Phát biểu trước Đại hội Phật Giáo ngày 19-9-2009

Đại Hội Phật Giáo Thống Nhất  Liên Châu 18-20/9/2009

 

 

Kính thưa  Hòa thượng Chứng Minh Đạo sư

Kính thưa Quý vị Chư tôn Đức Tăng Ni

Kính thưa Hòa thượng Bổn sư,

Cùng tất cả Quan khách,

 

Thật là một vinh dự cho tôi được phát biểu trước Đại hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hải ngoại Thống nhất Liên châu. Trước hết, xin chúc mừng Đại hội được thành công viên mãn, và kể từ nay, con đường hoằng Pháp lợi sinh của Quý Thầy và Chư tôn đức sẽ được chánh danh và hội tụ về cùng một mái chùa Chánh pháp.

Thưa Quý Liệt Vị,

Ngay từ sau Đại hội Về Nguồn ở chùa Tây Lai, có thể nói giáo hội Phật giáo Việt Nam hải ngoại bắt đầu rạn nứt chính thức, mặc dù mầm móng của sự rạn nứt đã âm ỷ từ nhiều năm trước đó. Và sự rạn nứt thực sự xảy ra, và ngày càng trở nên gay gắt ngay từ sau khi Giáo chỉ số 9 hiện diện.

Kể từ đó, tình hình Phật giáo tại hải ngoại trở nên ngày càng phức tạp. Những thông tin, tin tức đánh phá ngày càng gay gắt mang nhiều tính Đời hơn là Đạo. Nhưng trên thực tế, những đánh phá tiêu cực trên xảy ra từ một thiểu số đầy định kiến và có dự mưu, có tính chiến lược do một nhu cầu bí ẩn nào đó? Cũng như những đánh phá trên chỉ là những kết án cá nhân có tính cách khơi động hận thù làm, xáo trộn tình trạng  Phật giáo hơn là các phê bình xây dựng ngõ hầu tạo nên một cuộc đối thoại lấy tình thần từ bi hỉ xả của Phật giáo làm căn bản.

Trong quá trình lịch sử của Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ xảy ra tình trạng phân hóa cùng cực như hiện tại.

Phật giáo là một tôn giáo đặt trên căn bản triết lý chữ Hòa, nghĩa là hòa hợp hòa thuận với tất cả tha nhân và với bất cứ tôn giáo nào khác. Qua lịch sử thế giới, có biết bao cuộc chinh chiến do tôn giáo gây nên, nhưng cho đến hiện tại, chưa có một cuộc chiến nào có nguyên nhân là Phật giáo cả. Điều nầy đã chứng minh một cách hùng hồn là Phật giáo qua tinh thần từ bi hỉ xả đã tách bạch rõ ràng giữa Đạo và Đời.

Thưa Quý Liệt Vị,

Vì sao có cuộc phân hóa ngày hôm nay tại hải ngoại?

Cá nhân chúng tôi không dám cố gắng truy tìm phần giải đáp của câu hỏi trên vì thiển nghĩ chưa đủ đạo tâm và trí huệ cũng như không muốn đem hướng suy nghĩ nhị nguyên tốt-xấu, đúng-sai để nhìn vấn đề, mà chỉ muốn mượn những lời chân tình nhân ngày Đại hội để nói lên những ưu tư của một Phật tử trước hiện tình Phật giáo hải ngoại. Thảm cảnh phân liệt ngày hôm nay của hai khối Phật giáo chỉ làm tổn hại và làm trì trệ thêm tiến trình mang lại tự do, nhân quyền cho dân tộc. Và chắc chắn mục tiêu của Phật giáo không phải là làm cho tình thế xấu thêm, mà phải là, ngoài việc hướng dẫn con ngườì trở về với bản lai diện mục chân chính của mình về phương diện Đạo, lại còn có bổn phận với đất nước về phương diện Đời.

Sự tình ngày hôm nay, rõ ràng là Phật giáo hải ngoại chưa đáp ứng được hai phương diện kể trên. Và điều nầy làm cho đa số Phật tử khắp nơi hoang mang, không còn nhìn thấy phương hướng để tu đạo, và cũng khó tìm được sự bình an mỗi khi niệm Phật. Mặc dù tâm niệm là Phật tại tâm, nhưng Phật tử vẫn cần đến một mái chùa để vững tâm tu tập, vì nơi đây có Phật, dù là hình tướng, và có cả Thầy trụ trì hướng dẫn, cho khuyến dụ mỗi khi tâm bị giao động. Do đó, hình ảnh "Mái chùa che chở hồn dân tộc" của Thiền sư Huyền Không không ứng hợp với tình trạng Phật giáo Việt Nam hải ngoại trong giai đoạn hiện tại nầy.

Vì vậy vai trò của Thầy rất quan trọng và cần thiết.

Nhưng hôm nay, trước cảnh phân hóa trên, rất nhiều Phật tử ngần ngại mỗi khi bước vào chùa, vì sợ sẽ phải gặp, phải nghe những lới khiếm nhã của một số người ngày đêm không ngừng đánh phá, kết án những Phật tử phản bội, về nguồn, theo Việt cộng v.v…Cá nhân chúng tôi cũng đã từng có kinh nghiệm về việc nầy sau khi thuyết trình ở một chùa về tình trạng môi trường và những việc làm sai trái của cộng sản Việt Nam trong việc phát triển đất nước. Tôi có làm gì sai trái mà phải bị gán cho những lời phỉ nhổ thô tục kia?

Là một nhà khoa học, giáo lý Phật giáo dạy tôi phải tôn trọng tính xuyên suốt trong sự khách quan khoa học, không bóp méo dữ kiện để lý giải vấn đề khoa học theo chiều hướng làm vừa lòng chế độ của một số nhà khoa học khác đã làm đối với những nan đề môi trường của Việt Nam.

Là một Phật tử, giáo lý Phật giáo dạy tôi phải tu tập tính từ bi hỉ xả đối với tất cả mọi người, ngay cả kẻ thù nếu có thể làm được. Giáo lý Phật giáo còn dạy tôi phải biết Vô Ngã để thấy mình chỉ là một hột cát trong vũ trụ, chứ không là ánh sáng soi đường cho nhân loại.

 

Thưa Quý Liệt Vị,

Đức Phật, ngoài những lời giảng đã được ghi lại, còn cho chúng ta nhiều ẩn dụ trong đó những Hồng danh của Đức Phật chính là những ẩn dụ cụ thể nhứt để từ đó, chúng ta tự chiêm nghiệm và thực hành trong đời sống hàng ngày. Do đó, chúng ta không thể đem Hồng danh của Đức Phật áp dụng vào những việc làm khác hơn việc tu tập chân chính.Và chính những việc làm sai trái đó sẽ mang lại hậu quả không lường là nhân tâm phân tán và Phật tử sẽ không còn niềm tin vào điểm tựa cuối cùng là mái chùa, tượng trưng cho Phật giáo nữa.

Đã đến lúc, người con Phật cần phải đạp lên gai để cắt hoa hồng dâng lên Phật.

 
Kính thưa Hòa Thượng Chứng Minh Đạo sư,

Thưa Chư Liệt Vị,

Những lời thô thiển phát biểu trên đây của một người con Phật kinh kệ chưa thông, kinh điển chưa tường, tâm đạo còn mỏng, nhưng với một tấm lòng  chơn chất thiết tha với Phật Giáo, xin được chia sẻ cùng Quý Thầy những suy nghĩ trên.

Từ nay, con sẽ nguyện sám hối cho đến ngày Phật giáo Việt Nam hải ngoại trở về với danh xưng đúng nghĩa "THỐNG NHẤT" và thực sự "NHẤT THỐNG".

Xin cám ơn Quý Liệt Vị đã lắng nghe.

 

Phổ Lập Mai Thanh Truyết

Ventura – 19-9-2009

 

 

 

 

 

 

 

 

//////////////////////////////////////////////////