DDT: Khó Xử Giữa An Toàn Sức Khỏe Và Bảo Vệ Môi Trường
Phòng vấn trên RFA
Hoá chất bảo vệ thực vật hiện đang được dùng rộng rãi ở Việt Nam, trong đó DDT lại được chiếu cố nhiều nhất, vì ngoài tính chất diệt trừ sâu rầy trong nông nghiệp, DDT còn được xử dụng như một hoá chất hữu hiệu nhất trong công tác diệt trừ muỗi, nguyên nhân chính của bịnh sốt rét. TC KH&MT kỳ nầy thảo luận với TS MTT về ảnh hưởng của hóa chất trên lên sức khỏe và môi trường.
- Hỏi: Trước hết xin TS cho thính giả của Đài biết khái lược về cơ cấu và tính chất của DDT.
- Thưa Anh. DDT là tên viết tắt của hoá chất có công thức 1,1,1-trichloro-2,2-bis-(p-chlorophenyl)ethane, một loại bột trắng đã được tổng hợp vào năm 1874; nhưng mãi đến năm 1930, Bác sĩ Paul Muller (Thụy Sĩ) mới xác nhận DDT là một hóa chất hữu hiệu trong việc trừ khử sâu rầy và từ đó được xem như là một thần dược, nhưng không biết có ảnh hưởng nguy hại lên con người. Khám phá trên mang lại cho ông giải Nobel về y khoa năm 1948. Ngay sau đó, DDT đã được xử dụng rộng rãi khắp thế giới trong việc khử trùng và kiểm sóat mầm mống gây bịnh sốt rét. Nhưng chỉ hai thập niên sau đó, một số chuyên gia thế giới đã khám phá ra tác hại của DDT lên môi trường và sức khỏe của người dân.
Do đó, tại Hoa Kỳ hoá chất nầy đã bị cấm xử dụng hẳn từ năm 1972. Lý do là sau khi được xử dụng, DDT vẫn tiếp tục tồn tại trong nguồn nước, lòng đất và bụi DDT vẫn lơ lững trong không khí. DDT không hoà tan trong nước nhưng hòa tan trong dung môi hữu cơ và được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ xếp vào danh sách hóa chất cần phải kiểm soát vì có nguy cơ tạo ra ung thư cho người và thú vật.
Năm 1998, đại diện của 92 quốc gia trên thế giới nhóm họp tại Montreal (Canada) để bàn thảo về những biện pháp như cấm sản xuất và xử dụng 12 hoá chất độc hại còn được gọi là "hóa chất dơ bẩn" trong đó có DDT vì tính độc hại của chúng do sự tích lũy lâu dài trong không khí, lòng đất và nguồn nước, kết tụ vào các mô động thực vật, nguồn thực phẩm chính của con người.
Hỏi: Như vậy con người bị tiếp nhiễm DDT như thế nào?"
DDT xâm nhập vào cơ thể con người bằng nhiều cách khác nhau:
- Hấp thụ xuyên qua các lỗ chân lông trên da;
- Đi vào thực quản qua thức ăn hoặc nước uống;
- Đi vào khí quản qua đường hô hấp.
Tùy theo vùng sinh sống và cách sinh hoạt, con người có thể bị nhiễm độc trực tiếp hay gián tiếp như sau:
* Người dân sống trong vùng nông nghiệp chuyên canh về lúa có thể bị nhiễm độc qua đường nước.
* Người dân sống trong vùng chuyên canh về thực phẩm xanh như các loại hoa màu thường bị nhiễm qua đường hô hấp.
* Còn người dân ở đô thị bị nhiễm khi tiêu thụ sản phẩm đã bị nhiễm độc.
TS Dick Irwin, một chuyên gia Hoa Kỳ nổi tiếng về ngộ độc đã nhận định rằng: "Hoá chất đã thay thế vi khuẩn và siêu vi khuẩn trong những nguy cơ ảnh hưởng lên sức khoẻ của con người. Bịnh tật bắt nguồn từ hóa chất đang trở thành nguyên nhân hàng đầu trong tử xuất của loài người vào cuối thế kỷ XX và sẽ qua cả thế kỷ XXI nữa".
Hỏi: Còn ảnh hưởng của DDT lên con người ra sao?"
- Ảnh hưởng lên con người được mô tả từ nhẹ đến nặng tùy theo mức độ tiếp nhiễm DDT như sau: Con người cảm thấy nhức đầu, người yếu dần, bị tê các đầu ngón tay, ngón chân, thường hay bị chóng mặt.
Và khi bị nhiễm nặng thì bị mất trí nhớ, sống trong tâm trạng hồi hộp thường xuyên, bắp thịt ngực bị co thắt, không kiểm soát được đường tiểu, thở rất khó khăn và bị động kinh.
Nhiều bà mẹ đã bị xẩy thai vì sống trong vùng ảnh hưởng của hóa chất nầy. Qua những khám phá mới nhất, các bà mẹ bị tiếp nhiễm trong thời gian mang thai, trẻ sơ sinh có thể bị sinh sớm và cò những triệu chứng chậm phát triển về thần kinh.
Hỏi: DDT là một hóa chất độc hại đã được xếp vào danh sách 12 hóa chất dơ bẩn qua Công ước Stockholm và đã bị cấm xử dụng. Tại sao cho đến ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn dùng trong đó có Việt Nam".
- Tuy đã bị cấm xử dụng từ năm 1970 vì những khám phá ảnh hưởng lên môi trường, hiện nay, hóa chất trên vẫn được dùng rộng rãi ở Phi Châu, Indonesia, Ấn Độ, Châu Mỹ La tinh và Việt Nam trong công tác diệt trừ muỗi, tác nhân của bịnh sốt rét do ấu trùng Plasmodium falciparum, một trong 4 loại ấu trùng nguy hiểm nhất của bịnh chuyển từ muỗi sang người. Riêng tại Việt Nam, Ở Việt Nam, DDT đã được dùng ngoài công tác trên, còn được xem như là hóa chất nền chính trong việc pha chế hầu hết hóa chất bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp và chăn nuôi.
Sở dĩ, DDT vẫn còn được chiếu cố ở các quốc gia đang phát triển vì cho đến hôm nay, hoá chất nầy vẫn còn hữu hiệu trong việc phòng chống bịnh sốt rét. Theo thống kê mới nhất của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), hàng năm có khoảng từ 300 đến 500 triệu người bị bịnh sốt rét trên tòan cầu, và có khoảng 1,2 triệu tử vong, đa số là trẻ em vùng sa mạc Sahara, Phi Châu. Thêm nữa, kinh phí cho việc chửa trị cho số bịnh nhân còn lại ước tính lên đến 1,7 tỷ Mỹ kim.
Tuy nhiên, việc xử dụng DDT để phòng bịnh không còn là một phương pháp hữu hiệu nữa vì ấu trùng bịnh sốt rét ngày càng tăng thêm sức đề kháng kể từ khi con người lần lượt dùng thuốc chloroquine, sulfadoxine, chuyển qua artemisinine, và gần đây pyrethroids. Do đó, hiện nay, việc tổng hợp thuốc sau cùng với DDT mới đạt được mức hữu hiệu trong công việc đề phòng bằng cách phun xịt lên các bức tường trong nhà.
Hỏi: Còn Việt Nam thì sao?" Tại sao Việt Nam lại xử dụng DDT ngoài công tác diệt trừ bịnh sốt rét còn dùng trong việc pha chế các hoá chất bảo vệ thực vật?"
- Thưa Anh, ở Việt Nam trước năm 1975, Miền Nam đã xử dụng DDT trong công tác diệt trừ sốt rét, do đó hàng năm chỉ nhập cảng từ 8 đến 10 ngàn tấn mà thôi. Trong hiện tại, Việt Nam nhập hàng năm trung bình trên 100 ngàn tấn. Lý do là, đa số DDT được dùng trong việc pha chế thuốc bảo vệ thực vật vì giá rẻ và có hiệu quả tương đối tốt so với các hoá chất bảo vệ thực vật khác. Tại Tp HCM, hiện có 3 công ty sản xuất (thực ra là pha trộn) hóa chất bảo vệ thực vật lớn là Xí nghiệp thuốc sát trùng Bình Triệu và Tân Thuận, và xí nghiệp thuốc trừ sâu Sàigòn.
Hỏi: Như vậy, DDT vẫn còn là một đề tài tranh cãi trong việc bảo vệ sức khỏe con người và nguy cơ ô nhiễm môi trường. Hiện nay, cuộc tranh cãi nầy diễn ra theo chiều hướng thuận lợi về phía nào, thưa TS"
- Qua Công ước Stockholm, DDT bị cấm xử dụng trong nông nghiệp vì ảnh hưởng của chúng lên con người về lâu dài. Báo cáo khoa học vào tháng 6,2006 ở Đại học Y tế Công cộng, Berkeley cho thấy rằng trẻ sơ sinh bị tiếp nhiễm gián tiếp trong bụng mẹ sẽ bị chậm phát triển cả về cơ thể và thần kinh, cũng như tỉ lệ tử vong trong bụng mẹ rất cao.
Qua nhiều báo cáo khoa học khác, nhiều nhà khoa học đã bắt đầu nghi ngờ việc xử dụng DDT trong công tác diệt trừ sốt rét bằng cách phun xịt lên tường trong nhà ở.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng từ năm 1945 trở đi việc xử dụng DDT đã làm cho 19 loài muỗi có mang ấu trùng sốt rét tăng thêm sức đề kháng, do đó cần phải phun xịt một liều lượng cao hơn. Vì vậy việc xử dụng hóa chất nầy không còn được các nhà khoa học hưởng ứng nữa so với tác hại của chúng lên môi trường.
Việc đem DDT vào nông nghiệp và chăn nuôi ở Việt Nam và một số quốc gia đang phát triển là một việc làm có tính cách nhất thời.
Vì sao?
Vì DDT sẽ tồn tại lâu dài trong môi trường, sẽ chuyển hoá thành DDE và có độc tính tương đương như dioxin, do đó còn có tên là dioxin-tương đương. Vì vậy, ảnh hưởng lên môi trường của DDT trong việc pha chế các thuốc bảo vệ thực vật cần phải được loại trừ, vì hiện nay, ngành công nghệ sinh học tiên tiến có khả năng tạo giống mới cho cây trồng có sức đề kháng cao. Công nghệ nầy áp dụng cấy mô hay tế bào vào cây trồng hay động vật để tạo ra kháng thể tự nhiên cho các thế hệ về sau, do đó cây cỏ và gia súc sẽ có tính miễn nhiễm và đề kháng cao đối với sâu rầy.
Hỏi: Qua cuộc trao đổi trên đây, TS có ý kiến gì về việc dùng DDT ở Việt Nam hiện tại"
- Thưa anh, đứng về phương diện phòng bị và diệt trừ sốt rét, DDT vẫn là một tác nhân hữu hiệu trong công tác trên. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, trước sức đề kháng ngày càng tăng của muỗi và ấu trùng, chúng ta cần phải thay đổi phương cách và dùng các hỗn hợp hoá chất trừ sâu rầy khác trộn lẫn với DDT.
Thêm nữa, việc phòng bịnh vẫn tốt hơn là việc trị bịnh, do đó, cần phải phát triển nhanh hơn và rẻ hơn những loại thuốc chủng ngừa sốt rét. Hiện nay, Quỹ Bill và Melinda Gates đã tài trợ một ngân khoản lớn cho việc sản xuất thuốc chủng nầy. Và đây cũng là một giải pháp hợp lý cho việc phòng ngừa bịnh sốt rét thay thế cho việc xử dụng DDT.
Riêng về khía cạnh phát triển nông nghiệp, DDT cần phải được loại bỏ để tránh cho môi trường ở các quốc gia đang phát triển giảm thiểu được một phần nào mức độ ô nhiễm ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa của thế giới.
Mai Thanh Truyết
Hôi Khoa học & Kỹ Thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ (VAST)
_____________________________________________________
Mai Thanh Truyết
http://maithanhtruyet.blogspot.com/
" Tự do là Ung dung trong Ràng buộc
Hạnh phúc là Tự tại trong ...Đau thương" - Tuệ Hải
"Every Generation needs a New Revolution". - Thomas Jefferson-