Lời Giới Thiệu

"Thư Cho Con" Tập 30


 

 


 

 

Linh Mục Phê-rô Phan Văn Lợi

 

            Ròng rã 15 năm trời, hai con người gốc Việt tại Mỹ, một nhà giáo, một chuyên gia, đã miệt mài gởi đến Đồng bào trong và ngoài nước, đặc biệt tại Hoa Kỳ, mỗi năm hai cuốn sách nhan đề THƯ CHO CON, tập hợp các bài nghiên cứu và nhận định của họ. Đó là Giáo sư Trần Minh Xuân và Tiến sĩ Mai Thanh Truyết.

            Qua nhan đề, rõ ràng hai tác giả đứng tuổi muốn đặc biệt ngỏ với con cháu là thế hệ trẻ vốn đã sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, ở hải ngoại. Xa cách quê cha đất tổ cả không gian lẫn thời gian, quay cuồng trong cuộc sống lo học hành hay lo làm việc, ngập mình giữa một thế giới dân chủ và văn minh, thế hệ trẻ này dễ có nguy cơ lãng quên nguồn cội da vàng máu đỏ, bất biết hiện tình mảnh đất mẹ hình chữ S, thờ ơ với số phận của Đồng bào Dân tộc. THƯ CHO CON muốn là lời tâm sự của những bậc tiền bối đã đành lòng rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn gởi đến hàng hậu bối sinh trưởng nơi đất khách quê người.

 

            Họ tâm sự những gì?

 

Thưa đó là về tình hình xã hội Việt Nam dưới chế độ Cộng sản, về cuộc đấu tranh tại quốc nội cho dân chủ nhân quyền, về những vấn đề nan giải đặt ra cho Quê hương đất nước.

 

            1- Quả thế, nhìn lướt qua mục lục các tập sách, cụ thể tập 30 này, chúng ta trước hết thấy có loạt bài "Công an phiệt CSVN ngày càng thêm man rợ"; "Đảng lãnh đạo: Côn đồ tráo trở. Nhà nước quản lý: Gian tham độc ác"; "Cái lò Nguyễn Phú Trọng và đống củi chờ đốt cháy CSVN"; "Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ"; "Vài suy nghĩ về thách thức của Trung cộng ở Biển Đông"; "Csvn có bán nước hay không?", "Thảm hoạ diệt chủng đang ở ngay trước mắt", "Nếu không nhìn lại, mình sẽ mất quá khứ và tương lai"....

 

Tất cả những bài ấy vẽ ra một bức tranh u tối về hiện tình đất nước dưới sự cai trị của những lãnh đạo Việt cộng vừa tàn ác cách lạnh lùng, dối trá cách bình thản, tham lam cách vô độ và ngu dốt cách cố chấp (chỉ thông minh trong việc tước đoạt tài nguyên đất nước, cướp bóc tài sản nhân dân và đàn áp phong trào tranh đấu). Tình hình ấy đã khiến Việt Nam phải chịu một nền chính trị áp bức, một nền kinh tế lạc hậu, một nền thương mãi trì trệ, một nền văn hóa suy đồi, một nền giáo dục băng hoại... Nhân dân ngày đêm ngắc ngoải vì vật giá leo thang, đồng tiền xuống giá, môi trường ô nhiễm, xã hội hỗn loạn, an sinh bấp bênh. Đâu đâu cũng thấy tham nhũng lộng hành, áp bức tràn lan, bạo lực tung hoành và gian dối ngự trị. Đám cầm quyền thì thống trị với bàn tay sắt và thụ hưởng đủ mọi đặc quyền, quần chúng nhân dân thì sống trong lo âu tinh thần và thiếu thốn vật chất, những tấm lòng yêu nước can đảm thì lãnh đủ đòn thù của công an côn đồ và tòa án công cụ... Thật chưa từng thấy trong mấy ngàn năm của lịch sử Dân tộc.

            Tất cả những cảnh nhiễu nhương đó đều chung sức biến đất Việt thành miếng mồi ngon cho giặc Tàu. Kẻ thù truyền kiếp phương Bắc này bao thế kỷ trước đã bị chặn đứng bởi ngọn giáo đồi Chi Lăng, cửa thành Nam Quan ải, cọc gỗ sông Bạch Đằng... Nhưng từ ngày Hồ Chí Minh cùng đồng đảng, đồng bọn cướp quyền cai trị, những đoàn lũ cả binh lẫn dân từ phương Bắc đã tràn xuống Việt Nam như đi vào chỗ không người, nhờ cái đám vô tổ quốc vốn ngày đêm ngâm nga tâm niệm: "Bên ni biên giới là mình. Bên kia biên giới cũng tình quê hương" (Tố Hữu). Óc bành trướng Đại Hán ngàn năm càng được gia tăng sức mạnh bởi mộng thống trị Cộng sản hiện đại. Nhân dân Việt Nam nay phải đứng trước hai kẻ thù nội xâm và ngoại xâm là cộng đảng Việt và cộng đảng Tàu. Chúng ngày càng liên kết môi răng để giúp nhau bảo vệ ngai vàng, ngõ hầu duy trì sự thống trị lâu dài trên hai cả Dân tộc. Cụ thể trong năm 2017, hai tên Tổng bí thư Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đã cùng nhau ký kết 34 văn kiện hợp tác toàn diện (15 vào tháng 1 và 19 vào tháng 11). Đây chính là lộ đồ để ngôi sao vàng trên cờ Việt cộng bay lên thành ngôi sao nhỏ thứ 5 trên cờ Tàu cộng, để những tên trong Bộ Chính trị Ba Đình và Trung ương Đảng trở thành những thái thú của thời mới, để quốc gia độc lập hình chữ S bên bờ Đông Hải lại trở nên Quận Giao Chỉ trước thời Hai Bà Trưng. Phải chăng CSVN đã thực tình bán nước? Hai tác giả trăn trở như vậy!

 

            2- Loạt bài thứ hai trong tập sách mang lấy những tiêu đề: "Đấu tranh thay đổi hay thay thế chế độ CSBV"; "Tuyên bố về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình"; "Kháng thư phản đối việc đàn áp ông Vương Văn Thả và gia đình của Hội đồng Liên tôn Việt Nam"; "Vụ Trịnh Xuân thanh và những nhà dân chủ bị bắt cóc"; "10 năm 'tù không tội' của Mẹ Nấm sẽ như một giấc ngủ trưa"; "Huy chương vàng cho sinh viên Phan Kim Khánh"....

 

Với những phân tích sâu sắc và nhận định xác đáng, hai tác giả đã cho thấy giữa bầu trời dày đặc mây đen của cái chế độ ngu dốt, tham lam nhưng cũng dối gian, tàn bạo ấy, vẫn lóe lên những tia sáng, bùng lên những ngọn đuốc, đứng lên những con người đang soi đường cho Đất nước và đem lại niềm hy vọng cho Dân tộc. Quả thế, y như lời của ông tổ Cộng sản Karl Marx, "Ở đâu có áp bức, ở đấy có đấu tranh!", đã từ bao thập niên, vô số con Hồng cháu Lạc, được sinh động bởi Hồn thiêng Sông núi Nước Việt, được hun đúc trong ý chí quật cường của Dân Nam, đã đứng lên với hai bàn tay không, nhưng cũng với với vầng tráng hiên ngang, miệng lưỡi hùng hồn, ngòi bút sắc bén, can đảm tố cáo những sai lầm của chế độ, vạch trần những tội ác của cộng đảng, chỉ ra những phương cách đấu tranh cho nhân quyền, thực hiện những hành vi cổ vũ cho dân chủ...

 

"Mang trong mình giòng máu bất khuất

Thừa kế tự tiên tổ vạn ngàn đời,

Họ đã đứng lên giữa muôn người,

Ngẩng cao đầu, hùng dũng cất tiếng!

Nói thay cho những ai bị bịt miệng,

Vươn thẳng mình nâng dậy kẻ khòm lưng

Tiến hiên ngang lôi kéo kẻ muốn dừng,

Vung cánh tay thế bao người buông thõng!

Lời của họ vang vang trên làn sóng,

Chữ của họ tràn xa lộ thông tin,

Hình của họ ngập phương tiện nghe nhìn,

Gương của họ đi vào muôn tâm tưởng...

.....

Và cái giá cho tấm lòng trung dũng

Là khó khăn sách nhiễu tháng năm dài,

Xích xiềng lẫn tù ngục đắng cay,

Một chặng đường đời như vứt bỏ.

Còn kéo cả gia đình vào tai họa,

Lôi thân nhân chung gánh cảnh đọa đày,

Khiến cháu con mờ mịt cả tương lai,

Mẹ cha già thiếu bàn tay nâng đỡ.

Cao cả thay, việc lớn quên lợi nhỏ!

Vì đại cuộc, vứt bỏ chút tình riêng!

Ôm cả dân tộc làm nghĩa yêu thương

Tình nhà tạm lãng quên vì nợ nước

(Trích đoạn bài thơ "Khổ đau và hy vọng")

 

            Những tên tuổi như Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Đài, Hồ Văn Hải, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Văn Oai, Trần Thị Nga, Vũ Quang Thuận, Phan Kim Khánh, Bùi Hiếu Võ, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Trực, Hoàng Đức Bình... (tạm kể tên những tù nhân lương tâm bị bắt trong hai năm rồi) là những biểu tượng ý nghĩa, những anh hào thời mới của Dân tộc mà hai đồng tác giả muốn nêu cao cho thế hệ trẻ.

            Bên cạnh đó, những bài viết "Petrus Trương Vĩnh Ký Nhà Văn hóa Dân tộc", "Tượng đài Petrus Ký cho Văn hóa Việt", "Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy tổ chức lễ giỗ cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy" cũng nằm trong ý hướng đề cao nhân quyền và dân chủ. Bởi lẽ nhân quyền cũng hệ tại việc một dân tộc và từng công dân được phát triển về mặt văn hóa, thụ hưởng những công trình văn hóa thực sự nhân bản. Thế mà ông Trương Vĩnh Ký, qua hơn 100 tác phẩm để lại cho hậu thế, chứng tỏ là

một nhà ngữ học, một học giả và là một nhà văn hóa kiệt xuất của Dân tộc. Còn cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thì khỏi nói. Về hoạt động chánh trị, ông là Tổng thư ký Phong trào Quốc gia Cấp tiến, sáng lập viên đảng Tân Đại Việt và là lãnh đạo đảng cho đến năm 1990. Ở hải ngoại ông là Chủ tịch Ủy ban Chấp hành Trung ương Liên minh Dân chủ VN, thành viên Ủy ban Quốc tế Yểm trợ VN Tự do. Đang khi đó chủ nghĩa, chế độ và chính đảng Cộng sản là vô địch về hủy hoại văn hóa, vì vô địch về tàn phá dân chủ và nhân quyền.

            3- Loạt bài thứ ba đề cập đến những vấn đề nan giải đang được đặt ra cho đất nước, liên quan đến kinh tế, môi trường, xã hội: "Ý nghĩa thật sự của mô hình "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa"; "Bauxite Tân Rai – Nhân Cơ hiện đi về đâu?"; "Khai thác Bauxite: vấn đề bảo tồn văn hóa và sắc tộc người thiểu số"; "Từ Bauxite đến tu viện Bát Nhã"…

            Quốc gia nào cũng có những vấn đề luôn được đặt ra, nhưng với chế độ dân chủ thì chính quyền và nhân dân từ từ giải quyết được. Còn với chế độ Cộng sản, luôn xuất hiện vô số vấn đề và khủng hoảng, thảm nạn và tệ trạng rất khó giải quyết, vừa do bản chất độc tài toàn trị của chế độ, vừa do lòng tham lam, óc ngu dốt, tính gian xảo và thói vô trách nhiệm của giới chỉ đạo lẫn giới thừa hành. Tại Việt Nam, cái quái thai "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" (một thứ kinh tế chỉ huy trá hình) đang làm cho đất nước điêu đứng về kinh tế, thâm hụt về tài chánh, biến đảng viên cao cấp thành tư bản đỏ, còn vô số nông dân và thị dân thành oan dân khốn cùng. Bauxite Tân Rai-Nhân Cơ cũng đang là mối hiểm họa đủ mặt: từ kinh tế đến môi sinh (vì lỗ lã triền miên và tạo quả bom bùn đỏ), từ quốc phòng đến văn hóa (vì để quân Tàu vào một trong những yếu huyệt của đất nước và khiến văn hóa lẫn cuộc sống của Đồng bào thiểu số bị tàn hại). Formosa Vũng Áng, từ tháng 4-2016 đến nay, cũng đang gây tác hại đủ dạng lên đất nước và người dân.

            Bên cạnh đó cũng có những bài viết phát xuất từ một chuyên gia môi trường hàng đầu của người Việt, tiến sĩ Mai Thanh Truyết: "Tại sao có hiện tượng thay đổi khí hậu?", "Thiên nhiên & môi trường", "Ảnh hưởng của chất phóng xạ lên con người"; "Phế thải ngàn năm: rác phóng xạ"; "Năng lượng tương lai"; "Thức ăn sạch"; "Cung cách ăn uống lành mạnh"; "Hóa học xanh phòng ngừa ô nhiễm: chiến lược tối ưu cho sự phát triển toàn cầu"…Toàn là những vấn đề của thế giới, nhưng chúng cũng xuất hiện tại Việt Nam với một mức độ báo động. Bởi lẽ "tổ sư" phá hoại môi trường chính là các chế độ Cộng sản từ Đông sang Tây, từ trước tới giờ. Trong đất nước hiện thời, ai mà không thấy rừng đã cạn kiệt, biển đã ngất ngư, sông suối chết dần, nước và khí ô nhiễm, thức ăn và vật dụng đầy chất độc hại…. Các đập thủy điện trở thành những quả bom nước, những nhà máy nhiệt điện trở thành những kho chất độc, toàn thể đất nước trở thành nơi đổ rác, bãi phế liệu của ngoại quốc, nhất là của Tàu cộng. Độc chất từ chế độ đã phát sinh độc chất cho môi trường!

            Một điều thú vị nữa của tập 30 THƯ CHO CON sau những thú vị được cung cấp bởi những bài phân tích, nhận định, trình bày sâu sắc và uyên bác về tình hình đất nước, phong trào đấu tranh, các vấn đề xã hội đó chính là "Chùm thơ thay lời bạt".

            Kẻ khóc mây thương gió dễ xuất khẩu thành thơ. Người khóc nước thương nòi cũng dễ có lời thơ xuất khẩu. Các vị anh hùng dân tộc như Triệu Quang Phục, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu… đã chẳng có những áng thơ văn bất hủ đó sao?

            Thôi thì cũng xin phép trích ít đoản thơ làm lời bạt (cũng như tâm sự thế) cho bài giới thiệu vụng về này vậy:

Giọt Mưa Vô Thường

 

Miên man trong tiếng khóc cười

Quỷ ma quấy lộng núi đồi linh thiêng

Lệ buồn nhỏ với niềm riêng

Tưới vào quê mẹ một triền mưa qua.

Vén Mây

….Quê hương còn lắm tối tăm

Quỷ ma vẫn quất nỗi hằn trên lưng

Biên cương đất hẹp nhỏ dần

Bao la biển rộng sao dân bỏ nghề?

Mưa còn nặng hạt trên quê

42 năm nỗi trần khê vẫn buồn

42 năm lệ vẫn tuôn

Giọt vương thành quách giọt hờn non sông

Quê hương vẫn phải gánh gồng

Loài yêu ma quái hút dần khí thiêng

Mưa rơi sao vẫn triền miên

Thấm đời em với luỵ phiền mênh mông...!

Nghiệp thân như án nợ nần.

Làm dân nước Việt sao ngần xót xa

Vén mây dẹp lũ quỷ tà

Giang sơn nào phải của là riêng ai!

 

Huế, Việt Nam, tối ngày 03-12-2017

Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi.

 

Muốn mua sách, xin liên lạc về: envirovn@gmail.com

 

 

 

 


 

 

  _______________________________________

Mai Thanh Truyết

https://maithanhtruyet1.blogspot.com/

https://www.facebook.com/envirovn


"
We carry our homes within us
;

which enables us to FLY"



//////////////////////////////////////////////////