Giấc Mơ Ra Biển Lớn ...của Việt Nam

Giấc Mơ Ra Biển Lớn

Từ thập niên năm 60 ở thế kỷ 20 vừa qua, Orson Wells, văn hào Anh đã từng tiên đoán về những hệ luỵ hết sức tiêu cực của tư bản chủ nghĩa qua kinh tế thị trường, sự tăng gia sản xuất tối đa, tận dụng tài nguyên thiên nhiên để thoả mản sản xuất… Từ đó, ông bi quan cho tương lai thế giới sẽ đi đến một cơn khủng hoảng lớn cho tương lai…

Tiếp theo, kinh tế gia Thomas Friedman nói về quá trình suy sụp của một số quốc gia giàu tài nguyên như dầu hoả, vàng, khí đốt v.v… sử dụng các tài nguyên trên như một nguồn lợi chính của quốc gia và không nghĩ đến việc cân bằng trong việc xuất huyết tài nguyên thiên nhiên để chuyển hoá việc phát triển theo tiến trình phát triển bền vững.

Lãnh đạo của các quốc gia nầy ăn trên ngồi trước trên đống "vàng" mà thiên nhiên ưu đãi cho đất nước họ, quên hẳn việc cần phải làm là tạo dựng hạ tầng cơ sở cho quốc gia, mang lại phúc lợi cho người dân…

Họ đã nhiễm căn bịnh thời bấy giờ gọi là "Căn bịnh Hòa Lan". Đó là những quốc gia vùng Trung Đông với nguồn dầu hoả dồi dào, các nước Phi Châu với vàng và kim cương vô tận. Người dân và chính quyền sở tại bắt đầu vọng ngoại, chỉ biết tung tiền dễ dàng kiếm được mà không nghĩ đến việc phát triển đất nước đích thực.

Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm là, một số lãnh đạo của các quốc gia "giàu tài nguyên" trên cũng có ý thức xây dựng và phát triển quốc gia, nhưng vì áp lực của các tài phiệt Tây phương trên chính sách hợp tác và khai thác khiến cho họ không còn khả năng thực hiện sự phát triển đất nước theo ý muốn là mang lại phúc lợi cho người dân.

Rồi thời gian qua, chúng ta thấy được những gì? Các quốc gia kể trên, sau nhiều thập niên qua, dân trí vẫn còn thấp kém, phúc lợi tạo dựng không tăng trưởng, đời sống kinh tế của người dân cũng còn ở mức thấp. Tất cả lợi nhuận cho việc xuất cảng tài nguyên thiên nhiên chỉ mang lại phồn vinh cho cấp lãnh đạo hay vua chúa của các nước nầy.

Trong lúc đó, các quốc gia nghèo tài nguyên như Đại Hàn, Tân Gia Ba, Mã Lai, Đài Loan, thậm chí các quốc gia như Thái Lan, Phi Luật Tân…đã không ngừng phát triển theo chiều hướng đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ trong nước, an sinh xã hội không ngừng tăng trưởng, do đó, đời sống người dân dần dần dược cải thiện và nâng cao trong hiện tại.

Phát triển ngày hôm nay cần phải được hiểu theo ý nghĩa là phát triển "trên đất" chứ không phải là phát triển "dưới đất" vì nguồn tài nguyên thiên nhiên là một nguồn tài nguyên không bồi hoàn, không tái tạo lại được. Do đó, khi nguồn tài nguyên kia cạn kiệt, đất nước sẽ có nhiều nguy cơ khủng hoảng vì không kịp chuẩn bị thích ứng với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ trong việc xuất cảng tài nguyên thiên nhiên trước kia.

Đó cũng là trường hợp của một số quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Phát triển qua việc xuất cảng tài nguyên

Trong quá trình phát triển và mở cửa của Việt Nam từ năm 1986 trở đi,Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhưng so với thời gian và mức độ phát triển cùng mức độ đầu tư, chúng ta vẫn thấy Việt Nam có những bước phát triển chậm và không theo kịp mức độ phát triển bình thường so với các quốc gia ngang tầm kể trên.

Lý do, mức độ phát triển của một quốc gia trung bình là với 3 Mỹ kim đầu tư có thể cho ra 1 Mỹ kim sản phẩm, trong lúc đó Việt Nam phải cần đến 5 hay 6 Mỹ kim để có được kết quả như trên.

Việt Nam lại tận dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên hiện có và tự ru ngũ bằng những mỹ từ như "rừng vàng bạc biển".

Rừng vàng đâu không thấy, nhưng chỉ thấy, vì sự khai thác vô tội vạ, không có kế hoạch đã làm đão lộn hệ sinh thái của toán đất nước từ Bắc chí Nam. Hiện tượng mưa gió bất thường, lũ lụt, hạn hán…không còn nằm trong chu kỳ giống như trước khi phát triển và xảy ra thường xuyên hơn. Đó là hậu quả tất yếu của việc xuất cảng gỗ qua việc phá rừng.

Bạc biển đâu không thấy, nhưng qua việc phát triển các khu du lịch bờ biển làm cho nước biển bị ô nhiễm, các vùng san hô, nơi cư trú và sinh sản cho tôm cá hầu như không còn nữa. Một loại cá nục nổi tiếng của vùng Phan Thiết, Ninh Thuận, nay hấu như tuyệt tích và đã di chuyển sang tận Phi Luật Tân.

Hàng năm, Việt Nam sản xuất khoảng 9 triệu tấn dầu thô (năm 2008). Tất cả đều xuất cảng và đã xuất cảng sang Trung Cộng 6,7 triệu tấn. Tất cả tiền dầu thô bán được cũng không thanh toán được cán cân mậu dịch do việc nhập cảng xăng dầu cho nhu cầu trong nước. Thêm nữa, nếu lượng dầu thô sản xuất được trong nước được xử lý hoá dầu (refinery), Việt Nam có thể ngoài việc cân bằng cán cân mậu dịch trên mà còn có khả năng giải quyết được nhu cầu hoá chất căn bản cần thiết cho phát triển và bảo đảm hàng chục ngàn công ăn việc làm cho người dân.

Và còn nhiều nhiều nữa, xuất cảng nông nghiệp như lúa gạo, các cây công nghiệp như cao su, trà, tiêu, cà phê…, xuất cảng tôm , cá…dành được hạng thứ cao trên thế giới so sánh với các quốc gia khác, nhưng vẫn không mang lại hay cải thiện đời sống của người nông dân và chăn nuôi thuỷ sản.

Thực sự, những thành phảm xuất cảng trên không đem lại thêm phúc lợi cho người dân mà chỉ giải quyết nhu cầu lao động ngày càng tăng trong xứ. Đất nước chỉ sống
"cầm hơi" ngoại trừ một thiểu số cầm quyền và những người có liên quan đến gia đình hay quyền lợi của cán bộ cộng sản mà thôi. Và di sản để lại cho các thế hệ về sau là một tình trạng môi trường cực kỳ xấu xa cùng mức ô nhiễm đến mức báo động cho toàn đất nước.

Một nhà sử học Nga phát biểu:" Một khi chính phủ tập trung vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng không chú trọng đến việc sản xuất ra thành phẩm, thì nó không cần đến dân chúng nữa." và đã đánh giá hiện tượng nầy như là một bước phát triển có tỷ lệ nghịch với tiến trình dân chủ trong một quốc gia. Vì chế độ điều hành quốc gia trong não trạng trên, có thể lúc nào cũng kiểm soát và áp đặt được dân chúng qua chính sách kiểm soát kinh tế qua các công ty quốc doanh để cho các nhà sản xuất khó có thể bước thêm một bước trong việc phát triển theo kinh tế thị trường.

Cái đuôi phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cái thắng hữu hiệu nhứt của lãnh đạo Việt Nam dùng để xiết chặt hầu bao của những nhà sản xuất có viễn kiến cũng như mạnh dạn đầu tư. Từ đó, thiếu vắng một sự cạnh tranh công bằng, một yếu tố căn bản cho sự phát triển quốc gia.

Ngày hôm nay, thêm một lần nữa, Việt Nam đang làm thêm một lầm lỗi lớn nữa là việc khai thác quặng mõ bauxite ở Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Một lỗi lầm mà không thể nào xoá được đối với lịch sử trong tương lai.

Việt Nam đã bất chấp mọi cảnh báo của những người dân yêu nước trong và ngoài lãnh thổ để mặc nhiên cho TC tận dụng nguồn tài nguyên vốn không còn lại bao nhiêu và cao nguyên Trung phần Việt Nam là một vùng hiểm yếu của quốc gia.

Có thể quy kết rằng, tất cả những thảm trạng hiện đang xảy ra cho Việt Nam là do chính đảng cộng sản Việt Nam gây ra ngay từ khi "thống nhứt" lãnh thổ. Do đó, việc để cho TC khai thác vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam là một lỗi lầm sau cùng đưa đến nguy cơ mất hoàn toàn chủ quyền của dân tộc. Sự việc nầy thực sự đã được hai đảng cộng sản Trung-Việt kết ước từ sau hội nghị trung ương đảng lần thứ IX, nghĩa là đã hơn 10 năm qua.

Điều trên chứng tỏ rằng, Bộ chính trị công sản Việt Nam chính là người chủ mưu cùng với công sản Trung Hoa thực hiện chiều hướng của cộng sản quốc tế là kiểm soát toàn thể vùng Đông Nam Á, và Việt Nam qua câu chuyện bauxite chỉ là một mắc xích nằm trong toàn bộ tiến trình chiếm đóng trên mà thôi.

Có thể đây là điểm khởi đầu cho sự tan rã của chế độ chăng?

Giấc mơ ra biển lớn của Việt Nam dưới sự cai trị độc đoán của đảng cộng sản Việt Nam khó có khả năng trở thành hiện thực và cái giá của sự sai lầm sẽ được ghi vào những trang sử hiện đại của nước nhà.

Đã đến lúc mọi người dân trong và ngoài nước cần phải nhận thức được thảm hoạ trên và cần phải hành động theo những phương thức thích hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình.

Mọi sự thờ ơ thụ động có thể được xem như là đồng lõa cùng với kẻ ác để bán đứng Đất và Nước Việt Nam.

Mai Thanh Truyết

Ngày Chiến sĩ trận vong 25/5/2009

//////////////////////////////////////////////////