Hướng đại chúng hóa những vấn đề môi trường Việt Nam
Ðỗ Hải Minh
Vào thời đại toàn cầu hóa, trong những năm qua, nhứt là sau hội nghị quốc tế Kyoto năm 1997, mối đe dọa hâm nóng khí quyển một thời, đã dấy lên làn sóng bàn tán xôn xao trong công luận nói chung về vấn đề môi trường.
Ô nhiễm trên dòng sông Thị Vải. (Hình: nongthon.vn)
Nhưng rồi sau đó, mọi việc cũng lần đi vào lắng đọng, người dân thì hàng ngày lam lũ với kế sanh nhai, hầu như mặc nhiên phó thác vấn đề cho giới chuyên gia và quan chức hữu quyền tùy từng nước.
Nay với tập công trình biên khảo "Những Vấn Ðề Môi Trường Việt Nam," tác giả Mai Thanh Truyết, cho thấy như vừa làm sống lại và gợi lên suy tư quay trở lại vấn đề môi trường, được lồng vào bối cảnh đặc thù của Việt Nam. Tác giả Mai Thanh Truyết xuất thân tiến sĩ hóa học Ðại Học Besancon, Pháp, sau thời gian trau giồi kỹ năng hậu tiến sĩ tại tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ, đã và đang hành nghề trong lãnh vực quản trị môi trường tại Nam California, Hoa Kỳ.
Với mục tiêu đóng góp một góc nhìn "dân giả" từ bên ngoài giới khoa học kỹ thuật chuyên ngành, bài viết này xin lướt thoáng qua nội dung tập sách và từ đó, ghi lại một hướng khai mở nhận ra được của tác giả, vốn đặc biệt quan tâm đến an toàn môi trường của người dân Việt trong hiện tình.
1. Nhìn lướt qua nội dung công trình biên khảo
Hầu như là một phản xạ tự nhiên, một độc giả bình thường, khi mới cầm trên tay tập sách "Những Vấn Ðề Môi Trường Việt Nam" của tác giả Mai Thanh Truyết, là hình dung ngay trong trí, tưởng tượng đến một khung nội dung đan chen số liệu thống kê, công thức hóa học, báo cáo thử nghiệm, phát biểu phân tích đánh giá, phê bình có hệ thống, v.v... có vẻ như thuộc lãnh vực chuyên môn, dùng làm cơ sở trao đổi thông tin, tranh luận, giữa giới khoa học kỹ thuật với nhau, người dân thường khó mà nuốt trôi lắm. Cảm nghĩ ban đầu này càng hiện rõ, khi nhìn vào trang Mục Lục khởi đầu bằng một chuyên đề lớn về thực trạng không còn xuyên suốt của dòng sông Mê Kông do các dự án phát triển bắt đầu từ thượng nguồn bên Trung Quốc, rồi lần xuống đến hạ nguồn qua các nước Lào, Thái, và cả chính Việt Nam, cùng đua nhau thực hiện các công trình ngăn nước, xây dựng các đập thủy điện, phục vụ nhu cầu và quyền lợi riêng của từng nước, không có và khó mà bàn định kế hoạch phối hợp chung về kỹ thuật sử dụng lượng nước một cách hài hòa đồng bộ.
Trong thảm cảnh này, vùng đất hạ lưu ở Tây Nam Nam Phần Việt Nam, ở vị trí cuối cùng có các cửa sông thoát ra biển, buộc phải hứng chịu tất cả hậu quả tai hại do nạn nhiễm mặn ngày càng lấn sâu từ ngoài biển đi ngược chiều vào đất liền, thu hẹp dần diện tích canh tác khả dụng lâu đời của người dân địa phương. Bên cạnh, ngoài ra, lại thêm nạn các công trình đê bao được thực hiện trong điều kiện thiếu nghiên cứu kỹ thuật khả thi cần thiết, phần lớn là để đáp ứng nhu cầu hiện ra trước mặt nhưng bất lợi tai hại về lâu về dài.
Qua các trang chữ, tập sách được kết thúc bằng một vấn nạn vĩ đại khác, không kém phần gây cấn cho đất nước Việt Nam, mà tầm gây hại cả vật chất lẫn tinh thần, đã khiến một số chuyên gia khoa học kỹ thuật trong nước, ở vào thế chẳng đặng đừng, đã nhứt thời tách ra khỏi lối mòn rập khuôn theo lệ thường, và đã phải chánh thức lên tiếng bài bác. Ðó là chuyên đề về các dự án khai thác Bauxite được nhà nước Việt Nam lẳng lặng giao cho Trung Quốc thầu khai thác, có hậu quả tạo bàn đạp cho nước lớn ở phương Bắc này từng bước thực hiện chiến lược bá quyền khu vực, qua các dự án thầu khai thác, trong lâu dài, âm thầm xâm lấn vào lãnh thổ Việt Nam.
Chuyên đề, ngoài ra, còn nêu lên vấn đề bảo tồn văn hóa và sắc tộc người thiểu số tức người Thượng là dân bản địa được công ước về nhân quyền Liên Hiệp Quốc bảo vệ. Liền trước chuyên đề có tầm mức quốc gia này, tác giả Mai Thanh Truyết cũng đã nhắc lại vụ kiện về độc chất da cam Dioxin, lưu ý thực chất vốn còn nhiều lưu luyến với thủ thuật tuyên truyền chánh trị quá thời.
Với hai chuyên đề lớn ghi trên ở hai đầu, tác giả Mai Thanh Truyết, tuy nhiên, đã gói gọn bên trong một loạt các bài chuyên khảo dưới tiêu đề chung là "Ô nhiễm" bao gồm những hiện tượng có vẻ gần gũi và quen thuộc với bàng dân thiên hạ hơn do những chi tiết phần lớn có liên quan trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của người dân thường.
Hiện tượng ô nhiễm có thể tự nhiên xảy ra trong thiên nhiên, nhưng bên cạnh, cũng do chính con người gây ra qua các lãnh vực sinh hoạt. Tác giả đã say sưa đưa người đọc tiếp cận với từng đề tài một, khởi đầu bằng vấn nạn hóa chất độc hại thạch tín với tên khoa học là "Arsenic," vốn tiềm tàng trong các mạch nước ngầm là nguồn cung ứng nước cho các giếng nước được các địa phương đua nhau đào trong những năm gần đây để cung ứng nước sinh hoạt hoặc tưới tiêu canh tác hằng ngày cho người dân, ít ai có thể tưởng tượng là thực sự, có tiềm năng tạo những mầm mống gây bao nhiêu bệnh hoạn tai hại cho chính mình. Biết được những mầm mống tác hại đó, nhưng người ta vẫn tiến hành đào giếng, kể cả các kế hoạch do UNICEF tài trợ tại Ấn Ðộ và Bangladesh. Về mặt này, tác giả Mai Thanh Truyết đã đưa ra khuyến cáo "việc hoàn toàn dùng nước ngầm để nâng cao sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản trong phát triển đất nước là không ứng hợp với chiều hướng phát triển bền vững toàn cầu."