Rác Việt Nam

Tính Khả thi của Khu Liên Hợp Đa Phước

 

 

Ngày 28 -10, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND Tp HCM (Sài Gòn cũ) đã đi khảo sát dưới sự hướng dẫn của Ông David Dương, chủ công trình Khu Liên hợp Đa Phước, Bình Chánh. Sau khi được biết khu xử lý rác sẽ tiếp nhận rác bắt đầu vào ngày 1-11-2007, Ông Hải có nhận xét sau :"Thành phố đã có thể chủ động trong công tác thu gom, xử lý một cách hợp vệ sinh".

 

Qua phát biểu trên, với tư cách của một chuyên viên trong ngành xử lý phế thải rắn, lỏng, và không khí, đặc biệt là xử lý nước rỉ của các bãi rác gia cư và rác kỹ nghệ trong hơn 20 năm qua tại Hoa kỳ, chúng tôi nhận thấy nhận xét của Ông Hải quá lạc quan. Do đó, một số suy nghĩ sau đây sẽ giải thích lý do tại sao chúng tôi rất lo ngại cho một công trình vốn đã được "hô hào rùm beng" từ hơn hai năm qua do một người Mỹ gốc Việt là David Dương đầu tư vào kỹ nghệ xử lý rác tại Việt Nam.

 

Cũng giống như tuyệt đại đa số công trình xây dựng và phát triển khác, hầu như trong hạng mục công trình đều không có nghiên cứu tác động môi trường, điều mà cả Luật Môi trường Việt Nam và Luật Đầu tư đòi hỏi trước khi duyệt xét và chấp thuận công trình. Điều nầy không hề xảy ra cho Cty Liên hợp Đa Phước cũng như Công ty Giấy Hậu Giang mới vừa khởi công trong tháng tám vừa qua với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ Mỹ kim.

 

Trên nguyên tắc, theo văn bản của Dự án, Cty LH Đa Phước sẽ được khánh thành vào tháng 3-2007 vừa qua, gồm một bãi rác có lớp lót HDPE, có khả năng thu nhận 3.100 tấn rác/ngày, một nhà máy xử lý, một nhà máy sàn lọc để tách rời rác hữu cơ và các phần tử khác của rác có thể tái chế (recycling), và một nhà máy làm phân compost để sản xuất phân xuất cảng…

 

Nhưng trên thực tế, mặc dù cơ sở hiện tại của Cty chưa có gì là hoàn chỉnh như đã ghi trong dự án cả, nhưng ông Đào Anh Kiệt, Quyền Giám Đốc Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết lộ trình tiếp nhận rác từ ngày đầu tiên (1/11) cho đến ngày 26/11, bãi rác Đa Phước sẽ tiếp nhận 3.100 tấn rác từ Tp Sài Gòn. Trong lúc đó, đối với nhà máy xử lý nước rỉ, ông cũng cho biết tiếp là một số hạng mục của hệ thống xử lý nước rỉ mới vừa về đến cảng (28/10) và tuần sau có thể lấp ráp(?) được.  Và sau cùng nước rỉ rác sẽ được dẫn ra nhà máy xử lý có công suất 300 lít/ngày.

 

Tiếp theo, TS Nguyễn Trung Việt, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên-Môi trường còn cho biết với công nghệ xử lý rác tiên tiến như vậy, bãi rác Đa Phước rộng 78 hecta có thể tiếp nhận rác trong thời gian 21 năm. Và thành phố không còn phải lo chỗ xử lý rác nữa, ông khẳng định như vậy!

 

Qua những thông tin nêu trên trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 29/10/2007, quả thật, từ ông trưởng công trình cho đến những người trách nhiệm chuyên môn và trách nhiệm quản lý chung của thành phồ Sài Gòn tỏ rõ nét vui mừng sau khi đi "tham quan" khu Liện hiệp Đa Phước.

 

Xin thưa, thành phố Sài Gòn hiện tại thải ra khoảng 6.000 tấn rác/ngày. Cty Đa Phước chia sẻ với Cty Phước Hiệp thu nhận mổi ngày khoàng 3.000 tấn (trong dự án, Cty Đa Phước, trên một diện tích 78 hecta, xử lý 3.100 tấn rác/ngày). Giả sữ trong vòng 21 năm tới dân Sài Gòn thải ra cùng một lượng rác (mặc dù dự kiến dân số nơi đây sẽ tăng lên đến trên 12 triệu dân trong vòng 15 năm nữa và lượng rác phát thải sẽ tăng lên 60% so với hiện tại), số lượng rác cần phải xử lý là 23,8 triệu tấn. Trong lúc đó nhà máy xử lý chỉ có khả năng giải quyết 300 lít nước rỉ/ngày.  Và trong thời gian chờ đợi xây nhà máy biến khí methane thành điện năng, thử hỏi lượng khí bốc ra hàng ngày sẽ đi về đâu?

 

(Theo tin tức thu nhận được từ một TS chuyên ngành về rác sinh hoạt gia cư ở Sài Gòn, và là một Trưởng công trình của Dự án Bãi rác Động Thạnh trước kia, TS Nguyễn Thị Lan cho biết, hiện tượng "nước dênh" do ảnh hưởng của thuỷ triều cho nên lượng nước rỉ của rác sẽ còn gia tăng rất nhiều. Các tấm vải Địa kỹ thuật (HDPE-High density polyethylene) có thể bị rách bất cứ lúc nào vì việc dọn bãi rác  không hoàn chỉnh còn nhiều chỗ lồi lõm. Từ đó nước rỉ sẽ thoát ra ngoài và thấm vào mạch nước ngầm hay chảy tràn vào các sông rạch chung quanh. Theo TS Lan, rác không có phân loại gì cả, chỉ được đem đổ ra bãi và lấp đất chôn. Dưới cùng có tấm vải địa kỹ thuật nhưng nếu có nước rỉ và nước ngầm, nước mưa thấm vào dồn ứ vào sẽ tạo ra nhiều hơi nước và đầy hơi thêm lên, tạo tàhnh như cái bong bóng làm cho mau đầy hố chôn lấp.)

 

Để có một khái niệm so sánh, một nhà máy xử lý nước rỉ của một bãi rác lớn ở Tp   Los Angeles chúng tôi đang điều hành, gồm có hệ thống thu hồi hoàn chỉnh qua 76 qiếng quan trắc, bơm nước rỉ phát sịnh từ bãi rác đi thẳng vào hệ thống của của nhà máy một cách liện tục 24/24 giờ. Bãi rác hoạt động từ năm 1960 trên một diện tích trên 900 acres, tương đương với 410 hecta. Trong vòng 27 năm, nơi đây thu nhận 15 triệu tấn rác. Nhà máy xử lý đã hoạt động liên tục từ năm 1987 trở đi, và hàng ngày xử lý khoảng 100.000 gallon (385.000 lít). Nhà máy phát điện do việc thu hồi khí methane từ bãi rác cũng đã được xây dựng có công suất 5MW và hoạt động liên tục từ đó đến nay.

 

Qua sự so sánh dự án Khu liên hợp Đa Phước và hệ thống bãi rác, nhà máy xử lý nước rỉ cùng nhà máy phát điện từ khí methane chúng tôi nhận thấy thấy có nhiều nghịch lý trong dự án của ông David Dương, mà cả thành uỷ khen ngơi là  từ đây, thành phố sẽ chủ động được việc thu gom và xử lý rác.

 

1-    Nếu tính từ ngày 1/11 trở đi, trong vòng 26 ngày, từ 1 đến 26, Cty sẽ thu gom được 3.100 tấn rác, thử hỏi đến bao giờ Cty có khả năng thu nhận 3.100 tấn/ngày?

 

2-    Máy móc dự trù cho nhà máy xử lý còn nằm trong nhà kho của hải quan, bao giờ mới xây dựng hoàn chỉnh nhà máy xử lý dù chỉ với công suất 300 lít/ngày? Xin đan cử, nhà máy xử lý ở nơi chúng tôi làm việc phải mất 3 năm làm thiết kế và thủ tục nghiên cứu tác động môi trường (EAI) với đầy đủ thông số kỹ thuật trước khi được DTSC/EPA Hoa Kỳ chấp thuận. Sau đó phải mất hai năm mới hoàn tất việc lấp ráp và xây dựng hoàn chỉnh nhà máy và đi vào vận hành.

 

3-    Với lượng rác ước tính như trong dự án Đa Phước, qua tính toán chúng tôi nghĩ rằng, hàng ngày nước rỉ phát sinh tối thiểu cũng tương đương với lượng nước rỉ chúng tôi đang xử lý, nghĩa là vào khoảng 100.000 gallon trong mùa khô. Trong mùa mưa, số lượng nước rỉ có thể tăng lên gấp đôi vì vũ lượng trong vùng Sài Gòn là khoảng 1.500 mm3/năm, trong lúc vùng California hầu như hạn hán quanh năm.

 

4-    Khi rác đã nhập bãi, khí sinh học trong đó có methane đã phát sinh và phát thải vào không khí vì các phản ứng hoá học đã bắt đầu xảy ra; do đó, cần phải xây dựng nhà máy biến khí méthane thành điện năng đồng thời với nhà máy xử lý nước rỉ. Việc thiết kế và xây dựng một nhà máy phát điện cùng hệ thống làm nguội cũng như hệt thống đốt (flare) khí thặng dư đòi hỏi một thời gian ít nhất là năm năm (theo tiến độ thi công có bài bản, hợp lý, phương tiện và nhân công đầy đủ như ở Hoa Kỳ).

 

5-    Không nghe nói đến hệ thống và nhà máy phân loại rác cùng nhà máy biến rác  hữu cơ thành phân compost như trong dự án.

 

Từ những nghịch lý kể trên, dự án sắp sữa trở thành hiện thực và đi vào hoạt động trong vòng 2 ngày nữa (bài viết ngày 30/10/2007), nhưng với cung cách tính toán trong não trạng và tinh thần "con trâu đi trước cái cày" hay "làm tới đâu sửa tới đó", chắc chắn dự án sẽ không bao giờ đạt được tình khả thi cao như lãnh đạo địa phương "hồ hởi" ca ngợi, cũng như "đồng chí" Nguyễn Văn Đua và Lê Thanh Hải nhận xét:" Đây là một dự án tiêu biểu trong việc xã hội hoá đầu tư lĩnh vực vệ sinh môi trường ở thành phố".

 

Lại thêm một kế hoạch phát triển hay chỉnh trang thành phố đang bị "bể" hay sẽ bị "treo" giữa chừng trong việc giải quyết vấn nạn rác và nước rỉ ở các thành phố lớn Việt Nam nói chung và ở Sài Gòn nói riêng. Kinh nghiêm nhà máy xử lý nước rỉ ở bãi rác Đông Thạnh, Hốc Môn, khánh thành vào tháng 6, 2002 với kinh phí hơn 32 triệu Mỹ kim mà chỉ vận hành chưa đầy một tháng rồi bõ lững còn đó. Tình trạng cũng không khá gì hơn ở bãi rác Biện Hoà hay Gò Cát v.v…

 

Việt Nam cho đến nay, vẫn chưa thực hiện hoàn chỉnh được công tác xây dựng một nhà máy xử lý nước rỉ của bãi rác; việc nầy không đòi hỏi một công nghệ cao cấp, nhưng Việt Nam vẫn liên tục thất bại trong xây dựng.

 

Điều nầy nói lên cung cách quản lý cứng chắc của chế độ hiện nay không thể nào đáp ứng được nhu cầu phát triển ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hoá trên thế giới.

 

Điều nầy cũng nói lên tính cách toàn trị của một thiểu số cầm quyền, do đó không thuyết phục hay thu hút được sự tham gia của những nhà làm khoa học chân chính trong vấn đề phát triển quốc gia ở Việt Nam.

 

 

Mai Thanh Truyết

Nhà máy Xử lý Nước Rỉ BKK, LA

West Covina 30/10/2007

 

 

//////////////////////////////////////////////////