Thư cuối năm Canh Dần

Lá Thư Cuối Năm Canh Dần

 

Mọi năm, vào những ngày cuối năm, tôi thường viết một bài…tản mạn  cuối năm. Thông thường, tôi nói lên cảm tưởng về ngày cuối năm, lời văn có vẻ "sách động" mang nhiều ý nghĩa kêu gọi đấu tranh, mang lại tự do, nhân quyền cho Việt Nam; hoặc nói lên những bất công của chế độ hiện hành, những thông tin về ô nhiễm môi trường và trách nhiệm của cường quyền.

Tôi viết ra, "post" lên internet, nói chuyện trên radio, TV, và paltalk trên nhiều diễn đàn…

Nhưng năm nay, chỉ còn vài ngày nữa là đến Giao thừa Năm Con Cọp. Ngồi thừ người trong văn phòng, người tôi chùng lại…nghĩ miên man. Không phải tôi mệt mõi trên bước đường tranh đấu. Điều nầy chứng nghiệm cho tôi là tôi vừa xuất bản hai cuốn sách, một cuốn tuyển tập trong đó có những bài viết đấu tranh của các nhân vật đại diện tôn giáo và những nhà tranh đấu ở Việt Nam: cuốn Việt Nam Ngày Nay, đã ra mắt tại nhựt báo Việt Báo ngày 16/1/2011. Và một, cuốn Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam do chính tôi góp nhặt từ hơn 15 năm qua qua những bài viết về Việt Nam sẽ ra mắt ngày 19/2/2011 tại báo Người Việt, CA

Nói ra như thế để thấy rằng tôi vẫn "còn lửa".

Nhưng tại sao lòng tôi chùng lại trong những ngày cuối năm nầy?

Tôi đã làm gì cho quê hương, dân tộc suốt hơn 35 năm nay?

Tôi đã làm gì khi thấy bà con bên nhà chịu ngàn nỗi đắng cay dưới sự cai trị sắt thép của cường quyền hơn 35 năm qua?

Xin hỏi các bạn trẻ trong và ngoài nước đã làm gì cho tiến trình mang lại tự do và dân chủ cho Việt Nam chưa?

Và cũng xin tự hỏi còn có biết bao nhiêu người con Việt tha hương mang cùng một tâm trạng như tôi.

Trên đường lái xe đến nơi làm việc, radio RFA vừa thông tin rằng trong năm 2010, Việt Nam đã xuất cảng 6,8 triệu tấn gạo, nhiều nhứt từ trước đến giờ…mà người nông dân cũng không đủ ăn….vì lợi nhuận cao do tiền bán gạo đã vào tay thương buôn nhà nước,các hiệp hội lúa gạo cũng do nhà nước quản lý, cùng những thủ đoạn như ép giá khi gặt lúa vì nông dân không có đủ bồn chứa, phải bán đi thôi. Chưa kể những số nợ cần phải thanh toán khi vay mượn mua lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tất cả đều tăng vọt gấp nhiều lần hơn mức bội thu lúa cho năm nay. Như vậy nghèo vẫn hoàn nghèo. Công lao động của nông dân vào tay tất cả nhóm ngườ trung gian dưới sự che chở của cường quyền.

Tệ hơn nữa, những nhu cầu thực phẩm khác ngoài lúa gạo không được khuyến khích, cho nên phải nhập cảng từ phương Bắc, ngay cả những vật dụng thông thường như văn phòng phẩm, viết chì, viết mực, bao thơ, miếng bùi nhùi chùi xoong nồi, các miếng sponge để rửa chén…cũng phải nhập cảng từ bên Tàu qua.

Về hàng nông sản khác như cà rốt, cải bắp trong 10 tháng qua, đã nhập trên 21 ngàn tấn, giết chết vùng Đà Lạt, một trung tâm trồng cà rốt, cải bắp, su hào…nhờ khí hậu ôn đới. Ngay cả hành lá cũng nhập gần 8 ngàn tấn. Thậm chí tâm xỉa răng cũng phải nhập 1.118 tấn từ Trung Cộng.

Trên đây là những thông tin chính thức từ Hải quan Việt Nam, nhưng chăc chắn những mặt hàng nhập lậu qua các cửa biên giới sẽ còn cao hơn nhiều.

Quản lý một đất nước với 86 triệu dân mà phải nhập cảng luôn cả tăm xỉa răng…thì quả thật là một xã hội xã hội chủ nghĩa siêu phàm theo đúng "định hướng xã hội chủ nghĩa" của đảng đề ra.

Có thể nói 97% con dân Việt phải cật lực CÀY để cho 3% đảng viên, cán bộ đặt quyền đặt lợi HƯỞNG.

Như vậy mà chế độ vẫn còn tồn tại hơn 35 năm qua.

Tuy nhiên, ở những ngày cuối năm con Cọp, một tia hy vọng ở cuối đường hầm là phong trào dân chủ do những người trẻ xứ Tunisia đứng lên làm lịch sử, kéo theo sự đồng thuận của quân đội đã kết thúc hàng chục năm độc tài của Tổng thống độc tài Ben Ali.

Và đây chính là ngọn lửa thiêng giúp cho các phong trào biểu tình đang tiếp diễn ở Yemen, Algeria, và nhứt là ở Ai Cập qua sự "bớt cứng rắn" của cảnh sát trong việc đàn áp biểu tình.

Còn Việt Nam thì sao?

Năm con Mèo có thể là năm bản lề cho làn gió dân chủ thổi vào Đất Nước thân yêu của chúng ta một khi quân đội đứng về phía dân tộc như quân đội Tunisie đã làm.

Tất cà tùy thuộc vào chúng ta, đặc biệt Tuổi Trẻ Việt Nam

Mai Thanh Truyết

West Covina - 26/1/2011

 

 

 

 

 

 

 

//////////////////////////////////////////////////