Radio Dallas 1600AM

Chương trình Tiếng Nói Da Vàng

 

Hóa chất trong xì dầu

 

NQ: Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng môi trường ô nhiễm trầm trọng. Từ không khí, đất đai và trầm tích, nguồn nước mặt và nước ngầm, cho đến nguồn thức ăn, nhu cầu cần thiết hàng ngày của người dân cũng đang là một thảm nạn cho mọi người. Sự hiện diện của hóa chất trong thực phẩm, rau cải, "đồ hàng bông", và trái cây là một vấn nạn lớn đang xảy ra ở khắp nơi trên toàn cõi đất nước là một hiện thực. Theo báo cáo của WHO, có 35% số nạn nhân trên thế giới mắc bịnh ung thư liên quan đến yếu tố thực phẩm và cung cách ăn uống thường ngày.

Mặc dù có nhiều chính sách an toàn thực phẩm do Việt Nam đề xướng như "Dự thảo số 5: Kế hoạch hành động quốc gia bảo đảm Vệ sinh An toàn Thực phẩm đến năm 2010" rồi đến năm 2015…nhưng tình trạng ngày càng trầm trọng hơn lên. Đặc biệt trong vài ba năm trở lại, tại VN, các bịnh ung thư về đường tiêu hóa như ung thư ruột già (trực tràng) gia tăng một cách rõ rệt, nằm trong nhóm 5 bịnh ung thư cao nhứt nước. Theo thống kê của Cơ quan CDC Hoa Kỳ công bố vào tháng 6/2013 là: bịnh ung thư ở VN hiện hay chiếm 25% trong tất cả các trường hợp tử vong năm 2012, cao nhứt trong 10 bịnh gây chết người hàng năm như tai biến mạch máu não (20%), bịnh liên quan về tim mạch (6%), kiết lỵ (6%) v.v…

Như vậy, tình trạnh thực phẩm ở VN có vấn đế phải không thưa TS?

MTT: Thưa Cô NQ, thưa Quý thính giả của Chương trình TNDV, sự hiện diện của hóa chất trong thực phẩm tiêu dùng của người dân ở VN quả thật đã đến độ nghiêm trọng và đã diễn ra từ hàng chục năm nay rồi. Có 2 nguyên nhân chính cho tình trạng nầy: nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do môi trường chung bị ô nhiễm, do đó ảnh hưởng đến cây trồng và súc vật. Và nguyên nhân chủ quan là do con người, trong quá trình sản xuất sản phẩm đã thêm hóa chất vào trong thực phẩm với trọng tâm mang đến lợi nhuận cao nhất mà không lưu tâm đến những di hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Trên chương trình nầy, kể từ hôm nay chúng tôi sẽ khai triển những vấn đề trong thực phẩm tiêu dùng ở VN và có thể đang được tiêu dùng tại hải ngoại.

 Hôm nay, chúng ta sẽ nói về vấn đề hóa chất trong xì dầu.

NQ: Xin mời TS bắt đầu.

 

MTT: Trong quy trình sản xuất xì dầu, phương pháp thủy phân bằng acid chlorhydric (HCl) trên các loại bánh dầu thực vật như đậu nành, đậu xanh, hay trong các mô mỡ động vật v.v... cho ra phế phẩm  hóa chất có tên viết tắt là 3-MCPD, hay tên hóa học đầy đủ là 3-monochloropropane-1,2-diol, và một số hóa chất tương tự thuộc nhóm chloropropanol.

 

Còn phương pháp chế tạo xì dầu qua công nghệ lên men tự nhiên thì không tạo ra các phế phẩm trên. Ngay sau khi giai đoạn chế biến xì dầu xong, hàm lượng của các hóa chất trên có thể tăng lên trong giai đoạn vô chai, dự trữ, và ngay cả trong khi nấu nướng, nếu hóa chất không được khử đúng mức ngay từ lúc ban đầu.

Hiện tại, hầu hết các công ty sản xuất xì dầu ở Việt Nam áp dụng phương pháp thủy phân bằng acid do đó hàm lượng 3-MCPD cao là điều không thể tránh khỏi. Trong lúc đó, ở các quốc gia Tây phương, ngay cả Nhật Bản, phương pháp lên men trong việc chế biến xì dầu chiếm từ 86 đến 90% trên tổng lượng xì dầu sản xuất.

NQ: Như vậy ảnh hưởng và mức độc hại của hóa chất 3-MCPD lên con người như thế nào, thưa Ông?

MTT: Nói về ảnh hưởng của 3-MCPD lên con người: Tương tự như các hợp chất hữu cơ chứa chlor khác, 3-MCPD khi đi vào cơ thể qua đường thực phẩm sẽ tích tụ trong các mô mỡ và gan. Qua thời gian, một khi liều lượng của hóa chất trên cao hơn mức an toàn của cơ thể có thể chấp nhận được, nguy cơ bịnh ung thư sẽ xảy ra.

Theo Ủy ban Khoa học Thực phẩm Âu châu, 3-MCPD được xếp vào hạng hóa chất có nguy cơ gây ung thư và di truyền (genotoxic carcinogen). Sự hiện diện của hóa chất trong cơ thể phải được hạn chế tối đa, và định mức chấp nhận hàng ngày trong cơ thể (Tolerable Daily Intake – TDI) là 2ug/Kg/cơ thể.

Theo tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế VN, ban hành ngày 23/5/2005 sau ba năm nghiên cứu là: hàm lượng của 3-MCPD có trong xì dầu không thể vượt quá 1 mg/Kg áp dụng cho xuất cảng, và giao động từ 3- 5 mg/Kg cho việc tiêu dùng trong nội địa (tức cao hơn mức cho phép 500 lần). Trong lúc đó tiêu chuẩn của LH Âu Châu là 0,02 mg/Kg, của Anh Quốc 0,2 mg/Kg, Bỉ 0,5 mg/Kg. Qua các tiêu chuẩn trên, quả thật chúng tôi không thể hiểu tại sao BYT Việt Nam lại có hai quy định riêng rẽ cho xì dầu xuất cảng và xì dầu nội địa. Chẳng lý nào người dân VN có sức đề kháng với hóa chất trên cao hơn người ngoại quốc?

NQ: Nếu nói như vậy, định mức tiêu chuẩn của VN cho 3-MCPD cao hơn tất cả các quốc quốc gia trên thế giới, làm sao lại có sự hiện diện của xì dầu VN trên thị trường thế giới, thưa Ông?

 

MTT: Nói về tình trạng xuất cảng xì dầu thì các sản phẩm xì dầu dùng để xuất cảng do nhiều công ty trong nước sản xuất. Quan trọng nhất là Cty Liên doanh Chế biến Thực phẩm Việt Tiến (VITEC Food) xuất cảng xì dầu qua nhản hiệu Chin Su. Ngoài ra còn có các Cty như Nam Dương, Mêkong, Nestlé Việt Nam xuất cảng qua Âu châu, Mỹ châu, Úc và Á châu.

Năm 2006, Anh Quốc từ chối một lô hàng của Việt Nam vì hàm lượng 3-MCPD cao hơn tiêu chuẩn. Và vào tháng 7, 2006, Bỉ cũng đã trả về các lô hàng Chin Su vì hàm lượng hóa chất trên lên đến 86 mg/Kg. Và sự việc bị trả về tiếp diễn dài dài. Nhưng tại Hoa Kỳ chẳng hạn, sở dĩ xì dầu VN lọt vào thị trường là vì có một "chỗ hở" trong việc kiểm soát hàng nhập cảng vào quốc gia nầy. Vì không đủ nhân sự và thời gian cho nên HK chỉ có đủ khả năng kiểm soát 1% trong tổng số các lô hàng (container) nhập cảng vào các hải cảng HK. Và như chúng ta đã thấy, một khi một lô hàng nào nào bị kiểm soát, có thể nói tất cả sản phẩm chứa trong lô hàng nầy đều bị vi phạm từ vệ sinh cho đến việc dung chứa hóa chất độc hại, vi khuẩn v.v… cũng như thương hiệu, địa chỉ đều được công bố cho dân chúng trên web epa/oasis/ , thưa Cô.

NQ: Nếu quả đúng như vậy, làm sao các nhà sản xuất ở VN có thể giải thích hoặc bào chữa cho thương hiệu của mình…để có thể xuất cảng tiếp tục, thưa Ông?

MTT: Để bào chữa cho việc xì dầu bị trả về, dĩ nhiên BGĐ của Cty phải chạy tội bằng cách phủ nhận qua phát biểu của Ông Phạm Hồng Sơn, TGĐ, như sau:"Sản phẩm của Cty VITEC Food xuất cảng từ năm 2003 sang các nước Đông Âu và EU, nhưng chưa bao giờ xuất cảng sang Bỉ, nên chai nước tương phát hiện ở Bỉ có hàm lượng 3-MCPD lên tới 86 mg/Kg có nhiều khả năng là giả". Xin nhường lời bình luận về phát biểu trên của Cty VITEC cho người đọc.

Tuy nhiên, với tính cách thông tin, qua kiểm tra của Trung tâm Đo lường Chất lượng 3 TpHCM thì có độ 50% số lần mẫu của xì dầu Chin Su không đạt tiêu chuẩn. Cũng như theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm thuộc Sở KHCN-MT Tp Sài Gòn, qua 42 mẫu nước tương thì toàn bộ 42 mẫu đều có hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều khi lên đến 7 – 8 ngàn lần nghĩa là 7000 – 8000 mg/Kg.

Tuy tiêu chuẩn do BYT đưa ra là 1mg/Kg nhưng vẫn chưa có biện pháp cũng như quy định nào cụ thể về việc kiểm tra phẩm chất sản phẩm của các nhà sản xuất. Cũng cần nên biết là toàn quốc chỉ có 9 phòng thí nghiệm có khả năng phân tích hoá chất 3-MCPD, và chi phí phân tích là 800 ngàn ĐồngVN/mẫu.

NQ: Quả thật như vậy, thì việc sản xuất xì dâu giả cũng có thể xảy ra ở VN phải không Ông?

MTT: Đúng như vậy thưa Cô. Ở VN bất cứ sản phẩm nào cũng có thể là giả hết thưa cô, ngay cả "liêm sĩ" còn bị giả mạo nữa là…

Nói về Xi dầu giả hiệu, ngoài 2 phương pháp thủy phân và lên men là chính trong quy trình sản xuất xì dầu. Dĩ nhiên là ở VN, có rất nhiều thể loại mặt hàng nhái, hàng giả hiện diện khắp nơi từ hàng tiêu dùng cho đến thực phẩm. Do đó việc sản xuất xì dầu cũng không tránh khỏi tình trạng nầy. Nói ra thì thấy kinh tởm, nhưng sau đây là một sự thật đang xảy ra ở Việt Nam. Hiện có sự xuất hiện của nhiều nhà thu gom tất cả xương gà, xương heo, bò ở các tiệm ăn, thậm chí ở những đống rác, để mang về nấu trong acid, và được trung hòa lại bằng sút caustic. Sản phẩm được vô bao nylon hay chai lọ dưới nhản hiệu "nước cốt để làm xì dầu" và được bày bán khắp nơi nhất là ở chợ Kim Biên, Chợ Lớn. Nơi đây còn bày bán các nguyên vật liệu để làm nước tương và nước mắm qua công thức chế biến là: nước + muối + màu + mùi + chất phụ gia để bảo quản xì dầu sản xuất; đôi khi còn cho thêm phân bón urea để làm tăng độ đạm trong nước chấm hay xì dầu nữa.

NQ: Phải chăng tình trạng xì dầu giả hay chế biến cầu thả…cũng như những mặt hàng thực phẩm giả khác lan tràn ở VN hiện tại, không có thuốc chữa phải không ông? Và Ông có đề nghị nào không về tình trạng nầy.

MTT: Có thể nói là hết thuốc chữa thưa Cô, trừ phi, những người làm quản lý thực phẩm ở VN có lương tâm và thành tâm cải sửa một vấn đề cốt lõi ảnh hưởng lên tương lai của cả một dân tộc.

Đứng trước tình trạng sản xuất xì dầu ở Việt Nam, chúng tôi vài đề nghị để giải quyết vấn đề sản xuất bừa bãi rất nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng sau đâu:

-       Trước hết, cần phải xem lại cung cách quản lý của Việt Nam đối với công nghệ sản xuất xì dầu. Việt Nam đã thành công trong quản lý chính trị, ổn định được trật tự xã hội về an ninh, không lý nào lại thất bại trong việc kiểm soát môi trường;

-       Sau nữa, chỉ còn có cung cách làm ăn thật thà, theo đúng quy trình kỹ thuật thì việc trử khữ hay hạn chế sự hiện diện của 3-MCPD trong xì dầu có thể được kiểm soát dễ dàng. Ở các quốc gia tiên tiến, việc chấm dứt quá trình sinh sản 3-MCPD trong xì dầu bằng nhiệt độ cao và tăng độ pH thích hợp sau khi thủy phân;

 

Nguyên nhân của sự hiện diện của 3-MCPD tùy thuộc vào các yếu tố sau: nguyên vật liệu làm xì dầu, điều kiện lưu trử nguyên liệu; việc sử dụng nguồn nước rữa chứa chlor; và những điều kiện bảo quản trườc khi tung ra thị trường như nhiệt độ, độ ẩm. Hiện nay, một số nhà sản xuất ở Tây phương đang dùng acid phosphoric trong giai đoạn thủy phân, thay thế acid chlorhydric. Phương pháp nầy có khả năng loại hẳn sự hiện diện của 3-MCPD trong xì dầu.

Hai điều trên sẽ được thực hiện dễ dàng nếu những nhà quản lý đất nước hiện tại có quyết tâm. Nhưng thiết nghĩ, với thái độ vô cảm, đói quyền lực, và quyền lợi của tất cả những người nắm quyền lực hiện tại, CSVN chắc chắn sẽ không bao giờ cải sửa tình trạng trên. Và vấn đề xì dầu chỉ là một trong trăm ngàn thực phẩm khác hiện đang lưu hành trong nước và được tungra tận hải ngoại.

Biết được căn nguyên và nguồn gốc của việc làm hàng giả, hàng nhái là dùng hóa chất nhập cảng từ TC  bày bán ở chợ Kim Biên. Nhưng Việt Nam vẫn để ngôi chợ nầy tồn tại cho đến hôm nay. Phải chăng đây cũng là một hành động tiếp tay với TC để tiêu diệt sức đề kháng của tuổi trẻ Việt Nam tương lai. Đó đúng là một hành động của Thái Thú Tàu biết nói tiếng Việt.

Mong bà con ở hải ngoại cần cảnh giác hơn nữa trong việc mua sắm thực phẩm và hàng hóa sản xuất từ Việt Nam và TC.

Xin chào thính giả của Chương trình Tiếng Nói Da Vàng và xin hẹn những lần tới chúng tôi sẽ bàn về vấn đề đậu nành va tàu hủ.

 


_____________________________________________________

Mai Thanh Truyết

http://maithanhtruyet.blogspot.com/

 

 T do là Ung dung trong Ràng buc

Hnh phúc là T ti trong ...Đau thương"Tuệ Hải

 "Every Generation needs a New Revolution". - Thomas Jefferson-


 

 

 
 
 
 
//////////////////////////////////////////////////