Rác Việt Nam

Phế Thải Gia Cư ở Việt Nam

 

 

Đứng trước tình trạng gia tăng dân số ngày càng nhanh, mức tăng trưởng phát triển xã hội cũng như tiến trình đô thị hóa tiếp tục được đẩy mạnh mau chóng, một vấn đề lớn của Việt Nam hiện tại là giải quyết tình trạng ối đọng nguồn phế thải rắn, trong đó rác sinh hoạt gia cư chiếm tuyệt đại đa số.

 

Theo ước tính trung bình, trong hiện tại một người dân ở các thành phố phát thải từ 0,9 đến 1,0 Kg rác/ngày, và người dân ở các đô thị nhỏ và nông thôn phát thải từ 0,5 đến 0,65 Kg rác/ngày. Tổng lượng chất thải sinh hoạt thải hồi vào môi trường được ước tính là khoảng 8 triệu tấn/năm.

 

Tại các thành phố lớn hiện tại, quá trình đô thị hoá, mức gia tăng dân số, và việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, công thêm khả năng tiêu thụ của người dân ngày càng tăng, trong lúc đó, công nghệ xây dựng bãi rác, cũng như quá trình xử lý nước rỉ không theo kịp đà gia tăng lượng rác gia cư. Vì vậy tình trạng môi trường xuống cấp ở các thành phố lớn rất nhanh ở khắp nơi, đặc biệt ở những thành phố lớn như Tp Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

 

Hiện nay, Việt Nam đã dùng hai công nghệ được xử dụng rộng rãi ở Việt Nam hiện tại là chôn lấp rác, và biến rác hữu cơ đã được phân loại trong rác thành phân compost. Nước rỉ của rác được tập trung vào các nhà máy xử lý dựa theo phương pháp vi sinh. Qua kinh nghiệm của những quốc gia tiên tiến, việc chôn rác phải được tiến hành qua những lớp plastic phía bên dưới đáy bãi rác, để sau khi chôn lấp rác, nước rỉ không thoát ra được và không thấm vào mạch nước ngầm phía bên dưới. Nhưng điều nầy không xảy ra ở Việt Nam.

 

Có thể nói, tuyệt đại đa số các bãi rác hiện hữu vẫn được giải quyết theo thói quen của người dân tự ngàn xưa là đổ rác ra bất kỳ khu đất trống nào, hay đổ ra sông rạch, ao hồ hay khá hơn hết là chôn lấp và phủ lên mặt rác một lớp đất mõng ở các thành phố lớn hiện tại.

 

Theo thống kê năm 2005, cả nước có 97 địa điểm làm bãi rác chôn lấp đất lên trên. Các bãi nầy được xây dựng qua nguồn vốn ODA, do đó được xem như tương đối phù hợp tiêu chuẩn an tòan của công nghệ chôn rác. Tuy nhiên chỉ có 17 điạ điểm có bãi rác an toàn, nhưng công nghệ xử lý nước rỉ của rác vẫn chưa hoàn thiện. Nước rỉ vẫn tiếp tục làm tăng thêm mức độ ô nhiễm cho tòan vùng. Còn các "nhà máy" phân loại rác hữu cơ để chế biến thành phân compost chỉ chiếm 7% trên tổng số bãi rác hiện có mà thôi.

 

Việc đầu tư vào công nghệ xây dựng bãi rác đúng tiêu chuẩn và hợp vệ sinh, cũng như thiết lập hệ thống xử lý nước rỉ là một chính sách quốc gia, chứ không phải là một quyết định của địa phương như hiện tại. Vì đây là một vấn nạn môi trường chung cho cả nước. Việt Nam đã có nhiều nguồn vốn ODA từ nước ngoài cho công việc nầy. Tuy nhiên có những trường hợp vừa khách quan vừa chủ quan khiến cho việc xử dụng nguồn vốn ODA gặp nhiều khó khăn và thử thách như:

 

-               Việc quản lý và thi hành rất chậm chạp qua thủ tục giấy tờ;

-               Nhân sự không đủ chuyên môn và kinh nghiệm để giải quyết xuyên suốt việc thiết lập một đồ án phù hợp với quy trình kỹ thuật và tài chính;

 

Hậu quả của hai trở ngại trên là có nhiều vấn nạn trong tiến trình xây dựng nhà máy như: 1/ thay đổi thiết bị như đã ghi trong dự án vì thiết bị không phù hợp với điều kiện Việt Nam; 2/ vì đây là nguồn vốn do nhà nước quản lý, cho nên thủ tục hành chánh chậm chạp cũng đã tiếp tay không ít trong việc làm trì trệ các dự án.

 

Đứng về mức độ ô nhiễm do nguồn rác phát sinh ra, người dân sống ở thành phố tuy chỉ chiếm gần 1/4 dân số, nhưng nhịp độ phát thải rác gia cư ở những nơi nầy rất cao, tương đương với phân nửa lượng rác toàn quốc, do đó phải chịu nhiều áp lực do số lượng rác rất lớn, ảnh hưởng lên sức khoẻ và môi trường sống chung quanh.

 

Thêm nữa, tuy cùng mang tên là rác sinh hoạt chung, nhưng rác phát thải từ người dân thành phố lớn mang tính độc hại cao, so với rác từ các đô thị nhỏ hay nông thôn. Vì dân thành phố ngoài số lượng rác hữu cơ trong công việc chế biến thức ăn hàng ngày, trong rác còn có một số vật dụng phế thải như kim loại, pin cũ, các thùng chứa dung môi hữu cơ, các vật dụng không hay khó bị phân hủy như túi nylon, nhựa không tái sinh, lon, hộp, kính bể v. v.. . Do đó việc xử lý lượng rác nầy đòi hỏi một quy trình xử lý cao hơn cũng như hệ thống xử lý nước rỉ phải hoàn chỉnh hơn. Cũng cần nói thêm là, ngoài rác sinh hoạt, ở các thành phố lớn còn có thêm phế thải rắn công nghệ và phế thải y tế. Hai loại phế thải sau nầy cũng được mang đổ vào các bãi rác gia cư vì những cơ sở sản xuất công nghiệp và bịnh viện không có điều kiện xây dựng nhà máy xử lý hay lò đốt. Vì vậy nguy cơ ô nhiễm và truyền bịnh ở các bãi rác nầy càng cao hơn nữa.

 

Tóm lại, hầu hết những bãi rác ỡ Việt Nam không được xử lý một cách an tòan và hợp vệ sinh. Một bãi rác điển hình hiện tại vẫn thường thấy khắp nơi vẫn là một bãi rác lộ thiên, không được xây dựng đúng quy cách. Do đó mỗi bãi rác là một trung tâm của những bịnh truyền nhiễm. Và vì bãi rác nằm gần khu dân cư, cho nên người dân sống ở những vùng nầy phải chịu một áp lực lớn qua việc môi trường bị ô nhiễm như: ô nhiễm không khí, chịu đựng mùi hôi thúi thường xuyên, ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm ảnh hưởng lên việc sản xuất nông nghiệp. Sau cùng nơi đây cũng là nguồn ruồi muỗi, chuột bọ và có thể trở thành một ổ dịch bất cứ lúc nào.

 

Đứng trước một vấn nạn quốc gia lớn như vậy, ngay sau khi Đại hội XI kết thúc, một số vấn đề quốc gia được đem bàn ra ngoài dư luận rộng rãi qua báo chí và truyền thanh như vấn đề y tế, giáo dục và môi trường trong đó những nơi bị ô nhiễm trầm trọng được phơi bày trên báo chí nhiều nhất, nào là "làng arsen Hồ Tây", "thị trấn ung thư Minh Đức", ô nhiễm sông Thị Vải, Đồng Nai, Sài Gòn, Sông Nhuệ, Sông Đáy v.v... Lãnh đạo VN qua ông Triệu Văn Bé, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Báo Lao Động phỏng vấn ngày 27/7/2006 có phát biểu như sau:"Có thể nhận định ô nhiễm môi trường là vấn đề "nóng" trên phạm vi toàn quốc, việc cải thiện môi trường không thể chậm dù là một phút". Tuy nhiên, ngoài phát biểu trên, chúng tôi hoàn toàn không thấy ô. Thứ trưởng đưa ra đề nghị giải quyết nào cả ngoài việc hy vọng Bộ sẽ cố gắng đẩy mạnh các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương làm việc cật lực hơn nữa.

 

Hiện tại, dân chúng ở các thành phố lớn bắt đầu đứng lên phản đối , như tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7 vừa qua, dân chúng đổ xô ra chận đường không cho xe rác đi vào bãi rác chính của thành phố làm ứ động xe cộ suốt một ngày tại đây. Tình trạng tương tự đã xảy ra ở bãi rác Gò Cát vào ngày 23/8, dân chúng đã ngăn chặn không cho hàng trăm xe chở rác đi vào bãi rác. Tình trạng xảy ra tương tụ như ở Phan Thiết và Nha Trang vào tháng 9/2007 vừa qua.

 

Viễn tượng về mức độ đô thị hóa qua việc gia tăng dân số và sự tăng trưởng phát triển xã hội mang đến số lượng rác phát thải ngày càng cao là điều không thể tránh khỏi. Việt Nam với đà gia tăng dân số hiện tại, ước tính đến năm 2010, số dân sống ở đô thị sẽ tăng 10%, nhưng lượng rác sinh hoạt phát thải ra sẽ tăng 60%, do số dân tăng, và do mức sống của người dân ngày càng cao, tiêu thụ càng nhiều.

 

Với cung cách xây dựng bãi rác không đúng tiêu chuẩn và hợp vệ sinh như hiện tại, chắc chắn nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ không tránh khỏi và sẽ không còn biện pháp cứu chữa nào khác. Số lượng ruồi muỗi sinh sản từ các bãi rác sẽ che lấp bầu khí quyển; nạn dịch bịnh sẽ xảy ra thường xuyên hơn và ngày càng trầm trọng hơn vì cơ quan y tế trong nước sẽ không còn đủ khả năng và nhân sự để phòng chống nữa.

 

Do đó, một phương cách giải quyết vấn đề để tháo gở những trì trệ trên trong việc xử dụng nguồn vốn ODA là đầu tư nguồn vốn nầy vào công nghệ bãi rác và xử lý nước rỉ. Quan trọng hơn cả là cần thay đổi não trạng "ù lì", "chờ đợi cấp trên quyết định" trong cung cách giải quyết những vấn nạn môi trường trước mắt. Trong lãnh vực xây dựng các bãi rác, tốt hơn hết là giao cho tư nhân. Qua kinh nghiệm của  Bãi rác Đông Thạnh năm 2002, thành phố đã tiêu tốn 32 triệu Mỹ kim để xây dựng nhà máy xử lý nước rỉ sau khi có nhiều tai nạn bể bờ hồ chứa xảy ra nơi đây. Nhưng nhà máy chỉ hoạt động chưa đầy một tháng rồi phải đóng cửa vĩnh viễn vì xây dựng không đúng quy cách. Trong lúc đó công nghệ xây dựng bãi rác trong năm qua đã được một số công ty tư nhân đãm trách như: 1/ Cty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Môi trường (ICEC) đang tiến hành xây dựng nhà máy xử lý Hà Nam; 2/ Cty Cổ phần Công nghệ Môi trường Xanh xây dựng nhà máy xử lý Sơn Tây. Tiến độ thi công ở hai nơi đấy rất nhanh và sắp sữa đi vào hoàn tất.

 

Việc đem tư nhân góp phần tham gia vào dịch vụ bảo vệ môi trường chung là một việc làm thích hợp với điều kiện Việt Nam hiện tại, it ra là làm tăng tiến độ thi công công trình, cũng như tránh được những vấn nạn đáng tiếc như nhà máy không hoạt động được ngay sau khi nghiệm thu vì những nguyên nhân căn bản như việc làm tắc trách của người quản lý công trình và cơ quan có trách nhiệm, nhất là nạn tham ô đã phá vỡ biết bao công trình có tính cách quốc gia trong hàng chục năm qua.

 

Làm được việc trên, Việt Nam có thể hạn chế hay ngăn chặn được phần nào nguy cơ môi trường ô nhiễm thêm trong những năm sắp đến.

 

Mai Thanh Truyết

West Covina 11/2007

//////////////////////////////////////////////////