BÃI RÁC ĐÔNG THẠNH

Sau khi hai tai nạn xảy ra vào tháng sáu và bảy năm 2000, bãi rác Đông Thạnh đã bị đóng cửa và không thâu nhận rác mới từ tháng 12/2000.. Nhân chuyến về Việt Nam người viết ghi nhận thêm một số dữ kiện sau đây:

1- Nhà máy xử lý nước thải không còn hoạt động nữa;

2- Khoảng 1500 dân sống bằng nghề lượm rác bị đuổi ra ngoài phạm vi bãi rác;

3- Xe chở đất liên tục mang đất để che phủ lên mặt bãi rác và biến bãi rác thành một vùng có cao độ khoảng 10 mét.

Tuy không được phép vào bên trong để quan sát kỹ hơn nhưng một số thông tin do cư dân sống chung quanh và báo chí địa phương cung cấp cho thấy phương cách giải quyết của vấn nạn của bãi rác Đông Thạnh vẫn còn nhiều điều không ổn.

Từ chối không thâu nhận thêm rác là một việc làm sáng suốt vì bãi rác đã quá tải và nhà máy xử lý không có khả năng xử lý nước thải hồi. Trong tình trạng hiện tại nhà máy xử lý không còn hoạt động nữa và nước rỉ tiếp tục tràn ra ngoài phạm vi bãi rác có thể tạo ra hiện tượng ngập tràn và bễ bờ như tai nạn đã xảy ra vào tháng sáu và bảy năm rồi.

Việc mang đất phủ phần trên của bãi rác hoàn toàn thích hợp với điều kiện xử lý cơ bản rác. Rác được phủ kín sẽ làm tăng tiến trình hủy hoại do các vi khuẩn kỵ khí có sẳn trong rác. Quyết định nầy cũng bảo vệ được ô nhiễm môi trường nếu ban điều hành bãi rác thi hành các thủ tục sau đây:

• Thiết lập hệ thống thu hồi và chứa khí hữu cơ đặc biệt khí méthane sinh ra do quá trình phân hủy rác;

• Thiết lập các giếng quan trắc để chuyển tải nước rỉ về hồ chứa tạm thời;

• Hồ chứa tạm phải được bao bờ chắc chắn và phải được cách ly mặt đất bằng một hay nhiều màng plastic để nước rỉ không thấm vào mạch nước ngầm bên dưới.

Trong thời gian chờ đợi để ohục hồi nhà máy xử lý hiện có, phương pháp bốc hơi tự nhiên bằng phương pháp dùng ánh sáng mặt trời có thể giải quyết vấn đề xử lý tạm thời.

Nếu không thực hiện được những việc làm trên thì trong tương lai gần có thể xảy ra các vấn nạn như sau: Nước rĩ thải hồi tứ rác có thể tích tụ ngay dưới mặt chân đế của bãi rác qua hiện tượng thoái hóa sinh học (bio-degradation). Bãi rác (hay núi rác) sẽ không còn chân đứng chắc chắn có thể gây ra tai nạn sụp lỡ như trường hợp của bãi rác ở Manila (Phi Luật Tân) làm thiệt hại rất nhiều nhân lực và tài lực. Nên nhớ tiến trình phân hủy rác do vi sinh sẽ đạt tốc độ tối ưu vào lúc tuổi của bãi rác từ 12 – 15 năm. Và đây là trường hợp của bãi rác Đông Thạnh. Thêm nữa, lượng nước mưa hàng năm tích lũy trong phạm vi bãi rác (xin xem số liệu ước tính trong tạp chí Đi Tới số 39 tháng 11 năm 2000), thiết nghĩ trong hiện tại hiện tượng sụp lỡ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đây là một tiếng chuông cảnh báo cho những người có trách nhiệm quản lý bãi rác.

Về số phận của hơn 1500 người dân sống bằng nghề lượm rác, chính quyền đã khuyến cáo địa phương của các lưu dân kễ trên phải được đưa về nguyên quán và tạo điều kiện sinh sống cho họ thay cho nghề lượm rác. Nhưng thực tế cho thấy rằng, chỉ có một số ít trở về nguyên quán, còn đại đa số tiếp tục cuộc sống bằng một nghề mưu sinh khác tệ hại hơn nghề lượm rác. Đó là nghề vét bùn làm than quả bàn. Từng hai hay ba lao động và một chiếc xe ba gác. Địa bàn hoạt động của họ là những kinh rạch, đường thoát nước từ các cơ sở sản xuất, các mương rãnh...lộ thiên, đầy mùi hôi thối. Với mình trần hoàn toàn không có bảo hộ lao động, họ cúi mình dùng hai tay để chuyển tải lớp bùn non dưới đáy lên xe ba gác. Và bùn non nầy được xử dụng như nguyên liệu chánh để làm than quả bàn. Theo dò hỏi, lương lao động cho một ngày cật lực làm việc là khoảng 10.000 đồng (tương đương với 65 cents Hoa Kỳ).

Như đã trình bày ở phần trên, tình trạng của bãi rác Đông Thạnh đã đến giai đoạn trầm trọng và cần phải có biện pháp giải quyết nghiêm chỉnh chứ không thể nào áp dụng biện pháp chửa cháy cho trường hợp nầy được. Đã có quá nhiều "sự cố" xảy ra trong quá khứ do đó "xin" đừng để cho các cư dân sống chung quanh phải chịu thêm những thảm nạn môi trường có thể dự phòng trước được.

Mai Thanh Truyết
West Covina 2/2001

Ghi chú:

1- Vào đầu tháng 3/2001, chính quyền cho mở cửa lại bãi rác Đông Thạnh. Thành phố chuyển rác tiến về Đông Thạnh, nhưng bị dân chúng ngăn chận làm ối động ước lượng trên 4000 tấn rác trên hơn ngàn xe tải ở khắp các ngã dẫn đến bãi rác. Sự việc tuy được giải quyết ngay hôm đó nhưng tình trạng bế tắc của bãi rác và vấn đề giải quyết rác ở thành phố Sài gòn vẫn còn nguyên trạng!

2- Ngày 21/3/2001 báo Sàigòn Giải Phóng có đăng tải bài viết của ký giả Tô Thùy Anh mang tựa đề:" Dự án xây dựng công trường xử lý rác Đông Thạnh – Triển khai càng nhanh càng có lợi cho dân". Bài báo cho biết dự án cải tạo nâng cấp bãi rác Đông Thạnh đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt ngay từ tháng 8/1999 với nguồn vốn vay từ Ngân hàng phát triển Á châu (ADB) là 194 tỷ đồng và kinh phí do UBNDtpHCM cấp là 249 tỷ. Nhưng mãi đến 15/5/2000, UBND mới duyệt công tác chuẩn bị đầu tư "Tiểu dự án công trường xử lý rác Đông Thạnh", có diện tích chôn lấp là 130 mẫu tây được thiết kế để xử dụng trong thời gian là 10 năm với sức chứa 18 triệu tấn rác. Dụ án có nêu ra bề dày của màng cách ly với mặt đất HDPE (High Density Poly Ethylene) là 2cm (!) để ngăn nước rỉ không thấm vào mạch nước ngầm (Người viết đã từng quen thuộc với việc thiết kế và xây dựng bãi rác (landfill) hơn 15 năm qua nhưng chưa hề thấy và biết được một màng cách ly dày 2cm!).
//////////////////////////////////////////////////