Thực Phẩm Độc Hại - Viễn Đông

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết tại nhà riêng cuối tháng 6, 2010 (ảnh Phụng Linh/Viễn Đông).

 

Phóng sự

Nên hay không, thực phẩm Trung Cộng trên bàn ăn của chúng ta?

- Phụng Linh/Viễn Đông (thực hiện)

 

 

Kỳ 3:

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết lên án gian thương, khuyên người tiêu thụ "nên có một vườn rau sau nhà"

 

 

(Lời tòa soạn: Những năm gần đây, người Việt hải ngoại liên tục gửi email cho nhau rất nhiều thông tin nói về sự độc hại của thực phẩm nhập cảng từ Trung Cộng và Việt Nam. Lời cảnh cáo này chỉ dừng lại ở tình trạng "nhắc nhở, nhắn nhủ" nhau, xem như ai "cảm thấy sợ thì tự nguyện không dùng; ai không sợ thì ăn xài thoải mái". Trong khi đó, các chợ – đặc biệt là chợ Việt ở vùng Orange County, Nam California, bày bán tràn lan thực phẩm "Made in China" và "Product of Việt Nam".

Trong bài phỏng vấn này, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đưa ra nhiều nhận định của riêng ông về độ an toàn thực phẩm. Ông hiện là Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Nghiên Cứu Kỹ Thuật Khoa Học Việt Mỹ)

 

Viễn Đông: Là một trong những nhà hoạt động bền bỉ vì môi trường – môi sinh, ông chú ý đến vấn đề gì trong những hoạt động gần đây?

 

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Cuối năm nay, tôi sẽ phát hành cuốn sách "Những vấn đề môi trường và phát triển", nhắc lại tình trạng môi trường ô nhiễm trầm trọng tại Việt Nam, từ không khí, đất đai và trầm tích, nguồn nước mặt và nước ngầm cho đến thức ăn. Hóa chất tràn lan trong thực phẩm, rau cải và "đồ hàng bông", trái cây làm gia tăng bệnh ung thư về đường tiêu hóa. Người sản xuất bỏ hóa chất vào thực phẩm để đạt được lợi nhuận tối đa mà không lưu tâm đến những di hại cho sức khỏe của người tiêu thụ. Đó là hàn the (borax) trong bánh tráng, bún, miếng, phở, hủ tiếu, chả lụa, chả quế, thịt cá để lâu ngày; sulfite dùng để bảo quản các loại cải sà lách, táo, bánh nướng, súp, jambon, rau cải, đậu hộp, dưa chua, trái cây khô, rượu bia, khoai chip, nước trái cây, nước táo, chanh, trà, tôm đông lạnh; 3-MCPD dùng để sản xuất xì dầu; formol dùng trong rượu, tẩm lên bánh phở; urea, nitrit, nitrate để bảo quản tôm, cá, mực thay nước đá, pha vào nước mắm để làm tăng độ đạm. Nitrite làm trái cây, rau đậu tươi xanh là mầm mống của ung thư, nhất là bao tử và ruột già; chì, thủy ngân, arsenic để bón phân và bảo vệ thực vật; calcium cardide hay khí đá dùng để "vú" trái cây, làm chín sau vài giờ ngâm với nước loãng.

 

Viễn Đông: Ông lưu tâm điều gì liên quan đến thực trạng thị trường thời gian qua?

 

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Trước kia, bánh tráng Việt Nam có màu ngà và hay bị bể dòn. Sau này, người ta dùng borax và hóa chất tẩy trắng để làm bánh tráng trắng phau, và dai, không bể, dòn. Cách nay 2 năm, Anh quốc và Bỉ đã trả về xì dầu nhãn hiệu Chin Su của Liên doanh Chế biến Thực Phẩm Việt Tiến (VITEC Food) vì lượng hóa chất cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Theo tin mới nhất, Trung Cộng làm giả nước mắm hiệu Việt Hương sản xuất tại Thái Lan để xuất cảng đi các nước vì người Việt hải ngoại ưa xài. Nước mắm này được chế biến bằng màu và mùi hóa học, không hề có bóng dáng của cá hay mực. 

Trung Cộng còn dùng chì, thủy ngân, arsenic giữ màu cho sành, sứ tráng men và áp dụng phương pháp thổi khói xe vào phòng kín chứa cây trái hay các hạt sấy khô thay vì dùng hệ thống hút nước và hơi nóng sấy khô thực phẩm. Vì vậy, trà, tiêu, các loại củ hay trái cây khô của Trung Cộng đều có chứa chì và thủy ngân.

Tôi khuyên cô bác đừng thấy rau, củ quả ngon mà ham. Hãy lựa những trái khổ qua, củ cải trắng, cà rốt bị đèo. Người trồng trọt xứ mình chỉ ham trồng rau, củ, quả to bự, cân nặng ký, bán có giá, mặc sức tống hóa chất vào. Đó là thuốc diệt cỏ, trừ sâu rầy, thuốc trừ nấm mốc v.v..

Hàng Trung Cộng tuồn vào Việt Nam như đậu ve, cải ngọt, dưa leo, rau ngót, cà rốt chứa nồng độ Monitor rất cao. Họ còn dùng hóa chất này ướp heo, bò, gà vịt, mực, tôm, cá… để giữ cho tươi. Mới đây, có một bà ở Việt Nam gửi cho tôi một túi tiêu, phân tích cho thấy lớp ngoài của tiêu là bột và… xi măng.

 

Viễn Đông: Ông có hay đi chợ, thưa ông?

 

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Thỉnh thoảng tôi cũng đi chợ nhưng không như các bà nội trợ đi chợ để mua hàng mà để quan sát một số mặt hàng nhập cảng từ Trung Cộng và Việt Nam. Các số từ 694 đến 702 – 703 là hàng Trung Cộng và Việt Nam. Bà con thích món ăn quê hương thịt cá, nghêu sò ốc hến… đặc biệt là trái cây của Trung Cộng và Việt Nam xin hãy cẩn thận.

 

Viễn Đông: Thưa, ông nghĩ gì về nhiều loại thực phẩm bán ở các chợ ghi "packed in USA" được bày bán ở các chợ ngày càng nhiều trong thời gian gần đây?

 

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Chúng ta cần phân biệt thực phẩm "Made in USA" và "Packed in USA". Có một số thực phẩm được sản xuất từ Trung Cộng, VN đến một nước thứ ba, và từ nước thứ ba đó chế biến sơ lại rồi xuất cảng qua đây. Số hàng hóa này được nhập kho với khối lượng lớn ở Los Angeles rồi vô bao bì ghi "Packed in USA". Như vậy, hàng hóa đó là hàng gốc từ Trung Cộng, Việt Nam và Đài Loan. Có thể nói rằng kể từ giờ phút này, chúng ta không thể nào phân biệt hàng nào sản xuất từ Trung Cộng, Việt Nam và Đài Loan.

Cách nay hơn 1 tháng, chính Quốc hội Đài Loan đã phản đối việc Trung Cộng chuyển trà thô bị ô nhiễm thuốc sâu rầy trong lòng đất sang Việt Nam để từ Việt Nam đưa sang Đài Loan, biến thành những hộp trà cao cấp có giá trị gấp trăm lần. Biết người tiêu thụ không muốn ăn tiêu của Việt Nam, giới thương gia nhập tiêu Việt sang Đài Loan để từ Đài Loan xuất cảng sang Mỹ.

 

Viễn Đông: Thưa ông, như vậy chẳng khác nào chúng ta bỏ ngỏ thị trường để ai muốn nhập gì thì nhập vào trong nước?

 

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Về nhân sự, Cơ quan Kiểm Soát Thực Phẩm Hoa Kỳ - Food and Drug Administration (FDA) không có khả năng kiểm soát tất cả hàng hóa, thực phẩm từ Trung Cộng và Việt Nam, mà chỉ có thể kiểm soát tổng lượng khoảng 1%. Mỗi thùng được kiểm soát hàng trăm, hàng ngàn nguyên liệu thực phẩm nếu bị khám phá không đủ tiêu chuẩn an toàn thì trả lại, có nghĩa là chỉ có 1% bị trả về, còn lại 99% kia vào Mỹ. Người Việt Nam có tâm lý "thèm" món ăn quen thuộc của quê nhà sẽ trở thành nạn nhân. Xin hiểu rằng chúng ta tẩy chay hàng Trung Cộng hay Việt Nam không phải vì hận thù mà chính vì những thực phẩm đó bị nhiễm độc. Ăn vào thực phẩm độc hại đó là tự đầu độc mình.

Tôm Việt Nam đông lạnh được nhập cảng sang đây, chưa nói đến việc nó đã bị nhiễm độc hay không, được gian thương ở đây xả đá, cho vào bịt nylon đưa ra bán ở siêu thị, khiến chúng ta không biết xuất xứ từ đâu. Tôm đã được xả đá rất dễ bị nhiễm trùng.

Tại sao biết như thế mà chúng ta vẫn chấp nhận ăn hàng bị nhiễm độc?

 

Viễn Đông: Vậy ai chịu trách nhiệm về những mặt hàng bị nhiễm độc như thế, thưa ông?

 

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Thực tế là FDA không có khả năng kiểm soát tất cả các loại hàng hóa nhập cảng, chỉ có thể kiểm soát không tới 1% khối lượng đó thôi.  Họ chỉ có thể tịch thu mặt hàng kiểm soát được. Họ có thể khám phá nước mắm Việt Hương giả, nhưng nước mắm Trung Cộng từ San Francico đưa vào chợ thì làm sao? Theo tôi, chúng ta nên chia sẻ trách nhiệm và cùng chịu trách nhiệm với FDA. Và vì lẽ đó mà cộng đồng Việt Nam chúng ta phải hết sức cảnh giác.

 

Viễn Đông: Nỗi khổ của người tiêu thụ hiện nay là không nhận biết được thật hay giả. Nếu biết thì tẩy chay, không mua, không dùng, nhưng không biết thì làm sao đây, thưa ông?

 

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Tốt nhất là tránh xa. Có người biết cà phê Trung Nguyên nhiễm melamine bày bán đầy dẫy mà vẫn mua. Biết tôm nhiễm trùng mà vẫn mua sao? Thực tế rành rành thế này: con ốc len nhập cảng từ Việt Nam sang Mỹ, để năm này tháng kia mà không bị mốc meo tức là có tẩm hóa chất. Điều đó ai cũng biết. Vậy tại sao chúng ta vẫn ăn ốc len Việt Nam? Có người còn nói ăn "chút xíu, lâu lâu ăn một lần không sao". Chúng ta ăn mỗi lúc một "chút xíu" nhưng chất độc tích tụ từ từ vào gan, vào hệ tiêu hóa, đến một ngày lượng tích tụ đó đủ cao thì chúng ta ngã bệnh. Khi đó, coi như… xong rồi. Có những cái chết đến dần mòn, hậu quả có thể đến sau 5  -10 năm, chính vì vậy mà chúng ta thường hay lơ là, không lưu ý tới sức khỏe của mình.

 

Viễn Đông: Ông có thể cho người tiêu thụ thích dùng rau tươi một lời khuyên?

 

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Người nông dân Việt Nam xịt thuốc diệt cỏ, chất tăng trưởng với hàm lượng cao kích thích tế bào tăng trưởng mau để các loại rau đậu, củ từ dưa leo, khổ qua, rau muống to trái, lớn củ. Một số chợ ở Hoa Kỳ cũng bán nhiều loại rau to lá, lớn củ. Tôi không dám khẳng quyết các loại to củ là có hại nhưng xin đưa hai hình ảnh để cô bác so sánh. Các loại cây húng quế, rau dấp cá, ngò… mà chúng ta trồng ở vườn sau có lá nhỏ, không đẹp bằng cọng bán ngoài chợ, nhưng lộ ra mùi hương thơm ngát trong khi rau chợ tươi tốt thì lại không. Tôi không dám kết luận, xin để tùy quý vị nhận định. 

Nhân đây tôi cũng xin kêu gọi lương tâm, đạo đức ở giới thương mại. Làm ăn thì phải có lời nhưng xin làm đúng lương tâm nghề nghiệp, đừng trở thành gian thương lợi dụng kẻ hở mà qua mặt chính quyền sở tại. Sự thật đã có những công ty ở Hoa Kỳ sơ suất làm hại sức khỏe người tiêu thụ, như vụ công ty Tây Hồ thu hồi chả giò, thịt bò vò viên; công ty Daniel của Mỹ thu hồi 14,000 bao xúc xích có tiêu nhập cảng từ VN bị nhiễm salmonella.

 

Viễn Đông: Phải chăng ông khuyến khích mỗi gia đình chúng ta nên có một "vườn rau sau nhà" để giữ an toàn cho bữa ăn của mình?

 

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Một "mảnh vườn quê hương" không chỉ an toàn mà còn là niềm vui, yếu tố tâm lý tinh thần có lợi sức khỏe. Thế thì tại sao không?

 

Viễn Đông: Thưa, ông có thể tiết lộ cho biết, ông và bà dùng gì trong những bữa cơm thường ngày?

 

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Chúng tôi ăn thịt trắng như thịt gà nhưng rất ít, và dùng nhiều rau. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng đi ăn ngoài cũng chỉ ăn tiệm Mỹ vì dù sao cũng còn có niềm tin. Tôi thấy chúng ta ăn mỗi ngày rất ít tôm cá, sao không tới chợ Mỹ mà mua?

 

Viễn Đông: Xin cám ơn ông đã dành thời gian quý báu cho bài phỏng vấn này.

 

 

//////////////////////////////////////////////////