị-quân sự trong vùng của TC, và có thể đi xa hơn nữa ngoài Châu Á-Thái bình Dương. Từ đó:
* Việc tăng trưởng nhanh chóng của TC là mục tiêu hàng đầu của quốc gia nầy để sống còn và khống chế các nước nhỏ trong vùng trong đó có Việt Nam.
* TC cổ súy việc thu thập hay làm gián điệp đánh cắp các công nghệ chiến tranh mới từ các quốc gia Tây phương và Hoa Kỳ.
* TC thiết lập cùng một lúc ba mặt trận trên toàn cầu: khơi động chiến tranh tâm lý, chiến tranh dư luận, và nhất là cuộc chiến dành lại tính "chính thống" (legal warfare) cho các cuộc thương lượng hay tranh chấp quốc tế.
Qua các phân tích trên, chúng ta nhận rõ là TC muốn nhắm vào việc thành lập một trung tâm quyền lực trong vùng Đông Nam Á Châu để từ đó có thể tiến xa hơn nữa trong việc hợp nhất với Taiwan trong hòa bình hay võ lực, vì đây là miếng xương vẫn còn mắc trong cổ của chính quyền cộng sản TC.
Chính sách hiện đại hoá nhất là trong kỹ nghệ chiến tranh khiến cho Hoa Kỳ và thế giới e ngại. Hiện tại, sau Liên bang Nga, TC là quốc gia thứ nhì có thể tấn công thẳng vào Hoa Kỳ bằng vũ khí xuyên lục địa ICBM. Theo tạp chí 2008 Military Power of the People's Republic of China, thì vào năm 2001, TC đã thành công trong việc chế tạo được "năng lượng đặc" (solid-fueled) và ICBM, và có thể phóng từ các tiềm thuỷ đỉnh. Ngoài ra TC còn có khả năng hiện đại hoá hệ thống viễn thông và lãnh vực điện toán tòan cầu.
Từ những khai triển căn bản trên, TC dù muốn dù không cũng thể hiện nhiều chỉ dấu chuẩn bị cho một cuộc chiến mới. Do đó, thế giới ngày nay, tuy không còn là một thế giới lưỡng cực nữa như trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhưng sự chuẩn bị và hiện đại hoá của TC cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng qua: 1- mục tiêu hiện đại dành cho phát triển trong hoà bình hay chuẩn bị chiến tranh; 2- Khả năng khống chế của TC có đủ mạnh không"? 3- Và những yếu điểm nào của quốc gia nầy khiến cho họ chùng bước.
Câu hỏi được đặt ra là liệu TC có thể mở một cuộc chiến tranh toàn diện hay không?
Câu trả lời là không trong tình trạng hiện tại của TC. Nhưng họ vẫn có khả năng khuấy động từng phần qua việc gây ra những xáo trộn ở biển Đông, việc tranh dành ảnh hưởng thềm lục địa v.v…nhằm mục tiêu thăm dò và đánh giá phản ứng của Hoa Kỳ.
Tuy không chính thức mở ra những cuộc chiến quy ước, nhưng họ đã bắt đầu phát động nhiều chủng loại chiến tranh trong vùng trong vòng 4 năm trở lại, hoặc khuynh đảo địa phương bằng những chiến thuật dưới đây:
* 1- Chiến tranh hàng lậu, hàng giả (hàng nhái), hàng bán với giá rẻ để làm lũng đoạn thị trường thế giới, mà nạn nhân gần nhất là Việt Nam. Kỹ nghệ thực phẩm như cà rốt, bông cải, bắp cải ở Đà Lạt hầu như bị tiêu diệt vì những sản phẩm nầy được chuyển tải từ TC với giá rất hạ tại Sài Gòn.
Kỹ nghệ xe đạp của Việt Nam cũng không sống nổi vì có giá thành cao hơn xe đạp TC. Kỹ nghệ đường cũng chết theo vì nhập máy cũ của TC và vì giá thành cao hơn đường TC v.v…
* 2- Chiến tranh tuyên truyền văn hoá ru ngũ thế hệ thanh niên Việt Nam qua phim ảnh, DVD, CD, và các tạp chí không lành mạnh.
* 3- Phá hoại tài nguyên Việt Nam bằng cách lũng đoạn thị trường, chuyển dịch ô nhiễm đối với một số công nghệ cho nhiều phế thải độc hại, rút tỉa tài nguyên thiên nhiên như gỗ và các mõ kim loại cần cho công nghiệp mà việc khai thác Bauxite ở Cao nguyên Trung phần Việt Nam, và khu công nghiệp Gang thép Formosa Hưng Nghiệp ở Vũng Áng là hai thí dụ điển hình nhứt.
* 4- Nguy hiểm hơn cả là cuộc chiến tranh không quy ước và vũ khí giết người hàng loạt là chiến tranh vi sinh và phóng xạ. Tuy chưa có bằng chứng rõ ràng, nhưng trong nhiều năm qua, nhiều học sinh tiểu học ở nhiều vùng khác nhau từ Bắc chí Nam bị bịnh hàng loạt trong khi đi học. Chứng tiêu chảy, nóng sốt, ngất xỉu xảy ra đồng loạt trong cùng một thời điểm. Bác sĩ không tìm ra bịnh lý. Phải chăng đây là một trong những cuộc thử nghiệm vũ khí vi trùng? Trẻ em vùng duyên hải bị bịnh về tuyến giáp trạng, điều mà người dân sống trong vùng biển không vướng phải vì dùng muối biển có nhân tố Iodine điều hòa tuyến nầy. Phải chăng đây chính là việc áp dụng vũ khí phóng xạ của TC?
Chính sách Đại hán của TC không dừng lại trong âm mưu biến Việt Nam thực sự thành một tỉnh tự trị phía Nam của TC qua vài nhận định và thực tế ở phần tiếp theo dưới đây. Đó là:
1- Chiến lược sử dụng cho nhu cầu kinh tế-chính trị của TC
Chính sách đối với Việt Nam: Tương tự như đa số các hãng xưởng sản xuất của Hoa Kỳ, từ hơn hai thập niên vừa qua, đã di chuyển cơ sở sản xuất về các quốc gia Mỹ La tinh, đặc biệt là Mễ Tây Cơ, vì ở những nơi nầy, nhân công rẻ mạt và luật lệ môi trường hầu như không được áp dụng. Tư bản Tây phương cũng hành xử tương tự là đổ xô vào Đông Âu, những quốc gia vừa thoát khỏi gông cùm Cộng sản như Ba Lan, Hung Gia Lợi. TC cũng đang chuyển mình tiến về Đông Nam Á. Và Việt Nam là một trong những thí điểm lớn để cho tư bản TC định cư.
Trước sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu ngày càng gay gắt, việc hạ giá thành phẩm là việc làm ưu tiên để có thể chiếm lĩnh thị trường thế giới. Đó là chính sách chung của mọi quốc gia. Do đó, Việt Nam là một mãnh đất béo bở cho tài phiệt TC đầu tư vì:
· Nhân công còn quá rẻ, ngay cả đối với nhân công TC vốn dĩ đã quá rẻ mạt;
· Chi phí cho việc bảo vệ môi trường không bị đòi hỏi gắt gao như ở TC hiện tại;
· Và quan trọng nhất là mọi thủ tục hành chánh và dịch vụ xuất nhập cảng đều được dễ dàng vì cung cách quản lý địa phương ở Việt Nam dễ bị mua chuộc qua việc hối lộ hay "bảo kê quyền lực" của Bộ chính trị và Trung ương đảng.
Thêm một yếu tố tâm lý quan trọng khiến cho các nhà đầu tư TC di chuyển xuống VN là TC tìm thấy nơi đây một xứ sở giống như đất nước của họ, một đất nước đang chuyển mình từ từ và đang từ bỏ chủ thuyết cộng sản không tưởng để tiến tới một nền kinh tế thị trường tự do với cái đuôi định hướng xhcn đầy hấp dẫn. Thê nữa, tâm lý chung của hai dân tộc có nhiều điểm tương đồng chính nhất là việc quan hệ kinh doanh dựa theo cách tiếp cận có tính cách cá nhân, xem việc hối lộ là thủ tục đầu tiên, và thường sử dụng quyền lực áp đặt để lấn át pháp luật hầu mang lại mọi dễ dãi trong thủ tục hành chánh.
Hãy nghe Zou Qinghai, Chủ tịch phòng Thương mãi Triết Giang tuyên bố:"Chúng tôi hiểu thông suốt rằng phải đưa tiền hối lộ mới xong công việc. Cách thức phát triển của Việt Nam chỉ đơn giản là một bản sao của TC".
Năm 2005, đầu tư của TC chính thức vào Việt Nam tương đối còn khiêm nhường so với các quốc gia trong vùng như Đài Loan, Nhật Bản, Đại Hàn là 734 triệu Mỹ kim so với hơn 50 tỷ của ba nước vừa kể trên. Nhưng qua những con số không chính thức có liên quan đến những đối tác Hồng Kông thì mức thẩm thấu vào Việt Nam có thể lên đến 3,7 tỷ. Và thương mãi hai chiều đã tăng phi mã trong năm 2015 là trên 100 tỷ Mỹ kim.
Các công ty TC chú trọng đầu tư vào năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam. Việt Nam vẫn là một lợi điểm cho TC vì hai quốc gia đã ký hiệp ước tự do mậu dịch với nhau. Từ đó, TC đã chuyển ngành dệt sang Việt Nam (với mức xuất cảng trên 5 tỷ Mỹ kim hàng năm) để tránh vấn đề hạng ngạch (quota) trong việc xuất cảng các sản phẩm nầy qua Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu.
2- Ảnh hưởng lên môi sinh Việt Nam
Như đã nói ở phần trên, TC đã bắt đầu chuyển dịch các cơ sở sản xuất qua Việt Nam vì áp lực của luật ô nhiễm môi trường ở bản địa là chính. Các đầu tư di chuyển về Việt Nam cũng vì luật lệ ở TC nghiêm ngặt hơn qua việc bảo vệ môi trường ở một số khu vực tại TC, đặc biệt ở các tỉnh ở miền duyên hải như Thượng Hải, Hong Kong, Triết Giang, Quảng Đông. Chính quyền ở những tỉnh nầy khuyến khích đầu tư ở Việt Nam đối với các công nghệ gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất như công nghệ thép, plastic, điện tử, hoá chất v.v... Cơ quan bảo vệ môi trường ở các tỉnh trên đã bắt đầu ngăn cấm và tước quyền sử dụng đất, nước, và điện của những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đó cũng là một trong những lý do chính để các nhà đầu tư TC xuôi Nam, một nơi hoàn toàn không có chính sách bảo vệ an toàn lao động.
Từ những nhận định và phân tích trên đây, quả thật Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều hệ quả của việc bành trướng và phát triển kinh tế và kỹ nghệ của TC. Tư thế của một đàn em Việt Nam trước một đàn anh nước lớn TC cho đến nay vẫn là một sự thuần phục hoàn toàn. Thuần phục trong tư thế chính trị, quân sự lẫn kinh tế. TC đã tạo được một sức ép quá mạnh trong ba lãnh vực trên, khiến cho Việt Nam luôn luôn đang ở thế bị động và không thể nào thoát khỏi tầm ảnh hưởng của ba gọng kềm trên.
Đất Nước là Đất Nước của chung, của cả dân tộc. Từ người lãnh đạo quản lý Đất Nước cho đến người dân cùng đinh trong xã hội cần phải được dự phần và chia xẻ trách nhiệm đối với Quê hương.
Ở các quốc gia tiến bộ và phát triển, người dân có quyền hạn càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Một tai nạn xe lửa hay máy bay có thể khiến cho ông/bà Bộ trưởng Giao thông phải nhận lãnh trách nhiệm và từ chức. Huống chi trong việc quản lý một Đất Nước. Mà Việt Nam từ bao năm nay, có biết bao chính sách, kế hoạch... bị phá sản mà nhân sự đề ra chính sách vẫn ung dung tự tại trên cương vị cũ, có khi càng cao hơn để có điều kiện đề ra những chính sách phá sản khác!
Đó là một trong nhiều nghịch lý làm trì trệ sự tiến hóa và phát triển của Dân tộc.
Thay lời kết
Qua những nhận định và phân tích vừa kể trên, quả thật chúng ta đã thấy thật rõ tinh thần quốc gia cực đoan và tự ái dân tộc của Hán tộc, kể cả người dân và những người cầm quyền.
Đối với người dân Trung hoa, qua Thế vận hội Bắc kinh vừa qua, sau khi thế giới khám phá ra về rất nhiều vụ giả tạo từ màn chiếu pháo bông, cho đến việc nguỵ tạo tuổi giả để tham dự của vận động viên, việc ghép hình một em đẹp qua tiếng hát của em ca sĩ có giọng hát hay nhưng quá xấu(!) trong ngày khai trương Thế vận hội, và việc phi hành gia TC lên không gian (được quây phim trong một hồ nước đã bị phanh phui!) vẫn được người dân trong nước chấp nhận vì não trạng của một "dân tộc Đại Hán". Họ chấp nhận và sẳn sàng bỏ qua những hành động gian trá của chính quyền TC, vì tinh thần dân tộc cực đoan, làm bất cứ giá nào để cho bộ mặt đất nước TC được "đẹp đẻ" trước thế giới.
Đối với nhà cầm quyền cộng sản TC, vì cảm nhận được tâm lý người dân Trung hoa, qua tuyên truyền, họ càng khích động và ru ngủ người dân thể hiện tinh thần đại hán qua các chính sách bành trướng hướng về Đông Nam Á và biển Đông, đặc biệt VIỆT NAM được chiếu cố đến nhiều nhất.
Mới đây nhứt, chỉ nội việc tranh cử Tổng thống Mỹ giữa Trump và Clinton ngày 26/9 vừa qua cũng cho chúng ta thấy rõ nét về tuyên truyền của TC về tính "dân tộc cực đoan". Nó đã "ăn sâu" vào tâm khảm của tuổi trẻ qua diễn đạt trên báo chí TC:"Giới trẻ Trung Cộng cảm thấy tự tôn – mặc dù họ vẫn tức giận vì hai ứng cử viên vẫn "đả Tàu" như thường lệ! Một người ký tên "Huamuxiaoyang" bàn rằng sự kiện Trump và Clinton đả kích Tàu cho thấy "Trung Quốc rất mạnh, không ai có lờ đi được." Sau khi nghe ông Trump "chửi" Trung Quốc, trong bài tường thuật trên Hoàn Cầu Thời Báo (một tạp chí của báo Nhân Dân), một người trẻ viết trên mạng Weibo rằng, "Trung Quốc vĩ đại, gây ảnh hưởng trên cả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tôi rất hãnh diện!"
Chính vì hai lý do trên, TC giữ được ổn định xã hội tương đối trong hiện tại dù là tạm bợ, vì theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, xã hội TC có thể bị xáo trộn và cơn biến động có thể xảy ra bất cứ lúc nào do sự quản lý theo cung cách hiện tại của người cộng sản Hán.
Còn Việt Nam thì sao?
Đảng cộng sản Việt Nam cũng đang rập khuôn theo con đường của đảng cộng sản TC, nhưng trên thực tế họ không thể hiện được chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay tinh thần yêu nước cực đoan như TC, mà chỉ hành xử theo lịnh của đán anh nước lớn mà thôi.
Tóm lại, cho đến ngày hôm nay, mọi động thái của cộng sản Bắc Việt đều do TC điều khiển từ xa; Việt Nam hoàn toàn không còn quyền quyết định ngay cả những việc nội bộ trong nước. Qua việc đàn áp người dân trong khi biểu tình chống TC lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa đủ để nói lên tính nô lệ TC của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Viêt hiện tại.
Hiện tại, nội bộ đảng cộng sản Việt Nam đang có nhiều rạn nứt trầm trọng, và rạn nứt nầy có thể làm cho đảng cộng sản tan rã trong tương lai. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chờ đợi trong thụ động mà cả người Việt trong nước hay tại hải ngoại cần phải thúc đẩy càng mạnh thêm để tiến trình dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam diễn ra càng sớm nhanh hơn. Cơ chế chuyến chính vô sản của CS Bắc Việt cần phải bị triệt tiêu càng sớm càng tốt.
Sách Lịch sử Việt Nam của Cụ Trần Trọng Kim có ghi là Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử trải qua bốn lần bị Bắc thuộc. Nhưng ngày hôm nay, có thể được ghi thêm là Bắc thuộc lần thứ năm kể từ ngày 3 tháng 2 năm 1930 và kết thúc vào ngày…cáo chung của chúng.
Ngày đó sẽ do tất cả người Việt trong và ngoài nước quyết định.
Mai Thanh Truyết
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam
Thu phân 2016
________________________________________
Mai Thanh Truyết
http://maithanhtruyet.blogspot.com/
"The Love of my Country will be the ruling
Influence of my Conduct." - George Washington