Trần Văn Tích đọc Tâm Tình Người Con Việt

 Nhìn Tâm tình người con Việt từ thể ký

Trần Văn Tích

(Bài thuyết trình nhân buổi giới thiệu sách Tâm tình người con Việt ngày 23 tháng 6, 2012 tại

Hội trường Văn Lang, 14861 Moran St. Westminster, CA 92683)

 

Tôi xem Tâm tình người con Việt của Mai Thanh Truyết là một hồi ký kiêm bút ký chính luận. Hồi ký, bút ký, nhật ký, ký sự, phóng sự v.v..là một thể loại văn học sống động, linh hoạt khi muốn phản ảnh hiện thực theo phương thức trực tiếp nhất, khi muốn ghi lại cuộc sống qua những nét cơ động nhất. Tác phẩm ký vừa có khả năng đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của thời đại vừa mang đặc tính lưu giữ được tiếng nói sâu sắc của nghệ thuật. Riêng hồi ký thì ghi lại những diễn biến của câu chuyện và những cảnh sống của nhân vật theo bước đi của thời gian thông qua chức năng hồi tưởng. Chuyển qua thể bút ký chính luận, thể loại văn học này kết hợp hai hình thức tư duy : tư duy chính luận liên quan đến nhận thức chính trị, triết học, xã hội và tư duy nghệ thuật vận dụng ngôn ngữ điêu luyện, trình bày lý luận sắc bén. Nói cách khác, ký văn học luôn luôn là nơi qui tụ hai nhân tố quan trọng : sự thật hiện thực của đời sống và tài năng nghệ thuật của người viết.

 

Rất nhiều ký sự, hồi ký, phóng sự đã ra đời và phát triển gắn bó chặt chẽ với những chuyển động lớn của xã hội Việt Nam xoay quanh cái mốc 30.04.75. Tuy nhiên nhiều tài liệu tuy sáng tác theo thể ký nhưng chỉ thuộc loại văn tư liệu. Tâm tình người con Việt dẫu lấy tư liệu thật từ đời sống nhưng tác giả đã khai thác, sắp xếp, bố trí theo những dụng ý tư tưởng rất rõ rệt và theo một đường hướng sáng tác rất minh bạch. Thành quả trí tuệ của Mai Thanh Truyết là một bút ký chính luận chống cộng. Dẫu thế, nó luôn luôn trung thành với chức năng của thể ký. Nó lấy điểm tựa chắc chắn ở sự thật khách quan ngoài đời sống và nó tôn trọng tính xác thực của đối tượng được miêu tả. Mai Thanh Truyết qua quá trình tiếp xúc với cuộc sống đã quan tâm đến nhiều mặt của hiện thực trong tính tự nhiên của đối tượng.

 

Nguyên tắc cơ bản xác định đặc điểm của ký văn học là tính xác thực trong việc miêu tả cuộc sống muôn màu muôn vẻ cùng với con người có thật trong đời sống. Chúng ta có một ông quan văn nghệ cách mạng Xuân Diệu phụ trách lên lớp cho đám ngụy quyền với cái áo sơ mi bỏ ngoài, với đôi dép lẹp xẹp và nhất là với hai chai bia Con cọp BGI trên bục giảng. Chúng ta có một ông Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Trần Thanh Đạm giáng dấp thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ, nhưng vẫn có thể nhỏ nhẹ buông một câu chết người : "Vì nhu cầu cách mạng, Đảng tạm ngưng công tác giảng dạy của anh cho đến khi có lệnh mới." Chúng ta có một bà Tiến sĩ Hoá học tốt nghiệp ở Rennes đã phỏng theo đề thi trong sách lớp Đệ Nhất chương trình Pháp nhưng do thiếu khả năng nên khiến đề thi biến thành thiếu chính xác. Chúng ta có một nhân viên giảng huấn lật lọng tố cáo ngược lại người chỉ huy cũ là lem nhem công quỹ khi mua sắm hoá chất mặc dầu đương sự biết rất rõ là không hề có chuyện đó. Mai Thanh Truyết quan tâm đến nhiều mặt của đời sống trong tính tự nhiên của đối tượng được trần thuật. Cả một xã hội một sớm một chiếu bỗng nhiên điên đảo được thu vào ống kính. Cả những chính sách vá víu đến tội nghiệp như Nghị quyết 36 Võ Văn Kiệt đặc cách trợ cấp 50, 100 và 150 đồng cho cán bộ tại chỗ giảng dạy Đại học1.

 

Những tình tiết đa dạng, phức tạp do Tâm tình người con Việt cưu mang tạo nên niềm tin cậy và hầu như trở thành định lệ giao ước giữa người viết và người đọc, giữa nguời ghi ký và người điểm sách. Mai Thanh Truyết không bịa đặt, thêm thắt vì tác giả biết rất rõ rằng làm như thế sẽ tác hại đến tấm lòng tin cậy và cảm xúc thẩm mỹ của giới thưởng ngoạn. Anh bình thản ghi lại cái lầm của mình, một cái lầm sát thân và sát nhân : "Cho dù cộng sản Bắc Việt có chiếm miền Nam đi nữa, mình cũng (có, TVT thêm) thể đối thoại được với họ, vì cùng chung chủng tộc và cùng một ngôn ngữ". Anh buồn rầu nhắc đến thái độ bất công, quyết định khắc nghiệt anh từng có đối với con chó Zeus.

 

Tuy nhiên vì là một tác phẩm nghệ thuật nên hiện thực trong cuộc sống do ghi chép lại phải phong phú hơn, điển hình hơn hiện thực tự nhiên của cuộc sống. Tác giả từng góp phần có thể xem là to lớn vào đại công xây dựng nên Viện Đại học Cao Đài tại Thánh thất Tây Ninh. Hoàn cảnh ra đời của cơ sở giáo dục giáo phái này thật hết sức gian nan; thế mà một mình tác giả đã cáng đáng đủ công đủ chuyện để cho nó hoạt động tương đối điều hoà. Các sự việc được miêu tả đều có thật, song tác giả đã phối hợp tổ chức, xây dựng lại những bức tranh về cuộc sống tín lý sao cho nhất quán và gắn bó với nhau chặt chẽ trong một cấu trúc chung hợp lý gồm đến mấy chương sách.

 

Chúng ta hầu như luôn luôn gặp những chiếc áo dài trắng đồng nhất, chúng ta thấy một cảnh khai trường đẫm sắc tôn giáo, chúng ta chứng kiến những bữa ăn thanh đạm của cả giáo sư lẫn sinh viên, chúng ta ghi nhận sự kiện xoay sở để có được mười lăm cái kính hiển vi cũ kỹ v.v.. Thường trong mỗi sáng tác văn học, tính cách và hoàn cảnh được tác giả cấu tạo nên từ hai loại thành phần. Một thành phần xác định cụ thể như tên tuổi, lai lịch, ngoại hình, thành tích, khuyết điểm, ưu điểm, quan hệ chung và riêng; người đọc có thể đối chiếu và kiểm tra trực tiếp. Trong thành phần này phải xác thực. Thành phần thứ hai ít xác định hơn như cảm xúc, suy nghĩ, phê phán, đánh giá, ký thác, nhắn gửi; chủ yếu là những nhân tố thuộc về nội tâm nhân vật và nhất là nội tâm tác giả. Phạm vi này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hư cấu trong thể ký.

 

Người viết có thể tưởng tượng thêm những biểu hiện về nội tâm với điều kiện anh ta/chị ta có vốn hiểu biết sâu sắc về đối tượng miêu tả của mình và những người cùng loại, anh ta/chị ta có trình độ và năng lực tưởng tượng phong phú nhằm đạt được thành tựu thêm thắt về nội tâm cho nhân vật trong một cách sáng tạo. Khi trình bày các  đức tính của thân phụ thân mẫu, khi phác hoạ ngoại hình và nội tâm của ba người con trai cùng người con gái, Mai Thanh Truyết đã sáng tạo một môi trường thuận lợi để ngòi bút múa may, để ý tứ tuôn trào, để cảm xúc giăng trải; dẫu rằng trong ký, từ bản chất thể loại, hư cấu tưởng tượng chỉ giữ vai trò rất thứ yếu.

 

Nhưng chính ở đây, chức năng chủ quan của ký giả mới quan trọng và tài nghệ, bản lĩnh người viết thể hiện ở điểm biết lựa chọn đúng đối tượng để viết, biết tìm hiểu kỹ đối tượng và làm nổi bật lên, qua sự mô tả đối tượng, tính văn học của ký, tài văn chương của người. Một phần câu nói của thân mẫu tác giả "Má muốn sống để thấy tụi nó chết " góp phần quí hoá biết bao để cho nội dung trần thuật thêm sinh động, thêm chân thực mà vẫn bảo vệ được triệt để tính xác thực của câu chuyện kể. Câu nói đó của Cụ Bà – hoặc chi tiết thân sinh tác giả "trong suốt những ngày con xa xứ cho đến khi nhắm mắt, cặm cụi viết thư cho con mỗi buổi sáng thứ năm để ngày thứ bảy mang ra bưu điện gửi qua Pháp cho kịp chuyến bay Air France và để cho con nhận được thư ngày thứ hai" – là những chi tiết vô giá đề cao dòng cảm xúc sâu đậm đối vớî người thân của tác giả cũng như chứng minh sự tưởng nhớ tha thiết đến song thân khuất bóng. Tôi thử tính nhẩm rất đại khái và thấy rằng Cụ Ông đã viết cho anh Truyết ít nhất cũng cả trăm lá thư.Tính nhẩm để rồi tự dưng thấy cay cay đôi mắt khi nghĩ đến những người cha.   

     

Sự thật của đời sống ớ những mặt tiêu biểu và những nét kết tinh điển hình đều có ý nghĩa trong hồi ký Mai Thanh Truyết. Chúng vừa có tính chất cá thể sinh động của những hiện tượng riêng biệt lại vừa có khả năng mang tính chất điển hình tiêu biểu. Thành tích loại trừ Hoàng Ngọc Giàu alias Hoàng Nguyên Nhuận, một người được dư luận xem là tội phạm trong vụ thảm sát Mậu Thân Huế, tại trại tỵ nạn Sungei Besi khiến đương sự cuối cùng phải xin định cư ở Úc thay vì ở Hoa kỳ, dẫu không phải do một mình tác giả đạt được, nhưng vẫn là một hành động chống cộng dứt khoát, tích cực của cá nhân Mai Thanh Truyết, có tính chất điển hình cho chủ trương thanh lọc hàng ngũ quốc gia.

 

Tâm tình người con Việt nổi bật lên ở nội dung lịch sử mà nó chứa tải. Trong nó, các yếu tố tự sự, trữ tình, chính luận hoà trộn vào nhau, quấn quít lẫn nhau; cho nên sách của Mai Thanh Truyết phản ảnh được linh hoạt những sắc thái muôn màu – tươi sáng cũng như ảm đạm – của cuộc sống, nhất là ở giai đoạn đầu tiên sau khi đại hoạ bỗng dưng giáng xuống đầu dân tộc.   

 

Đọc Anh, sao tôi cứ liên tưởng đến Jean Jacques Rousseau trong tập hồi ký Les Confessions (Bộc lộ). Tác giả người Pháp viết : Que la trompette du Jugement dernier sonne quand elle voudra, je viendrai, ce livre à la main, me présenter devant le souverain juge. (Tiếng kèn Phán xử cuối cùng có thể cất lên vào bất cứ lúc nào, tôi sẽ có mặt trước đấng thẩm phán tối cao với cuốn sách này trong tay).

 

Tính chính xác tối đa, mà tôi đã nhiều lấn nhấn mạnh, bàng bạc khắp trong Tâm tình người con Việt. Đặc tính này, trong thực tế, là sức nam châm thu hút sự chú ý của người đọc, là nét quyến rũ hấp dẫn giới thưởng ngoạn. Hồi ký Mai Thanh Truyết có lối viết chân thực, tình cảm, đôn hậu, ôn hoà. Ở nhiều đoạn, ngòi bút ký giả tỏ ra tinh tường trong quan sát và sắc sảo trong nhận thức. Nhưng, nhìn chung, nó không giàu cảm xúc thơ, nó thiếu nét tài hoa văn vẻ.

1Cá nhân người viết bài này cũng từng hưởng qui chế liên hệ, mỗi tháng được Thành ủy ưu ái trợ cấp 100 đồng. Giáo sư Phạm Biểu Tâm được 150 đồng, anh bạn Ngô Thế Vinh được 50 đồng.

 

Tuy nhiên "Đọc ký là cốt nhìn thấy thực tại cho đúng cho rõ, thì chắc chắn phải lấy làm thích thú thứ ký của những người cởi mở, chân thành dù tính phổi bò và đôi khi có hơi ồn ào một chút." (Võ Phiến.- Hai mươi năm Văn học Miền Nam 1954-1975. Tổng quan. Nhà Xuất bản Văn nghệ. Westminster, CA 92683. 1988. trang 318). Vậy thì đọc Mai Thanh Truyết đâu phải để tìm thi hứng, thi tài.   

 

Tuy thế, Tâm tình người con Việt đáp ứng được linh hoạt nhu cầu tuyên truyền cho chính sách chống độc tài đảng trị, đấu tranh cho một nước Việt Nam khác hẳn nước Việt Nam hiện nay.   



1Cá nhân người viết bài này cũng từng hưởng qui chế liên hệ, mỗi tháng được Thành ủy ưu ái trợ cấp 100 đồng. Giáo sư Phạm Biểu Tâm được 150 đồng, anh bạn Ngô Thế Vinh được 50 đồng.

//////////////////////////////////////////////////