Thời Báo Toronto phỏng vấn Mai Thanh Truyết- 5-2009

Nguy cơ mất nước qua việc khai thác bauxite Tây nguyên

L.T.S: Vấn đề khai thác bauxite tại Tây nguyên của nhà cầm quyền CSVN hiện nay đang gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ trong nước ra đến hải ngoại. Mặc dù có những khuyến cáo của những khoa học gia trong và ngoài nước, Bộ Chính trị đảng CSVN vẩn khẳng định đây là chủ trương " lớn" của nhà nước. Dưới đây là phần hội thoại của đài TNVN và tiến sĩ Mai Thanh Truyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hội Khoa học Kỹ thuật VN về sự kiện nói trên nhân dịp ông đến Toronto.

Vũ Phạm Yên (VPY): Theo ông, vấn đề khai thác bauxite có mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước Việt Nam?

Mai Thanh Truyết: Chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề này từ ba tháng nay. Thực ra sự kiện này đã xảy ra từ lâu. Trong thông cáo chung đã ký ngày 3/12/2001 giữa Nông Đức Mạnh và Trung Cộng có ghi:"Hai bên tích cực ủng hộ và thúc đẩy các doanh nghiệp của hai nước hợp tác lâu dài cùng có lợi trong các lãnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế biến, phát triển nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lãnh vực quan trọng khác. Hai bên cùng tăng cường hợp tác trong các dự án như Bauxite Đắk Nông, trong các dự án khuôn khổ hành lang một vành đai kinh tế". Cũng chính Nông Đức Mạnh trong một Thông cáo chung khác ký với Trung Cộng vào tháng 12/2008 xác nhận: "Đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc ở hiện trường để đẩy nhanh tiến độ dự án".

Dự án khai thác quặng bauxite do chính Thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng ký sắc lịnh số 167 ngày 1/11/2007 và đã bắt đầu khởi công từ đầu năm 2008 ở công trường Bảo Lâm (Bảo Lộc) và giữa năm 2008 ở công trường Nhân Cơ, Đắknông, nhưng chỉ chính thức công bố vào đầu năm 2009 mà thôi. Có thể nói, tất cả góp ý về việc khai thác quặng mõ bauxite ở vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam đều khuyến cáo là không mang lại hiệu quả kinh tế. Trước mắt, trong giai đoạn đầu khai thác, Trung Cộng chỉ có thể sản xuất ra oxid nhôm mà thôi và sản phẩm nầy có trị giá kinh tế trên thế giới hiện nay (2008) là $300/tấn. Trong lúc đó, nếu dùng nguồn đất trên để sản xuất cây công nghiệp như trà, cà phê, tiêu, cao su v.v. thì thu hoạch cho mỗi hecta có thể đạt hơn $1.000/hecta. Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng là hiệu quả kinh tế của việc khai thác bauxite là không đáng kể so với việc trồng cây công nghiệp, và chưa nói đến mức di hại về sau qua việc ô nhiễm môi trường sau đó. Đứng về phương diện lao động, việc khai thác nầy cần phải có 2,5 hecta mới cung cấp cho một lao động. Điều nầy hoàn toàn đi ngược lại quan niệm về phát triển bền vững và hiệu quả kinh tế.

Để bào chữa cho việc khai thác Đảng bộ và một số UBND các tỉnh đã biện minh là phát triển bauxite có lợi thế hơn sản phẩm nông nghiệp vì giá bán sản phẩm nông nghiệp bất ổn định và vùng đất bazan không thích hợp cho việc trồng trọt các cây nầy và, sau khi khai thác có thể phủ lớp đất thịt lên vùng đã khai thác và sử dụng lại trong nông nghiệp. Đây quả thật là một nhận định phản khoa học và chỉ nói theo để làm vừa lòng "lãnh đạo" bên trên mà thôi.

VPY: Nếu khai thác, đời sống xã hội và môi trường sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Mai Thanh Truyết: Đây là một việc làm hoàn toàn không ứng hợp với việc bảo vệ môi trường, cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là những người thiểu số. Tất cả các chuyên viên đều cho rằng mức độ ô nhiễm môi trường rất cao. Chính Trung Cộng bị buộc phải đóng cửa trên 100 nhà máy khai thác bauxite trong đó có một nhà máy vừa mới khánh thành tiêu tốn trên 1 tỷ Nhân dân tệ vì không giải quyết được áp lực của người dân và sức ép của luật môi trường.

Quặng bauxite là một loại quặng lộ thiên, nghĩa là quặng mõ nằm dưới lớp đất thịt (đất đỏ bazan ở vùng Cao nguyên) dày khoảng từ 8 tấc đến 2 mét tùy theo vùng đất.

Quy trình khai thác gồm có hai giai đoạn:

• Đào xới, xử lý cơ học và hoá học để tách rời oxid nhôm (Al2O3);
• Tinh chế nhôm ròng bằng phương pháp điện phân.

Giai đoạn đầu là đào xới các quặng mỏ. Dĩ nhiên trong quặng mỏ đó có trộn đất đá và một số kim loại độc hại lẫn trong quặng bauxite, do đó cần phải tách rời ra bằng các phương pháp cơ học và hoá học, nghĩa là tẩy rửa bằng nước và bằng sút để ra quặng alumina. Alumina là một hợp chất oxid của nhôm (Al2O3). Còn lại chất phế thải là bùn đỏ trộn lẫn với sút và nước chúng ta gọi là một chất bẩn độc hại âm thầm gồm các hoá chất độc hại như sau: các oxid sắt, nhôm ngậm nước, silic, natri, calci, titan, chrome, kẽm, và một số hoá chất hữu cơ. Nói về vấn nạn ô nhiễm do khai thác quặng mỏ lộ thiên thì vấn đề bụi là việc đầu tiên chúng ta phải đặt ra. Bụi ở đây không phải là bụi nằm trong vùng khai thác mà bụi đó sẽ che phủ toàn vùng kể cả khu dân cư và khu nông nghiệp chung quanh. Những bụi đỏ đó sẽ bám trên lá cây trồng trọt trong nông nghiệp trong suốt thời gian khai thác và sau đó, do đó cây trồng không thể phát triển bình thường được.

Đối với con người, khi bụi đó đi vào đường khí quản và vào trong phổi trong một thời gian dài, người bị tiếp nhiễm sẽ có nguy cơ đưa đến ung thư phổi. Qua kinh nghiệm ở những vùng khai thác mỏ than ở các quốc gia bên Tây Phương người ta thấy tình trạng ung thư phổi vì bụi rất caọ Thành phần hoá học của bụi đỏ, ngoài các hoá chất độc hại có trong bùn đỏ, còn có một số chất phóng xạ thiên nhiên có trong các quặng mõ như các tia Radium, Thorium, và beryllium… có thể gây ra ung thư đường hô hấp.

Thêm nữa, cũng cần lưu ý đến mưa acid trong vùng khai thác vì không khí đã bị ô nhiễm khí sulfurơ phát thải ra trong giai đoạn khai thác. Mưa acid là nguyên nhân đưa đến tai hoạ cho cây trồng nhiều nhất.

Khi đào sới, lớp đất thịt ở trên mặt sẽ không còn nữa và bùn đỏ có trộn lẫn hóa chất như sút và một số kim loại độc hại kể trên sẽ chiếm một diện tích rất lớn trong việc khai thác. Người ta ước tính muốn khai thác một hecta quặng bauxite thì sẽ phát sinh ra một hecta bùn đỏ, và qua thời gian, qua mưa bão, bùn đỏ có thể xâm nhập vào nguồn nước ngầm và làm cho nguồn nước nầy bị ô nhiễm. Nên nhớ, nước ngầm là nguồn nước sinh hoạt của toàn thể cư dân vùng cao nguyên. Thứ nữa, bùn đỏ, đặc biệt là tại vùng Đắk Nông và Nhân Cơ, qua thời gian và mưa có thể di chuyển theo các rạch nước để đi vào song Serépôk và di chuyển xuống thượng nguồn sông Đồng Naị Và như chúng ta đã biết, sông Đồng Nai là nguồn nước cung cấp cho toàn vùng Miền Đông Nam Việt và đặc biệt là thành phồ Sài Gòn.

Đó là những nguy cơ rất quan trọng, tức là nguy cơ về không khí và nguy cơ về nguồn nước cung cấp cho 30 triệu cư dân bao gồm nước sinh hoạt và nước ngầm ảnh hưởng đến trên.

Qua sự hiện diện của nhôm trong nước hay trong tôm cá trong vùng khai thác sống trong nguồn nước đã bị ô nhiễm, con người có nguy cơ ảnh hưởng lên sức khoẻ qua việc ăn uống hay sử dụng nguồn nước trên. Việc nầy đã được giới y khoa chứng minh là việc tiếp nhiễm có thể đưa đến: mô não bị huỷ hoại (encelopathy), bị loãng xương, thiếu máu, và có thể bị chứng Parkinson. Còn đối với đời sống tôm cá trong vùng bị ô nhiễm, chúng sẽ bị tiêu diệt lần lần và có thể bị tiệt chủng.

Triệu chứng thông thường ảnh hưởng lên đời sống của người dân sống chung quanh vùng khai thác quặng mõ là cảm thấy khó chịu, bị chóng mặt, buồn nôn. Nếu bị tiếp nhiễm lâu dài có thể bị ngất xỉu bất cứ lúc nào và có thể đi đến hôn mê.

VPY: Có phải vì thâm thủng mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Cộng nên Hà Nội nhường quyền khai thác bauxite cho Trung Cộng?

Mai Thanh Truyết: Theo quan điểm cá nhân chúng tôi, tôi không cho rằng như vậy. Nhưng đây là một thỏa thuận của đảng Cộng sản Việt Nam va Trung Quốc để kiểm soát toàn bộ vùng Đông Nam Á. Tại sao Trung Cộng không khai thác tại Trung Quốc hoặc Tuyên Quang mà lại phải nhắm vào vùng xa xôi như Tây nguyên, một nơi hoàn toàn khó khăn cho việc chuyên chở, giao thôngvà cũng không có nhân sự tại chổ để khai thác.

VPY: Tại sao nhà cầm quyền CSVN cố tình bưng bít sự kiện (văn bản đã ký kết từ năm 2007) và chỉ tiết lộ thời gian gần đây? Tướng Giáp vừa gửi thư thứ 3 cho Bộ Chính trị Đảng CSVN . Trước đây tướng Đồng Sĩ Nguyên cũng phản đối. Theo quan điểm cá nhân, ông có nghĩ rằng những phản đối này có hiệu quả?

Mai Thanh Truyết: Có những công trình lớn, bộ Chính trị đã quyết định không thông qua bất cứ ai, âm thầm thực hiện như việc đầu tư 3 tỷ đô la vào việc thiết lập 24 nhà máy đường với máy móc cũ mua lại của Trung Quốc, tại 24 địa điểm như ở Quảng Bình là những nơi cày lên sõi đá không có thể trồng mía. Hoặc vào tháng 06 năm 2008, tại An Giang, nhà cầm quyền Hà Nội cho xây nhà máy giấy với kinh phí là 1 tỷ 2 đô la và tại Hậu Giang làm gì có cây rừng để làm bột giấy. Tiết lộ chậm trễ việc khai thác bauxite chỉ là câu giờ để Quốc hội bù nhìn CSVN có thời gian đi vào thế chấp nhận việc đã rồi.

Hà Nội để cho tiếng nói phản kháng nổi lên cũng chỉ là để "xì hơi" mà thôi, chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của Bộ Chính trị. Kể từ tháng 6/2008, Trung Cộng tập trung vào việc khai thác bauxite tại Nhân Cơ trên một diện tích 140 hecta, dùng làm nơi lắp đặt nhà máy và cơ xưởng. Đồng thời, Trung Cộng cũng đang lắp đặt nhà máy thuỷ điện Đắt Tít với công suất 144 MW và lấy nước từ 4 hồ lớn chạy dọc theo sông Serépok để cung cấp nước cho nhà máy thuỷ điện. Và thử hỏi, biết đến bao giờ mới hoàn tất nhà máy thuỷ điện để có điện dùng cho việc khai thác nhôm. 5 năm, hay 10 năm sau?

Trong khi hiện nay, thị xã Đà Lạt, một trung tâm du lịch có tầm vóc quốc gia, nhưng người dân còn phải sử dụng điện tính theo ngày chẳn, ngày lẽ và nước cũng chỉ được phân phối nhỏ giọt, lấy đâu cho cho việc khai thác bauxite đây. Chúng tôi nghĩ rằng qua việc khai thác bauxite, Cộng sản VN và Trung Quốc sẽ thực hiện mưu đồ khác.

VPY: Anh vừa nói đến sự thỏa thuận giữa 2 đảng CS Việt Nam . Tại sao khi Trung Cộng lấn chiếm đất và biển Hà Nội phản đối. Phải chăng có sự mâu thuẩn trong chính sách ngoại giao?

Mai Thanh Truyết: Thực ra sự phản đối này chỉ có chiếu lệ. Tại sao 8 tháng trước đây khi Trung Cộng xâm chiếm lãnh hải Việt Nam không lên tiếng. Sự phản đối lúc này chỉ để xoa dịu dư luận dân chúng trong nước mà thôi

Chúng tôi không có thể nói hết tất cả các mắc xích của vấn đề vì . Chúng tôi hy vọng sẽ có thể nói hết mọi góc cạnh của nguy cơ mất nước qua việc khai thác bauxite này vào một dịp khác.

VPY: Đài TNVN VN cám ơn ông đã dành thời giờ cho buổi mạn đàm hôm nay. Rất tiếc vì thời gian có hạn, chương trình hội thoại tạm kết thúc nơi đây.
//////////////////////////////////////////////////