Kết quả nghiên cứu của TS Việt đã cho thấy những thành tựụ sau: Trong một thùng rác 1m2 chứa 14 Kg rác, chỉ cần 14 giờ cho việc xử lý toàn bộ rác sinh hoạt, 24 – 48 giờ cho phế phẩm từ quá trình chế biến thực phẩm hay gia súc, 7 – 8 ngày để giải quyết rác hỗn hợp. Trong khi đó nếu để ở môi trường tự nhiên, các loại rác trên phải mất 280 ngày mới có thể phân hủy. Điểm đặc biệt của phương pháp nầy là không gây mùi hôi và không tạo nguồn chất thải; đồng thời sau khi xử lý, thể tích rác sẽ giảm 90% so với ban đầu. Ngoài ra, cứ một tấn rác từ phương pháp xử lý trên còn cho thu 200 Kg nhộng, một loại thức ăn rất giàu dinh dưởng cho gia cầm và cá.
Suy luận từ các kết quả trên và nhận thấy vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng lớn đến môi sinh và sức khỏe người dân, thiết nghĩ cần phải làm sáng tỏ thêm biện pháp xử lý nầy. Trước hết cần phải minh định việc phân loại rác cho rõ ràng: rác sinh hoạt, phế phẩm từ quá trình chế biến thực phẩm hay gia súc, và rác hỗn hợp. Trong suốt thời gian sống ở Việt Nam trước và sau 1975, cũng như sau hai tuần lễ về lại Sàigòn gần đây, xin "tạm" phân loại theo "mắt thấy" và "ký ức" về các loại rác như sau:
Rác sinh hoạt là loại rác phế thải từ mọi sinh hoạt trong nhà, trọng tâm là các thức ăn uống dư thừa (trước 1975), và các loại rác từ cây, trái, củ... trong quá trình nấu nướng. Cần phải kể thêm các bao, bì giấy, nylon và...các đồ phế thải cần vất bỏ.
Phế phẩm từ quá trình chế biến thực phẩm có thể được hiểiu là rác đến từ các nhà máy chế biến trái cây, thịt hộp, cá hộp v.v...
Rác hỗn hợp. Xin chịu! Không thể hình dung được thành phần cấu tạo của rác nầy.
Ngoài những thông số đã nêu ra, TS Việt còn cho biết nhộng của ruồi lính đen là một thức ăn giàu dinh dưởng cho gia cầm và cá.
Bài viết nầy xin góp ý về tính cách khả thi và tình trạng thực tế trong việc áp dụng phương pháp xử lý rác mới nầy.
Mặc dù không có kiến thức về côn trùng học nhưng qua sự tìm hiểu, người viết nhận thấy hai vấn đề căn bản cần phải thảo luận nơi đây là: xử lý rác dưới dạng nào, và việc xử dụng nhộng làm thức ăn cho gia cầm.
Trước hết, ở các quốc gia phát triển, việc dùng ruồi để xử lý phân chuồng (manure) như phân gia cầm và nhứt là phân bò được thực hiện rất hạn chế và ở những khu ít dân cư ngụ. Họ đã dùng Ruồi nhà (House fly – Musca domestica), "Ruồi chuồng ngựa" ( Stable fly – Stomoxys calcitrans) , Ruồi rác đen (Black garbage fly – Ophyra aenescens), Ruồi lính đen, và Ruồi lằng hay Nhặng (Rat-tailed maggot – Eristallis tenax). Bằng phương pháp nầy Sheppard (Environ.Entomol. 12:1439 – 1442, 1983) đã giãm thiểu được 50% thể tích của phân chuồng sau khi xử lý. Nên nhớ phân chuồng là một hợp chất hữu cơ thuần nhất, không chứa các tạp chất như bao, bì hay nylon, võ cây v. v...và là thức ăn thuần túy cho ấu trùng. Phương pháp cũng đòi hỏi một quy trình xử lý rất quy mô và nhộng sẽ bị giết chết bằng thuốc sát trùng Larvadex trước khi lột xác thành ruồi. Trong việc xử lý phân bò sữa, các "nhà máy" xử lý phải đặt cách xa các trung tâm sản xuất và lưu trử sữa vì ruồi có thể mang mầm bịnh như: bovine virus diarrhea (BVD), infectiuos bovine rhinitis (IBR), para influenza serotype 3 (PI 3) và trên 65 mầm bịnh cho người và súc vật. Do đó, dùng ruồi lính đen để giải quyết 90% rác sinh hoạt quả là một việc làm không tưởng!
Thêm nữa, việc xử dụng nhộng để làm thức ăn cho gia cầm và cá có thể là một vấn nạn lớn nếu đem vào áp dụng. Làm thế nào kiểm soát vấn đề "vệ sinh phòng dịch" khi con người tiêu thụ các gia cầm được nuôi bằng phương pháp trên? Và làm thế nào để giữ nhộng dưới dạng nhộng trước khi biến thành ruồi? Nếu không dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn thấy mặt trời một khi số lượng gia cầm không tiêu thụ hết lượng nhộng sinh sản ra qua quá trình xử lý.
TS Việt đã làm một bước cố gắng là động nảo để tìm một phương cách giải quyết vấn đề rác ở Việt Nam. Đó là một điều rất đáng khích lệ trong chiều hướng làm cho môi trường Việt Nam sạch hơn so với hiện tại. Tuy nhiên, nếu bằng mọi giá để đưa ra những thông số kỹ thuật không hợp lý và không thực tế, để quy về một thành tựu "tưởng tượng", kết quả của một vài thí nghiệm "đặc biệt", để rồi sau cùng cổ võ cho một sáng kiến mới, điều nầy là một việc không nên làm. Xin hỏi 14 Kg rác sinh hoạt là rác gì (?) mà ấu trùng có thể "sơi tái" hết 90% trong vòng 14 giờ ? Nếu đây là một thực tế xin đan cử bãi rác Đông Thạnh làm thí dụ.
Bãi rác Đông Thạnh là một bãi rác chứa tất cả phế thải sinh hoạt của hơn 5 triệu cư dân thành phố Sàigòn và có diện tích rộng hàng chục mẫu tây. Nếu đem áp dụng phương pháp của TS Việt thì chỉ cần 14 giờ...hay trễ lắm là 7 – 8 ngày ta có thể giải quyết được 90% của hàng triệu tấn rác. Chúng ta sẽ không cần đến nhà máy xử lý nước rĩ ra từ rác. Sẽ không còn "sự cố" bể bờ ở bãi rác như tai nạn đã xảy ra vào tháng sáu và tháng bảy năm 2000. Sẽ không còn tình trạng cư dân vùng Hốc Môn ngăn chặn không cho hàng ngàn xe chở rác tiến về bãi rác làm ứ động đường xa và làm ô nhiễm một vùng trời trong tháng 3/2001. Và sau cùng quốc gia sẽ có một nguồn ngoại tệ "vĩ đại", nguồn lợi mang đến từ việc "xuất khẩu" gia súc dư thừa do kết quả của việc tăng gia chăn nuôi nhờ vào nguồn thức ăn giàu protein là nhộng!
Những nhận xét trên đây đã chứng minh một cách rõ ràng là chương trình xử lý rác sinh hoạt bằng ruồi lính đen khó có thể thực hiện được vì không thực tế và không có cơ sở khoa học vững chắc. Do đó đề nghị TS Việt nên tạm dừng nơi đây và có thể xoay hướng nghiên cứu về việc xử lý phân chuồng bằng ruồi (chứ không bắt buộc phải là ruồi lính đen). Các phế phẩm sau khi xử lý có thể được xử dụng làm phân hữu cơ. Làm như thế cũng đã là một bước tiến dài trong việc làm sạch môi trường và phát triển quốc gia.
Mai Thanh Truyết
Tiến sĩ Rác
West Covina 3/2001