Hệ sinh thái đại dương Vịnh Mexico - Phỏng vấn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết

Thưa quý thính giả, trong 3 tháng từ khi giàn khoan dầu Deepwater Horizon bị nổ cho tới khi công ty BP bịt lại miệng giếng dầu hôm 15 tháng Bảy, ước lượng 4,9 triệu thùng dầu đã tràn vào vùng Vịnh Mexico. Tạp chí Khoa học và Đời sống tuần này xin được dành để nói đến tác động lâu dài của tai họa dầu tràn đối với hệ sinh thái đại dương Vịnh Mexico. Mời quý vị theo dõi câu chuyện giữa Hoài Hương và Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, Chủ tịch Hội Đồng Khoa Học Việt-Mỹ.

Thưa quý thính giả, nhận định chung về tai nạn dầu tràn trong vùng Vịnh Mexico, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết nói:

"Thưa cô, vụ tràn dầu đã xảy ra từ hồi tháng Tư mà công ty BP mới vừa khóa lại nút tràn dầu, chấm dứt sự rò rỉ của giếng dầu, nhưng suốt hơn 3 tháng qua, lượng dầu tràn vào vịnh Mexico rất lớn. Mặc dù có sự cố gắng của toàn thể Ban Giám đốc BP, hệ quả của nó còn kéo dài. Qua kinh nghiệm của vụ tràn dầu ở Alaska cách đây 20 năm, hệ sinh thái bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là những sinh vật biển sống trong vùng Vịnh Mexico- là một vựa cá và tôm lớn. Đây là nơi trú ẩn thích hợp nhất cho các loại sinh vật biển này, thưa cô.

VOA: Dạ thưa Giáo sư, nhân GS nhắc đến tai nạn tràn dầu ở Alaska, xin Giáo sư phác họa một vài nét về những tai hại đã được biết, 20 năm sau khi xảy ra tai nạn tràn dầu?  

Tiến sĩ MTT: "Thưa cô, đối với vụ tràn dầu ở Alaska do chiếc tàu chứa khoảng ...chúng tôi không còn nhớ rõ, có lẽ khoảng 30,000 tấn dầu thì phải, thì cho đến ngày hôm nay, sau hơn 20 năm, dầu tràn vẫn còn ở một số vùng, lấn sâu vào bãi cát, bờ biển. Vì thời gian sinh hủy (biodegradation) của dầu đối với thiên nhiên rất lâu do đó hiện tại rất nhiều vùng vẫn bị bỏ hoang. Về ảnh hưởng tới nguồn tôm cá tại đó thì tôm cá đã bắt đầu di chuyển qua những vùng ít ô nhiễm hơn. Đó là một hệ lụy về môi sinh, về kinh tế, thậm chí ảnh hưởng tới chính trị của vùng nữa, thưa cô."
 

VOA:  Thưa Giáo sư, biết được những gì xảy ra ở Alaska, xin GS tiên đoán những gì sẽ xảy ra cho vùng Vịnh Mexico, 20 năm trong tương lai, thưa Giáo sư?

Tiến sĩ MTT: "Tôi nghĩ vụ tràn dầu BP rất là lớn, mà còn có thể nói đây là một thảm họa đầu tiên cho suốt thời lập quốc của Hoa kỳ, ảnh hưởng của nó rất to lớn vì đây là một vùng có dân cư chứ không phải vùng hoang dã như ở Alaska. Mức tác hại của nó thì trước mắt, chúng ta thấy rõ là nền kinh tế ở New Orleans, ở Mississipi, đặc biệt nơi có đồng bào người Việt chúng ta sinh sống về nghề đánh cá bị ảnh hưởng rất lớn từ tháng Tư cho tới bây giờ. Chúng ta thấy là vì yếu tố chính trị, hay là nhằm giảm bớt lòng căm phẫn của người dân, do đó tin tức trên báo chí hay truyền thanh, truyền hình, không nói hết được những nguy cơ đó. Ngày hôm nay, chúng ta thấy những hạt dầu thô đóng cục đã tràn vào ngay cả các vịnh ở phía Nam Houston, ngay cả tới Corpus Christi, một số bãi biển đã bị đóng. Đó là về mặt nổi, tình hình chung về kinh tế của các vùng, nhưng mà về hệ sinh thái trong tương lai quả thật đã bị biến đổi. Công ty BP sẽ cố gắng thu hồi tất cả những lượng dầu còn nổi trên mặt nước, nhưng mà một số dầu qua tác hại của hóa chất, công ty BP đã dùng hóa chất để khuếch tán dầu, lượng dầu đó biến thành những molécule nhỏ có thể lơ lửng hoặc tan trong biển, do đó có thể kết tụ vào những rong biển, và nằm trong những plankton, là những vi sinh vật do cá ăn, do đó ảnh hưởng tới các sinh vật biển. Còn ảnh hưởng lâu dài tới bao giờ thì quả thật, chúng ta chưa tiên liệu được, nhưng mà chắc chắn thời gian đó phải dài hơn 10 năm, 20 chục năm."

VOA:  Thưa Giáo sư, đối với các nhà khoa học thì tầm quan trọng của đa dạng sinh học đã rõ, nhưng còn đối với người thường, nếu mà một loài cá nào đó bị tuyệt chủng, thì điều đó chẳng có ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của chúng tôi, thưa, xin GS giải thích cho những người như chúng tôi biết là nó quan trọng ở chỗ nào, và tại sao mà chúng ta phải quan tâm đến tính đa dạng sinh thái?
 

Tiến sĩ MTT: "Thưa Cô, tính đa dạng sinh thái nó rất là quan trọng. Chúng tôi xin bàn rộng hơn một chút, về thiên nhiên và môi trường... Cho tới ngày hôm nay, mặc dù khoa học công nghệ đã tiến bộ đến mức thâm sâu, nhưng trong một chừng mực nào đó, con người cũng không thể giải thích, không thể làm chủ được thiên nhiên. Đa dạng sinh học rất cần thiết vì khi nó biến thể, có thể tiên liệu rằng một số hiện tượng sắp sửa xảy ra. Nếu một số vi sinh bị tuyệt chủng, thì đó là một sự biến thể của đại dương vùng đó.
 
Quay sang Việt Nam, thưa cô, trong tiến trình phát triển của Việt Nam, một số san hô của vùng biển Phan Thiết cho tới Phan Rang đều bị mất đi, do đó loài cá nục, một loài cá rất thông dụng của chúng ta, ngày nay loài cá nục đã di dời gần tới Hoàng sa và Trường sa, về phía Phi luật tân. Có thể nói loài cá nục mà chúng ta thường thưởng thức trước năm 1975 hiện giờ rất khó kiếm, thưa cô."

VOA: Dạ, cá đó ngon lắm thưa Giáo sư!
 

Tiến sĩ MTT: "Đúng như vậy, đó là một ví dụ về sự biến chuyển sinh thái. Do sự biến chuyển đó mà chúng ta chưa thể nào dự trù được, hay tiên liệu được, mặc dù khoa học rất tiến bộ."

Thưa quý thính giả, hiện tượng đáng buồn ấy đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Bất kể đi đến đâu, chúng ta cũng có thể chứng kiến những tác hại của hành động xâm lấn vào môi trường thiên nhiên cuả loài người, đưa đến sự thoái hóa môi trường sống của các động-thực vật.
 

Các nhóm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hy vọng rằng những tai họa tương tự như tai họa tràn dầu trong vùng Vịnh Mexico, sẽ nâng cao nhận thức trong công chúng về nguy cơ do các hoạt động của con người gây ra đối với đời sống thiên nhiên. Họ hy vọng sự hiểu biết ấy sẽ tăng sức ép đối với các chính quyền, đưa tới việc đề ra các luật lệ nghiêm ngặt hơn để quy định hoạt động của các doanh nghiệp và các cộng đồng.
 

Như thế hàng ngàn động và thực vật mới có hy vọng thoát nguy cơ bị tuyệt chủng.

 

________________________________
 "Every Generation needs a New Revolution". - Thomas Jefferson-

"Behold I do not give lectures or a little charity; When I give I give myself".Walt Whitman

 
 

 

 

 
 
 
 
//////////////////////////////////////////////////