________Từ Thảm Nạn Chernobyl, Bùn Đỏ Cao Bằng, và Thiên Tân:
Não Trạng Cộng Sản Vẫn Không Thay Đổi
Từ năm 1986, tại Liên Sô cũ (Ukraina bây giờ), một nhà máy điện hạch nhân nổ. Tại Việt nam, năm 2010, một trong 10 hồ chứa bùn đỏ của nhà máy khai thác sắt ở Cao Bằng vỡ. Và gần đây nhứt, tại Thiên Tân, ngày 12/8/2015, kho hóa chất "vĩ đại" bị phát nổ. Ba tai nạn về hóa chất cách nhau 30 năm tại ba quốc gia cộng sản Liên Sô, Việt Nam và Trung Cộng dường như có cùng một cung cách "xử lý" tai nạn giống nhau.
- Trong đêm 25 rạng 26 tháng 4 năm 1986, một tai nạn bi thảm nhất thế giới đã xảy ra ở nhà máy điện dân sự hạch nhân Chernobyl ở Liên Sô cũ hay Ukraina hiện tại. Nhà máy điện hạch nhân nầy ở về phía Bắc cách thành phố Kiev 80 dậm.
- Đúng một tháng sau tai nạn thảm khốc ở Hungary do một bức tường chắn của một trong 10 hồ chứa bùn đỏ, phế thải của việc khai thác bauxite bị bể ngày 4 tháng 10, tin tức từ Việt Nam thông báo là vào đêm mùng bốn rạng mùng năm tháng 11, 2010, cơn "lũ" bùn đỏ kéo theo hàng vạn khối bùn đỏ từ thượng nguồn đổ xuống. Bùn nầy là phế thải từ việc tuyển rửa quặng của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng thuộc công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng, tức công ty TKV, cũng là công ty đang thực hiện việc khai thác bauxite tại cao nguyên Trung phần Việt Nam.
- Vào sáng ngày 12/8/2015 (giờ địa phương), đã xảy ra một vụ nổ cực lớn tại cảng Thiên Tân, hải cảng lớn thứ 10 thế giới ở thành phố Thiên Tân, đông nam Trung Cộng. Cảnh tượng tại Thiên Tân sáng 14/8 vẫn như một bãi chiến trường: các tòa nhà cháy sém, xe cộ trơ khung sắt nằm ngổn ngang, hàng loạt container bị hất lên trời rồi rơi xuống vung vãi như những hộp diêm, người dân vẫn hoảng loạn chạy đôn chạy đáo đi tìm người thân...
Thảm nạn Chernobyl
Nhà máy có 4 lò phản ứng. Đúng 1 giờ 23 phút sáng, các phản ứng phát nhiệt dây chuyền hoàn toàn không còn kiểm soát được và kết quả là nhiều tiếng nổ lớn cùng những cột lửa thoát ra từ cửa của lò hạch nhân số 4.
Có 30 nạn nhân bị chết ngay tức khắc. Hàng ngàn nhân viện cấp cứu tự nguyện cũng bị chết tiếp theo sau đó. Sau nầy con số đã được chính quyền kiểm chứng lại và ước tính từ 7.000 đến 10.000 người bị chết. Chất phóng xạ tỏa ra, bao phủ một vùng trên 20 dậm đường kính và 135.000 người dân phải di chuyển ngay sau đó. Mức phóng xạ đã được ước tính tương đương với 200 quả bom nguyên tử đổ xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào thời đệ nhị thế chiến. Phóng xạ không những ảnh hưởng ở vùng xảy ra tai nạn mà còn lan rộng sang Belarus, Nga Sô, Ba Lan, Thụy Điển, Đức Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiếu quốc gia khác nữa.
Tổng kết dài hạn, kết quả cho thấy có khoảng 150.000 trẻ em có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp trạng, và 800 ngàn bị leukemia (ung thư máu). Trên 2 triệu rưởi mẫu đất hoàn toàn bị hoang hóa, chiếm 20% diện tích đất canh tác của Ukraine. Ngoài nhân mạng và đất đai bất khiển dụng, vùng đất hoang phế nầy phải cần đến khoảng 200 tỷ Mỹ kim để có thể thanh lọc và cải thiện môi trường.
1- Nguyên nhân tạo nên tai nạn
Theo lịch trình, lò phản ứng số 4 "phải" bị ngưng hoạt động vào ngày 25/4, nghĩa là ngày xảy ra tai nạn, để bảo trì và kiểm soát lại hệ thống an toàn. Trên nguyên tắc, khi bắt đầu thử nghiệm, thì tất cả hệ thống điện phải được đình chỉ, trừ nguồn điện dự trù cho việc vận hành hệ thống an toàn trong điều kiện khẩn cấp. Nhưng khi lò phản ứng hoạt động còn khoảng 50%, hệ thống điện vì một lý do gì đó vẫn còn trên mạng lưới của nhà máy. Từ đó nhiệt độ của lò phản ứng tăng nhanh bất thường, cũng như hệ thống làm nguội hoàn toàn ngưng hoạt động.
Dưới áp lực đó, các "ống nguyên tử" bắt đầu bị bể ra và phóng xạ thoát ra ngoài môi trường chung quanh.
Theo một tài liệu "bí mật" trong văn khố Nga Sô vừa được giải mã gần đây, thì tai nạn ở Chernobyl đã được những người có trách nhiệm tiên liệu trước qua những khuyết điểm trong việc xây dựng các lò phản ứng ở đây. Và nguyên nhân quan trọng nhất là "sự thiếu vắng của văn hóa an toàn"(lack of a safety culture), nghĩa là lãnh đạo đã biết rõ nguy cơ tai nạn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng vì dưới danh nghĩa tập thể, không ai xem đây là điểm cần phải cải đổi để làm tăng mức an toàn trong vận hành.
Thứ đến là nguyên nhân về kỹ thuật, các lò phản ứng tại đây không có hệ thống kiểm soát hay chế ngự phản ứng phát nhiệt, cũng như hệ thống làm nguội bằng nước thay vì bằng hơi nước (Đây là loại lò phản ứng hạch nhân thuộc thế hệ I, nghĩa là theo kỹ thuật từ những năm 1950. Do đó, một sự tăng nhiệt độ bất thường sẽ làm tăng thêm lượng hơi nước đã hấp thụ sẳn trung hòa tử (neutron), do đó áp suất sẽ tăng dần cho đến mức độ làm bể nấp lò phản ứng). Chỉ trong khoảng thời gian 3- 4 giây, lò phản ứng thay vì được làm nguội lại, bị nóng hơn gấp 100 lần. Từ đó nước trong lò phản ứng bốc hơi, tạo ra ra áp suất lớn và làm nổ tung cả hệ thống bao bọc lò bằng bê tông cốt sắt nặng hàng ngàn tấn. Hơi nước đã mang theo độ 70% chất phóng xạ vào môi trường ngay sau đó.
Nguyên nhân thứ ba là sự vi phạm trầm trọng các thủ tục thử nghiệm về an toàn do nhân viện kỹ thuật phạm phải. Đó là trong quy trình an toàn vận hành, cần phải thử nghiệm các ống phản ứng trong lò. Lần sau cùng nầy, các nhân viện chỉ thử nghiệm 8 ống phản ứng thay vì 30 ống trong lò. Thêm nữa, hệ thống làm nguội khi xảy ra tai nạn không hoạt động.
Và nguyên nhân sau cùng là tại nhà máy không có hệ thống liên lạc hữu hiệu giữa các bộ phận chung quanh nhà máy, do đó nhân viên làm việc ở các lò khác không được thông báo kịp thời cho nên con số nạn nhân rất cao.
2- Ảnh hưởng lên sức khỏe và tâm lý người dân sau tai nạn
Về sức khỏe: Từ năm 1981 đến 1985, năm năm trước khi xảy ra tai nạn, trẻ em ở Ukraine dưới 15 tuổi trung bình bị ung thư tuyến giáp trạng là 4 – 6/1 triệu trẻ em . Từ năm 1986 đến 1997, số nạn nhân ung thư tăng lên 45/ 1 triệu, trong đó 64% bệnh nhân sống ở vùng bị nhiễm phóng xạ như Kiev, Chernigov, Zhitomir, Cherkassy, và Rovne.
Về ảnh hưởng tâm lý: Cho đến hiện nay, vẫn còn nhiều chỉ dấu ám ảnh và không thể xóa bỏ trong tâm thức của đa số người dân sống chung quanh Chernobyl. Đó là: sự lo sợ, sự trầm cảm, sự không còn tin tưởng vào tương lai trước mắt; và sau hết là hiện tượng rối loạn thần kinh.
Một trong những nguyên do làm cho các ảnh hưởng trên trở nên trầm trọng là vì chính quyền không có biện pháp giải thích, hướng dẫn, cùng trấn an dân chúng sau khi xảy ra tai nạn. Hơn nữa, sự hoảng hốt, và sự bưng bít những thông tin bất lợi của tai nạn, nghĩa là trốn tránh sự thật của lãnh đạo Liên Sô (thời còn dưới chế độ Cộng sản) làm cho dân chúng càng nghi ngờ và không còn ai tin tưởng những gì nhà cấm quyền thông báo ra. Đây cũng là một bài học lớn cho những quốc gia còn hạn chế thông tin trong dân chúng.
3- Ảnh hưởng lên xã hội, kinh tế, và chính trị
Ngay sau tai nạn, lãnh đạo Liên Sô đã kiểm soát mọi biện pháp giới hạn các hoạt động kỹ nghệ và nông nghiệp trong những vùng có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ, nhất là các kỹ nghệ phục vụ cho xuất cảng. Điều nầy làm cho lợi tức của người dân bị giảm theo, kéo theo lợi tức của địa phương. Từ đó, mức đấu tư cũng giảm do tâm lý không an toàn của những nhà đầu tư nội địa cũng như ngoại quốc.
Thêm nữa, sự di dời dân chúng trong vùng đã làm xáo trộn mọi hoạt động trong vùng. Ngay khi xảy ra tai nạn có 116 ngàn người phải di dời. Trong khoảng thời gian từ 1990 đến 1995 chính quyền lại phải dời cư thêm 210 ngàn người nữa. Điều nầy đưa đến việc xây dựng thêm một thành phố mới là Slavitich cho cư dânvà nhân viên nhà máy Chernobyl. Chi phí cho việc di dời lên đến 26 tỷ Mỹ kim. Vì nhà máy đã bị đóng cửa vỉnh viễn cho nên nhu cầu điện năng để sản xuất và sinh hoạt trong dân chúng bị hạn chế trầm trọng.
Về xã hội, vì mức sinh sản giảm, cũng như nhân lực lao động và chuyên môn đã di chuyển về những vùng không bị ô nhiễm phóng xạ, do đó tình trạng thiếu lao động trong vùng càng làm cho mức phát triển bị sút giảm nặng nề.
Về kinh tế, nông nghiệp và kỹ nghệ hầu như bị tê liệt hoàn toàn, và chính phủ Ukraina ước tính mức thiệt hại hàng năm lên đến 13 tỷ Mỹ kim.
4- Giải pháp đề nghị trong sự vận hành lò phản ứng hạch nhân
Từ thảm nạn kinh hoàng trên và những hậu quả tiếp theo, kéo dài hàng chục năm sau đó, Cơ quan Mội trường Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới qua nhiều phiên họp đã đề ra các khuyến cáo sau đây hầu có thể tránh những tai nạn tương tự xảy ra trong tương lai:
· Trước hết, cần phải chuẩn bị tư tưởng và tâm lý cho tất cả nhân viện trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào việc điều hành một lò phản ứng hạch nhân về vấn đề an toàn trong vận hành. Mọi bất thường dù nhỏ đến đâu cũng cần phải được báo cáo lên cấp trên ngay tức khắc, và phải được ban điều hành giải quyết ngay sau đó;
· Ủy ban Luật định Hạch nhân (Nuclear Regulatory Commission) cần phải luôn luôn giữ vai trò tích cực và cương quyết trong việc áp dụng luật lệ ở các nhà máy hạch nhân, để đề phòng tai nạn có thể xảy ra trước việc các nhà máy không tuân thủ đúng theo quy định an toàn của ủy ban;
· Thường xuyên huấn luyện và tái huấn luyện nhân sự cũng như thực tập một số tai nạn giã tạo để khảo sát khả năng ứng đối của nhân viên trong trường hợp xảy ra tai nạn thật sự;
· Yếu tố nhân sự cũng là yếu tố hàng đầu trong trường hợp có tai nạn, do đó vấn đề an toàn vận hành cho một lò phản ứng hạch nhân lý tưởng cần phải được Ban điều hành phát thảo và trao đổi với nhân viên nhà máy thường xuyên;
· Và sau cùng, làm thế nào để có một sự cảm thông và đối thoại trong tinh thần bình đẳng về bảo hành an toàn chung giữa ban điều hành và nhân viên nhà máy.
Thảm nạn Bùn đỏ Cao Bằng
Đây là một sự kiện đã được tiên liệu trong hầu hết các công cuộc phát triển của Việt Nam qua việc khai thác khoáng sản cũng như xây dựng các đập thủy điện và các công trình phát triển khác. Tiên liệu vấn nạn môi trường sẽ xảy ra là một "logic tất yếu" vì một nguyên nhân căn bản chính là hầu hết dự án khai triển ở Việt Nam đều không có nghiên cứu tác động môi trường (Environmental Assessment Impacts-EAI), điều đã được ghi rõ ràng trong Luật Môi Trường Việt Nam (1993) và Luật Đầu Tư trước khi cung cấp giấy phép xây dựng dự án…
Chúng ta đã từng nghe và thấy thảm nạn đã xảy ra cho các đập thủy điện trên các sông ngòi ở miền Trung bị bể hay xả nước vô tội vạ làm ngập nhiều làng xóm, thị xã từ nhiều năm qua, mỗi lần mùa mưa đến…
Chúng ta đã từng nghe và thấy dòng sông Thị Vải hầu như hoàn toàn bị ô nhiễm từ năm 1997 do công ty Vedan, ngay sau khi bắt đầu khai thác bột ngọt từ năm 1994. Qua mốc ngoặt, qua bao che v.v…tất cả đều êm xuôi mặc dù nước thải độc hại đã được thải hồi thẳng ra sông ngay sau khi sản xuất những mẽ đầu tiên. Năm 2007, chúng tôi đã nêu lên vấn nạn nầy, và đã được "phản hồi" bằng những lời lẽ cho là bôi bác chế độ! Mãi đến năm 2008, Công ty Vedan "mới" bị khám phá là có một đường ống "bí mật" xả nước thải thắng vào sông vào ban đêm từ hàng chục năm qua…Và sau cùng vào năm 2014, Cty Vedan vẫn được ban khen của UBND Biên Hòa trong việc bảo vệ môi trường dù trước đó vài tháng, thanh tra đã khám phá những đường ống ngầm dẫn nước thải từ hồ chứa ra sông!
Và sự kiện tương tự đã diễn ra tại một công ty khai thác quặng sắt ở Cao Bằng ngày hôm nay…
1- Vài thông tin về quặng sắt
Sắt có công thức hóa học là Fe, là một thành phần kim loại chiếm 5% của vỏ trái đất. Khi nguyên chất, sắt có màu xẩm đen goi là màu xám bạc kim loại (silvery-gray metal). Đây là một kim loại rất dễ bị oxid hóa còn gọi là rỉ sét và biến thành màu đỏ giống như bùn đỏ trong công nghệ khái thác quặng sắt hay bauxite. Các màu đỏ, cam, hay vàng thường thấy trong đất và đá thông thường là các loại oxid sắt dưới nhiều kết nối giữa sắt và oxy với tỷ lệ khác nhau..
Phần dưới của vỏ trái đất được dự đoán là do hợp kim sắt và nickel vì hợp kim nầy là các "thiên thạch" (meteorites) thỉnh thoảng rơi vào mặt đất, và hợp kim nầy cũng được dự đoán là kim loại đầu tiên cấu tạo ra vũ trụ! Sao Hỏa (Mars) được gọi tên như thế là vì lớp vỏ ngoài được bao bọc bằng oxid sắt có màu đỏ.
Tên Sắt (Iron) có được từ danh từ Old English tên là Isaern, nguyên ủy từ tiếng Celtic là Isarnon.
Trên thế giới, ước tính có khoảng 800 tỷ tấn quặng mỏ sắt dung chứa độ 230 tỷ tấn sắt ròng (nguyên chất). Hàm lượng sắt ở Hoa Kỳ chiếm độ 27 tỷ tấn. Hầu hết (gần 100%) sắt nguyên chất khai thác từ các quặng mỏ được chế biến thành các loại thép khác nhau tùy theo nhu cầu, như hỗn hợp sắt và tungsten, manganese, nickel, vanadium, hay chromium v.v…dùng cho kỹ nghệ xây cất, xe hơi v.v…
Các quặng sắt thường xuất hiện dưới dạng Hematite tức oxid sắt III (Fe2O3) chứa 70% sắt, dạng Magnetite tức oxid sắt sesqui (Fe3O4) chứa 72%, và dạng Taconite chứa độ 30% hỗn hợp hai dạng trên và nhiều kim loại khác.
Sắt còn là một nguyên tố tối cần thiết cho cơ thể con người. Cơ thể con người chứa 0.006% sắt, phần lớn tồn chứa trong máu. Tế bào máu chứa sắt mang oxy từ buồng phổi đi khắp châu thân. Nếu cơ thể thiếu chất sắt, sức miễm nhiễm của cơ thể sẽ bị giảm đi.
2- Câu chuyện bùn đỏ Cao Bằng
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, những nạn nhân ở xã Duyệt Chung đã điện thoại lên UBND Xã để báo tình hình. Và cũng ngay sau đó (?) (theo lời báo chí!), nhân viên xí nghiệp khai thác Nà Lũng đã tìm cách bít lỗ hổng của đập bị vỡ. Dòng chảy của bùn cao từ 2 đến 3 thước chảy như con rắn tràn vào nhà, tràn xuống giếng, vào các cánh đồng. Nhiều nhà tầng thứ nhứt, tức tầng trệt bị ngập hoàn toàn…
Mãi đến 4 ngày sau, bùn mới rút dần vào con suối cuối làng và chảy vào sông Bằng.
Chính Ông phó Chủ tịch UBND thị xã đã cho biết trước đây từ năm 2005, đã nhiều lần xí nghiệp xả bùn làm ngập đồng ruộng gây thiệt hại cho dân mà không đền bù thiệt hại gì cả.
Mỏ quặng Nà Lũng đã được khai thác từ năm 1990. Quặng sắt sau khi được đào sới lên (giống như quặng bauxite, chỉ che phủ bới lớp đất thịt khoảng 1 m) sẽ được phun nước đểu tầy rửa chất bẩn như đất cát, và các hợp kim khác lẫn trong quặng như các oxid Manganese, Selemium, Arsenic v.v… Sau đó phế thải lỏng nầy chảy vào 4 đập lớn thông nhau và các bờ đập đều được đấp "sơ sài" bằng đất.
Chính đập số 4 là đập bị vỡ và nước thải bùn đỏ ở các đập 1,2,3 vẫn tiếp tục chảy vào đập số 4 cho đến khi công ty ngăn chặn dòng chảy lại. Do đó, ước tính lượng bùn đỏ tràn vào xã Duyệt Chung không chính xác. Nhiều cơ quan ước tính hàng ngàn m3, nhiều báo ước tính hàng chục ngàn…có lẽ những con số trên thay đổi tùy theo mức thay đổi của "thủ tục đầu tiên".
3- Giải quyết vần đề của những người có trách nhiệm
Như đã nói ở phần trên, ngay từ đầu, Ông Lê Ngọc Quang, Phó CT UBND thị xã Cao Bằng cho biết không phải là lần đầu tiên người dân Nà Lũng bị ngập bùn, chính quyền đã yêu cầu nhiều lần, lên đến công ty, đến cơ quan bảo vệ môi trường và tài nguyên tỉnh…nhưng tất cả là "vũ như cẩn" cho đến khi có "sự cố" vừa qua.
Hiện nay (9/11), người dân phải đích thân dọn nhà cửa của chính mình, công ty chỉ cho máy hút bùn trên những đoạn đường đi vào cổng xí nghiệp. Con suối từ cuối xã Duyệt Chung, một nguồn nước sinh hoạt cho dân chúng của xã, hoàn toàn đặc quánh màu đỏ và vẫn từ từ chảy vào sông Bằng. Dấu hiệu cá chết nổi trên mặt nước cũng đã xảy ra.
Ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Cao Bằng cho biết công tác khắc phục bùn đỏ như sau: "Đang khắc phục, mọi hoạt động trở lại chỉ có học sinh đi lại còn vất vả. Đang chuẩn bị gia cố lại hồ chứa. Bùn đỏ tràn ra thì hốt đi khỏi khu vực ấy. Chúng tôi cùng các cơ quan chức năng, kể cả người dân sử dụng máy gạt, máy ủi, đưa xuống nơi bùn tràn qua và đưa đi nơi khác".
Quả thật người viết hoàn toàn mù tịt về phương pháp giải quyết của một Ông CT Hội BVMT của tỉnh…là làm sao hốt bùn tràn vào suối, tràn vào sông, hay bùn đã thấm vào lòng đất, vào mạch nước ngầm??? (Nếu Ông Chủ tịch nhận được thông tin nầy xin giải thích cho người dân khắp nơi được rõ để viết bài về phương pháp xử lý bùn đỏ sau khi có "sự cố" bể bờ chắn hồ chứa, hay "xả "lậu" phế thải bùn đỏ".
Tiếp theo, vào ngày 9/11, một nhà lãnh đạo chuyên môn của Tập đoàn Than-Khóang sản Việt Nam tức TKV, Ông Phó Tổng Giám đốc tuyên bố sẽ dùng máy hút bùn từ dòng suối trở lại đập chứa chất thải của công ty.
Giời ạ! Người viết chỉ còn biết đấm ngực ba lần xưng tội với Chúa, lạy 4 lạy sám hối với Trời Phật, xin tội với Alla…cầu mong có được một trí thông minh tối thiểu để có thể hiểu được và cảm nhận được một phương cách giải quyết vấn đề thần sầu của một nhà chuyện môn, đại diện cho đỉnh cao của trí tuệ nhân loại!
Thảm nạn Thiên Tân
Cảnh tượng tại Thiên Tân - cảng lớn thứ 10 thế giới - sáng 14.8 vẫn còn như một bãi chiến trường: các tòa nhà cháy sém, xe cộ trơ khung sắt nằm ngổn ngang, hàng loạt container vung vãi như những hộp diêm, người dân vẫn hoảng loạn chạy đôn chạy đáo đi tìm người thân...
Tân Hoa xã dẫn lời Phó Thị trưởng thành phố Thiên Tân, Trung Cộng hôm 19/8 cho biết, các nhà chức trách đã xác định được 40 loại hóa chất lưu giữ trong các nhà kho thuộc khu vực xảy ra hai vụ ở Thiên Tân vào ngày 12/8.
Theo đó, 40 loại hóa chất này thuộc 7 loại, gồm khoảng 1.300 tấn hợp chất kalium nitrate (potassium), calcium carbide, và ammonium nitrate. 500 tấn vật liệu dễ cháy, gồm natrium (sodium) và magnesium kim loại, cùng 700 tấn chất độc nồng độ cao, mà phần lớn là natrium cyanide.
Báo Australian.com.au đưa tin, nhiều người giận dữ đổ ra đường sau khi tìm khắp nơi mà không thấy người thân. Cho tới nay, con số người thiệt mạng được đưa ra theo thống kê chính thức vẫn là 50, khoảng 700 người bị thương, trong đó trên 70 người bị thương rất nặng. Số người thiệt mạng dự kiến sẽ còn tăng cao. Hiện tại, 20/8, con số thương vong đã lên cao hơn 1.000 người. Đối với vụ nổ ở Thiên Tân, thời báo Times của Mỹ cho biết, theo báo cáo của chuyên gia về sức khỏe và môi trường của Úc, Ravi Naidu, cho rằng: Không chỉ các loài động vật, mà cả các vi sinh vật cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi độc tố hóa chất sau vụ nổ; Naidu cũng chỉ ra rằng một vụ nổ như vậy sẽ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn tác động đến tâm thần, tâm lý của nhiều người dân, đây là một vấn đề cần được quan tâm.
Danh sách nạn nhân tại các bệnh viện không rõ ràng khiến cho mọi người gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm thân nhân. Việc chính quyền không công bố thông tin đầy đủ khiến mọi người thêm phần giận dữ. Ban đầu, nguyên nhân vụ nổ chưa được công bố khiến cho người dân lo lắng trong bối cảnh họ không biết những cột khói bốc lên sau vụ nổ hóa chất sẽ gây hại thế nào cho sức khỏe của họ.
Từ ngày 15/8, chính quyền thành phố Thiên Tân đã sơ tán dân trong khu vực bán kính 3 km từ nơi xảy ra vụ việc do lo ngại nhiễm chất độc. Quan chức Trung Quốc cũng thừa nhận việc hóa chất độc hại rò rỉ sau vụ nổ này song cho rằng hiện không có nguy cơ nào đối với người dân ở ngoài vùng sơ tán.
Chuyên gia Trần Phá Không nói rằng vụ nổ lớn ở Thiên Tân này là thảm họa toàn diện, gây ra thương vong nặng nề, và làm ô nhiễm không khí nghiêm trọng; và đàng sau thảm họa là những bí mật trùng trùng. Bất cứ khi nào có thảm họa xảy ra ở Trung Cộng, nhà chức trách đều ra sức bưng bít để che giấu sự thật, và cố gắng báo cáo giảm thiểu thương vong để lừa dối dư luận, nhờ vậy mà thiên tai nhân họa đều tan biến, cứ như chúng chưa từng xảy ra.
Cho đến ngày 21/08/2015, tại thành phố cảng Thiên Tân, Trung Cộng, lại xảy ra thêm bốn vụ hỏa hoạn mới. Thông tin trên đây do Tân Hoa Xã loan báo. Ba vụ cháy mới xảy ra tại đúng nơi vụ nổ chính ngày 12/08,
Tham mưu trưởng Quân khu Bắc Kinh của Quân giải phóng nhân dân Trung Cộng Sử Lỗ Trạch khẳng định: "Hiện nay, trong vòng vài trăm mét, ngoài ammonia vượt mức 1 milligram thì tất cả các chỉ số khác vẫn ở trong tiêu chuẩn cho phép. (Trong lúc đó, kết quả phân tích nước mưa bị ô nhiễm sau ngày 17/8, cho thấy nồng độ sodium cyanide cao gấp 365 lần tiêu chuẩn cho phép có trong nguồn nước sinh hoạt). Nếu ai ở ngoài bán kính 2km quanh trung tâm vụ nổ thì những chỉ số này ở mức bình thường. Điều này không gây bất cứ ảnh hưởng nào đối với tính mạng người dân". (Lại thêm một tuyên bố vô ý thức và phản khoa học!)
Kỹ sư trưởng Phòng bảo vệ môi trường thành phố Thiên Tân cho biết: "Nước thải từ khu vực xảy ra tai nạn được chặn lại bởi xi măng để đảm bảo chất độc không rò rỉ ra ngoài làm ảnh hưởng đến nước ở khu vực xung quanh và ở Vịnh Bột Hải. Xung quanh khu vực này chúng tôi cũng xây những giếng kín để đảm bảo nước từ hiện trường vụ cháy không chảy ra ngoài trong trường hợp có mưa". (tương phản với hình đính kèm)
Vẫn theo thông tín viên Heike Schmidt, cách Thiên Tân khoảng 6 cây số, người ta phát hiện hàng nghìn cá chết nổi trên một đoạn sông Heihe (Hải Hà). Tổ chức môi trường Greenpeace hôm nay khẳng định cũng tìm thấy vết cyanide cũng tại con sông này, nhưng với nồng độ thấp hơn so với những ngày trước đó.
Lo ngại nguy cơ nhiễm độc hóa chất treo lư lửng, sau thông báo nồng độ cyanure trong nước sông và biển cao đến 356 lần so với mức quy định, của cơ quan chính quyền hôm qua. Vẫn theo thông tín viên Heike Schmidt, cách Thiên Tân khoảng 6 cây số, người ta phát hiện hàng nghìn cá chết nổi trên một đoạn sông Heihe (Hải Hà). Tổ chức môi trường Greenpeace hôm nay khẳng định cũng tìm thấy vết cyanure cũng tại con sông này, nhưng với nồng độ thấp hơn.Tuy nhiên, nhiều người dân sống quanh khu vực này vẫn tỏ ra lo ngại vì hậu quả ô nhiễm môi trường không thể giải quyết trong thời gian ngắn và có thể ảnh hưởng đến thế hệ sau.
Theo quy định của Luật an toàn và Luật bảo vệ môi trường Trung Quốc, nhà kho chứa những hàng hóa nguy hiểm của Công ty vận tải quốc tế Thụy Hải phải cách khu dân cư và đường quốc lộ ít nhất 1 km thế nhưng trên thực tế nó chỉ cách khu dân cư gần nhất 600 m và cách đường cao tốc chỉ mấy chục mét.
Một người dân ở khu dân cư gần kho hàng bị cháy cho biết: "Chúng tôi sống ở khu dân cư gần đây và không ai nói với chúng tôi rằng chúng tôi sống gần kho chứa những mặt hàng nguy hiểm như vậy".
Ước tính, vụ nổ tại Thiên Tân đã ảnh hưởng đến 17.000 gia đình trong tổng số 15 triệu dân thành phố này, gây thiệt hại cho 1.700 doanh nghiệp và 675 cửa hàng.
Chính quyền thành phố đã mở cửa 21 trường học và 3 tòa nhà để làm nơi lánh nạn cho khoảng 6.300 người. Vụ nổ cũng đã gây thiệt hại về tài sản lên tới hàng chục tỷ Nhân dân tệ. Chỉ riêng số xe hơi nhập cảng khoảng trên 10.000 chiếc đang đậu trong bãi bị cháy rụi đã trị giá hơn 2 tỷ Nhân dân tệ.
1- Các con số biết nói
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 68.061 người chết do tai nạn lao động tại Trung Quốc trong năm 2014, chiếm khoảng 20% tổng số các vụ tử vong cùng nguyên nhân trên toàn cầu.
Như vậy, trung bình mỗi ngày, khoảng 186 người chết do tai nạn nghề nghiệp tại đất nước 1,3 tỷ dân. Trong khi đó, tại Mỹ, với dân số khoảng 320 triệu người, 12 người mất mạng mỗi ngày vì nguyên nhân tương tự.
2- Hai vụ nổ kinh hoàng tại Thiên Tân là do lính cứu hỏa?
Liên quan tới vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân Trung Cộng, một số chuyên gia nước ngoài cho rằng việc lính cứu hỏa phun nước dập lửa là một phần nguyên nhân gây ra 2 vụ nổ kinh hoàng tại thành phố Thiên Tân.
Theo tin tức từ Reuters, TS David Leggett, một chuyên gia an toàn hóa chất tại tiểu bang California, Mỹ cho rằng việc lính cứu hỏa phun nước để dập lửa có thể đã vô tình gây ra 2 vụ nổ lớn tại Thiên Tân. Nước khi tác dụng với calcium carbide (CaC2, còn gọi là khí đá) sẽ tạo ra acetylene (C2H2) - chất khí gây nổ.
Ông Leggett kết luận: "Sự hiện diện của chất ammonium nitrate chính là nguyên nhân kích hoạt một vụ nổ với sự tàn phá đến khủng khiếp như vậy. Và một vụ nổ khí acetylene có thể dẫn đến sự kích nổ hóa chất ammonium nitrate chứa trong nhà kho, tiếp tục gây nên vụ nổ thứ 2. Thực tế hai vụ nổ ở nhà kho kể trên cách nhau khoảng 30 giây và vụ nổ sau lớn hơn nhiều vụ nổ đầu. Điều nầy đã làm cho 6 toán cứu hỏa đầu tiên, sau vụ nổ thứ nhứt bị chết cháy. Theo chiết tính của một nhân viên thành phố (dấu tên) thì mỗi đội cứu hỏa gồn khoảng từ 50 đến 60 người….
Trong lúc đó, TS Stuart Prescott, giảng viên chuyên đào tạo kỹ sư hóa chất thuộc Đại học New South Wales, Australia cho rằng khi dập lửa do calcium carbide gây ra phải dùng bột chứ không được dùng nước. "Calcium carbide phản ứng với nước và đó là phản ứng khá dữ dội trong nó và của chính nó, vì nó sinh ra khí. Bản thân chất khí cũng có thể gây cháy", ông nói.
3- Nguyên nhân vì đâu?
CNN đặt câu hỏi, liệu vụ nổ ở Thiên Tân và hàng loạt vụ tai nạn gần đây là cái giá cho sự phát triển quá nóng của Trung Cộng.
Nhà chức trách Trung Cộng đang nỗ lực giải quyết hậu quả các vụ nổ hóa chất tại Thiên Tân gây thương vong nghiêm trọng, thiệt hại nặng về kinh tế và tác động đến cả môi trường. Theo CNN, vụ nổ xảy ra là do:
· Quy trình giám sát thiếu chặt chẽ;
· Và những thủ tục trong an toàn lao động ở Trung Cộng còn lỏng lẻo.
Chủ tịch CS Tập Cận Bình đã kêu gọi các cơ quan có trách nhiệm của Trung Cộng nhìn thẳng vào hậu quả của sự việc. Ông cho biết, vụ nổ Thiên Tân và các vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây thể hiện rõ vấn đề về an toàn lao động ở quốc gia này. Ông nói đây là bài học sâu sắc mà các cơ quan cần nhìn vào để tránh những sự việc tương tự khác xảy ra.
4- An toàn Công nghiệp, và An toàn Lao động trong vận hành
Theo Reuters, gần 70% nhà máy có sử dụng hóa chất độc hại vừa được thanh tra tại Bắc Kinh đều không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn. Trên đây là kết quả thanh tra vừa được giới truyền thông Trung Cộng loan báo, được hãng tin Anh Reuters (21/08/2015) trích dẫn lại:"Đợt thanh tra này được tiến hành ngay sau thảm họa công nghiệp xảy ra hôm 12/08/2015, tại thành phố cảng Thiên Tân, làm 114 người thiệt mạng, hơn 700 người khác bị thương và hàng ngàn người khác buộc phải sơ tán. Theo nguồn tin từ Cục an toàn lao động, tại 124 cơ sở tại thủ đô được thanh tra, 85 cơ sở mang nhiều rủi ro. Hai trong số này đã bị yêu cầu đóng cửa vì không tuân thủ tiêu chuẩn về an toàn".
Theo tuyên bố của Phó chủ tịch Cục An toàn lao động, "những doanh nghiệp nào chưa đáp ứng được các yêu cầu thanh tra được đề nghị ngưng tạm hoạt động và các kho hàng được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ 24/24".
Đặc biệt trong số các doanh nghiệp bị điểm mặt, các thanh tra còn phát hiện nhân viên an toàn tại chi nhánh Bắc Kinh của tập đoàn hóa dầu Sinopec không nắm rõ quy trình dập tắt hỏa hoạn tại các thùng chứa dầu. Thanh tra còn nhận thấy nhân viên hút thuốc tại các khu nhà ở nằm gần kho dầu.
Chính thảm họa công nghiệp Thiên Tân, hải cảng lớn hàng thứ 10 trên thế giới, đã buộc chính quyền Bắc Kinh tiến hành đợt thanh tra An toàn công nghiệp trên toàn quốc. Nguyên nhân vụ nổ tai Thiên Tân đã được chính quyền khẳng quyết là do 700 tấn chất nitrate cyanide được cất trữ trong kho. Nằm cách Bắc Kinh 200 km, Thiên Tân là cửa ngỏ để vào các vùng đông-bắc Trung Cộng.
5- Nguy cơ của chất độc cyanide
Theo luật định của USEPA, đây là dấu hiện dán lên các thùng chứa cyanide. Số 3 chỉ cho thấy mức độc hại ảnh hưởng lên sức khỏe con người (độc hại nhứt chỉ số 4). Khi phát nổ và gặp nước, cyanide phóng thích hơi hydrogen cyanide, một hóa chất rất độc vì khi xâm nhập vào cơ thể qua hít thở hay qua da sẽ tác dụng vào oxy của hồng huyết cầu và gây ra các biến chứng ở óc, tim, phổi và hệ thống tuần hoàn.
Các nguy cơ ban đầu (acute) sau khi tiếp xúc với cyanide như sau:
· Da, mắt, mũi bị ngứa ngáy;
· Bị ho do cổ họng và phổi bị nhiễm độc;
· Hơi thở bị đứt quảng, không liên tục;
· Đau đầu, tim đập mạnh;
· Có thể đưa đến tử vong tức khắc
Nếu bị tiếp nhiễm dài hạn, sẽ làm nở lớn (enlarge) tuyến giáp trạng (thyroid), hệ thần kinh bị liệt, và làm giảm lượng hồng huyết cầu. Vì vậy, qua thảm nạn Thiên Tân, nhà chức trách cần phải đặt trọng tâm vào vấn đề kiểm soát và chăm sóc sức khỏe của dân chúng.
Thay lời kết
Qua những phát biểu và các kế hoạch ban đầu của những người có trách nhiệm trong ba thảm nạn xảy ra ở Liên Sô, việc tràn bùn đỏ của xí nghiệp Nà Lũng, Cao Bằng, và thảm nạn hóa chất ở Thiến Tân, Trung Cộng, chúng ta có thể rút tỉa một số kinh nghiệm sau đây:
· Thái độ vô trách nhiệm của những người chiụ trách nhiệm mỗi khi có tai nạn xảy ra, vì dưới danh nghĩa tập thể, không ai xem đây là điểm cần phải cải đổi để làm tăng mức an toàn sau khi khám phá ra "sự cố" trong việc quản lý.
- Cung cách phát triển chỉ tập trung vào lợi nhuận, không chú ý đến việc bảo vệ môi trường;
- Cung cách xem thường sự hiểu biết của người dân và những nhà khoa học trong nước và ngoài nước qua việc "giấu kín" chi tiết của các dự án;
- Bưng bít, che đậy, trấn áp người người tố cáo tai nạn, bịt miệng truyền thông, thông tin sai lệch là những thủ thuật của cường quyền áp dụng cho người dân trong nước;
- Coi thường sinh mạng, sức khỏe của người bằng cách che đậy mức nguy hại của tai nạn môi trường, nhứt là trong việc khai thác "dưới đất" (khoáng sản).
Tất cả những điều trên đây thể hiện một não trạng cứng ngắt. Đó là não trạng của một chủ nghĩa Sô Viết Liên Sô còn sót lại trong suốt quá trình thành lập và xây dựng cộng sản chủ nghĩa mà chúng ta đã "chiêm ngưỡng" qua sự bể từơng chắn bùn đỏ bauxite ở Ukraina vào năm 2005 (bể tường chắn bằng bê tông cao 140m), vụ bể tường chắn tại Hungary (tường chắn cao 41m), và tại Việt Nam qua vụ vỡ bờ chắn bằng đất của xí nghiệp Nà Lũng, cũng như qua hai tai nạn ở Chernobyl và Thiên Tân.
Đối với Việt Nam, xin hỏi, kể từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã khai thác bauxite tại Lâm Đồng bằng phương pháp thủ công để sản xuất hàng năm độ 15.000 tấn Alumina (oxid nhôm Al2O3) dùng trong việc lọc nước sinh hoạt ở các thành phố lớn ở Việt Nam, như vậy số lượng bùn đỏ thải ra từ đó đến giờ đã được chứa ở đâu hay được thanh lọc như thế nào?
Tóm lại, thảm nạn Chernobyl, Cao Bằng hay Thiên Tân chỉ là hậu quả của một cơ chế sơ cứng "chuyên chính vô sản" mà người cộng sản Nga Sô, cộng sản Việt Nam và Trung Cộng với não trạng bệnh hoạn kết cấu thành.
Và thảm nạn Thiên Tân cũng là tiếng chuông báo tử của Đế quốc Hán tộc…
Mai Thanh Truyết
Houston 21-8-2015 (Hiệu đính)
___________________________________________
Mai Thanh Truyết
http://maithanhtruyet.blogspot.com/
"A nation that destroys its soils destroys itself.
Forests are the lungs of our land, purifying the air
and giving fresh strength to our people." —Franklin D. Roosevelt
"Every Generation needs a New Revolution". - Thomas Jefferson-