Phóng sự Nguyễn Thanh Huy-Việt Báo


 Ra Mắt Sách "Tâm Tình Người Con Việt" của TS. Mai Thanh Truyết

 

Vào chiều ngày Thứ Bảy 23 tháng 06-2012  tại Hội Trường Văn Lang thuộc thành phố Westminster, một buổi ra mắt sách "Tâm Tình Người Con Việt" (TTNCV) của TS. Mai Thanh Truyết diễn ra đông đảo đồng hương, gồm nhiều quan khách đến chúc mừng, góp vui cùng TS Mai Thanh Truyết, người ta nhận thấy có sự hiện diện của quý vị thân hào nhân sĩ như Học giả Huỳnh Văn Lang, BS. Trần Văn Tích, GS. Nguyễn Thanh Liêm và phu nhân, ÔB Phạm Anh Tú, GS. Trần Cảnh Xuân, GS. Nguyễn Văn Sâm, ÔB. Dược sĩ Vũ Văn Tùng, BS. Nguyễn Hy Vọng, BS. Nguyễn Phúc Bửu Tập, BS. Phạm Gia Cổn, Võ sư Lý Hoàng Tùng, Võ sư Âu Vĩnh Hiền, Nhà báo Du Miên, Nhà báo Nguyên Huy, Nhà thơ Thái Tú Hạp, Nhà thơ Ái Cầm, Nhà văn Chu Tất Tiến, LS. Nguyễn Xuân Nghĩa, Ông Đỗ Hải Minh, Bà Đỗ Thuấn, Ông Phạm Ngọc Lân,..., cùng các thân hữu của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Văn Bút, Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam,...

 

Hai diễn giả chính của chương trình là Dược sĩ Vũ Văn Tùng và Bác sĩ Trần Văn Tích. BS Tích đến từ thủ đô Bonn, Đức quốc. Ông cho biết: "Tôi xem Tâm tình người con Việt của Mai Thanh Truyết là một hồi ký kiêm bút ký chính luận. Hồi ký, bút ký, nhật ký, ký sự, phóng sự v.v..là một thể loại văn học sống động, linh hoạt khi muốn phản ảnh hiện thực theo phương thức trực tiếp nhất, khi muốn ghi lại cuộc sống qua những nét cơ động nhất. Tác phẩm ký vừa có khả năng đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của thời đại vừa mang đặc tính lưu giữ được tiếng nói sâu sắc của nghệ thuật. Riêng hồi ký thì ghi lại những diễn biến của câu chuyện và những cảnh sống của nhân vật theo bước đi của thời gian thông qua chức năng hồi tưởng. Chuyển qua thể bút ký chính luận, thể loại văn học này kết hợp hai hình thức tư duy : tư duy chính luận liên quan đến nhận thức chính trị, triết học, xã hội và tư duy nghệ thuật vận dụng ngôn ngữ điêu luyện, trình bày lý luận sắc bén. Nói cách khác, ký văn học luôn luôn là nơi qui tụ hai nhân tố quan trọng: sự thật hiện thực của đời sống và tài năng nghệ thuật của người viết."

 

Diễn giả Trần Văn Tích cho biết thêm: "Thành quả trí tuệ của Mai Thanh Truyết là một bút ký chính luận chống cộng. Dẫu thế, nó luôn luôn trung thành với chức năng của thể ký. Nó lấy điểm tựa chắc chắn ở sự thật khách quan ngoài đời sống và nó tôn trọng tính xác thực của đối tượng được miêu tả. Mai Thanh Truyết qua quá trình tiếp xúc với cuộc sống đã quan tâm đến nhiều mặt của hiện thực trong tính tự nhiên của đối tượng.... Những tình tiết đa dạng, phức tạp do Tâm tình người con Việt cưu mang tạo nên niềm tin cậy và hầu như trở thành định lệ giao ước giữa người viết và người đọc, giữa nguời ghi ký và người điểm sách. Mai Thanh Truyết không bịa đặt, thêm thắt vì tác giả biết rất rõ rằng làm như thế sẽ tác hại đến tấm lòng tin cậy và cảm xúc thẩm mỹ của giới thưởng ngoạn. Anh bình thản ghi lại cái lầm của mình, một cái lầm sát thân và sát nhân : "Cho dù cộng sản Bắc Việt có chiếm miền Nam đi nữa, mình cũng (có, TVT thêm) thể đối thoại được với họ, vì cùng chung chủng tộc và cùng một ngôn ngữ". Anh buồn rầu nhắc đến thái độ bất công, quyết định khắc nghiệt anh từng có đối với con chó Zeus."

 

Đề cập về phụ mẫu của TS Truyết:
"Một phần câu nói của thân mẫu tác giả "Má muốn sống để thấy tụi nó chết " góp phần quí hoá biết bao để cho nội dung trần thuật thêm sinh động, thêm chân thực mà vẫn bảo vệ được triệt để tính xác thực của câu chuyện kể. Câu nói đó của Cụ Bà – hoặc chi tiết thân sinh tác giả "trong suốt những ngày con xa xứ cho đến khi nhắm mắt, cặm cụi viết thư cho con mỗi buổi sáng thứ năm để ngày thứ bảy mang ra bưu điện gửi qua Pháp cho kịp chuyến bay Air France và để cho con nhận được thư ngày thứ hai" – là những chi tiết vô giá đề cao dòng cảm xúc sâu đậm đối vớî người thân của tác giả cũng như chứng minh sự tưởng nhớ tha thiết đến song thân khuất bóng. Tôi thử tính nhẩm rất đại khái và thấy rằng Cụ Ông đã viết cho anh Truyết ít nhất cũng cả trăm lá thư.Tính nhẩm để rồi tự dưng thấy cay cay đôi mắt khi nghĩ đến những người cha."

 

Phần cuối BS. Tích kết luận: " Tính chính xác tối đa, mà tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, bàng bạc khắp trong Tâm tình người con Việt. Đặc tính này, trong thực tế, là sức nam châm thu hút sự chú ý của người đọc, là nét quyến rũ hấp dẫn giới thưởng ngoạn. Hồi ký Mai Thanh Truyết có lối viết chân thực, tình cảm, đôn hậu, ôn hoà. Ở nhiều đoạn, ngòi bút ký giả tỏ ra tinh tường trong quan sát và sắc sảo trong nhận thức. Nhưng, nhìn chung, nó không giàu cảm xúc thơ, nó thiếu nét tài hoa văn vẻ.
Đọc ký là cốt nhìn thấy thực tại cho đúng cho rõ, thì chắc chắn phải lấy làm thích thú thứ ký của những người cởi mở, chân thành dù tính phổi bò và đôi khi có hơi ồn ào một chút." (Võ Phiến.- Hai mươi năm Văn học Miền Nam 1954-1975. Tổng quan. Nhà Xuất bản Văn nghệ. Westminster, CA 92683. 1988. trang 318). Vậy thì đọc Mai Thanh Truyết đâu phải để tìm thi hứng, thi tài.  
Tuy thế, Tâm tình người con Việt đáp ứng được linh hoạt nhu cầu tuyên truyền cho chính sách chống độc tài đảng trị, đấu tranh cho một nước Việt Nam khác hẳn nước Việt Nam hiện nay."   

 

Trong phần giới thiệu sách TTNCV nơi trang 9, GS. Trần Minh Xuân viết về TS. Mai Thanh Truyết như sau:
"Tôi không rõ trong thời gian lưu học ở Pháp, anh có làm được những gì để trả ơn đất nước đã giáo dục anh thành một Tiến sĩ Hóa học hay không, như khi về nước trong giai đoạn ngắn ngủi của 2 năm phục vụ tại trường Ðại học Sư Phạm Sài Gòn và Viện Ðại học Cao Ðài Tây Ninh anh đã trả ơn quê hương đã cưu mang anh, đã trả ơn gia đình đã nuôi dưỡng cho anh nên người, anh cũng đã miễn cưỡng trả ơn chế độ đã "lợi dụng" chất xám của anh cho "thời đại đồ đểu Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", trong giai đoạn "cào bằng" Miền Nam phồn vinh cho ngang hàng [hay thấp hơn] với Xã hội Chủ nghĩa Miền Bắc đói nghèo đầy gian dối mánh mung. Ðến khi làm người tỵ nạn trên đất tạm dung Hoa Kỳ anh đã trả ơn quê hương mới với tất cả lòng nhiệt thành và khả năng chuyên môn hiếm có của anh.

Tôi không dám so sánh, nhưng tôi không thể không nghĩ trường hợp của anh với trường hợp của nhiều người đã trả ơn hữu hiệu quê hương mới đã cưu mang họ, như trường hợp Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh..."

 

Đọc sách TTNCV vào sâu bên trong có phần thắc mắc cho độc giả. Có một chuyện mà người viết bài khi xem qua trang 108 trong sách, chương có đề cập về các hoạt động của tác giả sau khi rời khỏi mái trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn. Đó là đoạn tác giả cho biết ông đã từng "hợp tác" với "cộng sản" qua những trang giấy của chương "Con đường đi đến Ủy ban Khoa học Thành Phố".

Trong chương này tác giả nói đã làm việc với tổ chức tiền thân của Ủy ban Khoa học Thành phố ngày hôm nay (2012) tức là ngay từ cuối năm 1976... qua nhiều cơ sở, phòng bào chế, phòng thí nghiệm và sản xuất....Tác giả đã từng đi đến tận Tùng Nghĩa để chưng cất nước dầu thông để xức "ghẻ bộ đội" cho bịnh viện Thanh Quan cũng như việc làm khôi phục nhà máy bột ngọt Thái Sơn ở Bình Đông cùng với BS. Ái, Giám đốc Viện Pasteur và TS. Phạm Văn Hai, chuyên viên hóa chất, hai người sau này được Võ Văn Kiệt hứa hẹn và giữ lời là sẽ cho đi Pháp sau khi khôi phục được nhà máy...
Tác giả cũng tâm sự là dù biết rất rõ là người CS đã vơ vét rất nhiều tài nguyên, sản vật của miền Nam đem về Bắc ngay từ những ngày đầu chiếm đoạt miền Nam từ những chiếc xe đắt tiền như Mercedes, máy điện toán IBM khổng lồ ở Bộ TTM,... cho đến những máy phát điện dùng cho Ấp chiến lược thời Đệ Nhất Cộng hòa. Theo tác giả, dù biết nhưng vẫn cố gắng là làm ra những sản phẩm của cải vật chất tiêu dùng cho đời sống như từ chiếc kem đánh răng, xà bông bentonite, hay bột ngọt,... cho dù cộng sản có đem về Bắc, nhưng họ cũng phải để lại một phần ít nào đó cho miền Nam, trong đó ít ra bà con cũng được hưởng phần nào... Đó cũng lại là một lối suy nghĩ thành thật, rất chủ quan kiểu "tiểu tư sản" của tác giả trong giai đoạn này.
Điều như vậy cho thấy tác giả có lẽ là người miền Nam, mang bản tính bộc trực và "lý tưởng", không nhận thức rõ ràng về sự điêu ngoa, lọc lừa và gian manh của người cộng sản nói chung vốn tham ô, khác với cái chủ nghĩa mà họ rêu rao. Khi chiếm lĩnh được Việt Nam Cộng Hòa giàu có của cải là chỉ để... vơ vét cho sạch để mang về Bắc mà thôi!

 

Trong phần đặt câu hỏi hay phần hội luận, rất nhiều cử tọa nêu câu hỏi rất hào hứng, thấy TS. Truyết mặc đồng phục thuở học trò trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, GS Nguyễn Thanh Liêm (là một trong những hiệu trưởng trường này), ông yêu cầu TS. Truyết nhắc lại 2 câu đối được tạc trước cổng trường xưa là điều gì, hậu ý của nền giáo dục của chính thể VNCH là những nguyên tắc nào". May quá TS. Truyết vẫn còn nhớ, dù ông rời trường đã hơn 50 năm rồi. TS. Truyết cho biết là: "Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt, Tây Âu khoa học yếu minh tâm", ông giải thích: "Ðạo lý cương thường của Khổng Mạnh nên khắc vào xương; Kiến thức khoa học của Tây Âu cần phải ghi vào lòng. Nguyên tắc hay triết lý của VNCH dựa vào 3 điểm khi đào tạo một con người là: "Nhân Bản, Dân Tộc, và Khai Phóng", là điểm chính quan trọng vì nó nói lên triết lý cơ bản của nền giáo dục VNCH". GS Liêm vui cười đồng ý. Thật vậy, là học sinh Petrus Ký nên biết chi tiết kỷ niệm này và ý nghĩa giáo dục của VNCH.

 

Nhà văn Nguyễn Hữu Của thắc mắc tại sao bìa sách lại là hình TS Truyết xoay lưng vào một bức tường nên độc giả chỉ thấy lưng ông mà thôi. TS Truyết giải thích ảnh như vậy tượng trưng cho đồng bào trong xứ bị giam hãm trong nhà tù lớn, vì bức tường phía trước là mảnh tường Berlin, được đại học Chapman mang về đặt trong khuôn viên trường làm kỷ niệm, điểm đặc biệt trên ấy có ghi dòng chữ "The house divided against itself cannot stand", một câu nói để đời của Tổng thống Abraham Lincoln. Tổng Thống Lincoln nêu lên quan niệm tinh thần đoàn kết, hòa giải giữa các thành phần trong quốc gia là cần thiết.


Ngoài phần diễn thuyết hay hội thảo về sách TTNCV, ban hợp ca Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và ca sĩ  MC Phạm Ngọc Đăng cùng ca nhạc sĩ Hạnh Cư đã điều khiển một chương trình âm nhạc văn nghệ giúp vui thật hào hứng, ngoài những nhạc phẩm đơn ca được trình bày xen kẻ trong suốt chương trình, các bài hợp ca như: Người Giao Chỉ (nhạc do Cao Minh Hưng, thơ do Nguyễn Thơ Sinh), Bạch Đằng Giang và Thề Không Phản Bội Quê Hương. Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ hoạt động với mục tiêu văn hóa và xã hội, nhóm văn nghệ này thường xuất hiện trong cộng đồng miền Nam California.

Buổi ra mắt sách thành công là do nhiều bàn tay đóng góp, như trên sân khấu có MC Nguyễn Hữu Của (Văn Bút), Phạm Ngọc Đăng (Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ), cũng như những nhân sự tình nguyện lo về âm thanh, sân khấu, chỗ ngồi, slide show, âm nhạc,... Có một thân hữu của Mai Thanh Truyết tự nguyện đến giúp, dù âm thầm làm việc, phụ trách nhiều việc như chuẩn bị sắp xếp hội trường bàn ghế, lo hệ thống âm thanh cùng những chuyện linh tinh như phần refreshment, ăn uống nhẹ... như chuyên viên lo về quảng cáo thương mãi tại OC, DĐN là điển hình cho việc bạn bè quý mến TS Mai Thanh Truyết.

 

Đây là buổi ra mắt sách thành công.

 

Nguyễn Thanh Huy

Date: Monday, June 25, 2012, 10:36 AM

 

//////////////////////////////////////////////////