Hoi Thao VAST 2011

 

VAST Hội Thảo Về 'Những Vấn Nạn Hiện Tại Của Xã Hội Việt Nam':Báo Nguy VN Kinh Tế Đi Lùi, Văn Hóa Suy Đồi, Bị Hán Hóa

Viet Bao 17/10/2011

 

: Chào cờ trước khi vào buổi hội thảo

 

Santa Ana (Bình Sa)- - Tại hội trường Trung Tâm Công Giáo Giáo lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy ngày 15 tháng 12 năm 2011, Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (VAST) tổ chức buổi hội thảo về đề tài: "Những Vấn Nạn Hiện Tại Của Xã Hội Việt Nam," với sự tham dự đông đảo của giới khoa học kỹ thuật, qúy vị dân cử địa phương, qúy vị nhân sĩ trí thức, đại diện một số các hội đoàn, đoàn thể, cộng đồng và các cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí.

Điều hợp chương trình Kỹ Sư Phạm Ngọc Lân, sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, phút mặc niệm. Giáo Sư Trần Cảnh Xuân cựu Chủ Tịch Hội VAST thay mặt ban tổ chức lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn sự hiện diện của tất cả những người tham dự, sau đó ông giới thiệu sơ lược về hội VAST, ông cho biết đây là một hội hoạt động bất vụ lợi, được thành lập từ năm 1990 tại Hoa Kỳ.

Sau đó là phần thuyết trình của các diễn giả, mở đầu Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết lên thuyết trình về đề tài: "Thách thức trong phát triển Việt Nam" trong phần thuyết trình ông đã nêu ra những điểm chính yếu về mục tiêu phát triển quốc gia là cải tiến đời sống vật chất của người dân và đồng thời xây dựng nền văn hóa dân tộc, một ý thức tiến bộ và trách niệm của người dân. Nhưng trong qúa trình phát triển, cộng sản Việt Nam đã không đạt được mục tiêu thông thường và khách quan nêu trên. Đất nước và dân tộc đã phải nhận nhiều thử thách to lớn và còn kéo dài trong tương lai…. Những vấn nạn đó như vấn đề môi trường, vấn đề xã hội, vấn đề tham nhũng... Nguyên nhân chính là do cộng sản Việt Nam không theo nguyên tắc chung trong phát triển quốc gia mà chỉ làm theo cách "ăn xổi."

Tiếp theo phần thuyết trình của Kinh Tế Gia Nguyễn Xuân Nghĩa lên nói về "Tình Trạng Kinh Tế Việt Nam" ông cho biết các diễn biến kinh tế trong những năm qua và tình hình khó khăn gần đây đã đưa nền kinh tế thay vì tiến lên thì bị lùi lại. Với sự nghiên cứu sâu rộng và luận cứ vững vàng, thuyết trình viên đã đưa lên một hình ảnh ảm đạm của nền kinh tế Việt Nam hiện nay...

Sau đó phần thuyết trình của Ông Nguyễn Bá Lộc và Kỹ Sư Nguyễn Ngọc Ẩn, các diễn giả cho biết sau 35 năm, nền kinh tế nông thôn vẫn trì trệ, chậm tiến. Lợi tức mỗi đầu người nông dân chỉ hơn 100 Mỹ kim một năm. Sự cách biệt giàu nghèo càng ngày càng cao gấp 10 lần so với các nước Á Châu khác. Nông dân gần như không có lối thoát, đó là một sự bất công to lớn vì 75% dân số sống tại nông thôn, tình trạng nầy xảy ra là do sự quản lý nhiều sai phạm của chính quyền... KS. Nguyễn Ngọc Ẩn trình bày về những yếu tố căn bản để canh tân nông nghiệp đó là: nước, phân, cần giống, có đủ những yếu tố đó mới làm cho năng xuất nông dân tăng lên, nhưng những yếu tố đó không đủ cho nhu cầu do những tham nhũng tạo nên.

Qua phần thuyết trình về vấn đề Văn Hóa và Giáo Dục Việt Nam, Giáo Sư Trần Cảnh Xuân cho biết: sự đảo lộn Văn Hóa Việt Nam. Những giá trị luân lý đạo đức cổ truyền đã bị chính quyền mới xóa bỏ dần và thay thế bằng nền văn hóa Mác Lê, và gần đây là sự xâm nhập một số nét văn hóa từ Trung Cộng. Điều nầy có tai hại về lâu về dài, đến lúc nào đó Việt nam bị lệ thuộc Trung Cộng về nhiều mặt trong đó có văn hóa, thực là nguy hiểm đến bản sắc truyền thống của dân tộc ta. Về giáo dục thì trong quan điểm và đường lối giáo dục kiểu cộng sản, chính quyền Việt Nam đã điều hành một nền giáo dục có nhiều lệch lạc, không tiến bộ, giả dối và thiếu hữu hiệu cho sự phát triển con người để xây dựng đất nước.

Phần thuyết trình về "Tình Trạng Âm Nhạc Việt Nam" do Nhạc Sĩ, Nha Sĩ Cao Minh Hưng, Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, là một người trẻ có nhiều dấn thân vào các sinh hoạt cộng đồng trong lãnh vực bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cổ truyền tại hải ngoại. Anh đã sáng tác nhiều bản nhạc đấu tranh trong giai đoạn gần đây trước sự xâm lăng của Trung Cộng. Trong phần trình bày anh cho biết: Sau 35 năm dưới chế độ cộng sản nền âm nhạc Việt Nam đã có những bước lùi so với trước năm 1975, nền âm nhạc Việt nam đã bị chính trị hóa, thương mại hóa cho nên đã đưa tới nhiều mặt tiêu cực tai hại cho sự bảo tồn và phát triển đứng đắn nền văn hóa dân tộc, các Nhạc Sĩ và Ca Sĩ dường như không có mục tiêu xây dựng trong âm nhạc, phần lớn chạy theo thị hiếu thấp của khán thính giả, chạy theo lợi nhuận thành ra ít khi sáng tác ra một bản nhạc có giá trị cao. Ngay trong giáo dục âm nhạc cũng rất nhiều khiếm khuyết đó là một phần do sự vô trách nhiệm của những nhà lãnh đạo về âm nhạc. Cuối cùng diễn giả kết luận: "Còn rất nhiều điều đau lòng về những hiện thực của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay mà trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp, chúng ta không thể nào kể ra hết.  Bản sắc tốt đẹp của nền văn hoá dân tộc Việt có từ ngàn xưa mà âm nhạc là một trong những phương tiện làm thể hiện sắc thái đó ngày càng bị xuống dốc thê thảm.  Chúng ta không thể cho phép việc đó được tiếp diễn và việc đầu tiên chính là phải thay đổi từ gốc của nó: Đó là phải đào thải những kẻ đang làm băng hoại nền âm nhạc Việt Nam càng sớm lúc nào, hay lúc đó!  Chỉ có như vậy, nền âm nhạc Việt Nam mới mong có thể phát triển để các thế hệ tương lai có thể tự hào về nền âm nhạc của Việt Nam.

Sau phần thuyết trình của các diễn giả là phần thảo luận với những đóng góp của nhiều tham dự viên.

Cuối cùng là phần đúc kết do Ông Nguyễn Bá Lộc, Hội trưởng Hội VAST, ông tóm lược những ý chính trong việc khảo cứu có tánh cách khoa học về một số vấn đề quan trọng của đất nước do cộng sản gây ra với những tai hại trong qúa trình phát triển đất nước đó là sự bất công là một cản trở lớn.

Mọi đóng góp ý kiến hoặc tìm hiểu về những sinh hoạt của hội liên lạc về: (714) 414-9215, (714) 322-8081, (408) 056-7619 Email: EnviroVN@gmail.com  locba9999@yahoo.com 

 

//////////////////////////////////////////////////