Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam tại Hải Ngoại
Hình ảnh mừng vui của các giáo chức trong ngày Đại hội
Sau hơn 7 năm sống tha hương, vào ngày 26/11/1982, hơn 100 cựu giáo chức Việt Nam , cư ngụ tại California và một số tiểu bang đã tổ chức một buổi đại hội kéo dài suốt ngày nói trên, tại một thành phố ở quận Cam, CA. Hiện diện trong buổi đại hội hôm nay, có những giao sư đến từ nhiều địa phương khác nhau như: Cụ Vũ Văn Tiền (dạy Lý Hóa), Thầy Phan Huy Tùng (Lý Hóa), Thầy Chử Bá Anh (hiệu trưởng Văn học Đà Lạt), Thầy Lan, Thầy Triết, Thầy Lê Phương, Thầy Bạch Đình Vỹ v.v…
GS Phạm Cao Dương, mở lời chào mừng đại hội nói lên "nhu cầu nối kết giữa những người mà nghiệp dĩ vốn gắn bó với tuổi trẻ". (theo báo Người Việt số 143 ngày 8/12/1982)
Sau đó, Cụ Nguyễn Văn Hiếu, đến từ Sacramento, một giáo chức cao niên với hơn 40 năm trong nghể dạy học, tiếp lời:"Sau 8 năm đỏ mắt trông chờ, hôm nay tôi mời có được những giây phút sung sướng khi thấy các cựu đồng nghiệp đã kết hợp để cùng nhau lãnh trách nhiệm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tại hải ngoại như một sự nối tiếp thiên chức của nhà giáo". (Cụ Hiếu trong thời gian ngụ tại Sacramento, cũng đã ghi danh đi học lại và đã có bằng BA tại CSU Sacramento).
Tiếp theo sau, giáo chức Bùi Nhật Tiến và Ngô Duy Chính trình bày về thân phận giáo chức bên nhà và thực trạng giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Kế sau đó, nhà giáo Lưu Trung Khảo và Trần Ngọc Vân trình bày về trách nhiệm của nhà giáo tại hải ngoại.
Sau phần nghĩ giải lao và ăn trưa, một chủ tọa đoàn được thành lập để điều hợp phần hội thảo của đại hội, gồm: - GS Lưu Trung Khảo (Orange County), - GS Trần Cảnh Xuân (San Diego), - và GS Chử Bá Anh (Washington).
Quyết định sau cùng của đại hội là thành lập một tổ chức với danh xưng "Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam tại Hải Ngoại" nhằm mục đích thắt chặt mối dây tương trợ liên lạc giữa những cựu giáo chức Việt Nam vì hoàn cảnh đã phải sinh hoạt trong các ngành nghề khác nhau nhưng vẫn không quên thiên chức của mình trước nhu cầu hướng dẫn thanh thiếu niên.
Đại hội sau cùng đã bầu ra Ban Chấp hành Lâm thời của Hội gồm 12 nam nữ cựu giáo chức: - Cô Nghiêm Thị Hiếu – Cô Ngô Thị Hương – Thầy Phạm Cao Dương – Thầy Trần Cảnh Xuân – Thầy Nguyễn Trung Quân – Thầy Chử Bá Anh - Thầy Đinh Lưu Nhã – Thầy Bùi Nhật Tiến – Thầy Bùi Văn Bình – Thầy Trần Ngọc Vân (tức nhà văn Trần Phong Vũ) – Thầy Phan Quân Hồng – Thầy Lưu Trung Khảo. Và đặc biệt, nhà giáo Lưu Trung Khảo được giao trách nhiệm Chủ tịch Lâm thời để cùng với các thành viên trong Ban Chấp hành chuẩn bị cho Đại hội sang năm 1983 và có trách nhiệm chuẩn bị thực hiện các công tác sau:
- 1-Nạp sổ hồ sơ đính kèm bản điều lệ để xin hợp thức hóa việc thành lập Hội;
- 2-Dự thảo nội quy để trình ra đại hội 1983 biểu quyết;
- 3-Tìm cách liên lạc với tất cả anh chị em cựu giáo chức hiện đang định cư tại các quốc gia trên thế giới;
- 4-Thực hiện bảng tin gửi đến các cựu giáo chức khắp năm châu để nối lại liên lạc;
- 5-Chuẩn bị triệu tập đại hội kỳ 2 cuối năm 1983 để bầu Ban Chấp hành chính thức và ấn định chương trình hoạt động dựa trên ba mục tiêu là tương trợ – văn hóa – và giáo dục.
Địa chỉ tạm thời của Hội là: 3 Beechwood Ave, Irvine, CA 92609, Tel: 714-551-5664 (trích báo Người Việt 8/2/1982)
Và hội chính thức được thành lập vào ngày 27 – 12 – 1982 căn cứ theo Thư chúc mừng của Văn phòng Hướng đạo Việt Nam tại Hải Ngoại.
Sinh hoạt của Hội
Ngay sau khi chính thức thành lập hội, CT Lưu Trung Khảo đã thành lập Ban Chấp hành như sau:
- GS Phạm Cao Dương làm Phó Chủ tịch, sau đó được thêm chức vụ Tổng thư ký
- Nhà báo Lê Đình Điểu, Phó chủ tịch
- GS Trần Cảnh Xuân, Phó Chủ tịch
Hai GS Dương và Xuân đặc trách soạn thảo Nội quy của Hội.
1- Về việc đệ nạp hồ sơ xin hợp thức hóa của Hội Non Profit Organization 501 c(3): Theo chỗ chúng tôi được biết, Ban Chấp hành Lâm thời chưa bao giờ tiến hành thủ tục nầy. Xin Vị nào biết rõ hơn cho ý kiến.
2- Bàn dự thảo nội quy: Qua lời của hai GS Dương và Xuân, hai Ông đã đệ nạp lên GS Khảo bản Dự thảo nội quy tại tư thất của GS, nhưng từ đó đến nay, chưa ai thấy được văn bản chính thức của bản nội quy như thế nào. Do đó, vào đầu thập niên 1990, hai GS Dương và Xuân đã xin từ nhiệm. GS Xuân vừa mới điện thoại cho người viết và báo rằng anh hiện đang giữ văn bản nội quy của Hội bằng Anh ngữ do anh và GS Dương biên soạn từ năm 1983. Văn bản tiếng Việt đã được trao tận tay GS Lưu Trung Khảo từ dạo ấy, nhưng từ đó đến nay…văn bản nầy vẫn bặt vô âm tín!?
3- Mục 3,4, và 5: Chính vì hai mục tiêu đầu tiên không hoàn tất, do đó, Ban Đại diện Lâm thời hoàn toàn bị tê liệt. Theo lời các vị Phó chủ tịch, không có một buổi họp chính thức nào sau ngày Đại hội, nhưng không biết Ông Chủ tịch có họp "staff" riêng hay không? Vì vầy, các mục 3,4,và 5 cũng không bao giờ thực hiện được. Và có thể nói, Hội Ái hữu Cựu Giáo chức Việt Nam tại Hải ngoại từ ngày thành lập tạm thời đến nay (2014) không hề hội đủ điều kiện của một hội thiện nguyện đối với tiểu bang California. Hay nói chính xác hơn, Hội không có tính cách pháp nhân.
Từ ngày thành lập Ban Chấp hành Lâm thời đến nay, hàng năm Hội (hay nhân danh Hội) tổ chức một buổi tiệc Tân niên do Ông Chủ tịch Lâm thời mời gọi mà thôi.
Chính vì vậy, Hội không thể nào quy tụ đại diện của tầng lớp giáo chức trung tiểu học, nhứt là giáo chức đại học.
Chúng ta phải làm gì hôm nay?
Trước sự xâm nhập của CS BV vào các cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đặc biệt là Nghị Quyết 36 ngày 26/3/2004 , trong đó lãnh vực giáo dục được cs đem lên hàng đầu:'
"Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. Xây dựng và hoàn chỉnh sách giáo khoa tiếng Việt cho kiều bào, cải tiến các chương trình dạy tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và qua mạng Internet. Cử giáo viên dạy tiếng Việt tới những nơi có thể để giúp bà con học tiếng Việt. Tổ chức trại hè nói tiếng Việt cho thanh, thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài".
Gần đây, hai bộ sách "Tiếng Việt Vui" và "Quê Việt" đã được CS BV tung ra hải ngoại để làm căn bản giảng dạy tại nước ngoài; đặc biệt một số trung tâm tiếng Việt ở Nam Cali đã xử dụng hai bộ sách nầy. Ngày 30/6/2014, đề án "Hỗ trợ dạy tiếng Việt, học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài" với ngân khoản thực hiện là 235.000 Mỹ kim do Bộ Giáo dục và Bộ Ngoai giao CS tài trợ.
Câu hỏi cấp bách được đặt ra là: "Hiện tại, việc phân phối ngân khoản trên đang và sẽ đến tay ai trong các trường nầy?"
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn nữa các trường dạy tiếng Việt cho người "bản xứ" (Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Úc v.v…) có gốc Việt và quan trọng hơn nữa cần rà soát lại các chương trình giảng dạy nhứt là ở các đại học có các tín chỉ Tiếng Việt.
Tại Nam Cali, có trên hàng trăm trường Việt Ngữ đã được thành lập do các cộng đồng tôn giáo, các tổ chức dân sự cộng đồng, các thầy cô thiện nguyện…do đó, chương trình giảng dạy, sách giáo khoa hay đề tài giảng dạy, cũng như thầy cô phụ trách giảng dạy là ba yếu tố thiết yếu cần phải được lưu tâm đặc biệt.
Nếu một trong ba yếu tố trên bị xâm nhập do NQ 36 qua người thầy, hay một thành viên trong tổ chức trường học len lõi vào; điều đó quả thật là một tai hại khôn lường cho lập trường chống Cộng của người Việt hải ngoại.
Chương trình Việt Nam Học (?) phải chăng là một phương cách khéo léo xâm nhập vào cộng đồng người Việt hải ngoại để sửa đổi lịch sử chống giặc phương Bắc triền miên của tổ tiên Việt?
Vì vậy, chúng ta cần phải duy trì mục tiêu giáo dục của miền Nam thân yêu của chúng ta, để cho con em, tuổi trẻ Việt ở hải ngoại thấy và hiểu được tinh thần giào dục luôn lấy con người làm căn bản. Chúng ta cần phải duy trì với bất cứ giá nào và các Thầy Cô hiện diện ở hải ngoại trong lúc nầy chính là những người có trách nhiệm trong việc duy trì văn hóa thuần túy và tiếng Việt trong sáng cho con em của chúng ta.
Vào năm 1958, một Đại Hội nghị giáo dục toàn quốc (miền Nam từ vỹ tuyến 17 trở vào) đã nghiên cứu và chấp nhận 3 nguyên tắc căn bản định hướng cho nền giáo dục Việt Nam là nhân bản, dân tộc, khai phóng.
a. Nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục nhân bản, tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người, lấy chính con người làm cứu cánh, và như vậy nhằm mục đích phát triển toàn diện con người;
b. Nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục dân tộc, tôn trọng giá trị truyền thống, mật thiết liên quan đến những cảnh huống sinh hoạt như gia đình, nghề nghiệp, đất nước và bảo đảm hữu hiệu cho sự sinh tồn và phát triển của quốc gia;
c. Nền giáo dục việt Nam phải có tính cách khai phóng, tôn trọng tinh thần khoa học, phát huy tinh thần dân chủ xã hội, thâu thái tinh hoa các nền văn hóa thế giới. (trích trong hiến pháp VNCH).
Đến năm 1970, thêm một nguyên tắc khác được đem vào làm chuẩn cho nền giáo dục miền Nam. Đó là lấy sự tôn trọng tinh thần khoa học, như các quốc gia tân tiến trên thế giới, làm nền tảng cho mọi sự tiến bộ giáo dục tại Việt Nam.
Từ đó, giáo dục miền Nam đã có những bước đi vững chắc trên nền tảng của Nhân bản-Dân tộc-Khai phóng-Khoa học. Đây chính là kim chỉ nam làm cho nền giáo dục miền Nam liên tục tiến bộ nâng cao phẩm chất giáo dục quốc gia, và tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên miền Nam trở thành những thành viên ưu tú của đất nước trong suốt thời kỳ 1958-1975.
Xã hội Việt Nam hiện nay ngày càng băng hoại sau hơn 39 năm cai trị của CSBV, và chính hình ảnh nầy đã và đang đánh dấu buổi hoàng hôn của chế độ..
Do đó, để chuẩn bị cho một Việt Nam DÂN CHỦ PHÁP TRỊ trong tương lai, cần phải có một nền giáo dục đặt nặng vào các mục tiêu sau:
a. Giúp cho thanh niên thu thập được nền văn hóa phổ thông, đồng thời chuẩn bị cho họ bước vào các ngành chuyên môn ở bậc đại học và kỹ thuật.
b. Khuyến khích việc học ngoại ngữ, chú trọng đến việc sinh hoạt hiệu đoàn để học sinh quen sống tập thể, có tinh thần tháo vát, biết giúp ích mọi người, đồng thời rèn luyện những đức tính nhân bản cần thiết cho đời sống thực tế của một công dân tương lai.
c. Đặc biệt chú ý đến vấn đề sức khỏe của học sinh và phát động phong trào thể dục thể thao toàn quốc, nhằm thực hiện mục tiêu "Một tinh thần minh mẫn trong một thân thề tráng kiện".
d. Và nhứt là đề cao môn đạo đức học và công dân giáo dục hầu tạo dựng một tầng lớp thanh niên ưu tú về khoa học, đạo đức, và ý thức công dân để kiến thiết quốc gia.
Nếu áp dụng CHÍNH SÁCH QUỐC GIA GIÁO DỤC miền Nam trước 1975 được sáng suốt thi hành, trên nền tảng Nhân bản-Dân tộc-Khai phóng-Khoa học, để thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục băng hoại của chế độ hiện hành, thiết tưởng một Việt Nam trong tương lai sẽ thoát khỏi sự thụt lùi trong một vài thập niên hậu Cộng sản.
Sự tồn tại của Hội Ái hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam tại Hải Ngoại
Cho đến hôm nay (9/2014), GS Lưu Trung Khảo, Cố vấn Ban Đại diện các Trung tâm Việt ngữ (mà "giáo sư" Quyên Di là "chủ trì" ngầm đằng sau các Trung Tâm nầy, vì Quyên Di không giữ vai trò chính thức nào trong Ban Quản trị và Ban Điều hành mà chỉ làm trưởng khối huấn luyện)), vẫn luôn ký tên hoặc được xướng danh trong các buổi hội họp trong các tổ chức cộng đồng là Chủ tịch Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam tại Hải Ngoại, một Hội hoàn toàn không có tính cách pháp nhân và không hề thấy sinh hoạt tại hải ngoại ngoài các buổi tiệc Tân niên hàng năm do GS mời tham dự!
Thậm chí, trong quyển sách "Đề Nghị Thống Nhất Cách Viết Chữ Quốc Ngữ" của Nhóm Thực Hiện Tự Điển Tại Hải Ngoại do nhà xuất bản Hùng Sử Việt năm 2013, GS cũng viết Lời tựa và ký tên Lưu Trung Khảo, Chủ tịch Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức tại Hải Ngoại.
Có phải đây là một sự tiếm danh của cộng đồng giáo chức Việt Nam Cộng Hòa cũ ở hải ngoại hay không?
Kính mong Thầy Cô giáo chức VNCH vẫn còn mối ưu tư với tiền đồ văn hóa dân tộc Việt thẩm định và "động não" để truy tìm một phương cách chấm dứt tình trạng nhập nhằng nầy.
***
Qua các nhận định ở phần trên, chúng ta đã tỏ tường tình trạng của Hội Ái hữu Cựu Giáo chức; vấn đề được đặt ra ngày hôm nay là làm thế nào để cứu vản tình thế:
· Hoặc giải tán Hội;
· Hoặc triệu tập Đại hội khoáng đại các cựu giáo chức ở hải ngoại để tránh những sự tiếm danh vì mục đích cá nhân hay đáp ứng mục tiêu của CS Bắc Việt luôn luôn muốn bào mòn và triệt tiêu tinh thần chiến đấu của cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Bài viết nầy có sự đóng góp của một số đồng nghiệp giáo chức và cũng là thành viên của Ban Chấp hành ban đầu, không nhằm mục đích chỉ trích hay đả phá cá nhân mà chỉ mong nêu ra những suy nghĩ về tương lai của các thế hệ con cháu chúng ta ở hải ngoại hiện tại và sau nầy trong lãnh vực văn hóa và ngôn ngữ. Nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chận thích ứng kịp thời, chắc chắn sẽ có một số người vì quyền lợi, vì danh hảo, sẳn sàng tiếp tay với cs qua NQ 36 để làm lũng đoạn mục tiêu giáo dục nhân bản của chúng ta và thay đổi lịch sử nước nhà để chu toàn vai trò Thái thú biết nói tiếng Việt của Tàu Cộng.
Chúng ta hãy đọc một phần trong lá thư ngày 1/9 gửi cho DS Nguyễn Đức Năng (Cựu Hội trưởng Trường Bưởi – Chu Văn An và gs Khảo là gs Cố vấn), một người bạn thời trung học, GS Phạm Cao Dương có viết:
- Trong thư Anh có nói tới việc tôi làm Phó Hội Trưởng cho Hội Cựu Giáo Chức. Điều đó đúng. Nhưng thực ra đó là Hội Cựu Giáo Chức Việt Nam Tại Hải Ngoại và tôi là Tổng Thư Ký ban đầu, sau là Phó Chủ Tịch. Nhưng tôi đã từ nhiệm ngay từ thập niên 1990 vì thấy việc làm của Hội không còn đúng như ban đầu nữa, không còn là Hải Ngoại, nhất là trong việc bầu bán để lưu nhiệm ban chấp hành, vì làm như thế là coi thường đồng nghiệp của mình, những người cũng một thời là giáo chức như mình và nhất là mình đang tranh đấu cho quyền dân chủ ở trong nước. Mình là thày giáo không thể làm như vậy được, không thể khinh anh em được. Tôi soạn thảo nội quy và điều lệ nên tôi biết.
Hồi tôi làm Phó Chủ Tịch còn có hai Phó chủ Tịch khác là Nhà Báo Lê Đình Điểu và Nhà Giáo Trần Cảnh Xuân. Nhà Báo Lê Đình Điểu đã qua đời từ rất lâu rồi. Còn tôi vẫn bị gọi là Phó Chủ Tịch, là "Ông Phó" mà không sao cải chính được. Tôi có đem chuyện này hỏi Nhà Giáo Trần Ngọc Vân tức Nhà Văn Trần Phong Vũ cũng là một trong những sáng lập viên và hoạt động cho Hội từ đầu tới hiện tại và hỏi bây giờ những ai là thay thế cho Lê Đình Điểu và tôi làm Phó Chủ Tịch Hội Cựu Giáo Chức Hải Ngoại và tôi có còn là Phó Chủ Tịch hay không thì Nhà Báo Trần Phong Vũ trả lời ông cũng không rõ. Tôi thấy việc này không được nhất là vì Nhà Báo Lê Đình Điểu, Ông Điểu đã quá cố từ lâu rồi.
Ngoài những lý do kể trên khiến tôi từ nhiệm còn có lý do khác nữa là Hội không còn là Hải Ngoại từ lâu rồi và tôi không thế coi thường những bậc trưởng thượng của tôi trong đó có vị từ Seattle cho biết Cụ chờ đợi sự thành lập Hội từ lâu rồi và xin được "kết nạp" vào Hội để Cụ có chỗ sinh hoạt lúc tuổi già nơi Đất Khách quê người. Cụ vốn là giáo viên tiểu học. Một vị khác là thày của tôi. Đó là Giáo Sư Nguyễn Khắc Kham. Cụ cũng là thày của nhiều anh em mình. Cứ đến hạn là Cụ gừi tiền niên liễm nhờ tôi đóng cho Hội. Tôi năn nỉ Cụ miễn cho điều này nhưng Cụ nhất định không chịu. Cụ nói vào Hội phải đóng niên liễm chứ không thì làm sao có Hội. Bây giờ thì cả hai Cụ đều đã không còn nữa. Tôi ở trong ban chấp hành nên được nghe và đọc những lời lẽ cảm động này. Tôi xin gửi Anh vài bài tượng trưng kèm theo đây, để Anh đọc cho vui.
Anh Năng ơi! Anh nhắc tới chuyện trên thì tôi phải nói, biết gì nói nấy. Tôi chỉ biết rõ về Hội trong thời gian đầu. Giáo Sư Lưu Trung Khảo, Cố Vấn của Hội Bưởi-Chu Văn An, người hiện vẫn là Chủ Tịch của Hội Cựu giáo Chức Việt Nam Tại Hải Ngoại và là Chủ Tịch liên tục, 32 năm, từ khi Hội được thành lập, tháng Tám năm 1982, chắc biết rõ và nắm vững vấn đề hơn tôi. Anh cũng có thể hỏi hai vị sáng lập viên khác là Nhà Văn Trần Phong Vũ và Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, nguyên Hiệu Trưởng Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ hay Giáo Sư Trần Cảnh Xuân ở San Diego."
Qua tâm tình của GS Dương gửi cho DS Năng, chúng tôi tự hỏi, tín hiệu của bài viết Quý vị đang có trên tay hiện tại là gì?
Thưa Quý vị,
Trong số trên 100 Nhà Giáo hiện diện trong ngày Đại hội năm 1982, chắc chắn có nhiều vị đã ra đi…mà không toại nguyện, vì những ước hẹn qua năm mục tiêu đề ra cho Ban Chấp hành Lâm thời lúc bấy giờ, sẽ không bao giờ thực hiện cho đến ngày hôm nay!
Để kết luận, xin trích đoạn trong phần kết của quyển sách "Giá Tư Do" ( sách được giải thưởng hạng nhứt năm 2014 do Hội Y Sĩ Thế Giới trao tặng tại Úc Châu năm 2014) do nhà giáo Lâm Vĩnh Bình từng là Hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho:"Trong bối cảnh như vậy (90 triệu đồng bào đã bị đày đọa trong nghèo đói và đạo lý suy đồi…) vai trò của các thế hệ kế thừa quả tình thật nặng, bởi lẽ không những họ phải xây dựng đất nước bằng trí tuệ, bằng trái tim mà còn cả bằng nhân cách.
Vâng, điều đó sẽ xảy ra: chế độ cộng sản sẽ chấm dứt, nước Việt Nam sẽ được xây dựng lại từ đầu, trên căn bản đạo lý của dân tộc Việt Nam và triết lý của nến giáo dục VNCH: dân tộc, nhân bản, khai phóng và khoa học".
Kính mong mỗi người trong chúng ta có một lời công đạo cho vấn đề được sáng tỏ, và để bảo vệ thanh danh và uy tín của cộng đồng giáo chức miền Nam chúng ta, không thể để một vài cá nhân lợi dụng làm hoen ố!
Mai Thanh Truyết
Thầy giáo Đại học Sư Phạm Sài Gòn