Viện Đại học Cao Đài

Đại Học Cao Đài Và Tôi

 

Tháng 9 năm 1973 (không còn nhớ ngày), lần đầu tiên tôi bước chân vào Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh nhân dịp khai giảng niên học 1973 – 1974. Mọi cảnh vật đều hoàn toàn xa lạ với tôi từ màu sắc trang trí trên các tòa nhà trong nội ô Tòa Thánh cho đến con người. Màu trắng với chiếc áo dài và khăn tỏa khắp nơi tôi bước qua. Nhìn chung quanh, khung cảnh ngày nhập học, tôi ước tính khoảng trên dưới 1.000 sinh viên, giáo sư, nhân viên cùng bà con bổn đạo cùng nhiều chức sắc có mặt buổi sáng hôm đó.

Buổi lễ khai trường do Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi và Giáo sư Nguyễn Văn Trường, Quyền Viện trưởng làm chủ tọa. (Ngài Bảo học Quân Ls Nguyễn Văn Lộc, Viện trưởng bận đi chữa bịnh bên Pháp). Trong không khí trang nghiêm với tiếng nói có hồn và mạnh bạo của Ngài Khai đạo làm cho khung cảnh ngày khai trường thêm đậm phần tôn giáo hơn là phần "đại học".

Tôi được GS Trường giao phụ trách phần nhiệm Giám đốc Học vụ của Viện để điều hành chương trình học cho hai Phân khoa Sư Phạm và Nông Lâm súc, cùng việc mời chọn giáo sư cũng như xem lại các chương trình hiện đang được giảng dạy và tất cả các phần vụ thuộc về sinh viên vụ và hành chánh v.v…(Với chức vị nầy, tôi được trả lương 20.000 Đồng/tháng thời bấy giờ).

Công việc quả thật ôm đồm với một người vừa mới về nước trước đây chưa đầy 6 tháng. Do đó, ngoài công việc Trưởng ban Hóa ở Đại học Sư phạm Sài Gòn, tôi hầu như dành trọn thời gian cho Tây Ninh, quê má tôi.

Trước hết, nhìn qua chương trình học, vì tất cả đều tập trung trong Nội ô Tòa Thánh tọa lạc trong một khu nhà hội họp của Đạo mà tôi không còn nhớ tên. Tầng trệt dùng làm cho các lớp học và văn phòng Viện. Tầng trên là khu nghĩ qua đêm cho các Giáo sư. Các buổi ăn trưa diễn ra tại tòa nhà Thánh Mẫu kế bên cạnh với những món rau đậu đạm bạc hàng ngày dành cho sinh viên và bất cứ bổn đạo hay người dân địa phương.

Lần lần quen dần với với không khí và nhân sự điều hành trong vIện, tôi lần lượt quan sát thêm và thấy Viện Đại học sao mà nghèo quá, không có gì hết, vì tôi vẫn còn mang hình ảnh của một Viện đại học Tây phương. Và chính nhờ những hình ảnh đó mà tôi có nhiều thiện cảm với Cao Đài. Âu đó cũng là cái DUYÊN.

Sau hơn ba tháng quan sát, tìm hiểu, nghiên cứu chương trình và làm quen với sinh hoạt của Viện, tôi nhận thấy còn có quá nhiều điều trong chương trình giảng huấn cần phải cải sửa.

Tạm thời, chương trình lý thuyết và sự phân chia giờ giấc trong các bộ môn giảng dạy, tôi chưa dám đụng tới vì ở phần nầy tương đối ổn định, do đó, ưu tiên thay đổi không cao. Tôi tập trung vào các chương trình tập sự và thưc hành cùng phòng thí nghiệm.

Xin thưa, từ ngày thành lập Viện Đại học, sinh viên chỉ học "chay" ngoài một số giờ cho sinh viên sư phạm đi thực tập giảng dạy ở trung học Lê Văn Trung hay trung học Tây Ninh hoặc Đạo Đức Học Đường, và sinh viên Nông Lâm Súc chỉ thực tâp… "ngoài ruộng" và trại nuôi cá Tây Ninh v.v… Còn phòng thực tập thí nghiệm hoàn toàn không có.

Vì ngân sách điều hành Viện Đại học do bên đạo lo liệu và cũng không được công bố, tôi trong một ngày làm việc trên Viện, đã mạnh dạn đề nghị lên Ngài Khai Đạo và GS Trường việc cần phải thành lập ngay các phòng thí nghiệm Hóa học, Vật lý, Địa chất, Sinh học, Thực vật và Động vật và phải xây cất trường ốc, phòng thí nghiệm bên ngoài khu Nội ô Tòa Thánh. Ngài Khai Đạo vội vã đáp lời ngay là bên bản Đạo sẽ cố gắng chạy tiền và lo việc xây cất, còn bên Đại học lo sơ đồ xây cất và lo vấn đề nhân sự giảng dạy cùng truy tìm nguyên liệu, hóa chất và dụng cụ để thực tập. GS Trường hội ý tôi về vấn đề nầy. Với tinh thần dấn thân và lý tưởng, cũng như bản tính hơi "liều mạng", tôi nhận lời phụ trách tất cả dù trong tôi chưa có khái niệm về tình hình mua bán nguyên vật liệu, dụng cụ hay hóa chất ở xã hội Việt Nam Cọng Hòa thời bấy giờ…

Thật là một sự liều mạng đầy tự tin của tuổi trẻ hay nói nôm na là "điếc không sợ súng". Bây giờ nghĩ lại tôi mới giựt mình!

Các phòng thí nghiệm ở Đại học Sư phạm hay bên Khoa học là những phòng ốc cổ xưa, biến cải làm phòng thí nghiệm cho nên không thích hợp với mô hình phòng thí nghiệm mới. Tôi được biết một phân khoa của Đại học Khoa học Sài Gòn ở tại Thử Đức do GS Đinh Văn Hoàng, ban sinh vật làm Phó Khoa trưởng chỉ vừa xây dựng vài năm trước, tôi bèn đi "tham quan" và từ đó có được "bảng vẽ" của các phòng thí nghiệm của Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh.

Khi xem qua bảng vẽ do kiến trúc sư "local" (đúng hơn là dõm!) sáng tác, Ban xây dựng của đại nói sẽ làm giống như Giáo sư vẽ vậy, và các phòng thí nghiệm cũng như giảng đường sẽ được xây tại cổng số 1 trước khi vào Nội ô, cạnh một chợ nhỏ…

Không biết vận động tài chánh như thế nào, cũng như huy động nhân công, nhưng chỉ trong vòng trên dưới sáu tháng, một dãy nhà ba từng lầu với đầy đủ phòng thí nghiệm ở tầng trệt và các lớp học cùng một giảng đường lớn sừng sững toạ lạc trên mãnh đất cằn cỗi Tây Ninh.

Trong suốt thời gian xây dựng cơ sở, tôi phải chạy đôn chạy đáo đi tìm nhân sự giảng dạy và chấp nhận "ăn chay" nằm đất trên Tây Ninh 3,4 ngày một tuần hay nhiều hơn nữa trong thời gian chuẩn bị các phòng thí nghiệm. Kết quả là Viện có thêm 6 Giảng nghiệm viên cơ hữu trẻ tình nguyện phụ trách các bộ môn thí nghiệm với một đồng lương không khá so với cuộc sống  và lương của các đồng nghiệp ở Sài Gòn.

Viết đến đây,xin ghi nhận tinh thần đóng góp và hy sinh của các đồng nghiệp trẻ của tôi trong thời gian làm việc chung, trong tinh thần anh em, chỉ vẻ lẫn nhau, cùng hy sinh để làm một cái gì cho con cháu của một miền đất nước nghèo, cần được soi sáng và khai mở thêm. Đó là hai lý do chính để cho Việt Đại Học Cao Đài mở hai phân khoa Sư Phạm và Nông Lâm Súc trước tiên.

Xin ghi nhận tinh thần của các anh chị em trẻ như Phương (hiện ở Wisconsin), Ngọc (Việt Nam), Xuân (Việt Nam), và 3 anh chị em khác tôi quên tên (xin lỗi).

Chính sự hiện diện của Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh có tầm vóc nầy đã làm nức lòng bà con, phụ huynh và là niềm hãnh diện chung của Đạo Cao Đài. Tôi thực sự nhìn thấy được những ánh mắt long lanh biểu lộ niềm vui của mọi người mỗi khi tôi có dịp tiếp xúc khi lên Tây Ninh. Và kết quả là hầu như trên mỗi chuyến xe chuyên chở giáo sư về lại Sài Gòn, anh tài xế đều ghé nhà tôi, dù tôi có mặt hay không có mặt trong xe để gữi lại một túi trái cây, đặc sản Tây Ninh tùy theo mùa như vú sửa, sa bo chê, mít, li ki ma, đôi khi một bịt cát chứa tôm càng xanh Rạch Sõi v.v… mà không hề biết người cho là ai. Vô tình bà con Tây Ninh biến tôi thành một kẽ "tham nhũng" trong ngành giáo dục!

Có thể nói chưa bao giờ tôi có những giây phút hạnh phúc như ở giai đoạn nầy.

Trở lại việc trang bị các phòng thí nghiệm, các dụng cụ như kính hiển vi là cần thiết cho Ban Sinh thực động vật học. Qua tin tình báo do bạn bè tôi quen ở Sư Phạm, tôi được biết phòng thí nghiệm của GS Phạm Hoàng Hộ vừa được Hoa Kỳ viện trợ một số kính hiển vi mới, do đó các máy cũ đã cho vào kho…Tin tức nầy làm tôi vui sướng, nhưng vẫn không biết làm thế nào để "approach" vấn đề vì dù sau tôi chỉ mới vừa chân ướt chân ráo và tuổi "gỏ đầu trẻ" còn quá nhỏ, chưa bước vào "giang hồ" nhiều cho nên ít người biết "đến tên".

Nhân một dịp may, cây thiên tuế tại đền Thánh Mẫu trổ bông, một nhánh hoa có thân cao trên 3 mét tỏa hương thơm ngào ngạt. (nghe nói cây phải già trên 20 năm mới có thể ra bông như vậy). Tôi bèn làm một màn ra mắt GS Hộ bằng cách đem "kiến" nhánh hoa trên để giáo sư ướp và giảng dạy cho sinh viên. Và kết thúc của cuộc diện kiến nầy là tôi có 15 kiến hiển vi cũ mang về cho phòng thí nghiệm Cao Đài.

Và các dụng cụ linh tinh cần thiết khác cho các phòng thí nghiệm cũng như hóa chất, tôi nhờ một người dược sĩ (hiện đang ở Orange) lúc đó đang làm việc cho dược phòng của giáo sư Thái Tường gần Ngã Sáu Sài Gòn. Cầm tất cả các danh sách liệt kê, tôi nói một cách vừa đùa vừa nghiêm khắt là:" Đây là danh sách tôi muốn mua, nhờ M. tìm dùm cho. Tôi tin tưởng và chấp nhận M. có ăn huê hồng trong đó, nhưng đừng đập đổ vì Viện còn nghèo lắm". Dĩ nhiên, tôi cũng đã so và truy tìm giá cả qua bạn bè rồi.

Chỉ hơn một tuần sau, danh sách liệt kê trên đã được kê giá cả và tôi thấy hợp lý. Tôi làm một bảng yêu cầu Viện chấp thuận và xuất chi đâu khoảng 1,5 triệu Đồng. Chỉ nội trong ngày, Viện qua Ô Trưởng ban Tài chánh trao ngay tiềm mặt cho tôi mang về Sài Gòn.

Tôi hôm đó, sau khi xem xong báo cáo và ký duyệt các công văn hàng ngày do tài xế mang đến, GS Trường lật đật chạy đến nhà tôi và nói với tôi rắng:"toa liều mạng quá!" và bảo tôi phải đem tiền đó mở chương mục để làm thủ tục thanh toán. Tôi trả lời là ngày mai tôi giao tiền cho người ta rồi và mình không có thời gian để làm các thủ tục hành chánh như anh nói. Tôi xin chịu trách nhiệm và tai tiếng nếu có. Lại thêm một lần "điếc không sợ súng nữa".

Không đầy hai tuần sau đó, mọi nhu cầu đã được cung cấp đầy đủ. Có dụng cụ, có thêm máy quay ronéo, các Giảng nghiệm viên làm việc cật lực hầu như ở lại Viện ở Tây Ninh suốt 5,6 ngày trong tuần, nào quay bài thực tập, nào phải lắp ráp và thử nghiệm những phần thí nghiệm trước…

Không đầy một tháng sau đó, tất cả các lớp giảng dạy và phòng thí nghiệm được khai trương ở khu nhà mới nầy. Không khí khởi sắc hẳn ra. Sinh viên Cao Đài mới thực sự thấy những phản ứng đổi màu qua việc xác định nồng độ của các hóa chất căn bản như acid, sút v.v…và sinh viên sinh vật chính tự tay mình ướp và tẩy những lá cây để có sắc đỏ, xanh, vàng tím  mà các chị đã từng ép vào quyển tập lưu bút ngày xưa thời học sinh…Các sinh viên thực tập về mổ xẻ động vật như cá lóc, ếch…mới nhận diện rõ ràng đâu là bao tử, đâu là trái tim…được trải dài trên một miếng ván sau mỗi lần mổ xong… Khi nhìn trái tim ếch được tách rời, nhưng tim vẫn còn đập qua phản xạ…mang tên một nhà bác học nào đó mà tôi đã quên (cái muốn quên mà vẫn cứ nhớ, cái muốn nhớ mà vẫn cứ quên. Đó là một nghịch lý bất tận nơi con người tôi, một cái tôi đáng ghét). Tuy trên đây là những bước căn bản cho thí nghiệm, nhưng đối với người dân hiền hòa và chất phác Tây Ninh, những thành tựu trên là một thành quả rất lớn.

Có thể nói, năm 1974 là năm Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh đã tiến một bước dài làm nức lòng người dân địa phương cùng bổn đạo. Đó cũng là một niềm hãnh diện chung qua tinh thần hy sinh cho công cuộc chung thể hiện khắp mọi từng lớp dân chúng và Tào thánh.

Có nhìn thấy hàng ngày, nhiều xe chở xi măng, cát đất, cây gỗ, gạch ngói… cũng như nhìn hàng ngàn công nhân làm việc cật lực với buổi ăn trưa đạm bạc trong một thời gian dài mà không hề than vãn. Họ là những tín đồ tự nguyện, nghĩa là làm không công… Đó là tinh thần Cao Đài, tinh thần của sự đùm bọc và chia xẻ, đạo đức của một con người đích thực sống cho tha nhân qua giáo lý Cao Đài.

Đây là một kỷ niệm đầu đời của một người con Việt trên bước đường dấn thân trong tinh thần Nguyễn Công Trứ.

Đây cũng là một bài học quý giá cho người viết vì đã nhận thức được rằng cần phải có Chánh Kiến, Chánh Tâm, Chánh Định và một tâm hồn Vô Ngã mới có thể thực hiện những việc làm nho nhỏ trên.

Xin Cám ơn Viện Đại học Cao Đài đã cho tôi có được những kinh nghiệm đầu đời trong việc phục vụ.

Xin cám ơn Ban điều hành Viện qua các chức sắc cao cấp tiêu biểu như Ngài Khai Đạo, Ngài Bảo Đạo, Ngài Hiến Pháp đã gữi niềm tin cho một người trẻ một cách trọn vẹn. (Ba vị chức sắc trên qua đời một cách bất đắc kỳ tử chỉ vài tháng sau ngày 30/4/1975).

Và cũng xin cám ơn triết lý và tinh thần Đạo Cao Đài đã soi rọi và hướng dẫn người viết trên bước đường đời còn lại. Đây cũng là kết luận cho bài tham luận dài năm 1974 trong một khóa học về Tiến sĩ giáo dục đầu tiên tại Đại Học Sư phạm Sài Gòn do GS Nguyễn Văn Trường và Mai Thanh Truyết biên soạn).

Mai Thanh Truyết

Kỷ niệm Tết Tân Mão 2011

Ghi chú: Tuy đã tị nạn sang Hoa Kỳ, nhưng bà con Đạo Cao Đài vẫn tiếp tục "hối lộ" tôi qua những lần tham dự các buổi lễ lạc tại Thánh Thất hay Văn phòng Châu đạo. Sau mỗi buổi lễ đều có khoản đãi ăn trưa cho tất cả.  Nhưng sau đó, các bổn đạo trong nhà bếp vẫn thường hay gói một vài thức ăn mang đến tận tay để tôi mang về. Xin cám ơn các sư tỷ, sư huynh đã trọn vẹn ưu ái cho một người con có một "nửa" Tây Ninh nầy.

 

 

 

 

 

 

//////////////////////////////////////////////////