Đọc Tâm Tình Người Con Việt


 

Đọc "Tâm Tình Người Con Việt"

 

Hôm tiệc của bạn bè họp mặt tại nhà hàng Mon Ami, tôi được Tiến sĩ Mai Thanh Truyết biếu quyển sách mới nhất này. Xem tựa đề người đọc có thể mường tượng hay suy diễn được một phần nào của nó do 2 nhóm chữ "Tâm tình" và "Người con Việt". "Người con Việt" hẳn là tác giả rồi. Còn "Tâm tình" thì có nghĩa là tâm sự từ đáy lòng được tác giả mang ra trình bày, kể lại có thể theo lối lãng đãng, tản mạn, không cần đóng khung theo khuôn phép, câu nệ hình thức như những tác phẩm tham luận hay nhiều bài thuyết trình của tác giả đã trình bày phổ thông đại chúng trước đây.

 

TS Mai Thanh Truyết thuyết trình

 

Năm tác phẩm trước đây của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, dù viết riêng hay viết chung với GS Trần Minh Xuân hay TS Phan Văn Song, nội dung sách thuần về khoa học kỹ thuật hay chính trị cho người đọc thấy cái kiến thức tô luyện uyên  bác, những nhận định hay những phân tích đào sâu đề tài của tác giả, hoặc giả là những đặc điểm chuyên môn chuyên ngành, chuyên khoa sở trường của TS Truyết, nhưng tác phẩm "Tâm Tình Người Con Việt" tôi đọc trong sự gần gủi với nhân sinh quan, nếp suy tư của ông về cuộc đời chung quanh hay cuộc sống cá nhân riêng tư hay rất riêng tư, đan cử ví dụ như sau:

 

1/ Khấn nguyện cùng Trời Đất (xem trang 142):

 

Tác giả viết: "trong những ngày còn lại của cuộc sống, con sẽ cố gắng chia xẻ những ân sủng con có được, cũng như tận lực làm những gì con có thể làm được để làm vơi đi phần nào nỗi đau của Đất Nước, nhứt là bà con Việt đang còn sống trong vòng kiềm tỏa cường quyền."

 

2. Nói với Đất và Nước:

 

Tác giả viết về Đất và Nước tiêu biểu cho Tổ Quốc, Non Sông. Đất cũng là đất, là nơi sinh sống của cả dân tộc. Nước cũng là nước, là suối nguồn dinh dưỡng dân tộc. Ông khẳng định:

"Nhưng, trong hơn 20 năm qua, tôi chỉ nói về Đất và Nước của xứ tôi, xứ Việt Nam đang còn đắm chìm dưới ách cai trị của "ngoại bang" tuy có cùng tiếng nói. Đất tôi đang bị dày xéo vì những quyết định "vô cảm và vô hồn", vì những công cuộc xây cất các khu "giải trí" cho du khách quốc tế để thu lợi, vì những công trình vô bổ mang lại lợi ích cho một thiểu số cầm quyền... Đất đang bị đem rao bán cho ngoại bang!... "Nước" đang bị ngoại bang làm vẩn đục!

Nước cũng chịu cùng chung số phận với Đất. Nước đang bị tận dụng và bị ô nhiễm đến nỗi thiên nhiên không còn khả năng tái tạo lại nguồn nước trong lành"

 

 

3/ Nói với Phụ Mẫu:

 

Thân phụ là một thầy giáo hiền từ. Có rất nhiều đức tánh của thân phụ mà tác giả ngưỡng mộ như:

- Đức tha thứ.

- Tính nhường nhịn và thương yêu nhau.

- Tính cương quyết và trì chí

- Đức tính hy sinh cho tha nhân.

 

Thân mẫu của tác giả là một người Mẹ Việt Nam truyền thống, chơn chất và đôn hậu, hy sinh lo cho chồng con.

 Vì theo đuổi lý tưởng chống người CSVN độc tài tàn ác, khi phụ mẫu qua đời, tác giả từ chối về quê hương, không về chịu tang, dù thương cha mẹ, nhưng tác giả cương quyết giữ vững lập trường kiên định.

  

4/ Nói với anh chị em:

 

Tác giả là người con áp út trong một gia đình 11 người. Vì anh chị lớn trong gia đình lo cho các em, lo cho tác giả từ lúc du học cho đến ngày mang gia đình vượt biên ra xứ ngoài đã nhờ vào anh chị. Đây là một gia đình kiểu mẫu, anh chị em yêu thương lẫn nhau. Thật đáng quý. Tác giả tri ân anh chị: "Xin cám ơn tấm lòng của các anh chị lo cho một đứa em trên bước đường công danh".

 

5/ Nói với con cái (trang 148):

 

Là người viết văn tôi yêu những điều viết về cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè,... vì thế nên quyển sách này dầy gần 280 trang, nhưng tôi chỉ tập trung và lựa chọn đề tài chủ yếu trong sự chọn lựa riêng biệt của tôi khi đọc tác phẩm này, tức từ trang 141 đến 157, chỉ 16 trang, tác giả thố lộ những điều riêng tư, thầm kín nhất, sâu sa nhất trong ý nghĩ của mình. Tôi thích viết về con tôi, tôi nhận được sự tương đồng qua sách này, tác giả Mai Thanh Truyết có nhiều lần tâm sự với tôi khi chúng tôi đi chơi chung, anh hài lòng về sự thành đạt, giỏi giang của 4 cháu, con anh, bây giờ tôi xem anh viết:

"Ba muốn viết một vài lời đầu tiên về các con, hy vọng các con có điều kiện đọc. Ba có 4 đứa con. Hai đứa đầu là do ước nguyện có được đứa con trai và một đứa con gái. Trời Phật đã hoàn thành ước nguyện của Ba. Hai đứa sau, Ba thật thà xin lỗi, sinh ra các con trong điều kiện tối tăm của đất nước và không nằm trong ước muốn của Ba.

Tất cả 4 đứa đều được sinh ra trong tình trạng tốt, không bịnh tật bẩm sinh, có trí não bình thường và hiện đang có đời sống gia đình và chuyên môn ổn định trên đất tạm dung nầy. Tất cả đều do phước đức của ông bà, cha mẹ dành cho Ba và các con. Các con cần nên nhớ lấy. Các con có được ngày hôm nay là nhờ ơn phước ông bà tổ tiên là chính, và sự cố gắng của các con chỉ là phụ. Các con đừng tự mãn và xem thường hay khi dễ nhưng bạn bè trang lứa không làm được như mình. Đức khiêm cung luôn luôn và bao giờ cũng là một đức tánh của một người có giáo dục. Ba dặn các con như thế đó!...'

 

Tác giả Mai Thanh Truyết là người bạn hay người thầy hòa nhã, vui vẻ, nhưng đôi lúc cứng rắn, trong cương vị là người cha, ông cũng áp dụng những điều tương tự, nhưng khi nóng giận, ông chỉ rầy và khuyên răn các con, mà không hề đánh con cái. Tôi hiểu tâm hồn ông rất tôn giáo, trong phòng việc ở nhà ông có bàn thờ Phật, nơi mà ông dùng làm nguồn thờ phượng tâm linh và là nguồn cho sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn. Thật vậy mỗi con người chúng ta có những lúc va chạm giữa đạo và đời, giữa thiện tâm và ganh ghét, giữa bao dung và ích kỷ, giữa lẽ phải và sai lầm,... Tôi thích có nhiều bạn bè, những thân hữu, những Mai Thanh Truyết, Nguyễn Lý Sáng, Dương Viết Điền, Thái Tú Hạp, Phan Đình Minh, Đặng Hùng Sơn, Vương Hà, Phi Loan, Lương Mỹ Hạnh, Phan Anh Dũng, Anh Bằng, Ngọc Hà, Lê Văn Khoa, Trương Ngọc Thạch, Tâm An Đỗ Văn Học, Tôn Kim, Việt Loan, Tiểu Thu, Vương Hồng Mai, Vân Khanh, Mỹ Lan, Lan Nhi, Quỳnh Giao, Lâm Mai Thy, Tăng Đức Sơn, Cao Minh Hưng,… có những lúc chúng ta trong cuộc sống này đối diện với những điều khó khăn trăm bề, tâm sự riêng về những dằn co từ ý nghĩ, giữa đạo và đời,... Phải chăng "Nhân chi sơ tính bản thiện" ? điều mà Khổng Tử nhận định mọi người như vậy, nhưng rồi môi trường sống biến hóa con người sa ngã, "tha hóa" làm xấu đi.

 

TS Mai Thanh Truyết thuyết trình

 

6/ Mai Thanh Truyết nói với bạn bè:

 

Như đã đề cập, tác giả Mai Thanh Truyết có bạn bè đông, Mai Thanh Truyết có bạn bè nhiều, tôi biết những bạn của ông cùng trang lứa lớp Petrus Ký có Phạm Gia Cổn, Huỳnh Cao Lộc, Ngô Đình Thuần,... Bạn học bên Pháp thuở sinh viên có Phan Văn Song, Nguyễn Xuân Nghĩa, Đinh Xuân Quân,... Bạn bên Đại học Sư Phạm có Nguyễn Hoàng Duyên, Trần Đình Tuấn, Đàm Trung Pháp,... Bên Đại học Cao Đài có Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Sâm, Châu Tâm,... Bên Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (VAST) có Nguyễn Bá Lộc, Cao Minh Hưng, Trần Cảnh Xuân, Nguyễn Hữu Xương,... Bên báo chí như Đào Hiếu Thảo (RFA), Nguyễn Thanh Huy, Lê Phát Được,... bên Gia đình Nguyễn Ngọc Huy có Phùng Quốc Công, Trần Minh Xuân, Trần Minh Nhật,... Những người bạn khác như Nguyễn Thanh Liêm, Đỗ Hải Minh, Lê Văn Khoa, Châu Văn Để, Trần Văn Tích, Phan Đình Minh, Trần Văn Thuần, Nguyễn Ngọc Dung, Dương Đức Nghiêm, Chu Tất Tiến, Cao Thái Hải, Lưu Tấn Xuân, Lê Phú Huy (học trò ruột bên trường Đại học Cao Đài nay thành bạn rất thân),... Tôi xem tiếp nơi trang 152, tác giả Mai Thanh Truyết viết: "Có thể nói bạn bè tôi rất đông. Từ bạn học từ thời tiểu học, trung học, đại học, rồi bạn tranh đấu bên Pháp, bạn sau 30/4/75, bạn trong trại tị nạn, và sau cùng bạn trong thời gian sống tạm dung trên mãnh đất hoa Kỳ nầy. Bạn đến rồi bạn đi vì "xa mặt cách lòng" cũng có. Bạn "đi" vì không cùng quan điểm, thậm chí không nhìn mặt nhau… cũng không thiếu. Tuy nhiên tôi vẫn hãnh diện vì cũng cón có rất nhiều bạn ở khắp mọi nơi ngay cả những người bạn vẫn còn trong vòng kiềm tỏa của cường quyền.

 

Đối với bạn, tôi vẫn luôn luôn tôn trọng dù bạn đó đã xa tôi hay đã xem tôi như không cùng quan điểm nhứt là trong công cuộc chiến đấu mang lại tự do và nhân quyền cho Việt Nam tương lai. Cho dù thế nào đi nữa, tôi cũng vẫn trân quý những người bạn đã từng nhận là bạn của tôi một thời."

 

Mai Thanh Truyết quý bạn bè, ông gửi gấm những dòng ân tình thêm: "Xin mượn những dòng chữ trên đây ghi nhận và cám ơn tất cả các bạn gần xa khắp nơi trên quả đất nầy."

 

Trong danh sách những người bạn trên, tôi xin đan cử, trích đoạn 2 người bạn văn viết về ông hay liên quan đến tác phẩm này của ông. Nhà văn trẻ Cao Minh Hưng nhận định về sách "Tâm Tình Người Con Việt", tôi xin dùng 2 trích dẫn trong bài viết của anh Hưng như sau:

 

"Lần giở những trang sách, tôi bị lôi cuốn bởi những điều anh ghi lại, không giống như nhiều quyển hồi ký của các tác giả thường kể về những thành tích của "một thời vang bóng" của họ, mà trái lại, tôi có cảm giác như một người anh đi xa lâu ngày không gặp đang ngồi trước mặt tôi để kể lại những gì đã trải qua trong một quảng đời của anh. Bình dị, từ tốn, mộc mạc và chân tình." 

 

Tôi đồng ý với anh Cao Minh Hưng, văn phong trong sách mới này là với ngòi bút chân tình, khiêm tốn, tuy mộc mạc và bình dị cũng như bố cục nối kết mạch lạc khi tác giả Mai Thanh Truyết giải bày tâm tình của mình.

 

"Điều làm tôi cảm phục qua những chương sách anh viết, với những bố cục rất rành mạch, là kết thúc với một "lời nhắn".  Đó là những tâm tình, như tựa đề của bài viết, từ đáy lòng, từ con tim của tác giả, có khi là một lời chia sẻ, một nhận xét xác đáng, môt lời lên án đanh thép, hay một góp ý chân tình cho đối tượng là những người cộng sản trong nước mong họ sớm thức tỉnh hay cho những thế hệ mai sau chưa nhận ra hết chân tướng và những bản chất của chế độ..."

 

Nếu Cao Minh Hưng là một người trẻ thì nhà giáo Trần Minh Xuân đang trên hoan lộ hướng đến bát tuần, ông cụ cao niên này viết văn với bút hiệu không trẻ, tôi muốn đề cập về GS. Trần Minh Xuân, hay ông "Giáo Già". Ông cho nhận định về tác giả Mai Thanh Truyết với bao kỷ niệm về tình bạn vui thú như sau:

 

"Ðiều đáng nói hơn nữa nơi Truyết là căn nhà Truyết đang ở, tọa lạc tại thành phố Westminster, nơi tôi thường trú ngụ mỗi khi đi Nam California. Ðó là nơi được tôi và cựu Luật sư Trần Minh Nhựt gọi là "Tụ Nghĩa Ðường", vì nó là nơi những đồng chí của anh trong Ðại Việt Quốc Dân Ðảng (anh là Phó Chủ tịch đương nhiệm) và bè bạn khắp nơi có dịp về Nam California hội ngộ, với bất cứ lý do gì. Tất cả cùng đến gặp mặt, đàm đạo trong bữa cơm tối thân mật, chung vui một ly bia, hay ngồi bên nhau uống tách trà đêm khuya, tách café buổi sáng,… với tất cả thân tình của những anh em bè bạn "cùng một lứa bên trời lận đận".

 

Vì có mặt thường xuyên ở "Tụ Nghĩa Ðường", nơi mà tôi đặt là "Khách sạn Ba sao Le High", nghĩa là từ con đường huyết mạch Bolsa của thủ phủ Little Saigon rẽ vào đường Le High khá khang trang, nên tôi am hiểu những điều ông Giáo Già mô tả về cơ ngơi của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, ông Giáo dùng câu thơ về tình bạn của thi sĩ thời Đường: "Cùng một lứa bên trời lận đận, Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau" (hay câu từ tiếng Hán: "Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân, Tương phùng hà tất tằng tương thức"), Bạch Cư Dị (772-846). Ông Giáo Già kể tiếp:

 

"Phần tôi, lần nào đến với Truyết anh cũng đều cầm điện thoại gọi cho tôi nói chuyện viễn liên với các Giáo sư Nguyễn Văn Trường, Lê Công Truyền… và không lần nào vắng mặt Ðỗ Hải Minh (Dohamide) cho dầu sức khỏe anh không được tốt. Riêng phần chị Ðiệp, hiền nội lúc nào cũng sát cánh bên anh theo đúng câu hát "anh ở đâu thì em đó", chị tiếp đãi bạn bè của anh hết sức thân tình khiến tôi bất chợt nghĩ ngay 4 câu lục bát thoang thoảng mùi thiền. Xin được dùng làm đoạn kết của bài viết… tản mạn này:

 

"Trên cao vi tiếu Phật ngồi

Cõi trần Ðiệp-Truyết mỉm cười nghe kinh

Vô ưu chim sáo tự tình

Sắc-Không/Không-Sắc thương mình thiết tha."

Trần Minh Xuân.

 

Thưa, đó là hai người bạn văn tiêu biểu của tác giả Mai Thanh Truyết mà tôi đan cử ra đây. Mai Thanh Truyết có bạn bè nhiều, Mai Thanh Truyết có bạn bè đông, thật vậy, không sai.

 

7/ Nói với những người đang cầm quyền ở Việt Nam:

 

Tác giả viết thẳng không vòng vo: "Xin nói ngay là những dòng chữ sau đây không phải là lời nhắn gửi hay trao đổi với họ mà chính là một vài suy nghĩ về họ trong cung cách quản lý toàn thể đất nước hơn 36 năm qua.

 

Nhớ lại, trong những buổi hoàng hôn trước ngày 30/4/1975, tâm trạng một thanh niên trẻ,  mang bầu nhiệt quyết hầu mong đóng góp một chút gì cho quê hương, đang bị dằn co bởi ý tưởng ĐI hay Ở. Sau cùng quyết định ở lại đã chiến thắng, xóa đi nỗi khắc khoải của nội tâm vì một suy nghĩ rất "lãng mạn" rằng:"Cho dù CS Bắc Việt có chiếm miền Nam đi nữa, mình cũng thể đối thoại được với họ, vì cùng chung chủng tộc và cùng một ngôn ngữ". Nhưng tôi đã lầm, cũng như nhiều người đã lầm, vì họ và tôi không nói cùng một tiếng nói mặc dù cùng phát âm tiếng Việt. Trước bế tắc của cuộc sống và tương lai con cái, phải đành liều chết vượt biên mà thôi. Không còn một giải pháp nào khác.

 

Trong suốt hơn 20 năm thực sự dấn thân vào con đường tranh đấu dù dưới danh nghĩa cá nhân hay thành viên của Hội khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST) hay dưới danh nghĩa Đại Việt, qua 6 cuốn sách viết riêng hay viết chung với các bạn như GS Trần Minh Xuân, TS Phan Văn Song, tôi đã trang trải trong đó, nỗi lòng của người con Việt, nói lên những vấn nạn môi trường do sự phát triển không ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa và bảo vệ môi trường cùng những chính sách y tế, giáo dục hoàn toàn đi ngược lại trào lưu tiến bộ của văn minh thế giới."

 

8/ Tác giả nói với chính mình:

 

Khi tác giả tự bạch, ta nói với mình, ông dùng lời của GS. Nguyễn Văn Trường thường nhắc nhở ông: "Cuộc sống vốn đã bất toàn", với tuổi đời vượt ngưỡng cửa "cổ lai hi", có nhiều điều ông bôn ba dấn thân tranh đấu ngỏ hầu hạ bệ chế độ đương quyền để xứ sở  đổi thay, nhưng đường dài, gian truân không ít, ông không toại nguyện vì xứ sở hiện lâm nguy vì tình cảnh nguy cơ mất nước vào tay ngoại bang.

 

Tác giả cho lời kết cho sách "Tâm Tình Người Con Việt" với mục đích sách được biên soạn và ấn hành là "cuốn sách cuối cùng tôi trang trải về những ưu tư về đất nước thân yêu của chúng ta, một Đất Nước trong suốt chiều dài lịch sử từ khi lập quốc cho đến ngày nay phải chịu nhiều oan nghiệt.

Nhưng tiếc thay, những oan nghiệt trong quá khứ đã đến từ một chủng tộc khác dòng, khác giống; còn nỗi oan nghiệt dân tộc phải chịu ngày hôm nay phát xuất từ một chủng tộc đồng nhứt, nói cùng một ngôn ngữ Việt tộc."

 

Cái khó nhất hiện nay là giới cầm quyền phải khôn khéo bước xuống trả lại quyền cai trị cho người dân, và rồi toàn dân đoàn kết chống ngoại xâm. Thiết nghĩ đó cũng là ước mơ của của tác giả Mai Thanh Truyết và của cả mọi người.

 

TS Mai Thanh Truyết thuyết trình

 

Với tôi, người viết bài này, nhận xét tác giả sách là cuối đời người ở tuổi hưu trí, từ bằng cấp, kiến thức, công thành danh toại về nghề nghiệp, cho đến con cái đều thành tài, Mai Thanh Truyết có đủ cả, ông có thể rửa tay gác kiếm qui ẩn hay thư thái ung dung hưởng thụ, nhưng tinh thần Mai Thanh Truyết theo khuynh hướng của cụ Nguyễn Công Trứ, ngoài 70, thất thập cổ lai hi, vẫn ưu tư, trăn trở và muốn xông pha ra chiến trận đánh đuổi giặc Tây ra khỏi bờ cõi của xứ sở ta, tinh thần vì ý thức "quốc gia hưng vong thất phu hữu trách", chia chung nỗi đau khổ ngậm ngùi của kẻ sĩ, Mai Thanh Truyết bôn ba ở tuổi xế chiều chống giặc Tàu xâm lăng, xua đuổi giặc Tàu bá quyền ra khỏi bờ cõi.

 

Viết lên những dòng này tôi muốn cám ơn những ý tưởng cao quý của tác giả Mai Thanh Truyết, những gương ái quốc, gương thủy chung với dân tộc và đất nước như Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu hay Nguyễn Ngọc Huy vẫn mãi mãi sáng ngời trong sử sách.

 

 

Trần Hoàng Nam

 


//////////////////////////////////////////////////