Năm 1975, từ khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, Việt Nam đã bắt đầu đặt kế hoạch phát triển trên toàn thể quốc gia. Từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đến kế hoạch 5 năm lần thứ hai. Nhưng trong hai kế hoạch ngũ niên đầu tiên nầy, mọi cố gắng của Việt Nam đã đưa đất nước lâm vào tình trạng thực sự kiệt quệ và bế tắc.
Sinh hoạt kinh tế hầu như thất bại hoàn toàn. Việt Nam gần như đứng bên lề vực thẳm.
Năm 1986, đứng trước hiểm họa diệt vong, chính sách phát triển của Việt Nam đã rẽ sang một bước ngoặc, Việt Nam bắt buộc phải mở cửa để chào gọi đầu tư ngoại quốc hầu cứu nguy nền kinh tế đang kiệt quệ. Từ đó, kinh tế Việt Nam lần lần đi lên từng bước một. Nông ngư nghiệp phát triển và nông dân bắt đầu tương đối có đủ lương thực và không còn ăn độn như những năm trước đó nữa.
Lợi tức đầu người từ 180 Mỹ kim (1980) tăng dần từ 7 đến 9% mỗi năm tiếp theo. Nhưng cho đến năm 1997, mức tăng trưởng khựng lại vào khoảng 4- 5% cho đến những năm sau 2000. Từ đó Việt Nam bắt đầu lại vươn lên và đạt được mức tăng trưởng trung bình hàng năm vào khoảng 7- 9% trong nhiều năm.
Bên cạnh việc phát triển và tăng trưởng kinh tế kể trên, Việt Nam lại phải đối mặt với một vấn nạn môi trường do phát triển ngày càng trầm trọng thêm ra. Và vấn nạn nầy là một thách thức lớn nhất của Việt Nam trong những ngày sắp đến.
Mục đích của bài nói chuyện hôm nay là trình bày lần lượt 3 yếu tố nổi bật ảnh hưởng đến môi trường qua gần 40 năm phát triển của Việt Nam.
Đó là sự phá rừng, sự gia tăng dân số, và sự phát triển không cân bằng với việc bảo vệ môi trường cùng những hệ lụy nảy sinh do ba yếu tố trên.
1- Ảnh hưởng môi trường qua việc phá rừng
Trước chiến tranh thứ hai, diện tích rừng nguyên sinh của Việt Nam là 19 triệu mẫu chiếm 58% diện tích cả nước. Cho đến năm 1943 rừng chỉ còn lại 14,1 triệu mẫu (43%); và đến năm 1990 tình trạng càng tệ hại hơn nữa, diện tích rừng chỉ còn 9,1 triệu mẫu (27,7%). Theo báo cáo năm 2002 của Ngân hàng Thế giới (WB), kể từ năm 1999 trở đi, hàng năm mức độ đốn rừng để xẻ gỗ được ước tính là 2 triệu m3. Ngoài ra còn phải kể đến việc cháy rừng vào mùa khô và việc chuyển đổi rừng trong việc nuôi tôm như vùng rừng tràm, đước ở Cà Mau.
Việt Nam cũng có chương trình trồng rừng sau khi nhận thức được nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường trong việc phá rừng bừa bãi. Do đó, "chương trình trồng rừng 327" đã được phát động từ năm 1994 đến nay.
Chỉ tiêu cho đến năm 2010 là cố gắng trở lại mức bình thường vào thời điểm 1943, nghĩa là từ bây giờ cho đến cuối kế hoạch (2015) phải trồng thên 5 triệu mẫu rừng, chưa kể đến số diện tích rừng bị hủy diệt hàng ngày. Chi phí trồng rừng được ước tính là 1,1 triệu Mỹ kim/mẫu.
Và Việt Nam nếu muốn đạt chỉ tiêu nầy thì hàng năm phải trồng thêm 1.000.000 mẫu rừng. Do đó tính khả thi của chương trình trồng rừng 327 khó có khả năng thực hiện được.
Về ĐBSCL, trong hiện tại chỉ còn 5% rừng che phủ và đã mất đi khoảng 175.000 mẫu rừng ngập mặn tính đến 2003. Cho đến năm 2012, ước tính vê việc phá rừng ngập măn lên trên tren 250.000 hecta. Rừng ngập mặn ở nơi nầy thể hiện nhiều lợi điểm sau đây:
- 1- chống lại sự xói mòn của biển, cùng sự hạn chế cường độ của bảo nhiệt đới,
- 2 - hạn chế được sự nhiễm mặn vào sâu trong vùng đất liền,
- 3 - nhất là bảo vệ được đa dạng sinh học cho toàn vùng. Kỹ nghệ nuôi tôm và cá basa đã đánh mất đi các lợi điểm nầy và hiện đang để lại một di hại không nhỏ cho toàn vùng hiện tại,
- 4 – đây là nơi trú ngụ và sinh sản của cua,tôm, cá cùng nghêu sò v.v…
Ảnh hưởng lên đất: Hậu quả trước mắt ảnh hưởng từ việc phá rừng là sự thoái hóa của đất. Đất mất đi độ phì nhiêu và sự cân bằng dinh dưỡng. Lớp đất thịt trên mặt sẽ bị cuốn trôi sau những cơn mưa lũ vì không còn cây và rễ để giữ đất lại. Điều nầy được tỏ rõ trong năm 2001, lần đầu tiên trong lịch sử nước sông Hương (Huế) đã biến thành đục và độ pH trở thành kiềm trong mùa khô. Và hàng năm, nước mặn ngày càng vào sâu trong đất liền vào mùa khô. Năm 2013, nước mặn đã vô khỏi Cần Thơ ở Hậu Giang và vùng Mỹ Tho, Bến Tre cùng sông Vàm Cỏ Đông cũng bị nhiễm mặn.
Ngoài sự thoái hóa của đất do nguyên nhân trên, sau gần 30 măm mở cửa và phát triển ồ ạt trong nông nghiệp, Việt Nam mất đi 2 tỷ tấn đất/năm (nguyên nhân chính yếu là do việc phá rừng) hay tính trung bình đất bị sói mòn tùy theo vùng và đã thất thoát từ 50 – 3200 tấn/mẫu/năm ảnh hưởng đến 23 triệu mẫu trên toàn quốc, chiếm 70% diện tích quốc gia.
Ảnh hưởng lên nước mặt: Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Cung cấp Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2003, nguồn nước ở Việt Nam ngày càng bị khan hiếm và ô nhiễm. Sự thoái hóa nầy tăng theo tỷ lệ thuận với mức tăng trưởng kinh tế, nhất là ở những năm gần đây. Nhu cầu nước cho nông nghiệp chiếm 88%, và cho kỹ nghệ chiếm 7%.
- Theo một báo cáo năm của Sustainable Việt Nam 2012, sông Tiền đang bị ô nhiễm trầm trọng vì nước thải sinh hoạt và nước thải kỹ nghệ làm cho DO (Oxygen Demand) trong nước giảm, COD (Chemical Oxygen Demand), và BOD5 giảm. Tất cả chảy thằng vào các mạch chính của sông và các phụ lưu, ảnh hưởng lên sức khỏe của người dân ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, và Tiền Giang
- Các nguồn nước thải từ khu gia cư, từ các trung tâm kỹ nghệ, khu chế xuất, đất nông nghiệp v.v...đã xâm nhập vào nguồn nước mặt, nước ngầm, thậm chí ảnh hưởng đến phẩm chất nước ở vùng duyên hải nữa. Nước sinh hoạt gia cư, nước thải kỹ nghệ, và nước rỉ từ các bãi
rác là nguyên nhân chính yếu cho việc ô nhiễm hữu cơ trong nguồn nước mặt đặc biệt ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẳng, Cần Thơ v.v... căn cứ theo báo cáo trên. Theo một nghiên cứu vào năm 2012, vùng Hà Nội và phụ cận gồm 200 hồ và sông trong số đó 98% đã bị ô nhiễm nặng.
- Về vùng duyên hải, trong vòng 3 thập niên trở lại đây, hơn 96% san hô của Việt Nam đều bị ảnh hưởng do tác động của con người như đánh bắt cá bằng thuốc nổ, bằng hóa chất độc hại như cyanur, hoặc bị nhiễm độc do phế thải, đặc biệt ở vịnh Hạ Long, Cát Bà (Hải Phòng), Ninh Thuận, Bình Thuận, và Khánh Hòa.
- Theo một nghiên cứu thăm dò từ năm 1994 đến 1997 tại 142 địa điểm san hô dọc theo bờ biển Việt Nam, kết luận của bảng thăm dò cho thấy chỉ còn độ 1% tổng lượng san hô chưa bị ô nhiễm xâm nhập mà thôi. Riêng tại khu vực duyên hải miền Bắc, theo ước tính của Hải học Viện Nha Trang thì trong vòng 20 năm trở lại đây, công nghệ khai thác than Quảng Ninh và các vùng phụ cận đã hủy diệt trên 50% lượng san hô ở vùng biển nầy. Và ảnh hưởng trầm trọng nhứt là vùng cá nục nổi tiếng ở vùng biển Phan Thiết lần lần bị tuyệt chủng vì cá đã di dần qua vùng biển Trường Sa và Phi Luật Tân.
2- Ảnh hưởng do sự gia tăng dân số
Với diện tích 325.000 Km2 trong đất liền và 336.000 Km2 nếu tính luôn các hải đão, Việt Nam phải đối mặt với sự gia tăng dân số trầm trọng từ 44 triệu vào năm 1975 lên đến trên 92 triệu năm 2014.
Mật độ trên 1 Km2 tăng từ 135 người đến 283 người, đứng hàng thứ tư về mật độ cao trên thế giới. Toàn thể Việt Nam hiện tại có khoảng 12 triệu mẫu đất canh tác cho trồng trọt và chăn nuôi.
Chính sự gia tăng dân số quá nhanh ngay sau khi chiến tranh vừa chấm dứt là một trong những nguyên nhân chính cho việc phá rừng. Cùng với mức gia tăng trên, và do nhu cầu sinh tồn, con người đã làm cho môi trường ngày càng xuống cấp nhanh hơn qua việc đốt rừng làm rẫy, độc canh trên đất dốc, đồi núi mà không có biện pháp chống sói mòn.
Về trồng trọt, vì không được hướng dẫn cho nên việc luân canh không có kỹ thuật, không hợp lý cũng như không có kế hoạch, nhất là các loại cây công nghệ như: mía, khoai mì, khóm, lúa, đậu v.v...
Thêm nữa, cũng vì mức gia tăng dân số cho nên đất đã bị xử dụng liên tục, không có thời gian nghĩ ngơi để lấy lại sự cân bằng thiên nhiên.
Cũng như vì nhu cầu tưới tiêu, cho nên nông dân không ngần ngại xử dụng nguồn nước thiếu phẩm chất như nước phèn, nước lợ....và hậu quả tất nhiên của việc làm nầy là mức độ nhiễm mặn, nhiễm phèn lấn sâu vào lục địa và đất đang có nguy cơ trở thành sa mạc hóa trong tương lai, và không thể phục hoạt được. Theo ước tính năm 2007 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, nguy cơ đất bị hoang hoá hay sa mạc hóa ở Việt Nam có thể lên 7 triệu mẫu.
Việc di dân từ các vùng cao miền Bắc vào cao nguyên Trung phần không có kế hoạch rõ rệt cũng như không có nguồn trợ lực về tài chính và kỹ thuật cho việc di dân lúc ban đầu càng làm tăng thêm mức độ suy thoái của đất trong chăn nuôi và trồng trọt. Thêm nữa, mức độ ô nhiễm qua việc xử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi làm cho tiến trình hủy hoại môi trường càng nhanh hơn.
3- Phát triển không cân bằng với việc bảo vệ môi trường
Báo cáo "Hiện trạng môi trường Việt Nam 2000" soạn thảo do Chương trình Môi trường LHQ và Trung tâm Tài nguyên Khu vực Á châu Thái Bình Dương (UNEP-RRCAP) nêu lên ngay trong phần mở đầu, có nhận định như sau:"Nói chung, cho đến nay (2000) chưa nảy sinh các vấn đề môi trường đối với các khu công nghiệp (KCN) mới".
Nhưng, mọi sự việc đã hoàn toàn thay đổi sau 10 năm phát triển ồ ạt tại Việt Nam. Năm 2007, trên cả nước có tất cả 89 KCN hoặc KCX, và hiện nay, 2014, có 265 KCX hiện diện trên dảy đất hình chữ S thân yêu. Và tệ hại hơn cả là trong ngần ấy KCX, chưa tới 1% nhà máy có khả năng thanh lọc phế thải khí, rắn, và lỏng…
Sông Sài Gòn và sông Đồng Nai hàng ngày tiếp nhận trên dưới 500.000 m3 nước thải do đó tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng thêm ra.
Còn phế thải rắn đi vào các bãi rác lộ thiên mà không qua công đoạn gạn lọc hay biến chế.
Tại những nơi có KCN đang hoạt động không khí bị ô nhiễm hạt bụi và thậm chí có những khí độc thoát ra như khí clor, khí sulfurơ (SO2), và hơi chì, thủy ngân v.v...Hà Nội được WHO ghi nhận là mức ô nhiễm không khí ngang hàng với thành phố New Delhi và Karachi.
Hàng năm đều có báo cáo ghi nhận "chưa nảy sinh ra vấn đề môi trường", thử hỏi những vấn nạn môi trường vừa nêu trên chưa phải là vấn đề môi trường hay sao?
Trong "Chiến lược Bảo vệ Môi trường Quốc gia 2010 – 2020" do Bộ Khoa học, Công nghệ & Môi trường thực hiện đã được nghiên cứu trong nhiều năm, được sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều nhà quản lý, nghiên cứu của hầu hết Bộ/Ngành ở trung ương và nhiều Ban/Ngành ở các địa phương.
Nhiều nhà tài trợ và chuyên gia nước ngoài cũng đã tham gia tư vấn và hoàn thành chiến lược nầy... Và Chiến lược đã rút ra 9 giải pháp để thực hiện việc bảo vệ môi trường Việt Nam trong tương lai nhu sau:
1- Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về môi trường;
2- Tăng cường vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp, tư nhân trong bảo vệ môi trường;
3- Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư bảo vệ môi trường;
4- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về môi trường;
5- Mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút sự tài trợ của quốc tế;
6- Kết hợp chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia với chiến lược phát triển kinh tế xã hội;
7- Lựa chọn hành động ưu tiên;
8- Giám sát và đánh giá việc thực hiện chiến lược;
9- Trách nhiệm và các cơ quan thực hiện;
Tính đến nay, 2015, theo sự quan sát của nhiều chuyên gia nội địa và hải ngoại, 9 giải pháp đề ra vẫn chưa được thực hiện đúng mức vì chỉ là những giải pháp tô vẽ trên giấy tờ và không được khai triển ra từng kế hoạch chi tiết để có thể phối hợp hành động.
Ngay cả trong phạm vi quản lý của nhà nước là ưu tiên hàng đầu mà luật lệ và việc phân công, phân nhiệm còn trồng tréo nhau, gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất.
Luật Môi trường đã được cải sửa lần thứ 17 (2004) mà vẫn còn quá nhiều kẻ hở tạo điều kiện thuận lợi thêm cho những móc ngoặc và tham nhũng, cũng như nhà nước phải chịu nhiều thất thu qua các tệ trạng kể trên.
Một điều căn bản chính yếu trong luật môi trường là quy định các nhà sản xuất công, kỹ nghệ phái thiết lập "báo cáo" tác động môi trường" (EIA – Environmental Impacts Assessement) trước khi dự án được chấp thuận và cấp giấy phép. Nhưng cho đến nay, có trên dưới hàng triệu cơ sở công nghiệp lớn nhỏ trên toàn quốc đang hoạt động, vẫn chưa có nơi nào nộp bảng nghiên cứu tác động môi trường theo đúng quy định của luật, đặc biệt là việc kkhai thác bauxite tại Cao nguyên Trung phần Việt Nam, và các khu công nghiệp dành riêng cho TC khai thác như Khu Vũng Áng (Hà Tỉnh) thiết lập các nhà máy gang thép, một công nghệ tạo ra rất nhiều phế thải khí và lỏng mà không qua thanh lọc!
Kết Luận
Bộ luật Nước đã được Quốc hội CS phê chuẩn năm 2013, gồm 10 Chương và 75 Điều, trong đó:
- Điều 12-2 ghi rõ:"Việc quy hoạch và quản lý các khu công nghiệp khu du lịch, khu dân cư tập trung, bịnh viện, khu chăn nuôi và giết mỗ gia súc có quy mô lớn, bãi chứa chất thải, khu chôn cất phóng xạ, rác thải, khu nghĩa trang…phải tuân theo các quy định của Luật nầy và pháp luật về Bảo vệ môi trường, bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước".
Luật như thế đó, trên bình diện cả nước hiện nay có thể nói, tất cả sông ngòi từ Bắc chí Nam hầu như bị nhiểm độc hoàn toàn, thậm chí nhiều sông không còn dòng chảy nữa như khu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu ở miền Bắc và vài khúc sông Đồng Nai, Sài Gòn ở miền Nam…Và sông Thu Bồn ở miền Trung, chỉ một khúc sông chưa đầy 20Km mà đã xây dựng hàng 5,6 đập…gây tai nạn vỡ đập và xả đập hàng năm mỗi khi mùa mưa đến, làm thiệt hại tài sản và nhân mạn rất nhiều.
Trong Chiến lược quốc gia về Tài nguyên Nước đến năm 2020, cũng vừa được Quốc hội CS phê chuẩn, có ghi trong Mục B.b, B.c, và B.d:
- Bảo đảm dòng chảy tối thiểu, duy trì hệ sinh thái thủy sinh theo quy hoạch, trọng điểm là các hồ chứa nước, đập dâng lớn, quan trọng;"
- Bảo vệ tình toàn vẹn và sử dụng co hiệu quả các vùng đất ngập nước, và của sông cho các trọng điểm, các tầng chứa nước quan trọng;"
- Chấm dứt tình trạng thăm dò khai thác, sử dụng tài nguyện nước, và xả nước thải vào nguồn nước…"
Luật là luật, nhưng việc kiểm soát, thanh tra hầu như được bỏ ngỏ trong mọi vi phạm…vì thế lực, vì "phong bì"…tạo nên tình trạng vô tổ chức trong việc sử dụng nguồn nước.
Một quốc gia như Việt Nam với vũ lượng hàng năm trung bình từ 1.500 mm đến 2.000mm và hệ thống sông ngòi chằn chịt từ Bắc chí Nam mà người dân không có đủ nguồn nước sạch để sinh hoạt.
Đó là một bất hạnh lớn của dân tộc!
Quả thật tình trạng nầy chỉ xảy ra ở Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà thôi!
Nhìn lại gần 40 năm quản lý môi trường của một quốc gia Việt Nam thống nhất, đất nước đã được gồm thu vào một mối, và công cuộc điều hành quốc gia được tóm gọn vào một chiều hướng duy nhất là: "Phát triển quốc gia theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Dù có cố gắng tối đa để cho một nhận xét tích cực, nhưng quả thật, Đất Nước Việt Nam đang đi dần đến bế tắc, nhất là gần 30 năm sau khi có kế hoạch mở cửa từ năm 1986 trở đi..
Phát triển Việt Nam trong nông nghiệp và chăn nuôi để phục vụ cho nhu cầu xuất cảng để có một số ngoại tệ nặng, nhưng cán cân chi thu vẫn làm cho Việt Nam càng thiếu hụt thêm ra theo thời gian mặc dù có rất nhiều nguồn vốn đầu tư do ngoại quốc đổ vào.
Việc xuất cảng hàng năm trung bình 6,7 triệu tấn gaọ, thu nhập vào khoảng 2 tỷ triệu Mỹ kim, liệu có cân bằng được việc nhập cảng 10 triệu tấn phân bón, cùng hàng trăm ngàn tấn hóa chất bảo vệ thực vật để có được lượng gạo xuất cảng trên hay không?
Hay đó chỉ là một chính sách quản lý bao tử của người dân bằng cách bảo đảm một mức sống tối thiểu cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước?
Việc xuất cảng hàng năm 1 tỷ Mỹ kim qua việc xẻ gỗ đã để lại quá nhiều vấn nạn môi trường cho sự thất thoát rừng và những hệ lụy đã được phân tích ở phần trên, và mức thu nhập nầy có thể khỏa lấp được những mất mát do vấn nạn trên hay không? Hay nguồn tài nguyên căn bản của đất nước đang bị hao mòn dần?
Theo một báo cáo về Chỉ số Môi trường Bền vững 2006 (2006 Environmental Sustainability Index) do Diễn đàn kinh tế nhóm họp tại Davos (Thụy Sĩ) vào tháng 3, 2006, Việt Nam đã đứng cuối bảng trong 8 quốc gia ASEAN. Đó là Malaysia đứng đầu với 54,0 điểm, Miến Điện 52,8, Lào 52,4, Campuchia 50,1; và Việt Nam đứng chót bảng với 42,3 điểm. Chỉ số trên đo đạc do nhóm giáo sư ở Đại học Yale và Columbia (Hoa Kỳ) thực hiện, căn cứ vào 21 chỉ số môi trường như sau: khí thải nhà kính, phẩm chất nước, không khí, đất, sức khỏe môi trường, trình độ khoa học và công nghệ, khả năng quản lý tài nguyên, khả năng giải quyết áp lục môi trường v.v...
Và Chỉ số Môi trường bền vững 2012 tại Davos ghi nhận:
- Phẩm chất không khí ở Việt Nam được xếp hạng 123rd trên 132 quốc gia được khảo sát;
- Nguồn nước ảnh hưởng lên sức khỏe chiếm hạng 80th trên 132 quốc gia;
So với 146 quốc gia đang phát triển trên thế giới, Việt Nam được xếp vào hạng 127. Trong lúc đó, Chỉ số Tự do kinh tế năm 2008 (2008 Index of Economic Freedom) cho thấy Việt Nam đứng vào hạng 135 trên 157 nến kinh tế trên thế giới. Chỉ số nầy căn cứ theo 10 tiêu chuẩn bao gồm các lãnh vực kinh doanh, đầu tư, mậu dịch, tài chính, tiền tệ, lao động công quyền, tham những và quyền sở hữu tài sản. Hai điều trên cho thấy tình trạng phát triển của Việt Nam còn đầy rẩy nhiều nghịch lý và không đi đồng bộ với việc bảo vệ môi trường.
Tóm lại, mọi kế hoạch, định hướng, chiến lược đã được Việt Nam đề xướng từ 40 năm qua đã không được thi hành nghiêm chỉnh và đúng đắn, cũng như việc phát triển quốc gia hoàn toàn không đi đôi với việc bảo vệ môi trường.
Do đó, hệ quả đương nhiên là tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp tệ hại và cho đến nay, mọi biện pháp cứu chữa hầu như không thể thực hiện được.
Và kết luận hiển nhiên là phát triển quốc gia không đi kèm với việc quản lý và kiểm soát môi trường sẽ đưa đất nước đến tình trạng kiệt quệ về tài nguyên và môi trường bị thoái hóa.
Phát triển quốc gia không đi kèm với dân chủ hóa và nhân quyền hóa xã hội sẽ đưa đất nước đến kề cận với thảm họa diệt vong.
Vì, một khi cánh cửa dân chủ chưa được mở ra, thì tất cả tài nguyên, tài sản quốc gia sẽ tích lũy trong tay của một nhóm thiểu số cầm quyền; do đó, phúc lợi nầy sẽ không được chia sẻ đồng đều và công bằng theo nhu cầu của xã hội.
Và đây, cũng là một bế tắc chính yếu cần phải tháo gở của Việt Nam do công cuộc điều hành Đất và Nước không ứng hợp với chiều hướng phát triển bền vững từ 40 năm qua.
Môi trường Việt Nam từ không khí, đến đất đai, nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng nề; và có thể nói đã đến giới hạn tới hạn (threshold limit), nghĩa là thiên nhiên sẽ không còn khả năng để tự điều tiết, sàng lọc và thanh lọc môi trường được nữa…Do đó:
- Đất đai sẽ bị hoang hoá, khô cằn, hay sự sa mạc hoá ngày càng tăng nhiều hơn.
- Nguồn không khí dơ bẩn sẽ là một gánh nặng y tế cho Việt Nam một khi phải cưu mang thêm hàng triệu nạn nhân do các bịnh về đường hô hấp .
- Sau cùng, nhất là nguồn nước, trung tâm của mọi sinh hoạt của con người, sẽ là nguồn bịnh tật cho mọi bịnh về đường tiêu hoá và vô số bịnh ung thư qua việc bị nhiễm độc các hóa chất độc hại trong nguồn nước và thực phẩm.
Thử hỏi, với chừng ấy vấn nạn căn bản kể trên, người Việt tại quốc nội làm sao có đủ khả năng để tự cứu lấy chính mình?
Và câu hỏi cho những người cầm quyền hiện tại là, ngoài việc lo củng cố quyền lực và "tích lũy" tài sản cá nhân, có còn lưu tâm đến những vấn nạn môi trường đang xảy ra trên toàn cõi Việt Nam hay không?
Mai Thanh Truyết
Viết cho Melbourne 3-2015
_____________________________________________________
Mai Thanh Truyết
http://maithanhtruyet.blogspot.com/
" Tự do là Ung dung trong Ràng buộc
Hạnh phúc là Tự tại trong ...Đau thương" - Tuệ Hải
"Every Generation needs a New Revolution". - Thomas Jefferson-