Rác Việt Nam

Bài Học California

 

 

Trong một bài viết trước, chúng tôi có nêu lên tình  trạng hiện tại của rác sinh hoạt gia cư  ở Việt Nam. Tình trạng nầy nói lên tính cách cấp bách trong việc giải quyết vấn nạn trên. Việt Nam, qua các nguồn vốn đầu tư ODA, các nguồn viện trợ ngoại quốc cùng sự đóng góp của dân chúng và chính quyền hiện tại, việc xây dựng những bãi rác cùng hệ thống xử lý nước rỉ vẫn là một đề tài nổi cộm từ lâu. Qua một số vấn nạn về quản lý và tích chuyên biệt của từng dự án, việc xây dựng đã gặp nhiều trở ngại và đa phần các dự án trở thành những dự án nửa vời, hay dự án treo, hay kết quả không được như ý.

 

Bài viết nầy nêu lên một thí dụ điển hình về một dự án đầu tư từ một người Mỹ gốc Việt được xem như là một  giải pháp tối ưu trong điều kiện Việt Nam để giảm thiểu nguồn rác phát thải và hạn chế xây dựng thêm các bãi rác mới trong phát triển và đô thị hóa.

 

Dự án của công ty liên hợp Đa Phước do Công ty Viêt Nam Waste Solutions do David Dương, một doanh nhân trong địa hạt phế thải gia cư ở San Jose, CA. Vào tháng 6 năm 2005, công ty này đã ký kết với Tp Sài Gòn và đã đặt viên đá đầu tiên trên dự án có tổng diện tích là 640 hecta, và kinh phí đầu tư là 400 triệu Mỹ kim. Dự án hiện còn đang tiếp tục thiết lập dự án giải tỏa và xây dựng hạ tầng cơ sở. Vào tháng 8/2006, công ty còn đang tiến hành dọn và sang lấp mặt bằng, thi công mặt bằng nhà máy, xây dựng cầu dẫn vào khu đất của dự án. Dự kiến sẽ tiếp nhận 2500 đến 3000 tấn rác mỗi ngày cho việc phân loại rác tái sinh, và biến chế thành phân compost vào đầu tháng 3/2007.

 

Từ khi đặt viên đá đầu tiên đến nay là 14 tháng, dự án mới vừa thu hồi được 110 hecta, phần 530 hecta còn lại đang được hiệu chỉnh quy hoạch và tiếp tục giải tỏa. (Xin xem tiếp bài viết "Tính khả thi của khu Liên hợp Đa Phước của cùng một tác giả).

 

Ngoài công ty Đa Phước ra, còn có công ty  Vietstar có trụ sở tại Hoa kỳ đã có giấy phép xin gia hạn đầu tư ở sở TN&MT Thành phố HCM. Công ty có công suất 1,200 tấn mỗi ngày, với tổng số vốn đầu tư 36 triệu Mỹ kim. Một dự án khác là dự án nhà máy sản xuất phân compost do công ty liên doanh Saigon- Earthcare (Hoa kỳ) làm chủ đầu tư, có công xuất 1,000 tấn một ngày. Công ty đang xin giấy phép xây dựng và làm đường dẫn vào khu dự án. Và sau cùng, dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân compost do Công ty Môi trường Đô thị làm chủ đầu tư,  có công xuất 500 tấn /ngày và 300 tấn phân hầm cầu/ngày. Công ty do nguồn vốn ODA từ chính phủ Hòa Lan.

 

Đại để, dù có nhiều dự án đầu tư trong công cuộc xử lý phế thải và xử lý nước rỉ, nhưng tiến độ thi hành dự án hiện nay rất chậm, kể cả những dự án đã thất bại trước đó như dự án Đông Thạnh ngày xưa và bãi rác Gò Cát trong hiện tại.

 

Bãi rác Gò Cát được bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1995. Theo thiết kế được duyệt, khả năng tiếp nhận của bãi rác là 3,65 triệu tấn và sẽ đóng cửa vào cuối năm 2005. Bãi nầy gồm 4 bãi chứa rác khác nhau và một nhà máy xử lý 400 mét khối nước rỉ/ngày, và chỉ có khả năng thu nhận 2000 tấn rác/ngày mà thôi.

Nhưng trên thực tế, cho đến ngày hôm nay, hàng ngày bãi rác tiếp nhận từ 4,000 đến 4,500 tấn rác và đã vượt mức cho phép là 4,2 triệu tấn. Thêm nữa, nhà máy xử lý nước rỉ hiện tại chỉ có khả năng xử lý 100 mét khối/ngày, trong lúc lượng nước rỉ phát sinh hàng ngày là 1,000 mét khối. Do đó, CT Môi trường Đô thị có nhiệm vụ quản lý bãi rác  phải dùng xe bồn vận chuyển trên 800 mét khối nước rỉ hàng ngày từ Gò Cát lên hồ chứa nước của bãi rác Đông Thạnh. Dĩ nhiên, chuyện tràn bờ và chuyện nước rỉ  cũng giống như "những chuyện thường ngày ở huyện" sẽ đi vào môi trường ở Gò Cát và Đông Thạnh và cũng sẽ là kết quả đương nhiên cho những ngày sắp tới mà thôi.

 

Tiến độ thi công một bãi rác có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài rất chậm dù đó là một  doanh nhân ngoại quốc hay nguồn vốn ODA đầu tư vào kỹ nghệ xử lý rác. Thủ tục về giấy phép trong xây dựng phải mất quá nhiều thời gian làm chậm trể hầu hết các dự án đã được duyệt xét chấp thuận. Sở dĩ có tình trạng trên xảy ra là vì theo ông Nguyễn văn Chiến, phó GĐ sở TN&MT Thành phố HCM cho biết trong 30 năm qua, các dự án cho bãi rác thải do ngân sách thành phố, hoặc được viện trợ từ các tổ chức, chính phủ nước ngoài như bãi rác Gò Cát. Do đó, Sở TN&MT bị động vì thiếu kinh nghiệm trong việc tiếp cận với các dự án lớn và mới, nhất là việc giải quyết các hợp đồng ký kết với doanh nghiệp ngoại quốc.

 

Hiện nay, đối với tiến độ thực hiện các dự án xử lý, Sở đã rút kinh nghiệm căn cứ vào báo cáo mới nhất của thành phố, và đang phối hợp với các sở ban ngành khác đễ đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch, đền bù thu hồi đất và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các khu liên hợp xử lý chất thải rắn. Sở cũng tăng cường việc giải quyết các vấn đề một cách căn cơ từ gốc như quy hoạch tổng thể chất thải rắn cho đến năm 2020 so với mức độ gia tăng của đô thị hóa và phát triển thành phố.

 

So với các quốc gia tiến bộ trên thế giới, rác gia cư ở các quốc gia trên cũng là một vấn nạn không nhỏ. Tuy nhiên, họ có phương cách giải quyết vấn đề đễ không gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước mặt và nước ngầm qua những quy định của luật môi trường sở tại.

 

Nếu lấy California làm thí dụ, rác sinh hoạt gia cư cũng là một vấn nạn rất lớn dù luật lệ môi trường đã được áp dụng một cách khắc khe để bảo vệ sức khỏe của người dân. California, với dân số 36 triệu người và hàng năm thải hồi khoảng 165 triệu tấn rác. Vấn đề xây dựng bãi rác và nhà máy xử lý nước rỉ cùng việc thu hồi khí thải từ bãi rác để biến thành điện năng đòi hỏi Cali phải có một hệ thống quản lý và kiểm soát thật hoàn chỉnh.

 

Trước vấn nạn trên, từ năm 1987 chính quyền của Cali đã lấy quyết định là quy định việc quản lý chất phế thải cho từng địa phương và chỉ tiêu cho đến năm 2000 là phải giảm thiểu 50% lượng rác gia cư, khai triển bằng cách thu hồi 50% rác để tái sinh, tái xử dụng hay biến chế thành phân hữu cơ .v.v... Tuy nhiên chỉ tiêu trên vẫn chưa đạt được vào năm 2000.

 

Cho mãi đến năm 2004, kỹ nghệ rác ở Cali đã giải quyết được 76 triệu tấn tức 48% qua tái sinh hoặc tái xử dụng. Qua năm 2005, 88 triệu tấn được tái xử dụng tức 52%. Và John Myers, Phát ngôn viên của Hội đồng Quản lý Rác Cali công bố : "Chỉ tiêu giải quyết 50% lượng rác phế thải của cư dân Cali đã thành công sau 18 năm ban hành

 

Và trong vòng 10 năm trở lại đây, không có bãi rác cùng hệ thống xử lý rác mới được thành lập. Thiết nghĩ, đây là một bài học lớn cho VN trong vấn đề quản lý phế thải.

 

Thành quả trên đây của California là kết quả của một sự phối hợp giữa chính quyền và người dân. Cũng cần nên nói thêm là người dân đã ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường bằng cách thi hành quyết định của từng địa phương như là phân loại rác và phế thải vào những thùng rác riêng rẽ: như thùng đựng phế thải thực phẩm (rác hữu cơ ), thùng đựng rác do cây kiểng và sân cỏ , thùng đựng những phế thải có thể tái sinh như chai lọ, thủy tinh, plastic, giấy báo, lon, hộp..v.v... Ngoài việc giảm thiểu phân nửa thể tích của bãi rác, các phế thải tái sinh đã góp một phần không nhỏ trong kỹ nghệ sản xuất nguyên vật liệu như giấy, plastic, thủy tinh,  vừa giải quyết được một phần tình trạng ô nhiễm môi trường và tiết giảm được mức xử dụng tài nguyên thiên nhiên. Chính người dân và các Công ty công nghệ nhận thức được tầm quan trọng của mức tiết giảm trên. Do đó, chính họ đã biến các cơ sở thành những nơi sản xuất công nghệ sạch và xanh.

 

Từ bài học của tiểu bang California Hoa kỳ, Việt Nam, đứng trước những thách thức do phát triển, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng ngày càng lan rộng, công nghệ xây dựng bãi rác cùng việc thiết kế nhà máy xử lý của VN đang còn ở trong tình trạng sơ khai. Do đó, VN cần phải chuẩn bị một đội ngũ nhân sự chuyên môn trong công nghệ này đồng thời với việc huấn luyện cán bộ quản lý môi trường.

 

Thêm nữa, sự thành công của Cali trong vấn đề giải quyết phế thải, phần lớn là do ý thức bảo vệ môi trường của người dân cao qua quá trình giáo dục và được hướng dẩn qua truyền thông, truyền hình, học tập và báo chí. Đây mới chính là điễm rốt ráo trong phương cách giải quyết vấn đề.

 

Và muốn được như thế, chương trình công dân giáo dục nơi học đường cần phải có trong chương trình học như những điều luật căn bản cần thiết cho một xã hội dân sinh văn minh như : Luật đi đường , luật xả rác công công, thái độ chấp hành luật lệ chung, và nhất là luật phải được áp dụng cho tất cả mọi người dân và không có ngoại lệ nào cho bất cứ ai cả!

 

Một môi trường sạch chỉ có trong một xã hội sạch mà thôi.

 

Và muốn có một xã hội "sạch", những người quản lý Đất và Nước cần phải có một chân Tâm và một tấm lòng thiết tha với tổ quốc hơn là cố bám giữ quyền lực để phục vụ cho một thiểu số đi ngược lại quyền lợi và phúc lợi của tuyệt đại bộ phận dân tộc Việt Nam.

 

Mai Thanh Truyết

West Covina 11/2007

 

 

 

 

 

//////////////////////////////////////////////////