TS. Mai Thanh Truyết –ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông
Phỏng Vấn TS. Mai Thanh Truyết Về Những Vấn Đề Môi Trường VN
Thanh Phong/Viễn Đông thực hiện
LITTLE SAIGON. Một trong những diễn gỉa của mục Vận Nước – Lòng Dân xuất hiện trên nhật báo Viễn Đông mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật bắt đầu từ ngày 29.1.2011 có TS. Mai Thanh Truyết, nguyên Giảng sư, Trưởng Ban Hóa Học, Đại Học Sư Phạm Sàigòn, Giám Đốc Học Vụ, Viện Đại Học Cao Đài, Tây Ninh Việt Nam; Nghiên cứu cho chương trình thuộc Viện Y Tế Quốc Gia của Đại Học Y Khoa Minnesota; Giảng dạy Hóa Học Đại Cương tại King College, Fresno, CA; Giám Đốc Phòng Thí Nghiệm và Giám Đốc Xử Lý Phế Thải, Chemical Waste Management, Kettleman City, CA.
Hiện tại ông đang giữ chức vụ Giám Đốc nhà máy xử lý nước thải (Leachate Treatment Plant) SCS/BKK, West Covina, CA – Giám Đốc Kỹ Thuật, Environment Conultant Services, LA. Ông cũng đồng thời là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Khoa Học & Kỹ Thuật VN tại Hoa Kỳ (VAST) và Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Đại Việt Quốc Dân Đảng.
Nhân dịp ông sắp ra mắt sách "Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam", vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy 19.2.2011 tại nhật báo Người Việt. TS. Mai Thanh Truyết đã dành cho Phóng viên Viễn Đông cuộc phỏng vấn vào chiều ngày 14.2.2011:
Viễn Đông: Qua nhiều năm giảng dạy cũng như nghiên cứu và hiện nay đang làm việc trong lãnh vực chuyên môn, xin Tiến sĩ Truyết cho biết vấn đề môi trường, đặc biệt những vấn đề môi trường Việt Nam quan trọng như thế nào?
TS. Mai Thanh Truyết: Ngày hôm nay đã đến lúc trái đất của chúng ta không còn tự điều tiết nữa để có thể ứng hợp với sự khai thác qúa độ của con người.Và hôm nay, con người càng đi gần đến chỗ bế tắc hơn nữa khi tìm cách giải quyết những vấn nạn môi sinh do chính con người tạo ra: Không khí bị ô nhiễm đến mức báo động, nguồn nước sinh hoạt bắt đầu cạn kiệt về lượng, cũng không còn trong lành về phẩm như trước kia nữa. Con người bị bao vây từ trên vùng trời, dưới đất và ngay cả trong lòng đất, nguồn nước ngầm đã bị ô nhiễm cũng như mức độ ô nhiễm ở các đại dương tăng nhanh, làm nguồn lương thực như cá tôm bị nhiễm độc và số lượng sinh vật bị tiệt chủng tăng dần. Riêng tại Việt Nam, sự ô nhiễm môi trường còn tệ hại hơn nhiều, ngoài những ô nhiễm như vừa kể, đồng bào trong nước đang phải sống với sự ô nhiễm arsenic, ô nhiễm vì rác, ô nhiễm vì nhập cảng phế thải độc hại vào Việt Nam, và nhiều thứ khác nữa khiến sức khỏe của người dân trong nước đang bị đe dọa trầm trọng, và đó là mối quan tâm của những ai còn có một chút lương tri với tương lai dân tộc của mình.
Viễn Đông: So với các thế kỷ trước, hiện nay rất nhiều chứng bệnh nan y như bệnh ung thư chẳng hạn xuất hiện gây tử vong cho nhân loại. Phải chăng một phần do ô nhiễm môi trường gây ra?
TS. Mai Thanh Truyết: Đúng vậy! Ngày xưa khi khoa học chưa phát triển nhiều và con người có một hiểu biết rất hạn chế, thiên nhiên vẫn ưu đãi và tạo dựng cho đời sống an lành; số mầm bệnh không nhiều so với hiện tại. Những mầm bệnh mới, nhất là ung thư mới chỉ xuất hiện trong vài chục năm trở lại đây. Đó chính là sản phẩm của các hóa chất độc hại xâm nhập cơ thể con người, tao ra những biến đổi gen không kiểm soát được; trong khi Thiên nhiên đã vận hành tuần hoàn, có chu kỳ thời tiết nắùng mưa, bão lụt cho từngkhu vực, nhưng con người lai muốn chiến thắng thiên nhiên, làm đảo lộn các chu kỳ trên một cách không kiểm soát nổi để mong thỏa mãn lòng kiêu hãnh của mình. Nhưng thực tế cho thấy, con người không thể thắng được Đấng Tạo Hóa.
Viễn Đông: Một trong những môi trường độc hại và nguy hiểm nhất là hóa chất. Tiến sĩ đã từng mang các loại nước từ nhiều vùng tại Việt Nam sang Hoa Kỳ thử nghiệm, ông thấy việc sử dụng hóa chất ở Việt Nam tai hại như thế nào?
TS. Truyết: Theo báo cáo của Viện Nghiên Cưú Chulabhorn (Thái Lan) và Sở Khoa Học Công Nghệ Môi Trường Hà Nội vào năm 2003 cho thấy, mỗi năm Việt Nam sử dụng đến 9 triệu tấn hóa chất thuộc 500 loại khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có 70-75% các loại hóa chất này được xác định với tên chính xác, còn lại là những hóa chất không rõ xuất xứ. Riêng về loại hóa chất bảo vệ thực vật có trên 200 loại dưới 700 nhãn hiệu khác nhau và có vô số hóa chất không tên, không nêu xuất xứ vẫn được lưu hành rộng rãi trên thị trường, và càng ngày Việt Nam càng sử dụng nhiều hóa chất hơn. Khoa học đã chứng minh rất rõ ràng, các loai thuốc bảo vệ thực vật dù dưới dạng hữu cơ chứa chlor hay phosphate, đều là những hóa chất độc hại làm ô nhiễm môi trường. Người Việt Nam dùng hóa chất bừa bãi, điển hình như các loại thuốc trừ sâu như Aldrin, Dieldrin, DDT (các loại này đã bị cấm sản xuất và sử dụng ơ các nước hậu kỹ nghệ) nhưng Việt Nam vẫn nhập cảng. Ngoài ra Việt Nam còn bị ô nhiễm dầu, kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium, chrome, mangan …Việt Nam cũng dùng rất nhiều hóa chất trong các loại thực phẩm v.v..khiến nguồn nước bị ô nhiểm, thực phẩm ô nhiễm, không khí ô nhiễm. Đó là nguyên nhân của rất nhiều "bệnh lạ" xảy ra trong nước như dị hình dị dạng, liệt cơ thể, hệ thần kinh hoạt động không bình thường, bào thai thiếu một bộ phận trong cơ thể, hệ thống nội tiết bị đảo lộn v.v..Nếu chỉ số DO (chỉ dấu oxy hòa tan) giảm xuống dưới 3,5 cá, tôm không thể sống được. Lượng E-coli, vi khuẩn gây bệnh đường ruột và có thể làm tử vong nếu không cưú cấp kịp thời. Trong khi tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt ở Hoa Kỳ là 23MPN/100ml thì tại Kinh Nhiêu Lộc ở Việt Nam, Lượng E-coli tăng trung bình từ 14.000 đến 480.000MPN/100ml.
Viễn Đông:Việt Nam hiện đang phải nhập cảng rất nhiều phế liệu từ nước ngoài để tái sử dụng, biến chế thành nguyên vật liệu.Tiến sĩ nghĩ sao về vấn đề này?
TS. Truyết: Việc nhập cảng các phế liệu để tái chế thành nguyên liệu là một kỹ nghệ không nhỏ ở Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn, những phế phẩm đó gồm giấy vụn, carton, nhựa dẻo, bao nylon, chai nhựa , đồ thủy tinh đã dùng qua và các thiết bị cũ như máy in, máy truyền hình, máy điện toán v.v..ngày càng được nhập vào Việt Nam và dĩ nhiên gây ô nhiễm môi trường vô cùng tai hại.
Viễn Đông: Gần đây bộ phim 2012 do Roland Emmerich đạo diễn và Công ty Columbia Film phát hành, được chiếu ở nhiều nơi trên thế giới. Bộ phim này có thể coi là một lời cảnh báo về Đại họa, hay Tận Thế vào năm 2012. Bộ phim cho thấy, vào ngày 21.12.2012 các thiên thể trong hệ mặt trời cùng tập hợp thành hàng ngang, tạo nên những tia bức xạ ngắn trong ánh nắng của mặt trời và khiến gây nên cảnh hỗn loạn trên trái đất, trong đó động đất, sóng thần kinh hoàng xẩy ra. Là một nhà nghiên cứu về môi sinh. Tiến sĩ Truyết nghĩ gì về lời cảnh báo này?
TS. Truyết: Không ai có thể biết trước ngày Tận thế, nhưng thực tế cho thấy, cuộc sống con người rất mong manh, chúng ta có thể chết bất cứ giờ phút nào, không nhất thiết phải đến ngày 21.12.2012 như cuốn phim mô tả. Một khi mỗi người ý thức rõ sự vô thường của cuộc sống thì chúng ta sẽ biết qúy trọng từng phút, từng giây của sự sống, và làm mọi cách có thể làm được để môi trường sống của chúng ta lành mạnh. Có lẽ đó cũng là mục đích người làm cuốn phim này muốn nhắn gửi nhân loại.
Viễn Đông: Cám ơn TS. Mai Thanh Truyết.
TS. Truyết: Chân thành cám ơn nhật báo Viễn Đông./