Phẩm Chất Nước Ngầm

 

 

Phẩm chất nguồn nước ngầm ở Việt Nam

 

 

Trong vài năm trở lại đây, mỗi khi đi vào không phận Sài Gòn, chúng ta sẽ thấy trên nhiều nóc nhà trong thành phố rãi rác những thùng bằng inox hình trụ. Đó là những bồn chứa nước sinh hoạt cho gia đình từng nhà được bơm lên từ các nguồn nước ngầm qua các giếng. Lý do là nguồn nước do công ty cấp nước không cung cấp đầy đủ cũng như phẩm chất không được bảo đảm và áp xuất nước từ vòi nước không đủ mạnh để bơm lên những tầng nhà cao. Do đó, người dân tự động đào giếng, khoan giếng để có thêm nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.

 

Nguồn nước ngầm vì vậy dự phần không nhỏ trong quá trình cung cấp nước sinh hoạt ở Việt Nam ngoài nước mưa, hoặc nước sông rạch. Trên bình diện thế giới, 96% nước không bị đóng băng (unfrozen water) đều nằm dưới mặt đầt cho nên được gọi là nước ngầm (groundwater). Và chính nước ngầm nầy cung cấp từ 25 đến 40% nguồn nước ngọt cho thế giới tùy theo điềi kiện thời tiết hàng năm.

 

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu và Kế hoạch nguồn nước (Institute for Water Resource Research and Planning) của các cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển LHQ năm 1996 thì khả năng hiện có của nguồn nước ngầm ở Việt Nam là 48 tỷ m3/năm (hay 131,5 triệu m3/ngày). Tuy nhiên, trong hiện tại mức xử dụng trung bình hàng năm là 1 tỷ m3 cho toàn cõi Việt Nam.

 

Ở miền Bắc Phi Châu, Vùng bán đão Arab, Úc Châu, Siberia, vùng Trung Hoa Kỳ, tuy hiện tại là những vùng sa mạc khô cằn; nhưng thực tế có những túi nước ngầm rộn lớn làm sâu dưới lòng đất nhưng chưa được khai thác. Tùy theo điều kiện địa chất của từng vùng, nước ngầm có thể được khai thác và xử dụng khác nhau vì phẩm chất nước ngầm cũng không giống nhau. Cho nên, không phải nguồn nước ngầm nào cũng được dung cả. Những vùng nước ngầm đã được tạo dựng từ thời cổ nguyên đại, thời khí hậu trên mặt đất còn ẩm ướt hay gần những túi nguyên liệu năng lượng hóa thạch (dầu hỏa) có trử lượng rất cao, nhưng không thể dùng được.

 

Giếng ở Việt Nam

 

Ở Việt Nam, việc lấy nước ngầm thông thường dung phương pháp đào giếng chứ không có những hệ thống dẫn nước từ nước ngầm như ở các quốc gia Tây phương. Do đ1o kỹ nghệ đào giếng là một kỹ nghệ rất thịnh hành ở Việt Nam, nhứt là từ khii Việt Nam qua chương trình UNICEF, khuyến khích việc xử dụng nước "sạch" từ thập niên 80 ở thế kỷ trước.

 

Có 3 loại giếng nước hiện đang có ở Việt Nam. Đó là giếng đào, giếng đóng, và giếng khoan.

 

1-    Giếng đào: Loại giếng nầy thường thấy ở Việt Nam nhất ở miền Nam, nơi mặt đất không cao nhiều so với mặt biển

2-    Giếng đóng: Đây là một loại giếng thông dụng trong khoảng hơn 20 năm nay. Loại giếng nầy có được qua việc đóng một ống nước có đường kính tương đối nhỏ xuống vùng đất mềm như cát và sạn nhỏ. Nhiều nơi không cần đóng sâu và có thể chạm được mạch nước ở tầng dưới của giếng đào.

3-    Giếng khoan: Đây là một loại giếng cần phải có máy khoan và khoan xuyên qua một lớp đá sâu. Thông thường phải khoan trên dưới 200m như vùng Chợ Lớn, Khu Lê Minh Xuân, và cần phải đặt một bơm ở dưới đáy để bơm nước lên. Giếng khoan rất ít thông dụng cho trường hợp cá nhân vì rất tốn kém mặc dù đây là một nguồn nước có phẩm chất tốt nhất. Còn hai nguồn nước do giếng đóng và giếng đào, do mạch nước gần mặt đất, do đó nguy cơ bị ô nhiễm do nông nghiệp, công nghiệp và chăn nuôi rất cao.

 

Phẩm chất nước ngầm

 

Tại Việt Nam, nguồn nước mặt vẫn là nguồn nước chính cho hầu hết sinh hoạt gia cư và kỹ nghệ. Nước ngầm chỉ chiếm độ 30% mức tiêu thụ mà thôi. Tuy nhiên ở nhiều nơi mức tiêu thụ nước ngầm lên đến 100% như ở thủ đô Hà Nội.

Việt Nam có trên 630 thành phố, trong đó trung bình tỷ lệ người dân được cung cấp nước khoảng 60% vẫn còn tương đối thấp. Khả năng cung cấp nước của hơn 200 nhà máy nước trên toàn quốc là 2,6 triệu m3/ngày trong năm 1998, trong lúc đó nhu cầu dự trù cho năm 2010 được ước tính là 8,8 triệu m3/ngày cho nước sinh hoạt và kỹ nghệ.

 

Đối với nông thôn và miền núi, từ năm 1982, LHQ qua Quỹ Nhi đồng thế giới (UNICEF) đã tài trợ cho việc đào giếng ở Việt Nam lấy lý do là để tránh bịnh dịch tả trong nguồn nước khi dùng nưo17c mưa hoặc nguồn nước mặt.  Và tính đến hôm nay đã thực hiện trên 500.000 giếng cho toàn quốc, không kể một số lượng không nhỏ do tư nhân tự làm lấy đặc biệt ở vùng ĐBSCL.

 

Nói chung, vũ lượng trung bình ở Việt Nam từ 1.800 đếm 2.000 mm nước mưa hàng năm, tuy nhiên cũng có những vùng vũ lượng thấp hơn 200 mm.. Do đó, nước giếng (từ nước ngầm) sẽ dễ dàng bị ô nhiễm do nước mưa chuyển tải những hóa chất độc hại vào nguồn nước sâu trong lòng đất. Ở Việt Nam, còn có thêm ảnh hưởng của gió mùa, như mùa khô kéo dài khoảng 6 tháng, do đó mực nước ngầm trong giai đoạn nầy giảm xuống rất nhiều.

 

Phẩm chất của nước ngầm gồm các đặc tình vật lý (độ trong-đục, độ dẫn điện, vị, pH, nhiệt độ, màu  v.v…), hóa học, và sinh học. Thông thường, nước ngầm không màu, không vị. Tuy nhiêm nó chứa nhiều ion kim loại vì các ion nầy được hấp thụ vào nước ngầm qua các lớp đất, đá bao bọc. Thêm nữa còn rất nhiều hóa chất hữu cơ, vô cơ thấm vào nước ngầm qua hiện tượng ngấm thấu (percolation) từ nước mưa hay nước sinh hoạt của con người. 

 

Thông thường các ion sau đây được tìm thấy trong nước ngầm tự nhiên:

 

  • Sodium, Calcium,  Magnesium, Potassium, Iron, Strontium,
  • Bicarbonate, Sulfate, Chloride, Silica, Nitrate, Carbonate, Fluoride, Boron,
  • Ngoài ra còn có dấu vết của các kim loại sau: Antimony, Nhôm  (Aluminum), Arsenic, Barium, Chì (Lead), Manganese, Selenium, Uranium, Kẽm (Zinc), v.v…

 

Riệng tại thành phố Sài Gòn do cấu tạo trầm tích Pleistocen hiện diện ở phía Bắc, Tây Bắc, và Đông Bắc thành phố cho nên có lượng nước ngầm phong phú và sạch. Còn về phía Nam nằm trên trầm tích Holocen, do đó nước ngầm thường hay bị nhiễn phèn và mặn. Trong khu vực nội thành có 3 tầng nước ngầm được khai thác, đó là tầng 0 – 20 m, 60 – 90 m, và 170 – 200 m. Nơi Quận 12, Hốc Môn và Củ Chi nước ngầm được khai thác ở tầng 60 – 90 m.

 

Nguyên nhâm ô nhiễm nước ngầm ở Việt Nam

 

Tại Việt Nam, ô nhiễm nguồn nước ngầm có nguyên nhân hầu hết là do con người. Có 4 nguyên nhân chính yếu là nhiễm mặn, nhiễm arsenic, ô nhiễm hữu cơ, nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật.

 

Trước hết, do khai thác nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản quá tải và không đúng cách là nguyên nhân chính cho việc ô nhiễm nguồn nước ngầm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhiễm mặn ở nhiều nơi. Rừng ngập mặn dọc theo mũi Cà Mau đã bị đốn bỏ để biến thành hồ nuôi tôm cũng là một trong nguyên nhân chính của việc nhiễm mặn và nưo17c mặn tiến sâu vào vùng Tứ Giác Long Xuyên và U minh vào mùa khô.

 

Mạch nước ngầm một khi bị nhiễm mặn khó có thể được xử dụng lại nữa. Đó là tình trạng chung của nhiều vùng duyên hải trải dài từ Bắc chí Nam, đặc biệt là các thành phố kỹ nghệ gần biển và ĐBSCL. Đối với các vùng cao, và xa bờ biển, mức độ nhiễm mặn cũng đã xảy ra do các nguồn muối nảy sinh từ phân bón đã thấm vào mạch nước ngầm như ở Long An, Hải Dương v.v...

 

Đối với việc ô nhiễm arsenic, từ năm 1999 đến 2001, chúng tôi thường xuyên khảo sát các nguồn nước mặt và nước ngầm từ Bắc chí Nam, đặc biệt ở vùng ĐBSCL và đã cảnh báo là tình trạng ô nhiễm arsenic trong nguồn nước là một nguy cơ có thật. Mãi đến năm 2001, nguy cơ trên mới được Micheal Berg, thuộc viện Liên bang Khoa học và Công nghệ Môi trường Thụy Sĩ công bố trên tạp chí của Hội Hóa học Hoa Kỳ (ACS) là tạp chí Environmental Science & Technology, số tháng 7/2001, là nguồn nước uống ở vùng phía Bắc Việt Nam đã bị nhiễm arsenic với nồng độ gấp 50 cao hơn định mức của Việt Nam (10 phần tỷ). Nguyên nhân được tác giả trên nêu ra là do nguồn nước từ các giếng đóng ở độ sâu từ 10 đến 35 m. Năm 2003, tình trạng ô nhiễm nầy đã được chứng minh qua việc khám phá một số bịnh nhân bị bịnh arsenicosis tức là lòng bàn tay và chân bị nám đen. Đây là giai đoạn đầu từ 5 đến 10 bị nhiễm độc arsenic. Chúng tôi cũng đã công bố nồng độ As có trong nguồn nước ngầm ở Biên Hòa, Mỹ Tho, Long An, Gò Công, Bến Tre từ 10 đến 30 phần tỷ (ppb). Riêng các tỉnh Cần Thơ, Trà Vinh, Long Xuyên, Châu Đốc, hàm lượng arsenic trong nước còn ở định mức chấp nhận được là khoảng 10 phần tỷ. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm độc ở ĐBSCL ngày càng cao hơn vì đã có trên 300.000 giếng đang được tận dụng ở vùng nầy.

 

 

Đối với ô nhiễm hữu cơ, hiện tượng nầy được xét nghiệm khái quát qua việc khảo sát nhu cầu oxy hóa học (COD) và nhu cầu oxy sinh học (BOD5 ). Nhu cầu oxy hóa học là một chỉ dấu cho thấy sự hiện diện của các hợp chất hữu cơ nhẹ trong nước. Còn nhu cầu oxy sinh học dùng để thẩm định lượng oxy hòa tan trong nước. Ở những vùng phát triển nông nghiệp và công nghiệp, lượng COD và BOD5 thường tăng cao và đây là báo hiệu cho thấy sự có mặt của hữu cơ và việc thiếu oxy trong nước làm tăng nguy cơ hủy diệt nguồn tôm cá trong đó.

 

Ngoài ra, cũng cần kể đến ô nhiễm phosphat, nitrat, và ammoniac mà nguyên do chính là do dư lượng của phân bón và cây trồng không hấp thụ hết được cũng như nước rỉ từ các bãi rác không được xử lý.

 

Nhu cầu phát triển nông nghiệp ở Việt Nam để giải quyết việc gia tăng dân số cũng như việc xuất cảng là nguyên nhân chính của nguy cơ ô nhiễm các hóa chất diệt cỏ dại và trừ sâu rầy trong nguồn nước ngầm. Các hóa chất trên là những hợp chất hữu cơ chứa clor, có độc tính tương đương như dioxin do đó còn có tên chung là dioxin-tương đương. Thời gian bán hủy của chúng rất lâu có thể lâu hơn hàng trăm năm, nghĩa là chúng có thể tồn tại trong đất lâu dài và sau cùng theo nước mưa thẩm thấu vào nguồn nước ngầm. DDT đã được tìm thấy trong nguồn nước ở ĐBSCL vào năm 2001 dù với hàm lượng rất nhỏ là 0,11 ug/L (phần tỷ). Tuy nhiên, đây cũng là một chỉ dấu cho thấy nguồn nước ngầm không còn là nơi an toàn cho các loại hóa chất độc hại nầy, nhất là đối với các giếng đào và giếng đóng. Đây cũng là một cảnh báo rất quan trọng vì những hóa chất nầy sẽ tích tụ dần trong gan và các mô mở của con người, và chỉ phát hiện sau một thời gian dài vài chục năm bị nhiễm độc thầm lặng. Sau cùng, một khi đã phát hiện được, nguy cơ tử vong rất cao.

 

Một số đề nghị

 

Như đã phân tích ở phần trên, tình trạng xử dụng nước ngầm ở Việt Nam có thể trở thành một nguy cơ cho đời sống người dân trong tương lai, nhất là tại đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Hai nơi nầy là vùng có mật độ rất cao của Việt Nam. Riêng ở những vùng có mùa khô kéo dài như ở miền Trung Việt Nam và vùng bờ biển, nước ngầm có thể chỉ được xử dụng trong sinh hoạt, thiết nghĩ con người không thể dùng nguồn nước nầy để sản xuất nông nghiệp hay chăn nuôi thủy sản được. Nếu tận dụng nước ngầm ở những vùng nầy, nguy cơ nhiễm mặn và đất lún sẽ có thể xảy ra nhanh hơn.

 

Riêng tại đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, nếu biết quản lý nguồn nước ngầm, người dân trong vùng có thể có dư thừa nước dùng cho suốt cả năm. Việc vận dụng nước ngầm để đẩy mạnh nông nghiệp và nuôi tôm cá sẽ làm cho nguồn nước sẽ mau cạn kiệt, đất lún sâu, và sự nhiễm mặn thường xuyên hàng năm sẽ trầm trọng hơn nữa. Nên nhớ, hàng năm, tại ĐBSCL vào mùa khô, nước nhiễm mặn ngày càng đi sâu vào vùng đất sâu và năm 2004, nước mặn đã vào sâu trên 100 km. Vào năm 2005 (tháng 3), nước mặn đã xâm nhập vào sông Sàigòn và Đồng Nai, chỉ cách nhà máy nước Thủ Đức 10 Km. Nhà máy nầy là trung tâm cung cấp nước cho Sài Gòn và vùng phụ cận. Độ mặn đo được ở sông Đồng Nai là 10% và sông Sàigòn là 7,7% so với cùng kỳ năm 2003 là từ 4,6 dến 6,1%0. Như trường hợp tại Trà Vinh, theo thống kê năm 2001 đất ở nơi nầy bị lún sâu từ 2 đến 2,5 mét; nguyên do là sự hiện diện của trên 42 ngàn giếng đào để lấy nước cho nông nghiệp và nuôi tôm. Tại Cà Mau, theo sự thăm dò của UNDP, mặt nước ngầm đã giảm xuống sâu từ 3 m năm 1995, và đến năm 2003 độ sâu đã xuống thấp đến 11 m. Vào tháng 4 năm2008, mùa khôgầm chấm dứt, nhưng nước mặn đã xâm nhập vào Cần Thơ, Mỹ Tho, Bến Tre…Nước sinh hoạt cho người dân vùnh Bình Điền, Bình Chánh dù đã được xử lý (!) nhưng vẫn luôn bị nhiễm manganese và  sắt rất cao cũng như có mùi khó ngữi và độ đục quá tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần.

 

Từ các dữ kiện trên đây, kết luận đã được rút ra là việc xử dụng nguồn nước ngầm ở Việt Nam cần phải hạn chế nhất là ở những vùng ở độ cao của đất so với mặt biển còn thấp như vùng ĐBSCL. Nơi đây, nước ngầm không có lớp đá che phủ ở phần trên, cho nên nguồn nước dễ bị ô nhiễm vì phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, thậm chí ô nhiễm vi sinh cũng đã có chỉ dấu xuất hiện nơi đây. Do đó, việc dùng nước ngầm để nâng cao sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản để phát triển xã hội là không hợp lý và không ứng hợp với chiều hướng phát triển bền vững toàn cầu qua Nghị trình 21 của LHQ là: phát triển kinh tế, đẩy mạnh việc bảo vệ môi trường, và tăng cường phúc lợi cho người dân.

 

Mai Thanh Truyết

 

West Covina 3/10/2009

//////////////////////////////////////////////////