Tản Mạn 2010

Tản  Mạn  Cuối  Năm  2010

 

Mọi năm, vào những ngày cuối năm, tôi thường viết một bài…tản mạn  cuối năm. Thông thường, tôi nói lên cảm tưởng về ngày cuối năm, lời văn có vẻ "sách động" mang nhiều ý nghĩa kêu gọi đấu tranh, mang lại tự do, nhân quyền cho Việt Nam; hoặc nói lên những bất công của chế độ hiện hành, những thông tin về ô nhiễm môi trường và trách nhiệm của cường quyền.

Tôi viết ra, "post" lên internet, nói chuyện trên radio, TV, và paltalk trên nhiều diễn đàn…

Nhưng năm nay, chỉ còn vài ngày nữa là đến Giao thừa Tây lịch. Ngồi thừ người trong văn phòng, người tôi chùng lại…nghĩ miên man. Không phải tôi mệt mõi trên bước đường tranh đấu. Điều nầy chứng nghiệm cho tôi là tôi đang cho in hai cuốn sách, một cuốn tuyển tập trong đó có những bài viết đấu tranh của các nhân vật đại diện tôn giáo và những nhà tranh đấu ở Việt Nam: cuốn Việt Nam Ngày Nay, sẽ ra mắt tại nhựt báo Việt Báo ngày 16/1/2011. Và một, cuốn Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam do chính tôi góp nhặt từ hơn 15 năm qua qua những bài viết về Việt Nam sẽ ra mắt ngày 19/2/2011 tại báo Người Việt.

Nói ra như thế để thấy rằng tôi vẫn "còn lửa".

Nhưng tại sao lòng tôi chùng lại trong những ngày cuối năm nầy?

Vừa viết xong câu hỏi nầy, tôi bổng dưng không còn muốn viết nữa, và sửa soạn …khăn gói đi về nhà…sớm.

Thêm một ngày qua, sau một đêm trằn trọc, sáng nay tôi ghi lại vài hàng tiếp tục. Tôi mệt mõi thực sự? Hay hiện tượng nầy chỉ là một giai đoạn "trống vắng" trong đầu tôi? Tôi có tự phủ nhận sự bất lực của chính mình trong công cuộc tranh đấu cho một Việt Nam hay chưa?

Ngần ấy câu hỏi buổi sang hôm nay, làm tôi không còn để ý đến chung quanh, dù nhân viên đã vào làm việc hơn nửa giờ rồi.

Hiện tại, ngay giờ phút nầy tôi đang "mộng du" ban ngày về tuổi thơ, năm tôi học lớp 3 ở trường Trương Minh Ký góc đường Kitchener và Galliéni (thời Việt Nam Cộng Hòa được đổi tên là Nguyễn Thái Học và Trần Hưng Đạo). Tôi nhìn rất rõ nhà sách Yểm Yểm Thư Trang đối diện với cửa trường. Thầy tôi lúc đó là Thầy Nguyễn Hữu Vị.

Sở dĩ tôi nhắc đến tên Thầy Vị là vì vào năm nầy có một kỷ niệm vẫn còn gây "ấn tượng" cho tôi đến bây giờ. Số là, trong một buổi học, Thầy cho ra đề một  bài luận văn "Hãy tả một người phu quét đường". Lần đầu tiên trong đời tôi, bài luận nầy, được Thầy cho 7/10 và đọc cho cả lớp nghe.

Bài viết của tôi đại ý tả về một người phu quét đường dùng một cây chổi làm bằng những cành cây khô, bó chặt vào một thân tre dài độ một thước. Người phu, chăm chỉ, chậm chạp quét dọn từ từ và hốt rác, quét vào một cái ky cũng đan bằng tre. Và kết luận của tôi là, dù ở địa vị thấp hèn, nhưng người phu quét đường nầy cũng đã làm sạch đường phố, góp một bàn tay…xây dựng đất nước. Lời bàn Mao Tôn Cương của tôi để kết bài luận là dù ở địa vị nào trong xã hội từ cao sang cho đến thấp hèn như người phu quét đường, chúng ta cần phải tôn trọng nhân phẩm của con người (đại ý như vậy, chắc chắn lúc đó tôi không viết được văn hoa như bây giờ!)

Thầy khen là tôi có tinh thần xã hội và ý thức nhân bản (các danh từ nầy bây giờ tôi mới nghĩ ra, vì chắc chắn lứa tuổi của tôi thời bấy giờ làm gì hiểu và biết được, tôi không còn nhớ là Thầy tôi dùng chữ gì lúc đó, chỉ nhớ ý mà thôi).

Có lẽ nhờ bài luận, nhờ được Thầy khen, ý nghĩ xã hội nhân bản đã manh nha quyện vào đầu tôi cho đến bây giờ.

Khi tôi về nước, tình cờ vào năm 1974, nhân dịp đi đón một người bạn ở Tân Sơn Nhứt, tôi găp lại Thầy với bộ quân phục mang hai bông mai bạc. Sở dĩ tôi nhận ra Thầy vì Thầy có mang bảng tên. Tôi bạo dạn lại chào Thầy và tự giới thiệu mình là học trò của Thầy ở trường Trương Minh Ký. Thầy mừng cho tôi và gọi tôi bằng anh chứ không gọi bằng con như thời học trò…có lẽ vì thấy tôi …đã trưởng thành chăng?

Trong câu chuyện ngắn trao đổi và khi đi về nhà, cũng như sáng hôm nay, tôi tự nghĩ Thầy Vị của tôi, sau khi làm thầy giáo, bị động viên và trong suốt hơn 20 năm trong thời chiến, Thầy tôi không đóng góp vật chất gì cả cho xã hội trong suốt thời gian nầy, để rồi sau cùng được mang hai bông mai bạc với cây súng, với bộ quân phục dưới danh nghĩa bảo vệ đất nước. Thầy cùng hàng triệu thanh niên khác trong tình trạng trên, không có điều kiện để được học hỏi những kỷ năng khoa học kỹ thuật để cùng xây dựng và phát triển quốc gia đang trong thời kỳ phôi thai, vừa thoát vòng đô hộ.

Một sự thất thoát chất xám, sức lao động của bao nhiêu người con của đất nước chỉ vì những manh tâm của các thế lực trên thế giới.

Và hôm nay, trong giây phút chuyển mùa nầy, mang kiếp tha hương cầu thực (?) bắt buộc, tôi tự nghĩ, hơn 35 năm qua mình cũng chẳng làm được gì cho đất nước thân yêu Việt Nam cả, và tệ hơn nữa, không được biện minh được như Thầy tôi là lo bảo vệ tự do cho miền Nam khi cầm cây súng trên tay.

Tôi đã làm gì cho quê hương, dân tộc suốt hơn 35 năm nay?

Tôi đã làm gì khi thấy bà con bên nhà chịu ngàn nỗi đắng cay dưới sự cai trị sắt thép của cường quyền hơn 35 năm qua?

Câu trả lời cho chính tôi sáng hôm nay là một chữ KHÔNG to tướng!

Và cũng còn biết bao nhiêu người con Việt tha hương mang cùng một tâm trạng như tôi.

Trên đường lái xe đến nơi làm việc, radio RFA vừa thông tin rằng trong năm 2010, Việt Nam đã xuất cảng 6,8 triệu tấn gạo, nhiều nhứt từ trước đến giờ…mà người nông dân cũng không đủ ăn….vì lợi nhuận cao do tiền bán gạo đã vào tay thương buôn nhà nước,các hiệp hội lúa gạo cũng do nhà nước quản lý, cùng những thủ đoạn như ép giá khi gặt lúa vì nông dân không có đủ bồn chứa, phải bán đi thôi. Chưa kể những số nợ cần phải thanh toán khi vay mượn mua lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tất cả đều tăng vọt gấp nhiều lần hơn mức bội thu lúa cho năm nay. Như vậy nghèo vẫn hoàn nghèo. Công lao động của nông dân vào tay tất cả nhóm ngườ trung gian dưới sự che chở của cường quyền.

Tệ hơn nữa, những nhu cầu thực phẩm khác ngoài lúa gạo không được khuyến khích, cho nên phải nhập cảng từ phương Bắc, ngay cả những vật dụng thông thường như văn phòng phẩm, viết chì, viết mực, bao thơ, miếng chui xoong nồi, các miếng sponge để rửa chén…cũng phải nhập cảng từ bên Tàu qua.

Về hàng nông sản khác như cà rốt, trong 10 tháng qua, đã nhập trên 21 ngàn tấn, giết chết vùng Đà Lạt, một trung tâm trồng cà rốt, cải bắp, su hào…nhờ khí hậu ôn đới. Ngay cả hành lá cũng nhập gần 8 ngàn tấn. Thậm chí tâm xỉa răng cũng phải nhập 1.118 tấn từ Trung Cộng.

Trên đây là những thông tin chính thức từ Hải quan Việt Nam, nhưng chăc chắn những mặt hàng nhập lậu qua các cửa biên giới sẽ cao hơn nhiều.

Quản lý một đất nước với 86 triệu dân mà phải nhập cảng tăm xỉa răng…thì quả thật là một xã hội xã hội chủ nghĩa siêu phàm. Có thể nói 99% con dân Việt phải cật lực CÀY để cho 1% đặt quyền đặt lợi HƯỞNG.

Như vậy mà chế độ vẫn còn tồn tại hơn 35 năm qua.

Với những dòng chữ tản mạn sáng hôm nay, nhân ngày cuối năm 2010, tôi mang một tâm trạng hết sức yếm thế, cả tâm hồn hụt hẩng chơi vơi, trí não bồng bền cùng vận nước điêu linh.

Còn đâu những cao ngạo của thời còn son trẻ, năng động trong tuổi thanh niên tràn đầy nhiệt huyết với tâm niệm "Xưa nay nhân định thắng Thiên cũng nhiều".

Còn đâu những ngày còn là sinh viên y khoa, đi vào những vùng nông thôn xôi đậu để chích ngừa cho bà con cùng với các bạn xưa như Hoàng Cơ Trường, Phạm Quang Thùy v.v…

Còn đâu những ngày vang tiếng hát của Nguyễn Đức Quang như "Không phải là lúc ta ngồi đặt vần đề" trên vùng trời Âu.

Còn đâu những ngày dẫn sinh viên cả trai lẫn gái đi làm sạch nhà cầu của trường Sư Phạm.

Còn đâu những buổi ủy lạo bà con ngay sau khi Việt Cộng bắn hỏa tiển vào trường học Cai Lậy năm 1974.

Còn đâu những buổi sinh hoạt thao thao bất tuyệt với sinh viên về con đường xây dựng nước nhà, biến tuổi trẻ thanh những hành động cụ thể.

Còn đâu những suy nghĩ "chất phác" khi quyết định ở lại Việt Nam ngay sau ngày 30/4/1975 là người cộng sản Bắc Vịệt, trước khi là CS đã là một người Việt Nam nhân bản.

Bài tản mạn hôm nay có thể sẽ là tiếng Cuốc kêu …mùa Đông, một trong những tiếng nói sau cùng của một người con Việt bất lực trước vận nước lần than.

 

Phổ Lập

31/12/2010

 

 

 

 

 

 

 

//////////////////////////////////////////////////