Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam
hội thảo:
Những Vấn Nạn Hiện Tại Của Xã Hội Việt Nam
TH.- Với đề tài: "Những Vấn Nạn Hiện Tại Của Xã Hội Việt Nam", cuộc hội thảo của Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (VAST), lúc 1 giờ chiều ngày 15 tháng 10 năm 2011 tại Hội trường Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, đã quy tụ một thành phần tham dự chọn lọc gồm đại diện dân cử, nhân sĩ, báo chí, hội đoàn, theo dõi hơn 4 tiếng đồng hồ.
Giáo Sư Trần Cảnh Xuân, cựu Chủ Tịch Hội VAST, sau nghi thức khai mạc bằng lễ chào quốc kỳ, đã thay mặt ban tổ chức ngỏ lời chào mừng quan khách hiện diện và trình bày tổng quát về Hội VAST, theo Giáo sư , VAST là một hội đoàn bất vụ lợi, được thành lập từ năm 1990 tại Hoa Kỳ.
Được biết, Hội Khoa học Kỹ Thuật Việt Nam tập họp một số chuyên viên nhằm thực hiện các mục tiêu:
- Phát huy sự tương trợ và sự hiểu biết giữa giới khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
- Giúp đỡ người tị nạn Đông Dương về học vấn, hướng nghiệp, và tu nghiệp;
- Kêu gọi và vận động sự tham gia của giới chuyên nghiệp, khoa học, và kỹ tuật trong việc phát triển và tái thiết một nước Việt Nam tự do.
Và như đã biết, trong suốt thời gian thành lập đến nay, Hội VAST đã không ngừng vận động, tổ chức các công tác hướng tới mục tiêu đã đề ra.
Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết trong phần thuyết trình mở đầu với đề tài: "Nghịch Lý trong Phát Triển Bắc Nam" đã có những nghiên cứu tường tận về kinh tế hai miền Nam Bắc trong những điều kiện và yếu tố đưa đến sự phát triển nghịch lý, giữa miền Bắc được thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhưng với cơ cấu vận hành kinh tế thiếu thực tế của Đảng Cộng Sản vẫn thụt lùi so với đà tiến triển của miền Nam.
Phần thuyết trình của Kinh Tế Gia Nguyễn Xuân Nghĩa về "Tình Trạng Kinh Tế Việt Nam" được thuyết trình viên trình bày một cách thuyết phục cử tọa, với kiến thức uyên bác và tầm nhìn của một nhà kinh tế, TS Nguyễn Xuân Nghĩa đã cho quan khách tham dự một cái nhìn toàn diện về nền kinh tế ảm đạm từ sau ngày 30/4/1975 của Việt Nam dưới sự điều hành đất nước của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nhận xét về thời kỳ đầu của CSVN, ông cho thấy: Sau 1975 là 10 năm hoang tưởng vì "tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa". Còn tiến đến tận Kampuchia. Vì chiếm đóng xứ láng giềng này, Tổng sản lượng GDP vốn dĩ đã suy sụp còn mất toi 5% mỗi năm. Vì vậy Việt Nam mới tiến lên cao điểm là khủng hoảng năm 1986 và bước ngoặt là Đại hội VI.
Sau Đại hội đó là năm năm lúng túng thả nổi, từ 1986 đến 1991, vì nhà cầm quyền biết thế nào là sai mà chưa rõ thế nào là đúng. Đó là "đổi mới tự phát", buông tay ra cho dân làm ăn tự do hơn trước. Quả nhiên là có khá hơn xưa, và dân hết đói.
Thời kỳ gia nhập WTO, theo ông lại là một thời kỳ u ám: Thế rồi từ khi gia nhập Tổ chức WTO thì nhà cầm quyền Hà Nội rơi vào trạng thái tâm lý ngược, là hồ hởi sảng, như con cá nước lợ đã tung tăng ra biến lớn. Nó bị say sóng! Đó là tình hình từ 2007 đến nay.
Do sự lạc quan thiếu cơ sở, Hà Nội tưởng rằng sẽ tập trung cả đặc quyền lẫn đặc lợi vào khu vực kinh tế xã hội chủ nghĩa với việc thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước, trong khi vẫn khai thác được lợi thế của kinh tế thị trường. Kết cuộc là nguy cơ khủng hoảng như ta đã thấy.
Kinh tế gia NXN đã kết thúc phần thuyết trình của mình với câu hỏi:
Thứ nhất, từ 200 năm nay, Việt Nam đã có mấy chục năm liên tục và hiếm hoi mà không bị chiến tranh, ngoại xâm hay nội loạn, và người Việt có quyền quyết định về vận mệnh quốc gia. Cớ sao lại tụt hậu và có thể mất chủ quyền thực tế vào tay ngoại bang?
Thứ hai, xã hội Việt Nam hiện có thể được tóm gọn là "Đại gia hạ cánh an toàn và đã có bãi đáp bên Mỹ; giới trung lưu thì hốt hoảng vì chưa kịp lên tới bậc đại gia đã có thể tuột dốc; còn dân đen thì tuyệt vọng!" Họ tuyệt vọng vì không hiểu là Trung Quốc sẽ làm gì và Hoa Kỳ có muốn làm gì chăng? Còn bên trong thì họ không tin là lãnh đạo muốn thay đổi, có khả năng hoặc sẽ đổi mới thật.
Chuyện ấy dẫn ta đến Trung Quốc và vài câu hỏi cho tương lai.
Việt Nam có thể ra khỏi trật tự Trung Hoa được chăng?
Muốn vậy, người dân phải làm gì? Họ còn đất lùi không?
Thứ nữa, trong quan hệ tay ba Mỹ-Tầu-Ta, người Việt ta có thể làm được gì?
Mà người Việt đó là ai, ở đâu?
Những câu hỏi ấy không dễ có giải đáp.
Phần thuyết trình của ông Nguyễn Bá Lộc và Kỹ Sư Nguyễn Ngọc Ẩn là đề tài Kinh Tế Nông Thôn Việt Nam. Diễn giả, qua thống kê và điều nghiên cho thấy thực tế sau 35 năm cai trị, Đảng Cộng Sản VN vẫn không làm cho nền kinh tế nông thôn phát triển so với các nước láng giềng như Thái Lan, Phi Luật Tân, mà trái lại với lối điều hành bất hợp lý, phân chia và cướp đất đai của người dân, nền kinh tế nông thôn vẫn Việt Nam vẫn là một nền kinh tế què quặt. Lợi tức mỗi đầu người nông dân chỉ hơn 100 Mỹ kim một năm.
75% dân số sống tại nông thôn, chỉ được hưởng 16% từ nguồn lợi canh tác, trong khi đó cơ chế quốc doanh và trung gian mỗi cấp hưởng đến 40% quyền lợi của nông thôn.
Đề tài được thuyết trình kế tiếp là: Vấn đề Văn Hóa và Giáo Dục Việt Nam, với Giáo Sư Trần Cảnh Xuân, nguyên là một nhà mô phạm với nhiều năm giảng dạy và điều hành các trường trung học tại Việt Nam.
Diễn giả với cách thuyết trình giản dị, hỏi đáp, nêu những ý niệm về đời thường như đức tin, phán đoán . . . gần như trên bục giảng đã khiến phần nói chuyện của ông cởi mở và tạo sự thoải mái cho người tham dự. Giáo sư cho cử tọa những khái niệm về giáo phái Tin Lành với đóng góp vào sự phát triển về mọi mặt của các quốc gia tân tiến so với sự trì trệ và tụt hậu của chủ nghĩa Cộng Sản tại Trung Cộng và Việt Nam.
Vấn nạn văn hóa và giáo dục Việt Nam dưới nhãn quan của diễn giả là một nền giáo dục không phân biệt giữa thực và hư, lòng cuồng tín tin vào giáo điều của chủ nghĩa Cộng Sản đã tiêu diệt giá trị của đạo đức, ngăn chặn sự trau dồi kiến thức của người dân và đã làm mất đi bản sắc độc đáo và cầu tiến của người dân Việt Nam.
Phần thuyết trình về "Tình Trạng Âm Nhạc Việt Nam" do Nhạc sĩ Cao Minh Hưng diễn thuyết. Diễn giả trình bày khái quát về nền âm nhạc trong nước bằng một bài nhận xét, phân tích đã thực sự bị mai một. Theo diễn giả, âm nhạc Việt trong nước đã không còn là một nền âm nhạc trong sáng mà đã bị chi phối và xuống cấp vì bị lãnh đạo trong mọi mặt, các sáng tác âm nhạc phần lớn chỉ để phục vụ thương mại và thị hiếu, mất dần giá trị của nghệ thuật. Tình trạng thiếu kém cơ sở giảng dạy, giảng viên âm nhạc cũng là một yếu tố làm mai mộ âm nhạc Việt hiện nay.
Buổi hội thảo có lẽ sẽ tốt hơn nếu diễn giả có thêm thời giờ trình bày đề tài của mình, nếu MC của chương trình làm tốt hơn vai trò của người dẫn chương trình, như chuẩn bị dĩa phát thanh các bài quốc ca, soạn sẵn phần nghi thức chào cờ để giữ tính trang nghiêm của phần nghi thức khai mạc, sắp xếp chương trình thuyết trình, thảo luận . . . liên tục, và ít nói hơn về cá nhân cùng học vị của cá nhân, bạn bè của anh . . .
Phan Trường Ân
Phượng Hoàng News
N.- 148 phát hành bgày 21-10-2011