_____Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn
Về lại Việt Nam năm 1973, việc làm đầu tiên của tôi khi đặt chân đến Sài Gòn là chỉ vài ngày sau, tôi đi mua chiếc xe đạp với giá 25.000 Đồng. Sau khi đi "chu du" gần hai tháng trường để nhìn lại những hình ảnh cũ trên đường phố cùng viếng thăm bè bạn sau bao năm xa cách. Trong suốt giai đoạn nầy, tôi vẫn còn mãi mê với quá khứ, vẫn còn mộng du (ban ngày) với nhiều cảnh cũ người xưa, những hình ảnh đã mang tôi về một quá khứ của tuổi thanh niên trong suốt thời gian tôi vắng mặt nơi quê nhà.
Trong tôi, vẫn còn rất nhiều hình ảnh thân thương tôi đã đánh mất gần mưới năm qua, và lần lượt đượt thấy lại qua những so sánh trong ký ức xa xưa và các hình ảnh hiện tại trước mắt. Tôi đã sống lại kỷ niệm nơi trường tiểu học Trương Minh Ký, góc đường Nguyễn Thái Học và Trần Hưng Đạo (đường Kitchener và Galliéni), nơi trường Petrus Trương Vĩnh Ký, Đại học Khoa học, đường Cộng Hòa (đường Nancy), nơi Đại học Y Khoa, đường Trần Quý Cáp (đường Richard) và Cơ thể Học Viện đường Minh Mạng v.v…
Cũng xin nhắc lại vào thời điểm nầy, bộ mặt Sài Gòn hầu như đổi khác, không còn nét thơ mộng như xưa, và người thành phố dường như đang mang nặng nỗi ưu tư nào đó trên nét mặt mỗi khi xuôi ngược trên đường phố. Có lẽ người dân Sài Gòn lo sợ cho một sự việc không lành cho miền Nam thân yêu trong những ngày sắp tới!
Vì sao?
Vì Hoa Kỳ mới vừa ký kết Hiệp định Paris với Cộng sản Bắc Việt ngày 27 tháng Giêng năm 1973…và hình ảnh một nửa quê hương của Đất Nước sắp sửa lọt vào tay họ. Họ đây chính là Cộng sản Bắc Viết. Đây đó, văng vẳng những dư âm của các dự mưu chạy ra khỏi nước của nhiều người quen mà tôi nghe được mỗi lần ghé thăm. Những lời trách nhẹ của gia đình, tại sao tôi lại trở về giữa lúc dầu sôi lữa bỏng nầy, càng làm cho tôi mang them một tâm trạng bất an! Và còn nhiều nhiều nữa!
Đó là tâm trạng của đứa con Việt ở những ngày tháng đầu tiên trở về quê Mẹ!
Trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn: Duyên hay Nghiệp?
Trước nỗi hoang mang của người Sài Gòn, bầu không khí nơi đây dường như ngừng động lại qua những tin đồn tiêu cực cho tương lai miền Nam, tuy có hơi dao động, nhưng cuối cùng rồi tôi cũng phải đi tìm một chỗ để làm việc, mặc dù nhiều bè bạn và người quen đã giới thiệu tôi vào những nơi "công quyền", nhưng đều bị tôi từ chối.
Một hôm, khi đạp xe trên đường Duy Tân và khi quẹo qua công trường Dân Chủ (Con Rùa) tôi thấy một bảng ghi "Viện Đại Học Sài Gòn". Ghé mắt nhìn vào, tôi quyết định vào thăm Viện. Bước lên lầu một, tôi gặp Cô thơ ký nhìn tôi và hỏi:
- Ông muốn gặp ai?
- Tôi ở ngoại quốc về, muốn viếng thăm Viện và xin gặp Ông Viện Trưởng.
Sau đó, Cô bảo tôi phải ghi tên và ghi mục đích viếng thăm để Cô vào trình GS Viện Trưởng. Ngồi chờ chưa đầy 5 phút sau, tôi thấy đích thân GS Trần Văn Tấn, người tôi chỉ nghe tên chứ chưa hề gặp mặt, đứng trước mặt tôi và mời tôi vào văn phòng. Sau vài câu chuyện mào đầu, ông hỏi tôi đã có ý định làm việc ở đâu chưa?
Tôi trả lời rằng:" Vì tình hình và không khí chộn rộn lúc nầy cho nên tôi muốn tìm một nơi tương đối yên ổn để "ẩn thân". Và tôi tiếp: "Tôi muốn vào dạy học ở một trường nào đó trong giai đoạn nầy…"
Ông nói ngay không do dự là nơi đây có hai trường thích hợp với khả năng của anh mà tôi có thể sắp xếp cho anh được Đó là, Đaị học Khoa Học và Sư Phạm. Nhưng ở Đại học Khoa Học có nhiều phức tạp, không khí nhiều khi "căng thẳng" vì một số ít nhân sự còn bon chen và ở nơi đây có quá nhiều "cây cổ thụ"; còn nơi Sư Phạm thì có anh em. Sau nầy tôi mới hiểu chữ "anh em" của Ông VIện Trưởng là vì nơi trường Sư phạm có nhiều giáo sư tốt nghiệp từ Pháp.
Khi nghe được chữ "anh em", tôi lấy quyết định ngay tức khắc và xin Ông Viện Trưởng (Quyền Viện Trưởng thì đúng hơn, vì sau đó, tôi được biết, GS Tấn không bao giờ làm Viện Trưởng vì có "quan hệ" thân mật với "một" người yêu của Hoàng Thượng thời bấy giờ).
Làm thủ tục và chỉ vừa hơn một tuần lễ là tôi nhận được giấy tờ chính thức của Tổng Ủy Công Vụ gửi giấy trình diện trường Đại học Sư Phạm. Ai dám nói con rùa Hành chánh của VNCH chậm lục đâu?
Âu cũng là Duyên?
Trường ĐAI HỌC SƯ PHẠM SÀI GÒN
Trường ĐHSP Sàigòn tọa lạc tại số 280, đường Cộng Hòa, quận 5, Sàigòn, giáp với phía sau trường Đại học Khoa học (ngày nay là đường An Dương Vương, Tp Hồ Chí Minh).
Trường được thành lập bắt đầu từ niên khóa 1958-1959, theo hệ 3 năm. Để được nhận vào học năm thứ nhất, sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển.
Niên học đầu tiên nầy, nhà trường cũng chấp nhận cho vào học ngay năm thứ 2 những sinh viên Đại học Văn khoa, it nhất đã đỗ bằng Dự bị và những ai đang theo học trường Cao đẳng Sư phạm muốn chuyển trường.
Từ niên khóa 1962-1963 trở đi, học kỳ theo hệ 4 năm: Sinh viên phải đậu ít nhất là chứng chỉ Dự bị Văn khoa hoặc Dự bị Khoa học rồi mới được nộp đơn dự kỳ thi tuyển vào Đại học Sư phạm, Mỗi năm trường tổ chức một kỳ thi tuyển vào khoảng cuối tháng 7 (sau khi đã có kết quả kỳ thi Dự bị ở Đại học Văn khoa và Đại học Khoa học), mỗi khóa thi tuyển trường sẽ chọn lại cho mỗi ban từ 25 đến 30 sinh viên, sau khi trúng tuyển các sinh viên nầy sẽ tiếp tục học thêm 3 năm nữa và khi ra trường, tốt nghiệp với văn bằng "Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp".
Từ năm 1972, Trường ĐHSP Saigon bắt đầu tổ chức thêm kỳ thi tuyển vào các ban Toán, Lý Hóa và Anh Văn cho các ứng viên vừa đậu tú tài toàn phần. Học kỳ sau khi trúng tuyển là 2 năm cho đệ nhất cấp và 4 năm cho đệ nhị cấp. Năm đầu tiên được gọi là năm "dự bị".
Sau ngày 30/04/1975 hệ thống học Dự bị Văn khoa hay Khoa học trước rồi mới được dự kỳ thi tuyển vào ĐHSP không còn nữa mà tất cả các thí sinh đều thi tuyển thẳng vào ĐHSP sau khi đã đậu bằng tú tài toàn phần.
Sinh viên ĐHSP được cấp học bổng nhưng phải ký giấy cam kết , sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ cho trường Trung học nhà nước ít nhất là 10 năm. Số tiền học bổng cũng được tăng lên dần theo với đà lạm phát, lúc đầu mỗi sinh viên được lãnh mỗi tháng 700 đồng VN, từ khoảng năm 1960/1961 số tiền học bổng là 1500 đồng VN và đến năm 1970 thì mỗi sinh viên được lãnh khoảng 3000 đồng VN mỗi tháng.
(Người viết: Phạm Thị Nhung)
Từ 1958-1962 theo hệ 3 năm gọi là Cao Đẳng Sư phạm. Khóa 3 năm cuối cùng: 1962-1965. Tiếp theo là 2 khóa 4 năm: 1963-1967 và 1964-1968. Như thế năm 1966 không có sinh viên ra trường.
Từ 1966 trở đi bắt đầu khóa 3 năm + 1 năm chứng chỉ dự bị Văn khoa hoặc Khoa học. Như thế năm 1965 không có thi tuyển.(Bổ túc của Vũ Lưu Xuân)
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Hình ảnh và Vài nét về Trường Đại học sư Phạm Sài Gòn trích từ web daihocsuphamsaigon.org của một cựu sinh viên Ban Văn chương Tràn Thị Thanh Hương, Paris.
Những cải tổ theo chiều hướng giáo dục mới
Từ năm 1972 trở đi, một số giáo sư tốt nghiệp hoặc tu nghiệp từ Pháp và Mỹ trở về làm cho bộ mặt trường Sư phạm có thêm sinh khí mới. Đó là:Lê Bảo Xuyến (Bà Lê văn) (Anh văn-Huntington Beach- Hoa Kỳ), Nguyễn Thị Đủ (Giáo dục-Việt Nam), Nguyễn Thị Phương (Hóa học- Rennes-Pháp), Mai Thanh Truyết (Hóa học-Houston-HK), Lê Thanh Hoàng Dân (Giáo dục Sư phạm-Việt Nam), Lê Quang Tiếng (Toán – Pasadena-Hoa Kỳ), Trần Kim Hạnh (Vạn vật-Giáo dục-Texas), Bùi Thị Lạng (Hải dương học-Việt Nam), Trần Kim Nở (Anh văn-Giáo dục-Dallas), Phạm Văn Quảng (Anh văn-Tâm lý giáo dục-Westminster-HK), Dương Kim Sơn (Tâm lý gia đình-Anh Văn-Toronto-Canada), Lê Thành Việt (Anh văn-Scramento-HK), Dương Thiệu Tống (Tâm lý giáo dục-Việt Nam). Nguyễn Hữu Phước (Giáo dục-Huntington Beach-HK). (Danh sách có thể còn thiếu vì tác giả viết theo ký ức).
Khởi sắc như thế nào?
Có thể nói đây là một cố gắng của Ban Giám đốc trường và các giáo sư về nước trong khoảng thời gian trên. Đứng đầu là Khoa trưởng Trần Văn Tấn (1930-2014), giáo sư Toán và có thể nói, ông là người giáo sư đã từng đi nghiên cứu, hội thảo về giáo dục trên hầu hết các quốc gia tiến bộ và đang phát triển trên thế giới. Từ đó, ông có một tầm nhìn rất thoáng cho giáo dục Việt Nam. Những buổi họp Hội đồng khoa thể hiện một tinh thần cởi mở, các thành viên phát biểu và góp ý thoải mái. Từ đó sáng kiến của luồng gió mới từ ngoại quốc về được lắng nghe.
Xin đan cử một vài cải cách sau đây:
· Áp dụng phương pháp kiểm soát liên tục đề làm giảm bớt áp lực của sinh viên trong kỳ thi cuối học kỳ (được thử nghiệm ở Ban Khoa học).
· Mở lớp Tiến sĩ giáo dục tại trường để các giáo sư tốt nghiệp tại các quốc gia ngoài Hoa Kỳ có điều kiện thẩm thấu một phương pháp và quan niệm giáo dục mới, nhứt là trong ngành sư phạm.
· Lớp Tiến sĩ trên cũng là một phương tiện để các giáo sư tốt nghiệp tại Việt Nam hay chưa có bằng Tiến sĩ có điều kiện thăng tiến kiến thức và nghề nghiệp.
· Về thực nghiệm và phương pháp giảng dạy trung học qua thí nghiệm: Trường đã thành lập các ban tu chính để cập nhật hóa những thí nghiệm mới thay thế cho chương trình thí nghiệm quá xưa. Ban Hóa học đã đi đầu trong lãnh vực nầy.
· Thử ứng dụng một hình thái giáo dục mới như điều chỉnh khoảng cách giữa Thầy – Trò để giảm bớt những lề lối cổ điển và khắc khe trong quan niệm Quân-Sư-Phụ khô cứng của tinh thần Nho giáo. Từ đó, tạo điều kiện cho sinh viên đối thoại với người thầy một cách thoải mái hơn, để rồi, người thầy biết thêm về tâm tư, nguyện vọng của sinh viên. Do đó, hiệu năng của việc giảng dạy sẽ tăng hơn.
Đó là một số cải cách ban đầu. Nhưng tiếc thay, cuộc can qua của đất nước xảy ra chì một thời gian ngắn sau khi trường Sư Phạm bắt đầu chuyển hướng mới trong hai niên học cuối cùng của miền Nam.
Rồi những hình thái giáo dục từ thời thực dân, từ thời đầu của thế kỷ 20, cộng thêm lề lối "giáo dục xã hội chủ nghĩa" biến trường Sư phạm đương thời (sau hơn 36 năm qua) thành một nơi đào tạo ra người thầy giáo, không phải để khai tâm, khai trí hay đào tạo sinh viên thành một giáo viên giảng dạy, mà thực sự "chế tạo" một thế hệ thanh niên thành công cụ rao giảng cho chế độ, nói tốt cho chế độ, còn việc giảng dạy chuyên môn trở thành thứ yếu.
Trường Sư phạm cũng phải chịu cùng chung số phận trên. Chế độ thi tuyển rập khuôn theo miền Bắc thời chiến tranh, nghĩa là áp dụng chính sách "hồng hơn chuyên", chính sách duyệt xét lý lịch có công với cách mạng hay là "ngụy". Về nội dung đề thi luôn luôn đề cao xã hội chủ nghĩa, chiên tranh chống Mỹ, triết lý Mác Lenin là "vô địch", là "đỉnh cao của thời đại". Ngay cả trong các đề thi chuyên môn cũng đậm nét hận thù như những câu hỏi hoàn toàn "không giáo dục" như "một chiếc máy bay B-52 bị quân ta bắn rơi, thử xét xem có bao nhiêu đinh ốc trong máy bay đó (đề thi năm 2007…ghi lại theo trí nhớ)". Còn các câu hỏi về khoa học là nhưng câu hỏi từ chương có trong "sách giáo khoa" in sẳn, hàng năm tuy có "hiệu đính" nhưng những lỗi lầm trong sách năm trước vẫn còn nhan nhản hiện lên trên sách mới vừa "hiệu đính" mà sinh viên cũng phải học. Người thầy tuy có thấy sai nhưng vẫn phải dạy giống như trong sách, không được "góp ý". Chính vì vậy mà số người sau khi tốt nghiệp một vài năm, vì sự ray rứt của lương tâm đành bỏ dạy đi làm nghề khác.
Trường Sư phạm đã được đổi lốt vì bị thay thế mái ngói gạch nung âm dương cổ kính bằng những "viên gạch plastic màu đỏ chói" vô tri vô giác, thể hiện rõ não trạng xã hội chủ nghĩa mới.
Tôi tiếc cho ngôi trường Sư phạm của tôi cũng như tôi tiếc cho một người nằm xuống là BS Dương Quỳnh Hoa vì tin tưởng vào cách mạng xã hội chủ nghĩa mà những ngày cuối đời phải sống trong ray rứt và chết đi trong quên lãng, mặc dù, một thời, Bà đã đuợc phủ lên chiếc áo "Bộ trưởng Y tế" của "cái gọi là" "Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam".
Mai Thanh Truyết
Ghi chú: Giáo sư Lê Tấn Lộc (Montreal-Canada) đính chánh lại về tên gọi của Trường trong niên khóa 1958 – 1962.
Trường ĐHSP được chính cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký nghị định thành lập, năm 1958 và ghi rõ ràng danh xưng rõ ràng là TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM.
Nghị định cho phép các sinh viên xuất ngoại năm 1960 sang Pháp tiếp tục học trình cũng ghi rõ sinh viên năm thứ mấy của Trường ĐHSP (Nghị định số 988-TTP/KH ngày 8 tháng 10 năm 1960 của Phủ Tổng Thống. Tôi còn lưu giữ Nghị định nầy).
Và các sinh viên tốt nghiệp từ năm 1958 vẫn được cấp Văn Bằng Tốt Nghiệp Đại Học Sư Phạm. (nếu tốt nghiệp)
Văn bằng nầy cho phép các đương sự được tuyển dụng làm giáo sư trung học đệ nhi cấp "chuyên khoa" (tùy môn theo học) CHÍNH NGẠCH.
Thân mến,
Lê Tấn Lộc, Triết 1/1958
______________________________________________
Mai Thanh Truyết
http://maithanhtruyet.blogspot.com/
"A nation that destroys its soils destroys itself.
Forests are the lungs of our land, purifying the air
and giving fresh strength to our people." —Franklin D. Roosevelt
"Every Generation needs a New Revolution". - Thomas Jefferson-