Ra mắt sách Củ Cụ Huỳnh Văn Lang

Cụ Huỳnh Văn Lang và Ký Ức II

Phát biểu tại Trung Tâm Công Giáo ngày  30/6/2012, Garden Grove,CA

 

Thưa Quý vị,

Cụ Huỳnh Văn Lang là một nhân vật miền Nam được nhiều người trong giới chánh trị và thương mại biết đến trong suốt hai giai đoạn Đệ nhứt và Đệ nhị Công hòa. Ngay từ thời còn hoạt động trong nước, Cụ đã sáng tác rất nhiều. Nhưng từ khi ra hải ngoại, sức sáng tác của Cụ càng phong phú hơn nữa. Tính đến hiện tại, Cụ đã sáng tác những tác phẩm sau đây: Cờ bạc, Chuyện đường rừng, Nhân chứng một chế độ gồm 3 tập trên 1500 trang, Khảo luận lịch sử, Các Công chua sừ giả Trung hoa của nhà Hán, nhà Đường,Các công chúa sứ giả Việt Nam của các nhà Lý, Trần, Lê, và Nguyễn. Và hai năm trở lại đây Cụ đã cho ra mắt "Đã hơn 30 năm rồi! Du ký Việt Nam" làm chấn động hải ngoại qua cái nhìn sắc bén của Cụ về xã hội Việt Nam cộng sản sau khi Cụ đi về Việt Nam quan sát toàn thể đất nước. Năm noái Cụ cho ra cuốn "Ký Ức Huỳnh Văn Lang tập I" gồm trên 650 trang nói về tuổi thơ và thanh niên của Cụ.

Hôm nay, Cụ cho thêm một đứa con tinh thần mới, cuốn "Ký ức Huỳnh Văn Lang tập II" với trên 800 trang giấy khổ chữ số 10.

Thưa Quý vị,

Quyển sách được ra mắt ngày hôm nay ghi lại rất nhiều tài liệu trong hai giai đoạn lịch sử noi trên, trong đó vai trò của Cụ đóng góp cho xã hội. Cuốn sách dù nói về "cái Tôi" của Cụ, nhưng thật ra diễn tả lại hiện trạng xã hội trong suốt thời gian từ năm 1955 đến 1975, và cái tôi của Cụ chính là "cái Sự" mà Cụ đã làm, đã thấy và chỉ diễn tả lại mà thôi, chú không phải nói về mình như bao cuốn hồi ký khác. Mình ở đây cũng có thể là mình như bao người con Việt khác sống trong giai đoạn nầy.

Trong nhiều lần tâm tình riêng với Cụ, Cụ có giải thích tại sao Cụ đặt tực đề là "Ký ức" mà không là Hồi ức hay Hồi ký như nhiều tác giả viết về đời mình…Cụ trả lời dứt khoát:"Tôi nói Ký ức là vì đây là những gì tôi làm, tôi thấy và tôi ghi lại, không tô son vẽ phấn cho cuốn sách, không tra cứu tài liệu thêm mà cũng không hư cấu câu chuyện cho thêm đậm đà. Tôi là người Nam, nghĩ gì, nhớ gì nói nấy người ơi!". Chính vì vậy mà tôi quý Cụ và nhận lời giới thiệu cuốn sách Ký ức Huỳnh Văn Lang tập II.

Thưa Quý vị,

Trong cuốn sách ra mắt ngày hôm nay, Cụ Huỳnh Văn Lang nói về cuộc đời của Cụ trong suốt 20 năm dài, từ lúc làm công chức cho đến khi làm văn hóa, làm chánh trị và đi làm ăn…Tôm tâm đắc nhứt là chương "Tôi làm văn hóa" của Cụ vì Chương nầy nói nên nét đặt thù của một con người miền Nam như Cụ, cũng như trong suốt thời gian nầy Cụ đã đóng góp rất nhiều cho văn hóa và giáo dục miền Nam, khởi xướng lên tinh thần hội nhập vào cộng đồng văn minh thế giới sau một thời gian dài qua các triều đại phong kiến và thuộc địa.

Tôi muốn nói việc Cụ đã lập Hội Văn hóa bình dân ngay từ năm đầu tiên Cụ về tham gia vào Đệ nhứt Công hòa năm 1954. Đây có thể nói Hội Văn hóa Bình dân có thể được xem như là một hội phi chánh phủ thiện nguyện dưới hình thức NGO (Nonprofit Governmental Organization) ở Việt Nam thời bấy giờ; và Cụ là người đi tiêng phong trong lãnh vực nầy.

Theo mô tả của Cụ về hoàn cảnh trong buổi sơ khai của nền cộng hòa trong điều kiện eo hẹp về tài chánh và vật chất, công việc khai tâm mở trí cho người bình dân miền Nam sẽ khó thành. Nhưng Cụ đã vượt qua được và thành công trong việc giúp người dân ít học miền Nam thấy và hiều và có được một  nghề trong tay từ việc trao dồi văn hóa tối thiểu cho đến tạo dựng cho người dân có một kỷ năng chuyên môn như các lớp dạy Điện kỹ nghệ, Vô tuyến điện, Họa công chánh, Họa Kỹ nghệ, Giám thị công trường, Ước lượng viên, Vẽ quảng cáo và trang trí, Đánh máy, Kế tóan đại cương, Kế toán xí nghiệp , Tốc ký Việt/Pháp, Y tá, Trử dược, Trợ tá. Dược tá, Cắt may, Thêu đan, Huấn luyện cấp cứu, đào tạo Thơ ký hành chánh.

Tất cả với nhân sự tự nguyện không lãnh thù lao ban đầu. Nhưng về sau nhân sự giảng huấn được phụ cấp di chuyển  chút đỉnh. Có thể nói trong giai đoạn nầy, tinh thần phục vụ của  người trí thức miền Nam thể hiện một cách sâu đậm như thế nầy. Và giai đoạn trên cũng thể hiện một nền văn hóa giáo dục đặt căn bản vào các tiêu chuẩn Nhân bản-Dân tộc-Khoa học và Khai phóng. Phải nói đây là một điểm son so với hiện tại dưới chế độ đem "giả dối lên ngôi, đạo đức suy đồi, văn hóa đi xuống".

Ngoài cơ sở mượn tạm của trường tiểu học Tôn Thọ Tường nằm trên đường Galliénie (Trần Hưng Đạo) và nằm gần Kitchener (Nguyễn Thái Học), Cụ còn phát triển ra khắp nơi, trong Nam gồm có Biên Hòa, Ba Xuyên, Bến Tre, Gia Định, Vĩnh Long …đến Xuân Lộc, Ninh Thuận; rồi ra tận Huế, cũng như không quên miền cao nguyên như Bảo Lộc, Đà Lạt , Ban Mê Thuột.

Cụ đã vô hình chung đi theo con đường của Cụ Phan Chu Trinh bằng con đường khai mở Dân trí, chấn hưng Dân khí và cải tiến Dân sinh. Đây mới đích thực là con đường đi tới của sự sinh tồn cho dân tộc.

Cụ đã xây dựng một căn bản đại chúng và cũng vô hình chung Cụ đại chúng hóa giáo dục, từ đó mang lại cho miền Nam một sinh khí mới. Và với tính đại chúng nầy, một khắc tinh của cộng sản, công cuộc chiến đấu mạng lại tự do dân chủ trong tương lai sẽ được rút ngắn thời gian.

Nói đến Cụ Huỳnh Văn Lang mà không nói đến Tạp chí Bách Khoa quả là một thiếu sót. Cho đến nay, rất nhiều người vẫn cho rắng tạp chí văn học nầy chính là do các "sĩ phu Bắc hà' khai mở cho miền Nam; nhưng thật ra theo lời Cụ, tạp chí do Hội Nghiên cứu Kinh tế Tài Chánh sáng lập ngày 15/1/1957.

Thưa Quý vị,

Nói về Cụ Lang là nói không cùng. Ở lứa tuổi gần 90 mà Cụ vẫn còn khả năng sáng tác mạnh, ít người làm được như vậy. Cụ còn hứa tiếp tục sẽ ra mắt quyển Hồi ức Huỳnh Văn Lang Tập 3 trong  năm tới sẽ nói về Việt Nam trong giai đoạn 1975 đến 2010..

Để kết thúc, xin được chia sẻ cùng quý vị trong hội trường Trung tâm Công giáo hôm nay, một trong nhiều nhận định xác đáng của tác già Huỳnh Văn Lang là:"tại sao các Sư, Cha cứ lo rao giảng từ bi và bác ái cùng chăm lo từ thiện cho người dân trong nước mà không khai mở CÔNG LÝ cho họ. Chính điều nầy mới mang lại bình an, thịnh tri cho Việt Nam mà thôi".

Xin cám ơn Quý vị đã lắng nghe.

Mai Thanh Truyết

 

 

 

 

 

//////////////////////////////////////////////////