Radio Dallas 1600AM

Chương trình Tiếng Nói Da Vàng

Đôi Đũa Trung Cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhã Quyên: Sau những trao đổi về những ngày đau buồn của đất nước tức là Ngày Quốc Hận, hôm nay Chương trình Tiếng Nói Da Vàng lại trở về với thính giả vùng Dallas và phụ cận. Đề tài trao đổi với TS MTT hôm nay là một đề tài thú vị, gần gủi với dân tộc Việt. Đó là đôi đũa dùng trong những bửa cơm Việt Nam. Trước hết xin chào TS và xin TS bắt đầu Chương trình hôm nay.

MTT: Cám ơn Cô NQ đã giới thiệu đề tài thảo luận hôm nay. Đũa là một dụng cụ dùng để gấp đồ ăn thông dụng đối với Việt Nam, Trung Cộng, Nhật Bản, và Đại Hàn, so với nĩa hay dùng bàn tay của các dân tộc Tây phương hay dân tộc có đạo Ấn, Hồi hay Islam. Có thể nói gần 1/3 dân số trên thế giới dùng đũa để ăn. Đối với bốn quốc gia kể trên, đũa dự phần quan trọng vào văn hoá ẩm thực của người dân.  Người Trung Hoa đã bắt đầu dùng đũa trên 3.000 năm trước. Tiếng Tàu cỗ gọi đũa là "Zhu", và tiếng hiện tại là "Kuaizi". Theo lịch sử TC, đũa đã được xử dụng từ triều đại nhà Thương (Shang) (từ năm 1600 trước Thiên Chúa). Đũa tre có trước đũa làm bằng ngà voi hàng ngàn năm trước đây. Sau đó đũa làm bằng đồng (copper) xuất hiện vào khoảng 1.100 trước Thiên Chúa; rồi đến đũa sơn (lacquer) vào năm 206  TTC. Sau cùng đũa vàng và bạc xuất hiện dưới triều Tống vào năm 618 sau Thiên Chúa. Đũa vàng và bạc ngoài lý do phô trương sự giàu sang còn dùng để khám phá sự hiện diện của chất độc trong thức ăn nữa (các quan lại, vua chúa thời nầy rất tin tưởng vào đìều nầy).

NQ: Qua sự trình bày về lịch sử của đũa, chúng ta thấy đũa đã trãi qua một quá trình dài cũng không kém chiều dài lịch sử của Vệt Nam mình từ đũa làm bằng cây tre, rồi đến đũa bằng ngà voi rồi qua kim loại, rồi qua plastic, …rồi trở về bằng …đũa gỗ…Nếu nói về phân loại, TS có thể cho thính giả biết thêm về cung cách phân loại qua từng thời kỳ hay không không?

MTT: Thưa Cô NQ. Đũa có thể được phân chia thành năm nhóm khác nhau tuỳ theo nguyên liệu dùng để chế tạo. Đó là đũa gỗ (tre hay các loại cây khác), đũa kim loại, đũa làm bằng xương thú vật, đũa bằng đá, và đũa làm bằng các hổn hợp hoá chất gọi là đũa tổng hợp. Theo phong tục của người TH, khi ăn không nên khua đũa, vì việc gây ra tiếng động nầy là biểu tượng cho việc làm của người hành khất khua đũa để gây sự chú ý của người qua đường. Hàng năm TC sản xuất 45 tỷ đôi đũa để dùng trong nước và xuất cảng 1/3 qua Đại Hàn và Nhật. Một công ty Hoa Kỳ ở Duluth, Minnesota đã sản xuất hàng ngày 200 triệu đôi đũa và xuất cảng qua TC.

 Việc dùng đũa cho đến hôm nay đang là một vấn đề tranh cãi lớn trên thế giới vì các nhà khoa học "xanh" cũng như các tổ chức phi chính phủ (NGO) chống lại việc dùng đũa xài một lần trong ăn uống vì ảnh hưởng lên môi trường do việc phá rừng để làm nguyên liệu.

Muốn có 1,8 tỷ đôi đũa cần phải đốn một triệu cây rừng!

Do đó, đũa "dùng một lần" (disposable hay on-time) đối với các giới trên, cũng là một hiễm họạ làm tăng sự hâm nóng toàn cầu do việc cây cối không còn hấp thụ CO2 nữa vì với một triệu mẫu cây trồng có thể hấp thụ hàng năm 70 triệu tấn CO2 trong bầu khí quyển trái đất . 

Các phong trào tẩy chay đũa dùng một lần ngày càng phổ biến ở TC. Học sinh, sinh viên, và nhạc sĩ "pop TC" lên tiếng khắp nơi vận động việc cấm xài đũa dùng một lần. Đứng về phía chính quyền TC, họ cũng có vài hành động tích cực đáp ứng lại đòi hỏi của phong trào là ra lịnh cho trên 100 cửa hàng ăn uống quốc doanh dùng đũa "tổng hợp" (hoá chất). Gần đây Thượng Hải và một vài tỉnh lớn ra lịnh cầm dùng loại đũa nầy. Phong trào cũng lan rộng qua Nhật Bản, nhưng chưa gây được sự chú ý nhiều vì 25 tỷ đôi đũa người Nhật dùng hàng năm không do sự chặt đốn cây trồng ở Nhật mà do nhập cảng từ Hoa Kỳ và TC. Đại Hàn kể từ năm 2000 bắt đầu cấm xài đũa dùng một lần và thay thế bằng đũa kim loại ở các tiệm ăn.

Một hành động tích cực khác của chính quyền TC là mới vừa ban hành việc đánh thuế 5% lên đũa gỗ dùng một lần nhằm mục tiêu cải thiện việc phá rừng và bảo vệ môi trường sống cho thế hệ về sau cũng như khuyến khích người dân dùng các loại đũa khác để có thể xài nhiều lần.

NQ: Nói như vậy thì các quốc gia như Nhật, Đại Hàn, TC cũng có ý thức về nguy cơ của việc dùng đũa xài một lần vì ngoài lý do ảnh hưởng lên môi trường sống toàn cầu vì do sự đốn cây rừng làm mất đi sức hấp thụ khí CO2, do đó, làm cho tiến trình hâm nóng toàn cầu trầm trọng thêm lên. Thêm nữa, đứng về phương diện an toàn vệ sinh, xin Ông cho biết thêm về sự tác hại cũng như ảnh hưởng lên xã hội trong việc dùng đũa xài một lần và cung cách ứng xử của các quốc gia như thế nào, thưa Ông?

MTT: Thưa Cô. Các chính quyền đặc biệt như TC cũng có lưu tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh trong việc sản xuất đũa như câu chuyện đũa TC ở đây, vì nhà chức trách TC đã từng ra lịnh thu hồi vào năm 2013 trên 45 tỷ (45.000.000.000) đôi đũa dùng một lần đang trên đường qua Nhật Bản và Đại Hàn.  Theo lời ông Chiu Ree, sở dĩ có lịnh thu hồi nầy vì trong đợt xuất cảng trước, các quốc gia nhập cảng đã khám phá là đũa bị nhiễm độc.

Nên nhớ, đũa dùng để xuất cảng của TC làm bằng gỗ, được sơn màu trên đó lại còn thêm những hoa văn làm cho đẹp mắt và làm cho đũa khỏi bị thấm nước. Nhưng một khi sơn bị tróc ra đũa trở nên vô dụng vì nước đã đi vào các sớ gỗ. Cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm ở hai quốc gia kể trên sau khi phân tích lớp sơn bên ngoài đũa đã khám phá ra sự hiện diện của chì (lead) và một số hoá chất hữu cơ khác cao hơn định mức an toàn cho phép. Kể từ đây Nhật và Đại Hàn có lẽ phải dùng muỗng nĩa khi ăn uống trong một thời gian dài.

NQ: Quả thật câu chuyện về đôi đũa trông có vẻ tầm thường nhưng thật sự hết sức phức tạp về nhiều phương diện khác nhau, xin Ông cho biết cung cách sản xuất đũa thông thường ở TC.

MTT: Có thể nói, điển hình nhứt là một nhà máy sản xuất đũa ở tỉnh Triết Giang đã bị phát hiện khi đang luộc sôi đũa trong một bồn ngâm hóa chất hydro peroxid dùng trong công nghiệp, sau đó đánh bóng đũa bằng sáp paraffin.

Đây là loại đũa dùng một lần, trung bình mỗi năm Trung Cộng chặt 20 triệu cây 20 năm tuổi để làm ra 80 tỷ đôi đũa loại này. Sau khi được đóng gói qua loa, số đũa này được phân phối trong các khu chợ tại Thượng Hải trước được đưa lên bàn ăn trong các nhà hàng. Một khách hàng cho hay cô đã luộc đũa để khử trùng trước khi dùng cho thực phẩm, tuy nhiên một phần nước trong nồi đã bốc hơi.

Theo các chuyên gia, loại đũa này được ngâm trong chất bảo quản có tên gọi sulphur dioxid, loại chất này được tìm thấy có hàm lượng cao quá mức trong đũa được bán tại các khu chợ ở Thượng Hải.

NQ: Vấn đề quan trọng như thế, nhưng thưa Ông, người dân cũng như các nhà khoa học hay các xã hội dân sự có lưu ý và khuyến cáo cũng như vận động dân chúng thấy rõ nguy cơ cùng các biện pháp phòng ngừa trong khi dùng đũa xài một lần không thưa Ông?

MTT: Dư luận khắp nơi đều có lưu ý đến vấn đề nầy thưa cô. Chẳng hạn như, thông điệp của nam diễn viên TC Huang Bo đăng trên blog với nội dung: "Ngừng sử dụng đũa (loại dùng một lần), đó không phải vấn đề bảo vệ môi trường, mà chính là cách cứu lấy cuộc sống của riêng bạn", và suy nghĩ nầy, ngay sau khi được đưa lên mạng, thì có ngay 125.000 lượt tham khảo và chia sẻ bởi dân cư mạng, cũng như nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân.

Hay, Ông Dong Jinshi, Tổng thư ký của Hiệp hội bao bì thực phẩm quốc tế, cho biết, màu sắc và mùi vị của đôi đũa có thể chỉ ra chúng đã được tiếp xúc với lưu huỳnh và các chất hóa học khác. Ông cho biết:"Sulphur, hydrogen peroxide, sodium sulfite và các hóa chất chống nấm mốc thường được sử dụng để làm loại đũa sử dụng một lần, dù điều đó là trái phép".

Theo ông Dong, hầu hết các đôi đũa được làm trong các xưởng nhỏ ở miền núi, nơi mà các công ty không cần cấp giấy phép sản xuất. Các đôi đũa, sau đó, được vận chuyển đến các thành phố lớn để vô gói là bày bán tràn lan khắp nơi. Đó là chưa kể các đủa dùng một lần được thu hồi trở lại và "tái chế" để rồi tung ra thị trường trở lại!

Do vậy, một lời khuyên cho người tiêu dùng là nếu muốn bảo đảm sức khỏe của chính bản thân mình, cần phải hết sức thận trọng mỗi khi sử dụng đồ ăn hay vật dụng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

NQ: Còn tại Việt Nam thì sao thưa Ông? Việc xài đũa một lần nầy trong xã hội Việt Nam có được phổ biến không thưa Ông?

 

MTT: Tại Việt Nam hiện nay, đũa xài một lần cũng được sử dụng phổ biến tại hầu hết các quán ăn, từ quán hạng sang cho tới quán bình dân với giá rẻ bèo. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về phẩm chất đối với loại đũa dùng một lần, có chăng chỉ quy định chung chung như không bẩn, không nhiễm vi khuẩn. Trên thực tế, những tiêu chuẩn ấy chưa thể giúp nhận biết chính xác độ vệ sinh của sản phẩm.

TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (bộ Y tế) cho biết, các chất như: sodium sulfite, sulfure dioxide… về nguyên tắc không được sử dụng trong chế biến thực phẩm và những sản phẩm tiếp xúc với con người qua đường miệng, bởi "hoá chất tồn đọng trên đũa dùng một lần có thể không nhiều để xảy ra ngộ độc cấp tính, nhưng nó sẽ dẫn đến tổn thương mãn tính". Cũng theo TS Đáng, hoá chất có gốc lưu huỳnh như sulfure dioxide có thể gây rối loạn tại chỗ đường tiêu hoá, rối loạn vi khuẩn đường ruột, gây loét niêm mạc đường tiêu hoá... Nếu sử dụng thường xuyên, độc chất có thể ngấm vào máu và tích luỹ, dẫn tới xáo trộn nhiệm vụ của gan, thận, cơ quan tạo máu... Và đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh mạn tính và ung thư.

Còn theo lời của TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm, đũa dùng một lần thường được làm từ loại tre có phẩm chất không tốt (tre non, tre tồn dư…), khả năng chịu ẩm mốc rất kém. Để chống nấm mốc và làm đũa trắng, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều cách như sấy khô, dùng hoá chất. Sấy khô ít được sử dụng vì giá thành cao lại mất nhiều thời gian nên dùng hoá chất là cách phổ biến hơn. Trong đó, lưu huỳnh là chất dễ sử dụng bởi giá rẻ, dễ mua, cách làm đơn giản... Đũa dùng một lần khi khử bằng lưu huỳnh sẽ phóng thích ra sulfure dioxide. Để đũa có mùi thơm át mùi hoá chất, người ta bỏ thêm vào đũa ngũ vị hương tạo mùi. Ông Thịnh lưu ý: "Sản phẩm càng trắng thì càng độc bởi liều lượng hoá chất tẩy lớn. Nếu có nhà sản xuất nào đó sử dụng cả chất tẩy trắng, tẩy nấm mốc của bên công nghiệp để dùng trong lĩnh vực thực phẩm như sodium sunfite thì sẽ nguy hiểm vô cùng vì đây là chất khử rất mạnh". Vì đũa dùng một lần sử dụng trực tiếp, không qua bất kỳ giai đoạn rửa, hấp, tẩy nào nên nguy cơ hấp thụ hoá chất tồn dư trên đũa là rất cao.

Nhận diện đũa dùng một lần sấy lưu huỳnh rất dễ: bóc lớp nylông bên ngoài đũa đi sẽ ngửi thấy mùi hăng hắc rất khó chịu. Nếu có nhu cầu đũa dùng một lần, nên chọn loại đũa màu trắng ngà, không đốm đen, bao bì bảo quản không rách thủng, và mua ở những địa chỉ đã được giám sát về phẩm chất có uy tín.

NQ: Qua các nhận định của các nhà chuyên môn trên thì nguy cơ ẩn trong trong khi xử dụng đũa rất quan trọng, xin ý kiến của TS về việc gây ngộ độc do đũa có thể xảy ra cho người tiêu dùng thưa ông?

MTT:  Đũa biến chất dễ gây ngộ độc, và có thể đưa đến ung thư, thưa Cô. Những chiếc đũa hết hạn thường tích tụ nước trong các sớ đũa. Đối với các loại đũa gỗ hay đũa sơn dùng trong gia đình thường được rửa liên tục, nếu không bảo quản khô ráo, những chiếc đũa này sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho các loại vi khuẩn như vi khuẩn hình kim và E.coli phát triển. Sau khi rửa, bỏ đũa vào trong tủ khiến sẽ khiến đũa bị biến chất và dễ gẫy nhanh hơn gấp năm lần.

Đũa biến màu phải thay ngay vì lúc này quá trình biến chất đã bắt đầu. Theo điều tra và kinh nghiệm dân gian, sau chu kỳ từ 3 đến 6 tháng, đũa bắt đầu có hiện tượng đổi màu. Lớp sơn bọc quanh đũa do tiếp xúc nhiều với nước và thức ăn nên bị bào mòn. Vậy nên sau thời gian dài sử dụng, nếu thấy đũa biến màu thì phải thay ngay vì lúc này đũa đã biến chất. Có hai nguyên nhân khiến đũa biến chất đổi màu là tiếp xúc với nhiệt độ cao trong quá trình nấu ăn và do vi khuẩn xâm lấn. Đũa biến chất thường có mùi chua và có các chấm mốc, đũa mốc tiết ra độc chất gây ung thư do hóa chất aflatoxin. Aflatoxin là loại chất độc gây ung thư gan và mang tới nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nguyên nhân gây độc thực phẩm cấp tính thường do các loại vi khuẩn, còn gây nhiễm độc mãn tính là một số nấm mốc độc thường có trong đậu phộng, bắp, khô dừa, có thể sinh độc tố aflatoxin rất độc hại, là nguyên nhân gây ung thư gan. Aflatoxin không bị phân huỷ ở nhiệt độ sôi thông thường (1000C) mà chỉ bị phân huỷ trên 1200C. Nấm mốc dễ phát triển sau vài ngày trên các loại đũa sử dụng cho các thức ăn thuộc họ đậu, ngũ cốc đặc biệt là đậu phộng.

NQ: Đó là nói về các loại đũa gỗ, còn đũa làm bằng kim loại hay inox thì có an toàn hơn không, thưa TS?

MTT:  Hiện nay trên thị trường, đũa inox đa số là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên ngoài hộp đựng hoàn toàn là tiếng nước ngoài. Ngoài ra, phẩm chất và giá cả cũng rất khác nhau.

Theo TS Nguyễn Ngọc Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu Ăn mòn và Bảo vệ Vật liệu Kim loại (Viện Khoa học Vật liệu), hạn chế của đũa inox là bị dẫn nhiệt nên không thể sử dụng để nấu ăn. Ngoài ra, khi dùng để ăn thức ăn nóng cũng dễ bị bỏng tay.

Các chuyên gia vật liệu cảnh báo tuyệt đối không được sử dụng đũa mạ inox vì nhằm giảm giá thành của sản phẩm, nhà sản xuất có thể sử dụng các chất mạ kém chất lượng, pha tạp chất hoặc không mạ lớp đồng. Trong quá trình sử dụng, chắc chắn gây nên những cọ xát cũng như việc đũa được sử dụng trong môi trường acid (chua, cay, mặn, ngọt) của thức ăn, sẽ khiến lớp mạ này bị bong tróc. Các chất mạ bằng kim loại nặng, nếu lẫn vào thức ăn, lâu ngày có thể tạo nên sự tích tụ kim loại nặng trong cơ thể, dẫn đến các chứng bệnh ung thư.

NQ: Như vậy làm thế nào để bảo quản đũa thường dùng trong nhà thưa Ông?

MTT: Trúc và các loại gỗ tạp là hai vật liệu thường được dùng để chế tạo đũa, và cũng là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn phát triển. Đũa biến màu sẽ bị biến chất, do thường xuyên sử dụng trong quá trình nấu ăn mà biến chất, và do lý do chính là bị vi khuẩn xâm lấn. Đa số đồ vật sẽ mốc trong vòng một ngày nếu không được rửa sạch sẽ.  Khi mua đũa về để xài, cần nên chú ý kỹ lưỡng về màu sắc ban đầu của đũa, nấu sôi đũa rồi để khô. Vì trong quá trình chế tạo, đũa rất dễ bị nhiễm khuẩn.  Có một số cách bảo quản đũa được các chuyên gia khuyên dùng. 

Khi rửa đũa, rửa nhẹ tay để tránh bào mòn lớp vỏ bên ngoài đối với các loại đũa sơn. Lớp màu vỏ đũa có thể không phải màu thật của nó. Khi nấu ở nhiệt độ cao, các hóa chất ở bên ngoài đũa dễ bị phân hủy, gây ngộ độc kim loại. Các kim loại nặng như chì, benzen và các chất gây ung thư hay dung mỗi hữu cơ khác có thể xâm nhập vào cơ thể con người, gây ngộ độc và thậm chí ung thư sau thời gian dài sử dụng. 

NQ: Xin cám ơn Ông về những thông tin vừa qua, vì thì giớ có hạn xin Ông đúc kết buổi hội luận hôm nay và có lời khuyên cho nào cho thính giả của Chương trình Tiếng Nói Da Vàng thưa Ông?

MTT: Qua câu chuyện trên đây, cùng với biết bao vấn nạn về an toàn thực phẩm của hàng tiêu dùng sản xuất từ TC, một số suy nghĩ sau đây có thể nói lên cung cách làm ăn của một hệ thống thống trị và quản lý đất nước theo cung cách xã hội chủ nghĩa. Đó là: 

-  Não trạng của người cộng sản trong ba quốc gia trên thế giới là TC, Việt Nam và Bắc Hàn vẫn không thay đổi dù họ có tiếp cận với Tây Phương hay đã gia nhập vào WTO trong tiến trình toàn cầu hoá;

 

- Họ chỉ tập trung vào việc phát triển để mong thu hồi mức lợi nhuận tối đa, không cần lưu tâm đến những luật lệ họ đã cam kết với thế giới cũng như sức khoẻ của con người, ngay cả chính người dân của họ;

 

 - Việc phát triển như trên là một phát triển không bền vững, một phát triển nghịch lý, phát triển chỉ phân bổ thành quả cho một thiểu số cầm quyền, còn tuyệt đại đa số người dân không được hưởng một phúc lợi nào do phát triển tạo ra cho xã hội.

 
Chúng ta, người Việt hải ngoại đã đến lúc cần phải đồng loạt giống lên tiếng nói để đánh thức lương tâm nhân loại trong việc phát triển nghịch lý hay phát triển âm của những quốc gia kể trên. Chính điều nầy đã tạọ thêm khoảng cách giàu-nghèo ở Việt Nam ngày càng tăng.

 

Làm được như thế tiến trình dân chủ ở Việt Nam có thể xảy ra nhanh hơn và tuyệt đại đa số người Việt trong nước có cơ may giảm bớt nỗi cơ cực do một chính sách phi nhân bản của cường quyền.

Xin hẹn Quý vị lần hội luận tới.

 

Mai Thanh Truyết

Hôi Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST)

 

​mt​

_____________________________________________________

Mai Thanh Truyết

http://maithanhtruyet.blogspot.com/

 

 T do là Ung dung trong Ràng buc

Hnh phúc là T ti trong ...Đau thương"Tuệ Hải

 "Every Generation needs a New Revolution". - Thomas Jefferson-


 

 

 
 
 
 
//////////////////////////////////////////////////