Thằng…chào cờ



         Vừa lững thững bước vào tuổi cổ lai hy, ông gặp thằng…chào cờ.

 

         Gặp gã, ông làm bữa rượu tẩy trần với mồi nhắm chấm nước mắm gừng vì gã mới từ bên Tây qua đây ngụ cư. Đang hồ trường, gã bung bét thịt "dịt" quá đã. Ông bèn nhành mồm ra rằng "vịt" chứ chả phải là dịt. Tửu phùng tri kỷ thiên bôi tửu thêm ba buổi nửa bữa nữa, ông bòn mót ra gã cũng là khách cư ngụ văn chương thuộc dạng giai nhân…hề, vẫn chiêm bao, thất phu…hề, biết chỗ nào dung thân như ông. Thế là ông gần gũi tha thiết với gã, một ngày vì gã, ông bật ra bài tản văn để vắt cổ chày ra…chữ:

 

         "…Ngộ chữ tôi vì không biết…bánh da lợn nên nói vãi thì lại nói vơ:

         - Tại sao Nam kỳ không kêu bánh da heo mà lại kêu "bánh da lợn".

 

         Cụ (cụ đây là ông già Ba Tri) móc họng ngộ chữ tôi:

         - Tại sao Bắc kỳ không kêu…nói toạc móng lợn mà lại kêu "nói toạc móng heo".

         Bởi bí ngô bí khoai bèn ăn mày chữ nghĩa cụ Ngộ Không qua Chữ nghĩa làng văn:

         Paulus Huỳnh Tịnh Của trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị diễn giải vi người miền Nam di dân từ miền Trung xuống, tiếng nói của họ nặng, khi bẩm trình với quan lớn, họ phát âm thành…"quan lợn". Quan sai lính phạt đòn 10 hèo. Vì vậy họ gọi mỉa lợn là "hèo". Trên đường vào miền Nam, họ đanh rơi dấu huyền nên mới có…con heo.

       Cụ tặc lưỡi cái bép ấy là ông Paulus Của dậy thế, còn với cụ theo lão làng thì con lợn tiếng Việt cổ gọi là "con heo" (hay con cúi) qua câu "nói toạc móng heo". Di dân vào miền Nam, con lợn được người Nam kêu lại với tiếng Việt xưa cũ là…con heo.

      Đột dưng cụ gióng giả:

      - Qua hỏi em chớ… chớ con lợn khác con heo ở chỗ nào?

      Đợi ngộ chữ tôi…chớ phở ra rồi cụ mới phăm phở…

      - Con heo ăn bắp, con lợn ăn... ngô.

 

       Ngó thấy mặt ngộ chữ tôi…"ngu như lợn" thật vì chả hay lá thúi địt và lá mơ tam thể để ăn thịt chó. Cụ bèn văn minh miệt vườn với cây cảnh…

       Với cây cảnh, tiếng Việt cổ gọi là bông, là trái. Vì ảnh hưởng từ "hoa quả" của chữ Hán nên người Bắc gọi là hoa, là quả. Thành ngữ cổ có câu: "Tháng Tám nắng rám trái bưởi". Di dân vào miền Nam, người Nam vẫn hòai cổ với bông, trái.

 

      Từ chữ "vô" chui vào tai lọt ra miệng, ngộ chữ tôi định lơ mơ lỗ mỗ với cụ chữ "vô" người miền Nam kêu là "dô" vì sống chung với người Miên nên bị biến âm đi thì cụ lại "Qua nói em nghe…". Và ngộ chữ tôi nghe thủng ra từ thời nhà Nguyễn với cuộc di dân "vào" miền Nam. Tiếng vào của người miền Bắc cổ được gọi là "vô". Vì tiếng vô là thổ ngữ của người Mường thượng du Bắc Việt. Người Việt vay mượn chữ vô này một thời gian rồi trả lại cho người Mương. Nhưng khi đi khai khẩn đất hoang, họ mang theo chữ . Những người di dân đi mở cõi vào tới Quảng Trị gặp phá, là chỗ biển ăn sâu vào đất liền lắm khi mất mấy ngày mới qua được phá vì vậy ca dao cổ có câu thương em anh cũng muốn…vô, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang là thế…"

 

     Ông căng óc nặn chữ, vặn óc véo câu từ bài tạp văn không ngòai ý nghĩ ông là Bắc Kỳ đặc, còn thằng…chào cờ là Nam Kỳ quốc. Số là cùng một lứa bên trời lận đận nơi đất Trích, ông như Bạch Cư Dị gặp gã như gặp người kỹ nữ già bên bến Tầm Dương:

 

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách

Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu

Chủ xuống ngựa, khách đưa chèo

Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty

                                            (Tỳ bà hành – Phan Huy Vịnh dịch)

 

      "Hà tất hằng tương thức lọ đã quen nhau", thế là ông và thằng Nam Kỳ quốc nhậu tới…bến Tầm Dương. Qua chiều trúc ty, ông góp nhóp được gốc tích cao tầng tổ khảo, cao tằng tố tỉ thằng…chào cờ từ ngàn năm mây bay…

 

      Nguyễn Hoàng nghe lời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm dậy "Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân" nôm là một dải Hoành Sơn có thể dung thân được. Chúa Nguyễn vào trấn thủ Thuận Hóa bắt đầu cuộc hành trình về phương Nam xa vạn thẳm. Nhà chúa vào Quảng Trị, thẻo đất chỉ đo được 40 cây số bề ngang giữa hai miền Nam Bắc, hơn một lần là nơi tranh hùng Trịnh Nguyễn cùng một thời chinh chiến với bóng xế trăng lu mẹ bồng con ngồi cầu Ái Tử, thiếp trông chồng đứng núi Vọng Phu. (Thái Văn Kiểm)  

 

      Thời chinh chiến với bóng xế trăng lu tạm ngưng khỏang 200 năm. Nhà chúa nghĩ đến chuyện lập quốc với một cõi riêng tách biệt với Bắc Hà của vua Lê, chúa Trịnh nên di dân vào miền Nam như đi vào Thục địa xuyên qua vỉa tầng văn hóa trầm tích với người bản địa để có một Nam Kỳ quốc (Pháp dựng lên Nam Kỳ tự trị).  

 

      Đất khởi nghiệp của chúa Nguyễn Phúc Nguyên là Quảng Nam, với lớp di dân nho sĩ bất mãn triều đình Huế từ Thừa Thiên kéo vào. Các chúa Nguyễn kế tiếp cho di dân xuống Bình Định, nhóm sĩ phu bất mãn ở lại để Quảng Nam sau này trở thành đất địa linh nhân kiệt với ngũ phụng tề phi, với Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Thừa Thiên ăn hết. Lớp di dân tới Bình Định có 4 hạng: Hạng thứ nhất là những lính thú đi mở nước. Hạng thứ hai là những tội đồ bị phát vãng. Hạng thứ ba là những người trốn chạy vì sợ trả thù của triều đại trước như nhà Hồ, nhà Mạc. Hạng thư tư di dân vì nghịch cảnh, họ lập cư ở đây được hai, ba đời lại bị các chúa Nguyễn sau thúc đẩy vào miền Nam. Đoàn người vai gồng vai gánh, tay bồng tay bế, họ phạt cỏ chặt cây khai quang lối đi. Họ leo núi băng rừng, trèo đèo lội suối cả mấy tháng trời gian nan với suơng lam chướng khí nên bị bệnh tật, kiệt sức và bỏ xác lại bên ven đường không phải là ít.

      Vì vậy có thể nói "con đường cái quan" đã hình thành từ chúa Nguyễn, từ Quảng Trị tới Cà Mâu. Trước đó Hồ Hán Thương lập "con đường thiên lý" từ Thăng Long vào Thanh Hóa. Càng xuống phía Nam, đất đai rộng, thời tiết dễ chịu, con người càng thoải mái hơn. Theo cuộc di dân với ngôn ngữ, trong văn học có câu: Giọng Thanh Hoá là giọng miền Bắc…phải đi. Giọng Bình Thuận là giọng miền Nam…sắp sửa.

 

       Trong đợt di dân trải rộng tới Cà Mâu có thêm tù binh chúa Trịnh, đào binh chúa Nguyễn. Trở lại với đám tội đồ, ai bị thích dấu ở tay bị phát vãng tới Mỏ Xòai, mảnh đất địa đầu của Biên Hòa, Gia Định. Tội đồ thích dấu ở trán bị đày xuống vùng châu thổ Cửu Long đến biên giới Miên. Nếu lấy 25 năm là một thế hệ, nếu lấy mốc thời gian từ chúa Nguyễn Hoàng, sau hơn 200 năm, trải qua 9 đời chúa, 12 đời người của lớp lưu dân từ miền Bắc, sau này thêm người Hoa lánh nạn nhà Minh đến lập nghiệp. Họ đã thay thế dần nét văn hóa của người Chàm ở Đồng Tháp Mười, người Miên ở Châu Đốc để có giọng nói người Lục tỉnh. Theo người Pháp, vì người Việt sống chung chạ với người Mạ, người Stiêng ở thung lũng vùng Donai gần Biên Hoà để có giọng nói đặc thù người Sài Gòn. Qua phong thổ chí đã tạo nên phong thái lương sơn bạc, phong cách lớp người trung dũng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài của người miền Nam ngày nay…

 

       Tiếng nói của người miên Bắc trở thành tiếng Nam vì bị đồng hóa từ tiếng Chàm, tiếng Miên, người Mạ, người Stiêng đã hóa thân từ thời Minh Mạng (với Nam kỳ lục tỉnh gồm Gia Định, Biên Hoà, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên). Vì kỵ húy để có họ tên với "Vũ" (Vũ Hồng Khanh) từ "Võ", hay "Châu" (Châu Văn Tiếp) từ Chu, tiếp đến âm ngữ "nhơn" (ác nhơn) từ "nhân", hoặc"phước" (phước lộc thọ) từ "phúc" này nọ…

 

      ***

      Ông ngửa cổ ực cối Budweiser một cái chóc như Bắc kỳ uống nước rau muống luộc. Xong, ông gà què ăn quẩn cối xay mà rằng: "Cái vận nước nó thế". Ông dại mồm dại miệng vậy vì ông nghĩ dại là Bắc Kỳ đặc, hai lần bỏ xứ ra đì năm 54, năm 75 nên…quen thói rồi. Nhưng các cụ ông, cụ bà Bắc Kỳ nhớ nhà, nhớ quê nên mang cả vườn tược với rau mùi, húng quế, tía tô cũng theo chân các cụ chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai. Ngẫu sự là trong cái tâm trạng đã hơn một lần gây dựng nghĩa trang Bắc Việt tương tế ở miền Nam, nay với đất lành chim đậu…chết đâu chôn đó…đâu có chết chóc gì. Còn thằng Nam Kỳ quốc đây mới chỉ một lần trong đời quê ta xa mãi bên kia biển, chỉ thấy tơi bời mây trắng bay nên mang cái tâm thái mất nước là vậy.

 

      Vậy mà nghe thủng câu "quê ta xa mãi bên kia biển", thằng Nam Kỳ quốc…thủng thẳng quẳng vào mặt ông một mảng chữ nghĩa mà cụ Nguyên Du đã rầy rà với ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ, tạm hiểu là ta có một tấc lòng không biết ngỏ cùng ai.

 

       Và chuyện của thằng Nam Kỳ quốc với vô dữ ngữ thế này đây:

       "…Đã lâu lắm rồi, tôi có… một đêm không ngủ, chuyện xảy ra vào một ngày… năm 2008. Thông thường, sau khi vào giường ngủ, đọc năm ba trang sách là tôi… lang thang đi về Việt Nam ngay trong giấc mộng. Nhưng tối hôm đó thì không! Vì cầm trên tay Đặc san Hậu Nghĩa vừa đọc xong bài viết của anh bạn thầy giáo của tôi Nguyễn Lộc Thọ, anh hãnh diện nói về vùng quê Đức Hòa của mình. Nói lên để hoài niệm để cho bà con cô bác mình vẫn còn một quê. Còn tôi! Nếu ai có hỏi quê tôi ở đâu?


      Tôi chỉ trả lời vỏn vẹn là "
quê tôi ở Hậu Nghĩa" mà thôi. Và nếu có hỏi thêm nữa, tôi cũng chỉ có thể nói thêm là tôi sanh trưởng tại ấp Bàu Trai, làng Tân Phú Thượng, quận Đức Hòa, tỉnh Cholon (giấy khai sanh bằng tiếng Pháp viết chữ Chợ Lớn ra như vậy, và tôi chỉ thấy một lần một, từ lâu lắm rồi, đâu chừng 60 năm về trước).


      Hậu Nghĩa là một tỉnh cũ ở Nam phần Việt Nam thời VNCH. 
Tỉnh này tồn tại từ năm 1963 đến 1976. Tỉnh được thành lập từ phần đất tách ra của các tỉnh Long AnGia Định và Tây Ninh. Tỉnh lỵ đặt tại Bàu Trai, gọi là thị xã Khiêm Cương. (…). Theo lời anh chị tôi kể, quê tôi đã nhiều lần thay tên đổi họ, từ tỉnh Chợ Lớn rồi Long An, và sau cùng là Hậu Nghĩa gọi là Khiêm Cương chính là ngôi làng nơi sanh tôi ra. Do đó, tỉnh lỵ rất nhỏ so với các quận như Đức Hòa, Hiệp Hòa, Củ Chi…


      Tôi đã biết về quê tôi chừng đó mà thôi.

 

       Xin đừng hỏi nữa vì tôi sẽ không biết trả lời sao? Chính vì thế mà tôi không hề viết gì về quê nhà cả, ngoài một kỷ niệm còn vương vất trong trí óc của tôi mãi đến ngày hôm nay, kỷ niệm của một thời…Việt Minh đốt thôn xóm, xử tử nhiều người dân mộc mạc, chất phác vào những năm 44, 45…trong đó có ba tôi.

 

      Theo lời má tôi kể lại khi tôi chưa đầy 3 tuổi, ba tôi đã bị tụi du kích nhóc con trói thúc ké ở cây chuối bên hông nhà. Lệnh xử tử được đọc ra là vì ba tôi là "Việt gian" và là địa chủ, có con gửi theo học trường Pháp dưới Sài Gòn, nói tiếng Pháp với lính Tây đóng ở đầu làng, v…v…Ba tôi bị thằng du kích nhóc con bắn ngã gục xuống. Tụi du kích Việt Minh tưởng ba tôi chết rồi, đốt nhà, rồi bỏ đi. Từ đó gia đình tôi trôi giạt xuống Sài Gòn đêm hôm đó và ba tôi được cứu sống.

       Má tôi chỉ tiếc hùi hụi vì tối hôm đó ba tôi mất…cái khăn rằn…"

 

       ***

       Đúng là thằng Nam Kỳ quốc vun chuyện có khác, khi không mang cái khăn rằn vào chuyện làm khỉ gì chả biết nữa. Bỏ bao thuốc vào túi như sắp biệt hữu thiên địa phi nhân gian (Lý Bạch) tạm hiểu là ta có một cõi riêng không người vì thằng Nam Kỳ quốc làm như đang sửa soạn cho một chuyến đi xa cùng viễn tưởng, viễn mơ. Gã như quay về Hoành Sơn, Quảng Trị của một thời xa xưa. Sau ánh mắt xa vắng, vắng xa vắt ngang dòng sông Gianh đang lặng lờ với nước chẩy đôi dòng: Dòng sông sau 300 năm, nước vẫn tiếp tục trôi đi nhưng ở giữa dòng có một giải phân cách tự nghìn năm.

 

      Trong khi chờ đợi món nhậu, thằng…chào cờ rủ ông bước ra tượng đài chiến sĩ ở ngay trước mặt, ông ớ ra hôm nay là ngay quân lực 19 tháng 6. Thế là ông và gã lững thững ra bãi đậu xe xem anh em cựu quân nhân về họp mặt. Giữa cờ xí lộng gió, trong cái nắng ong ong, mây đơ đơ của phố thị Houston, qua tiếng kèn âm vọng mang mang trong một cõi đi về chàng từ đi vào nơi gíó cát, đêm trăng này nghỉ mát nơi nao (Chinh phụ ngâm). Dưới bục hội trường, anh em cựu quân nhân gọn ghẽ trong bộ tiểu lễ sinh viên sĩ quan Thủ Đức. Gã ẩn mình sau hàng cột dưới mái hiên, và đang lặng lờ bồi hồi nhìn mông lung. Dường như u kín trong gã đang có vơi, có đầy về một hình bóng ai đấy đã khuất nẻo nơi nao. Trong gã ngập đầy những hòai niệm từ khắp nẻo đường nỗi nhớ của ngày nào đi vào nơi gió cát. Gã đang đi tìm một khuôn mặt xưa cũ đã qua mau, qua giải mây mầu nước gạo phảng phất như sương khói đang trôi đi.

 

      thằng…chào cờ quyẹt cái bật lửa Zippo đốt một điếu thuốc…

 

      Ông và gã lễnh đễnh trở lại quán thịt bò bảy món Thiên Phú để làm thêm vài chai bia cho sầu vơi sầu, cho nỗi sầu tha hóa vong thân. Hốt nhiên trong đầu ông chui ra bài văn ở Hà Nội, ông chả biết người Bắc hay dân Nam tập kết. Qua bài viết với câu kết: Sài Gòn đã đi vào cổ sử. Ý đồ ông muốn quá đọa tên Sài Gòn qua Vương Hồng Sển nát bàn với "Sài là vay mượn chữ Hán có nghĩa là củi gỗ, Gòn là chữ Nam chỉ bông gòn do người Cao Miên trồng quanh đồn đất xưa của họ".

       Tuy nhiên từ thời vua Lê chúa Trịnh, theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: "Năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên phá vỡ "Luỹ Sài Gòn". Hai chữ Sài Gòn đã xuất hiện trong sử liệu từ năm 1674.

 

      Làm như điếc đặc không nghe chuyện Sài Gòn đã đi vào quá vãng với Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý, Đồng khởi vùng lên mất tự do, thằng…chào cờ ngó lơ ra bãi đậu xe tan hoang với cờ quạt, biểu ngữ và lậu bậu rằng…Rằng có nhiều ông chỉ một năm hai lần đắng đãi ngày quân lực, và ngày 30 tháng tư là xách súng nhè thằng cộng mà bắn. Nói theo Nguyễn Bắc Sơn ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước, vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi. Hoặc theo người họ Trịnh, thằng cộng đang đi khơi khơi bị trúng đạn chết không hận thù, nằm chết như mơ. Với tên rơi đạn lạc, gã móc cái Zippo như móc khẩu Colt 45 để đấy và đốt thuốc nhởn nha chuyện không có mây sao có mưa:

 

       Chuyện tiểu đòan gã được thả xuống cánh rừng ngõ qua bên kia biên giới với lệnh án binh bất động. Đợi tụi Bắc quân trong rừng chém vè ra là "ra-phan"...làm gỏi cái một. Gần sáng, dưới những lùm cây, một đám bại quân quần đứa chống gậy, đứa đi cà nhắc, thằng này dìu thằng kia. Để rồi gã mừng húm vì bắt gặp thằng đi đầu, ngang hông đeo khẩu K 54. Gã đóan chừng là thằng "K trưởng", thằng này một tay xốc thằng cán binh đầu ngỏeo qua một bên như kéo lê. Một tay bị thương, đeo ngang cổ cái khăn nhang nhác như cái khăn rằn của…ba gã.

 

       Mồi điếu thuốc. Gã nói bỗm bãm qua khói thuốc:

      - Ấy đấy, thế là cái đầu ruồi khấu Colt 45 của tôi nhắm y chóc vào mặt thằng nón cối. Chỉ cần nín thở, nhè nhẹ bóp một cái tách thật ngon ơ là rồi.

       Rồi gã dí dí điếu thuốc vào mặt ông và chậm rãi từng tiếng một:

       - Có bao giờ ông hình dung một khỏang cách thật gần, như ngay trước mặt ông bây giờ, từ đây ra cái xe đậu đằng kia thôi…Và ông nỡ nào đang tâm phất tay, để mấy trăm tay súng nhả đạn vào những cây thịt đang ngất ngư con tầu đi như…bắn bia không? Lúc nhập trận, đang say thuốc súng, đạn thì nhau nổ, hòa lẫn tiếng la hét rùm trời thì không tính. Lúc ấy, tất cả đều phẳng lặng giống cái bãi đậu xe kia, tất cả không gian và thời gian, ngay cả cái đầu của ông và tôi đều bình bình như lúc này…Thì ông…

       Để chạy trốn câu hỏi của gã, ông cầm ly bia xoay xoay…như gã. Mỗi người đều theo đuổi mỗi ý nghĩ riêng tư. Nhìn ra ngòai bãi đậu xe có phẳng lặng thật với người đi đi lại lại như những chiếc bóng. Ở trong quán trống rỗng, cả hai đều bình bình... Ở trong ông, ngay lúc ấy cũng đã có câu trả lời…

       Nhấp một ngụm bia cho có lệ, ông hỏi gã:

       - Ông bị ám ảnh vì cái khăn rằn của ba ông?

 

       Thề trước đèn hột vịt lộn, ông hỏi cái khăn cho có chuyện để hỏi vậy thôi. Bởi chưng tửu lạc vong bần với gã lâu ngày nên đã quen nết: Gã là thằng Nam Kỳ có cái đầu Bắc Kỳ, cái hay của gã là biết ngừng đúng lúc. Là Bắc Kỳ đặc nên ông đi guốc trong bụng gã nên đồ là ngày nào năm ấy ba gã bị trói vào cây chuối, thằng du kích nhóc tì nhắm súng với tầm bắn ngắn, trực xạ, ấy vậy mà ba gã không chết. Mà chỉ mất cái khăn rằn!

 

       Đang dẻo mồm ngấu chuyện, bỗng không mặt mũi ông héo don vì văn óc nghĩ không ra ba gã bị bắn khi gã chưa đầy…3 tuổi thì làm sao gà dòm ra đeo cái khăn của thằng nón cối…nhang nhác như cái khăn rằn của…ba gã.

 

       ***

       Khi không gã biến mất trong cõi nhân gian phù thế này cả tháng trời.

 

       Điện thọai cho giai nhân…hề, vẫn chiêm bao của gã (khi rày gã chưa lập gia thất), mới hay gã bay sang Tây để họp hành với anh em bên ấy. Số là ông đã lụi đụi dân Bắc Kỳ ông sau hai lần "ri cư" nên cứ ngay đơ với vận nước nổi trôi, năm thỉnh mười thỏang mới hòai cố quận ai ra bến nước trông về Bắc, chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng. Còn dân Nam Kỳ quốc gã chí thú họp hành hơn trong cái tâm thái mất đất, mất nước, nên hẹn hò nhàu: Sang năm thế nào cũng về Sài Gòn. (nguyên văn mảng chữ của gã)

 

       Nói cho ngay, theo ai đấy đất Việt ta có ba miền với địa linh nhân kiệt thời nào chả có những anh hùng kiệt xuất. Bởi qua phong thổ chí mập mờ nhân ảnh mịt mùng gió mây, ai đó đã hòm hõm là người Bắc ưa viết văn, người Trung làm thơ, người Nam viết báo. Người Bắc viết văn mang cái bệnh nói cay, nói đắng, lấy cái gia vị cay đắng của giềng, của gừng làm cái ngon miệng. Vậy mà người đọc cứ khen hay. Nhưng hay ở chỗ gặp thời thế thế thời phải thế, với thế sự thăng trầm quân mạc vấn, dân Bắc Kỳ vì nhát như cáy nhưng nhờ có cái miệng nên họ thích làm…quân sư.

 

      Cũng là…"sư", qua chặng đường lịch sử mà Quảng Trị như cái cổ họng thắt lại đến nghẹt thở. Người Huế từ mảnh đất sơn bất cao thủy bất thâm mang thi ca biến thành cuộc đời với ý chí làm lãnh tụ, làm thơ hay làm…sư. Xứ càng khổ càng nhiều nhà tu, họ tu vì thất chí với cuộc đời nên làm…thơ. Ai đấy đã ngoa ngữ, trước 75, một ngày của người đàn ông Huế là sáng làm chính trị, trưa làm thơ, chiều làm sư.

 

      Cũng là…"lãnh", vì đất rộng người thưa bên hè phố, người Nam làm báo ở quán nhậu. Qua 108 anh hùng Lương Sơn Bạc ở xe hủ tiếu Tàu, họ mang cái hào khí trung dũng khí tiết của một Võ Tòng đả hổ, một thủ lãnh Tống Giang nên thích làm…tướng lãnh (hiếm khi làm lãnh tụ). Với túy ngọa sa trường…, bởi "túy" đi với tửu, họ không quên mang cái tâm trạng bồ đào mỹ tửu…của một Lỗ Trí Thâm dục phá thàng sầu dụng tửu…binh. Bởi binh là lính, nên họ thích làm…tướng để úynh giặc cho đã điếu.

 

      Lọ mọ tới đất lạ quê người, dân ba miền phát tiết tinh hoa như nấm sau cơn mưa, dân Bắc thích mặc áo vét, cổ thắt cà-vạt cho óach nên làm "báo nói" trên đài với tọa đàm, hội thọai để…nói vô tội vạ. Dân Trung qua bà Huyện Thanh Quan với tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn, gác mái ngư ông về viễn phố, bởi "tiếng ốc xa đưa" nên thích mõ sớm chuông chiều nên dựng chùa. Dân Nam chiều chiều ra đứng bờ ao, trông về quê mẹ ruột đau chin chiều, nhưng khổ nỗi không có…ao nên đành làm báo chợ, báo chùa.

 

       Mà làm báo nào có dễ ăn như ăn trứng luộc, thảng như ai đó viết báo lung tung trống kèn mắc mớ gì thằng cộng nay kêu mình là "Việt Nam Cộng Hoà" nhằm mục đích chi đây. Bởi ông nhà báo nghe hơi nồi chõ ấy thôi, vì với bộ sử 15 cuốn dày 9,084 trang ông đâu có quởn mà đọc Thằng cộng khi tái bản bộ sách Lịch sử Việt Nam, nó chỉ quẹt nơi trang 191 trong Tập 12 đúng 6 chữ và không hơn: "Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà". Ấy là thằng cộng đề cập đến "lực lượng quân sự mạnh" của cụ Ngô Đình Diệm thập niên 60. Chứ làm quái gì có chuyện nhóm biên soạn bộ Lịch Sử Việt Nam chính thức sử dụng danh xưng Việt Nam Cộng Hoà trong sách… như làng báo ta luận thiên hạ phong trần thằng cộng sắp "hòa hợp" với "hòa giải dân tộc" thế này, thế kia…

 

       ***

       Rồi một ngày như mọi bữa, gã ới ông ra quán có thịt bò quấn lá lốt chấm mắm nêm. Ngồi trong quán xá, gã gọ gạy chuyện thời trước thế đấy, thời nay thế đó. Gã nói chữ theo dòng sử Việt bởi chưng là con cháu của ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ nên người Việt ta theo tập tục đòan kết để…chia rẽ. Với chuyện nước non, gã bâng quơ, bâng khuâng với nước chẩy đôi dòng: Dòng sông Gianh sau 300 năm, nước vẫn tiếp tục trôi đi ở giữa dòng nhưng có một giải phân cách tự nghìn năm.

       Mà gã cũng lạ, bởi cứ mỗi lần ông rọ mồm vào chuyện vong gia thất thổ với nước non ngàn dậm ra đi, dù đường thiên lý xa vời, dù đường cố lý chơi vơi (Phạm Duy) là gã …chơi vơi ngó lơ ra bãi đậu xe… xa vời. Như lúc này, gã ngó đăm đăm tượng đài ngòai kia và búi bấn với ông chuyện chả đâu vào đâu: Vì ai đấy dựng người lính Việt nhỏ thó sát cánh ông lính Mỹ to kềnh trông mất sướng. Và gã thở ra như trâu hạ địa nào khác gì tượng chiến sĩ Mỹ-Việt ở Westminster bên Cali: Cũng ông lính Mỹ to đùng cùng người lính Việt cầm súng chĩa vào…hư vô. Ngắn gọn, họ lười nhác…sáng tạo. Sao họ không làm bức tượng như điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu với "Tiếc thương"?

 

      Năm trước đi Pháp, hai năm sau gã lại đi Úc họp mặt với anh em đồng chí hướng. Gần đây, nắng cũng như mưa, tuần nào cũng như tuần nấy, cứ 10 giờ sáng thứ bảy: Thằng…chào cờ đơn côi ra tượng đài chào cờ. Gặp ngày mưa, thằng…chào cờ khoác poncho lặng lẽ đứng với mưa bay gió thổi trong một cõi đi về.

      Một buổi sáng cuối tuần ông hẹn thằng…chào cờ 10 giờ ở tiệm phở Đa Kao uống cà phê Đa Kao để đi tìm hơi hướng của Sài Gòn đã đi vào cổ ngữ. Hơn mười giờ gã mới lò dò tới. Vừa dòm thấy gã, ông ngớ ra hôm nay là …thứ bảy.

 

      Đang dang dang chuyện đến đây, thằng…chào cờ bỏ bao thuốc lá vào túi.

 

      Thêm một lần với biệt hữu thiên địa phi nhân gian, và ông hiểu là gã làm như đang sửa soạn cho một chuyến đi xa…Lại thêm một lần sau ánh mắt xa vắng như vắt ngang dòng sông Bến Hải đang lặng lờ với nước chẩy đôi dòng: Dòng sông vẫn tiếp tục trôi đi, ở giữa dòng có một giải phân cách ý thức hệ tích tụ đã bao năm. Cùng một cảm hoài, ông cảm thấy thanh thản ở cái tuổi cổ lai hy nên hiểu được cuộc đời là dòng sông đã gần đến cửa biển. Mà biển là tàng thức chứa chấp mọi nhân sinh. Thời gian trên những dòng sông chính là những mảnh đời. Qua ánh mắt thằng Nam Kỳ quốc dường như đã mệt mỏi. Ông nhìn thấy ánh mắt ấy vắt qua một khoảng không gian nào đó mà gã đã từng hoài bão, kể cả những hoài vọng thầm kín như giấc mơ của một đời người với … mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự, giầy cỏ, gươm cùn ta đi đây. (Nguyễn Bính)

 

      ***

      Mây vẫn bay ngày vẫn qua đi, 10 năm sau thằng…chào cờ đi vào cõi tĩnh mịch.

      Chuyện sau này ông nghe thị dân kể lại như một truyền thuyết…

 

      Với chuyện là thị dân thường thấy thằng chào cờ hiện về vào quãng nửa khuya. Thằng chào cờ đứng quanh quẩn ngắm bức tượng một hồi lâu, rồi buông tiếng thở dài vì thấy bức tượng…bất như ý một cái gì đó và bỏ đi. Ít lâu sau thằng chào cờ lại hiện về, vai đeo cái "ba-lô", thằng chào cờ mày mò đục, đẽo, tiếng gõ, tiếng búa nghe vang vọng cả bãi đậu xe. Gặp đêm mưa gió, thằng chào cờ vẫn đục đẽo trong mưa.

       Đâu đó cả một thời gian dài bức tượng mới hòan tất.

 

         Thằng chào cờ đứng thẳng người chào bức tượng. Cứ theo thị dân kể lại rõ như đêm giữa ban ngàyI Giữa cờ xí lộng gió, trong cái mênh mang của bóng đêm qua âm hưởng u uẩn của Chiêu hồn tử sĩ, dưới chân bức tượng, thấp thoáng qua ánh đuốc bập bùng: Thằng chào cờ gọn ghẽ trong bộ tiểu lễ sinh viên sĩ quan Thủ Đức mầu vàng, đầu đội mũ lưỡi trai, vai đeo "an-pha", tay mang găng trắng đang đứng ở thế nghiêm. Trời đất vào khuya, ánh trăng vàng ệch nấp sau áng mây èo uột.

       Thằng chào cờ quyẹt cái bật lửa Zippo châm một điếu thuốc…

 

       Gần sáng, thằng chào cờ dọn búa, đục bỏ vào "ba-lô" và khoác lên vai đi về cuối phố, dáng đi lụm cụm như chúa Giê-su vác thập tự giá, lom khom như thằng gù nhà thờ Đức Bà. Thằng chào cờ biến mất trong ánh sáng chan hòa một mầu trắng.

 

       Còn lại chỉ là mẩu thuốc lá dưới chân bức tượng…

 

Phụ chú: Người viết rất gần gũi, thân quen với thằng bạn đời người miền Nam trên. Đôi khi mềm môi quá chén, ít nhất một, hai lần gã cảm thấy hoang mang trong tâm thái "anh hùng thấm mệt" qua chuyện nước non mình. Khi ấy khuôn mặt gã buồn nối buồn, giọng gã sầu chờ sầu, cả môi hắn cũng chẳng hé một niềm vui với trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt…đi đâu cho đời mỏi mệt nên trong một thoáng u mặc, gã thở ra "Than ôi thế sự trong thiên hạ…hề đựng không đây đôi mắt mỹ nhân…hề, mỹ nhân ơi" với…vợ nhà.

 

Thế nhưng theo vận nước, gã đã đi đã đến cuối trời, đã về như vẫn muôn đời đã đi… (Bùi Giáng), thằng bạn đời của người viết không hề biết mỏi mệt đi từ đông qua tây, đi từ nam lên bắc Mỹ lo chuyện gươm đàn nửa gánh non sông một chèo. Vì vậy người viết đóan chừng, 10 năm sau nữa, cứ 10 sáng thứ bảy, bên phố đông người qua, cư dân lại bắt gặp dưới chân tượng đài hai người lính cầm súng có…thằng chào cờ.

 

Thch trúc tho lư

Mng mt tết, Mu Tut 2018

Ng Không Phí Ngc Hùng

 

 

 

 



________________________________________

Mai Thanh Truyết

https://maithanhtruyet1.blogspot.com/

https://www.facebook.com/envirovn


"
We carry our homes within us
;

which enables us to FLY"



//////////////////////////////////////////////////