NGÀY 01-15 THÁNG 03 NĂM 2013
SỐ 33—NĂM II
CHỐNG TÀU DIỆT VIỆT CỘNG
Lấy mỡ nó rán nó
Trong cuộc tranh đấu giữ đất, người giáo dân xứ Thái Hà đã dùng câu châm ngôn "lấy mỡ nó rán nó" làm phương pháp hướng dẫn hành động. Mới thoạt nghe qua tưởng chừng ám chỉ những phương thức bình thường như dùng máy chụp hình, quay phim thu lại những cảnh công an đàn áp hay mặt mũi những tên côn đồ rồi đưa lên mạng để mọi người biết mặt, nhưng thực ra đây chính là hành động rất hiệu quả của phương pháp đấu tranh dân sự (bất bạo động) gọi là Ju-jitsu, tạm dịch là hiệu ứng "gậy ông đập lưng ông".
Hiệu ứng "gậy ông đập lưng ông" là lực tác dụng ngược lại. Thí dụ trường hợp một người biểu tình ôn hòa bị cảnh sát đánh đập dã man. Nếu cảnh đánh đập này được thu hình lại và phổ biến rộng rãi thì sẽ có nhiều người cảm thông với người biểu tình và quay ra chống đối lại là nhà cầm quyền. Như thế sự đàn áp thô bạo của nhà cầm quyền đã không mang lại kết quả mong muốn là làm nhiều người sợ mà làm gia tăng số người bất mãn.
Thông thường cách mạng dân sự được tiến hành dưới hình thức phong trào. Là phong trào thì phải thật đông đảo mới bảo đảm sự thành công. Phương pháp tìm kiếm số đông vượt bực này không thể đạt được bằng cách mời gọi từng người như hình thái tổ chức đoàn thể, đảng phái. Hơn nữa điều kiện gia nhập đều phải dựa trên hai yếu tố như đảng phái là hoàn toàn tự nguyện và sẵn sàng dấn thân. Hiệu ứng gậy ông đập lưng ông chính là phương pháp cần thiết để tạo dựng phong trào đấu tranh.
Đa số các cuộc cuộc cách mạng ôn hòa đã từng xảy ra đều theo một mô hình tổng quát giống nhau. Ban đầu một nhóm nhỏ người biểu tình do bất mãn với một chuyện gì đó. Nhóm người này liền bị cảnh sát đàn áp thô bạo. Như đã tiên đoán và để không uổng phí sự hy sinh bị đánh đập của những người đi đầu, nhóm biểu tình sắp xếp chuyên viên thu hình trực sẵn đâu đó và thu lại tất cả chuyện xảy ra. Liền như lập tức, những hình ảnh tàn nhẫn của cảnh sát được chuyển lên internet, rồi báo chí phụ vào đưa tin và số người biết về câu chuyện tăng lên. Một số người bàng quan cảm thấy bất mãn với cách hành xử của cảnh sát sẽ nhảy vào bênh chữa và tiếp tay cho nhóm biểu tình. Thấy vậy, cảnh sát tăng cường thêm lực lượng và đàn áp mạnh tay hơn, nhưng lại nhờ qua truyền thông, số người biết tin về tình hình gia tăng giúp cho số người chạy đến hỗ trợ nhóm biểu tình tăng theo. Cứ theo chu kỳ như thế, khi đàn áp càng tăng thì phe đối kháng càng đông người hơn. Tới một giới hạn, số lượng người xuống đường vượt xa số lượng cảnh sát và lực lượng cảnh sát trở nên vô hiệu.
Hiệu ứng "gậy ông đập lưng ông" xảy ra ở Việt Nam thế nào?
Các loại tổ chức xã hội như công nhân và nông dân được đcsVN đặc biệt chú ý vì hai giới này là động lực chính của nền kinh tế. Nếu hai giới này trở nên bất tuân phục mà đình công thì cả bộ máy chính quyền sẽ bị ngưng trệ. Vì hiểu được như thế nên đcsVN đã đàn áp rất mạnh đối với những người trẻ đứng lên vận động công nhân thành lập nghiệp đoàn độc lập như Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương. Tuy nhiên sự hy sinh của những người trẻ này đã không uổng phí mà đã gỡ bỏ được mặt nạ "đảng của giai cấp công nhân" của đcsVN. Sau họ chắc chắn sẽ có thêm nhiều người khác noi theo và ngày nay, có lẽ chẳng còn công nhân nào tin đcsVN là đảng đại diện cho họ.
CHỐNG TÀU DIỆT VIỆT CỘNG
Một giới thường tiên phong trong mọi phong trào dân chủ là sinh viên, thanh niên mà đcsVN đặc biệt kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, sự kiểm soát sẽ khó thực hiện trong điều kiện thông tin internet ngày nay. Giới trẻ sẽ không dễ bị lừa nữa vì bức tường che dấu sự thật chỉ là phương cách vượt tường lửa. Sự kiện Phương Uyên, một thành viên Đoàn Thanh niên cs, dám kêu gọi chống Tàu, báo hiệu sự hiểu biết rộng rãi trong giới sinh viên về chuyện bán nước của đcsVN. ĐcsVN bắt Phương Uyên để răn đe nhưng sẽ không thể đạt mục đích vì không ai có thể che dấu sự thật được, và việc làm này của họ chỉ làm cho giới sinh viên càng mất lòng tin vào đcs hơn.
Về tôn giáo thì có thể nhận thấy rằng đcsVN đã không thể khuất phục được số lượng đông đảo tín đồ các tôn giáo ở VN. Họ chỉ có thể tạm thời kiềm chế và khả năng kiềm chế của họ đang dần dần mất hiệu quả; vì dưới sự mở cửa kinh tế và giao thương với thế giới ngày nay, mọi hành vi đàn áp tôn giáo đều sẽ bị lên án. Chỉ cần trở về quá khứ vài năm là có thể thấy đcsVN đang thua từng bước trước các tôn giáo. Từ việc đàn áp thẳng tay Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất, Cao Đài, Hòa Hảo, Thái Hà, Đồng Chiêm, Cồn Dầu, các giáo hội Tin Lành… cho tới nay, đcsVN chẳng răn đe được vị chủ chăn hay tín đồ nào mà càng làm cho họ trở nên thù ghét chế độ và can trường hơn, từ đó, số người chống đối càng đông đảo hơn. Một sự kiện xảy ra nhân chuyện góp ý Hiến pháp là một bằng chứng: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thẳng thắn trình lên yêu cầu sửa đổi HP, gạt bỏ những đặc quyền, đặc lợi của đcs như quyền lãnh đạo, quyền "quản lý" đất, quyền đứng trên luật pháp và quốc gia…, đồng thời yêu cầu phải đặt các quyền con người ở vị thế bất khả xâm phạm. Không ai có thể ngờ rằng HĐGMVN, đại diện cho 8 triệu người Công giáo, làm điều táo bạo này. Phải chăng do áp lực của dư luận giáo dân? Hay là tự ý thức trách nhiệm chủ chăn của các vị? Dù sao thì điều rõ ràng là dư luận dân chúng đang chuyển mình từ sự xin-cho sang thái độ đòi hỏi những quyền căn bản của mình.
Giới trí thức ở VN gần đây cũng bắt đầu thực hiện những sáng kiến ngoạn mục theo rất sát bài bản của đấu tranh dân sự. Sự đối kháng đang dần thành hình. Nhóm 72 trí thức đưa ra kiến nghị 7 điểm (gọi tắt là Kiến nghị 72), gồm những cựu đảng viên cs, là một viên đạn bắn thẳng vào tính chính danh của đcsVN. Các nhà trí thức đã dựa vào sự cho phép góp ý (dùng mỡ nó rán nó) mà đưa ra 7 điểm góp ý kèm theo một bản Hiến pháp hoàn toàn khác. Sau khi nhận Kiến nghị 72, Quốc hội csVN quá ngỡ ngàng không biết chống đỡ ra sao nên đã từ chối sự góp ý. Điều này tố cáo rằng Hiến pháp của Quốc hội CS đưa ra có gì khuất tất và họ không dám mở cuộc tranh luận công khai. Tuy nhiên, sự từ chối góp ý đã giúp cho Kiến nghị 72 có thêm uy tín đối với quần chúng và được nhiều người tìm đọc. Kết quả là đcsVN đã thua một ván bài trên bàn cờ do chính họ đặt ra.
Ông Gandhi từng nói, "Một khi đấu tranh bất bạo động bắt đầu thì không gì có thể ngăn cản nổi". Tính tất thắng của phương pháp này nằm ở hiệu ứng 'gậy ông đập lưng ông'. Thể chế độc tài nào cũng dựa vào bạo lực để bảo vệ quyền thống trị, nhưng bạo lực chỉ có khả năng gây sợ hãi chứ không thu phục nhân tâm. Khi bạo lực càng tăng thì sự căm ghét nhà cầm quyền cũng tăng theo và đến một lúc người dân vượt qua được nỗi sợ thì phong trào đối kháng bắt đầu.
Theo những nhà nghiên cứu phương pháp đấu tranh bất bạo động, hai yếu tố bắt buộc cần phải có để đi đến thành công là (1) phải có được sự tham gia dấn thân của đông đảo dân chúng và (2) thuyết phục được lực lượng vũ trang ngưng ủng hộ nhà cầm quyền. Nếu chỉ có quần chúng mà không có quân đội ngả theo thì sẽ có những cuộc thảm sát đẫm máu xảy ra. Mặt khác, nếu một bộ phận quyền lực nào đó, như quân đội chẳng hạn, đứng ra lật đổ đcsVN thì kết quả sẽ là một nhà cầm quyền độc tài khác; vì công lao "giành chính quyền" là của một nhóm người.
Trong giai đoạn khởi đầu của phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay, khi sự đối kháng mới chỉ nhen nhúm, việc áp dụng nguyên tắc "lấy mỡ nó rán nó" có vẻ là hợp lý hơn cả vì nhắm tới cả hai mục tiêu.
Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng
Phụ trách: Trần Văn Minh

________________________________
 "Every Generation needs a New Revolution". - Thomas Jefferson-

"Behold I do not give lectures or a little charity; When I give I give myself".Walt Whitman

 
 

 

 

 
 
 
 
//////////////////////////////////////////////////